TIẾNG SÁO THẦN / Mateki / Shiraishi Ichiro- Quýnh Chi dịch

27 Tháng Năm 20219:49 CH(Xem: 1145)
forest

Tiếng sáo thần

Nguyên tác: Mateki của Shiraishi Ichiro

                                                          Quỳnh Chi dịch

Một bọn sáu bảy người đàn bà con gái vác trên lưng những túi đựng đến ba mươi cân gạo, vừa thở hổn hển vừa leo lên đoạn đường đèo dốc dác. Ai nấy đều khăn thắt ngang trán, áo kimono may bằng vải dệt có sọc đã bạc màu, cẳng tay cẳng chân quấn ghệt chặt chẽ.

Bọn họ già có trẻ có, có người mái tóc đã muối tiêu, thì cũng có cô gái còn trẻ trông chừng chưa đến tuổi đôi mươi.

Họ đi thành hàng lặng lẽ leo dốc, cuối cùng cũng lên đến được bãi cỏ bằng phẳng trên đỉnh đèo.

Bịch!

Một bà tóc bạc phơ đặt bị gạo vác trên lưng xuống, đưa tay ngắt một bông trong thảm hoa đua nở cắm trước cái am thờ nhỏ dưới gốc cây thông độc nhất trên đỉnh đèo. Mọi người đều làm theo.

Trong am có dựng tượng Phật Địa tạng. Mọi người gọi đó là Ông Địa Tạng khóc, nhưng chẳng ai biết nguyên ủy của cái tên ấy.

Bọn đàn bà ngồi xuống một góc bãi cỏ rồi ai nấy cởi tay áo kimono ra, để lộ nửa mình trần, đoạn tháo khăn thắt ngang trán để dùng chiếc khăn ấy mà bắt đầu lau mồ hôi.

Quang cảnh ngoạn mục hiện ra dưới mắt họ bao giờ nhìn cũng không chán mắt. Con sông Hidaka xuất phát từ rừng núi thâm u trên ngọn Gomadan được cho là đỉnh núi cao nhất của xứ Kii, chảy quanh co 40 dậm mới ra tới biển. Núi non trùng điệp tương truyền có tới 3600 ngọn trong vùng Kumano nối tiếp nhau sừng sững trong biển mây, thấp thoáng đây đó là những thôn xóm trong những cánh rừng trên lưng chừng núi.

Vẫn còn một đỗi nữa mới đến lúc mặt trời lặn.

Trong bọn đàn bà để mình trần hở cả vú để lau mồ hôi, có một cô gái còn trẻ ngượng ngùng chỉ mở cổ áo mà luồn khăn vào lau mồ hôi đầm đìa trên làn da.

-Osen à, cháu cũng cởi áo kimono ra đi. Có gió mơn man trên da dễ chịu lắm. Mọi người ai cũng cởi trần thế này mà.

Bà cụ tóc bạc bảo thế.

-Vâng ạ. Nhưng mà…

Cô gái vẫn do dự.

-Osen à, bà đưa đường Otome đã bảo mà không ngoan ngoãn nghe lời thì không làm nghề khuân vác được đâu.  Chỗ này gọi là đèo của đàn bà con gái, đến đây ai cũng cởi trần ra, tâm sự trò chuyện với nhau.

-Vâng ạ.

Cô gái còn lưỡng lự bị nói nửa như ra lệnh, đành miễn cưỡng mở rộng ngực áorồi cởi phần trên của chiếc áo kimono bằng vải dệt có sọc ra.

Ánh mắt của bọn đàn bà đổ cả vào bán thân để trần của cô gái

-Đẹp quá. Đẹp thật.

Bất giác có người xuýt xoa lên tiếng.

Làn da trắng như sữa. Hai bầu vú cao hình dáng đẹp đẽ như chiếc bát úp.  Núm vú ửng hồng nửa như chưa lộ hẳn ra.

Các cô gái lớn lên trong rừng sâu có làn da trắng là điều không có gì lạ, nhưng hiếm có ai thân hình cân đối được như thế.

-Con bé còn con gái mà, thân thể không như bọn chúng ta.

Bà lão tên Otome nói thế.

-Con gái như thế mà bắt đi tải bao than với bao gạo thì thật là phí đi. Ông Takuji cha cô ta là tay thợ săn thiện nghệ, không hiểu sao lại để cho con gái phải vất vả thế này nhỉ.

Bị mọi người chú ý, cô gái vội vàng xỏ tay mặc lại chiếc áo kimono vừa cởi ra.

Osen nhập bọn cùng những người đàn bà làm phu khuân vác này chưa đầy một tháng. Công việc của họ là vác hai bao than từ trạm Chikune ở tận trong rừng, vượt qua đoạn đường đèo gập ghềnh dốc dác hiểm trở để đem đến trạm Kirimetsuji. Rồi trên đường về lại vác hai bao gạo đem về Chikune.Hai bao gạo nặng ba mươi cân, hai bao than cũng nặng gần bằng thế, nên phải nói đây là công việc lao động nặng nề. Vác hàng nặng trĩu trên lưng vượt qua mấy dặm đường đèo dốc dác hai lượt đi về, tiền công được một thưng gạo đáng giá 120 xu. Tiền công một ngày của người thợ đốn cây cũng chỉ tương đương với một thưng gạo, nên đàn bà con gái đi làm mà được trả công như thế thì không phải là ít.

Đa số những người làm phu khuân vác thường phải lo sinh kế cho cả nhà.  Mỗi nhà một cảnh ngộ, như đông con, hay chồng đi làm không đủ ăn, hoặc trong nhà có người đau ốm, vì hoàn cảnh mà bọn đàn bà con gái phải làm công việc nặng nhọc.

Lên đến đỉnh đèo chỗ có tượng ông Địa tạng khóc, cởi trần ra, nghỉ ngơi và ngắm sông núi chập chùng cũng là niềm vui trong suốt một ngày của họ.

Ở đây họ than vãn chuyện trong gia đình hay giãi bày tâm sự với nhau. Có khi họ còn kể cho nhau nghe cả những chuyện phòng the với chồng

-Nghe nói là từ khi bà Okuni vợ của bác Takuji qua đời thì bác ấy chẳng kiếm được đồng nào.

Không hiểu sao hôm ấy bọn họ lại kháo chuyện về gia cảnh của cô gái trẻ tên Osen.

-Ngày trước bác Takuji còn phải đi săn cùng với các bạn thợ săn khác, chứ đâu đã là tay thợ săn thiện nghệ đi săn một mình như bây giờ. Nghe đâu là từ khi bỗng dưng lấy đượcbà Okuni, bác ấy bỗng thành thợ săn thiện nghệ. Thế rồi, bà Okuni chết đi, chắc là vì thế mà thời vận của bác ta cứ sa sút dần.

Osen ngồi cúi mặt, lắng nghe lời bàn tán của bọn đàn bà về cha mình. Cô chẳng nói một lời, lặng thinh lắng tai nghe.

-Nghe đâu là bà Okuni thổi sáo hay lắm thì phải.

Một người trong bọn họ bảo Osen thế.

-Bà ấy chẳng qua lại giao du với ai cả, nên chúng tôi chưa được nghe bà thổi sáo lần nào.

- Thì lúc nào hai vợ chồng cũng vào rừng cả mà. Nghe nói hễ bà Okuni mà thổi sáo thì hươu nai lợn rừng hay chồn cáo gì cũng tự dưng kéo đến. Bác Takuji săn giỏi hình như cũng là nhờ vậy.

Bọn họ gật đầu nhìn nhau ra vẻ cảm thấy kỳ lạ.

-Này Osen, cháu cũng biết thổi sáo chứ?

Có người hỏi, Osen khẽ gật đầu nói.

-Nhưng cháu thổi còn dở lắm, không giỏi bằng mẹ cháu đâu.

-Đem sáo theo, lên đây thổi cho chúng tôi nghe một lần với.

Osen đỏ mặt không đáp.

-Nào, chúng ta đi thôi.

Bà Otome đứng dậy, vác cái địu bao gạo lên vai.

Khi cả bọn về đến trạm Chikune thì trong sơn thôn, trời cũng sắp về chiều.

Từ Chikune có thuyền đi về Ryujin trong rừng sâu. Bọn đàn bà phần lớn ở các thôn làng quanh Chikune, họ tản ra ai về nhà nấy, chỉ còn mỗi Osen ở lại đợi thuyền.

Nhà Osen ở mãi tận trongnúi Minase, trong khu rừngOkuryujin ở cuối làng Ryujin.

Một số trong các bao gạo mà bọn đàn bà con gái vác về được chở ngược dòng sông Hidaka về đến các sơn thôn. Osen thường theo các con thuyền này đi đi về về giữa Chikune và Minase.

 

2

 

Minase là vùng đất thuộc dòng họ Ryujinlà hương hào cai quảnvùng Okuryujin,

Từ đền Minase đi thêm đến cuối con đường núi, lại rẽ vào tận trong rừng mới đến nhà của Osen.

Nhà của những người thợ săn trong vùng này đều ở biệt lập trong rừng như thế.

Ông Takuji cha Osen từng là tay thợ săn thiện nghệ, nên đó là một trong những ngôi nhà bề thế trong làng.

Ngoài gian chính có lát tám chiếc chiếu, còn có chỗnền đất để chiếc cối, bên kia gian chính là bếp và nhà kho. Bên cạnh chỗ nền đất là buồng tắm, bên ngoài cửa ra vào có nhà cầu. Ngôi nhà lớn không thua gì nhà của người duy nhất có súng hỏa mai đứng đầu chỉ huy đám thợ săn.

Osen vừa bước vào bếp đã nghe thấy tiếng ngáy của ông Takuji vọng ra từ gian chính của ngôi nhà. Cái điệu này là lại uống rượu đế rồi lăn ra ngủ đây.

-Cha! Lửa trong bếp sắp tắt ngấm đến nơi kìa!Con đã bảo, gì thì gì cũng phải giữ mồi lửa. Bếp nhà ai không có lửa là đàn bà con gái nhà ấy mang tiếng là hư đốn.

Osen vừa sẵng giọng quở trách cha còn đang ngủ, vừa lấy đũa gắp than khời mồi lửa, rồi đi lấy than trong bao để trên nền đất, toan nhóm lửa.

Ông Takuji vẫn còn đang nằm, hé mắt lim dim hỏi:

-Okuni đấy à?

-Làm gì có Okuni ở đây. Mẹ đâu còn ở trên đời này.

Ông Takuji uể oải ngồi dậy.

-Con về đấy hả Osen? Sao hôm nay về sớm thế.

-Cha! Cha không chịu treo nồi lên móc treo trên bếp mà nấu nướng gì cả. Bữa trưa hôm nay của cha thế nào rồi? Chắc là chẳng ăn gì cả chứ gì?

-Ờ, cha không thấy đói.

-Cha chỉ uống toàn là rượu thôi!      
           

Osen lườm cha một cái rồi đi thẳng vào bếp. Ông Takuji đưa đôi mắt ngái ngủ nhìn theo sau lưng con gái.

Râu ria để mọc chìa ra lởm chởm, xong trông ông vẫn chưa đến nỗi già, vẫn còn phảng phất vẻ khôi ngô tuấn tú thời trai trẻ.

Ông Takuji năm nay 43 tuổi, cái tuổi vẫn còn hăng hái làm việc. Nhưng từ khi Okuni vợ ông qua đời vào mùa hè hai năm trước, hầu như ông không còn đi săn nữa.

Ban đầu thì cũng không hẳn là thế.  Ông đã dẫn theo con chó săn Taro cùng đi săn. Nhưng nhiều ngày liên tiếp không săn được dù chỉ một con thỏ, dần dần ông thấy chán không còn muốn làm lụng gì nữa.

Suốt một năm với những ngày như thế trôi qua. Tiền của dành dụm được ít nhiều cũng đã cạn.

Con gái là Osen mới nhờ người ta dẫn đi làm phu khuân vác cũng là vì ông Takuji chẳng còn chút nhuệ khí nào.

Osen mắc nồi lên móc treo trên bếp rồi cho lúa mạch, khoai tây với một nhúm gạo vào nấu cháo.

Khi ông Takuji còn năng nổ làm việc, bữa tối bao giờ cũng có thịt nai hay thịt thỏ, còn được nhai hạt cơm nấu nửa gạo nửa lúa mạch trộn vào nhau.

-Cha ạ, con làm nghề khuân vác cũng quen rồi, không sao cả. Mọi người đều tốt bụng tử tế với con. Con cũng biết không chỉ mỗinhà mình nghèo. Nhưng cha cứ như thế này mãi sao được? Chẳng chịu đi săn, cứ nằm lăn ra ngủsuốt ngày, chẳng ăn uống gì cả, chỉ uống toàn thứ rượu rẻ mạt này, cha nghĩ xem có được không?

Onsen vừa húp cháo vừa nói với cha.

-Được thì không được. Nhưng có đi săn cũng chẳng được con nai hay con thỏ nào. Chồn cũng không. Họa hoằn có trông thấy con lợn rừng nào mà phóng lao thì cũng xa quá, phóng không tới.

Ông Takuji không phải là người thợ săn đi thành đoàn với nhóm thợ săn, có người đầu đàn chỉ huy. Trước kia khi chưa lấy Okuni làm vợ, ông đã từng đi săn theo kiểu ấy, nhưng từ khi có vợ, thì ông chỉ một mình lên núi săn bắn với vợ mà thôi. Khắp vùng này hiếm có ai đi săn lẻ một mình như thế. Ông không dùng súng hoả mai, cung tên cũng không. Đồ nghề của người thợ săn vào rừng một mình là cây lao với con dao đi rừng. Cây lao phóng dài chưa tới một thước rưỡi, mũi lao nhọn sắc, túi da đeo ở lưng cài con dao rừng để đâm vào chỗ hiểm của con mồi.

Người thợ săn nín thở, chân bước không được phát ra tiếng động, lặng lẽ tiến đến gần rồi nhắm con mồi mà phóng lao cho trúng, đoạn đuổi theo con mồi đang bỏ chạy, nhẩy tới vồ lấy chân sau của nó mà vật ngã, đoạn chồm lên cưỡi trên mình con mồi, dùng con dao rừng đâm vào chỗ hiểm của nó.

Trong rừng cây, cung tên trở thành vô dụng vì vướng phải cây cối trong rừng. Súng hỏa mai cũng vậy, nên các thợ săn đi thành đoàn thì phải xúm vào đuổi con mồi ra khỏi rừng cây, rồi người đầu đàn đã đợi sẵn mới nổ súng hạ nó.

Nghề săn của làng này vốn là cách đi săn một mình như ông Takuji.

-Người ta nói rằng cha thành thợ săn thiện nghệ nổi tiếng cũng là vì có mẹ đi cùng phải không ạ?

-Ừ, bây giờ nghĩ lại, cha chắc là thế thật.

Ông Takuji húp cháo ra chiều chẳng ngon lành gì vì dạ dày của ông đã nát vì rượu.

-Cha à, tiếng sáo của mẹ như thế nào?

-Cha cũng không biết nữa.

Ông Takuji lắc đầu đáp.

-Chỉ biết là mẹ cùng đi với cha lên núi rồi thổi sáo là tự nhiên có nai, thỏ, lợn rừng, cả chim rừng nữa, cũng lục tục kéo đến. Lúc còn bé có lần con cũng đi theo, cũng thấy rồi phải không?

-Vâng, con còn nhớ chứ. Nhưng dạo ấy mẹ cũng không dậy cho con cách thổi sáo, mà con cũng không còn nhớ tiếng sáo ấy như thế nào nữa.

-Tiếng sáo ấy cao, cao lắm.

Ông Takuji đặt chiếc chén đang ăn dở lên đùi, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, đôi mắt như đang nhìn về một cõi xa xăm.

-Tiếng sáo đã lên cao cứ cao vút lên mãi, đến lúc như xé rách cả tai thì bỗng im bặt. Mẹ vẫn cứ thổi tiếp, nhưng tiếng sáo đã biến mất, tai cha không còn nghe thấy nữa. Đến lúc ấy thì thể nàocũng có con mồi sán lại gần. Cha  ngồi yên không động đậy, chỉ còn chờ cho con mồi đến thật gần. Hễ phóng lao thì thể nào cũng đâm xuyên qua mình con mồi, con nào toan chạy trốn thì nhẩy ra đè xuống, cho một nhát dao rừng là xong.Hôm nào săn được một con nai là xem như đã đủ cho một ngày săn bắn. Hôm ấy mẹ không thổi sáo thêm một lần thứ hai nữa. Thế là cha vác nai lên vai quay về.

Osen cũng còn nhớ rất rõ như thế. Từ khi lên bốn lên năm thì ngày ngày phải ở nhà trông nhà, đợi Takuji và Okuni từ trên núi trở về, thường là trước khi mặt trời lặn, hôm nào lên núi từ sáng sớm thì đến trưa đã về đến nhà rồi.

-Osen à, thế mẹ không dậy cho con cách thổi tiếng sáo ấy sao?

-Con không biết. Con có nhớ chuyện gì ngày bé đâu. Những bài sáo khác thì bài nào mẹ cũng dậy cho con hết.

-Thế à. Ừ, có lẽ thế.

Ông Takuji lẩm bẩm một cách thất vọng, bước xuống chỗ nền đất, lấy gáo múc nước trong hũ ra uống.

Có lẽ tối nay ông lại uống rượu đến say mèm, rồi lăn ra ngủ. Osen chỉ lặng lẽ nhìn theo cái dáng ngày một gầy mòn của cha, mà không nói gì nữa.

 

3

Đêm về khuya, không biết đã sang canh mấy. Ông Takuji say rượu ngủ quên, bỗng tỉnh giấc vì tiếng sáo quyện lẫn trong tiếng gió lùa trên ngọn cây.

Tiếng sáo không vi vu, mà như xoáy vào tai, vút lên cao, nghe như tiếng than ai oán.

-Cái Osen lại tập thổi sáo nữa rồi.


Ông khẽ lẩm bẩm và lắng tai nghe.  Ông để ý thấy suốt mấy tháng nay, cứ đi làm về là Osen lại lấy cây sáo của mẹ để lại, đem vào rừng ra sức tập thổi.

Đó là cây sáo Long Địch làm bằng tre dài gần năm tấc, được vẽ dát vàng trên lớp sơn mài đen bóng. Ống sáo có bảy lỗ, khi thổi dùng cả hai tay lúc bịt kín miệng lỗ lúc để hở ra. 

Ông Takuji từng được vợ cho biết đó là câysáo Long Địch dùng trong ban nhã nhạc trong cung đình.

Gần hai mươi năm làm vợ Takuji, rốt cuộc Okuni vẫn chưa bao giờ nói rõ tông tích của mình. Takuji không cố hỏi, mà cũng có lý do khiến ông ngại hỏi.

Takuji đoán ra được phần nào tâm trạng của Osen khiến dạo này cứ đêm đêm đem ống sáo của mẹ để lại ra thổi.

Chắc là Osen muốn mình cũng thổi sáo đạt trình độ có thể giúp cha đi săn như mẹ.

---Không tài nào được  đâu con ạ. Thân thế của mẹ con khác xa với cha và con.  Con có tập đến mấy cũng không thể nào thổi được như mẹ đâu.

Qua năm tháng, thỉnh thoảng những chi tiết nhỏ trong câu nói của Okuni khiến Takuji đoán được rằng cha của Okuni có lẽ là nhạc sư thổi sáo trong ban nhã nhạc cung đình ở kinh đô.

Tuy nhiên, ông không đoán được là nhạc sư trong ban nhã nhạc là chức quan có phẩm trật tước vị thế nào.

Vào mùa thu mười chín năm về trước, Okuni bỗng nhiên trôi giạt đến nhà ông Takuji trong vùng rừng sâu núi thẳm Minase của làng Ryujin.

Nói là trôi giạt có thể là không đúng lắm. Phải nói là hôm ấy Okuni trong dáng dấp ni cô mặc bộ áo nhuộm đen, đã được bốn nhà sư tu núi khiêng vào đây.

Sáng sớm hôm ấy Takuji đang sắp sửa đi săn thì bất ngờ thấy các nhà sư xông vào nhà mình.

-Người này bị đau bụng và sốt cao, xin ông làm ơn cho nghỉ lại trong giây lát.

Các nhà sư tỏ ra lễ độ, cách ăn nói thì có vẻ cao sang.

Ông Takuji bằng lòng cho ni cô đội nón lá và còn chưa xuống tóc ấy nằm nghỉ ở giữa nhà và lấy mấy cây thuốc để dành ra sắc cho cô ta uống.

Hôm ấy ông xin phép người đầu đàn cho nghỉ đi săn, nấu cháo cho các nhà sư và cho họ ngủ lại một đêm.

Sáng hôm sau, ni cô vẫn chưa ngồi dậy được và vẫn nóng sốt hầm hập. Mấy nhà sư xúm lại bên gian nền đất bàn bạc điều gì, rồi một người bước lên gian chính sụp xuống trước mặt ông Takuji, hai tay chống xuống sàn nhà, cúi đầu thưa:

-Thú thật chúng tôi không phải là sư sãi, mà người con gái này cũng chẳng phải là ni cô. Chúng tôi làm quan trong triều, vì có  uẩn khúc phải trốn khỏi kinh đô, rồi từ vùng núi Koya chạy trốn về đây. Ngày mai thế nào cũng phải về tới Tanabe ở Kishu. Thật là làm phiền ông nhưng xin ông làm ơn cho người con gái này tá túc ít lâu, nhất định làchúng tôi sẽ trở lại đón cô ta.

Takuji rất đỗi ngạc nhiên, nhưng vẻ mặt hết sức cấp bách và những lời khẩn khoản của họ khiến ông không từ chối được. Cũng không thể đuổi người con gái vẫn còn nóng sốt và thoi  thóp thở đi.

Mấy ngày sau, cô gái có vẻ bình phục, đã húp được một ít cháo, nhưng mãi vẫn không thấy bóng các nhà sư trở lại đón.

Cô gái nghe nói các nhà sư đã đi Tanabe ở Kishu thì có vẻ yên tâm, mà không hỏi Takuji thêm về tin tức của họ.

Dạo ấy Takuji còn đi săn cùng với bọn thợ săn dưới sự chỉ huy của người đầu đàn, nên không dễ gì mà ở nhà mãi được, bèn để cô gái ở nhà để đi săn.

Takuji vốn mồ côi cha từ bé, mẹ ông ở vậy nuôi con khôn lớn, cũng đã qua đời  được ba năm rồi.

Dần dà, cô gái ở nhà sửa soạn cơm chiều đợi Takuji về. Người thợ săn sống thui thủi một mình suốt ba năm, nay có người ở nhà đợi mình về, bất kể người ấy là ai, cũng đã thấy vui. Huống hồ đó lại là một cô gái người kinh đô. Okuni không phải là giai nhân, nhưng nhất cử nhất động đều trang nhã quý phái, và lời ăn tiếng nói lễ độ làm một anh con trai từ bé đến lớn ở miền núi, quê mùa cục mịch như Takuji phải lúng túng.

Tuy chỉ có hai người sống chung trong căn nhà nhỏ, nhưng Takuji không dám động đến cô gái. Họ thành vợ chồng chính là do cô gái ngỏ lời.

Tối hôm ấy, Takuji kể lại cho Okuni câu chuyện nghe được từ bọn thợ săn ở Tanabe về:

-Nghe đâu có một nhóm đông người ở Tanabe  bị quan quân trong phiên Kishu bắt rồi đem ra chém vì tội phản loạn. Mà trong đó hình như có cả mười mấy vị công khanh ở kinh đô giả dạng nhà sư đấy.

Takuji kể chuyện ấy trong bữa cơm chiều. Okuni nghe đến đấy thì đánh rơi cả bát cháo trên tay, làm cháo đổ cả xuống bếp tro giữa nhà, bốc khói nghi ngút.

Sáng hôm sau, Takuji còn đang ngủ, Okuni đã đi đâu mất dạng, đến mấy ngày hôm sau mới trở về, trông bơ phờ tiều tụy.

-Cô làm sao thế? Tôi cứ tưởng cô trở về kinh đô rồi.

-Tôi đi Tanabe xem người ta đồn thực hư thế nào. Có lẽ mấy vị quan lại giả dạng nhà sư cùng đi với tôi đến đây đã bị chém đầu trong ngục cả rồi.

-Mấy người ấy đã làm gì chứ?

-Không phải là họ đã phạm tội gì. Họ chỉ là bầy tôi của nhà vua ở kinh đô thôi.

-Nhà vua?

Takuji được cho biết đó là Thiên Hoàng ở triều đình, nhưng anh không gặng hỏi thêm gì nữa. Một anh thợ săn trên núi như Takuji có biết thêm thì cũng chẳng làm gì được.

-Sự thể đã ra nông nỗi này, tôi không trở về kinh đô được nữa rồi. Nếu được, anh làm ơn cho tôi ở lại đây, tôi không làm gì được nhưng có thể phụ giúp anh việc săn bắn.

-Phụ giúp việc săn bắn ư?

Takuji ngỡ mình nghe nhầm.

-Thật ư, cô làm sao mà phụ tôi săn bắn được chứ?

-Được mà!

Okuni quả quyết. Thế rồi lần đầu tiên cô lấy chiếc sáo ra, chìa cho Takuji xem.

Takuji thực sự nghĩ rằng đầu óc cô ta không còn được bình thường nữa. Nhất là vì anh nghe đồn rằng một người trong số những nhà sư bị chém đầu thật ra là bạn đời của cô ta.

-Năm người chúng tôi bị truy lùng phải chạy trốn từ núi Koya về đến đây, đã lạc đường gần mười ngày mà vẫn không hề gì, cũng là nhờ cây sáo này. Anh cứ cho tôi đi săn cùng với anh một lần thử xem.

Ban đầu Takuji bỏ ngoài tai lời cô gái. Nhưng cô ta cứ khẩn khoản mãi, nên mấy hôm sau Takuji đành phải dẫn cô lên vùng núi Okuryujin.

Bên bờ suối róc rách giữa rừng cây um tùm rậm rạp, Okuni ngồi xuống một tảng đá,lấy cây sáo đem theo ra thổi.

Tiếng sáo ban đầu êm ả, càng thổi mỗi lúc càng cao dần lên, rồi đến lúc tai Takuji không còn nghe thấy nữa. Cho đến tận bây giờ, Takuji vẫn không thể nào quên được cảnh tượng rất đỗi lạ lùng lúc ấy.

Thế rồi từ đó, Takuji không còn đi săn cùng với bọn thợ săn nữa, mà đi săn lẻ, ngày ngày cùng với Okuni vào rừng, nên tự nhiên mà họ thành vợ thành chồng với nhau.

Một năm sau họ sinh được một gái là Osen.

 

Đêm nay ông Takuji lại say rượu ngủ lăn ra và lại nghe thấy tiếng sáo của con gái đang cố tập trong rừng, giữa đêm hôm khuya khoắt.

---Osen, đừng tập nữa con ạ. Thân thế của mẹ con khác với con. Con là con của cha, chỉ là con gái người thợ săn, từ khi sinh ra đời đã khác xa với cô con gái cao sang con nhà nhạc sư thổi sáo trong cung đình.

Hằng đêm ông Takuji khẽ gọi thầm trong lòng với con gái như thế.

Chỉ vì người cha chẳng nên hồn như mình, nên con gái mới phải hoài công tập tành như thế. Ông cũng muốn làm sao cố trở dậy đi săn trở lại.

Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, chứ ông cũng thừa biết tay nghề của mình đã đụt tới độ không săn nổi một con thỏ.

Lâu nay ông được tiếng là thợ săn thiện nghệ cũng là nhờ vào tiếng sáo kỳ lạ của Okuni. Takuji đã ỷ lại thái quá vào cây sáo ấy, mà đánh mất cái tài đi săn thực sự của người thợ săn.

Okuni mất đi, Takuji mới hiểu ra điều đó, nên sinh ra phiền muộn ngày ngày vùi đầu trong men rượu.

 

4

 

Hình như Osen cũng biết mình có tập cho lắm cũng hoài công. Đêm đêm không còn nghe thấy tiếng sáo vi vu từ trong rừng khuya nữa.

Ông Takuji thấy yên trong dạ, nhưng cũng hơi thất vọng.

Thế rồi một buổi sáng, ông Takuji thức dậy thấy Osen đáng lẽ đã đi làm phu khuân vác từ lâu rồi, hôm nay vẫn còn ngồi trước bếp lửa.

-Cha!

Osen có vẻ như sốt ruột cất tiếng gọi cha, vì nẫy giờ phải chờ ôngTakuji bây giờ mới vừa thức giấc, còn ngái ngủ.

-Sao thế? Hôm nay con nghỉ việc à?

-Con nghỉ làm phu khuân vác rồi. Hôm qua con đã nói rõ như thế với bà dẫn đường cho phu khuân vác rồi ạ.

Ông Takuji không biết đáp lại thế nào, nói:

-Thế à.

Rồi ông đến ngồi trước bếp lửa.

-Vậy thì hay là cha đi thay con.

Ông nói có phần nào thực lòng nghĩ vậy. Hiện giờ hai cha con chỉ biết trông vào tiền kiếm được của Osen mà sống qua ngày.

-Đàn ông không được đâu ạ. Xưa nay nghề khuân vác này là công việc chỉ dành cho đàn bà con gái thôi.

-Ra thế!

Takuji đi săn một mình nên không biết gì nhiều về chuyện trong sơn thôn. Nhất là từ khi lấy Okuni làm vợ, ông không còn giao du với bạn thợ săn nữa. Từ khi có Osen, cuộc sống chỉ có ba người cũng hạnh phúc lắm rồi.

-Cha,cha dẫn con đi săn đi.

Mặt Osen nóng bừng đỏ ửng, hai mắt sáng rực.

-Cha ạ, con đã thổi được tiếng sáo giống như của mẹ rồi.

-Con..

Ông Takuji nghẹn lời, trân trối nhìn Osen.

-Chắc là cha không tin lời con phải không? Vậy thì cha cứ dẫn con vào rừng đi, rồi con sẽ thổi giống như tiếng sáo của mẹ cho cha xem.

Nghe con gái khẩn khoản, ông Takuji đành dẫn Osen lần theo đường núi vào một cánh rừng cây cối rậm rạp.

Chỗ này chưa phải là chỗ có thể săn được. Dù có thỏ, chồn, cáo, nhưng không phải là chỗ có các con mồi lớn như lợn rừng hay nai.

Ông Takuji mặc chiếc quần đi săn, nhưng cũng chỉ đem theo một con dao rừng giắt ngang lưng chứ không đem theo lao để phóng.

-Chỗ này được rồi đấy.

Ông Takuji chỉ vào một hòn đá trong cánh rừng hơi tối, cây cối nào tung, nào mai, nào tùng mọc um tùm rậm rạp, bảo Osen ngồi đấy.

Ông đứng dưới một gốc cây cách đó chừng vài thước, nhìn Osen lấy ống sáo từ trong ngực áo ra.

-Con bé ngày càng giống mẹ. Nó ngồi thổi sáo thế này trông giống Okuni như đúc.

Ông Takuji không kỳ vọng gì vào tiếng sáo của con gái. Ông dẫn Osen vào rừng chỉ vì thấy tội nghiệp, thương cho con gái đã quyết chí thổi sáo không chịu thua mẹ.

Osen nhắm mắt lại một lúc lâu, có lẽ là để bình tâm tĩnh trí, đoạn cô đặt ống sáo lên

môi.

Tiếng sáo mới đầu còn thấp, dần dần lên cao, cao mãi.

Khi tiếng sáo cao đến như muốn xé tai của Takuji, trống ngực ông bỗng đập thình thình. Có lẽ Osen đem hết sức ra thổi sáo, nên sắc mặt đỏ như nhuộm chu sa.

Tiếng sáo bỗng biến mất. Tiếng sáo vút lên cao đến như xé tai rồi đột nhiên biến đi đâu mất. Tai ông Takuji không còn nghe thấy gì nữa.

Đúng lúc đó ông đã thấy. Một con nai thật lớn lẽ ra không đời nào có mặt ở đây, đang lừng lững tiến ra giữa rừng cây.

Con nai vốn nhút nhát dễ hoảng sợ, như thể bị mê hoặc bởi tiếng sáo vô hình,đang bước tới gần Osen.

-Đúng lúc rồi!

Ông Takuji khoa tay phải một cái thì chợt nhận ra là trong tay không có cây lao.

Bất giác, ông rút con dao rừng giắt ngang lưng, từ trong bụi bổ nhào ra, nhưng chỉ trong nháy mắt trước đó, con nai đã nhận ra ông, nó lẹ làng quay đầu bỏ chạy vào trong rừng cây.

Ông Takuji thẫn thờ nhìn theo bóng nai bỏ chạy mất.

 

5

 

Từ Minase ngược dòng đi lên cánh rừng ở thượng nguồn sông Hidaka chừng hai dậm là một khe suối chảy xiết sủi bọt trắng xóa. Bờ bên phải dòng suối là ngọn núi đá có tên là Núi Ông Sư.

Vùng này có lợn rừng và hươu nai hay xuất hiện, khi chúng ra suối uống nước.

Trước kia, khi dẫn Okuni đi săn, Takujixem đây là chỗ săn được nhiều nhất.

Osen ngồi thổi sáo trên một mỏm đá của ngọn núi này, trước dòng suối róc rách nơi góc núi.

Hôm nay ông Takuji tay phải cầm cây lao đã mài sắc lẻm, lưng giắt con dao rừng, đứng rình trong bụi cây. Chỗ ông đứng cách Osen độ vài thước.

Khác với hôm trước, hôm nay ông trang bị thật đầy đủ, đôi mắt chăm chú dò la động tĩnh xung quanh chỗ Osen ngồi.

Osen ngồi trên mỏm đá nhìn ra khe suối, nét mặt cũng đầy vẻ tự tin.

Tiếng sáo ban đầu thì thầm nho nhỏ, dần dà mỗi lúc một vút lên cao, lên cao mãi, lảnh lót như xé thủng cả màng nhĩ, đến độ tai ông Takuji không còn nghe thấy gì nữa

Osen mặt đỏ gay vẫn tiếp tục thổi.

Ông Takuji lanh lẹ đảo mắt dò la quanh quất, bỗng nhận ra một con thú lớn màu nâu từ trong rừng chạy ra.

Con thú nhanh chân phóng về phía Osen.

-Được con nai rồi.

Ông Takuji vừa nghĩ bụng, vừa từ trong bụi cây nhào ra, tay phải cầm chiếc lao giơ lên rõ cao, và nhắm vào ngực con nai mà phóng tới.

Không phải là tay ông phóng lệch hướng, nhưng có lẽ là những ngày lười biếng say sưa đã khiến cho tài phóng lao của ông cùn cụt mất rồi.

Cây lao dài gần một thước rưỡi lao vào khoảng không,chỉ trượt qua lưng con mồi.

Con vật thấy có động tĩnh, quay đầu lại, giương hai con mắt sáng rực như lân tinh mà nhìn ông Takuji.

Mặt đối mặt với con thú đang ngoác cái miệng to tướng của nó ra gầm gừ, ông Takuji  bật ngửa người ra.

Đó không phải là một con nai, mà là một con chó sói trông giống như nai. Nó là chúa tể trên núi này, mà dân làng khiếp sợvẫn gọi bằng cái tên”Ông thần miệng rộng”.

Chó sói thường không hại người. Nhưng hễ ai động đến nó, thì nó sẽ tấn công trở lại, không tha.

Thấy con chó sói hả cái miệng đỏ lòm, giơ hàm răng nhọn hoắt ra chực chỉ ông mà phóng tới, ông Takuji đưa tay phải sờ chỗ con dao rừng giắt ngang lưng, toan rút ra.

Nhưng con dao vẫn nằm yên trong bao.

Con chó sói điên cuồng giận dữ gầm lên, dùng hàm răng nhọn hoắt của nó cắm phập vào cổ họng ông Takuji.

Osen ngồi trên mỏm đá vừa đứng lên thì bắt gặp cảnh cha đang giãy chết thê thảm.

Cô đứng sững, đờ người ra. Con chó sói cắn chết ông Takuji rồi lại giương hai con mắt sáng rực như bốc lửa của nó lên, lần này nó chậm rãi bước về phía Osen.

Osen muốn thét lên, nhưng không thốt lên được tiếng nào, bất giác cô toan đưa ống sáo trong tay lên miệng, thì lại luống cuống run tay đánh rơi cây sáo xuống đất. Cây sáo lăn theo triền dốc, rồi rơi xuống khe suối.

Tiếng gầm gừ của chó sói tiến gần sát Osen, cô nhắm nghiền mắt lại trong cơn hãi hùng biết thế nào cũng bị chó sói cắn chết.

Ống sáo làm bằng tre rơi xuống nước rồi bập bềnh trôi theo dòng nước chảy xiết.

Tiếng nước réo cuộn. Con chó sói lao xuống suối, há miệng ra ngoạm lấy ống sáo đang bập bềnh trôi, rồi trở về bên bờ suối.

Con chó sói to lớn mà dân làng vẫn gọi bằng cái tên “Ông thần miệng rộng” chẳng buồn quay lại nhìn Osen đang ngồi thụp xuống vì quá hoảng sợ, nó cứ ngoạm ống sáo ngang miệng mà thủng thỉnh đi mất hút vào trong cánh rừng.

Phụ trang Bungeishunju số 200, 1992

Quỳnh Chi dịch (15/5/2021)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc