EM HIỀN NHƯ MA SOEUR - Vũ Đăng Khuê

11 Tháng Sáu 202210:25 CH(Xem: 695)


Em hiền như Ma Soeur!

(Bài viết mừng Sinh Nhật ….muộn)

 Ma soeurMa soeur 2Ma soeur 1cứu trợcứu trợ 1

 

 Tôi biết bà đã từ lâu, nói cho chính xác thì tôi biết chị của bà trước, vì bà và chị ở cùng Trung Tâm Shinagawa với mẹ cháu, chị của bà đã cùng với nhóm văn nghệ ruột của tôi thực hiện cái băng hình “Sẽ có một ngày” tại cái công viên gần Trung Tâm Cứu Viện Shinagawa. Tôi có hỏi mẹ cháu bà khóa mấy thì mẹ cháu cũng chả biết là bà học trước hay sau, nhưng tôi xin nói chắc chắn: tôi biết chị em bà từ năm 1989.

Không phải là “đôi khi”, cũng không phải “thỉnh thoảng” mà là “thường xuyên” và “đều đặn” tôi gặp bà trên cái chung cư Phây, nơi mà bạn ta hay tụ tập để cùng nhau tán chuyện trên trời dưới đất. Không cần phải là cái tên, chỉ thoáng vài cái hình là biết ngay trang đó là của bà.


Trong cái cộng đồng càng rộng của người Việt ta, với rất nhiều hệ lụy nhiều khi phải cúi đầu, nhưng cũng vì những cái hệ lụy trần ai đó mới phát sinh ra những con người nhân từ, với tấm lòng bác ái.


Trở lại cái chung cư Phây: “Hôm nay Sơ vừa nhận được 30 lon sữa, 20 bịch tã. Nhà nào có trẻ sơ sanh thì xin inbox” hoặc: “Nhà thờ có những buổi tư vấn về luật pháp, khám bệnh miễn phí, mời các em, các con tham dự”. “Lớp giáo lý thăng tiến hôn nhân, buổi nấu bánh chưng gây quĩ sẽ bắt đầu vào ngày…..ai rảnh thì giúp với Sơ một tay”. “Các em, các cháu khi gặp những khó khăn về đời sống, về sức khỏe, nhất là phụ nữ, nếu được cứ mạnh dạn liên lạc với Sơ để ta cùng giải quyết, đừng dại mà làm chuyện đau lòng nhé….”

Lúc nào cũng thế, trang của bà đều đặn những lời kêu gọi, thông báo tương tự.


Tôi sống ở Nhật cũng đã hơn nửa thế kỷ, làm đủ mọi nghề, lau chùi depato, đi làm xây dựng Takadanobaba. Cuộc đời đưa đẩy tôi thành nhà giáo, tôi là người đầu tiên làm thông dịch cho Sở Cảnh Sát Tokyo, Kanagawa, Saitama….., Tòa Án, Sở Nhập Quốc Tokyo, Osaka ngay từ những khi các cơ quan này chưa có một phân ngành chuyên môn nào cả. “Khoe” như thế là vì tôi muốn nói: “Tôi gặp rất nhiều trường hợp thương tâm không thể tự mình giải quyết mà các con, các cháu nhờ tôi góp ý. Người đầu tiên là tôi nghĩ ngay đến là bà vì tôi tin bà là một người có dư khả năng chia sẻ, đầy đủ kinh nghiệm để tư vấn hay góp ý”.  Tôi bảo: “Cháu nên liên lạc với Sơ, Sơ sẽ cho cháu những lối giải quyết”. Nạn dịch kinh hoàng vừa qua, dân Nhật lao đao, và lẽ dĩ nhiên dân Việt cũng khốn cùng. Cùng với những Hội Đoàn khác, Bà cũng thực hiện và giúp đỡ cho mọi người thấy được niềm tin trước mắt, hiểu thêm cuộc đời bên cạnh những chán chường, âu lo cũng còn là cuộc đời đáng sống.


Không những chỉ riêng cho người mình, mà bà còn nghĩ ngay đến sự khốn khó của những người Nhật “homeless”, sống chui rúc dưới hầm cầu. Bà đã cùng với những người khốn cùng Việt Nam khác từng được bà giúp đỡ, hay những người cảm mến sự bác ái của bà đã tụ họp, làm những hộp cơm và rủ nhau đi phân phát. Dưới cái lạnh rét run, cái nóng khủng khiếp, bà và các cháu, các em đã đến từng cái lều được che chắn bằng vài thùng hộp giấy sơ sài rồi trao cho họ các phần ăn, buổi trưa hay buổi tối còn nóng hổi. Tôi nghĩ là cả người trao và người được trao đã cùng rơi nước mắt.

Bà là Sơ, nhưng văn nghệ lắm bạn ta, bà hay gửi cho tôi những link nhạc “trữ tình” của “Điểm Hẹn Music”, những bài nhạc công giáo lời ngoại quốc nghe thật mê tơi. Bà cũng là “cầu nối” giữa Úc và Nhật khiến chú Kiên dưới Osaka có những bài trình tấu rất ư là xuất sắc. Bà cũng có tài trong chuyện viết lách, có những bài viết đọc mà tôi lặng cả người.

Tôi cũng mới quen một bà sơ Minh Du ở Việt Nam, bà sơ Du vừa đàn vừa hát một bài nhạc vui lắm. Tôi đùa sửa lời bài hát của Ông Phạm Duy: Ai bảo đi tu là khổ? Đi tu vui lắm chứ”. Đúng vậy bạn ta nhỉ!

Bà có thêm một đặc điểm nữa là bà có nụ cười tươi, người mê nụ cười của bà là mẹ cháu nhà tôi đấy. Mẹ cháu bảo: “Khi gặp bà, không bao giờ thấy khuôn mặt của bà sầu khổ, bà lúc nào cũng tươi, cũng cười”

Nụ cười tế nhị hòa hài,
Như ngàn hoa nở giữa ngày mùa Xuân.
Nụ cười là ánh nắng hồng,
Sang hèn, xấu đẹp đều đồng như nhau.

(Thơ chôm trên mạng)

Trong thi ca Việt Nam có bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc: “Em hiền như Ma soeur” tả cái cảnh chàng Nhiên mê cái cô Bắc Kỳ nho nhỏ tên “Duyên” , theo tôi biết cô Duyên này học tại Biên Hòa. Nhưng ở đây “sự tình” không phải như vậy, tôi nhắc đến tên bài hát này là vì không chỉ một mình tôi và còn rất nhiều người mê cái bà Sơ “nho nhỏ”. Tôi gọi là “nho nhỏ” này vì bà nhỏ tuổi hơn tôi, chắc cũng gần bằng mẹ cháu. Tôi mê cái lòng nhân ái, tôi thương cái vị tha, tôi yêu cái thánh thiện của bà.

Ngoài ra, bà coi mẹ vợ tôi cũng là mẹ của bà. Bà kể là lúc còn ở Việt Nam bà ở gần mẹ hơn gần bố.  Bà vượt biên, sang Phi chung với bà chị tên Huệ, gốc là gia đình thuần thành Phật Giáo, nói theo kiểu của người công giáo thì bà được ơn chúa gọi: Bà đã được chúa 3 ngôi soi sáng và trở thành Sơ giúp người khốn khó.


Bà là người văn võ song toàn. Tôi nghĩ là như thế chắc không sai!

Hôm nay, nhân ngày lễ Thánh Thần hiện xuống tôi viết vài giòng này để tặng bà, cũng là ngày sinh nhật muộn, tôi chúc và mong bà sống khỏe, sống lâu để lúc nào “Bên ta đang có Sơ”.

Một bà Sơ được mọi người thương yêu, một bà sơ vị tha, một bà sơ nhân ái và thánh thiện.

Yêu chúa, yêu người, yêu mình.

Tên bà là Sơ Lang. Facebook của bà là “MaiKhoi Kawaguchi”.

Tựa đề “Em hiền như Ma Sơ.” Bạn Ta đồng ý?

Vũ Đăng Khuê


(Viết nhân ngày lễ Thánh Thần hiện xuống)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc