NHỮNG CẢM NGHĨ KHI ĐỌC "40 NĂM VĂN HỌC VN TẠI NHẬT"- Nghiêm Nguyễn

08 Tháng Chín 20198:38 CH(Xem: 2306)

Trong một bài viết cách đây 3 năm, tôi có viết một đoạn:


“Tôi có một thằng bạn học cùng lớp đang ở Mỹ, uống nhiều hơn nói, mấy năm trước gặp nhau, sau một đêm ngất ngư với nó vì men.... lúa mạch, nó hối: tôi giả lơ, nó thúc: tôi quay chỗ khác và lúc nào cũng khuyên: “mày đừng bỏ nghề...”. Thằng này có cái hay là “tóm tắt”, một bài dài chỉ cần đọc vài dòng của nó giới thiệu là có thể nắm vững toàn bài. Nó là người đầu tiên “đánh điện chúc mừng” khi thấy tôi viết lại, nó thòng thêm: “Máy trong người mày bắt đầu chạy lại”. Tên này gốc Mỹ Tho. Tên nó là Nguyễn Hữu Nghiêm”.

Nghe tin tụi tôi âm mưu ra sách, Nghiêm là một trong những người đầu tiên ủng hộ về cả hai mặt tinh thần…. lẫn vật chất. Hôm nay nhận được cảm nghĩ này của Nghiêm, tôi để nguyên những lời “khen ngợi”lẫn “chê bai”. Cám ơn Nghiêm 君.

Xin giới thiệu với quân ta. Nhớ đọc qua nhé.

Vũ Đăng Khuê

-------------------------------

Đặc Tập Văn Học NB

Những cảm nghĩ khi đọc “40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật”

Nghiêm Nguyễn

“40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật” là đặc tập được nhà  xuất bản và nhóm chủ trương Nam Nghệ  Tân Xã tại Nhật Bản ấn hành vào tháng 7 năm 2019. Đây là một tác phẩm văn học, một công trình văn hóa được thực hiện khá kỹ lưỡng và công phu từ hình thức đến nội dung.

 Bìa sách được trình bày khá mỹ thuật và ý nghĩa. Nền bìa sách màu xanh dương đậm với hình chìm là chiếc trống đồng Đông Sơn. Phía trên bìa sách là tựa đề của Đặc Tập với 3 kiểu chữ khác nhau khá đẹp mắt. Nằm giữa trang bìa làbản đồ Việt Nam mà hình nền là những hoa văn họa tiết trống đồng với màu vàng và xanh lục. Nổi bật ở phần giữa bản đồ tức miền Trung nước Việt Nam là 3 sọc đỏ thắm như 3 giòng máu Bắc, Trung, Nam cũng là biểu trưng cho lá cờ chính nghĩa VNCH.  Điều đáng chú ý là hình bản đồ VN không chỉ có mảnh giang sơn hình chữ S mà còn có thêm những đảo nhỏ ở vùng biển Đông, nơi mà bấy lâu nay Tàu Cộng đang ngang ngược lấn chiếm.  Phần dưới bìa sách là 2 câu thơ của nhà chí sĩ Phan Bội Châu:”Khí thiêng đất nước còn nguyên đó, Chín suối ai ơi đứng dậy cười”.  Nhìn hình bìa sách người ta cũng hiểu đươc phần nào mục đích và lập trường của nhóm chủ trương.

Quyển sách dầy khoảng 800 trang gồm 7 chương được sắp xếp, phân bố một cách có hệ thống.

Chương I ghi những tiến trình thành lập cộng đồng người Việt tại Nhật. Từ những bước đầu hình thành, những hoạt động của cộng đồng và sau cùng vai trò, sứ mệnh của cộng đồng không chỉ với đất nước tạm dung Nhật Bản mà còn đối với quê hương đất nước VN.

Chương II kể về lịch sử hình thành nhà xuất bản Nam Nghệ Xã từ lúc phôi thai, phát triển cho đến lúc phải ngưng hoạt động khi thế giới bước vào thời đại ebook, sách báo điện tử. Bây giờ nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã đãra đời, một mặt để kế thừa tinh thần, di sản của Nam Nghệ Xã, mặt khác để đáp ứng những nhu cầu về văn hóa, giáo dục của cộng đồng người Việt tại Nhật.

Chương III  Dư Hương Ngày Cũ trích đăng lại những bài viết từng được đăng rải rác trước đây trên các báo chí Việt ngữ như Người Việt Tự Do, Nguyệt San Hiệp Hội, Phụ Trang Kháng Chiến Á Châu... Một số tác giảnay đã ra người thiên cổ vì lý do này hay lý do khác. Đọc phần bài viết tưởng niệm những người quá cố, trong lòng chúng ta không khỏi mang một nỗi ngậm ngùi, thương tiếc. Những người đã nằm xuống này, người thì hy sinh cho đại nghĩa dân tộc, cho một VN tự do dân chủ, người thìđóng góp bao tâm sức cho những hoạt động văn hóa, xã hội, tất cả họ đều mang chung hoài bão vềmột tương lai đất nước tốt đẹp. Xin đốt nén hương lòng cho những hy sinh, đóng góp vô cùng cao cả, quí báu này.

Chương IV là những bài viết, biên khảo về phong tục, tập quán, về những nét đặc thù trong văn hóa, văn học và xã hội Nhật. Đọc những bài viết này chúng ta sẽ hiểu xuất xứ và ý nghĩa niên hiệu Lệnh Hòa của Nhật Hoàng vừa mới đăng cơ, về môn thể thao truyền thống Sumo, về ngày lễ Tết Nhật….Tuy nhiên trong bài viết "Nhật Bản tôi thế đấy" ở câu đầu "Nhật Bản gồm 4 đảo chính: Kyushu, Hokkaido, Tứ Quốc, Bản Xuyên"  tác giả nên sắp xếp  theo thứ tự từ lớn đến nhỏ hay từ bắc xuống nam, thêm vào đó nên thay tên đảo Tứ Quốc bằng Shikoku, Bản Xuyên bằng Honshu thì được nhất quán hơn chứ không nên pha trộn nửa số đảo danh từ tiếng Hán, nửa số đảo kia tiếng Nhật khiến người đọc có thể bị rối rắm. Đặc biệt nếu ai thích tìm hiểu về văn học Nhật Bản, thì 2 bài tiểu luận “Mấy nét đổi thay của văn học Nhật sau thảm họa” và “Mấy cảm nhận về văn học đương đại NB” là những tư liệu rất hữu ích và có giá trị.

Chương V là những sáng tác của các tác giả hiện đang sống tại Nhật, những bài viết này khá thú vị và đặc sắc. Một số tác giả tuy là những cây viết mới nhưng bút pháp khá điêu luyện và già dặn không kém những tác giả đã thành danh. Chẳng hạn tiểu luận “Một trăm cái trứng, mười tám ông vua?” mà tác giả, cũng là một người trong nhóm chủ trương Nam Nghệ Tân Xã, được biết tuổi còn khá trẻ nhưng có những nhận định, hiểu biết khá sâu rộng về lịch sử, huyền sử dân tộc Việt.

Chương VI có thể xem như là chương cuối cùng của những bài viết trước khi quyển sách được đóng lại với lời bạt ở chương VII. Chương VI qui tụ những bài viết của bạn hữu khắp năm châu. Những tác giả này ngoài vài người là cựu du học sinh tại Nhật nay đã sang định cư  quốc gia khác,  còn đa số những người kia tuy chưa từng có cơ duyên sống tại Nhật nhưng hình như có một sợi dây vô hình nào ràng buộc giữa họ và nước Nhật, người Nhật.

Riêng về bài viết “Kiếm Sĩ Samurai-Những Ánh Thép Hào Hùng Thời Trung Cổ Nhật” không thể xếp vào loại tùy bút. Tùy bút là thể văn tác giả dùng để diễn tả một sự kiện qua những nhận xét, cảm xúc hay cảm nghĩ của mình. Bài viết này ghi chép lại lịch sử của Samurai nên không thể gọi là tùy bút được. Nó có lẽ thuộc loại sưu khảo hay biên khảo.

Như trong lời bạt của chương VII, thực hiện được quyển Đặc Tập này là một công trình đáng ngưỡng phục của nhóm chủ trương. Không kể những tác giả đã bỏ thì giờ sáng tác, những người thực hiện, mà nhân số thể đếm trên đầu ngón tay, đã bỏ biết bao công sức để biên tập, đánh máy, dàn trang, hiệu đính, xuất bản, phát hành…, của biết bao miệt mài, cặm cụi sớm khuya để chỉ trong vòng nửa năm đã hoàn thành ấn phẩm văn học rất đặc sắc và giá trị này.  Khi bước vào các hoạt động về văn hóa, vào thế giới văn chương chữ nghĩa là chấp nhận dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả.  Bởi vì con đường cho cuộc hành trình này không là con đường bằng phẳng, dễ đi mà ngược lại là con đường đầy gai góc, hiểm trở, tốn rất nhiều tâm sức, kiên nhẫn và nghị lực để hoàn thành.  Cho nên thực hiện, biên soạn ấn phẩm như thế này là việc làm vô cùng hữu ích rất đáng được hoan nghênh, khuyến khích và hỗ trợ. Riêng về phương diện văn học, hy vọng nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã cùng với những người chủ trương sẽ là những người tiếp nối phục hồi giòng sinh mệnh văn học Việt Nam hải ngoại đang trong tình trạng lão hóa vì người viết lẫn người đọc ngày một thưa dần.

Quyển Đặc Tập này xứng đáng nằm một chỗ trang trọng trong tủ sách gia đình VN. Nó không chỉ là một tác phẩm giá trị văn học mà còn bao gồm những tư liệu về cộng đồng người Việt tại Nhật, những bản sắc văn hóa đặc thù của nước Nhật, người Nhật. Mong rằng sau Đặc Tập này nhóm chủ trương Nam Nghệ Tân Xã sẽ còn tiếp tục thực hiện những ấn phẩm giá trị khác nữa.

 Cuối hạ 2019,

 Nghiêm Nguyễn



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc