DUY TUỆ THỊ NGHIỆP - Nguyễn văn Nghiêm

06 Tháng Mười 20189:50 CH(Xem: 3835)


cauca


DUY TUỆ THỊ NGHIỆP

 

Cách nay 15 năm tôi được tác giả, phó tiến sĩ (Master in Anthropology) Nguyễn Văn Nghiêm, nguyên trung tá, nguyên Tổng Thanh Tra Bộ Phát Triển Sắc Tộc, gửi cho bài nghị luận “Duy tuệ thị nghiệp” dưới đây. Tôi đã mở ra xem đi xem lại nhiều lần, thiển nghĩ không chia sẻ rộng rãi bài này là một lãng phí đáng trách nên mới đây xin phép tác giả cho phổ biến và được tác giả đồng ý.

 

Xin mạn phép tác giả và độc giả có vài nhận xét thô thiển về --  nói đúng hơn là những điều học hỏi được từ -- bài này:

 

1/ Tác giả đã trải nghiệm những điều bất công, vô lý, độc ác của CS đối với bản thân, tiểu gia đình và cả đại gia đình nhưng ông chỉ chống cái ngu, cái ác của cộng sản chứ không chống con người cộng sản nên có thể cảm hóa được họ (ít nhất là một số cán bộ coi tù). Đó là Bi.

 

2/ Ít ai chống cộng quyết liệt như ông, chống từ gốc, từ tam đoạn luận hàm hồ của tổ sư CS Karl Marx, chống đến thành một nghi vấn như một công án bám chặt, đeo đuổi, ray rứt ông bao nhiêu năm, ngay cả trong lao tù. Thiền có câu “nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ”. Cái nghi của ông lớn nên ông chợt ngộ (satori). Đó là Trí.

 

3/ Ông là người đã can đảm đứng ra giải quyết vụ “Biến Cố Banmêthuột 20.9.1964, và Tổ Chức FULRO Của Đồng Bào Thượng”, đơn thương đôc mã đến thuyết phục từng trại của đồng bào Thượng đang nồi loạn vì những biện pháp bất công, kỳ thị của cụ Diệm để lại nên họ coi ông như người anh cả và chịu buông súng, tránh được cuộc nội chiến Kinh-Thượng. Đó là Dũng.

 

Duy tuệ thị nghiệp lấy Bi, Trí, Dũng làm phương châm nên thiết tưởng tác giả hội đủ điều kiện để trình bầy vấn đề náy.

 

Nguyễn Trần Ai

 


DUY TUỆ THỊ NGHIỆP

 

Nguyễn văn Nghiêm


                                                                                

            DUY TUỆ THỊ NGHIỆP là chủ trương của đạo Phật, và cũng là chủ trương của Viện Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn trước năm 1975.  Là một sinh viên cũ của trường, tôi hiểu chủ trương này nhằm đề cao TRÍ TUỆ, coi chỉ có trí tuệ, gồm trí thức, hay sự hiểu biết, và tuệ giác, hay sự giác ngộ được lẽ thật, mới đích thị là sự nghiệp, hay cứu cánh của mỗi người sống ở trên đời.  Chủ trương này của đạo Phật đã du nhập vào nước Việt từ 2000 năm trước.  Nó đã được dân tộc hóa và trở thành một quan niệm sống rất bình thường của mọi gia đình người Việt.  Người Việt vẫn hành xử theo chủ trương trên nhưng ít ai còn nhớ tới nguồn gốc của nó cả.

 

            Ví dụ, người Việt thường dạy con khi con còn nhỏ ở trong gia đình  là phải học ăn, học nói, học gói, học mở.  Điều đó có nghĩa là chỉ cho con biết người ta ai nấy muốn làm gì cũng đều phải học để có sự hiểu biết rành rẽ về công việc của mình làm để mà làm được hữu hiệu và tốt đẹp hơn.  Khi con đến tuổi đi học, thì nhiều bậc cha mẹ đều cố gắng làm lụng vất vả để cho con được cắp sách đến trường.  Các cụ thường nói với con: “Thày mẹ thì nghèo, gia tài sự nghiệp như tiền bạc, nhà cửa, ruộng nương để lại cho các con chẳng có là bao, nhưng thày mẹ đã suốt đời tận tụy lo cho các con được ăn được học đến nơi đến chốn.  Nay thày mẹ đã già, các con thì đã học hành thành đạt, trở nên những người có trí thức hiểu biết hơn người.  Sự hiểu biết của các con cũng chính là gia tài sự nghiệp thày mẹ đã để lại cho các con đấy.  Bây giờ thày mẹ có ra đi thày mẹ cũng hoàn tòan mãn nguyện, chẳng còn gì để ân hận nữa.”

 

            Thấm nhuần truyền thống văn hóa chuộng giáo dục, coi trí thức để lại cho con cái như là sự nghiệp tinh thần, cao hơn, bền vững hơn hẳn sự nghiệp vật chất mà năm 1979, vợ tôi đã dứt khoát bỏ hết nhà cửa tài sản ở Sài Gòn, Việt Nam, bồng bế tám đứa con còn nhỏ dại, đứa lớn nhất 19 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi rưỡi, bỏ nước ra đi tìm tự do.  Một trong những lý do chính của sự ra đi này là vì nhà cầm quyền Cộng Sản miền Bắc, sau khi chiến thắng về quân sự chiếm trọn được miền Nam đã áp dụng một chính sách kỳ thị về giáo dục đối với con cái của những gia đình cựu quân nhân, công chức cũ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.  Trong cuốn “Mẹ Đã Để Lại Gì Cho Các Con? - Hồi Ký Của Mẹ - Viết năm 1998” nhà tôi đã kể lại cho các con cháu sau này biết tại sao nhà tôi đã phải đem các con liều chết xuống thuyền vượt biển sang Hoa Kỳ lập nghiệp.  Trong sách có đoạn viết như sau:       

 

Đã bốn năm qua, (1975-1979), đã có những vấn đề mà dù cho khôn ngoan khéo léo đến mấy cũng không tài nào vươt qua nổi, đó là vấn đề học vấn cho con!!! Không học được thì làm cu li ư?

 

            Từ từ, đứa con lớn đã thi xong tú tài, đã tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhị Cấp, chuẩn bị thi vào đại học. Con đã thức đêm học bài, đã luyện thi tốn kém, đã thông minh, đã học giỏi, đã làm bài thi tuyển xuất sắc, nhưng không thể nào đặt chân được vào cửa trường đại học!!! Chẳng lẽ học vấn chấm dứt ở đây? Tương lai chấm dứt ở đây? Và cuộc đời buông xuôi từ đây? Còn cái buồn nào hơn cái buồn hỏng thi!!!

 

            Nhìn ra xung quanh con bạn bè đều thi trượt. Chỉ con đảng viên Cộng Sản, con cán bộ nhà nước, con dân ngu khu đen hạ tầng cơ sở nằm vùng là đậu, mà đậu rất cao!!!  Những bạn bè tôi, những người bạn thuộc gia đình Sĩ Quan Cộng Hòa, cấp tá, cấp tướng, con cái thi vào đại học đều rớt!!!  Tôi đã hiểu! Cô em gái ruột của chồng tôi, ở Hà Nội mới vào Sài Gòn, có chồng là đảng viên thứ thiệt, nói với tôi rằng: “Các cháu không vào đại học được đâu chị!  Chúng là con ngụy quân, ngụy quyền, có tên trong sổ bìa đen. Bố chúng là sĩ quan Cộng Hòa cao cấp, đi học tập cải tạo, đi tù, Gia đình chị đã bị liệt vào sổ bìa đen, con chị không đi học được đâu! Mà các con chị xin đi làm họ cũng không mướn, chị xin đi làm, họ cũng không mướn. Mà chị có buôn bán làm ăn cũng là sai chính sách nhà nước. Thôi thì kiếm xem trong nhà có cái gì bán dần đi mà ăn.  Đợi khi nhà nước ổn định, mẹ con xin đi làm công, may thuê, vá mướn kiếm sống”... Tôi chỉ im lặng suy nghĩ!” 

 

Thế là nhà tôi đã bỏ hết tài sản vật chất, âm thầm tìm đường đem con sang đây, cặm cụi làm việc nuôi con ăn học nên người.  Sau khi tốt nghiệp đi làm, một số cháu thành công đã tạo ra tài sản, sự nghiệp vật chất còn hơn tất cả những gì vợ tôi đã để lại hết cho Cộng Sản ở Sài Gòn. 

            Một ví dụ khác chứng minh một cách rất sống động chủ trương Duy Tuệ Thị Nghiệp, chỉ có trí tuệ, sự hiểu biết, sự thông minh sáng láng, mới đích thực là sự nghiệp bền vững ở đời, chứ không phải quyền hành tiền của là những thứ nay còn mai mất. Đầu năm 1985, được tin tôi được ra khỏi nhà tù học tập cải tạo, về lại Sài gòn, một cô em con nhà chú tôi từ ngoài Bắc vào thăm tôi. Trong câu chuyện tâm sự nói về hoàn cảnh gia đình chú tôi ở lại ngoài Bắc sau năm 1954, cô em tôi kể lại rằng:     

 

            “Năm 1954, sau khi anh vào Nam, cậu mợ em ở lại ngoài Bắc. Được ít lâu sau, ở nông thôn có chính sách đấu tố địa chủ, tịch thu ruộng đất, còn ở thành phố thì có chính sách tịch thu tài sản của tư sản mại bản. Chúng em được tin Bác Châu gái đã bị bắt, đem đi giam cách ly ở một cái chòi nhỏ ở giữa rừng, chờ đem ra đấu tố. Đồn điền thì bị tịch thu. Chính cái anh con riêng của bác trai mà bác gái đem về nuôi cho ăn học, đi học đại học ở Hà Nội trước năm 1945, theo Việt Minh, bây giờ làm lớn ở trong chính quyền, lại theo đoàn cán bộ về đấu tố mẹ nuôi mình. (Bác Châu gái mà cô em tôi đề cập đến ở đây là chị ruột của thày tôi.  Bác lấy chồng làm quan tri châu. Khi Nhật vào Đông Dương, bác trai bí mật ủng hộ Việt Minh chống Nhật, và đã bị quân Nhật bắn chết trong một cuộc phục kích ở trong rừng, khoảng năm 1943, 1944). Trong lúc bác bị cách ly thì chị người làm ở với bác từ hàng chục năm trước vẫn trung thành, đêm đêm lén lút bí mật đem thức ăn vào nuôi bác.  Sau vì không muốn bị đấu tố, bị làm nhục trước mặt mọi người nên bác đã xé chiếc quần lụa đang mặc làm giây thắt cổ tự tự chết. Được tin này cậu em rất buồn, còn mợ em thì lo sợ lắm. Nhưng rồi cũng đến lượt cậu mợ em. Tất cả hai tiệm hình cùng toàn thể máy móc, và cả một kho giấy ảnh, thuốc rửa ảnh cậu mợ em mua dự trữ vì sợ hai miền Nam Bắc bị cắt đôi khó tìm mua được thì đều bị tịch thu hết sạch. Vừa sợ hãi quá, vừa tiếc của, mợ em đau bệnh tâm thần, được một thời gian thì mợ em qua đời.

 

            Tôi hỏi: “Thế rồi sau đó chú và các em làm sao mà sống, làm sao mà sau này gia đình nhà ta lại khá giả trở lại như ngày nay?” Cô em tôi vui vẻ cười một cách hóm hỉnh, nói cho tôi biết cái bí mật tại sao:

 

            “Anh biết không, tụi kia chúng lấy được hết của cải của cậu mợ em nhưng chúng đâu có lấy được những hiểu biết và tài khéo của cậu em, đã truyền lại cho chúng em. Đến khi họ bắt gia đình em có nghề ảnh phải vào hợp tác xã thì cậu em và chúng em cũng phải vào. Ngoài thì giờ làm cho hợp tác xã, dân chúng ai mến cái tài chụp hình của cậu em thì họ vẫn kéo đến thuê cậu em làm, nhờ vậy gia đình vẫn sống được trong lúc khó khăn. Nhưng đến khi giải tán hợp tác xã, được tự do làm ăn thì chúng em lại bung ra làm ăn như cũ. Lúc ấy cậu em đã già nên về hưu nghỉ ở nhà. Chúng em tiếp tục làm nghề hình thay cậu em. Nhà em trước là Sĩ quan, vì theo lời cha mẹ ở lại ngoài Bắc không theo quân đội vào Nam, sau khi đi tù cải tạo về, được cậu em truyền cho nghề chụp hình, nên anh ấy cũng cùng với chúng em sinh sống bằng nghề này. Anh ấy rất tháo vát và có nhiều sáng kiến. Anh ấy và anh trai của em huấn luyện thêm được một số người thợ chụp hình đi lưu động khắp các làng xã để chụp hình thuê cho dân làng, rồi đem phim về cho chúng em rửa làm thành hình để trao lại cho dân.  Có khi chúng em còn cho dân chụp hình chịu nữa.  Họ trả một phần tiền để chụp, còn một phần tiền được cho chịu lại, đến mùa bán thóc lúa có tiền tiếp tục trả sau. Vì vậy nghề hình của chúng em phát đạt bận rộn lắm làm không hết việc. Chúng em cố gắng làm, dành dụm mua sắm lại dần dần, và nhất là  để lo cho các con được ăn học nên người.  Khi phong trào cải cách ruộng đất đấu tố địa chủ được sửa sai, con cái địa chủ và tư sản mại bản bớt bị kỳ thị, thì chúng em lại cho con cái đi học lại. Các cháu cũng hiểu hoàn cảnh của gia đình ở trong cái xã hội bị phân chia giai cấp ấy, nên khi có dịp được đi học là các cháu rất cố gắng chăm chỉ học hành.  Ngoài ra, về nhà chúng em vẫn truyền dạy cho các cháu nghề hình của cậu em, nên các cháu cũng có thể phụ giúp chúng em kiếm thêm tiền cho gia đình trong khi còn đi học nữa.  Bây giờ các cháu đã đỗ đạt, có nghề khác khá hơn rồi, đi làm ở xa, lập gia đình, chúng em không còn phải lo gì cho các cháu nữa.  Đấy anh thấy không, của cải tài sản thì bị tịch thu hết, nhưng nhờ mình còn kiến thức, hiểu biết về nghề ảnh mà không ai cướp giựt được, nên mình chịu khó đem cái kiến thức của mình ra làm ăn, thì cuối cùng gia đình lại tái lập được sự nghiệp. Chỉ tức cười, một số con cái những tên mà trước kia đi đấu tố lấy không của cải mồ hôi nước mắt của người ta, thì ăn chơi lười biếng chẳng chịu học hành gì, đến nay dốt vẫn hoàn dốt, và cuôc sống vẫn chẳng bằng con cái gia đình nhà mình”. 

 

 

Câu chuyện thật của cô em tôi làm tôi suy nghĩ mãi.  Ý nghĩ của cô em tôi thật chí lý.  Tài sản, sự nghiệp vật chất như của phù vân, không có gì là bền vững cả. Chỉ có sự hiểu biết, kiến thức rộng rãi mãi mãi ở trong đầu thì không ai láy mất đi được. Đúng như  các cụ thường nói: “Còn trí óc, còn bàn tay, thì lo gì không lập lại được sự nghiệp”.  Tuy nhiên câu DUY TUỆ THỊ NGHIỆP không chỉ đúng về sự hiểu biết, kiến thức thông thường, hoặc tri thức khoa học, kỹ thuật cao cấp  như ngày nay mới đích thị là sự nghiệp có thể đem lại của cải vật chất và đời sống phong phú về tinh thần cho con người mà còn đúng cả về mặt tuệ giác tâm linh, chỉ có cái ánh sáng của trí tuệ làm cho con người có khả năng hiểu biết trực tiếp, tức khắc, và toàn diện lẽ thật của đất trời, nói theo danh từ của đạo Phật là làm cho mình được giác ngộ và giải thoát khỏi mọi đau khổ, phiền não, sau đem chính những gì mình đã được giác ngộ tìm ra làm cho mọi người khác cũng được giác ngộ và giải thoát như mình (Tự Giác, Giác Tha) mới đích thật là sự nghiệp, hay là cưú cánh của một đời sống có ý nghĩa của mỗi con người. Cuộc đời cao cả của đức Phật là một chứng cớ hùng hồn nhất về chủ trương Duy Tuệ Thị Nghiệp. Tôi chỉ là một người tầm thường, không hề có ý nghĩ phạm thượng dám so sánh kinh nghiệm của mình với sự giác ngộ của đức Phật, mà chỉ muốn kể lại một câu chuyện thật tôi đã trải qua, có thể coi là một sự kiện lạ góp thêm phần giải thích câu Duy Tuệ Thị Nghiệp, đề tài của bài viết này. Diễn tiến và kết quả của câu chuyện như sau:

 

            Vào khoảng những năm từ 1940 đến năm 1945, Pháp cho phép những nhà xuất bản sách, ví dụ như nhà xuất bản Hàn Thuyên, xuất bản những sách về Triết Học Duy Vật của Karl Marx và Friedrich Engels. Triết học này rất hấp dẫn những thanh thiếu niên có lý tưởng ham chuộng sự công bằng xã hội.  Tôi rất thích đọc những sách về tôn giáo và triết học, và thường thuê những sách về loại này cùng với những truyện Kiếm Hiệp ở một tiệm sách ở phố Cửa Hậu, tỉnh Sơn Tây về đọc.  Một hôm tôi được đọc một cuốn sách về triết học của Karl Marx do nhóm Hàn Thuyên xuất bản.  Tôi không còn nhớ rõ những chi tiết, chỉ nhớ rằng tôi đã bị chấn động mạnh khi thấy cuốn sách đã trình bày những định luật mâu thuẫn, định luật đấu tranh, và định luật đột biến cách mạng là những định luật chi phối mọi sự trong vũ trụ.  Đặc biệt là cuốn sách lại đưa ra một thí dụ rất tượng hình, rất hấp dẫn về sự hình thành một con gà con từ một quả trứng gà mà ra. Theo tác giả viết, quả trứng ngay khi sinh ra đã có sẵn mầm mâu thuẫn ở bên trong, lòng đỏ mâu thuẫn với lòng trắng.  Sự mâu thuẫn ấy đưa đến sự đấu tranh, lòng đỏ đấu tranh với lòng trắng, để cuối cùng đưa đến một sự đột biến có tính cách mạng là sự hình thành một con gà con. Con gà tự mổ quả trứng mà chui ra, ngay khi đó quả trứng liền bị hủy. Hồi ấy là một thiếu niên khoảng 13, 14 tuổi, tuy trí óc còn non nớt dễ bị ảnh hưởng nhưng tôi vẫn cảm thấy thí dụ này có vẻ không ổn, dường như không đúng. Sự hiểu biết của tôi lúc ấy còn nông cạn quá, tôi không biết làm thế nào để chứng minh được rằng thí dụ ấy là sai, và sai ở chỗ nào. Thế là sự thắc mắc này cứ ám ảnh theo đuổi tôi mãi mãi về sau.  Bình thường nó nằm trong tiềm thức, hễ có dịp là nó lại hiện ra, thúc giục tôi phải suy nghĩ về nó và tìm câu giải đáp chứ nhất định không để tôi được yên ổn mà quên hẳn được nó đi. Thật là phiền!!!

 

            Năm 1975, bị đi “học tập cải tạo”, thực chất là bị đi tù tẩy não và lao động khổ sai, ở trong các nhà tù Cộng Sản.  Lúc ấy tự nhiên nỗi ám ảnh về chuyện quả trứng gà và con gà con lại hiện ra, và thêm nữa lại nghĩ đến thân phận khốn khổ của con người, của tôi và của các bạn tôi, làm cho tôi bị thôi thúc phải suy nghĩ không ngừng về nó.  Nó đã bắt tôi phải suy nghĩ  ngay cả trong những lúc lên rừng, lên núi, lấy cây, lấy củi, vác đá về cho trại, hoặc cả những lúc cùng các bạn cuốc đất, kéo bừa làm đất trồng trọt lấy thực phẩm tự nuôi mình, hoặc cả những lúc cùng các bạn nấu cơm làm bếp... Tôi đã dùng cách ban ngày thì hồi tưởng lại những triết học, những tôn giáo, những thần thoại mà tôi đã biết trước kia, rồi tối về phòng giam, lại mặc quần dài, áo dài tay, đi vớ (bít tất) để tránh bị muỗi đốt, hoặc đội mũ len trùm đầu để chống cái lạnh cắt da ở ngoài Bắc, ngồi dưới ánh sáng của một ngọn đèn vàng tù mù ở trước cửa phòng tiêu để ghi lại những điều cần ghi nhớ vào trong một tập vở, xong lại đem cất dấu thật kỹ để tránh bị cán bộ trại tìm thấy trong những lần kiểm tra đồ đạc của tù nhân. Suốt bẩy năm ròng liên tục suy nghĩ như thế tôi vẫn chưa thấy có một triết học nào, một tôn giáo nào, một chuyện thần thoại nào giúp tôi có thể giải quyết được nỗi ám ảnh về chuyện quả trứng và con gà con, cũng như nỗi khốn khổ của thân phận con người nói trên. 

 

Bất ngờ, khoảng tháng 6, năm 1982, tôi đã gặp một sự lạ. Một buổi sáng trong khi tôi đang đứng cuốc đất ở ngoài rẫy của trại “cải tạo” Gia Lai, Xuân Lộc, Đồng Nai, còn trí óc thì đang tập trung suy nghĩ về chuyện Lạc Long Quân lấy bà Au Cơ sinh ra một trăm người con của nước Việt, bỗng nhiên tôi thấy như người lặng đi, rồi trời đất xung quanh như tràn ngập một thư ánh sáng lạ thường, một thứ ánh sáng không nóng bỏng chói chang, nhưng lại là một thứ ánh sáng dịu dàng, mát mẻ, có màu sắc trắng hơi xanh như  ánh sáng đèn huỳnh quang (Néon). Tôi cũng cảm nhận thấy mọi vật như đất đá cỏ cây, con người, cuốc cầm tay, quần áo, nón dép, các bạn đang cuốc đất xung quanh tôi đều là một thứ ánh sáng ấy như nhau, không phân biệt, không cách biệt, tất cả hòa quyện vào nhau như các giọt nước trong khối nước của đại dương.  Trong lúc cảm nhận thấy tôi và mọi vật xung quanh đều là ánh sáng như nhau, người tôi cảm thấy quá sức nhẹ nhàng, lâng lâng như bay bổng, như không còn sức nặng, như không còn bám víu vào bất cứ cái gì, dường như cũng không đứng trên mặt đất nữa. Một cảm giác vui sướng khác thường tôi chưa bao giờ cảm nhận thấy, và cũng không dùng ngôn ngữ gì để diễn tả ra được.  Nhưng chỉ một thoáng thôi, lát sau, tôi lại thấy tôi là tôi, mọi thứ đều trở lại hình hài phân biệt như cũ, nhưng như mới mẻ hơn, tươi thắm hơn, rực rỡ hơn, ánh nắng cũng chan hòa đẹp đẽ hơn. Ngay tức khắc một tư tưởng mới đã thành hình trong đầu tôi không qua một sự lý luận nào. Bất giác tôi hiểu ý nghĩa cuộc đời, lòng tự nhiên an vui, thanh thản, yêu đời, yêu mình, yêu người, yêu vạn vật, mặc đầu lúc ấy tôi đang sống trong hoàn cảnh của một tù nhân. Tôi đã có thể giải thích câu chuyện quả trứng với con gà con, và chẳng còn thắc mắc vấn vương gì về nó nữa.

Sau đây là cái tư tưởng mới của tôi:

 

            Vạn vật hiển hiện trong vũ trụ này đều bắt nguồn từ một cái thực tại gì đó, nó ẩn dấu, không hiển hiện, như là cái ánh sáng lạ mà tôi đã cảm nhận thấy trong lúc lặng người đi. Tôi gọi cái đó là NGUYÊN THỂ, hay là BẢN THỂ của vũ trụ. Tất cả giác quan của con người không thể nhận thấy nó. Chỉ khi nào con người tập trung tinh thần đến cao độ, đến độ thân tâm tình cảm đều như lặng đi, như không còn hiện diện nữa, thì lúc ấy hốt nhiên con người cảm nhận thấy, tự nghiệm thấy cái một lạ lùng đó, sau này có diễn tả lại bằng ngôn ngữ cũng không ai hiểu và cũng chẳng ai tin. Người ta có thể cho là ảo giác, chứ làm gì có chuyện đó.  Do vậy, tôi nhắc lại, ai tự nghiệm thấy thì chỉ người ấy thấy. Người nào muốn thấy thì phải tự mình tập trung tinh thần suy nghĩ đến cao độ mới thấy được, và bất cứ ai cũng có khả năng làm chuyện ấy. Trong thế giới cái một Nguyên Thể ấy, tất cả những quy ước của con người như hình hài, số lượng, phẩm chất, tốt xấu, đẹp xấu, không gian, thời gian, người quan sát, vật quan sát, đúng sai, v.v.  đều không có, bởi vì vạn vật chỉ là một nguyên thể hòa quyện vào nhau, không có sự phân biệt, khác biệt, tách biệt.  Tất cả chỉ là MỘT, một cái MỘT lạ lùng, bí hiểm, mà tất cả vạn vật đều thuộc về nó, đều từ nó mà ra. 

 

            Tuy nhiên, cái thế giới vạn vật từ nó mà ra lại có những đặc điểm khác hẳn cái thế giới Nguyên Thể kia, tôi sẽ liệt kê và tóm tắt như sau:

 

  1. Trong tất cả vạn vật thuộc vũ trụ không có một vật nào tự sinh ra được cả.  Mỗi vật đều từ một hay nhiều vật khác mà sinh ra. Ví như quả trứng gà từ con gà mái đẻ ra mà có. 
  2. Một khi đã sinh ra, mỗi vật là một cấu trúc riêng biệt gồm một hay nhiều thành phần nhưng tất cả đều cùng tuân theo một quy luật thống nhất hòa hợp với nhau trên căn bản thăng bằng cân đối. Ví dụ quả trứng là một cấu trúc riêng biệt, có vỏ trứng bảo vệ bên ngoài, bên trong có lòng đỏ trứng, lòng trắng trứng bao lấy một tế bào sống đầu tiên của con gà con tương lai, được hình thành bởi tinh trùng của con gà trống và trứng của con gà mái mà thành.  Tất cả những thành phần ấy đều cần thiết chuẩn bị cho tiến trình vận hành phát triển nhân lên thêm nhiều các tế bào sống mới cho đến khi hình thành xong một con gà con.  Không có thành phần nào mâu thuẫn với thành phần nào cả.  Sự phát triển cũng từ từ, dần dần theo một tiến trình mà thiên nhiên đã định chứ không có gì  là cách mạng, đột biến hết.
  3. Mỗi vật sinh ra đều có một tiến trình sống bình thường là: Sinh Ra, Vận Động, Tồn Tại, Phát Triển, Đạt Đến Độ Bền Tuổi Thọ, rồi Chuyển Hóa để Tiếp Tục Sống Trong Một Hay Nhiều Dạng Sống Khác. Ở đây tôi không cảm nhận thấy “Chết” là “Hết”, không còn gì. Trái lại mỗi vật đều thuộc về vũ trụ, khi chuyển hóa vẫn nằm trong vũ trụ, chỉ khác là sẽ ở một dạng khác có một đời sống khác mà thôi.  Đồng bào Thượng Rhadé ở Banmêthuột, Việt Nam có một câu ca dao tục ngữ rất thâm thúy, mà trước kia tôi đã dịch sang tiếng Việt như sau:               

                                     Muốn bay ra thoát cõi Trời,

                                    Rớt xuống mặt đất, vẫn người trần gian.

  1. Có điều thật lạ lùng là không một vật nào sinh ra lại có thể sống, tồn tại độc lập một mình không cần nhờ đến những vật khác được.  Vì lý do này mà mọi vật trong vũ trụ đều phải tác động qua lại với nhau trực tiếp hay gián tiếp để cùng tồn tại và phát triển.  Cũng chính nhờ sự tác động qua lại này mà vạn vật biến chuyển thay đổi liên tục không ngừng, rồi trở nên khác biệt nhau, và làm cho vạn vật trở thành đa dạng và thập phần phong phú. Tôi gọi sự tác động qua lại này là:  Quy luật tác động qua lại bên trong, bên ngoài.  Bên trong chỉ một vật nào đó, bên ngoài chỉ tất cả những vật ở xung quanh có tác động qua lại với vật kia. Ví dụ quả trứng cần một độ nóng trong một thời gian mới phát triển thành con gà con. Con gà mẹ cung cấp độ nóng ấy bằng cách ấp trứng.  Bắt chước quy luật này của thiên nhiên, loài người chế ra máy ấp trứng và sản xuất ra vô số gà con. Đâu có phải lòng đỏ đấu tranh với lòng trắng mà sinh ra con gà con.
  2. Sự tác động qua lại bên trong, bên ngoài ấy cũng phải tuân theo quy luật thống nhất hòa hợp trên căn bản thăng bằng cân đối thì sự tồn tại và phát triển của mỗi vật mới ổn định.  Đây chính là nguồn gốc của công bình, hòa bình, mưa thuận gió hòa, được mùa, mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc. Trái lại nếu không có sự thống nhất hòa hợp trên căn bản thăng bằng cân đối thì sự tồn tại phát triển của mỗi vật  sẽ không ổn định. Đây chính là nguồn gốc của áp bức, bất công, lo buồn, đau khổ, bệnh hoạn, thiên tai, mất mùa, chiến tranh, tranh chấp...
  1. Nếu mỗi vật có thể tự điều chỉnh hoặc nhờ sự tác động qua lại bên trong bên ngoài mà lấy lại được sự thống nhất hòa hợp trên căn bản thăng bằng cân đối thì sự tồn tại phát triển lại có thể tiếp tục. Trong trường hợp không điều chỉnh lại được, và sự mất ổn định vượt quá giới hạn mỗi vật chịu đựng được thì tình trạng chuyển hóa sẽ xẩy ra trước khi đạt đến được độ bền tuổi thọ.  Đây là trường hợp của sự chia lìa, xa cách, sụp đổ, đổ vỡ, tàn lụi, chết non, chết yểu....

           

Nói tóm lại nếu biết dựa trên hai quy luật  “TÁC ĐỘNG QUA LẠI BÊN TRONG BÊN NGOÀI” và “THỐNG NHẤT HÒA HỢP TRÊN CĂN BẢN THĂNG BẰNG CÂN ĐỐI” để nghiên cứu học hỏi và biết cách ứng dụng hai quy luật này trong cuộc sống thì đời sống của mỗi người, của mọi người, và của vạn vật sẽ được tồn tại phát triển trong hòa bình, thịnh vượng, an vui, hạnh phúc.   Muốn được như thế mỗi người cần phải HIỂU BIẾT, YÊU THƯƠNG, và CƯ XỬ TỐT với mình, với người, với vạn vật trong môi trường sống xung quanh.  Nhất là phải hiểu biết rằng sự KHÔNG HIỂU BIẾT và cái TÍNH THAM LAM ÍCH KỶ bao giờ cũng là những tác nhân tệ hại nhất làm cho sự tác động qua lại bên trong bên ngoài không thể có được sự thống nhất hòa hợp trên căn bản thăng bằng cân đối, và là những nguyên nhân chính gây đau khổ triền miên cho mình, cho người, và cho mọi vật ở xung quanh. Tôi đã gọi tư tưởng mới nói trên là TƯ TƯỞNG BÁCH VIỆT vì hai lý do sau đây:

 

  1. Đúng lúc tôi đang trầm tư mặc tưởng suy nghĩ về câu chuyện cổ tích Một Mẹ Trăm Con của dòng giống Bách Việt thì tư tưởng mới này thình lình xuất hiện  trong đầu óc của tôi.
  2. Trong tư tưởng mới này toàn thể mọi người, mọi vật đều thuộc về vũ trụ, đều từ vũ trụ mà ra, nên tất cả đều là anh em, tương tự như  trăm sắc tộc Việt (Bách Việt) đều từ Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân mà ra.  Tất cả cũng đều là anh em.
  3. Tôi đã đem áp dụng tư tưởng nói trên vào trong cuộc sống ở trong tù cải tạo để một mặt làm cho tôi và các bạn tôi cùng yêu thương nhau, giữ vững tinh thần của nhau, đùm bọc lẫn nhau theo tinh thần “Lá Rách Đùm Lá Nát”, mặt khác hợp cùng các bạn tôi để cùng có những cách cư xử làm cho đa số các cán bộ quản giáo coi tù dần dần tự nhiên chuyển được  từ thái độ hận thù, nghiêm nghị, lạnh lùng, xa cách lúc thuở ban đầu sang một thái độ cư xử có tình cảm, biết nở một nụ cười, bớt nguyên tắc, dễ dãi hơn đối với tù nhân, nhất là dễ dãi linh động giảm bớt cho tù khi đi lao động những chỉ tiêu bắt làm việc quá sức của các cấp chỉ huy trại. Nhờ đó anh em tù chúng tôi đã tạo nên được một môi trường sống tương đối vui vẻ, thoải mái, tạm quên đi những đau khổ về tinh thần lẫn vật chất, giúp cho sự giữ gìn được sức khỏe, chịu đưng được sự đày ải lâu dài, cho đến ngày được tháo cũi sổ lồng, ra khỏi được nhà tù của Cộng Sản.  Tôi có viết vào một cuốn sổ tay nhỏ, nhan đề “Con Đường Sống Hạnh Phúc” để bí mật chuyền tay cho một số bạn cùng đọc. Sau khi được tha về Sài Gòn, một hôm có một người bạn ở chung trong một đội ở trong tù, tôi không nhớ tên anh, chỉ biết anh  cấp bậc Trung Tá, cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học của Bộ Tổng Tham Mưu, đến nhà thăm tôi, nhờ tôi coi Tử Vi cho vợ anh đang đau nặng.  Anh tâm sự: “Hồi ở trong tù, tôi cũng đau nặng, tôi nghĩ là tôi sẽ chết, không về nhà được với vợ con, tôi hoàn toàn tuyệt vọng.  May nhờ anh coi Tử Vi cho tôi, anh quả quyết tôi sẽ khỏi bệnh, và tôi khỏi bệnh thật.  Sau đó anh lại cho tôi đọc cuốn Con Đường Sống Hạnh Phúc của anh.  Nhờ đọc cuốn sách ấy tinh thần tôi được ổn định trở lại, tôi thấy yêu đời, lạc quan, tin tưởng, không còn bi quan nữa.   Vì vậy tôi mãi mãi nhớ đến anh”.  Khi sang Mỹ, cắp sách đi học lại ở Fullerton College, tôi cũng thuyết trình cho một số bạn sinh viên hội viên của Hội Triết Học về tư tưởng mới này.  Sau khi nghe tôi trình bày, các bạn hội viên đã nêu lên nhiều câu hỏi, cố ý làm cho tôi trở nên lúng túng ý kiến trước sau không nhất quán với nhau, nhưng sau cả giờ hỏi đáp, tôi đã làm cho các bạn tôi hài lòng.  Anh phó hội trưởng đã tươi cười nói đùa: “Có lẽ chúng tôi phải đề nghị giải Nobel Hòa Bình cho anh, vì ở hoàn cảnh trong tù mà anh còn nghĩ ra được những điều ích lợi như vậy”. Khi chuyển lên học ở California State University, Fullerton, tôi có dịp nói chuyện với Giáo Sư về Nhân Học (Anthropology), Tiến Sỹ Michael Reinschmidt về tư tưởng mới của tôi.  Ông đã viết cho tôi một lá thư ngày 5, tháng 2, năm 1995,  trong thư có câu như sau: 

            “I admire and respect the issues of your philosophy and I will try to immerse the points that you addressed into my own life and processes of decision-making”  (Tôi cảm phục và kính trọng những vấn đề của triết học của ông và tôi sẽ cố gắng làm ngấm thật sâu những điểm mà ông đã trình bày vào cuộc sống của riêng tôi và vào những tiến trình của sự quyết định).

 

            Bài viết đã quá dài, tôi xin kết thúc bằng bốn câu thơ sau đây:

                                    Được sinh ra ở cõi đời,

                                    Làm NGƯỜI  BIẾTGIỮ  LẼ  TRỜI chẳng sai.

                                    Ung dung sống giữa trần ai,

                                    Ở Đông cũng thú, đến Đoài cũng vui.

 

Anaheim, ngày 17, tháng 6, năm 2003

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc