NGÀY CỦA CÁC ÔNG BÀ LÃO - Vũ Đăng Khuê

25 Tháng Chín 202210:09 CH(Xem: 601)


Ngày của các ông bà “lão”! (敬老の日)

Vừa viết xong một bài về “Tết của các trẻ em, Kodomo no hi” 11/9, thì nhận được một mail riêng từ một ông bạn nhắc nhở là chỉ còn vài ngày nữa là “Keiro no Hi”  (敬老の日) và yêu cầu viết một bài. Ngẫm nghĩ một hồi,lại vừa được “hưởng” 1 tô thì tôi… “Ừ” và …. thế là viết.

“Keiro no Hi” 敬老の日“dịch sát nghĩa thì là “Ngày Kính Lão”, năm nay vào ngày thứ hai 19/9. Trước khi vào chi tiết giải thích xin đi một vòng về mấy vụ “Kính” gì đó cho có đầu có đuôi.

“Kính Lão” mang nhiều nghĩa được nhìn từ….nhiều góc độ khác nhau.

1/ (Rogan-老眼) là một loại Kính Lão dành cho người già cả đeo vào khi mắt đã kèm nhèm, đọc báo hay xem TV thì “chỉ thấy một chân trời tím ngắt”.Mình cũng có sẵn 2 cái với độ 1 và 2. Vào trong các văn phòng quận hành chánh làm giấy tờ, ngân hàng….thế nào cũng có môt hộp đựng đôi ba cái dành cho các cụ.

Khám mắt


2/ (Kính Lão Đắc Thọ- 敬老得寿).Từ lúc vào trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) thì lại được học thêm 4 chữ này,có nghĩa là phải “Kính Lão” (kính trọng các bậc trưởng thượng, các cụ) thì mới “Đắc Thọ” (được sống lâu như các cụ). Hơn nữa với tuổi đời …chồng chất, trải nghiệm nhiều hạnh phúc cùng lúc với đau thương thì cái gì mà các cụ chả biết. Dạ vâng, chúng cháu xin một lòng một dạ nghe theo nhưng….trừ trường hợp "Kính Nhi Viễn Chi - "敬而遠. Nghe nói 4 chữ này có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong "Luận ngữ - Ung dã" (論語·雍也):

Nguyên nghĩa bên đó thế nào thì tôi không biết nhưng theo tôi hiểu cách rất Việt Nam thì thường được dùng trong các trường hợp ….kiêng dè, mỉa mai, châm biếm: Bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó;  Đơn giản hơn nữa: Dạ vâng, tôi nghe các cụ nói cho… qua chuyện, chứ không làm theo các cụ đâu. “Kính Lão Đắc Thọ” nhưng vẫn phải đề phòng “Kính Nhi Viễn Chi” nhé bạn ta.

Có thể kết luận là mấy loại “Kính” phía trên chả có chút gì liên quan đến “Ngày Kính Lão – 敬老の日”cả! và đây nè….

 

NGÀY KÍNH LÃO Ở NHẬT BẢN

 

(Tham khảo và tổng hợp trên các tài liệu của bác Google, chứ không phải của tôi nghĩ ra đâu đấy, tôi chỉ thêm một chút “gia vị” cho đủ mùi vị thôi).

Ngày Kính Lão (Keirō no Hi) là ngày lễ được tổ chức hàng năm ở Nhật Bản nhằm để mọi người tôn vinh kính trọng những người cao tuổi trong xã hội.

Dịch cho dễ hiểu là “Ngày dành cho Các Cụ”. Quân ta đã nghe và “hưởng” rất nhiều ngày loại tương tự: Ngày của Bố, Ngày của Mẹ, rồi Ngày của các trẻ em”, Ngày của Phụ Nữ ….và còn nhiều lắm. Nhưng có 2 loại “Ngày của….” này, 1 loại thì lịch đỏ (ngày quốc lễ), còn 1 ngày thì lịch đen (ngày thường). “Ngày dành cho các Cụ” thì được xếp vào ngày lịch đỏ, năm nay là ngày thứ hai 19/9.

 

* Tại sao có ngày Kính Lão?

Có giả thuyết cho rằng làng Nomadani (tỉnh Hyogo) là nơi "Ngày Kính Lão" ra đời. Vào năm 1947, những người đứng đầu làng chọn ra một ngày đặt tên là "Ngày Dân gian truyền thống" để nhắc nhở mọi người trân trọng tưởng niệm công ơn các ông già bà cả trong làng - những người miệt mài truyền bá kiến thức làm nông lưu giữ cho con cháu đến muôn đời sau. Từ đó trở đi, ý nghĩa về ngày này lan rộng khắp Nhật Bản và chính thức trở thành ngày Kính Lão.

keiro hi

 Theo Luật Phúc lợi Xã hội Nhật Bản, đối tượng từ 65 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi (高齢者). Do vậy, nhiều người nghĩ rằng ngày này dành cho ông bà, trong khi nhiều người lại cho rằng ngày này dành cho những ai trên 60 hoặc 70 tuổi. Thực ra, không có giới hạn độ tuổi cho đối tượng được tôn vinh trong ngày Kính Lão tại Nhật. Vì thực tế thì từ bao nhiêu tuổi trở lên cũng không quan trọng đến vậy, quan trọng đây là ngày mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người lớn tuổi, thế hệ đi trước chúng ta.

 

** Tại Nhật, mọi người thường làm gì trong ngày Kính Lão?

 

Cũng như các ngày lễ kỷ niệm khác, ngày Kính Lão cũng được xem là ngày lễ truyền thống tại Nhật. Tuy nhiên, so với các ngày lễ khác như Tết thiếu nhi, ngày Kính Lão là ngày lễ khá mới, chưa có nhiều tập tục truyền thống. Trong ngày Kính Lão thường mọi người sẽ về quê hoặc đến nhà thăm bố mẹ để thăm viếng, bày tỏ tình cảm, sự biết ơn các đấng sinh thành, sau đó cả gia đình sẽ có bữa tối quây quần bên nhau. Ngoài ra mọi người cũng sẽ gửi biếu quà cho ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi,... Tại Nhật, nhiều trung tâm thương mại sẽ bày bán các gói, hộp quà trang trọng dành cho người lớn tuổi vào mỗi đợt tháng 9 hằng năm. Những món ăn ngon, những chai rượu,... cũng là lựa chọn quà tặng hợp lý và ý nghĩa trong ngày Kính Lão. Trong những năm gần đây thì các sản phẩm điện tử, đặc biệt các dụng cụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến giúp tăng thêm phần đa dạng cho sản phẩm quà tặng. Hay đơn giản là tấm lòng, mọi người có thể tặng một bó hoa, tự tay nấu một  mâm cơm gia đình để ông bà, cha mẹ ấm lòng và cùng thưởng thức.


bánh kính lão   quà kính lão


Quà tặng không hề có quy chuẩn! Miễn là những món quà đấy xuất phát từ trái tim chân thành, lòng biết ơn tôn kính tình yêu thương của bậc con cháu dành cho ông bà, cha mẹ.

Tại một vài tỉnh thành quận các lứa tuổi 75, 80, 85, 90 sẽ được nhận chút quà từ chính phủ, có thể là bánh ngọt, một chút tiền để các cụ cất để dành rồi cuối cùng các cụ để đâu cũng ….không nhớ.

quà kính lão 1

 

Vừa qua, Đài truyền hình NHK đã trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết, có khoảng 90 nghìn người trên 100 tuổi. Đây là con số cao kỷ lục, đã tăng hơn 6.000 người so với năm ngoái và duy trì xu hướng tăng trong 51 năm liên tiếp.

 

Hiện Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của nữ giới tại Nhật Bản là 87,74 tuổi và tuổi thọ trung bình của nam giới là 81,64 tuổi   

 

Viện nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản cho biết người già nước này sẽ chiếm tới 30% dân số vào năm 2025 và tới 35,3% vào năm 2040.

 

Trước tình trạng lão hóa dân số nghiêm trọng, các lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động đến từ khu vực Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nhiều ngành nghề công việc tại Nhật, như: Kaigo – Chăm sóc người cao tuổi, Xây dựng, Nông nghiệp, Chế biến thực phẩm, Cơ khí – chế tạo máy… Số lượng người Việt Nam theo đuổi các ngành nghề này đã lên đến con số gần nửa triệu (500,000), con số khá cao hay cao quá so với thập niên 90 chỉ 10,000 người.

 

Ở Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều dịp lễ để bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ như:

  • Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10 hằng năm)
  • Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu (rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm). Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt. Với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

 

Trước ngày dịch bệnh Cô Vi bùng phát thì những ngày trong tuần lễ này được gọi là “Tiền Tuần Lễ Bạc”, vì sẽ được nghỉ 3 ngày liên tiếp, rồi đến thứ sáu 28/9 (Ngày lịch đỏ Thu Phân) thì được gọi chính thức Tuần Lễ Bạc vì “Anh mong chờ Mùa Thu và Mùa Thu đã đến đây rồi”  còn tháng 5 có “Tuần Lễ Vàng” nghỉ được 5 ngày. Suốt 2 năm nay, thì chả có Tuần Lễ Vàng-Bạc gì cả, vợ chồng con cái ngày ngày….chạm mặt nhau trong cái nhà nhỏ xíu, chồng rảnh rỗi “dzô” tối ngày, vợ bất bình lại không còn dịp đi shopping mua đồ nửa giá, big sale sinh ra stress, tranh cãi, ấu ó nhau, thiệt tình. Cũng may nhà người viết không bị “thảm họa” này, vì không lẽ khiêng cả một dàn máy vẽ CAD hay dàn máy lắp ráp “linh kiện điện tử” về nhà để làm à. Nói tóm lại là không phải “làm việc ở nhà” mà phải đến tận nơi tận chốn với võ trang đầy đủ, khẩu trang, màng theo bình xịt trừ vi khuẩn cầm tay. Cũng vì thế, thiên hạ chỉ mừng “Ngày Kính Lão” qua các màn hình laptop….

Nhưng mấy năm nay, qua một thống kê thì chỉ có khoảng trên dưới 30% nhớ đến ngày này.

-------.

Năm nay tuổi của tôi đã bắt đầu từ con số 7, không biết mình là “Lão hay Cụ”?  vì chả thấy có quà, có cáp gì cả. Cậu Cả và cô Con Gái vừa cho quà vào “Ngày Của Bố” xong, không lẽ lại phải cho nữa. Theo tiêu chuẩn tuổi từ 65 (高齢者)trở lên là tuổi về hưu, tuổi cao niên, tuổi già, tuổi ưu tiên chích vaccin corona, tuổi đủ tư cách lãnh tiền hưu, cố thêm đến 70 thì lãnh nhiều hơn nữa. Nhưng với số lương hưu dù ít nhưng đã đủ xài, không có nhu cầu gì để “Mua Văn Sắm”. Suốt ngày ở trong nhà không đi đâu và cũng biết làm gì thì đâu có cần tiền nữa?Thấy mấy ông bạn cùng tuổi hay đi đây đi đó, làm đủ mọi chuyện thấy mà ham, và tự mình đã nghiệm ra một chân lý: “nằm không ở nhà là một điều bất hạnh”, khác với suy nghĩ cổ  xưa: “Già rồi nghỉ cho khỏe.”

Trở lại và nghĩ thêm một chút nữa về chuyện “Cụ hay Lão”: mình chưa có cháu, nội, ngoại thì chắc là không nhận được “quà” chăng? Lúc có cháu chít thì mình sẽ được hiểu ngầm gọi bằng Cụ. Khi tái ngộ với gia đình 40 năm về trước, mọi người đã gọi bố tôi bằng Cụ, nhưng bây giờ tôi cũng bằng tuổi Bố tôi ngày trước nhưng lại được gọi thì là Bác, Chú, Anh…..

Năm 2012, trong c/t văn nghệ của club Litte Saigon có mời Thiên Kim sang hát, Huy giữ vai đệm keyboard, Trước khi lên sân khấu tôi có dặn dò Thiên Kim vài điều, cô ấy trả lời: “Dạ con đã biết”. Cô ấy gọi Huy bằng Anh, còn gọi tôi là Chú, sau đó cô “quay xe” gọi tôi là “Anh” vì theo diễn giải của giới nghệ sĩ thì chỉ có Anh, Chị và Em chứ không Cụ, Bác, Chú gì ráo cả. Tôi hoang mang, dù chỉ trong vài tiếng đồng hồ mà “Con” thành chữ “Em” ngọt sớt. Biên giới chữ nghĩa ….quả tình mong manh quá. Thế là có một bà Sơ ở Việt Nam “bình”: “Anh còn “trẻ” mà”! Đang sướng rên thì lại có một bà: “Ông ơi, ông không trẻ ngay lúc còn trẻ nên biên giới già-trẻ mong manh lắm”.  Trời ơi, đã hoang mang lại hoang mang tiếp.

Nhớ có năm Giỗ Tổ Hùng Vương vài mươi năm trước, vai Tế Tổ thường được giao cho 3 ông già có tuổi, trong đó bố tôi là 1. Năm đó một ông bị đau chân không quỳ và vái được. Tôi vội kéo ông Tổng Thư Ký Hiệp Hội khoảng trạc tuổi tôi (năm mươi mấy) thay thế. Ông này nhăn mặt, lắc đầu lia lịa, tôi năn nỉ và cuối cùng ông cũng phải nhận lời và từ đó ông mang luôn chức Cụ, vì trong lời giới thiệu có câu giới thiệu; “Xin mời ba cụ lên dâng hương tế tổ”.Ông này không biết đã lên Cụ thực thụ chưa hay vẫn cứ dở dở ương ương giống tôi, chưa có cháu để bồng để bế. Còn mấy ông bạn cùng trang lứa khác hay “trêu” thiên hạ về mức “trưởng thành” hàng ngày hàng tuần của cháu nội, cháu ngoại qua các hình ảnh đầy rẫy trên chung cư Phây. “Ứa Gan” thiệt.

Tôi cũng có bà bạn cùng tuổi, bà có cháu ngoại rồi. Tôi hỏi thăm:

-        Cụ khỏe không ạ?

-        Cụ nào ạ? Cụ Con hay Cụ Bố?

-        Cụ Bố chứ.

-        Vẫn khỏe ạ!

-        Không lẽ mình gọi nhau bằng Cụ Úc hay Cụ Nhật?

-        Dài quá, mình gọi là Bác đi.

Thế là tụi tôi “thống nhất” xưng với nhau thành “Bác” và cả 2 đều miên man đến thời… tuổi trẻ:

 Phải đó chúng ta còn rất trẻ!

Mới hôm qua ta nuôi mộng vá trời

Dẫu cho nay thế sự có tơi bời

Niềm tin vững và tim tràn nhiệt huyết

Còn rất trẻ vì tuổi ta cộng lại

Vẫn thua xa tuổi tác của đất trời!

…..

(thơ của Một Exryu 73)

Thật đấy, tâm hồn tôi và Bác ấylúc nào cũng in chang như tâm trạng trước tháng 4/75 vậy, vẫn trẻ, vẫn sinh động của những ngày mà chỉ có một nhúm, mặt còn hôi sữa dám làm chuyện ….xây lâu đài trên cát.

Soi gương thì thấy mình già!

Soi lòng thì thấy mình còn trẻ trung.

Nói tóm lại là chúng tôi không cần nhớ và cũng chẳng cần nhận quà của Ngày Kính Lão vì

“Oretachi mada wakai da ze”(Tụi tui còn rất trẻ)!

Xin phép chấm dứt bài viết ở đây vì đến đây đã đủ.

Mata!

V.Đ.K

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc