CONTAGION, LA PEST, NHỮNG LỜI TIÊN TRI - Nghiêm Nguyễn

12 Tháng Tư 20209:12 CH(Xem: 2466)

Contagion, La Peste, những lời tiên tri

                                                                     Nghiêm Nguyễn

 

  Đại dịch Covid-19 là một thảm họa của nhân loại. Nó đã khiến hàng triệu người bị lây nhiễm, cướp đi mạng sống cả trăm ngàn người trên toàn thế giới.  Từ sau Thế chiến thứ Hai đến nay, đây là cơn đại họa khiến nhân loại kinh hoàng, sợ hãi nhất. Có lẽ trực cảm trước những tai ương sẽ xảy đến cho nhân loại nên những nhà văn, nhà làm phim đã cho ra đời những tác phẩm như một lời dự báo trong đó có cuốn phim Contagion (Bệnh Truyền Nhiễm) sản xuất năm 2011, chuyện dài La Peste (Dịch Hạch) xuất bản vào năm 1947.

  Từ khi cơn đại dịch Covid-19 bùng phát, rất đông đảo quần chúng xem lại cuốn phim Contagion được sản xuất vào năm 2011.  Phim được thực hiện với một dàn tài tử gạo cội như: Marion Cotillard, Matt Damon, Jude Law, Gwyneth Paltrow, Kate Winslet.  Điều ngạc nhiên tuy là phim giả tưởng mà người xem tưởng như là một phim tài liệu và rất giống những gì đang xảy hiện nay của cơn đại dịch Covid-19.  Phim miêu tả về sự lan tràn của một loại virus khởi phát từ Hong Kong có bộ gene mang nguồn gốc trộn lẫn từ lợn và dơi với cái tên Meningoencephalitis Virus One (MEV-1). Virus này có thể lây lan từ người sang người theo cấp số nhân thông qua tiếp xúc gần và dịch cơ thể, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng bởi chưa có vaccine điều trị. Tương tự như Covid-19, sự lây lan  không chừa một ai, già, trẻ, lớn bé, từ nhà khoa học, giới chức chính phủ đến dân thường. Đường phố, sân bay đóng cửa, các siêu thị bị vét sạch đồ thiết yếu, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ để tranh lây nhiễm, số người chết tăng nhanh chóng và phải chôn ở các hố chôn tập thể... tình cảnh giống như ngày tận thế cho tới lúc vaccine được tìm ra. Khi đó toàn thế giới đã mất đi 25 triệu sinh mạng.

 
contagion                 

                      Gần 10 năm sau khi phát hành, phim “Contagion”
                    đang lôi cuốn khán giả trở lại nhờ đại dịch COVID-19.
 

“Contagion” cho thấy một thế giới không chỉ bị một con virus tàn phá, mà còn là một loạt tệ nạn kèm theo – mất trật tự, xã hội sụp đổ, những khó khăn luôn xảy ra khi tìm thuốc chữa, những người không chịu tuân thủ quy định, những giới chức luôn ưu tiên lo cho gia đình mình trước mới đến công chúng, những kẻ tung tin giả để đầu cơ trục lợi. Xem “Contagion” vào lúc này, khán giả có cảm tưởng như bộ phim mới được làm để mô tả cơn dịch Covid-19 đang hoành hành.

  Không chỉ có phim Contagion, hơn 70 năm trước văn hào Albert Camus đã viết một chuyện dài hư cấu "La Peste" ("Dịch Hạch").  Phiên bản tiếng Anh là '"The Plague" do nhà xuất bản Penguin tái bản đã bán sạch trên Amazon vào cuối Tháng Hai, 2020.  Câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp xảy ra ở Oran, một thành phố ở xứ Algeria, thuộc địa của Pháp, vào đầu thập niên 1940. Lúc đầu chẳng có ai, ngay cả chính quyền cũng không tin là thành phố bị dịch bệnh, còn cho đó là trò chơi khăm khi thấy những con chuột chết rải rác đó đây trong thành phố. Cho đến khi có nhiều người chết với cơn sốt lạ thường và nhiều bằng chứng không thể phủ nhận về cơn dịch thì nhà cầm quyền mới bắt đầu ra lệnh đặt toàn thành phố dưới sự cách ly để kiểm dịch.

   Khi những dấu hiệu đầu tiên của cơn dịch xuất hiện ai cũng cho rằng đó là trách nhiệm của một ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình. Ai cũng muốn giữ cho mình sự bình an, không muốn thay đổi thói quen và những gì mình đang hưởng, nên chẳng hề quan tâm đến người khác, đến cộng đồng. Phải một thời gian khá lâu, sau khi trải qua nhiều tháng sống như bị lưu đày, người dân trong thành phố mới dần dà hiểu ra rằng tai ương không phải là của riêng ai mà liên quan đến tất cả mọi người. Nỗi đau cơn dịch là nỗi đau chung cần được được chia sẻ với nhau, nên mọi người đành quên đi nỗi đau cá nhân và cùng tham gia vào công cuộc chiến đấu chống dịch. 

                          

                       la peste

                      Cuốn “La Peste” (phiên bản tiếng Anh là “The Plague”)
                            của văn hào Pháp Albert Camus.

 

   Cuối cùng, sau hơn một năm, cơn dịch chấm dứt ở thành phố Oran. Cuộc sống trở lại bình thường. Dân thành phố hân hoan reo mừng. Nhưng tác giả cảnh báo rằng như thế không có nghĩa là con người đã hết bị đe dọa.

   “La Peste” cũng mang rất nhiều nét khá tương tự với cơn đại dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên "La Peste" không chỉ viết về một cơn dịch mà còn chứa đựng nhiều ẩn dụ. Một trong những ẩn dụ là về thân phận con người. Con người, trong cái nhìn của Camus, là một cái gì mong manh, rất dễ tổn thương, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào, bởi một thiên tai đột ngột xảy ra, hay bởi hành vi lầm lỗi của chính con người, hay thậm chí bởi một thứ vô cùng nhỏ nhoi: con vi khuẩn.

  Qua Contagion, La Peste, cơn đại dịch Covid-19 chúng ta thấy có một số điểm chung. Không chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài muốn một xã hội hoảng loạn dẫn đến những khủng hoảng về kinh tế, chính trị. Bằng mọi cách, mọi giá họ phải bưng bít, phủ nhận sự thật, làm giảm nhẹ sự việc càng nhiều càng tốt với hy vọng mọi sự sẽ êm thắm trôi qua. Cho nên khi bác sĩ Bernard Rieux trong La Pest, bác sĩ Lý văn Lượng từ đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán loan báo với nhà cầm quyền về tình trạng nghiêm trọng của cơn dịch thì chẳng ai tin thậm chí còn bị khiển trách. Bác sĩ Rieux còn may mắn sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng, nhân vật thật ngoài đời đã phải chết trong oan khiên đau đớn, cộng thêm biết bao nhiêu mạng người khác nữa. Chính quyền Trump thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Trong một bản tweet ông Trump còn bảo mỗi năm nước Mỹ có cả chục ngàn người chết vì cảm cúm thì mấy con vi khuẩn Corona có gì phải đáng lo. Cho đến khi số người lây nhiễm và người chết mỗi lúc một tăng cao cũng như những lời cảnh báo tình trạng nghiêm trọng về cơn đại dịch của các chuyên gia y tế ông Trump mới giật mình, vội vàng ban hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan.

  Tuy nhiên nhờ cơn đại dịch này chúng ta thức ngộ được một số điều hữu ích. Đây là cơ hội để chúng ta được ngơi nghỉ cả tâm và thân, dành nhiều thì giờ cho mình, cho những người mình yêu thương. Là lúc suy nghiệm lại những thành bại, được mất, sướng khổ... từ đó nhận thức đâu mới là hạnh phúc bền lâu, đâu mới là tài sản đích thực. Đây là lúc chúng ta nên điều chỉnh lại, thay đổi lối sống của chính mình, là lúc nên"dừng lại". Dừng lại những tranh đua vô nghĩa, những đua đòi vật chất phù phiếm.  Dừng lại những hủy hoại, tàn phá thiên nhiên, biến đổi hệ sinh thái, khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí, dừng lại những tham vọng bá quyền, thống trị hoàn cầu...

  Virus Corona dù phát sinh ra từ đâu, tô cháo rắn, nồi lẩu dơi hay từ phòng thí nghiệm sinh học hoặc bất cứ từ nơi nào đều là hệ quả của lối sống không lành mạnh, của tham lam dục vọng thấp hèn. Con người nếu cứ tiếp tục cho lòng tham lam không đáy, tiếp tục vùi dập, tàn ác với Mẹ Thiên Nhiên bất chấp sự rên xiết, quằn quại đau thương của Mẹ thì sớm muộn gì cũng lãnh những hệ quả tàn khốc khôn lường.

Contagion, La Peste phải chăng là những mặc khải báo trước cho con người phải chịu tai ương vì lối sống phản thiên nhiên, suy đồi, thiếu lành mạnh, thiếu ý thức. Covid-19 là một trong những cảnh báo cho nhân loại, nếu không biết thức tỉnh thì trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn sẽ lại chịu một thảm nạn khác, tương tự hay thảm khốc hơn trận đại dịch này.

 

Tháng Tư, 2020

Mùa Đại Dịch Covid-2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc