THƯƠNG HẢI THẢO ĐIỀN - Trần Thụ Ân

16 Tháng Chín 20227:52 CH(Xem: 1407)
Hino


Thương hải thảo điền (蒼海草田)


Thành ngữ “Thương hải tang điền” 蒼海桑田 (biển xanh ruộng dâu) thường được dùng khi diễn tả một nơi chốn nào đó đã thay đổi khác xa ngày xưa, đến đổi như biển xanh biến thành ruộng dâu.

Và điều đó hoàn toàn đúng với trại tị nạn Hino khi một số anh em vừa có dịp trở lại đây và ghi lại những hình ảnh đổi thay này.

Từ biển xanh vào bờ tạm trú
Nơi một thời ăn / ngủ / học Anh Văn
Mấy mươi năm trở lại thăm
Ruộng cỏ lênh láng / biệt tăm bóng người...

Nếu Bà Mariko nhìn thấy cảnh này chắc Bà phải rơi nước mắt?

Hơn 45 năm trước, chính xác hơn, ngày 12 tháng 5 năm 1977, chính bà, với tư cách là người điều hành trại, cùng với nhiều tín đồ Tenrikyo khác đã dọn dẹp sạch sẽ nơi này để đón 37 người Việt Nam. Đây là một phần đất rộng lớn phía trong cùng của chùa Hino Daikyokai (Đại Giáo Hội). Trại tị nạn Hino, thuộc tỉnh Shiga, Japan chính thức hình thành từ ngày đó.

Lần lượt nhóm 2, nhóm 3... vào trại; ra đi từ Phan Thiết, từ Nha Trang, từ Qui Nhơn, từ Vũng Tàu, từ Cam Ranh, từ Vĩnh Long, từ Sài Gòn... 

Cho tới ngày đóng cửa, trại đã mở rộng vòng tay tiếp nhận được 373 người gồm 21 nhóm.

Khoảng cuối năm 1977, với bốn nhóm đầu tiên, số người tị nạn có mặt ở trại đông nhất, lên đến 101, kể cả ba em bé được sanh ở đây.

Với sự giúp sức của tất cả anh em, trại càng ngày càng khang trang hơn rất nhiều so với những ngày đầu tiên. Mình đã tạo được một miếng rẫy ngon lành. Đây là công sức đặc biệt của anh M., đại diện của nhóm 1. Khi vô trại vài tuần anh đã xin một miếng đất hoang, bề dài khoảng 30 mét, bề ngang khoảng 10 mét, phía dưới trũng, gần dãy nhà đang ở, để trồng trọt. Cùng với ông Hirata và anh em khác, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm anh đã xuống đó rẫy cỏ, đào mương, gieo hột, tưới nước...

Thật ra anh M. không phải làm nghề nông, nước da đồng đen của anh chính là những vết màu của nắng tô đi tô lại qua từng tháng ngày lênh đênh trên biển, và chắc là những lần vất vả với những mẻ lưới đầy cá đã để lại vài nếp nhăn trên cái trán rộng kia, mặc dầu anh chỉ mới 37 tuổi đời.

Không ngờ anh đi đánh cá chuyên nghiệp mà cũng sành sõi việc ruộng rẫy; nhờ vậy chẳng bao lâu mình đã có rau cải, khoai tây, tỏi, ớt... đủ cung cấp cho nhà bếp.

Thật đáng tiếc, mấy năm trước, anh M. đã ra đi vĩnh viễn, không còn dịp thấy lại hình ảnh này của Hino.

Năm 1979, trước khi những cơn gió lạnh buốt ào ạt đến ngọn đồi mà trước đây không lâu vắng lặng người lui tới, mình được kêu đi mót lúa ở khoảnh ruộng ngay trong chùa. Ngày hôm đó, trong cái không khí trong lành của Hino, bên những cơn gió mát mẻ đầu mùa thu, hầu hết mọi người trong trại, già trẻ, bé lớn, trai gái chung sức gặt, hái; vừa cười nói huyên thiên vừa hăng say làm việc nên chỉ tới chiều là xong. Mệt thì có mệt nhưng không ngờ được cả một tấn lúa, từ đó mình không phải mua gạo nữa.

Ngoài hai dãy nhà để ở, một căn phòng rộng lớn được dành làm lớp để học Anh Văn chuẩn bị cho việc đi định cư ở quốc gia thứ ba. Đôi khi lớp tiếng Nhật cũng được yêu cầu để anh em có thể giao thiệp sơ sài với người bản xứ.

Thật cám ơn ông Carey, ông Roy, bà Barbara, ông Sasaki, ông Kokugi ... từ Osaka, Kyoto hay Tenri mỗi cuối tuần đều tới rất sớm để dạy Anh Văn, nhiều khi đám học trò vẫn còn ngủ say sưa hay đang trằn trọc với nỗi sợ hãi của chuyến vượt biên còn đọng lại trong tâm tưởng.

Phòng này cũng được dùng làm phòng họp khi có đông người, và là nơi đón người tới, chỗ tiễn kẻ đi. Cạnh đó, trên gác, một phòng nho nhỏ chừng ba chiếu (khoảng 5 thước vuông) được dọn dẹp sạch sẽ để làm một thư viện với vài cuốn sách tiếng Việt, tiếng Anh, vài quyển manga (cartoon) của Nhật; nhưng chính những cassette nhạc Việt Nam mới làm “nỗi buồn gác trọ” lên ngây ngất vì nỗi nhớ quê hương...

Giữa hai dãy nhà để ở là một khoảng đất trống thật rộng nên vào một ngày đẹp trời đầu năm 1978 anh em đã làm một sân bóng chuyền. Không nhớ từ đâu mà tấm lưới nhà nghề được dùng nên đã mời mọc anh em mỗi ngày đều ra sân không ngại sương gió, đôi khi cả tuyết nữa; nhờ vậy nên lúc nào cũng cơm ngon, canh ngọt.

Sân đúng tiêu chuẩn về kích thước, nhưng mặt đất đầy sỏi cát nên khi có trận thư hùng nào đó thì bên thắng trận chắc cũng mang về ... chút máu hay vết bầm trên tay chân.

Gần một năm sau mình cũng xin được một bàn ping pong để anh em, nhất là mấy cô, có dịp tập thể thao một cách nhẹ nhàng hơn. Nhờ có bắt vài bóng đèn neon nên nhiều đêm vẫn còn nghe tiếng lắc cắc vọng đi từ đây đuổi theo tiếng gió vi vút trên không.

Có lẽ trong tất cả những hoạt động ở trại, mấy lần làm tiệc Tết là những thành quả để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất cho Tenrikyo và người Nhật địa phương. Để đủ chỗ cho mọi người trong trại và khách mời mình đã mượn căn nhà dùng để chứa quần áo cũ mà người ta gửi đến cho, để làm tiệc. Phòng này chắc cũng chứa được gần 200 người.

Để có nước mắm hai người phải đi tới tận Kobe để mua, phải đổi ba chuyến xe điện và đi gần nửa ngày. Các em thì siêng năng tập dợt múa ca trước cả mấy tuần và mấy em bốn, năm tuổi cũng đòi tham gia.

Các anh sinh viên được mời tới để giúp đánh đàn, trang hoàng, viết băng biểu ngữ (banderole) tiếng Nhật...đặc biệt anh Nguyễn Đình Cẩm, tuy là em út trong nhóm sinh viên du học ở Nhật, lại có nhiều biệt tài. Anh vừa giới thiệu chương trình, vừa đánh đàn, vừa khôi hài lưu loát bằng cả bốn thứ tiếng (Việt, Nhật, Anh, Hoa) đã làm buổi tiệc thêm vui nhộn, ấm áp hơn giữa không khí lạnh lẽo của mùa đông Hino.

Xin được đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến anh Cẩm, người đã ra đi vĩnh viễn vào năm 2018 ở Tokyo.

Múa Hai Bà Trưng


Màn vũ “Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán” có lẽ là màn trình diễn hay nhất vì các em bảy, tám tuổi nét mặt còn ngây thơ vừa múa vừa đánh kiếm thật tài tình,vì trang phục giống như thời xưa được may cắt vừa vặn, nhưng trên hết vì đã giới thiệu được tới người Nhật nét hào hùng của lịch sử Việt Nam.

Hai em đóng vai Hai Bà Trưng hiện thời đã đổi sang một chiến tuyến khác; một em đang giúp những người đau yếu chiến đấu với bệnh tật qua tư cách một bác sĩ, em kia không còn sử dụng thanh kiếm cây nữa mà bây giờ đang dùng lưỡi gươm công lý vạch trần ra sự thật để cứu người hoạn nạn trong thiên chức luật sư của mình.

Bây giờ nhìn cảnh cũ chạnh nhớ tới người xưa... Ai còn ai mất và đang ở nơi nào?

Hino chốn đó giờ đây
Không người lai vảng đã đầy cỏ hoang

Đúng là “ thương hải thảo điền”, 蒼海草田, biển xanh ruộng cỏ...

(9/2022)

Trần Thụ Ân



Ý kiến bạn đọc
30 Tháng Chín 20222:19 CH
Khách
Cám ơn Cindy nhiều.
24 Tháng Chín 20224:47 CH
Khách
Con chào chú thím khi con đọc bài chú gửi cho con! Con rất xúc động chúng con có được một người cha tốt lúc nào cũng bảo bọc anh chị em con khỉ đi biển có cá ngon là đem về Tư tay mình làm nấu cho anh chị em con an, Ba con hồi nhỏ cũng làm rẫy đó Chu mới đây mà đã 45 năm. Còn Ma con là một người mẹ gương mẫu kho tìm được thôi thì ai cũng phải ra đi! Không sớm thì muộn con xin chào tất cả mọi người đã chia sẻ và hâm mộ người cha quá cố của chúng con ? Chúc cho mọi người thân tâm được an lành, con xin chào chú thím.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc