NÓNG - Vũ Đăng Khuê

08 Tháng Bảy 20228:56 CH(Xem: 715)

“Nóng”!

Theo định luật tự nhiên của đất trời thì mùa hè là phải... nóng, tuy nhiên trong những thập niên gần đây, từ lúc quả địa cầu bị luồng khí thải CO2 dần dần bao phủ do kỹ thuật khoa học ngày một tinh vi, cuộc sống cho dù có tiện lợi hơn, chẳng hạn như chuyện mỗi nhà “trang bị” một vài máy lạnh đã là chuyện bình thường, bầu trời vốn đã “hâm hấp” nay lại thêm “hừng hực” và Nhật Bản cũng không là ngoại lệ lại còn luôn luôn là một trong những nước đứng đầu bảng về…nóng.

Theo định nghĩa của Sở Khí Tượng thì mùa hè được chia thành 3 cấp: 夏- Hạ  (từ 25 đến 30 độ C, nóng bình thường), 真夏- Chân Hạ (từ 30 trở lên đến 35 độ C, nóng... ra nóng) và 猛暑日- Mãnh Thử (35 độ C trở lên - nóng kinh khiếp).

Khi nói về sự khác biệt giữa độ nóng “chân hạ” và “mãnh thử” có một ông trong chương trình Shoten (笑点), một chương trình hài truyền thống của Nhật Bản phát hình vào mỗi tuần suốt từ năm 1966 đến nay đã so sánh mùa hè với “Nagashi somen” (món bún trôi theo…. giòng nước mát).

“Chân hạ”(真夏): Khi thấy somen (giống như sợi bún của Việt Nam) trôi theo những cái ống tre chảy dài từ trên xuống là vớt cho ngay vào chén có đựng chút tsuyu (nước chấm) đặc biệt rồi bỏ vào mồm, cứ tùn tụt tới đâu thì toàn thân mát rười rượi tới đó.


“Mãnh thử” (猛暑) hay trên một cấp “Tàn Thử” (酷暑)thì muốn “thân thể” mình biến thành những sợi somen trôi theo giòng nước mát. Đã ơi là đã! Chính xác không thể tả.


Somen lạnhSomen lạnh 1

 (Somen trôi theo giòng nước)

Những ngày cuối tháng 6 kéo dài suốt đến nay, mùa mưa (Tsuyu Ake) đã chấm dứt sớm hơn thường lệ, độ nóng đã phủ hầu như toàn nước Nhật,có nơi vượt quá mức “Mãnh Thử” lên đến (酷暑) (Khốc Thử), hàn thử biểu cứ “dập dìu” ở con số 40, “khiến “màn ảnh nhỏ” lúc nào cũng reo réo bên tai những “tai nạn” về  “trúng nắng”, (熱中症 – nhiệt trung chứng), phương thức chống nắng, số người trúng nắng….Mới chỉ có khoảng vài ngày số bị “dính” đã lên đến số hàng chục ngàn, nhưng từ những ngày đầu tháng 7, song song với thông tin về nóng-nắng, tin tức về sự tàn phá của cơn bão số 4 mà nơi lãnh đạn là đầu tiên là người dân xứ đảo…..Okinawa cũng được loan truyền rộng rãi.

Chưa hết, sau vài tháng nằm yên một chỗ (trên dưới 15,000) số người bị lây nhiễm về covi với biến thể BA.5 đã tăng vọt gấp 3 lần tháng trước (trên 45,000), mở đầu cho đợt lây lan thứ 7. Cứ tình trạng này, chắc là những đối sách mới như “mambo, “lockdown” sẽ lại phải đặt ra. Không lẽ vừa “dỡ bỏ” nay lại “tái hiện”? Hàng quán, mới thả cửa nay chẳng lẽ lại giới hạn! Một bài toán đau đầu cho chính phủ.

Lo quá nhưng có nghĩ cũng chả đi đến đâu, ta cứ giữ cẩn thật cho chính ta chứ đừng đợi đến khuyến cáo của chính phủ nữa. Thôinói sang chuyện khác cho nó “lành” chút nhé.

Chán “Cơm” thèm ….”Mì”

Mùa Hè là mùa chán ăn (夏バテ), không chỉ là thanh niên trai tráng mà là toàn thể từ già tới trẻ không phân biệt “giới tính” đều cùng chung “chí hướng”: Chán “Cơm”… thèm đồ Lạnh, nhất là “Mì” lạnh. Tiếng Nhật gọi là “Hiyashi Chuka Soba” (冷やし中華).


Mì lạnh hay somen trôi theo giòng nước được chế biến từ kiều mạch hay bột mì,  sau khi nhúng vào nước nóng dăm phút hoặc có loại không cần nhúng, giở bao ra thì ngâm ngay vào nước đá cho lạnh… và khi ăn thì cho thêm nhiều nguyên liệu như trứng tráng mỏng, thịt heo hay cục ham cắt chỉ, các cọng rau như dưa leo, cà chua gừng được thái mỏng giống như cách “design” của bát bún thang xứ Bắc, ăn cùng với nước chấm “tsuyu” làm bằng rong biển, vảy cá ngừ….cũng lạnh. Nghĩa là cái gì dính tới loại mì hay sợi này cũng….lạnh, hơi khác với Mì Khô của quân ta với nước chấm không nóng, không lạnh.

hiyashi chuka
“Hiyashi Chuka” là món “biểu tượng” cho mùa hè, khi thấy “nó” là nhớ ngay bài hát “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn.

 

mỗi năm đến hè.. mồm tôi thấy thèm,
Chín mươi ngày qua chứa chan…niềm vui”.

Có “tâm sự” với mẹ cháu thì được đáp ứng ngay, liên tiếp ngày 2 buổi: trưa thì mì lạnh, tối thì “Somen trôi theo giòng nước.” Sơ Hạ năm nay mới chỉ được vài ngày nhưng bước đầu tiên của con đường ăn uống của mình đã thấy có mòi tươi sáng.

Cũng vào mùa hè, không nhắc đến Lễ “vui chơi” của trẻ em này là một điều thiếu sót, sẽ mất cả một ….mùa hè đỏ lửa.

“Tanabata”. (七夕-Thất Tịch)

 

Bắt nguồn từ Trung Quốc, còn gọi là lễ "Sao", nhưng thường thì người ta biết đến danh từ Tanabata nhiều hơn, để chỉ ngày lễ dệt vải được tổ chức vào đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch, sau này để “tiện bề sổ sách” ngày này được dời lại ngày 7 tháng 7 dương lịch, cũng có thể nói đây là một “loại” lễ hội Tây Phương như ngày Valentine vậy.

 

Tuy chỉ là một câu chuyện thần thoại nhưng vào thời đại Nara (khoảng năm 755) đã được Nữ Hoàng Koken quyết định chọn ngày này làm ngày lễ Tanabata. Có rất nhiều truyền thuyết diễn giải ngày này, nhưng tựu trung cũng chỉ là chuyện của nàng Chức Nữ “Orihime” (織姫/Chức Cơ) được phép tái ngộ với chàng Ngưu Lang “Hikoboshi” (彦星**/Ngạn Tinh) bên kia của dải sông “Ngân”.

TanabataTanabata 1

 

Đầu tiên tục lệ vào ngày lễ này chỉ có treo những giải bằng giấy trên các cành tre rồi thả trôi trên các giòng nước, trên dải giấy có ghi những lời ước mong Ngưu Lang phù hộ cho nhà nông được mùa, cầu xin Chúc Nữ cho phái nữ khéo léo hơn về thêu thùa may vá.

 

Ngày nay thì Tanabata là một ngày lễ để vui chơi và họp mặt nhất là giới trẻ em. Những cành tre được dựng trước nhà hay cổng của cái vườn bé tí và trên đó giăng đầy các giải giấy đủ màu: Lục, Vàng, Đỏ, Trắng, Tím được cắt xếp theo hình áo Kimono, gọi là "Tanzaku" (短冊). Xưa kia họ dùng những giọt sương buổi sáng đọng trên lá tre hoặc lá khoai để ghi lời ước nguyện của mình trên đó. Nội dung thường là những điều ước nguyện về tài năng “gia chính” cho các cô, các bà hay “kỹ năng” cho các ông các cậu.

 

Trên những 商店街 (shotengai-phố xá thương mại), dọc ngang theo lối đi họ cho treo những dải phướn màu sắc rất vui mắt, cùng với những lồng đèn hoa giấy và ribbons ngũ sắc gọi là “fukinagashi” (吹き流し) tượng trưng cho những sợi chỉ của nàng Chức nữ dùng để đan áo cho Tentei (天帝・Thiên Đế -Ngọc Hoàng), hay những con hạc giấy "Oritsuru" (折り鶴) cầu nguyện cho được sống lâu, và những hình nộm hoạt họa, v.v.

 

Trước sân đền thờ “Shinto” (神道・Thần Đạo) - tức Jinza (神社・thần xã) hay chùa - tức Otera (お寺) thường có hội chợ tấp nập. Các bác tiểu thương bày những quán vỉa hè gọi là “yatai” (屋台) để bán "dango"(団子・bánh chuỗi bột), "Takoyaki"(たこ焼き・bạch tuộc nướng), "wataame"綿菓子・kẹo bông gòn), "yakitori" (焼き鳥・thịt gà nướng xâu), v.v. Ngoài ra có trò chơi câu cá vàng với cái bánh phồng gọi là “kingyo sukui” (金魚すくい) rất là lý thú đối với trẻ con Nhật. Rốt cục thì người thương nhân lợi tức và ngư phủ tí-hon cũng ấm no vì câu được vài con cá vàng đem về nhà …làm cảnh.

 

------

 

Truyện Ngưu Lang-Chức Nữ  Xin từ Phù Tang đến….Đông Lào.

 

Tục truyền rằng, xưa kia mỗi năm cứ đến ngày nầy, có một cô tên "Miko" (巫女/Vu Nữ - cô ni phục vụ trong Thần cung・神宮) thường dệt những tấm vải rất đẹp để dâng cúng Trời Phật, cầu mong cho nông gia được mùa và chúng sanh vạn điều may mắn. Về sau thì cô Miko này được đổi tên gọi khác là “Tanabatatsume” (棚機津女) - tức "Cô gái dệt lụa" vì có sự trùng hợp khá lý thú với nàng "Chức Nữ" trong truyện xưa của ngày Thất Tịch. 七夕)”.

 

--------------------

 

Ngày xưa có một chàng trai tên là Mikera, một hôm nhặt được một chiếc áo choàng. Liền sau đó có một nàng tiên tên là Tanabata đến nhà hỏi thăm tìm chiếc áo. Chàng trả lời không biết nhưng hứa là sẽ giúp nàng tìm chiếc áo. Về sau 2 người phải lòng và lấy nhau. Tình cờ một hôm Tanabata thấy áo của mình được giấu trên gác, nhà của Mikera. Nàng giận và bỏ chàng. Sau đó, thấy chồng tỏ vẻ ăn năn hối hận nên Tanabata hứa là sẽ tha lỗi cho Mikera với một điều kiện là phải đan cho nàng 1000 đôi dép rơm. Vì cần quá nhiều thì giờ để hoàn tất 1000 đôi dép rơm nên chàng đã không thể gặp lại được nàng. Thương tình, Tanabata nghĩ lại và cho phép Mikera gặp nàng mỗi năm một lần vào ngày sao Vega tức (Chức Nữ) gặp lại sao Alta (Ngưu Lang).

 ngưu lang chức nữ


Hóa ra người Nhật cũng giống như quân ta khi thấy một truyền thuyết thú vị từ nước ngoài, bao giờ cũng cố gắng đồng-hóa nó vào chuyện của nước mình. Không biết chuyện "Tấm Cám" nước ta có liên quan gì với chuyện "Cô bé Lọ Lem” không nhỉ?

 

Nhưng sang các xứ lấy “giai cấp công nông” là “lực lượng nồng cốt” như Đông Lào chẳng hạn thì lại được diễn giải thành chuyện "đánh trâu giai cấp": anh chăn trâu Ngưu Lang thành đại diện giai cấp nông dân, chị thợ dệt Chức Nữ thì đại diện giai cấp công nhân, ông Trời chẳng qua là "địa chủ ở trên cao". Vì cùng bị bóc lột nên anh nông dân Ngưu và chị công nhân Chức nảy sinh tình 'hữu ái giai cấp' ; nhưng 'ông địa chủ' nhìn thấy mối nguy 'liên minh công nông' nên ngăn cản, chia cách họ - chỉ cho mỗi năm 'thăm nuôi' nhau một lần !!!

 

Vào thời cách mạng vùng lên, họ đã đuợc “phỏng giái” - nhưng anh nông dân đã không còn trâu (vì bị thuơng lái tàu thu mua hết móng!), ruộng thì bị mất làm sân gôn; anh chuyển sang chạy grab; chị công nhân mất việc vì vải dệt không cạnh tranh đuợc vải rẻ của Tàu, phải ra chợ buôn thúng bán bưng qua ngày... Giữa cơn nạn dịch, anh không chạy xe đuợc vì thiếu giấy thông hành âm tính, vì không “ngoáy mũi,  chợ bị phong toả nên chị không thể đi đâu.... Ngưu Lang-Chức Nữ chỉ nhắn tin qua mạng nếu còn “phủ sóng”, không thì bó tay. “Sướng” ơi là “sướng”.

 

Lời ước của tôi!


Khoảng hai mươi mấy năm trước, khi con gái tôi 5 tuổi còn đi nhà trẻ, vào mùa này, trường mẫu giáo có đưa cho tôi một “Tanzaku” và dặn: ông về bảo cháu gái viết điều gì cháu muốn, tôi quên béng đi mất, đến ngày nộp, không kịp tôi viết luôn… cho tiện. Đến trường nộp cho cô giáo, cô vừa khen “Bé M. ước cao quá” và nhìn tôi cười tủm tỉm như thầm bảo: “Phải ông viết không đó”?

 

Tôi “hiểu” ngay ý của cô giáo và cười trừ rồi lỉnh đi nơi khác, các cháu khác thì đơn sơ mộc mạc, “cho em xin một chiếc xe đạp” hay “cho em xin một mớ tóc dài” còn con gái mình thì câu ước “bao la” quá, vượt quá… tầm tay: “Em mong sẽ mau chóng lớn, muốn làm một cái cầu nối giao lưu giữa hai nước Việt Nhật về lãnh vực văn hóa”. Cô giáo tủm tỉm cười là phải.

 

Ngày “Thất Tịch” năm nay, nếu được ghi đôi lời ước nguyện vào các “tanzaku” xanh, đỏ, tím, vàng…. tôi sẽ chế lại bắt chước vài câu trong bài hát Kỷ Niệm của ông Phạm Duy.

 

“Cho tôi lại ngày nào

Bia tôi làm một hơi

Mẹ cháu cười… dễ dãi

Tôi cảm thấy tôi….vui”


Khổ thân tôi quá, suốt ngày cứ mơ với tưởng.

chuông gió

Chuông gió (Furin)

 

Cái nóng “Mãnh Thử” làm mặt đường bốc hơi, vài cơn gió hiếm hoi khiến cái chuông gió (tiếng Nhật gọi là furin) treo gần màn cửa đong đưa chạm vào nhau phát ra âm thanh quen thuộc, giống in chang như tiếng lắc chuông của mấy ông bán cà rem lúc còn ở quê nhà. Nhớ cái xe của bố con ông già bán dừa tươi khúc gần cuối đường Hồng Thập Tự, đoạn đường này mát hẳn nhờ hai hàng cây cổ thụ, nhớ cái cười và lời mời của ông và cô con gái: “anh làm một trái dừa đi, bảo đảm người anh hết mồ hôi liền à, mát lắm anh ơi”. Nhớ từng động tác ông già bổ quà dừa thật chuyên nghiệp, rồi nhận cái ống hút từ tay cô và trái dừa tươi bổ thật nhanh và khéo, hút một hớp thì thấy tỉnh cả người quên cả mệt nhọc. Chạy xe đến cuối đường Hồng Thập Tư  được một khúc rồi quẹo phải đường Nguyễn Thiện Thuật đến ngõ đầu tiên hẻm 16 là gặp ngay cà phê Năm Dưỡng, vào quán, chưa kịp “order” thì ly cà phê đá được một cô tóc tém tự động bưng ra, rồi thay đĩa nhạc Ventures vì “tui biết anh thích”, hoặc ghé vào tiệm cơm tấm của bà Năm ở bên cạnh trước tiệm mì Tân Nam Hưng, có cô con gái em tên bạn cùng lớp, thường “dành” tự bưng đến mình dĩa cơm bì chả khi mình “ghé thăm”.  Hôm về thăm nhà cuối tháng 2/75, chính tay cô bưng đến với lời như “trách móc”: “anh đi đâu mất năm rồi vậy, mà sao không thấy anh nói gì vậy….” Và…mà thôi kỷ niệm xưa để dành đâu đó trong cái đầu khi nào buồn buồn hay …vui vui kể tiếp.

 

Có ai nhớ tiếng đêm về mùa nóng ?
Tiếng mưa vỗ những mái nhà lợp tôn
Những câu nói tiếng cha mẹ từ tốn
Tiếng đôi lứa, tiếng e thẹn chờ hôn

(Tiếng thời xưa – Phạm Duy)

----------

“Quê nhà xa lắc xa lơ ấy

Ngơ ngẩn nhìn đời mây trắng bay”

Buồn!

Xin ngừng ở đây, gửi bạn ta một lời chúc theo kiểu Nhật.

Shochuomimai moshiagemasu

暑中お見舞い申し上げます

Dịch theo lối….Việt Nam thì
Chúc thân tâm thường….mát mẻ trong mùa hè đỏ lửa.

 

 Hẹn thư sau. 

 

Vũ Đăng Khuê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc