RUE DE SEINE - Lê Trần

19 Tháng Chín 20188:50 CH(Xem: 2942)
rue de seine

Rue de Seine 

 

Ngày xưa, khi học  thơ Apollinaire ,  tôi vẫn hằng mơ tới kinh đô ánh sáng Ba Lê, tới ánh đèn mầu lung linh của những chiều đô thị,  say sưa bên ly rượu gin :   Soirs de Paris, ivre de gin et d'électricité

Tôi mơ tới sông Seine với những chiếc cầu thơ mộng vắt ngang hai bờ  đầy đền đài lịch sử,  những chiếc cầu  đã chứng kiến bao nhiêu cuộc tình nổi trôi theo giòng nước , với những buồn vui  nối tiếp triền miên

 Sous le pont Mirabeau, coule la Seine

Et nos amours....

Thế rồi giấc mơ của tôi cũng thành sự thực.  

Tôi đã được sống ở Ba Lê hai năm, từ 1979 tới 1981..

Nhà của tôi cũng gần sông Seine .... nhưng sông Seine của tôi thuộc xóm nghèo khu Boulogne Billancourt, nơi có nhiều thợ thuyền sinh sống, đa số làm cho hãng sản xuất xe hơi Renault.  Khúc sông ở đây buồn lắm...lặng lẽ trôi qua hai bờ chen chúc những  chung cư rẻ tiền, tiêu điều ảm đạm.  Cái cầu xi măng  vắt ngang  cũng ủ ê như những người đàn bà áo đen lầm lũi đi ngang..

Thơ của Apollinaire cũng đã tan theo vàng son của một thời đã mất.  Từ 1975, phải chiến đấu cho sự sống còn đã làm cho tôi  khô cằn như sỏi đá.... Tâm trí chỉ những lo toan cho hàng ngày dùng đủ ,  cho con có cơ hội học hành ...

Nhà của tôi ở phố Rue de Seine,  cũng nhỏ hẹp tồi tàn như những nhà khác ở khu ngoại ô này.  Nhưng so với những ngày không nhà không cửa sau khi ở tù ra từ  năm 1978 ,  mẹ con tôi  vẫn thấy hạnh phúc ,  vì lâu lắm mới có một cõi riêng, dù chỉ là hai căn phòng nhỏ, không có cả điện thoại và tủ lạnh.   

 

Từ khi đến Pháp vào tháng bẩy,  chúng  tôi đã tạm trú một thời gian ở Amiens .  Tới cuối tháng 9 thì tôi có việc làm ở Paris,  do Mẹ Jean Marie giới thiệu.   Sở tôi làm khá xa, ở tận trung tâm  Paris.  Đây là một cơ quan bán công, thuộc bộ Tài Chánh,  tọa lạc Rue de Gramont,  quận 2.  Cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu và xét các dự án đầu tư của các cơ sở thương mại nhỏ và cỡ trung,  mục đích giúp họ vay tiền  các ngân hàng.

Vì  không có quốc tịch Pháp, nên tôi không có ngach trật chức vụ gì, chỉ là nhân viên tạm mướn  với lương tối thiểu.  Tôi được chỉ định giúp việc cho bà Marro, thuộc phòng nghiên cứu kinh tế,  có nhiệm vụ cung cấp tài liệu và bảo quản một thư viện hành chánh lưu trữ sách luật và thương mại.  Phòng làm việc của hai thầy trò ở ngay trong cái thư viện nhỏ này, gồm hai bàn làm việc đối diện với các kệ sách cao tới trần nhà .

Tháng đầu, tôi chỉ có công việc đọc báo hàng ngày để theo dõi các tin tức về những chương trình và kế hoạch canh tân trong thương trường,  thấy bài nào hay đáng chú ý thì cắt rồi dán vào hồ sơ.  Khi  bà  Jean Marie hỏi tôi làm gì,  tôi bảo tôi cắt báo và dán vào tập bìa giống con nít làm thu công  (je fais du découpage) ,  thì bà buồn năm phút,  vì bà giới thiệu tôi có formation juridique,  tưởng tôi sẽ có việc gì tương đối khá  ! Có biết đâu bằng cấp  Việt Nam ở Pháp, cũng như ở Mỹ hay các nước tạm dung khác,  chả có giá trị gì.  Riêng tôi, lúc bấy giờ,  vẫn thấy là mình còn hên.  Mới đến có mấy tháng đã có việc là may mắn lắm  rồi.   

Cho nên, dù có phải vất vả leo thang xuống thang ở các trạm metro,  chạy hụt hơi đổi hết xe bus lại đến xe điện ngầm và tầu cao tốc RER, tôi vẫn sẵn lòng chấp nhận.  

Thuở đó tầu cao tốc  RER (réseau express régional)  đi từ Paris về hướng Marne-la -Vallée chưa tới Champs là nơi chị tôi ở, mà chỉ đến Noisy-le-Grand, Mont d'Est .  Lúc lên Paris  nhận  việc làm, mẹ con tôi  phải tạm trú  nhà chị tôi một thời gian vì chưa tìm được nhà.  Từ Champs đi Paris phải lầy bus tới Noisy-le-Grand để lấy RER A . Tới  Paris đổi tầu lần nữa mới tới trạm Quatre- Septembre.  Từ đó đi bộ một quãng  mới tới Sở làm .... . Đi về như vậy mỗi ngày cũng mất hơn hai tiếng, đấy là may mắn có RER đi nhanh được nửa đường. 

Tôi đi làm được một tháng thì Secours Catholique gọi, cho biết có một gia đình người Pháp ở Boulogne muốn tìm một gia đình tị nạn có con nhỏ  để bảo trợ.

 Đó là gia đình ông bà Boyer.

Hai ông bà Boyer đều là giáo sư đại học, dậy môn địa chất , có ba con. Đứa nhỏ nhất là Olivier bằng tuổi con út của tôi.  Họ là những người công giáo nhiệt thành,  sống rất thanh đạm và khiêm tốn, nhưng khi cần giúp đỡ những người bần hàn cơ cực thì lại rất hào phóng .    

Căn hộ họ thuê cho chúng tôi thuộc một chung cư trên đường Rue de Seine,  Boulogne . Vì tôi đã có việc làm,  nên họ không phải giúp tiền chi dụng hàng ngày, mà chỉ trả tiền nhà cho chúng tôi là 2000 quan một tháng. Lương tôi lúc bấy giờ là 3000 quan, chỉ đủ tiền ăn, tiền tầu xe và điện nước. 

Chúng tôi dọn tới  đây vào giữa tháng 11 năm 1979.   Nhà  chỉ có 2 phòng ,  mỗi phòng rộng  chừng 12 thước vuông. Phòng ngoài ngăn ra một khúc cho bếp và chỗ rửa bát. Chỗ rửa bát cũng là chỗ đánh răng, rửa mặt và giặt giũ.  Diện tích còn lại kê được một cái bàn vừa làm chỗ ăn vừa làm chỗ học.  Bên trong là phòng ngủ , kê được 3 cái giường nhỏ.  May mắn nhất là chúng tôi không phải ra ngoài tắm rửa và dùng vệ sinh công cộng, vì ngay lối vào có một phòng tắm nhỏ xíu, nhưng đầy đủ nước nóng  và cầu tiêu.

Khi dọn tới, thì những đồ đạc tối thiểu trên đã được ông bà Boyer lo cho cả rồi. Ngay trong bếp cũng có ít nồi niêu và bát đĩa đủ dùng xếp trên kệ. So với cái lều bằng cây ở Bidong gió thổi tứ bề, ba mẹ con co ro nằm trên nửa cái giường ngắn đầy rệp, thì căn chung cư này quả là một nơi ẩn náu êm ái, có chăn nệm ấm, nhất là có chỗ riêng tư .

Không những giúp cho mẹ con tôi có nhà ở, ông bà Boyer còn lo đổi trường cho hai con tôi. Trường này  lại là trường Couvent des Oiseaux ở  Auteuil, quận 16 của Paris, nổi tiếng dậy giỏi và đắt tiền.  Vì là dân tị nạn, các con tôi không những không phải trả tiền học, mà còn được các Mẹ cho ăn trưa.

An cư rồi, mẹ con bắt đầu đi làm đi học và phải làm quen với cách đi metro.  Hệ thống xe điện ngầm ở Paris gồm rất nhiều đường chằng chịt như đan với nhau, được đánh số và định hướng theo tên trạm cuối ở hai đầu.  Chẳng hạn đường mẹ con tôi đi mỗi ngày là ligne 9, đầu phía Boulogne mạn Billancourt là Pont de Sèvres, đầu kia đi về hướng Paris là Mairie de Montreuil.  Ngày nào cũng vậy,  ăn sáng xong là chúng tôi đi bộ  tới trạm Marcel Sembat lấy đường 9 đi Paris.  Tầu chạy 3 trạm tới  Michel Ange d'Auteuil thì trẻ con xuống đi bộ tới trường. Còn tôi tiếp tục  đi thẳng lên Paris , tới  trạm Richelieu Drouot  thì  chỉ cần đi bộ một chút là tới cửa sau của Sở.  Tuy không phải vất vả chạy theo bus theo RER đổi tầu đổi xe như khi còn ở Champs , nhưng tầu điện  trong  thành phố chạy rất chậm, nhẩn nha dừng lại nhiều nơi, nên vẫn mất cả tiếng mới tới chỗ làm.  Vì vậy , sau một thời gian, tôi hết còn nhớn nhác theo dõi từng trạm vì lo bị lạc, mà nhắm mắt ngủ một giấc như  mọi người  cùng một chuyến tầu .... Đúng là cuộc sống metro, boulot, dodo....

Ngày nào cũng vậy, 5 giờ tan sở thì 6 giờ tối tôi mới về đến nhà. Trẻ con xong sớm nên về trước tôi cả tiếng.  Cơm nước dọn dẹp xong thì tôi bắt đầu kèm con học. Cứ như vậy trong những tháng đầu :  giúp con quen và hiểu từ ngữ các môn học, từ sử địa cho đến toán lý hóa.  May mắn là các con tôi  chịu khó và thông minh,  nên nắm bắt ngoại ngữ rất nhanh. 

Để cho con tôi  được giải trí vào những ngày cuối tuần,  việc đầu tiên khi tôi để dành được ít tiền là mua một máy truyền hình .  Máy đen trắng nhỏ nhất mà giá cũng 2000 quan, tức là 500 đô la thuở đó . . Đồ điện tử lùc bấy giờ đắt lắm, nhất là ở Âu Châu.   Ngoài việc xem truyền hình, tôi còn mượn sách ở thư viện Sở cho các con tôi.  Bắt đầu là những chuyện tranh vẽ như Tintin, Spirou, Lucky Luke....dần dần sách chuyện đủ loại từ dễ đến khó.  Tới lúc gần đi Mỹ,  coi như Ý Nhi đã đọc hết cả bộ chuyện của Dahpné de Maurier

Ngoài giờ làm và học,  thú vui của mẹ con tôi lúc đầu là đi chợ .  Thức ăn Pháp, nhất là những món làm sẵn,  sao nhiều và hấp dẫn đến thế  !  Đủ loại thịt nguội thịt nướng khói, pâtés,  phó mát ...cái gì cũng muốn mua muốn nếm ...nhưng còn phải đếm cái túi tiền không lấy gì làm nặng  !  Sống quen trong túng thiếu,  mỗi  lần tôi mua  1 món gì đặc biệt ,  thì con bé lên 10 lại dụt dè hỏi :  có đắt không mẹ ? !  Tôi gần như đi chợ mỗi ngày, trên đường từ metro về, vì nhà không có tủ lạnh.  Cũng may cuối năm rét lắm, nên nhiều khi tôi gói ghém thức ăn nấu sẵn để ngoài cửa sổ qua đêm.

Khu tôi ở có phố buôn bán chính là Jean Jaurès lúc nào cũng nhộn nhịp người qua kẻ lại.  Cũng như tất cả các khu phố khác ở Paris,  khu này có những cửa hàng nhỏ không thể thiếu,  chuyên bán thịt tưoi, cá tươi, lò bánh sản xuất mỗi ngày bánh mì  và bánh ngọt ,  chợ bán rau quả  .... sạp tràn ra cả lề đường.  Lúc bấy giờ chưa có nhiều siêu thị .  Felix Potin  được coi như chợ lớn hơn cả.  So với mấy chợ nhỏ chỉ có trái cây và rau ,  Felix Potin có đủ cả thịt cá,  thịt nguội, đồ hộp,  cho đến những thức dùng như thuốc đánh răng, kem bôi mặt, khăn bông  v.v.  . Khu nào cũng phải có một tiệm bán dược phẩm. Ông dược sĩ  gần như quen biết tất cả bàn dân thiên hạ.  Tôi chỉ mua thuốc cảm của ông có một lần. Hôm sau ra phố thấy một ông Tây hỏi : con bà đã khoẻ chưa ?  Giật mình nhìn lên,  hóa ra ông dược sĩ....!  Đời sống đường phố  thật thân thương  và đầy tình người ...

Ngoài chợ lớn chợ nhỏ của mỗi khu, mỗi tuần còn có chợ trời, bán đủ cả thức ăn sống chín và quần áo giầy dép, chăn màn.  Giá tương đối rẻ cho giới nghèo. Đôi khi còn tình cờ vớ được hàng hiệu y như được trúng số !   Khu nào cũng có chợ trời nhưng họp ngày khác nhau để cho bà con không đi được chợ này thì đi chợ khác.  

Tôi may mắn khi tới Pháp đã có gia đình chị  Dung định cư từ 1975, nên được chỉ đường đi nước bước trong những ngày đầu bỡ ngỡ.   Trong khi bơ vơ xứ người,  gia đình chị như  môt nơi ẩn náu an toàn.  Chị tôi đông con, và cũng nhiều việc để lo ...nhưng  bao giờ cũng dành thì giờ cho mẹ con tôi.  Chúng tôi  thường đi Champs mỗi cuối tuần để cho các con tôi gặp các anh chị và hưởng không khí ấm cúng gia đình.  Trong khi trẻ con ở nhà chơi với nhau, tôi đi chợ với vợ chồng chị, mỗi tuần một phiên và một nơi khác nhau, rất thích thú.  Riêng thức ăn Việt Nam thì mẹ con tôi phải đi tầu lên tận Place Maubert ở Paris, khá xa, và khá vất vả vì phải vác nặng những thứ như gạo, đậu, nước mắm nước tương...  Tiệm chạp phô Maubert có từ trưóc khi dân tị nạn 75 tới,  phục vụ cho một số người Việt định cư ở Paris đã lâu và sinh viên du học thành tài rồi ở lại. Sau 75, khi người Tầu tràn sang theo làn sóng tị nạn người Việt, thì mới có Tang Frères ở quận 13, mỗi ngày một lớn và mở thêm  chi nhánh khắp nơi.  

Ngày tháng qua, cuộc sống chúng tôi tạm ổn định.  Tôi bắt đầu quen công việc.  Nhưng những người Pháp tôi cùng làm việc và phải tiếp xúc hàng ngày trong sở, và ngay cả bà Marro nữa,  đã làm tôi ngạc nhiên vì tinh thần quan liêu và ích kỷ của họ :  sợ cấp trên, bắt nạt cấp dưới , kéo dài việc để câu giờ.  Sở tôi làm trung gian giữa ngân hàng và các người vay, nên rất nhiều lợi nhuận . Do đó nhân viên lương tương đối cao và được hưởng nhiều tiện nghi . Chẳng hạn nhà ăn lúc nào cũng thay đổi món ăn và nấu rất ngon..  Từ giám đốc cho đến nhân viên quèn, ai cũng ăn ngần ấy món như nhau,  nhưng giá tiền ăn tùy theo luơng cao thấp.  Như tôi chẳng hạn,  chỉ phải trả có 15 quan 1 tuần, tức là 5 bữa trưa.  Bữa nào cũng được quyền có 5 thứ gồm món chính món phụ, bánh trái cây tráng miệng,  bia rượu . Tôi chỉ ăn nổi 2 món,  nên hay chọn bánh ngọt mang về cho con. Ngoài ra, còn có hợp tác xã bán đồ cho nhân viên, thượng vàng hạ cám đủ cả băng nhạc, đồ dùng trong nhà,  thức ăn hôp, bánh kẹo v.v. với giá đặc biệt rẻ.     

Tuy khó khăn, nhưng ở đâu quen đấy.  Du khách tới Paris thấy cái gì cũng đắt,  nhưng ở tại chỗ lâu ngày là biết chỗ bán rẻ.  Tiệm Tati  đã là nơi cung cấp cho mẹ con tôi  đủ thứ quần áo mền khăn bát đĩa. Đi Tati mua đồ cũng là dịp đi thăm nhà thờ Sacré Coeur  chót vót trên đồi butte Montmartre, nơi có những họa sĩ tụ họp vẽ tranh,  ngồi uống rượu hay nhâm nhi tách cà phê.  Chúng tôi cũng bắt đầu thăm thú thành phố , tới những nơi danh tiếng như nhà thờ Notre Dame, ngục Bastille, khu La Tinh, vườn Lục Xâm Bảo,  Le Louvre ....Sở tôi làm cũng ở ngay trung tâm Paris, nơi  có những cửa hàng lớn nổi tiếng như La Fayette,  Au Printemps,  và nhà hát lớn Opera ... Phố Haussman gần đó có nhiều rạp chiếu bóng, nên khi đã quen đường đất, con tôi có thêm thú vui đi coi ciné.  Tiền túi hàng tuần các con tôi dùng vào việc mua sách và xem chiếu bóng.  Vé tầu đi suốt tuần , kể cả chủ nhật, có thể  lấy bất cứ bus, metro hay RER nào cũng được. Giá vé hàng tuần lúc đó chỉ có 14 francs.

Ngoài Paris, ông bà Boyer còn cho mẹ con tôi những chuyến đi xa, như Chateaux de la Loire,  và hè năm 1980,  tới  Normandie nghỉ ngơi trong trang trại của họ.   

 Cũng bước sang 1980, bà Marro sinh con đầu lòng, nghỉ  gần hết năm. Tôi bắt đầu lo tất cả mọi việc trong sở.  Mua sách mới, xếp loại sách, cung cấp tài liệu đủ loại cho các phòng nghiên cứu và tố tụng.  Tôi chưa bao giờ làm công chức,  nên không biết cái tật làm khó dễ. Từ khi bà Marro nghỉ hậu sản, ai xin tài liệu nào cũng nhanh chóng  có ngay.   Sau gần một năm , tôi bắt đầu được cấp trên để ý, và ông chánh sở đã có ý định  cho tôi thay thế bà Marro sau này. Bà ta sẽ đi chi nhánh khác.  Để có người phụ tôi trong công việc, tôi được  thêm 1 bà thư ký.

 Lúc đó gia đình tôi 6 người  còn tan tác mỗi người một  phương  !  Hai con gái lớn của tôi lúc bấy giờ đã 16, 17 tuổi,  theo  ông bác ruột đi vượt biên từ năm 1978, hiện được hai bác lo cho ăn học ở  St Paul thuộc tiểu bang Minnesota.  Còn chồng tôi đi sau cùng hãy còn ở trại tị nạn Nam Dương, chờ ngày được nhận đi Mỹ. 

Cuối  năm 1980,  khi chồng tôi đã sang tới Mỹ,  và định cư ở St Paul,  thì một hôm ông Deguen, Tổng Gíam Đốc công ty,  gọi tôi vào, hỏi tình hình xin nhập quốc tịch Pháp của tôi đã đi tới đâu. Ông hứa sẽ giúp cho tôi nhanh chóng nhập tịch để vào ngạch và hứa khi chồng tôi tới Pháp sẽ được giới thiệu vào dậy trường đại học.  Tôi mừng lắm ! Tôi yêu công việc đang làm và vào ngạch sẽ thêm lương và nhiều quyền lợi.  Nếu chồng tôi được dậy học thì hai vợ chồng tôi sẽ có một  cuộc sống rất thoải mái. Nhưng còn các con tôi ? Đó là vấn đề chồng tôi đặt ra cho tương lai chúng nó.  Nước Mỹ có nhiều cơ hội cho cho các con tôi học hành và có việc tốt sau này.  Trong khi ở Pháp rất khó khăn, chỉ có một số hiếm các cô cậu học thật giỏi,  mới thi nổi vào các trường Ecoles centrales,  mới hy vọng ra trường có việc làm.  Tốt nghiệp Sorbonne  bây giờ chẳng đi đến đâu, nhất là Pháp đang ở thời kỳ kinh tế suy thoái ...

Tôi đành phải từ bỏ mộng làm việc ở Pháp, cái công việc hợp với khả năng, ngôn ngữ và sở thích,  để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới,  ở một xứ sở mà tôi không có đủ hành trang !   
 

Tháng 5 năm 1981,  giấy tờ thủ tục nhập cảnh Mỹ hoàn tất. 

Tôi từ biệt nước Pháp, viết thư cho bộ Lao Động từ chối nhập tịch,  cám ơn mẹ Jean Marie,  ông bà Deguen tổng giám đốc công ty CNME ,  ông bà Boyer,  gia đình chị tôi ......những người  thân yêu đã giúp đỡ tôi trong những ngày  đầu khó khăn ở đất nước này,  buồn như phải  chia ly một quê  hương thứ hai ....

nhưng biết bao mừng rỡ và cảm tạ Ơn Trên cuối cùng đã cho tôi được đoàn tụ với chồng con,  sau bao năm xa cách, đúng như  thơ của thi sĩ Apollinaire

La joie venait toujours après la peine

  Lê Trn

 McLean,  9/2018

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc