TUẪN NGHIỆP - tác giả NITTA JIRO / QUỲNH CHI dịch

09 Tháng Tư 20223:25 CH(Xem: 862)
Phu Si


Tuẫn nghiệp

Nguyên tác của Nitta Jiro, Quỳnh Chi dịch

Gió thổi suốt đêm hôm ấy.
Có tiếng tuyết táp vào cánh cửa che mưa trong đêm khuya.
Vào lúc 4 giờ sáng, trong Nhà nghỉ Taroubo trên lộ trình leo núi khời hành từ Gotenba, năm người trong đội luân phiên trực Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú Sĩ còn đang say ngủ.

Nagashima Tatsuo thức dậy từ một tiếng đồng hồ trước và đang lắng nghe tiếng gió. Gió này rồi sẽ ngừng, hay sẽ còn thổi suốt ngày. Bằng trải nghiệm trong năm mươi chín năm tuổi đời, ông tự mình dự đoán về gió. Lát nữa đây, các chuyên gia khí tượng sẽ thức dậy, nghe radio rồi dùng máy trắc lượng khí tượng để xác định, để rồi tùy từng trường hợp, có khi phải vẽ bản đồ khí tượng để định ra những việc sẽ làm trong ngày hôm ấy. Nhưng với những trải nghiệm đã thấm vào tận xương tủy, không đợi đến lúc ấy, Nagashima đã hết sức nhậy bén để dự đoán được.


Từ năm 18 tuổi Nagashima đã trở thành người dẫn đường leo núi và bắt đầu leo núi Phú sĩ vào mùa đông. Rồi từ khi chính thức được vào làm nhân viên khí tượng ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ – được thiết lập vào năm 1932 cho đến nay-, trong 26 năm trời, ông đã nhiều lần thực hiện những chuyến leo núi
nguy hiểm để lên Đài quan sát này.

Có lẽ cho đến năm nay là năm ông được 59 tuổi, không chỉ kể số lần leo núi, mà cả số năm tháng từ khi được tuyển vào Đài quan sát, nay đã vượt quá hơn một phần ba số năm tháng sống ở quê nhà, một gia đình làm nông ở Gotenba.

Ngay từ khi Đài quan sát dự bị do kỹ sư Sato Junichi được lập ra vào năm 1930 để chuẩn bị cho việc lập Đài quan sát và trắc lượng khí tượng núi Phú sĩ sau này, Nagashima Tatsuo đã là người đứng mũi chịu sào cho các nhân viên khí tượng làm việc trên đỉnh núi Phú sĩ. Ngay từ dạo ấy, ông đã di dẫn đầu với hàng mấy chục cân hàng trên lưng.

Về núi Phú sĩ, chuyện gì Nagashima Tatsuo cũng biết. Cho nên dĩ nhiên là ông rất nhạy bén về khí tượng với đặc điểm địa hình của núi Phú sĩ. Kinh nghiệm và trực giác  của ông đã chỉ dẫn nhiều điều cho nhân viên đài khí tượng, vốn là những người thường chỉ phán đoán dựa vào những điều đã học ở trường. Ông hay được họ hỏi ý kiến về những biến chuyển thời tiết trong lúc leo núi.

-Ông Tatsuo à, ông nghĩ sao?

Hễ Nagashima Tatsuo nghiêng đầu ngẫm nghĩ và nói “Chà..”thì cho dù bấy giờ áp suất không khí như thế nào chăng nữa, cũng cần phải xem xét lại. Thoạt nhìn thì tình hình khí tượng trên núi Phú sĩ về mùa đông có vẻ đơn giản, nhưng thật ra là rất phức tạp. Cho dù dự báo thời tiết là trời đẹp, trên núi Phú sĩ vẫn thường có gió. Gió đáng sợ hơn cả tuyết hay băng tuyết.

Nagashima Tatsuo biết là gió đang dịu dần. Khoảng lặng giữa cơn gió mỗi lúc một dài hơn, tốc độ của gió cũng giảm dần. Thế này thì leo được đấy, cái trực giác ấy đánh thức ông dậy.

Trước khi chuẩn bị nấu cơm sáng, ông bước ra ngoài xem cho chắc. Trong khoảng mờ mờ sáng, tuyết đang bay trong gió. Không sao đâu, leo được đấy. Ông có cảm giác như thế. Sau lưng có tiếng mở cửa, nhưng không thấy câu chào nên ông quay lại nhìn, thì thấy Kakinuma Yoshiyuki, mặt mày xanh xao vì thiếu ngủ, đang đứng sững, mặt quay nhìn về phía đỉnh núi. Cậu ta có vẻ như đang chăm chú nhìn núi mà quên hẳn là có Nagashima Tatsuo ở đấy.

-Chào cậu Kakinuma.

Trong các nhân viên ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ, Nagashima Tatsuo là người lớn tuổi nhất, nhưng ông vẫn dùng cách nói lịch sự với các nhân viên khác. Đó là thói quen từ hai mươi mấy năm nay, từ khi ông vốn là một người dẫn đường leo núi được đặc cách vào làm việc ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ. Nhiệm vụ của ông vừa là người dẫn đường leo núi, vừa là người chỉ huy giỏi, và trong thời gian ở lại đài quan sát thì ông là người lo việc cơm nước. Tuy không phải là chuyên viên kỹ thuật như quan sát, trắc lượng hay truyền tin, nhưng ông là chỗ tựa vững chắc cho mọi người. Sau khi vào làm việc ở đài quan sát được 25 năm, ông được thăng trật Kỹ sư nhà nước, nhưng cách suy nghĩ của ông trong suốt hai mươi mấy năm nay trước sau vẫn không đổi.

“Làm nhiệm vụ hậu thuẫn cho các nhân viên ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng
trên đỉnh núi Phú sĩ. “

Tuy ông chưa hề nhận sự vụ lệnh nào có ghi rõ như vậy, nhưng trong tâm khảm ông đã khắc ghi một sự vụ lệnh có nội dung như thế.

-Cậu Kakinuma có ngủ được không?

Nagashima Tatsuo nhìn như soi vào mặt Kakinuma. Nhưng Kakinuma không trả lời mà chỉ nói như lẩm bẩm một mình.
-Chắc là trên đỉnh núi gió mạnh lắm đấy….

Với kinh nghiệm nhiều năm ở Đài quan sát, Nagashima Tatsuo đoán được bằng trực giác tốc độ gió thổi là bao nhiêu mét trong một giây. Về điểm này, ông giỏi hơn các nhân viên trẻ mới ra trường. Ông đoán tốc độ lúc đó là 10 mét. Ông biết rằng nếu ở Nhà nghỉ TarouBo tốc độ gió là 10 mét, thì căn cứ vào bụi tuyết bị thổi bốc lên gần đỉnh núi mà tính, tốc độ ở trên đỉnh núi phải là hơn 30 mét một giây. Vì vậy, khi nghe Kakinuma nói rằng gió trên đỉnh núi mạnh lắm, ông cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên.

Thế nhưng ông nhận thấy trong khoảng không mờ mờ sáng ánh mắt của Kakinuma khi nhìn lên đỉnh núi đượm vẻ lo âu. Ánh mắt của Kakinuma không phải là nhìn lên đỉnh núi, mà như thể đang nhìn vào nỗi phiền muộn tột cùng trong lòng. Ngọn gió đang thổi ấy tưởng chừng như là trận cuồng phong trong lòng cậu ta.

Ông nhớ lại là vào tháng 2 của tám năm về trước, cũng vào đúng thời khắc này, ở đúng địa điểm này, Sekimoto Kounosuke cũng đã nói y hệt như thế.

Thế rồi trưa ngày hôm sau, Sekimoto Kounosuke đã bị trượt ngã và tử nạn ở mốc 7,8 (3.248 mét), vì bị cơn gió lốc thổi bay đi. Tai nạn hầu như là bất khả kháng. Một người dầy dặn kinh nghiệm đã nhiều lần leo núi Phú sĩ vào mùa đông, mà sơ ý bị gió lốc thổi bay đi dễ dàng như thế, là điều thật không ngờ. Lúc ấy, Nagashima Tatsuo đang ở ngay sau lưng anh ta, đúng vào lúc gió lốc thổi tới, ông đã hét to, bảo hãy cúi rạp xuống, nhưng không kịp nữa. Thân thể anh ta bị rơi tuột xuống, cách Nagashima Tatsuo một đỗi không thể giơ tay với tới được.

Cái chết của Sekimoto Kounosuke lúc ấy là bằng chứng cho thấy có điều gì đang ám ảnh trong lòng anh ta. Ngoài ra thì không thể nghĩ là có nguyên nhân nào khác. Trong lúc có gió lốc mạnh và ở địa điểm cực kỳ nguy hiểm như vậy, cái gì đã khiến cho Sekimoto ở trong tư thế không vững chắc, để rồi bị nạn, thật là khó hiểu, mà cho đến tận bây giờ vẫn không giải thích được. Thế nhưng, chắc chắn là lúc ấy có một điều gì đó đã khiến Sekimoto Kounosuke không được bình tâm tĩnh trí.

Nagashima Tatsuo thử đối chiếu câu“Trên đỉnh núi chắc là lạnh lắm đấy..” mà Sekimoto Kounosuke đã nói vào sáng hôm ấy, với câu “Gió trên đỉnh núi mạnh lắm đấy..” mà Kakinuma Yoshiyuki vừa nói. Tuy là hai cách nói khác nhau nhưng vẫn nghe như là một.

Một trong những nguyên nhân khiến Nagashima Tatsuo cảm thấy lo ngại cho Kakinuma Yoshiyuki, là ông đoán không chừng Kakinuma đang có mối âu lo nào đó, mà không thể giãi bày cùng ai.

Nagashima Tatsuo đã quen với cuộc sống chỉ có mấy người đàn ông với nhau trong gió và băng tuyết, nên ông hiểu rõ biến chuyển tâm lý của các nhân viên ở đây còn hơn cả theo dõi chuyển biến của tình hình khí tượng. Ông cảm thấy có sự khác thường trong thái độ im lặng và ánh mắt dõi về nơi xa xăm của Kakinuma Yoshiyuki.

Từ khi Nagashima Tatsuo đảm nhận công việc bếp núc, và phải thường xuyên căng mắt ra đối mặt với sự hoành hành của sức mạnh trong thiên nhiên, dường như trong người Nagashima Tatsuo có một giòng máu ấm, như thể là của người mẹ hiền ở Đài quan sát này. Nỗi buồn của các nhân viên cũng là nỗi buồn của ông. Trải qua một phần tư thế kỷ, ông đã đóng vai trò lắng nghe những bất bình của các nhân viên còn trẻ. Nagashima Tatsuo rất kín miệng, ông chỉ nghe mà tuyệt nhiên không đem nói với người khác, khiến cho các nhân viên yên tâm mà thân thiết với ông. Qua năm tháng, cuốn sổ ghi chép trong lòng Nagashima Tatsuo đã ghi lại không biết bao nhiều chuyện có liên quan đến Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ. Trong đó có cả những chuyện riêng tư. Và tất cả đều đã hóa thạch trong ông.

Từ một góc nhìn khác, Nagashima Tatsuo đang thầm lo về việc đội leo núi năm người kể cả Kakinuma Yoshiyuki đang gặp phải một tình hưống hiểm nghèo.

Tám năm trước đây, tức là vào năm 1950, Sekimoto Kounosuke đã chết vì trượt ngã. Người ngộ nạn trước Sekimoto là Inagawa Minoru, vào tám năm trước đó, tức là vào năm 1942. Inagawa Minoru đi lạc trong sương mù rồi bị trượt ngã mà chết ngay phía dưới mốc 7,8. Và từ đó lùi lại thêm bảy năm nữa, tức là vào năm 1935, Sakamizu Ryusaku sau khi hết phiên trực, trong lúc xuống núi cũng bị trượt ngã hầu như cũng ở cùng địa điểm. Kể từ người ngộ nạn đầu tiên, thì cứ cách bảy hay tám năm, vách băng tuyết của núi Phú sĩ lại nhuộm máu của nhân viên Đài quan sát. Lần nào cũng trên mặt băng tuyết ngay đưới mốc 7,8.

Sakamoto, Inagawa và Sekimoto đều là những người bạn tốt của Nagashima. Nguyên nhân gây tử vong của tất cả các lần ấy đều là bị trượt ngã, dập vỡ xương đáy sọ não.

“Cứ cách tám năm lại xảy ra tai nạn ngay dưới mốc 7,8.”

Đây chỉ là điều ngẫu nhiên không hơn không kém. Đối với các nhân viên Đài quan sát khí tượng, là những người làm công tác khoa học, thì chu kỳ tám năm không là vấn đề gì cả. Nhưng hình như ở đâu đó trong đáy lòng họ có một nỗi lo sợ, tuy không một ai nói ra miệng về chu kỳ tám năm này.

Trước khi Sekimoto Kounosuke ngộ nạn vào năm 1950, có lần Sekimoto đã thì thầm với Nagashima rằng tai nạn lần thứ nhất và tai nạn lần thứ hai cách nhau bảy tám năm, nên lại sắp sửa có chuyện chẳng lành xảy ra chăng. Thế rồi chính đương sự lại là kẻ bị nạn vào lần thứ ba.

Nếu cứ cho là có chu kỳ tám năm, thì lần tới sẽ là vào năm 1958. Đây là điều dự đoán chẳng lành, nhưng trong lòng ai nấy đều có ý nghĩ ấy. Để cảnh báo rằng tai nạn thường xảy ra vào lúc sắp bị quên lãng, thì có một chu kỳ tám năm như thế cũng được, nên trong ý nghĩa đó, mỗi khi lên núi hay xuống núi, họ đều phải tự nhủ là phải hết sức cẩn thận.

Từ khi rời Nhà nghỉ Taroubo lên đường vào lúc 7 giờ, họ đã gặp trở ngại vì tuyết. Giầy có gắn đế đi tuyết bị chìm ngập trong tuyết tới tận cổ chân, tuyết bám thành cục vào tám cái răng dưới đế giày. Gió vẫn không ngừng thổi, đám bụi tuyết bay lên khoảng trời trong vắt. Năm người xếp thành hàng dọc, dẫm lên tuyết mà đi.

Các chuyến leo núi của nhân viên Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ khác với người leo núi bình thường, không phải là theo chỉ thị của một người chỉ huy và đi thành hàng ngay ngắn. Tùy từng lúc mà tự nhiên họ sẽ đi theo tuần tự vào lúc ấy. Không theo tuần tự tuổi tác, kinh nghiệm hay chức vụ. Mà là khi khởi hành từ Nhà nghỉ Taroubo đi theo tuần tự thế nào, thì cứ giữ nguyên như thế cho đến khi lên tới đỉnh núi. Chỉ có điều là  người đi đầu và đi sau cùng là người giàu kinh nghiệm. Thông thường người có nhiều kinh nghiệm nhất thường nhận phần đi sau cùng.

Nếu Nagashima Tatsuo ở trong đoàn, thì nhất định là ông sẽ nhận phần đi sau cùng, để từ phía sau trông chừng tất cả mọi người. Chỉ cần Nagashima Tatsuo đi sau cùng là mọi người cảm thấy rất yên tâm.

Hôm ấy, đi đầu là Takeyo Keizou, người có mười năm kinh nghiệm. Kakinuma Yoshiyuki ngày thường lẽ ra là người thứ nhì hay thứ ba, thì lại ở vào vị trí thứ tư, là điều khiến cho Nagashima Tatsuo càng cảm thấy lo lắng.

“Kakinuma Yoshiyuki trong người không được khỏe.”

Chắc hẳn là tối hôm qua Kakinuma không ngủ được. Khi leo núi mà mất ngủ là điều tối kỵ.

Nagashima Tatsuo đặc biệt chú ý đến Kakinuma Yoshiyuki. Trong chuyến leo núi hôm nay, phải để ý vào Kakinuma mới được. Nagashima bước tới thật gần bám sát Kakinuma.

Cả đoàn lầm lũi đi, phơi lưng dưới ánh mặt trời. Trong đầu họ đã có một lịch trình được sắp sẵn. Cho đến trưa, nếu không tới được mốc 5,5 (2.300m), thì nội trong ngày hôm ấy, sẽ khó có thể tới được chòi nghỉ ở mốc 7,8 (3.278 m). Họ đợi gió dịu bớt.

Lúc khởi hành đã trễ ít nhất là một tiếng đồng hồ. Không thể nào đi chậm được. Tuy nhiên họ cũng không hối hả, chỉ cứ tính là càng lên cao gió sẽ càng mạnh nên tự biết rằng từ đây cho đến mốc số 3 (1840 m) sẽ phải cố rút ngắn thời gian, và ý nghĩ đó khiến họ phần nào đi nhanh hơn đôi chút.

Vào lúc 10 giờ rưỡi, khi tạm dừng chân ở chòi nghỉ tại mốc số 3, tốc độ gió lên đến mười mấy mét. Càng lên cao tuyết càng dầy, khi mặt trời lên, bề mặt của tuyết mềm ra, nếu bước nhằm chỗ tuyết bị thổi bay lên và tụ lại thì quả thật không dễ gì nhấc giầy lên được. Tuyết bị gió thổi bay tung lên, hắt vào mặt của năm người trong đoàn đã mặc áo và đội mũ chắn gió.

Đội ngũ của họ chia làm hai tốp.

Một tốp do người đi đầu là Takeyo Keizo dẫn đầu, bỏ rơi lại tốp đi sau có Kakinuma Yoshiyuki và Nagashima Tatsuo vừa làm cái chắn gió vừa tiến lên. Trong trường hợp này, tốp leo lên trước sẽ mở cửa chòi nghỉ, nhóm lửa và có nhiệm vụ chuẩn bị cơm nước cho người đến sau.

Qua khỏi mốc số 4 (2.010 m) được ít lâu, Kakinuma Yoshiyuki bị cơn gió lốc thổi tới, loạng choạng ngã. Tuy đã dùng gậy chống gượng lại, nhưng vẫn bị ngã trông thật buồn cười.

-Cậu Kakinuma, cậu có sao không?

Nagashima Tatsuo đưa tay đỡ lấy cánh tay của Kakinuma Yoshiyuki.

-Không sao.

Kakinuma đứng lên, cầm lại gậy chống, đáp lại với giọng nói nghe có vẻ bực dọc. Cặp kính chắn tuyết khiến không biết ánh mắt của Kakinuma lúc ấy như thế nào, nhưng rõ rệt là Kakinuma thấy bận lòng vì sự săn sóc của Nagashima.
-Cậu Kakinuma, cẩn thận nhé, gió mỗi lúc một mạnh hơn đấy.

Nagashima hạ giọng nói.
-Dạ biết chứ. Nhưng gió tốc độ 20 hay 30 mét mà sợ, thì làm sao đi thay phiên trực được chứ!

Nagashima Tatsuo không ngờ rằng câu nói đó thốt ra từ cửa miệng Kakinuma, vốn là người lúc nào cũng hiền lành. Họ leo núi không phải là để đi chơi mà đây là công việc, luôn luôn cận kề với bất trắc hiểm nghèo, từ khi Trạm quan sát và trắc lượng trên đỉnh núi Phú sĩ bắt đầu hoạt động đến nay thì một điều phải chấp nhận- như số mệnh- là mọi dự đoán đều có thể bị đảo lộn. Điều đương nhiên là phải hết sức cẩn thận, thế mà Kakinuma lại dằn giọng nói thế, hẳn là có điều gì làm cậu ta bực dọc để thốt ra nhũng lời như vậy.

-Gió mạnh nên mình cứ từ từ mà leo..-Nagashima nói.

Thế nhưng Kakinuma không đáp lại, chắc là đang dõi mắt nhìn lên đỉnh núi và bắt đầu leo lên theo lối đi ngoằn ngòeo của Takeyo Keizou và ba người đi trước, trực chỉ chòi nghỉ ở mốc số 5,5. Nếu dồn quá nhiều sức để leo đoạn đường này, thì trước khi đến được mốc số 7,8 họ đã bị kiệt sức. Chắc hẳn là Kakinuma cũng biết như vậy, xong cậu ta vẫn không chịu giảm tốc độ.

Nagashima Tatsuo bám sát Kakinuma, chỉ sợ hễ rời cậu ta ra là cậu ta sẽ gặp nguy. Nếu không ở vào vị trí có thể đỡ ngay được, ở chỗ càng dốc và bề mặt của tuyết càng cứng, thì lại càng nguy hiểm hơn.

Nagashima lặng lẽ theo sau. Kakinuma Yoshiyuki 27 tuổi, Nagashima Tatsuo 59 tuổi.
Từ lúc Kakinuma bắt đầu toan bứt ra khỏi Nagashima mà tiến lên, khoảng cách 30 tuổi này như xoáy vào tận tâm can Nagashima. Cho dù đã 59 tuổi, ở trong đội ngũ với những đội viên ở tuổi đôi mươi, Nagashima vẫn không hề thua kém họ. Sự từng trải đã tôi luyện ông thành như thép.

Thế nhưng từ lúc Kakinuma bắt đầu cố đuổi theo ba người ở phía trước, thì quả thật là ông không thể nào đuổi theo kịp. Nagashima Tatsuo bèn không cố nữa, mà nghĩ cách làm sao để cho dù có bị chậm hơn Kakinuma hai ba bước, nhưng lỡ mà Kakinuma có bị trượt chân thì vẫn có thể đỡ cho Kakinuma khỏi bị ngã.

Trên lưng Nashima Tatsuo có một cái gùi đựng mười lăm cân rau. Trong số lương thực mà các nhân viên ở trên đỉnh núi đang chờ, thì rau tươi là thứ mà họ mong đợi nhất.

Chiếc gùi sau lưng to tướng nhô ra hai bên sườn Nagashima Tatsuo, vốn là người thấp bé.

(Cậu Kakinuma nguy to rồi. Cái điệu này thì không khéo sẽ ngộ nạn mất thôi.. )

Linh cảm bất trắc về chu kỳ ngộ nạn từng tám năm một cử lởn vởn quanh chiếc túi ba lô trên lưng Kakinuma đang leo trước mặt.

(Từ độ cao ở mốc 5,5 trở lên, phải để cho Kakinuma Yoshiyuki đi tiếp theo sau Takeyo Keizo mới được. Bị kẹp giữa hai người đồng đội, Kakinuma Yoshiyuki sẽ không thể hành động một cách tùy tiện.)

Tuy năm người không cùng nắm dây đi thành hàng, nhưng chắc hẳn ánh mắt và giọng nói của đồng đội sẽ là sợi dây dẫn dắt cậu ta.

Phía dưới mốc số 5 gió liên tục thổi mạnh. Tốc độ gió chừng trên 20 mét một giây. Làn gió mạnh như thể một dòng nước nặng trĩu vừa lướt qua thì sương mù xuất hiện. Nagashima Tatsuo cất tiếng gọi bảo Kakinuma Yoshiyuki hãy chờ đấy. Môt nguyên tắc từ khi bắt đầu có Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ đến nay, là hễ nghe tiếng gọi bảo đợi, thì dù có thế nào chăng nữa cũng phải đợi.

Nagashima đã nghĩ bụng là, nếu Kakinuma bất chấp nguyên tắc, cứ thế một mình leo tiếp, thì con người ấy âu là bỏ đi. Xong Kakinuma Yoshiyuki đã dừng lại, tựa mình vào gậy chống mà đứng lại đợi Nagashima Tatsuo.
-Ông Tatsuo, tôi đeo gùi thay cho ông nhé?

Câu nói thật bất ngờ và đồng thời cũng là câu nói làm Nagashima Tatsuo không được vui. Tâm trạng của ông là chỉ muốn đáp lại rằng, sao lại nói như thế với một người như ông, tuy đã có tuổi nhưng chính bản thân ông và mọi người cũng phải công nhận rằng nhất trên núi Phú sĩ thì ông là người khỏe nhất.
-Gùi không nặng đâu cậu Kakinuma à, gió mạnh lắm nên mình cùng leo nhé.

Kakinuma cúi rạp người xuống để gật đầu, rồi đưa mắt ra dấu cho Nagashima biết là cậu ta sẽ leo lên trước.
“Hóa ra nẫy giờ cậu ta lo cho mình.”

Tâm trạng của Nagashima Tatsuo bây giờ thật khó tả.

Nagashima cứ một mực cho rằng Kakinuma đang làm điều nguy hiểm, nhưng hóa ra đó chỉ là do chính ông nghĩ quá mà tưởng là thế thôi, thực sự thì chẳng có điều gì để phải lưu ý Kakinuma. Nagashima chợt nghĩ có thể là thật ra chỉ vì Kakinuma lo lắng cho mình, nên mới bám sát mình mà không dám rời xa.

-Người leo núi ai cũng từng đã có một vài lần bỗng có lúc lơ đãng thật không ngờ, những lúc như thế nguy hiểm lắm..

Nagashima Tatsuo nói vọng lên cho Kakinuma Yoshiyuki nghe được, mà cảm thấy câu nói ấy, hơn bao giờ hết, nghe như là nói với chính mình.

Chòi lánh nạn của Đài quan sát ở mốc 5,5 bị vùi trong tuyết. Gạt tuyết ở chỗ cửa và mở được cánh cửa ra thì thấy căn phòng ngay trước mặt đầy tuyết. Tuyết cũng lọt vào căn phòng trong cùng, tụ lại cao hơn 6 tấc xung quanh lò sưởi.

Than đốt vẫn còn đủ dùng.

Vì họ đã đi trong tuyết cho đến mốc số 3, nên giầy ướt sũng, đến bít tất cũng ẩm ướt. Nếu không hong bít tất cho khô, thì không khéo mà bàn chân bị hoại tử vì đông lạnh. Và gió mạnh, nên cũng cần tạm dừng lại chờ một lúc. Kakinuma Yoshiyuki đến ngồi bên cạnh lò sưởi mà đồng đội đã nhóm lửa sẵn cho.

-Tối hôm qua mất ngủ, nên hôm nay không chịu nổi…Hôm nay lại có gió nữa..

Thế rồi Kakinuma nói huyên thiên. Kakinuma đang mệt, thế nhưng miệng thì cứ thao thao bất tuyệt. Trong bọn ai cũng biết Kakinuma thường ngày ít nói, nên tuy cảm thấy lạ vì cách nói chuyện của cậu ta, nhưng họ lại cho rằng đó là do cậu ta bị xúc động bởi đoạn đường gian nan để lên tới được mốc 5,5 này, nên cũng không dọ hỏi gì cả..

Họ làm cho tuyết tan để lấy nước đun sôi, nấu canh tương mi sô ăn liền cho no bụng xong rồi, Kakinuma vẫn chưa hết huyên thiên. Kakinuma có vẻ như là nếu không nói thì không thể ở yên được, khiến Nagashima Tatsuo phải nheo mắt chăm chú dõi theo với nỗi lo âu trong đáy mắt.

Inagawa Minoru, người bị lạc trong màn sương, rồi tử nạn vì trượt ngã trên vách băng đá hiểm nghèo ở mốc 7,8 vào tháng 2 năm 1932, mà hình ảnh của anh ta trước khi bị nạn với thái độ cũng giống hệt như Kakinuma bây giờ, vẫn còn sót lại trong ký ức của Nagashima Tatsuo. Một ký ức buồn đau mà trong năm người đang quây quần quanh lò lửa, chỉ có mỗi mình Nagashima Tatsuo biết. Hôm ấy, Inagawa Minoru vừa rời khỏi chòi nghỉ ở mốc 5,5, đã trực chỉ đỉnh núi hăm hở leo lên với tốc độ nhanh một cách dị thường. Rồi anh ta mất hút trong sương mù xuất hiện trên núi. Mọi người cất tiếng gọi nhưng không có tiếng trả lời. Anh ta nhanh thoăn thoắt và biến mất như thể tự mình dấn thân vào tử địa.

Hễ nhớ đến Inagawa Minoru thì chu kỳ ngộ nạn từng tám năm một –lẽ ra không nên nghĩ tới- lại hiện lên trong đầu Nagashima Tatsuo. Ông lo lắng vì thấy Kakinuma Yoshiyuki đang nói, mặt ửng hồng vì lửa than trông giống như say rượu.
-Chúng ta chuẩn bị lên đường nào..

Takeyo Keizo hỏi ý Nagashima Tatsuo. Nếu Nagashima ừ, thì dù là gió mạnh nhưng thế là quyết định lên đường. Trong những trường hợp như thế này, Nagashima thực sự là người chỉ huy. Trước sự từng trải của ông, ai cũng phải cúi đầu nghe theo, không thể chê trách ông được.

-Gió còn mạnh quá..

Nagashima Tatsuo nói thật quả quyết với Takeyo. Gió vẫn như trước, không đổi.

Gió mạnh xen lẫn những đợt cuồng phong đang thổi bên ngoài căn chòi tạm nghỉ bị vùi trong tuyết. Giờ giấc mới là 2 giờ chiều, cho dù thật cẩn thận trong khi leo thì chắc là cũng lên đến được mốc 7.8 mà không nguy hiểm gì. Vì vậy, Nagashima Tatsuo không đồng ý cho leo núi không phải vì gió. Mà vì thái độ khác thường của Kakimuma làm ông liên tưởng đến sự việc trong quá khứ. Tình hình này mà cứ lên đường, thì sẽ có tai nạn chẳng lành nào đó sẽ xảy ra ngay dưới mốc 7,8 chăng. Linh cảm trong lòng người đàn ông của núi tuyết khiến ông chần chờ không muốn lên đường.

-Tối nay ở lại đây sao?

Takeyo Keizo nhìn mặt Nagashima với ý dò hỏi. Tuy hơi có ý bất mãn vì phải bỏ ý định lên đường, nhưng Takeyo không thể phản đối Nagashima Tatsuo, người có thể gọi là ông chủ của núi Phú sĩ. Takeyo muốn tìm xem lý do ẩn giấu trong mắt Nagashima, nhưng bóng tối khiến không trông thấy gì cả. Đôi mắt của Nagashima lặng lẽ nheo lại như đang ngủ.

-Tối nay ngủ lại đây một đêm, đến sáng mai gió sẽ ngừng thôi.

Nagashima Tatsuo đưa ra kết luận. Với câu nói này của Nagashima, mọi người sắp sửa đồng ý làm theo, thì đúng lúc đó, Kakinuma Yoshiyuki nói chen vào:

-Ông Tatsu ơi, chúng ta ở lại đây ư, nếu ở lại trong chiếc chòi này thì sẽ đổi phiên trễ mất đến cả hai ngày trời. Đổi phiên trễ hai ngày là trễ quá …Gió thì vẫn thế. Vả lại mới hơn 2 giờ chiều. Tới được mốc 7,8 thì ở đó có chăn nệm, có lương thực, tuyết cũng không lùa vào trong nhà nghỉ được. Ngày mai chúng ta sẽ lên được đỉnh núi nội trong buổi sáng…

Kakinuma đưa mắt nhìn mọi người như nài nẵng “Có phải vậy không nào“. Nét mặt của ai nấy hầu như là tán thành ý kiến của Kakinuma, thế nhưng họ không dám buột miệng nói gì, vì cũng không biết trong thâm tâm Nagashima Tatsuo- dù cũng thừa biết như vậy mà vẫn bảo hãy ngủ lại đây- có ý nghĩ gì hay chăng, nên cứ hết nhìn Kakinuma rồi lại nhìn Nagashima.

Ba người bị nạn cách nhau từng tám năm một trước đây đều độc thân. Trước khi bị nạn, họ đều có điều gì xao xuyến trong lòng. Nguyên nhân không rõ vì sao, nhưng cũng có thể mơ hồ lần ra manh mối. Các nhân viên khí tượng khi được phân bổ đến Đài quan sát và và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ thì dứt khoát đều là những học viên, tất cả đều là những người trai trẻ, tâm hồn còn trong trắng, Những điều đã làm xao động tâm hồn của ba người bị nạn trước đây, là vấn đề học vấn, hay tình yêu hay là điều gì khác, tuy không thể phân minh rạch ròi, nhưng leo núi để lên đài quan sát với bầu nhiệt huyết sôi sục thì chỉ một lần đánh mất thăng bằng trong tâm hồn, cũng chính là lúc họ có thể gặp nguy nàn. Tâm hồn càng trong trắng thì sự mất thăng bằng càng ùa tới dồn dập hơn. Nagashima cho là như vậy.

(Gió này không lành. Nếu leo lên thì lại xảy ra lần ngộ nạn thứ tư.)

Không thể nêu lên chứng cớ nào khiến tinh thần của Kakinuma dao động. Những điều cậu ta làm, cậu ta nói, đều rất chính đáng, nhưng chỉ riêng Nagashima Tatsuo là thấy được đang có điều gì trĩu nặng trong tâm hồn cậu ta.

-Thôi thì hay là chúng ta cứ thử leo tới đó, xem có leo được hay không?

Một người nẫy giờ im lặng cất tiếng nói, đó cũng là ý kiến tiêu biểu cho bầu không khí chung ở đây.

(Suốt 26 năm nay làm việc ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên núi Phú sĩ này, mình hiểu rõ núi Phú sĩ hơn ai hết. Chưa một lần nào ý kiến của mình đưa ra bị phản đối. Thế mà…)

Trong bầu không khí chung đều ngả về quyết tâm muốn leo tiếp ngay, Nagashima Tatsuo nghĩ đến cái tuổi 59 của mình.

(Đã đến lúc mình xuống núi là vừa.)

Nagashima Tatsuo đưa mắt nhìn Takeyo lần cuối với ánh mắt van nài.

(Nguy hiểm đấy. Nếu cứ cố leo cho bằng được thì sẽ có người bị nạn.)

Nagashima thấy khổ tâm vì không thể nói ra miệng.

-Ông Tatsuo ạ, các bạn đều nói là muốn leo, giờ giấc thì vẫn còm sớm. Hay là chúng ta leo tới mốc số 7 rồi mà nếu gió vẫn còn mạnh thì quay trở lại cũng được, và ông Tatsuo cũng nên để lại chiếc gùi đựng rau thì hơn đấy ạ…
Takeyo Keizo khẩn khoản nói mong Nagashima đồng ý.
(Takeyo Keizi cũng không hiểu ý mình nốt.)

Nagashima Tatsuo đặt tay lên đùi, nhắm mắt lại.
(Đã đến nước này thì thôi đành vậy. Chỉ còn cách đi sau làm hậu thuẫn cho các nhân viên để leo lên mốc số 7 thôi..)
-Chúng ta đi nào.
Nagashima Tatsuo nói, giọng ông chùng xuống.

Năm người mắc đế đi tuyết vào giầy trong tiếng gió rít. Ra khỏi chòi sẽ là lao vào trận chiến mất còn với ngọn núi có gió và băng tuyết làm vũ khí. Trang bị trên người không được sơ xẩy một chút nào. Họ xem lại dây giầy, và sợi dây xiết chặt những chiếc răng của đế đi tuyết. Khoác mũ áo ngăn gió lên người, mang kính che tuyết, đeo ba lô, chống gậy đứng lên thì trước mặt chỉ còn có núi.

Nagashima Tatsuo vừa trang bị các thứ trên người, vừa đưa mắt nhìn trang phục của từng đội viên.
Đôi mắt sắc bén của Nagashima Tatsuo dừng lại nơi đôi giầy của Kakinuma Yoshiyuki.

-Cậu Kakinuma …

Kakinuma Yoshiyuki mắc nhầm đế đi tuyết của chiếc giầy bên trái vào chiếc bên phải.

-Sai rồi, cậu Kakinuma, cậu hãy xem lại đế đi tuyết mắc vào giầy xem nào..
-Sai rồi sao ạ?

Kakinuma giơ một chân lên nhìn vào đế giầy.
Họ đi thành hàng dọc, Kakinua là người thứ hai, Nagashima là người thứ ba.

Kakimuma đã toan đi đầu, nhưng trong khi mắc lại đế đi tuyết thì bị người khác đi vượt qua, vẻ bất mãn lộ ra mặt.
-Cậu Kakinuma nhớ cẩn thận nhé. Nhớ cẩn thận đấy nhé.

Khi rời chòi nghỉ, Nagashima đã dặn dò thế. Mắc nhầm đế đi tuyết là điều ít khi xẩy ra. Bước đi trên mặt băng cứng như đá thì đế đi tuyết mắc vào giầy là thứ vũ khí quan trọng nhất. Tám cái răng bằng thép nhọn hoắt chìa ra hai bên phải trái, nhờ sức nặng của thân thể mà cắm sâu vào băng tuyết, giúp cho người leo núi không dễ gì có thể bị gió thổi bay. Mắc nhầm đế đi tuyết thì cũng khôi hài giống như đi giầy mà nhầm chiếc bên trái với chiếc bên phải.

Nagashima biết trong quá khứ đã có một trường hợp lạ lùng tương tự. Đó là vào năm 1935, vào ngày Sakamizu Ryusaku bị trượt ngã đưới mốc số 7.8, ngay trước khi rời đài quan sát trên đỉnh núi, Nagashima đã phát hiện ra điều này. Việc Kakinuma mắc nhầm đế đi tuyết vào giầy, vốn là điềm báo trước vụ ngộ nạn đầu tiên, khiến Nagashima Tatsuo càng cảm thấy không yên tâm.

Nagashima Tatsuo cảm thấy như thể là móng vuốt của bóng ma ngộ nạn mỗi chu kỳ tám năm đang chực bấu vào vai Kaninuma Yoshiyuki. Ông thấy dường như đã có đủ mọi yếu tố để dồn Kakinuma Yoshiyuki vào tử địa.

Nagashima Tatsuo bám sát sau lưng Kakinuma Yoshiyuki. để nếu cậu ta bị ngã, thì sẽ kịp đỡ cậu ta trước khi tốc độ ngã gia tăng. Ông sẽ lấy thân mình ra đỡ lấy cậu ta. Nên phải chuẩn bị trước để trong mọi trường hợp đều có thể kịp thời đối phó.

Tai ông chỉ còn nghe thấy tiếng gió, mắt ông chỉ còn trông thấy chiếc lưng của Kakinuma.

Đúng như Nagashima đã đoán trước, càng lên cao, gió mỗi lúc một mạnh hơn. Khi họ trông thấy ở bên trái của lối leo lên đỉnh Hoeizan- là quả núi nẫy giờ ngăn gió từ phía tây thổi lại-, thì gió thổi mạnh hơn.

Chính tốc độ gió đã gia tăng. Thỉnh thoảng trong luồng gió mạnh thổi liên tục lại nổi lên từng đợt cuồng phong, cảm thấy như là mạnh gấp đôi, thổi thốc vào người leo núi.

Họ cứ leo được ba bước thì trong khoảng hai bước tiếp theo lại phải chống chỏi với một đợt cuồng phong bằng cách cúi rạp xuống trên mặt băng tuyết.

Kakinuma Yoshiyuki nhanh nhẹn chuyển động vào những lúc nguy hiểm. Cậu ta đương đầu với gió theo bản năng, khéo léo tiến lên phía trước đúng vào khoảng lặng của gió. Bụi tuyết mù mịt như khói bay ngang qua khiến mọi người thỉnh thoảng bị mất phương hướng. Khoảng thời gian đám khói bụi tuyết này tạm ngớt bay qua là lúc để họ nghỉ ngơi và kiểm tra lại mũi rìu băng và các răng chìa ra hai bên phải trái của đế đi tuyết. Tay buốt cóng vì lạnh. Đã trông thấy nhà nghỉ ở mốc số 7, đoàn người bắt đầu leo lên theo lối đi ngoằn ngoèo dẫn tới nhà nghỉ.

-Nhà nghỉ ở ngay đằng kia kìa.

Kakinuma Yoshiyuki nói vào lúc lặng gió.

Bây giờ không phải là lúc để nói những điều không cần thiết. Đây là địa điểm mà trong quá khứ đã có ba người thiệt mạng. Không được làm điều gì, như là quay nhìn lại đằng sau.

-Nguy hiểm! Hãy cúi rạp xuống, và nhìn thẳng về đằng trước!

Lời Nagashima Tatsuo đã bị ngọn gió thốc tới thổi bạt đi, không tới tai Kakinuma, chỉ thấy miệng Nagashima đang mấp máy.

-Ở ngay đằng kia rồi.

Kakinuma Yoshiyuki lại nói một lần nữa. Cậu ta chỉ vặn mình quay lại, trọng tâm của thân mình vẫn không đổi.

(Đồ ngu, đây chính là tử địa ..)

Có lẽ khoảng trống trong tâm hồn Kakinuma đã khiến cậu ta quên mất cương vị của mình. Nagashima ngước mặt hất cầm lên nói như để đáp lại.

Gió chợt ngừng thổi.

Rồi ngay sau đó là một đợt cuồng phong thật khủng khiếp.

-Cúi rạp xuống!

Nagashima vừa nói vừa giữ thân mình áp sát vào vách núi. Kakinuma đã cúi rạp xuống bám vào vách núi băng tuyết, vừa đưa mắt nhin Nagashima Tatsu ở phía sau với ánh mắt lo âu cho ông.

Nagashima phải khá khen cho tư thế vững vàng thật ngoạn mục không chút lay chuyển trước gió ấy của Kakinuma. Không có gì đáng lo cả. Nagashima thấy xúc động vì Kakinuma không làm gì để phải lo, mà trái lại cậu ta còn tỏ ra lo lắng cho ông.

-Thế là ổn rồi. Mọi sự chỉ là do mình lo xa quá thôi.

Mỗi lúc gió ngừng thổi, các đội viên từng người một tiến lên phía trước. Cả bốn người, không ai bước bước nào nguy hiểm cả.

(Tất cả đều đã tiến bộ, không cần phải lưu ý họ điều gì cả. Tất cả đều đã có thể tự mình xử trí trong mọi tình huống. )

Nagashima nhìn theo thấy bốn đội viên đã qua được địa điểm ngặt nghèo nhất và đã tới được nhà nghỉ ở mốc số 7,8, rồi mới nhấc mình lên khỏi vách núi băng tuyết.

Bốn đội viên tới được nhà nghỉ ở mốc số 7,8 bình yên vô sự, khiến lòng Nagashima chùng lại. Ông nghĩ bụng, qua khỏi điểm nguy hiểm này rồi thì không còn phải lo lại xảy ra ngộ nạn lần thứ tư. Tâm trạng như vừa trút được gánh nặng, và ông thấy mình cứ lo cho Kakinuma Yoshiyuki sẽ là người thứ tư phải bỏ mình ở mốc 7,8- nơi vẫn xảy ra tám năm một lần ngộ nạn-, chỉ là điều lo lắng vẩn vơ.

Vách núi băng đá dốc dác trơ trơ trước mặt.

26 năm qua, phương pháp leo núi của các đội viên đã ngày càng tiến bộ. Họ đã trưởng thành, không cần sự chỉ dẫn dậy dỗ của mình. Chắc hẳn là sẽ không còn ai bị thiệt mạng nữa.

Khuôn mặt đen đủi của Sakamizu Ryusaku người đầu tiên phải bỏ mình hiện ra trong trí Nagashima Tatsuo. Tiếp theo là nét mặt luôn u sầu của Inagawa Minoru, người phải bỏ mình lần thứ hai. Người thứ tư, Sekimoto Konosuke như đang chăm chú nhìn Nagashima với cái nhìn sâu thẳm và như thầm nói đây là mốc 7,8.

(Tất cả đều đã tới được mốc 7,8. Không có người thứ tư phải bỏ mình..)

Nagashima nói với Sekimoto Kounosuke, để xóa đi hình ảnh cậu ta trong tâm trí. Đột nhiên, ông thấy khuôn mặt thật lớn của chính mình hiện lên. Trông nhợt nhạt đến rợn người. Ông liền vội vàng xua đi ảo giác ấy.

Gió đã đợi cho đến lúc đó. Giống như ở cửa đập nước vừa được mở ra, gió với tốc độ và lưu lượng thật lớn ùa tới, thổi thốc vào Nagashima Tatsuo. Gió cực mạnh và không có khoảng lặng cứ mỗi lúc một tăng tốc độ mà thổi tới.
Nagashima đang cúi rạp xuống bám vào vách núi. Gió luồn qua bụng như muốn thổi thốc lên, và đè lên chiếc gùi sau lưng. Nagashima cảm thấy sức gió đè lên khiến chiếc gùi như nặng đến cả hơn trăm cân. Ông đoán tốc độ gió khoảng hơn 40 mét một giây.

Cơn gió ấy liên tục thổi trong mười mấy phút, chỉ ngừng lại trong vài giây, rồi lại thành cơn gió lốc với sức tàn phá thật kinh hoàng. Đến lúc này Nagashima mới biết được hết tính chất của gió ở địa điểm hiểm hóc này.

Nếu thừa cơ lúc gió lặng mà vứt bỏ chiếc gùi sau lưng, thì hẳn là Nagashima đã chống chỏi được với cơn gió lốc ấy.

Đúng như dự đoán, gió bỗng ngừng hẳn lại.

Nét mặt của từng người trên đài quan sát đang chờ có rau tươi hiện ra trong đầu.
Nagashima Tatsuo không nỡ vứt chiếc gùi đựng rau. Và vì thể diện, Nagashima cũng không thể vứt được chiếc gùi.

Ông đóng rìu băng thật sâu vào vách núi băng tuyết, cắm thật chặt những răng của đế đi tuyết dưới hai chân vào băng tuyết, chuẩn bị đón đợt cuồng phong.

Nguyên lý của núi không chút nhiễu loạn. Ngọn gió với từng đợt cuồng phong tốc độ trên 40 mét một giây thổi thốc vào toàn thể sự chống đỡ bằng thân mình và chiếc gùi trên lưng, Nagashima gồng mình vận dụng hết sức lực trên cả giới hạn của mình ra chống trả lại.

Đó là sự cân đo lực lượng của sức lực. Sức gió bất khả kháng quá mạnh đã quyết định số phận của Nagashima Tatsuo. Chỉ trong chớp mắt, thân thể Nagashima Tatsuo bị tách rời khỏi vách băng đá. Tốc độ gia tăng khi trượt ngã là điều không thể nào kìm hãm được. Khói bụi tuyết cuốn theo sau lưng ông.

Ông vừa trượt ngã vừa hồi tưởng lại 26 năm qua bằng vận tốc của ánh sáng.

Trong lòng chỉ còn một điều nuối tiếc là đã không đem được chiếc gùi đựng mấy chục cân rau tươi lên đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi.

Ông biết 59 năm cuộc đời mình sắp kết thúc. Ông cảm thấy việc mình là người thứ tư cúa chu kỳ ngộ nạn từng tám năm một không hề gây trở ngại nào cho Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ. Ông nhìn mình và cho mình được là người làm tấm chắn cho các nhân viên ở đài quan sát, mà chết.

Vách núi băng tuyết nhuộm máu Nagashima Tatsuo, mà thi thể được đưa về nhà ở Gotenba là vào buổi chiều ngày hôm sau.

Núi Phú sĩ vẫn không một gợn mây trên bầu trời xanh ngắt.

Truyện ngắn mô phỏng Osada Teruo, người đã ngộ nạn vào ngày 26 tháng 2 năm 1958 ở mốc số 7 theo lộ trình từ Gotenba, trên đường lên núi để đổi phiên trực ở Đài quan sát và trắc lượng khí tượng trên đỉnh núi Phú sĩ.

Nguyên tác Junshoku (Tuẫn nghiệp) của Nitta Jiro

Quỳnh Chi dịch(30/3/2022)




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc