LỜI NGUYỀN CỦA GIÒNG HỌ - Okamoto Kanoko/ Quỳnh Chi dịch

17 Tháng Mười Hai 20217:48 CH(Xem: 2444)

chiều thu


Lời nguyền của dòng họ

Nguyên tác Karei của Okamoto Kanoko

Từ ngã tư chỗ có đường tàu trong khu phố sang trên đồi, đi lần xuống xóm bình dân, ở dưới là một con đường nhỏ dốc dác. Lưng chừng dốc đối diện với khuôn viên của một ngôi đền, là hiệu cơm nổi tiếng với món cá chạch. Mặt tiền của hiệu là hàng chấn song
gỗ được lau chùi bóng láng. Cửa ra vào treo một tấm màn lửng nhuộm thẫm, để chừa lại hàng chữ tên hiệu “Sinh Mệnh” màu trắng.

Vì cá chạch, cá trê, ba ba, hay thịt nạc cá voi mùa hè là những món ăn tráng dương bổ thận, nên ông tổ mấy đời của hiệu này đã nghĩ ra được một cái tên thật hay là “Sinh Mệnh” như thế. Vào thời ấy thì tên hiệu như thế kể cũng là lạ, nhưng đời bây giờ thì cũng thường thôi, chẳng ai buồn để ý. Chỉ có điều là hiệu ăn này có bí quyết nấu rất ngon các món ăn này, giá lại rẻ. nên lúc nào cũng đông khách.

Ấy là vào khoảng bốn năm năm trước. Đó là một thời đại lãng mạn mà mấy chữ "Sinh Mệnh” kết nối với những suy tư, đã gợi lên cảm giác bấp bênh đầy quyến rũ, những chuyến phiêu lưu bắt nguồn từ cảm giác trống trải, hay sự tầm nguyên dai dẳng tìm về buổi lê minh. Thế rồi, dòng chữ trên chiếc màn treo đã mấy chục năm trước cửa hiệu, vừa được giặt rũ sạch bồ hóng, đã đập vào mắt các chàng trai thời đại, dù chỉ là cảm hứng nhất thời. Đến trước cửa hiệu, đọc dòng chữ trên màn cửa, với nỗi buồn chỉ có ở tuổi trẻ, họ thốt lên rằng: 
- Ta đã mệt! Vì “sinh mệnh”, hay là vào đây chén nào.

Tức thì người bạn cùng đi bèn “kê” lại một câu:
-Coi chừng, đừng để bị chén lại đấy.

Và họ bá vai nhau chui vào trong hiệu.

Chỗ dành cho khách ngồi lát chiếu khá rộng. Trên nền nhà lát chiếu đan bằng cói mát lạnh, có kê một chiếc bàn dài và hẹp để khách ngồi ăn.

Khách ngồi bệt trên sàn nhà cao hơn thềm nhà một bậc, hay ngồi trên ghế kê ở phía dưới thềm nhà, vây quanh bàn mà ăn uống. Thức ăn trước mặt khách đựng toàn trong những chiếc nồi đủ kiểu hay bát âu.

Tường ván gỗ bị ám khói và hơi nước, dường như chỉ được người giúp việc lau bằng khăn cho tới chỗ với tay tới được, nên một nửa phía chân tường thì đỏ au như đồng, nửa trên phía trần nhà thì đen xì như trong bếp lò.

Trần nhà treo một chùm đèn, dù là ban ngày lúc nào cũng bật sáng choang. Ánh đèn ấy không chỉ khiến cho khách có cảm tưởng như đang ngồi trong một cái động, mà còn soi rõ từng cọng xương cá mà khách nhằn ra nơi đầu đũa, làm nó trông trắng nhởn như một cành san hô, và càng làm cho đám thực khách trông cứ như một bầy ngạ quỉ đang dự tiệc. Có lẽ một phần cũng vì cái cách họ chúi đầu mà ăn, trông giống như đang vồ vập một thức ăn bí mật nào đó.

Trên một bên vách gỗ có một khung cửa sổ vừa vừa không rộng lắm, và có một cái kệ. Các đĩa thức ăn cho khách được chuyền từ trong bếp ra cái kệ này, để cô nhỏ hầu bàn bưng ra cho khách. Khách trả tiền cũng để tiền lên kệ này.

Đây là cửa sổ để ngồi trông cửa hàng và thu tiền, thấp thoáng sau cửa qua chấn song ngăn bàn thu ngân lâu nay vẫn là mái tóc bạc của bà mẹ, nữ chủ nhân của hiệu. Nhưng bây giờ là khuôn mặt với nước da bồ quân của Kumeko. Để trông chừng cách tiếp khách của cô bé hầu bàn và các thực khách, thỉnh thoảng Kumeko dòm qua cửa sổ.

Tức thì các cậu sinh viên liền phát ra những tiếng kêu quái gở. Kumeko nhăn mặt cười rồi sai cô bé hầu bàn:
-Họ ồn ào quá, đem thật nhiều gia vị ra cho họ đi.

Hộp gia vị đựng đầy có ngọn hành thái nhỏ trông thật kỳ dị, khiến cô bé hầu bán phải cố nhịn cười, vừa được bưng ra cho các cậu sinh viên, các cậu ấy coi chiều cao của đĩa rau gia vị bốc mùi này như bằng chứng ảnh hưởng của họ đối với cô gái, liền reo to lên một cách đắc thắng.

Kumeko mới trở về hiệu để ngồi thu tiền thay cho mẹ bị bệnh, từ độ bảy tám tháng trước. Từ khi còn đi học, Kumeko đã ghét cay ghét đắng ngôi nhà nom như hang động này. Cô không chịu nổi nghề nghiệp gia truyền là phương pháp ẩm thực dưỡng sinh cho người già yếu hay những người tiêu thụ tràn đầy sinh lực trên đời này.

Tại sao mà người ta sợ hãi đến cực độ sự già yếu đến thế nhỉ? Một khi đã già yếu thì cứ để mặc cho già yếu, có làm sao đâu? Không có gì hạ tiện bằng thứ sinh lực xô đẩy nhau, bốc mùi, nổi váng mỡ óng ánh ấy. Kumeko là cô gái mà chỉ ngửi thấy mùi cây cử ra lá xanh vào đầu hạ là đã cảm thấy nặng đầu. Cô yêu ánh trăng non xuyên qua cành lá hơn là lá non của cây cử. Có lẽ đó là vì bản thân cô đang tràn trề, có thừa tuổi trẻ.

Theo thông lệ hết đời này sang đời khác ở hiệu này, đàn ông trong nhà thường giữ việc đi mua các thứ về nấu, hay làm đầu bếp, còn con dâu hay con gái trong nhà thì giữ sổ sách thu chi. Kumeko là cô con một trong nhà, trước sau gì cũng phải lấy một anh chồng tầm thường chịu vào ở rể, còn mình suốt đời sẽ phải làm bà chủ ngồi canh cái lũ ngạ quỷ trong động này. Mẹ Kumeko đã làm thật đúng cái bổn phận ấy, vì cái nghề gia truyền này mà không còn dám làm điều gì theo ý mình, nét mặt cứ như chiếc mặt nạ gỗ koomote trắng bệch xanh xao trong tuồng Nô, lặng lờ như một cái bóng.

Chỉ nghĩ rồi mai đây mình cũng như mẹ đủ làm Kumeko rùng mình.

Sau khi tốt nghiệp trường nữ ra, Kumeko chọn con đường đi làm và gần như là bỏ nhà ra đi. Cô tuyệt nhiên không kể lại mình đã làm gì, đã sống ra sao trong ba năm ấy. Cô chỉ gửi bưu thiếp về nhà từ căn phòng thuê ở đâu đó. Cuộc sống mà Kumeko mơ tưởng là trong ba năm ấy cô được nhởn nhơ như cánh bướm bay lượn ở sở làm, giao du với bạn trai thì như những con kiến chỉ chạm cái vòi trên đầu vào nhau. Tất cả đều như trong mơ, cứ lập đi lập lại như thế mãi, nên mãi rồi cô cũng thấy chán.

Khi mẹ bị bệnh nằm liệt giường lâu ngày, bị họ hàng thân thích gọi về, ai cũng thấy cô chỉ có lớn hơn thôi chứ chẳng có gì thay đổi. Người mẹ hỏi:

-Lâu nay con làm gì, hả?

Thì cô chỉ đằng hắng mà cười thật thản nhiên. 

Cái cách trả lời như thế giống như làn gió nhẹ thoảng qua, mà người mẹ cũng chẳng gạn hỏi gì thêm.

Nghe mẹ bảo:
-Từ ngày mai, mẹ nhờ cô ngồi thu tiền giữ sổ sách đấy nhé.

Cô cũng lại vừa cười vừa đằng hắng. Vốn dĩ xưa nay, mọi người trong nhà này dường như cảm thấy ngượng ngịu, khó có thể tâm sự hay bàn bạc chuyện gì nghiêm trọng với người thân.

Có lẽ Kumeko cũng phần nào đành yên phận, chịu ngồi thu tiền, không còn uẻ ôi gì nữa.
Vào một ngày cuối năm, sắp năm cùng tháng tận, gió thổi tung cát bụi trên con đường dốc, tiếng guốc vô tình nện trên nền đất giá buốt. Một đêm lạnh lẽo mà tiếng guốc như vang vọng đến từng chân tóc. Theo chiều gió, tiếng rít của bánh xe điện nghiến trên
đường rầy chỗ ngã tư trên dốc lẫn vào tiếng lá xào xạc trong vòm cây trong khuôn viên đền Hachiman trước cửa hiệu vọng về, có lúc nghe như đập vào tai, có lúc lại nghe như tiếng của người mù đang lẩm bẩm ở đằng xa. Kumeko nghĩ bụng, nếu đi ra chỗ đường dốc mà nhìn xuống, có lẽ sẽ thấy ánh đèn trong khu phố bên dưới giống như vô số đèn giăng câu nhấp nháy trên biển mùa đông.

Người khách cuối cùng ra về, căn phòng dưới ánh đèn phả lên mùi thuốc lá nồng nặc lẫn vào mùi một món nấu nào đó. Cô bé hầu bàn, và một cậu chuyên đưa cơm dồn than sót lại trong lò sưởi vào lò sưởi bằng đá, rồi ngồi hong lửa. Kumeko không thích những đêm buồn da diết như thấm vào lòng thế, bèn lật vài trang tạp chí y phục thời trang và quảng cáo phim ảnh ra xem cho khuây khỏa. Còn những hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến giờ đóng cửa hiệu. Chắc chẳng còn khách nào đến. Cô đang định đóng cửa hiệu, thì một cậu chuyên đưa cơm đến tận nhà cho khách, có vẻ co ro vì rét vừa về tới.
-Thưa cô, cháu đi qua ngõ thì ông Tokunaga lại gọi đặt cơm và canh cá chạch. Làm sao bây giờ ạ?


Cô bé hầu bàn rỗi việc đang ngồi ngáp dài như chỉ đợi có thế ngửng lên nói:
-Người đâu mà trơ trẽn thế. Còn thiếu hơn trăm bạc, chưa trả được đồng nào mà lại còn…

Rồi nó dòm qua cửa sổ, xem cô chủ định làm sao.
-Phiền quá. Thế nhưng từ khi bà cụ còn giữ sổ sách vẫn cho ông ta muốn ăn chịu bao nhiêu cũng được. Thôi thì hôm nay cũng phải đem cơm cho ông ta thôi.

Tức thì một người phụ trách đưa cơm lớn tuổi đang ngồi hong lửa tối nay bỗng ngửng đầu lên nói:
-Thưa cô, không được đâu. Nhân dịp năm hết tết đến, ta phải cho lão ấy biết thế nào là
phải, mới được. Nếu không thì lão lại cứ cái đà này lại ăn chịu suốt năm tới.

Ông đưa cơm lớn tuổi này cũng là người chỉ huy công việc trong hiệu, nên Kumeko cũng phải nghe lời bàn của ông. Cô bèn nói:
-Thì cứ làm thế vậy.

Nhà bếp dọn mì udon có kèm theo dưa muối cho mọi người làm trong hiệu ăn tối. Kumeko cũng nhận một bát, đang thổi hơi nóng cho nguội bớt. Mọi người ăn xong bát mì này thì cũng là lúc người đi tuần trong xóm nhắc nhở mọi nhà trông chừng củi lửa kẻo hỏa hoạn cũng vừa đi qua, tiếng gõ hai thanh gỗ vào nhau làm hiệu vang lên ngoài cửa kính. Lúc ấy dù chưa đến giờ, hiệu cũng đóng cửa.

Đúng lúc ấy có tiếng dép lẹp xẹp tiến đến gần cửa và tiếng cửa khe khẽ mở ra. Ông lão Tokunaga thò mặt vào.

-Chào các cô các cậu, lạnh quá nhỉ.

Mọi người trong hiệu giả bộ làm lơ. Ông lão nghe ngóng động tĩnh của mọi người trong giây lát, đoạn khẽ cất giọng nửa như lo lắng nửa như xảo quyệt hỏi:
-Tôi có đặt cơm canh cá chạch mà sao chưa thấy…

Ông lão vừa ngoẹo đầu ngoẹo cổ vừa nói.
Cậu đã được ông đặt cơm hơi lúng túng.
-Xin ông cảm phiền vì hiệu đã đến giờ đóng cửa rồi, nên…
Cậu ta đang nói dở chừng thì bị ông đưa cơm lớn tuổi lườm và hất hàm ra dấu có ý bảo.
-Cứ nói thật cho ông ta biết đi

Thế là cậu ta bèn giải thích rằng nó đem cơm cho ông cũng không sao, mỗi lần không đáng là bao, nhưng lâu ngày dồn lại đã hơn 100 yên, nên bây giờ nếu ông không trả bớt phần nào thì phiền lắm, vì cửa hiệu không làm kết toán cuối năm được.
-Hơn nữa bây giờ cô chủ giữ sổ sách chứ không phải như trước đâu ông ạ.

Nghe thế, ông lão cứ mân mê hai tay vào nhau một cách sốt ruột.
-Vâng, ra là thế…

Ông hơi ngoẹo cổ nói:
-Tối nay lạnh quá. Cho tôi vào ngồi nhờ một tí nhé.

Đoạn ông đẩy cửa lạch cạch bước vào.

Cô bé hầu bàn không chịu đem cho ông tấm nệm ngồi, nên ông lão ngồi chơ vơ giữa sàn chiếu rộng, trông cô quạnh và giống như tội nhân đang chờ bị xử tội. Tuy ông mặc áo dầy cộm, nhưng thân hình to lớn của ông dường như không được khỏe mạnh cho lắm, ông cứ cho bàn tay trái vào trong tà áo ôm lấy ngực. Đó là một ông lão với mái tóc gần như bạc phơ chải vuốt ngược ra đằng sau, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, đẹp đến nỗi khiến ta liên tưởng đến câu “… bạc mệnh”. Mặt mũi thì cứ như một nhà nho, thế nhưng ông lại mang một cái tạp dề đè lên trên đai lưng obi nhăn nheo dúm dó. Khi ngồi trông thấy rõ cái quần đùi hoen ố hở ra sau tà áo kimono.

Ông lão hết quay về phía cửa sổ chỗ Kumeko ngồi, lại quay sang bọn người làm trong hiệu, ban đầu còn bóng gió nói chuyện thời buổi làm ăn khó khăn nên không ai nhờ ông chạm vàng bạc gì cả, rồi dần dà nói hẳn ra là tại thế này thế kia mà ông phải ăn chịu. Thế nhưng, để nhấn mạnh cái lý do khiến mình phải ăn chịu, khi nói đến nghề chạm vàng của mình, ông lão bỗng có thái độ trịch thượng hẳn lên:

Không chỉ trong đêm nay, mà ông cụ này thỉnh thoảng vẫn thường có cách nói và bộ điệu không biết đó là tự đắc hay chỉ là cảm thán.
-Cái nghề chạm vàng của tôi không giống các nghề chạm trổ khác. Phải dùng cái dùi đục một lưỡi đặc biệt. Vả lại, nghề chạm vàng là lấy kim loại mà cắt, chạm kim loại đâu phải là trò đùa. Phải để tâm vào mới chạm được. Cho nên hàng ngày nếu không ăn cá chạch thì làm sao mà tiếp tục nổi nghề này.

Ông cũng có cái tật của bất cứ người thợ giỏi nào, đó là hay mải nói mà quên khuấy là mình định nói để làm gì, bất cứ ở đâu cũng cứ một mình thao thao bất tuyệt. Cứ nghe
lời ông cao hứng giảng giải về nghề chạm bằng cái dùi đục một lưỡi của ông, thì đó là một nghề bí truyền khó vô cùng, từ người thợ giỏi tên là Yokoya Somin ở vào thời Genroku, giống như nếu là môn kiếm đạo thì ông sẽ nói ra chiều đắc ý là để phân thắng bại thì chỉ cần chém một nhát thôi.

Ông lão làm bộ như tay trái đang cầm dùi chạm, tay phải cầm vồ. Trong tư thế vững vàng, ông hít một hơi thật dài, dồn hết sức lực xuống bụng. Tuy ông chỉ làm bộ điệu thôi, mà cứ như là đang làm thật. Bộ điệu mềm mại, nhưng toát ra một điều gì chắc nịch như nguyên lý bất di bất dịch của tạo hóa. Cả cậu nhỏ đưa cơm lẫn cô bé hầu bàn đều như bị một sức hút toát ra từ người ông lão, khiến họ nhích lại gần ông mà xa dần lò sưởi.

Ông lão buông tay rời bỏ bộ điệu trang trọng ấy, cười hềnh hệch nói:
-Thợ chạm thường thôi thì họ cầm thế này, hoặc thế này, thậm chí chỉ cầm khơi khơi thế này mà chạm.

Bây giờ thì ông lão làm bộ như người tấu hài rakugo, bằng cách hơi vặn hai cổ tay và hơi khom lưng, nhấn nhá động tác vung dùi đục và cái vồ gõ một cách tắc trách, cẩu thả, làm cậu nhỏ đưa cơm và cô bé hầu bàn bật cười khúc khích.
-Nhưng hễ chạm bằng dùi chạm một lưỡi thì...

Ông lão lấy lại dáng điệu đường bệ như trước. Hai mắt đang nheo lại liền mở bừng ra, đôi tròng đen thẫm trong đôi mắt sắc như dao liếc nhìn sang một bên. Tay trái dừng lại một chỗ nhất định, trong khi cánh tay phải sải rộng, giơ lên vẽ một hình vòng cung lớn trong không khí, nắm tay giả bộ cầm vồ gõ xuống nắm tay đang giả bộ cầm dùi đục. Từ bên bàn thu tiền dòm qua khung cửa sổ, Kumeko chợt liên tưởng tới cánh tay vạm vỡ rắn chắc đẹp đẽ của người thanh niên ném đĩa trong điêu khắc Hy Lạp, mà Kumeko đã được thấy ở trường phiên bản bằng thạch cao của bức tượng ấy. Cô thoáng chợt nhớ tới cánh tay rắn chắc trẻ trung đẹp đẽ ấy, cánh tay phải kẹp chiếc đĩa duỗi ra cho thấy cấu tạo hình thể tuyệt đẹp của con người.

Từng nhát vồ gõ xuống của ông lão như nỗi oán hờn bị phá hoại hòa làm một với niềm vui sáng tạo làm bật ra tiếng thét vang trời. Còn tốc độ gõ của ông có vẻ gì thật khác thường không phải là của người trần, nhưng không thể phân biệt được đó là thần thánh hay ma quỷ. Cánh tay cầm vồ của ông lão cứ giơ lên hạ xuống, vẽ thành hình vòng cung như quỹ đạo hành tinh, gợi lên cảm giác vô tận, rồi chỉ trong khoảnh khắc sắp chạm vào tay cầm dùi đục bỗng dừng phắt lại ở một khoảng cách nhất định. Làm như thể có cái gì như bánh xe răng cưa điều khiển. Phải chăng cái đó gọi là phép tắc của tay nghề. Ông lão làm động tác này liên tục năm sáu lần rồi dừng lại vặn mình nghỉ tay.

-Quý vị đã thấy chưa? –Ông nói.
-Vì thế, nếu không ăn chạch thì làm sao mà chịu được.

Thực ra đã nhiều lần ông lão lập đi lập lại màn biểu diễn này. Hễ ông bắt đầu là mọi người quên khuấy rằng họ đang ở trong hiệu ăn, và đang ở trong phố Yamanote ở Tokyo, mà bị cuốn hút vào những cảm xúc tự do phóng túng và phiêu lưu đến rợn người một cách khoan khoái, khiến họ phải nhìn lại gương mặt ông. Thế nhưng câu chuyện nghiêm túc của ông lão rốt cuộc rồi cũng kết thúc với chuyện cơm cá chạch, làm ai nấy đều cười rộ cả lên. Ngượng ngùng, ông lão cố đánh trống lảng:
-Ấy, cách sử dụng cái mũi đục này nó cũng như là âm với dương..

Nói đến đây, ông lại có thái độ tự hào của người thợ, chuyển sang đề tài kỹ thuật chạm trổ, để chỉ một mũi đục mà khắc làm sao cho hoa mẫu đơn thì phải lộng lẫy như hoa mẫu đơn thật, còn sư tử thì phải có dáng vẻ oai hùng của sư tử thật. Quá trình nghệ thuật tạo ra trên phiến kim loại cứng đờ những sinh vật sống động mới thú vị làm sao, ông lão vừa nói vừa khua tay múa chân, đôi mắt như đang uống một chất gì ngọt lừ trong cổ họng. Thế nhưng, chỉ mỗi mình người thợ chạm cảm thấy hào hứng, còn mọi người trong hiệu đều đã chán ngấy. Họ biết là đã đến lúc phải kết thúc, nên bảo ông:
-Thôi, ông về đợi đấy, rồi chúng tôi đem cơm đến sau. Nhưng chỉ tối nay thôi đấy nhé.

Đưa ông lão ra cửa xong là họ đóng cửa hiệu. Đêm ấy gió thật lạnh. Sau tiếng gõ của bác trương tuần đi qua, mọi người trong hiệu đã đóng cửa trước lại, rồi đi ra nhà tắm công cộng. Đúng lúc ấy, ông lão như thể đã rình rập canh đúng lúc, khẽ đẩy chiếc cửa hông chui vào trong hiệu. Ông ngồi quay mặt vào khung cửa sổ nơi Kumeko ngồi.

Trong gian phòng rộng thênh thang, ngồi xoay mặt về phía khung cửa hồi lâu trong cái vắng vẻ của đêm hôm khuya khoắt ông cũng đâm ra lúng túng. Đêm nay ông lão đã quyết tâm, nên làm ra vẻ khổ sở nói:
-Từ khi còn trai trẻ, lão đã ăn ý cái món cá chạch này. Làm cái nghề phải vận dụng đến tận xương tủy trong tâm thân, nên cái nghiệp là phải ăn cái gì bồi bổ vào. Hơn 20 năm sống quanh quẩn trong xóm nhà lá sau hẻm, đơn chiếc một mình, cái con chạch bé tí có cái đuôi như lá liễu ấy không chỉ là một món ăn suông, mà nó đã gắn bó với lão.

Ông lão nói như phân bua đủ điều, không có đầu đuôi mạch lạc gì cả.

Ông bảo cho dù có bị mọi người ghét bỏ, khinh khi, hay trong lòng tức tối hóa ra độc ác như Diêm vương, mà cứ ngậm cái con chạch bé tí ấy trong miệng, lấy răng cửa cắn nó nghe ròn tan, từ tốn nhai cả đầu cả xương cá trong miệng, dồn hết nỗi oán hờn vào đấy, thì có lúc những giọt nước mắt hiền từ bỗng từ đâu giàn giụa trào ra.
-Tôi thấy tội nghiệp con cá bị tôi nhai, mà cái người nhai nó là tôi cũng đáng thương.

Rồi thấy tất cả mọi người ai cũng đáng thương cả. Thế nhưng chỉ có thế thôi. Tôi không cần có vợ đâu, nhưng tôi muốn có cái gì đáng yêu. Lúc đang thèm một cái như thế mà nhìn thấy hình dáng con cá nhỏ ấy thì hình như trong lòng cũng thấy nguôi ngoai.

Cuối cùng ông lão sụt sịt và lấy khăn tay ra chùi mũi.
-Cô còn trẻ mà tôi nói thế này thì khí không phải, nhưng bà chủ ở đây là người rất biết điều. Trước đây tôi cũng ăn chịu, nợ nần chồng chất, mà nhiều lần đêm hôm khuya khắt đến phân trần biện bạch thế này, thì bà chủ đang ngồi chống cầm một cách buồn tẻ nơi chiếc bàn thu ngân mà cô đang ngồi đấy, bèn hơi thò đầu ra cửa bảo tôi “ Ông
Tokunaga à, ông muốn ăn món cá chạch này bao nhiêu cũng được, đừng ngại gì cả. Rồi khi nào ông dồn hết tâm trí vào chạm mà được món nào ưng ý, thì ông cho tôi, coi như là ông trả tiền ăn, hay tôi tính tiền ăn với ông rồi. Như thế là được rồi.” Thật đấy. Bà cứ nói đi nói lại với tôi như thế mãi.

Nói xong, ông lão lại sụt sịt khóc.
-Lúc ấy bà chủ còn trẻ, phải lấy chồng sớm, cũng bằng đúng tuổi cô bây giờ. Tội nghiệp cho bà, lấy phải người chồng phóng đãng bỏ bê nhà cửa, chơi bởi trai gái ở các phố Yotsuya, Akasaka. Bà vẫn nhẫn nhục cam chịu, không rời chiếc bàn thu ngân nửa bước. Thỉnh thoảng, qua khung cửa này, thấy sắc mặt bà có vẻ rất đau khổ như muốn nương tựa vào ai, tội nghiệp vô cùng. Mà cũng phải thôi. Con người ta ai mà chả thế, có ai mình đồng dạ sắt đâu mà trơ trơ như gỗ đá mãi được.

Khi ấy ông Tokunaga cũng còn trai trẻ. Ông thấy rõ là bà chủ hiệu trẻ trung đang chôn vùi tuổi xuân sau khung cửa sổ. Thực tình, nhiều lần ông đã định lôi bà ra ngoài khung cửa ấy. Thế nhưng cũng lại nhiều lần ông nghĩ bụng nếu vương vào người đàn bà nửa phần đã như cái xác ướp này rồi thì chính mình sẽ ra sao, thế rồi ông bỏ chạy.

Xong càng nhìn mặt bà ông càng chẳng còn đủ sức mà làm theo cách nào nữa. Khuôn mặt ấy như đang tự nhủ rằng nếu mình dại dột lầm lỡ thì cả họ nhà này mang nhục, có hối hận thế nào cũng không rửa hết nhục được. Nhưng trên đời này, nếu không có ai an ủi mình thì mình sẽ không đứng vững nổi, sẽ tan ra thành tro bụi ngay.

-Thôi thì tôi muốn dùng ít nhất là tài nghệ của mình, qua khung cửa này thổi vào hơi thở của sự sống, thổi sức mạnh hồi xuân vào bà đang lần hồi hóa đá. Tôi đã đem hết tâm can sức lực của mình ra dể nện vồ với đục mà chạm khắc, và như vậy không có gì hơn là chạm một lưỡi

Chỉ vì muốn an ủi bà chủ hiệu, không biết từ bao giờ Tokunaga đã luyện được tay nghề chạm trổ điêu luyện ngang hàng với Kano Natsuo là người thợ giỏi thời Meiji.

Thế nhưng không phải là lúc nào cũng có thể làm ra vô số những tác phẩm gọi là có hồn. Một trăm cái thì chọn ra được một cái để tặng bà chủ. Ông bán độ bảy tám cái hạng nhì đi, lấy tiền sinh sống. Còn lại toàn là những cái ông không vừa ý, có cái đang chạm nửa chừng ông đã bỏ vào lửa đúc lại.

-Những cái trâm tôi tặng bà chủ bà hay cài lên tóc, rồi gỡ ra ngắm nghía. Những lúc ấy trông bà vui hẳn lên.
Thế nhưng ông Tokunaga mãi mãi chỉ là một người thợ giỏi vô danh. Thời gian cứ tàn nhẫn trôi đi.
-Mới đầu tôi chạm cái trâm bằng bạc và cành hoa anh đào rũ xuống cho bà cài lên mái tóc búi kiểu Takashimada, rồi trâm có viên ngọc để cài tóc kiểu Marumage, chung quanh viên ngọc có chạm hoa cúc mùa hạ với chim sơn ca, rồi trâm cài mùa thu với các cành hoa hagi như sợi tơ rũ xuống vành tai. Tôi cũng chạm cho bà những cái cặp tóc mảnh mai phải dùng mũi đục thật nhỏ và sắc như lá liễu. Về sau cũng chẳng còn cái gì để chạm nữa, cuối cùng cách đây hai ba năm tôi đã chạm cho bà một cái trâm giản dị nhất, ở đầu trâm có hình con chim chidori gọi bạn. Thế là hết, không còn biết chạm cái gì nữa.

Nói xong, ông Tokunaga đã mệt nhoài.
-Thực tình tôi không còn cái gì để trả thay tiền cơm. Sức đã mòn và tôi cũng chẳng còn thiết chạm khắc cái gì nữa. Vả lại, bà chủ bảo bà không còn sống được bao lâu nên bà không cần trâm cài tóc nữa…Nhưng tôi không chịu nổi cái lạnh đêm đông, nếu không được ăn một chén cơm với món canh cá chạch mà tôi vẫn ăn hằng đêm đã bao nhiêu năm nay rồi. Không ăn cái món này thì chắc là tôi không chịu nổi, dù chỉ một đêm thôi. Đến sáng hôm sau thì chắc là tôi đã chết cóng.Thợ chạm chúng tôi thì chạm được mũi nào chỉ biết mũi ấy. Đâu biết ngày mai sẽ ra sao. Nếu cô là con gái bà chủ, thì đêm nay xin cô làm ơn cho tôi xin dăm ba con cá con ấy. Dù có phải chết, tôi không muốn chết trong một đêm giá buốt thế này. Đêm nay, tôi lại muốn được nhai rào rạo cả xương tủy của con cá con ấy để kéo dài thêm được kiếp người thêm được một đêm nữa.

Bộ điệu khẩn khoản của ông Tokunaga giống như cách khấn vái ánh tà dương của bộ tộc Ả rập, ông hơi ngước mặt lên phía trần nhà mà co người lại, như con chó koma-inu ngồi canh ở cửa đền, cất giọng ai oán như đọc thần chú.

Kumeko như người mất hồn, đứng lên rời chiếc bàn thu tiền, lững thững đi vào bếp trong trạng thái mê mẩn kỳ lạ. Mấy người đầu bếp đã ra về chẳng còn ai. Tiếng nước tí tách nhỏ giọt xuống chiếc giá gỗ lót phía dưới.

Kumeko nhìn quanh nhà bếp trong ánh sáng của chiếc đèn duy nhất còn thắp, thấy có một chiếc nồi lớn đậy nắp. Mở nắp nồi thấy có chạch ngâm rượu sắp sẵn cho ngày mai. Loại chạch này ngày thường cô chỉ nhìn cũng thấy rợn cả người, thế mà bây giờ trông lại thấy thân thương. Kumeko xắn tay áo, để hở cả cánh tay có nước da bồ quân, nhặt từng con cá bỏ sang chiếc nồi nhỏ. Con cá nhỏ quẫy mạnh vùng vẫy trong tay cô.

Cái quẫy người của nó như giòng điện truyền vào tận trái tim cô, vang lên trong chỉ một sát na âm thanh lạ lùng như tiếng vọng của sự sống.

Kumeko múc nước dùng và canh tương rót vào chiếc nồi con, bốc một nắm củ ngưu hoàng bào mỏng cho thêm vào, rồi bắc nồi đặt lên bếp. Cô múc canh nóng chín tới nổi lềnh bềnh chiếc bụng trắng của những con chạch nhỏ cho vào chiếc tô sơn mài lớn.

Cô bốc một nhúm hạt tiêu sansho, để lên nắp chiếc bát rồi đặt lên ngưỡng cửa sổ cùng với thố đựng cơm.
-Cơm hơi nguội đấy ạ.

Ông lão không dấu diếm nỗi mừng rỡ ra mặt, lật ngay mặt trái chiếc bít tất bằng nhung lên để đỡ lấy, rồi mượn cái cập lồng xếp cả vào, đoạn ông đẩy cánh cửa hông sang một bên, chui ra, và biến mất ngay như một tên kẻ trộm.

Mẹ Kumeko bị bác sĩ bảo là bị ung thư không chữa được nữa, phải nằm liệt giường, nhưng bà bỗng vui hẳn lên. Bà bảo vì mãi đến bây giờ mới được sống tự do theo ý muốn. Bà sai trải nệm nơi có ánh nắng đầu xuân chiếu vào để ngồi phơi nắng, vừa ăn hết thức này thức nọ những món bà thích, và lần đầu tiên trên đời, bà quay sang tâm sự với Kumeko:

-Lạ lắm con ạ. Dòng họ nhà mình đã bao đời nay, ai làm bà chủ hiệu cũng gặp phải người chồng hoang đàng. Bà ngoại con, rồi bà cố cũng thế. Chẳng có gì phải xấu hổ cả. Có điều là phải nhẫn nhục chịu đựng, cố ngồi yên ở bàn thu tiền, thì đắp đổi qua ngày rồi thế nào cũng giữ được cửa hiệu. Thế rồi lạ một điều nữa là bao giờ cũng có một người hết lòng hết dạ suốt đời tận tụy vì mình. Mẹ cũng đã gặp một người như thế. Bà ngoại cũng thế. Vì vậy, mẹ nói trước cho con biết. Nếu đến lượt con có như thế thì cũng đừng lo. Mẹ dặn trước thế.
Mẹ Kumeko bảo lúc sắp chết mặt mày xấu xí, nên bà đánh một lớp phấn mỏng, và bảo lấy trong tủ ra một chiếc hộp nhỏ.
-Đây là tất cả những thứ người ta tặng mẹ.
Thế rồi bà áp má vào hộp, lắc hộp vài cái như nhớ lại kỷ niệm. Trong hộp có tiếng
động của thật nhiều những chiếc trâm vàng, trâm bạc mà ông Tokunaga đã đem cả sự
sống của mình ra chạm trổ. Nghe tiếng động ấy mẹ Kumeko cất tiếng cười. Tiếng
cười hồn nhiên trong sáng như một cô gái.

Từ đó trong lòng Kumeko là cả một sự bối rối giằng co giữa sự can đảm chịu đựng chiều theo số mệnh, và lòng tin vào sự cứu rỗi. Giằng co nội tâm có khi căng đến độ làm Kumeko chỉ muốn quên đi và bâng khuâng nhớ lại những ngày còn trẻ.

Thỉnh thoảng nghe lời rủ rê, cô cùng với các sinh viên hay đến ăn ở hiệu đi lên tận đỉnh dốc theo tiếng huýt gió bài hành khúc Lá quốc kỳ Hinomaru. Qua khỏi lũng đồi, sương mù sa xuống thấp trong bầu trời trên thành phố.

Nếu trong số các chàng trai ấy có ai muốn có quan hệ gì với cô, thì chẳng biết quý những thứ trời cho, cô vừa ngậm những viên kẹo của các sinh viên đưa cho vừa suy đoán một cách thích thú xem ai là người chồng phóng đãng sẽ làm khổ mình, ai là vị cứu tinh sẽ ra sức cứu khổ cứu nạn cho mình. Thế nhưng chẳng được bao lâu, cô sẽ viện cớ “Bận trông cửa hiệu”, rồi ấp tay áo che ngực mà một mình quay về. Lại ngồi trong khung cửa.

Ông lão Tokunaga thì ngày một héo mòn, nhưng vẫn đêm đêm đến hiệu một mực vòi cho được món cơm canh chạch.

Quỳnh Chi dịch (5/2021)

Nguyên tác Karei (Tháng 4/1939) của Okamoto Kanoko

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc