BÙN LẦY - Akutagawa Ryunosuke/ Quỳnh Chi dịch

26 Tháng Chín 20217:34 CH(Xem: 1189)

bachqua

Bùn lầy

Nguyên tác Numachi của Akutagawa Ryunosuke

Vào buổi trưa một ngày mưa.

Tôi đã phát hiện ra bức tranh sơn dầu cỡ nhỏ trong một gian của phòng triển lãm tranh. Nói là phát hiện thì nghe có vẻ to lớn quá, nhưng thực tế cho thấy là có nói thế cũng không ngoa, vì bức tranh này được lồng vào một cái khung thật thô sơ và bị treo ở một góc thật tối như thể bị bỏ quên. Tên bức tranh đâu như là “Bùn lầy”, mà tác giả là người chẳng có tên tuổi gì. Ngoài ra bức tranh chỉ vẽ nước đục ngầu với đất ẩm ướt và cỏ cây mọc um tùm trên mặt đất, nên chắc hẳn đúng là người đi xem bình thường thì chẳng ai để mắt tới.

Hơn nữa, lạ lùng thay, tuy người họa sĩ vẽ cỏ cây um tùm nhưng lại không có một nét cọ nào dùng màu xanh lục. Đâu đâu màu sắc tô điểm cho từ cỏ tranh, cho đến cây bạch dương, cây vả, cũng toàn là một màu vàng đục, một màu vàng nặng nề như màu tường đất ẩm ướt. Không biết là người họa sĩ này đã thấy cỏ cây thật sự có màu ấy,
hay là vì đặc biệt thích màu này ở điểm nào đó, nên đã cố tình làm cho nổi bật lên mà cho vào tranh.

Tôi đứng trước bức tranh, vừa thưởng thức cảm xúc từ bức họa, mà đồng thời cũng vừa không khỏi bị ám ảnh bởi nghi vấn như vậy.

Tuy nhiên trong khi ngắm bức tranh, dần dần tôi nhận ra được rằng nó tiềm ẩn một sức cuốn hút thật khủng khiếp. Nhất là khoảnh đất tiền cảnh của bức tranh được thể hiện thật chính xác, đến nỗi khiến ta thực sự có được cái cảm giác khi đặt chân dẫm lên chỗ đó. Đó là bùn lầy hễ dẫm lên là kêu phồm phộp và lún đến cổ chân.

Tôi như thấy được trong bức tranh nhỏ bé này hình bóng thật đáng thương của người làm nghệ thuật muốn nắm bắt trọn thiên nhiên. Và cảm thấy xúc động đến ngẩn ngơ trước màu vàng của cỏ cây vùng bùn lầy trong bức tranh, một cảm xúc cũng giống như khi ngắm các kiệt tác nghệ thuật khác.

Thực sự là giữa những bức tranh to nhỏ khác nhau treo trong phòng triển lãm, không thể tìm đâu ra một bức nào khác có mãnh lực đủ để đối địch với bức tranh này.

-Quý khách có vẻ chú ý tới bức tranh này lắm nhỉ?  
Bị hỏi thế, cùng lúc với bị vỗ lên vai, thốt nhiên tôi quay lại với cảm giác như vừa bị lọt ra khỏi vùng tâm tưởng.

-Quý khách thấy sao về bức tranh này ạ?
Người kia vừa hồn nhiên hỏi, vừa hất hàm- cái cầm vừa mới được con dao cạo ghé qua- chỉ về phía bức tranh Bùn lầy. Đó là một ký giả phụ trách trang mỹ thuật trên báo, trong chiếc áo com lê màu nâu đang thịnh hành, khổ người rắn chắc, và ra vẻ thông thạo, đầy tự tin. Tôi đã từng hai lần có ấn tượng khó chịu về người ký giả này,
nên trả lời một cách miễn cưỡng.
-Kiệt tác ạ.
-Kiệt tác à. Thế thì thú vị thật.

Người ký giả cười nham nhở. Trong câu nói của anh ta hẳn là có sự ngạc nhiên.
Hai ba người khách xem tranh đứng gần đấy đều như bảo nhau cùng nhìn về phía này. Tôi lại càng cảm thấy khó chịu hơn.
-Thế thì hay nhỉ! Bức tranh này vốn không phải là tranh của một họa sĩ có chân trong Hội. Thế nhưng ông ta cứ một hai bảo là sẽ đem triển lãm ở đây, nên gia đình còn lại mới xin với ban giám khảo, cuối cùng người ta đành cho treo ở một góc này đấy.
-Gia đình còn lại? Vậy là người vẽ tranh đã qua đời rồi ư?
-Vâng, mất rồi ạ. Thực ra ngay từ khi còn sống thì cũng như là đã chết rồi.
Không biết từ lúc nào, sự tò mò trong tôi đã lấn lướt cái cảm giác khó chịu.
-Tại sao?
 -Người vẽ bức tranh này đã điên loạn từ lâu rồi.
-Ngay cả khi đang vẽ bức tranh này cũng thế sao?
-Dĩ nhiên là thế. Nếu không phải là điên loạn thì ai lại vẽ tranh màu sắc như thế này? Vậy mà ông lại tấm tắc khen rằng đây là một kiệt tác. Thật thú vị là ở chỗ ấy!

Người ký giả lại cất tiếng cười ra chiều đắc ý. Chắc hẳn anh ta đoán trước là tôi sẽ ngượng ngùng vì không biết gì về người họa sĩ. Hoặc là hơn thế nữa, cũng có thể là anh ta nghĩ rằng mình đã gây được nơi tôi cái ấn tượng là anh ta hơn hẳn tôi về mặt thưởng lãm tranh. Nhưng cả hai điều kỳ vọng này của anh ta đều trở thành vô ích.
Nghe câu chuyện của anh ta về người họa sĩ, toàn bộ thần kinh của tôi như có một làn sóng lạ thường truyền đi cái cảm giác gần như là nghiêm túc.

Tôi liền kính cẩn chăm chú nhìn bức tranh một lần nữa. Và rồi tôi lại thấy hiện ra trên khung vải của bức tranh nhỏ bé này hình ảnh thật thương tâm của người làm nghệ thuật bị giầy vò vì sự bất an và bứt rứt thật ghê gớm.
-Đúng ra là hình như vì không vẽ được như ý nên ông ta thành ra điên loạn. Chỉ riêng về điểm này thì nếu muốn mua, cũng có thể mua cho ông ta được.

Người ký giả mặt mày hớn hở, mỉm cười hầu như sung sướng. Đó chính là phần thưởng nhỏ nhoi duy nhất mà từng người trong những nghệ thuật gia không tên tuổi chúng ta được thế gian ban cho. Tôi gần như run cả người, lại chăm chú nhìn bức tranh thêm một lần nữa. Trong bức tranh, giữa nước và khoảng không gian mờ tối, nào cỏ tranh màu hoàng thổ ẩm ướt, nào cây bạch đương, nào cây vả, đang vươn sức sống mãnh liệt như thiên nhiên đang soi mình trong đó….
-Kiệt tác ạ!

Tôi vừa nhìn thẳng vào mặt người ký giả, vừa ngang nhiên lập lại.
(Tháng 4 năm Taisho thứ 8)

Quỳnh Chi dịch (19/8/2021)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc