CÁC QUAN CHỨC LÃNH ĐẠO VIỆT NAM VỚI KHÁT VỌNG GIẢI NOBEL - Nghiêm Nguyễn

17 Tháng Giêng 202211:57 SA(Xem: 1111)


Các quan chức lãnh đạo VN với khát vọng giải Nobel

Nghiêm Nguyễn

Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ Tướng thường hay có những phát ngôn nổ hơn pháo Tết. Địa phương nào ông ta đến thăm viếng cũng sẽ trở thành mũi nhọn, đầu tàu, ngang tầm quốc tế..., nên có biệt danh là "Phúc nổ". Bây giờ lên làm Chủ Tịch Nước, tật nổ vẫn không chừa mà "công phu" hình như còn cao siêu hơn.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời phát ngôn của Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ trao giải thưởng “Tác Giả Trẻ” do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức sáng ngày 9 tháng Giêng 2022: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn Chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước.Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay.”


NXP-

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trao thưởng cho các tác giả được giải Văn học trẻ. Ảnh báo Tuổi Trẻ



Dường như mơ ước đoạt giải Nobel luôn ám ảnh giới lãnh đạo CSVN từ nhiều năm qua, dù khoảng cách giữa giải thưởng quốc tế này với các giải thưởng do nhà cầm quyền trao tặng là “một khoảng trời mênh mông.” Giải Nobel là một trong những giải thưởng danh giá nhất trên hành tinh, được trao tặng cho những người có thành tựu nổi bật trên khắp thế giới về những công trình, những đóng góp lớn lao cho nhân loại về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nhân văn. Việt Nam khoe khoang có mấy chục ngàn tiến sĩ nhưng cho đến nay chưa có những công trình, những đóng góp nào cho ra hồn. Nguyễn Xuân Phúc chắc có lẽ chỉ thích nổ cho sướng miệng mà hoàn toàn không biết về tiêu chí của giải.

Ai cũng biết văn hóa dưới chế độ CS là thứ văn hóa độc tài, đảng trị, xơ cứng,giáo điều, bảo thủ, lạc hậu. Vì vậy nó hạn chế, kìm kẹp và kiểm soát tư tưởng văn nghệ sỹ, trói buộc các sáng tác phải nằm trong khuôn khổ cho phép, hay nói cách khác phải nằm trong chính sách, đường lối của đảng và nhà nước. Làm sao mà các nhà văn có được một không gian sáng tạo cho riêng mình mà cốt lõi là tự do tư tưởng và tự do biểu đạt khi trên đầu họ đang treo lơ lửng lưỡi gươm của đảng, của ban tuyên giáo và bộ công an, sẵn sàng “tru di” những ai không phục tùng với những tội danh mơ hồ và vô lý như tội “tuyên truyền chống phá nhà nước,“lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vẫn luôn luôn là những bóng ma ám ảnh tâm trí những người cầm bút. Nhiều kẻ vì muốn an thân, hưởng chút bổng lộc, ân huệ nên cam tâm làm bồi bút, văn nô cho chế độ. Nếu không thì đành bẻ bút tìm nghề khác mà sinh nhai. Còn nếu muốn được tự do sáng tác, tự do viết theo cảm hứng, theo ý của mình thì chỉ có cách in và xuất bản chui hoặc tìm đường "di tản" ra nước ngoài như các nhà văn Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương, Phạm thị Hoài...Đối với các văn nghệ sĩ chân chính, độc lập trong nước, không chịu nằm dưới sự khống chế của nhà cầm quyền thì họ thường xuyên bị sách nhiễu, xuyên tạc, mạ lỵ, vu khống là những tay sai, chống lại nhà nước theo chỉ thị của các "thế lực thù địch nước ngoài".

Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn Hóa Toàn Quốc vào 24/11/2021 đã phàn nàn VN:

"Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực...".

Không biết ông ta có nhận thức được với đường lối, chính sách về văn hóa như trong chế độ hiện tại thì làm sao VN có được những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật tầm cỡ như ông ta mong muốn. Cho nên chuyện VN được giải Nobel Văn Chương còn khó hơn chuyện hái sao trên trời. Cũng may ông Chủ Tịch Phúc chỉ mơ ước giải Nobel Văn Chương chứ không "nổ" sang các giải Nobel khác.

Việt Nam không phải thiếu nhân tài, tuy nhiên muốn có những công trình, những đóng góp lớn lao có tầm vóc quốc tế cần phải có môi trường để phát triển tài năng, kiến thức.Với nền giáo dục vá víu, tạp nham, tụt hậu, hồng hơn chuyên, người có tài bị loại ra khỏi cơ chế xã hội, ưu đãi người dốt nát ngu đần thì chuyện VN được giải Nobel muôn đời chỉ là chuyện hoang tưởng, trời mọc hướng Tây. Hy vọng may ra vào những người Việt sống và làm việc ở hải ngoại, được hấp thụ các nền giáo dục, văn minh của các nước tiên tiến, công nghệ cao.

Thật ra cũng có người Việt Nam từng được trao tặng giải Nobel, tuy nhiên hầu như không ai hãnh diện về sự việc này vì kẻ được giải là một hung thần tàn ác khét tiếng, nắm quyền sinh sát trong tay của chế độ miền Bắc XHCN. Giải Nobel Hòa Bình 1973 được trao cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ với lý do nỗ lực chấm dứt chiến tranh Việt Nam dẫn đến hiệp định Paris được ký kết giữa các phe tham chiến vào tháng Giêng 1973. Lê Đức Thọ khi đó là cố vấn cao cấp đoàn đại biểu chính phủ CSVN.

LDT-Kissinger
  Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Đức Thọ (trái) và Cố vấn An Ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký kết hiệp định Paris. Ảnh: ard.de



Giải thưởng Nobel Hòa Bình 1973 gặp phải nhiều chỉ trích gay gắt vì người được giải hoàn toàn không xứng đáng. Hai thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy đã từ chức để phản đối việc trao giải này. Kissinger nhờ người thay mặt mình nhận giải còn Lê Đức Thọ thì từ chối không nhận giải. Cũng đúng thôi vì Cộng Sản Bắc Việt đã nuôi sẵn ý đồ thôn tính miền Nam cho nên nếu nhận giải thì sau này sẽ há miệng mắc quai, khó ăn khó nói, không lẽ kẻ chủ xướng chiến tranh lại đi nhận giải hòa bình. Sau khi ký kết hiệp định Paris, Bắc Việt liên tục vi phạm trắng trợn, không ngừng mở nhiều cuộc tấn công các tỉnh miền Nam, sau cùng với sự chỉ đạo chiến trường trực tiếp của Lê Đức Thọ, toàn bộ miền Nam đã bị cưỡng chiếm vào tháng Tư 1975. Không biết Ủy ban giải Nobel Hòa Bình sau này có hối hận vì đã "trao duyên lầm tướng cướp". Kẻ cướp của giết người được vinh danh là nhà từ thiện.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm rồi mà đất nước vẫn chưa thấy có những phát triển vượt trội nào đáng để tự hào. Mong các quan chức lãnh đạo CHXHCNVN nên từ bỏ những khát vọng viển vông, căn bệnh hoang tưởng mà thay vào đó những ưóc mơ thiết thực, những chương trình ích quốc lợi dân, chứ những giải Nobel, những giải thưởng quốc tế, những tác phẩm tầm cỡ không làm cho nước mạnh, dân giàu, không làm cho người dân bớt lầm than, khốn khổ.



Tháng Giêng, 2022.

NN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc