BẠCH THỦY TỐ NỮ / BÙI KHAM - trích từ Thái Bình Quảng Ký, Lê Mạnh Hùng dịch

12 Tháng Ba 201812:00 SA(Xem: 5624)




Giới thiệu "Thái Bình Quảng Ký"

 

Thái Bình Quảng Ký là một tuyển tập các truyện ngắn do vua Tống Thái Tông đầu nhà Tống bên Trung Hoa ra lệnh cho các triều thần thu thập các tác phẩn hầu hết là truyện ngắn trên từ đời Lưỡng Hán, dưới xuống tận đời Ngũ Đại- Tống sơ rồi tuyển chọn những gì đặc sắc nhất đưa vào. Bộ này gồm tất cả trên 6,000 truyện in thành 500 quyển - riêng mục lục chiếm mười quyển - bao gồm trên ba trăm vạn chữ.

 

Sách được sắp đặt không chia theo thời gian mà theo từng thể loại như thần tiên, dị nhân, danh tướng, nghĩa hiệp, rồng, hổ, hồ ly, thảo mộc vân vân, tổng cộng tất cả 99 loại. Các câu chuyện này được lấy từ 437 các tập chuyện khác nhau mà một số lớn nay đã thất truyền, chỉ còn lại di tích trong bộ Thái Bình Quảng Ký này. Tập này được khởi công vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 3 đời Tống Thái tông (Công Nguyên 978) và hoàn thành vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 6 (CN 981) nhân vậy mới lấy tên là Thái Bình Quảng Ký.


Sang đến thê kỷ thứ 20, bộ truyện này bắt đầu được phổ biến rộng rãi hơn trong dân gian khi vào những năm 1920, Lỗ Tấn rút những truyện ngắn thời Đường Tống và biên soạn lại với nhan đề "Đường Tống Truyền Kỳ tập". Sau đó sang thập niên 30, Uông Tịch Cương tiếp tục công việc của Lỗ Tấn cho xuất bản bộ "Đường Nhân Tiểu thuyết" gồm 2 quyển cũng lấy từ trong Thái Bình Quảng Ký. Phải đợi đến thập niên 80, cả Đài Loan và Trung quốc mới đưa ra những bản in mới đầy đủ toàn bộ tập Thái Bình Quảng Ký với các chú thích đầy đủ để giúp cho độc giả hiểu được rõ. Thái Bình Quảng Ký nhờ đó được phổ cập rộng rãi hơn trong giới độc giả. Tuyển tập Thái Bình Quảng Ký chúng tôi dịch và dẫn giải lại đây được rút từ các truyện nằm trong ấn bản "Thái Bình Quảng Ký" do nhà xuất bản "Tề Lỗ Thư Xã" xuất bản vào năm 1984 tại Sơn Đông, Vương Nhữ Đào bình chú.


Lê Mạnh Hùng





tranh_phu_nu_tau-content



Bạch Thủy tố nữ


 

Dẫn Nhập:

 

Truyện này phát xuất từ "Tục Sưu Thần Ký" tục truyền do Đào Tiềm đời Tấn soạn. Đào Tiềm, tự Uyên Minh là một danh gia đời Tấn nổi tiếng với những bài từ như bài "Quy Khứ lai Từ".Tuy nhiên ít người biết đến ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn khác. Truyện này tuy không được nổi tiếng như một truyện khác trong bộ, "Đào Hoa Nguyên Ký" nói đến hai chàng Lưu Thần Nguyễn Triệu đi vào Thiên Thai gặp tiên, nhưng có thể nói đây là một truyện đầu tiên thu thập cổ tích dân gian tạo thành. Thái Bình Quảng Ký sắp chuyện này vào "Nữ Tiên" loại.

 

 

Tạ Đoan, người Tấn An huyện Hầu Quan, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhờ hàng xóm láng giềng nuôi dưỡng. Đến năm mười bảy mười tám, cung cần tự thủ, không làm chuyện gì phi pháp. Mười tám, bắt đầu ra ở riêng, chưa có vợ. Trong làng ai cũng thương muốn kiếm vợ cho chàng, nhưng chưa kiếm được ai. Đoan thức khuya dậy sớm, cầy bừa tự lực bất kể ngày đêm. Một hôm, Đoan đi chơi huyện, kiếm được dưới chân huyện thành một con ốc lớn, to như một cái thùng gạo chứa được ba thăng. Đoan lấy làm lạ, coi như là vật quý bèn bắt mang về bỏ vào bồn nước nuôi dưỡng. Khoảng mười ngày sau, Tạ Đoan mỗi lần ra đồng về đều thấy trong nhà cơm canh bếp lửa có sẵn như có người đến làm cho vậy. Đoan tự nhủ chắc rằng hàng xóm thương hại đến làm giúp cho thành cũng không để ý gì.

 

Nhưng rồi ngày nào cũng vẫn thế, Đoan bèn chạy sang các nhà hàng xóm tạ ơn. Hàng xóm nhà nào cũng nói:

- Chúng tôi trước nay đâu có làm gì đâu.


Đoan cho rằng họ tử tế không muốn kể ơn nên cũng không gạn hỏi gì thêm. Nhưng rồi mọi chuyện cứ tiếp tục như vậy, chàng bèn đem tình thật ra hỏi. Hàng xóm bèn cười nói:

- Cậu đã tự lấy vợ, bí mật dấu ở nhà lại còn hỏi chúng tôi làm chi?

 

Sau một hôm Đoan ra khỏi nhà từ lúc gà gáy sáng, đến bình minh lén quay trở về. Đứng ngoài phên nhìn vào thấy một thiếu nữ từ trong bồn nước đi ra đến bếp nổi lửa. Đoan lập tức bước vào, đến bồn nước nhìn vào thì thấy con ốc chỉ còn vỏ. Đi vào bếp hỏi cô gái:

- Nàng từ đâu đến mà đến đây giúp ta nổi lửa?

 

Cô gái bối rối sợ hãi muốn chạy trở lại bồn nhưng bị chặn, bèn đứng lại trả lời:

- Ta là Bạch Thủy tố nữ ở trên thiên hán, thiên đế thương chàng mồ côi từ nhỏ mà biết cung cần tự thủ nên sai ta quyền tạm xuống giúp chàng coi sóc nhà cửa thổi cơm làm bếp. Trong vòng mười năm, khiến chàng giầu có lấy được vợ rồi sẽ trở về. Nay chàng vô cố đã nhìn được thấy ta; hình tích ta đã bị lộ, Ta không còn ở lại được nữa. Tuy nhiên ta đi rồi, cuộc sống của chàng cũng sẽ không khốn khó bao nhiêu. Hãy cố gắng cầy bừa, đánh cá hái lượm. Để lại cái vỏ ốc này hãy chứa thóc gạo thường không bị thiếu thốn.

 

Đoan năn nỉ giữ cô gái lại, nhưng cuối cùng cũng không được. Chốc lát trời bỗng nhiên mưa gió âm ầm, cô gái chỉ trong cân khắc không còn trông thấy nữa. Đoan lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế. Từ đó đời sống trong nhà lúc nào cũng no đủ tuy không đến nỗi đại phú. Thấy chàng như vậy có ngưòi trong làng gả con gái cho. Sau Đoan ra làm quan đến chức Trường Vân lệnh. Hiện nay đạo giáo nói đến Tố Nữ chính là cô gái đó.

 



tranh_thien_0-content




Bùi Kham

 


Dẫn nhập: Truyện này cũng rút ra từ "Tục Huyền Quái Lục"

 

 

Bùi Kham, Vương Kính Bá, Lương Phương hẹn với nhau kết làm phương ngoại chi hữu, cùng bỏ thế gian đi vào thâm sơn tu đạo. Năm Đại Nghiệp nhà Tùy, cả ba đi vào núi Bạch Lộc Sơn tu, cho rằng có thể chuyển hóa chì thành ra vàng bạc, tiên dược trường sơn có thể luyện thành, cưỡi mây theo gió, không có chuyện gì mà con người dụng công cầu học mà lại làm không được. Họ cứ chăm chỉ hái thuốc, chịu đói chịu rét, chân tay đến như mọc vẩy cứ thế đến khoảng mười năm.

 

Rồi Lương Phương chết. Kính Bá nói với Bùi Kham:


- Ta sở dĩ bỏ nhà bỏ nước ra đi. Tai không nghe đến tiếng nhạc, miệng không nếm thịt béo, mắt không nhìn tới sắc đẹp; rời bỏ nhà cao cửa rộng để đổi lấy căn nhà tranh; khinh hoan lạc mà yêu tịch mịch; đó chẳng qua là vì muốn cưỡi hạc bay trên mây, đi chơi ở Bồng Đảo? Giả như chuyện đó không thành thì cũng hy vọng được trường sinh, sống lâu cùng trời đất. Nay bể tiên không thấy bờ bến, trường sinh chưa đạt được, có khổ cực cần cù nơi núi mây chăng nữa cũng không tránh khỏi chết. Nay Kính Bá này chỉ muốn hạ sơn, cưỡi ngựa béo, mặc áo nhẹ, vui tiếng ca hay ngắm gái đẹp, đi chơi ở vùng Kinh Lạc, sau đó tìm cách kiếm công lập nghiệp làm sao vinh diệu nơi chốn nhân hòan. Đã không được vân du nơi chốn Tam Sơn, uống rượu ở Giao Trì áo ráng, cưỡi rồng, ca loan, vũ phượng làm bạn với tiên quan thì phải mặc áo tía, đeo đai vàng, hình treo trên gác Lăng Yên cùng với đám khanh đại phu đồng hàng mới được. Bác có cùng tôi quay về không? Chẳng lẽ lại để chết uổng nơi chốn thâm sơn sao?


Kham trả lời:

- Tôi nay đã tỉnh mộng rồi, không muốn trở lại bến mê nữa.

 

Hôm sau Kính Bá trở về, Kham cố giữ lại mà không được.



Lúc đó là khoảng những năm đầu thời Trinh Quán đời Đường. Kính Bá nhân lấy danh tịch cũ, được phong làm Tả Vũ Vệ Kỵ Tào Tham quân rồi được đại tướng quân Triệu Quất gả con gái làm vợ. Sau vài năm, thăng Đại Lý Đình Bình, mặc áo đỏ. Được lệnh hoàng đế đi sứ Hoài Nam. Thuyền đi quá Cao Khâu. Sứ của hoàng đế một khi đi ra, thị vệ hò hét, các thuyền bè khác nào dám cử động. Lúc đó trời đang mưa phùn bỗng có một chiếc thuyền đánh cá nhỏ đột nhiên vượt qua, trong thuyền có một lão nhân, quần áo lam lũ, đội chiếc nón rách không buồm chỉ dùng mái chèo mà thuyền đi như bay. Kính Bá tự cho rằng mình là chế sứ, uy động xa gần làm sao lão đánh cá kia dám đột ngột vượt qua, bèn ra nhìn. Thấy ngư phủ kia chính là Bùi Kham. Bèn ra lệnh đuổi theo, mời buộc thuyền lại thỉnh vào trong thuyền mình ngồi nói chuyện.

 

Nhân nắm tay Kham nói:


- Huynh sống ở thâm sơn bao lâu, khí bỏ danh tiếng cùng hoạn lộ, thế mà không thành tựu để đến thế này sao? Ôi gió không thể buộc được, bóng không thể bắt được. Cổ nhân tiếc đêm dài vẫn thường đốt đuốc đi chơi. Huống tuổi trẻ mình lại có thể bỏ phí đi được sao? Kính Bá từ ngày rời núi ra đi mới có mấy năm nay đã làm đến chức Đình Uý Bình Sự. Hôm qua vừa phán việc hình ngục đó cũng là trời cho và cũng là số mệnh vậy. Những nghi án tại Hoài Nam, nay được gởi lên hữu ty, chúa thượng sai quan sáng suốt đến khảo sát, Kính Bá được cho đi trước nên mới có chuyến đi này. Tuy chưa có thể nói là được quan cao, nhưng so với các ông già nhà quê có thể nói là hơn nhiều. Huynh chịu lao khổ mà nay cũng vẫn như ngày trước. Thực kỳ lạ thay! Nay huynh có cần những gì cứ cho biết sẽ được cung cấp.

 

Kham trả lời:


- Tôi vốn là con người thôn dã, chí ở vân hạc đâu có thể vì một con chuột hôi mà "oé" lên. Tôi chìm bác nổi, chim cá mỗi người một loại, hà tất phải khoe khoang phú quý nói chuyện huyền hư. Này thì những gì nhân thế thèm muốn, tôi để tặng bác. Bác việc gì phải tặng tôi. Tôi vẫn còn đánh bạn trong núi, thường vẫn bán thuốc ngoài Quảng Lăng. Tại đó tôi cũng có chốn nghỉ chân. Nhà tranh ở phía đông cầu, có một khu vườn anh đào nhỏ. Vườn ở phía bắc cửa đông tức là nhà tôi đó. Nếu bác công sự có chút nào rảnh xin tìm tôi nơi đó.

 


Nói xong từ biệt ra đi. Kính Bá đến Quảng Lăng. Sau mười ngày, việc công bắt đầu bớt, chợt nhớ đến những lời của Bùi Kham bèn đi tìm. Đến cửa Đông hỏi thăm quả được chỉ nhà Kham. Khi được dẫn vào nhà, đầu tiên thấy còn hoang lương, nhưng càng đi sâu càng đẹp. Đi được khoảng trăm bước đến một cánh cửa lớn, bên trong lâu các trùng điệp, hoa cỏ xanh tươi trông như tiên cảnh chứ không phải là nhân thế vậy. Cây cỏ tốt tươi, cảnh sắc hấp dẫn không thể tả nổi. Gió nhẹ thổi mùi thơm ngào ngạt khiến cho thần trí sảng khoái phiêu nhiên như khiến người ta có cảm giác biến thành thần tiên; làm quên đi thân phận quan chức của mình; coi tấm thân mình như một con chuột hôi; coi hoạn đồ như một bầy kiến. Hồi sau, nghe kiếm bội leng keng rồi có hai đứa thanh y bước ra nói:


- Bùi lang tới.

 

Lát sau thấy một người, y quan tráng lệ, dung mạo uy nghi bước tới. Kính Bá tiến lên vái chào, nhìn kỹ lại thấy quả là Kham. Bùi nói:


- Kẻ sỹ hoạn ở dưới hạ giới, ăn những đồ trọc vị lâu ngày, lửa sầu lửa dục thiêu cháy trong tim, phải mang theo hoài thành ra hình hài mới lao khổ như vậy.


 

Rồi mời Vương vào nhà, ngồi chơi nơi trung đường. Nơi đây, cửa ngõ rường cột đều được trang sức bằng những đồ quý hiếm thấy, bình phong, màn trướng đều vẽ hình vân hạc. Lúc sau, có bốn đứa thanh y mang một cái mâm bằng bích ngọc tới, các đồ khí vật đều là của quý lạ, không phải là nơi trần thế có được, hương vị thơm ngát, mắt chưa từng thấy.


 

Đến lúc trời tối, Kham ra lệnh kéo chiếu lại gần nhau, thắp đèn cửu quang, ánh sáng chiếu lòa khắp nhà. Một đoàn nữ nhạc hai chục người, ai nấy đều là tuyệt đại giai nhân đứng bầy trước mặt. Bùi Kham nhìn đứa tiểu đồng bảo:


- Vương bình sự là bạn cũ của ta thời trong núi, nhưng lòng đạo không vững, bỏ ta xuống núi. Cách biệt đã gần mười năm, nay làm đình úy, tục tâm chắc đã thành nghe tiên nhạc chắc không thưởng thức, nên kiếm kỹ nữ dưới trần để làm vui. Nhưng đám con nhà ca kỹ không đáng được triệu, hãy tìm con gái nhà sỹ đại phu người nào có chồng rồi hãy mời tới. Nếu gần đây không có thì trong vòng năm ngàn dậm cũng có thể triệu mời.


 

Tiểu đồng dạ dạ rồi đi. Đám kỹ nhạc bắt đầu thử điệu các cây đàn tranh bằng bích ngọc. Điệu chưa đều thì tiểu đồng đã về tới, dẫn theo một người đàn bà từ sân phía tây đi lên đến bái lạy trước chiếu của Bùi. Bùi chỉ sang bên nói:

- Hãy tham bái bình sự.

 

Kính Bá vái chào lại, nhìn ra người đàn bà đó chính là vợ mình, Triệu thị. Kính Bá kinh hãi không dám nói. Vợ cũng sợ hãi chăm chú nhìn chồng không nghỉ. Bùi Kham ra lệnh cho Triệu thị ngồi ngay dưới thềm ngọc. Một ả thanh y mang một cây đàn tranh bằng đồi mồi đến trao cho Triệu thị; đây chính là ngón sở trường của Triệu rồi ra lệnh cùng đám tiên kỹ hòa tấu để tống tửu. Kính Bá ngồi trên, nhân lén lấy một trái táo mầu đỏ tươi ném cho Triệu. Triệu nhìn Kính Bá rồi lén cất vào trong đai áo. Những khúc nhạc mà bầy kỹ nữ tấu, Triệu không làm sao hòa được theo, Bùi bèn ra lệnh hãy theo Triệu mà đàn lâu lâu lại dừng lại để Triệu độc tấu. Tuy rằng khúc điệu không bằng tiên nhạc danh khúc, nhưng âm điệu uyển chuyển, tân chủ hai bên trong lúc tấu nhạc uống rượu đàm luận cực kỳ hoan hỷ. Trời gần sáng, Bùi triệu tiểu đồng nói:

- Hãy tiễn Triệu phu nhân về.


Rồi nói với Triệu:

- Nơi đây chính là Cửu Thiên Miếu đường, thường nhân không đến được. Ta trước với họ Vương này là bạn nơi thế ngoại; thương vì bị thế tục mê hoặc tự gieo mình vào chốn nước sôi lửa phỏng, lấy trí tự thiêu, lấy sáng tự tặc, trôi nổi trong bể khổ sinh tử mong đến bờ không được nên mời đến đây để làm cho cảnh tỉnh. Hôm nay gặp gỡ khó lòng gặp lại. Phu nhân cũng có túc mệnh mới có thể tạm du đến đây. Mây núi vạn trùng đi lại lao khổ. Xin đừng từ tạ.


Triệu bái lạy rồi đi. Bùi quay sang nói với Kính Bá:


- Bình sự công dừng xe tại đây một đêm không biết có khiến cho quận thú lo lắng không. Bác nên trở về quán dịch. Trước khi hồi triều, nếu có nhàn rỗi có thể tìm ta. Đường trần xa xôi đầy loại ưu sầu bức bách, xin nỗ lực tự ái.

 

Kính Bá bái tạ ra về. Năm ngày sau trở lại lẳng lặng tìm kiếm thấy chỗ hôm trước nào đâu có nhà cửa, chỉ là một khoảng đất hoang lương toàn là sưong mù cỏ dại. Kính Bá trù trướng quay về.


 

Đến lúc về đến kinh sư, sau khi nhập triều tấu sự song trở về nhà riêng, anh em Triệu thị giận dữ đến trách:


- Con gái dù có trở thành bỉ tiện, không đáng phụng sự quân tử, nhưng đã có hậu lễ, trên đã phụng sự tiên tổ, dưới đã sinh con kế thừa đâu có phải cẩu hợp mà thành. Thế mà sao lại dùng yêu thuật bắt đi đến ngoài vạn dậm để làm mua vui cho kẻ khác. Trái táo đỏ hãy còn đây, đủ để làm tin. Ngươi lấy gì để giải thích đây?


Kính Bá cuối cùng chen được vào trả lời:

- Vào lúc đó Kính Bá cũng tự không biết ra sao. Đó là vì Bùi đã thành đạo dùng thuật để lộng huyền hư vậy.


Vợ cũng nhớ những lời Bùi nói thành ra họ Triệu không còn trách cứ nữa.


 

Ôi! Thần tiên biến hóa như vậy hay sao? Mang cái ảo thuật ra để hý lộng người ta như vậy sao? Đó là điều mà con người trí tuệ thông thường không thể hiểu nổi. Tuy nhiên chim sẻ biến thành ễnh ương, chim trĩ biến thành sò, người hóa hổ, cỏ mục sinh đom đóm, bọ ngựa thành ve sầu. cá côn hoá chim bằng, vạn vật biến hóa, sách vở vẫn còn truyền lại, không thể lấy trí tuệ của mình mà lý giải, huống hồ những truyện ngoài tai nghe mắt thấy sao?



Lê Mạnh Hùng dịch



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc