CHUYỆN ORI-PARA - Vũ Đăng Khuê

11 Tháng Sáu 20219:33 CH(Xem: 1174)
olympic

Chuyện “Ori-Para”

Nó không phải là chuyện của David “đánh nhau” với anh chàng khổng lồ Goliath với cái kết cục huy hoàng: David nhỏ con hát bài ca chiến thắng, mà nó là chuyện gay go và dùng dằng giữa hai bên “đánh tiếp (tục hành 続行) và “thận trọng 慎重”.

Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ.

Chỉ còn non một tháng rưỡi, chính xác hơn là 42 ngày, cứ theo như dự định thì vào những ngày này năm ngoái ‘2020”, Tokyo đã rợp bóng cờ bay, hết sự kiện nhỏ này đến sự nhỏ kia, liên tục diễn ra khắp mọi nơi để đón một sự kiện lớn hơn, vĩ đại hơn, “hoành tráng” hơn: một event vĩ đại nhất “hành tinh” sau gần 60 năm chờ đợi, nhưng…cũng vì sự xuất hiện của cái “quân khốn nạn” bé tí tì ti, sự thể lại không diễn ra đúng như dự định, lý do như thế nào thì quân ta đều biết không cần nhắc lại.

Thận Trọng “慎重“

Với những lập luận vững chắc bằng những dẫn chứng đầy thuyết phục mang tính khoa học, mang tính cộng đồng của phái “Thận Trọng 慎重”, ta chỉ cần tóm gọn trong vài câu:

- “Tổ chức Ori-Para trong tình huống này chẳng khác nào “giao trứng cho ác”.
- “Là một cú banh tự sát (own goal), tự sút vào lưới mình”.
-----

- Có những địa danh của một số tỉnh thành đã yêu cầu “xin đừng đem ngọn đuốc….thiêng vào xứ này” khi thấy cảnh rước đuốc xuôi Nam vượt Bắc vẫn âm thầm diễn ra dù không khí xung quanh lạnh tanh, không có cờ bay, không tiếng reo hò ủng hộ. Đã có rất nhiều “nghệ nhân”, người của công chúng “辞退” (jitai):từ khước vinh hạnh có một không hai này.

- Sự lắc đầu mỗi lúc một nhiều, từ 80,000 người, nay đã rút 10,000 người của một thành phần không thể thiếu, đó là những tình nguyện viên làm chuyện “ăn cơm nhà vác ngà voi”: hướng dẫn viên, thông dịch viên…., biểu lộ tinh thần “Omotenashi” (hiếu khách) của người Nhật đối với khách đường xa quờ quạng,

- Một số các cơ quan y tế cũng “Say No” khi được Ủy Ban Tổ Chức yêu cầu làm công việc: theo sát tình trạng “long thể” cho các thành phần tham dự Ori-Pari như tuyển thủ, huấn luyện viên, thông dịch viên và các giới liên quan.

Có khoảng một nửa số người được hỏi và câu trả lời là: “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…..” còn một số thì “Thôi thế thì thôi là thế đó” và một số thì “ai sao tui vậy”.

Dựa những “cơ sở” trên, lý luận của Anh chàng Goliath to xác to….đầu, coi bộ đã đi vào lòng người.


“Đánh tiếp “続行”

Dù thế, phái “続行” đại diện là cái anh chàng David “bé tí” nhưng nắm quyền quyết định thì vẫn kiên cường đi tới, mặc dầu ngay trong nội bộ cũng có những suy nghĩ, “quan ngại” trái chiều, nhưng vẫn cố gắng vượt qua, giải quyết chi ly mọi “vấn nạn” để làm yên lòng “quân dân cán chính”.

1/ Chiến dịch “thần tốc” chích vaccin đã được mở hết tốc lực mà ưu tiên không những cho toàn thể những người liên quan đến “Ori-Pari” (tuyển thủ, huấn luyện viên báo chí, tình nguyện viên….) mà còn cho cả khối đại đa số người dân: đẩy mạnh đến mức tối đa kế hoạch tiêm chủng như mơ ước của Thủ Tướng Suga: 1 triệu mũi cho một ngày.

Ngoài các “mặt bằng” của chính phủ trung ương hay địa phương chỉ định, sẽ thêm các địa điểm tiêm chủng mở rộng cùng khắp trên mọi miền đất nước, những nơi có những “mặt bằng” rộng rãi, thông thoáng như các sân vận động, công ty lớn, khuôn viên các đại học, các trường trung tiểu học, tại các bệnh viện, phòng mạch (クリニック) dù “mặt bằng” nhỏ bé v.v… cũng tình nguyện xung phong vào chiến dịch thần tốc này. Nếu thuận buồm xuôi gió, thì cho đến ngày khai mạc “Ori-Pari” (23/7) số người được chích ngừa có thể đạt được 50%, tạm đủ xài cho “chế độ” miễn dịch cộng đồng.

2/ Một tập hướng dẫn của Ủy Ban Thế Vận soạn ra gọi là Playbook, rất là chi tiết từ A tới Z cho những tuyển thủ, huấn luyện viên, báo chí, khách “tham quan” giới hạn (đáng tiếc là kỳ này không có khách từ phương xa), từ trước ngày đến, ngay ngày đến, ngày luyện tập, ngày thi đấu và ngày về cố quốc. Các chi tiết này sẽ liên tục được update tùy theo tình hình biến dạng từ cái quân “khốn nạn”.

Quân ta có thể tham khảo nếu thấy cần thiết tại trang
https://gtimg.tokyo2020.org/image/upload/production/an7bbklanhpcfzcf10rl.pdf

3/ Tuy bầu trời Tokyo còn phủ đầy mây xám, các quốc gia khác cũng đã tỏ vẻ “nhất trí” (ngoại trừ Bắc Triều Tiên) hứa hẹn là sẽ tham gia. Mỹ, một đồng minh với Nhật tuy cũng có lời bàn ra, nhưng vẫn quyết định gửi phái đoàn. Úc chơi đẹp cử phái đoàn bóng chày nữ đi trước, mướn luôn một chuỗi các“mặt bằng”, các phương tiện “đưa đón” trong 2 tháng để đủ “cách ly”, “tập luyện”, “di chuyển” và có lẽ sẽ còn dài dài với những phái đoàn khác như Kenya chẳng hạn
doi bong nu
Team bóng chày nữ của xứ chuột túi Australia


4/ Lực lượng quân y của Tự Vệ Đội của Nhật sẽ đứng ra nhận trách nhiệm: theo dõi tình trạng “long thể” của những tuyển thủ, huấn luyện viên v.v….cùng với các nhân viên y tế khác của các phái đoàn đi kèm theo.

5/ Niềm hãnh diện của nền kỹ thuật Nhật Bản sẽ được “khoe” cho thiên hạ vì
“chính những khó khăn của dịch bệnh này cũng đã là động lực để các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh sáng tạo kỹ thuật nhằm đáp ứng với tình hình mới. Tập đoàn Lawson đang có kế hoạch triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi không cần nhân viên bán hàng bằng cách áp dụng AI. Công ty điện tử NEC sẽ lắp đặt các cửa kiểm soát xuất nhập cảnh bằng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt tại cửa khẩu quốc tế. Hệ thống camera tinh nhạy đời mới sẽ phát hiện cho biết quan khách nào không đeo khẩu trang... Đây là những bí quyết kỹ thuật chắc chắn sẽ tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Nhật Bản trong tương lai hậu Olympic”
-------------------

TOKYO OLYMPIC, PARALYMPIC vì thế sẽ không chỉ là võ đài của tranh tài kỹ thuật, mà còn là nơi tỏa sáng của những chí khí cao thượng. Sẽ là nơi lưu truyền những câu chuyện tập luyện vượt mọi gian khổ của các vận động viên trong hơn một năm dịch bệnh vừa qua,
(chôm từ FB của một ông bạn).

6/ Khôi phục được một phần dù rất nhỏ tổn thất về “kim ngạch”, nhưng lấy lại niềm hãnh diện và quyết tâm của một tinh thần samurai khi đã “rút gươm ra khỏi vỏ”.

Nếu “dừng” thì.. miễn bàn, còn nếu “dời” thì sao? Đụng hàng với 2022 (Olympic mùa Đông tại Trung Quốc) ngay. Khỏi bàn!

Nói tóm lại thì phe “続行” của anh David đang cố gắng trả lời những nghi vấn từ phía “thận trọng”.

---------------

Cuộc đối đầu của anh chàng Goliath to đầu, to trí và anh chàng David nhỏ con nhưng đầy quyền lực vẫn chưa ngã ngũ. Cho đến thời điểm hiện tại thì có vẻ như phái “thận trọng”của chàng David đang lấn áp phái “đánh tiếp” của khổng lồ Goliath, vì nhỏ con nhưng lại có toàn quyền quyết định.

Vẫn chưa thể có câu trả lời dứt khoát, dù mọi chuyện chuẩn bị đã đâu vào đó

Tuy nhiên “30 chưa phải là tết” mà, chúng ta chờ xem sao nhé. 

Còn bạn ta? Bên “tình” bên “hiếu” bạn chọn bên nào?

Tôi xin chọn cả hai, vì tôi tin và mong hồi kết sẽ là cả hai bắt tay nhau “vào cuộc”, chỉ có điều chiến thắng trong sự bẽ bàng, đầy lo âu nằm ngay bên cạnh.

Tôi sẽ được vừa “gói đời mình trên chiếc…sofa” vừa ngồi dán mắt hướng về cái màn ảnh nhỏ. Như vậy là quá OK nên không có gì mà đòi hỏi nữa!.

Nói lại một lần nữa là tôi mong và tin cả hai bên đều bắt tay nhau “huề”, cùng nhau nhập cuộc. Một “Ori-Para” để đời với không khí căng thẳng dồn dập xung quanh.

OK?

Các chi tiết khác sẽ được update sau khi đọc được thêm những thông tin mới. Vẫn chưa thấy giấy “trưng binh” từ nhà nước gửi xuống, nên hơi ワクワク(bồn chồn)một chút. Nhưng không sao, trước sau gì cũng được “rước em vào tay”, để được “hóng” em trọn vẹn.

Vũ Đăng Khuê
(11/6/2021)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc