TÍN TÂM - Tùng Sơn Nguyễn Quang Dục

25 Tháng Bảy 20198:58 CH(Xem: 2118)


art_5Tín Tâm

 Sống vào thời đại toàn cầu hóa với nền văn minh điện tử, chỉ cần gõ mật mã vào máy điện toán, hay điện thoại cầm tay và trong giây phút mọi người có thể liên lạc, thông tin hình ảnh tiếng nói cho nhau, cho dù ở bất cứ địa điểm nào trên hành tinh trái đất hoặc ngoài không gian. Đây là phát minh kỳ diệu, đóng góp của khoa học vào đời sống nhân loại. Nhưng ở mặt khác vì tính chất nhanh chóng, dễ dàng không cần kiểm chứng đã tạo ra tình trạng có quá nhiều thông tin đến mức có thể nói ngập lụt trong biển tin tức khiến cho có người bán tín bán nghi tự hỏi cái gì là thật và cái gì là giả. Cái gì là chân lý là niềm tin cần phải theo đuổi, gìn giữ và cái gì cần phải bỏ đi.

Hơn nữa từ khi sinh ra đời cho đến khi có hiểu biết, trí khôn, con người luôn luôn tò mò tìm hiểu về sự vật xung quanh. Đồng thời cũng theo thời gian tạo dựng cho chính mỗi người một niềm tin về cái gì đó trong cuộc sống. Niềm tin này có thể phát xuất từ truyền thống gia đình, tập tục của xã hội, giáo dục học đường, kinh nghiệm sống  v.v. Khi niềm tin trở thành đức tin hay tín tâm nó trở thành sức mạnh, động lực thôi thúc con người tiến tới, nỗ lực học hỏi, làm việc, thay đổi trở thành mẫu người nào đó hay cố gắng hoàn thành mục tiêu nào đó đã được tin rằng là đúng là phải. Tất cả những trạng thái tâm lý tích cực hay tiêu cực đều nằm trong hai chữ tín tâm. Có nghĩa hướng niềm tin vào mục đích cao thượng, phụng sự tha nhân, yêu thương, tha thứ để thăng hoa đời sống đó là tích cực, còn hướng niềm tin vào mục đích ảo tưởng, hận thù, tham vọng quyền lực xấu chẳng hạn những thành phần tín đồ Hồi giáo cực đoan kêu gọi thánh chiến bằng cách khủng bố, giết người vô tội, đó là mặt tiêu cực của tín tâm. Niềm tin có thể thay đổi mờ nhạt đi theo thời gian, nếu nó không được thể nghiệm, thực chứng trong đời sống.

Về khía cạnh tôn giáo, tín tâm cũng có nghĩa là đức tin tức hướng niềm tin vào mục đích đi tìm chân lý, hay đối tượng như chư Phật, chư thánh thần, các đấng thiêng liêng để tỏ lòng kính trọng hay để cầu nguyện. Tín tâm cũng có thể gọi là khởi Bồ Đề Tâm, bước đầu tiên mở cánh cửa đi vào con đường đến giác ngộ, giải thoát.  Dù sao tín tâm, niềm tin không đến từ bên ngoài hay ai đó ban phát cho mà phát sinh từ nội tại bên trong tâm hồn. Chẳng hạn ai đó tin rằng bản thân có thể phát huy tài năng nào đó chính đức tin này giúp họ khai mở trí tuệ, phát huy tài năng có sẵn trong người, cũng như biết được sở trường hay sở đoạn của chính mình. Theo sự nghiên cứu cho thấy những người có tín tâm đều có chung đặc tính là kiên nhẫn, kiên cường theo đuổi mục đích mà họ tin, dù rằng trên đường đi có gặp những chông gai, chướng ngại, khó khăn.

Với sức mạnh tín tâm đưa thế giới tâm linh hành giả vào cảnh giới cao hơn, không chỉ giúp hành giả vượt thắng những Ma chướng tức là tham sân si, mạn, nghi, ác kiến lúc nào cũng tiềm ẩn trong tâm thức, mà còn giúp con người thăng hoa đạt được trí tuệ sáng suốt, tâm trở lên thanh tịnh.

 

Nhìn vào cuộc đời Đức Phật trên con đường đi tìm chân lý  trong suốt sáu năm trường tu hành đã trải qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu cam go, khổ hạnh vẫn không chứng ngộ. Sau quá kiệt sức nhờ ly sữa của cô thôn nữ giúp phục hồi lại sức và cuối cùng đạt đạo thành Phật chứng quả vô thượng chính đẳng chính giác sau 49 ngày liên tục ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề. Đây là biểu tượng cho sức mạnh vô biên tín tâm của bậc vĩ nhân.

 

Về mặt từ ngữ, chữ Tín tiếng Phạn gọi là “Sraddha” có nghĩa tác động tinh thần làm cho tâm trí trở lên trong sáng không còn vẩn đục, cũng có nghĩa bước đầu tiên vào đạo. Chữ Tâm tiếng Phạn gọi là “Citta” có nghĩa những đối tượng sự vật hiện hữu bên ngoài tác động lên sự suy nghĩ. Theo Duy Thức Học tâm thức ở đây được gọi là A Lại Da Thức.  Giáo lý nhà Phật giảng đức tin có khả năng trợ giúp hành giả, làm tăng trưởng, nuôi dưỡng hạt giống tốt, những đức tính tốt trong con người, vượt qua những ma chướng, nghiệp chướng trên con đường tu tập, để đạt đến vô thượng chính đẳng chính giác.(1)

Hành giả tin vào luật nhân quả, quả báo, luân hồi, tin rằng mọi người là Phật sẽ thành, tin rằng mọi người có khả năng chuyển nghiệp xấu sang tốt, sẽ tránh làm điều ác, cố gắng làm điều thiện. Hơn nữa hành giả nhận thức sâu sắc tinh thần “tự giác giác tha” sự thay đổi thanh tịnh hoá tâm linh phải do chính bản thân, từng cá nhân nỗ lực tu tập thực hành chứ không ai khác có thể giúp chúng ta làm công việc này.  Đó chính là tinh thần “Bạn hãy tự chính mình là ngọn đuốc, chánh pháp chính là ngọn đuốc dẫn dắt” (2)

Người có tín tâm hiểu mọi sự vật trên thế gian bao gồm người, trời đất và vũ trụ luôn luôn biến chuyển, thay đổi, do đó tâm thức không dao động trước những đổi thay, ngược lại bước vào cảnh giới an nhiên tự tại. Trong bài thơ “vô thường” Giáo Sư Nguyễn Cao Thanh viết:

Đôi mắt trong xanh cũng sẽ mờ

Thời gian nhuộm tóc trắng như tơ

Người xưa dạo ấy thành cơn mộng

Cảnh cũ giờ đây hóa giấc mơ

 

Với chỉ có Tín tâm bạn sẽ có được:

Sức mạnh vô cùng tận của lời nguyện.

Tội chướng, nghiệp chướng sẽ tiêu tan.

Đạt được trí tuệ vô biên của chư Phật.

Mọi phiền não tiêu tan, tâm trở lên thanh tịnh.

 

Chúng ta thử hỏi đức tin có giúp gì cho sức khỏe hay không? Câu trả lời là có. Nhìn về mặt y học, tín tâm giúp cho con người sức mạnh tin tưởng để sống ở đây bao gồm sức mạnh tinh thần song song với đó tạo nên sức mạnh có khả năng miễn dịch đối kháng những vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Chúng ta thử hỏi yếu tố gì để một người 80 tuổi vẫn có thể leo đến đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới với chiều cao 8,850 mét.(3)

 

Theo nhiều công trình nghiên cứu y-học hiện đại, đức tin đóng vai trò quan trọng trong công việc chống lại bệnh tật, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp rất nhiều trong việc phục hồi sức khỏe. Bởi vì khi bệnh nhân chuyển từ trạng thái tâm lý bi quan, chán nản sang trạng thái tích cực, tin tưởng, hy vọng, yêu đời đã đang giúp sức cho những tế bào tốt trong cơ thể thêm sức mạnh chống đỡ tiêu diệt những tế bào xấu đang hoành hành. Điều này chứng minh cho thấy sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân trong đời sống.  

Đức tin mới chỉ là bước đầu, điều kiện cần thiết để thay đổi, chuyển biến con người chưa hoàn thiện, còn thiếu sót, còn si mê thành con người hiểu thấu đáo, giác ngộ hoàn toàn, cộng thêm vào đó một yếu tố không kém phần quan trọng là sự thực hành nghiêm chỉnh điều đã tin thì mới đạt kết quả tốt đẹp.

Tu tập Thái Cực Thiền Quyền Dưỡng Sinh để đạt có hiệu quả cao nhất cho tinh thần và thể chất cần phải có tín tâm hay niềm tin, và điều quan trọng phải bắt đầu thực hành ngay. Có nghĩa chúng ta phải chuyên tu tập luyện 108 thế hằng ngày, áp dụng 13 yếu quyết trong khi tập, giữ cho tâm an, không lo lắng phiền não. Bởi vì “sai lầm lớn nhất trong cuộc đời là những điều cần phải làm ngay như tu tập căn tính thì không chịu lo, hoặc làm rất từ từ, còn những cái không nên làm hoặc không cần thiết như chạy theo nhu cầu vật chất thì vội vã hùng hục làm.”(4) Hơn nữa thời gian lặng lẽ tiếp tục trôi như dòng sông không chờ đợi chúng ta cũng như cái chết đến nhanh hơn lửa và nước.  Tăng trưởng tín tâm phát xuất từ thực hành thể nghiệm bản thân bước vào cảnh giới “Thân động như thủy, tâm bất động như sơn”.  Hơn thế nữa không chỉ trợ giúp đức tính khiêm tốn, nhẫn nại, thành thật và cung kính mà còn hỗ trợ chúng ta sống an trụ trong hiện tại, không còn phân biệt giữa ta và người, thuận với đạo lý với trời đất, vũ trụ và cũng là trở về chân ngã.


 Tùng Sơn Nguyễn Quang Dục

Chú thích:

(1)   Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn.
Tín năng siêu suất chúng ma lộ.
Tín năng thành tựu Bồ-đề đạo.

(2)   The Buddha, Trevor Living

(3)   Yuichiro Miura được xem như người già nhất thế giới đã leo đến đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn vào tuổi 80, ngày 23 tháng 5 năm 2013. Ông ta đã từng leo núi này vào lúc 70 và 75 tuổi.

(4)   Đồ Nhiên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc