GIÒNG SÔNG HOANG - Ngọc Bảo

22 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 72479)



Giòng sông hoang



 ara_89-content Tôi đến Arakawa House một ngày mùa đông rét mướt. Căn nhà bốn tầng đứng sừng sững trong một ngõ rộng, ở một nơi trung tâm của khu Bunkyo, gần trường đại học Tokyo (Todai). Đến Nhật tứ cố vô thân, không một ai quen biết hay một người bạn thân nào đi trước, nhưng may mắn tôi được anh Hòe, mt sinh viên đàn anh đã có dịp gặp gỡ mẹ tôi trong chuyến du lịch Nhật Bản trước đây,  giúp đỡ giấy tờ và lo tìm dùm chỗ ở. Biết chỗ này có mấy chị sinh viên Việt Nam đang ở, nên anh đưa đến giới thiệu. Vừa may lúc ấy có chỗ trống, nhưng phải chung phòng với một người khác. Thế là cuộc đời cư xá của tôi bắt đầu , và tiếp tục cho đến khi tôi rời nước Nhật.



 Arakawa, nói theo tiếng Hán Việt là Hoang Xuyên, hay giòng sông hoang dại. Cái tên nghe thơ mộng, mà cũng có một ý nghĩa ngẫu nhiên nào đó. Một giòng sông hoang chẩy cuồn cuộn nơi trung tâm văn học cổ kính của thủ đô Tokyo, tựa như những khuôn mặt trẻ trung từ khắp các nước đổ về tụ tập , đem lại một sắc thái mới lạ cho khung cảnh yên lặng khép kín nơi đây. Ông bà chủ thuộc giới thượng lưu của xã hội Nhật, cả hai đều là bác sĩ, ông dậy trường y khoa tại đại học Tokyo, bà lấy chồng nên bao nhiêu chữ nghĩa trả lại thầy, chỉ ở nhà lo việc nội trợ và quản lý cư xá nữ sinh viên này. Đúng ra bà chỉ là quản gia cho cư xá do mẹ bà lập ra, nên lấy tên cha mẹ bà là Arakawa, còn bà thường được gọi theo họ chồng là Atsumi. Tôi đã gập bà cụ mẹ vài lần, trông dáng dấp quý phái và lịch sự, tiếp đón chúng tôi niềm nở như một người trên tiếp đón những con cháu. Thật ra gia đình này cũng có thế lực và hoạt động xã hội rất tích cực; cái ý tưởng lập ra một cư xá nữ sinh viên ngoại quốc cũng là một điều mới lạ và cần thiết, tuy giá thuê hơi đắt hơn ở ngoài một chút, nhưng có đầy đủ những điều kiện tiện nghi và an toàn cho chúng tôi. Và tuy là một cơ sở kinh doanh, nhưng bà chủ cũng khá tình nghĩa, nên không bao giờ lên giá thuê nhà đối với những người đã ở lâu năm, mặc dù trong mấy năm tôi ở Nhật, giá nhà thuê cũng dần dần tăng cao.



 ara_94-content Trong tháng đầu tiên tôi ở chung phòng với một bà người Tiệp Khắc hiền lành ít nói, thường đi suốt ngày, đêm mới về ngủ, âm thầm như một chiếc bóng. Ở nhà nhận được thư đã lo ngại, dặn tôi phải cẩn thận, coi chừng bà ta là cộng sản. Bởi vì lần đầu tiên tôi không những tiếp xúc, mà còn ở chung với một người đến từ một nước cộng sản. Nhưng gần như chúng tôi không hề có dịp nói chuyện với nhau bao giờ, và khi bà ta dọn đi, tôi cũng không thấy có gì khác hơn lúc bà còn ở đó, ngoại trừ một điều là thay vì tôi phải leo lên giường trên của chiếc giường hai tầng, giờ tôi chiếm giường ở dưới. Cư xá của chúng tôi cho thuê hai tầng trên, gia đình bà chủ ở hai tầng dưới. Mỗi tầng cho thuê có năm phòng, một phòng đôi và bốn phòng đơn. Các phòng đều có trang bị sẵn đồ đạc, tủ giường bàn ghế, và một kệ để sách trên tường. Phòng đôi rộng rãi hơn, nhưng hai người phải chia nhau giường hai tầng, và dĩ nhiên, phải sống chung đụng hơn. Phòng đơn rất chật hẹp, và cũng phải chung một giường hai tầng với người ở phòng kế bên, chỉ khác một điều là có tấm vách tường ngăn đôi nên có vẻ riêng biệt hơn; vì vậy, những phòng đơn có giường hoặc ở phía dưới, hoặc ở phía trên. Nhà làm theo kiểu tây phương, lót gỗ dưới sàn nên không có chiếu tatami trải dưới, nhưng có lẽ mỗi phòng đơn chỉ vào khoảng bốn chiếu là cùng. Tôi vẫn thường có cảm tưởng như đi vào một toa xe lửa mỗi khi bước vào phòng riêng của tôi, sau này khi chị H đã dọn đi.



 Khi tôi đến có hai chị tiền bối (sempai) đang ở là chị H và chị Th. Cả hai đều là những nữ sinh xuất sắc được học bổng của chính phủ Nhật Bản. Hai người là hai sắc thái riêng biệt, chị H ẻo lả như một con mèo, có tinh thần phóng khoáng và nghệ sĩ, nhưng cũng rất nghiêm ngặt trong sự bảo tồn những giá trị đạo đức cổ xưa; chị Th nghiêm trang, tốt bụng và rất là “règlo”, một con người đầy quy tắc. Thuở ấy tôi mới rời khỏi mái ấm gia đình, còn ngơ ngơ ngáo ngáo và “ngây thơ vô số tội”; hai chị đã đem lại những nâng đỡ tinh thần, cho tôi những tình cảm ấm áp trong những ngày đầu chân ướt chân ráo qua xứ người. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên đi chợ nấu ăn, tuy đã được mẹ dậy cho vài món thực tập ở nhà nhưng rồi không chú tâm nên tai nọ qua tai kia, tôi lại quên hết và không có một ý niệm gì về bếp núc cả. Nhớ ở nhà thường ăn món “sườn côtelette sauce cà chua”, tôi cũng đi mua một miếng thịt về chiên, nhưng chẳng nêm gì cả, đến khi ăn nhạt nhách chẳng có một chút mùi vị gì! Thế là tôi phải học nấu ăn lại từ chị H; trong những ngày đầu tiên ấy tôi đã cảm thấy phiền não vì phải làm một việc có trách nhiệm nặng nề là “tự nuôi mình sao cho khỏe mạnh”, cũng may là mỗi ngày tôi đều có một bữa ăn ở trường Nhật ngữ Kokusai, trong đó có món canh dưa tôi rất thích.



 ara_24-content Nói đến cư xá nữ sinh là không khỏi nhắc đến những mối tình thơ mộng của tuổi thanh xuân. Gần như trong cư xá người nào cũng có bạn trai, ngoại trừ tôi là người mới đến. Những căn phòng bé nhỏ chật hẹp ấy đã từng chứng kiến những cuộc tình duyên sôi nổi cũng như êm đềm của lớp trẻ xa xứ, thấm thía từng nỗi tình cảm hỷ nộ ái ố, những lúc hạnh phúc vui tươi cũng như những khi chán chường tuyệt vọng. Đối với tôi lúc ấy, những mối tình của các anh chị sempai (tiền bối) dường như đẹp như một bức tranh Đông phương, với những nét chấm phá nhẹ nhàng và trang trọng. Bà chủ cũng dễ dãi trong vấn đề cho khách đến thăm, nhờ đó tôi mới biết được những khuôn mặt các anh sempai khả kính. Các anh là những người đầy lý tưởng, rất tốt và nâng đỡ hết mình cho lớp người đến sau như chúng tôi. Mỗi tối các anh thường tổ chức những lớp dậy thêm về toán cho những người mới qua còn đang lo sợ chưa biết tương lai đại học đi về đâu và còn phải đánh vật với tiếng Nhật xa lạ. Có lẽ thời gian ấy là lúc đẹp nhất trong đời, khi còn đang tràn đầy sức sống và niềm tin hi vọng nơi tương lai, và lại có một chút tự do thoải mái, không phải đối diện với những vấn đề sinh kế phiền lụy như sau này.



 Đối diện với cư xá chúng tôi là cư xá đội bóng dã cầu (yakyu) của sinh viên trường đại học Tokyo. Hai cư xá gần nhau đến nỗi từ cửa sổ phòng tôi nhìn xuống có thể thấy được hành lang lối vào chính của họ, và nghe được tiếng cười nói ồn ào mỗi khi họ đi tập về. Nhưng tuy kề cận như vậy, hai bên chẳng bao giờ có giao thiệp qua lại, có lẽ vì sự cách biệt về ngôn ngữ và văn hóa chăng, hay có lẽ một phần vì đám sinh viên Nhật đó quá bận rộn và nhút nhát nên không có dịp làm quen với chúng tôi, như một người trong bọn họ đã nói với tôi sau này.



 Từ Arakawa House đến trường đại học Tokyo rất gần, có thể đi bộ đến cổng Aka-mon là mt trong những cổng lớn của trường. Trường đại học Tokyo chiếm một khu đất rộng lớn mênh mông, có ba cổng ra vào, mỗi cổng cách nhau khoảng một block đường. Từ nhà muốn đi đến ga xe điện (densha) hay xe điện ngầm (chikatetsu) hơi xa, phải lấy xe bus hoặc xe tram thành phố (toden) mới đến ga gần nhất được; những ngày mùa đông buốt giá đứng chờ xe bus cũng là cả một sự tê tái trong lòng. Trong năm đầu học Nhật Ngữ ở Kokusai, và cả sau này khi đã vào trường đại học Waseda, tôi thường mất cả tiếng đồng hồ mới tới trường được. Nhưng tôi đã gắn bó với nhà Arakawa và khu Bunkyo-ku này nên không muốn dời đổi đến chỗ nào gần hơn. Tôi thương những góc phố cũ kỹ với những tiệm sách trải dài suốt dọc đường, những cửa hàng bé nhỏ thân mật, trường đại học Tokyo kiêu sa của trí tuệ siêu xuất Nhật Bản, cái khung cảnh tao nhã và trí thức của một khu văn học như cái tên đã được đặt: Văn Kinh Khu (Bunkyo-ku). Ngay cả nhà ga xe điện gần nhất cũng có cái tên thật thơ mộng là Trà Thủy (Ochanomizu); một nhà ga có phong cảnh khá hữu tình với giòng sông Kanda chẩy êm đềm bên dưới. Văn Kinh khu không có những tòa nhà chọc trời, không có những cửa hàng lộng lẫy đầy mầu sắc, chỉ có một mầu xám nhàn nhạt của những mái nhà thấp xưa cổ, những ngõ hẻm yên vắng mà khi mùa đông đến tuyết phủ trắng xóa lên những cành đào vươn ra ngoài cánh cổng khép kín im lìm, vẽ lên một bức tranh đẹp tuyệt vời.



 ara_30-content Những ngày Tết của Nhật Bản, Tết dương lịch, đám sinh viên tha hương mới thấm thía nỗi buồn cô đơn xa nhà, khi thấy những gia đình người Nhật quây quần sum họp và ríu rít đi chùa xin sâm hay chúc Tết lẫn nhau. Phố xá ngày thường rộn rịp nay bỗng vắng tanh, càng tăng thêm vẻ đìu hiu cho những hàng cây khô bên đường. Trong những ngày Tết đó, bà Atsumi cũng hay tổ chức những buổi party cho chúng tôi, một dịp để mọi người gập nhau làm quen và nếm những món ăn lạ của các nước khác, hầu hết là món ăn Thái, Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Mọi người đều cố trổ tài làm những đồ ăn đặc biệt đem đến, và bà chủ cũng mời vài người bạn của bà đến để thưởng thức một dịp hiếm có này. Trong thời gian tôi ở đây cũng có một đám cưới đặc biệt Việt Nam của chị Lâm và anh Tuấn, với áo dài khăn đóng và nghi lễ cổ truyền. Anh Tuấn là người nam đặc biệt được thuê phòng ở lầu một dưới cùng, vì nơi đó có một phòng hoàn toàn cách biệt với các lầu trên, và nhờ đó đã nên duyên với chị Lâm ở lầu ba cách đó không xa.



 Có một điều đặc biệt nơi bà Atsumi là, tuy bà rất giỏi và trí thức, và cũng thật sắc sảo trong việc quản lý kinh doanh, nhưng vẫn giữ những nét thuần túy cổ truyền của một người đàn bà Nhật Bản. Có lẽ không có nơi nào trong vùng Viễn Đông này, quan niệm “xuất giá tòng phu” lại mạnh mẽ như ở đây. Người đàn bà Nhật như bà Atsumi, chiều chiều khi chồng về lo lắng săn sóc từng li từng tí, kể cả đến đôi dép trong nhà cũng tự tay ra sắp sẵn cho ông đi, thật quả đã quên mình để sống cho chồng cho con. Có lẽ những người đàn ông Nhật Bản là những người may mắn, nhưng thường thường ít khi nào người ta biết được sự may mắn của mình. Chúng tôi ít khi nào thấy mặt ông Atsumi, và nếu họa hoằn lắm có gập thì cũng chỉ thấy một bộ mặt cau có khó đăm đăm. Có lần ông đã lớn tiếng mắng bà khi thấy một cô gái Thái đem cây đàn piano về, vì ông không muốn nghe tiếng đàn piano ồn ào. Sau đó bà đã phải thương lượng để cô này phải dùng headphone mỗi khi muốn thực tập đánh đàn.



 Xuân đến thu đi, biết bao người đã đến rồi đi nơi căn nhà Arakawa này, trong đó có nhiều người Việt Nam như Xuân, Tính, Miên, Ngân, Mãnh, Nhơn, Lâm, Bính v.v... nhưng người ở lâu nhất có lẽ là Như Oanh, một người hiền hòa ít nói, và có biệt tài lắng nghe tất cả những tâm sự phiền não của người khác.



 ara_36-content Trong những tháng cuối cùng tôi ở Nhật, nhà Arakawa được dự trù tân trang và xây cất lại, chúng tôi được bà chủ thu xếp cho về ở một cư xá khác ở khu Shinjuku tạm thời trong lúc chờ đợi. Riêng tôi lúc đó đang thực tập ở Bank of Tokyo nên được đặc cách về ở building của bà chủ Arakawa tại ngay trung tâm thương mại của Tokyo-ku. Khu phố ban ngày nhộn nhịp tưng bừng kẻ đi người lại bao nhiêu, chiều tối đìu hiu vắng vẻ, hoang lạnh bấy nhiêu. Căn phòng dành cho tôi ở lầu bốn của building, rộng lớn thênh thang với bếp riêng biệt nhưng sao thấy trống trải lạ thường; ngày ngày tôi đi bộ đến ngân hàng rồi trở về nhà trong bóng chiều le lói, leo lên những bậc thang lầu tăm tối, và chưa bao giờ cảm thấy đen tối và lẻ loi như vậy giữa một kinh đô hoa lệ đầy người này. Tôi nhớ căn phòng chật hẹp như toa xe lửa, nhớ khu Văn Kinh trang nhã cổ kính, nhớ những ngày tháng rộn ràng bên các bạn trong căn nhà Arakawa cũ. Những gì có khởi đầu rồi cũng chấm dứt, những ngày tháng vô tư dưới mái trường đại học đã qua đi, nhường chỗ cho một đời sống khác trực diện với thực tế. Mọi sự đến rồi đi, cái mới đổi thay cho cái cũ, thời gian trôi qua không ngừng, không có gì đứng lại, không có gì có thể níu kéo quay lại được. Từng lớp người đã đi qua với những mảnh đời, những tâm sự và hoàn cảnh riêng biệt, nhưng bà chủ Atsumi vẫn luôn luôn còn đó với nụ cười xã giao trên môi, vẫn là một bà chủ nhà đôi khi hơi khó chịu nhưng cũng rất tử tế khi cần thiết. Đôi khi trong giấc mơ tôi gập lại bà và căn phòng bé nhỏ thân thương, để rồi khi tỉnh dậy bâng khuâng nghĩ đến thời xưa cũ, không biết bây giờ bà ra sao, và căn nhà Arakawa được tái thiết lại tôi chưa từng thấy đó có còn tồn tại hay không. Có lẽ nếu có một duyên nào đưa tôi trở lại Nhật, một trong những việc đầu tiên tôi sẽ làm là thăm lại chốn cũ người xưa.


 

Ngọc Bảo


Thân mến tặng các bạn đã từng có một thời sống với Arakawa House.





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc