MAI QUỐC - Hoshi Shininchi/ Quỳnh Chi dịch

17 Tháng Hai 201812:00 SA(Xem: 4550)


sakura_snow-content




Mai Quốc


Nguyên tác: “Mai Kokka”(11/1967) của Hoshi Shinichi



Đó là một ngôi nhà bình dị, không tồi tàn cũng không nguy nga tráng lệ.

Một căn nhà nhỏ ở đâu cũng có, muốn tìm cho ra được một đặc điểm còn mệt khướt. Trước cửa có ghi tên gia chủ là Mai Kunizo (*). Đó không phải là một cái tên lạ lùng dị hợm gì cả, cho nên ai thì cũng cứ thế đi qua chẳng buồn để ý.

Nhưng người thanh niên đã dừng chân trước cửa ngôi nhà ấy, khẽ nhủ thầm bằng giọng nói hết sức hăm hở:

-Hay là ta hãy thử ghé thêm vào một căn nhà nữa nào.


Anh ta là nhân viên ngoại vụ của ngân hàng, tức là phải đến các nhà, làm công việc mời chào ”Xin quý khách gửi tiền để dành ở ngân hàng chúng tôi”. Thanh niên này là một người đứng đắn chăm chỉ làm việc, rất thích hợp với công việc ở ngân hàng. Những nhà mà anh ta đến mời, một phần vì tiền để dành thì gửi ngân hàng nào cũng thế không khác xa là bao, đa số đều nhận lời, nên anh ta cũng lập được thành tích đáng kể.

Cả ngày hôm nay cũng đều như thế cả. Sắp đến 3 giờ chiều, anh ta đã định trở về ngân hàng, nhưng thôi thì tiện thể anh bèn thử vào căn nhà của gia chủ tên Mai này.


Người thanh niên bấm chuông gọi cửa, nhưng không biết vì chuông hỏng hay vì chủ nhà đi vắng, mà đợi mãi chẳng thấy có tiếng trả lời. Anh thử đẩy cửa thì cửa khẽ mở ra. Nếu là chủ nhà đi vắng, nhà này quả là bất cẩn. Người thanh niên tiến vào, đánh tiếng hỏi.

-Dạ thưa…Xin hỏi, có ai ở nhà không ạ?


Nhưng không có ai trả lời. Đúng lúc anh ta định thôi không đợi nữa toan quay đi, thì có tiếng động trong nhà. Có tiếng người rên rỉ và tiếng thủy tinh chạm vào nhau.

Người thanh niên thấy áy náy không bỏ đi được. Hình như có ai đấy thì phải. Người bệnh chăng. Không chừng có án mạng xảy ra cũng nên. Căn cứ vào tiếng động phát ra, hình như có ai quằn quại đau đớn đang cố uống nước. Cứ thế bỏ mặc họ, có gì như là không phải làm sao ấy.

Lòng trắc ẩn hay hiếu kỳ thường hay thúc đẩy người ta đột nhiên có những hành động không ngờ trước được. Người thanh niên như thể bị ai bảo, cởi giầy bước lên thềm nhà, đi vài bước vào hành lang, rồi mở cánh cửa của căn phòng có tiếng động.


Căn phòng rộng sáu chiếu tatami, được bài trí theo kiểu Tây phương, có bàn với vài chiếc ghế. Nhưng không có người bệnh đáng thương hay quang cảnh của một bi kịch nào vừa xảy ra ở đấy cả.

Ngồi trên ghế là người đàn ông chừng 40 tuổi, đang vừa xem tivi vừa uống rượu tây. Người thanh niên nhận ra là mình đã lầm. Tiếng rên là của nhân vật trong phim truyền hình, còn tiếng va chạm của thủy tinh dường như là tiếng rót rượu uýt ky.


Người đàn ông ngửng mặt lên, nhìn người thanh niên ra chiều lấy làm lạ. Trước ánh mắt ấy anh ta đỏ mặt, vừa cúi đầu vừa nói:

-Xin chào ông. Tôi là nhân viên ngân hàng, phụ trách mời khách gửi tiền để dành. Xin ông thứ lỗi đã vô phép vào nhà, ông là ông Mai phải không ạ.

Trước hết anh ta để danh thiếp của mình lên bàn, rồi lần lượt lấy từ trong cặp ra những tờ rơi và các thứ quảng cáo của ngân hàng. Anh đã tự tiện vào nhà nên có phần áy náy. Vì thế anh định giải thích để giải tỏa sự hiểu lầm và xin lỗi.


Nhưng người đàn ông đã ngăn anh lại, tắt ti vi, nói giọng vui vẻ:

-Cậu hãy ngồi xuống đấy. Ta cùng uống nào. Cứ thong thả ngồi chơi.

-Thưa không dám ạ. Chúng tôi không định thế.. mà vào đây là để..

-Đừng ngại. Ta cứ phất tưng bừng lên cho vui nào.

-Vậy thì xin ông cho một ly thôi ạ.


Người này cao hứng thật. Còn ban ngày ban mặt mà đã thong dong nhắm rượu thế này, có vẻ là ăn nên làm ra, phất phát thật đấy cũng không chừng. Nếu thế, có lẽ là họ cũng có thể gửi tiền để dành cho mình được ít nhiều. Từ chối thẳng thừng làm phật ý người ta là điều cần suy xét. Hơn nữa mình còn có nhược điểm là đã vô phép xông vào nhà người ta.

-Được. Phải thế mới được chứ. Chỉ một ly thôi thì ta sẽ làm một ly thượng hạng…

Người đàn ông cười sảng khoải, lấy từ trên kệ bên cạnh ra một chai rượu trông thật đắt giá, rót vào ly, rồi đưa mời người thanh niên.

-….Nào, cạn ly nào!

-Vâng, xin phép ông ạ.

Người thanh niên lễ phép nói, rồi đưa lên miệng.

-Khá lắm. Cậu cũng uống được đấy nhỉ. Cách cầm ly trông cũng điệu nghệ lắm. Thế nào? Làm thêm một ly nữa nhé?

-Thưa đủ rồi ạ. Nếu được ông cho phép giới thiệu về chuyện gửi tiền để dành thì quý hóa lắm ạ.

-Được thôi. Tôi sẽ nghe cho cậu. Nếu cậu chịu uống thêm một ly nữa.


Ông ta cao hứng viện cớ này nọ mời mọc mãi, khiến người thanh niên bị ép uống đến bốn ly. Đã thế, mục đích của việc vào nhà thì chẳng tiến triển được chút nào. Trước hết là đằng kia chẳng có vẻ chịu để tai nghe đằng này nói gì cả. Cứ mời rượu người ta để một mình mình lấy thế làm vui.


Bắt người ta làm bạn rượu giải khuây cho mình thì ai mà chịu cho nổi. Đằng này người ta còn đang trong giờ làm việc ạ. Hơn nữa, khi quay về sở mà say rượu là sẽ bị cấp trên quở trách. Chỉ một ly thôi thì không sao, chứ uống từng này rồi thì cũng còn mệt mới giã rượu được. Có lẽ đã đến lúc phải dứt khoát rút lui là vừa.

-Xin lỗi đã đường đột đến quấy rầy ông. Vậy xin để hôm khác vậy ạ..


Người thanh niên cáo biệt và toan đứng lên. Thế nhưng không hiểu sao anh ta không thể rời chiếc ghế mà đứng lên được. Có cảm tưởng như người cứ đờ ra. Tuy rằng chẳng phải là đã say vùi gì cho cam.

Người thanh niên đang ngơ ngác chẳng hiểu vì sao, thì người đàn ông vừa nhìn anh ta vừa nói ra vẻ như thể đó là điều đương nhiên:

-Hà hà. Thế nào hả? Không đứng lên được đâu. Thật ra là vì ta đã cho vào rượu một loại thuốc tê, có tác dụng làm tê liệt bắp thịt. Thế là cậu không về được nữa rồi.

-Tại sao mới được chứ, thôi đi, ông lại chỉ nói đùa..

-Ta không nói đùa đâu.

Tuy là đang cười, nhưng nét mặt của người đàn ông vẫn có vẻ nghiêm nghị lạ thường. Người thanh niên hoảng hốt nói:

-Hóa ra mục đích của ông là muốn đoạt lấy số tiền tôi đã thu được và để trong chiếc cặp này à. Như vậy dễ hơn là đi cướp nhà băng. Một kiểu phạm pháp mới đây. Tôi thật là sơ suất nên đã không nhận ra điều này.

-Ồ!..Tên này nó nói những điều ở thứ nguyên sao mà thấp kém quá! Nghe đây, nếu thấy hối hận thì hãy ăn nói cho đàng hoàng nghe chưa. Nhà ngươi thành tù binh rồi. Nhà ngươi đã xâm nhập một cách bất hợp pháp vào nước ta, vì vậy mà ta bắt làm tù binh. Ta không biết nhà ngươi đem theo loại vũ khí nào. Vì vậy mà ta mới giả vờ tiếp đón để ngươi bất cẩn, rồi cho uống rượu có bỏ thuốc. Và chiến thuật ấy của ta đã thành công thật ngoạn mục.


Người thanh niên hoàn toàn không hiểu đối phương nói gì. Chỉ có điều là mình đứng lên không được thì đúng là đã bị cho uống rượu có bỏ thuốc. Tuy vậy, chắc là không đến nỗi làm cho đầu óc bị điên loạn.

Cứ căn cứ vào lời lẽ của đối phương, thì có vẻ như là họ không nhắm vào tiền bạc. Thử nghĩ lại, thấy cũng không phải là họ có kế hoạch gài bẫy mình.

-Tù binh nghĩa là làm sao ạ. Xin ông giải thích cho biết.

-Hừ, nhà ngươi đã biết thừa ra rồi mà chỉ giỏi giả vờ! Nhà ngươi có biết thế nào là một quốc gia không? Có một lãnh thổ, có quốc dân, và có chính phủ tức là guồng máy cai trị. Có đủ ba yếu tố này thì gọi là quốc gia. Lãnh thổ là căn nhà này. Quốc dân là ta đây. Chính phủ cũng là ta. Tuy nhỏ bé nhưng là một quốc gia hẳn hoi. Quốc gia ấy đã bị người nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp. Đây là xâm lấn. Cũng có thể là đang chuẩn bị xâm lấn. Nước ta đã bắt được hắn. Muốn xử trí thế nào mà chẳng được. Vì quốc gia có quyền lực tối cao trên lãnh thổ của mình.

-Trò chơi thú vị nhỉ!

Biết được rằng đây không phải là một vụ phạm pháp, người thanh niên cười với ông ta. Nhưng người đàn ông đã nghiêm giọng nói:

-Đây không phải là trò chơi, mà là hiện thực.

-Làm gì có chuyện nhảm thế chứ..

- Ngươi bảo đây là trò chơi, là chuyện nhảm nhí, nghĩa là thế nào, hả! Thế là đã nặng lời nhục mạ xúc phạm phẩm giá của nước ta. là một phát ngôn khó lòng tha thứ được. Nhưng nếu nhà ngươi có điều gì muốn phàn nàn, ta sẵn sàng lắng nghe. Với điều kiện phải là phản luận nghe có lý.


Người thanh niên toan mở miệng nói, xong không cất tiếng lên được.

Anh không biết phản luận từ đâu, phản luận thế nào, nên nói điều gì. Thậm chí còn chợt cảm thấy lý luận của đối phương nghe cũng hợp lý, đâu vào đấy, là khác. Lại thêm bỗng dưng bị uống phải thuốc bậy bạ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác liên tục xảy ra, không tập trung suy nghĩ được.

Muốn biện bạch hay thuyết phục đối phương thì trước hết phải nắm vững tình hình, biết rõ đó là chuyện gì và diễn tiến ra sao. Hoặc cho dù trong trường hợp đó là trò chơi, cũng không nên chống lại ý tưởng của đối phương. Cứ phụ họa theo, cho họ vui, chắc là đến lúc nào đó họ cũng sẽ kết thúc cho mình.


Người thanh niên đã nghĩ ra cách nói chung chung cho cả hai trường hợp.

-Quả là chúng tôi đã thất lễ. Vì vô ý nên đã đi lạc vào đây. Không biết tên của quý quốc là gì ạ?

-Tên là Mai Quốc. Phù hiệu là ba vạch ngang. Đã có yết thị trên đường biên giới hẳn hoi là gì.

Nói vậy thì trước nhà có bảng tên gia chủ là真井国三.

-Ơ.. có nghĩa là như vậy ư. Nhưng gọi là biên giới quốc gia thì …

-Đấy, thấy chưa, nhà ngươi đã xem yết thị hẳn hoi mà dám bảo là đi lạc vào đây, thế là thế nào, hả? Biên giới đương nhiên là cửa vào. Nhưng ta cũng nhìn nhận cho ngươi rằng chỗ đứng để cởi giầy ngay sau khi mở cửa bước vào là địa phận trung gian, dù đã bước vào mà đứng ở đấy thì cũng không vấn tội. Hiếm có quốc gia nào mà có phương châm quảng đại như thế đâu. Thế nhưng, nhà ngươi đã bước qua cả chỗ ấy mà vô phép xâm nhập..

-À…

-Nhà ngươi cũng phải nhìn nhận như vậy rồi phải không. Với mục đích gì hả? Do thám à? Nhà ngươi là đặc công có nhiệm vụ lật đổ chính quyền hả? Hay là đội tiền trạm chuẩn bị để tấn công?

Tưởng chừng đã đến lúc ông ta có thể phì cười, và tự hào với trò chơi mới này. Nhưng người đàn ông lại càng ra vẻ nghiêm nghị hơn, mắt long lên sòng sọc. Thế này nghĩa là thế nào?

-Làm gì có chuyện đó! Tôi không hề biết rằng đây là một quốc gia độc lập. Từ bao giờ thế ạ?

Người thanh niên hỏi lại. Người đàn ông này có lẽ hơi không bình thường. Mình cứ hỏi đi hỏi lại mãi, đến lúc nào đó sẽ lộ ra sự mâu thuẫn, bấy giờ sẽ nêu điều mâu thuẫn đó ra. Người thanh niên nghĩ bụng, âu đó cũng là một cách.

Người đàn ông gật đầu rồi ngồi ngay ngắn lại, nói:

- Từ ngày xửa ngày xưa. Từ thời xa xưa đến nỗi không thể nói là tính theo lịch thì từ bao giờ. Vào thời đó, trần gian giao tiếp với thiên đình ngay tại đây. Đất này vừa là trần gian vừa là thiên đình. Về sau, vì sự sa ngã của con người mà sự giao tiếp ấy có lúc đã bị gián đoạn. Một đêm nọ, trong đầu ta có khải huyền từ thiên đình bảo rằng “Các quốc gia trên mặt đất hiện nay mới tồi tệ làm sao. Nhà ngươi phải xây dựng lại một quốc gia kiểu mẫu cho tất cả các quốc gia trên mặt đất đã có từ ngàn xưa này.” Và thế là ta làm theo chỉ thị thiêng liêng ấy. Vì vậy, quốc gia vốn đã có từ ngàn xưa.

-Ra là vậy..


Người thanh niên cũng gật đầu tán đồng, mà trong thâm tâm thì ngẫm nghĩ. Quả đúng như mình đã nghĩ. Lão này quả là bất bình thường. Hoặc có thể là vì tác dụng của rượu nên sinh ra hoang tưởng, cảm thấy sung sướng khi đắm mình vào trong thế giới hoang tưởng ấy. Người thanh niên thấy rởn cả tóc gáy. Dù là thế nào đi nữa thì đấy là một điều dị thường. Và anh ta không biết có cách nào để đối phó với một người như vậy.

Thế nhưng, người đàn ông đã lại nói. Nụ cười không lộ ra nẫy giờ hơi hé nở:

-Nhà ngươi cho rằng cách suy nghĩ của ta bất bình thường, phải không? Nhưng đây là thần thoại dựng nước. Đã có sự tồn tại của quốc gia rồi thì cũng nên có một thần thoại cho có ý nghĩa. Vì vậy mà ta đã đặt ra thần thoại này. Nhà ngươi thấy sao? Cũng hay ra phết đấy chứ?

-À, đúng vậy...

Người thanh niên bối rối đưa mắt nhìn xuống. Người đàn ông này không chỉ bất bình thường, mà còn trong tình trạng hết sức dị thường là khác. Có lẽ là không thể nói chuyện với ông ta theo cách thông thường. Tranh luận cũng không lại với ông ta đâu. Chắc là phải hết sức nhũn nhặn để xin ông ta buông tha cho. Ngoài ra không còn cách nào khác.

-Xin ông làm ơn cứu tôi với. Vì thực sự là tôi vô tình không biết gì cả ạ.

-Về chuyện đó thì ta không thể hứa được. Tuy nhiên ta sẽ cho phép nhà ngươi một điều là được liên lạc bằng điện thoại về nước của mình. Nhưng chỉ trong vòng ba phút thôi. Ngoài ra, trong trường hợp nội dung cuộc điện đàm đi ngược lại với lợi ích của nước ta, thì dù đang dở chừng ta cũng sẽ ra lệnh bắt ngừng lại.


Người đàn ông lấy chiếc điện thoại ở trong góc phòng ra. Trông thấy chiếc điện thoại ấy người thanh niên nhẹ cả người. Chỉ để gọi một một cú điện thoại thôi, mà ông ta đã dùng những từ ngữ thật là đao to búa lớn, nhưng nhờ vậy mà mình sẽ thóat nạn. Nên gọi cho cảnh sát ư? Ồ không, không nên khiêu khích đối phương, vì vậy có lẽ mình nên gọi cho đồng nghiệp ở ngân hàng.

Thế nhưng, người đàn ông đã tự mình quay số điện thoại, rồi đưa ống nghe cho người thanh niên.

-Nào, bên kia sắp ra bắt điện thoại đấy, hãy nói chuyện đi.

Thuốc bỏ trong rượu có tác dụng đến cả tay, người thanh niên cố lắm mới cầm được ống nghe điện thoại. Nhưng rồi anh ta cũng lấy hết sức ra áp được máy vào tai, bắt đầu nói:

-A lô, a lô..

Có giọng nữ lanh lảnh ở đầu đằng kia:

-Vâng, bộ ngoại giao đây ạ.

-Gì cơ ạ. Cô bảo sao ạ..

-Ông đã gọi nhầm số à? Hay là có chuyện gì ạ ?

Người thanh niên chợt nhận ra là mình không thể bỏ lỡ cơ hội này, bèn vội vàng nói:

-Xin nhờ cô ..Tôi đã bị Mai quốc bắt giữ, xin làm ơn giải cứu tôi.

-Thái quốc à?

-Không phải, Mai quốc ạ. Mai ạ.

-Nếu chỉ là nói đùa thì xin ông đừng đùa nữa. Nước ấy ở đâu mới được chứ?

-Không ạ, thật đấy ạ. Làm ơn ..

Giọng nói hết sức khẩn khoản như muốn bám víu. Nỗi lòng ấy của anh đã tạo được sự thần giao cách cảm hay sao đó mà cô gác điện thoại bảo:

-Xin ông hãy cầm máy chờ một chút…


Sau đó có tiếng của người phụ trách ban bệ gì đó thay vào. Thế nhưng người thanh niên còn đang lúng túng chưa biết nói thế nào cho người ta hiểu tình cảnh của mình, thì dường như đã quá ba phút, và thế là liền bị người đàn ông giằng lấy ống nghe.

-Điện thoại quốc tế đến đây là hết. Nhà ngươi cũng đáng thương đấy nhỉ. Nhà ngươi đã không được chính phủ nước mình đoái hoài đấy là gì. Đối sách khôn ngoan đấy. Nhà người là do thám được đưa đi làm đặc công phá hoại, nên chính phủ nhất định không nhìn nhận. Họ ngoảnh mặt đi, đem con bỏ chợ. Cũng là đương nhiên thôi. Khi được cử đi thì hẳn là nhà ngươi cũng đã chấp nhận điều đó rồi chứ.

-Làm gì có chuyện như thế được. Xin ông hãy cho tôi thêm một cơ hội nữa, lần này xin gọi cho cảnh sát. Ắt là sẽ biết được rằng tôi không phải là kẻ gian có tên trong danh sách bị truy nã. Hay là gọi tới ngân hàng có tên trên danh thiếp của tôi cũng được. Họ sẽ chứng minh cho tôi thật minh bạch rõ ràng cho mà xem.

-Không đời nảo! Nhà ngươi nghe đây. Đây là chiến tranh thế giới, nghe chưa. Dù thế nào cũng phải thông qua cửa ngõ này. Nhà ngươi chớ có tỏ ra bệ rạc như thế, đã là gián điệp, khi đã bị bắt rồi thì không có dẫy dụa van xin gì cả.

Chiếc điện thoại lại được trả về chỗ cũ. Mà cho dù có gọi được cho cảnh sát, sự thể rút cuộc có lẽ cũng giống như thế thôi. Có thể sẽ chỉ bị mắng hay bị cười cho là gọi điện thoại để nghịch ngợm. Còn nếu mình hô toáng lên rằng sắp bị giết, thì gã đàn ông đang ở bên cạnh mình đây sẽ viện cớ kiểm duyệt mà cắt điện thoại mất thôi.


Có lẽ phải nghĩ cách nào khác để đào thoát vậy. Xong chẳng nghĩ ra được kế nào hay, và không biết sự thể rồi sẽ ra sao, người thanh niên thở dài, nhắm mắt lại. Sự im lặng đến rợn người cứ thế kéo dài một lúc lâu.


Người đàn ông dường như đang nghĩ ngợi điều gì. Thế rồi, ông ta vỗ tay nói. Sắc mặt cũng đổi hẳn.

-Thôi, đừng có mặt mày thiểu não như thế nữa. Ta hãy cùng đánh chén thật tưng bừng vui vẻ một cái nào. Đợi đấy..

Đoạn người đàn ông lại ra khỏi phòng. “Đúng lúc này rồi”, người thanh niên nghĩ bụng, cuống quýt định bỏ trốn, nhưng anh ta không tài nào đứng dậy nổi. Có lẽ cũng không thể nào lần tới được chỗ để điện thoại.

Anh ta còn đang lúng ta lúng túng thì người đàn ông đã quay trở lại, khuân về các đĩa đựng đầy phó mát và xúc xích, cùng với các thứ nào bia, nào nước đá.

-Cứ tự nhiên nhé. Cậu muốn uống gì nào, rượu uýt ki hay là bia?

-Nếu được thì tôi xin bia ạ.

Bia được mở nút ngay trước mắt thì chắc là không có bỏ thuốc độc. Thế nhưng, thái độ thay đổi bất ngờ này nghĩa là làm sao nhỉ. Người thanh niên không biết là có nên hãy cứ thấy sao tin vậy mà yên lòng hay không.

Người đàn ông chẳng cần biết điều đó, cứ mỗi lúc một vui vẻ hơn. Ông ta mở radio. Có tiếng nhạc cổ điển vang ra, tuy âm thanh không lớn lắm, nhưng rộn ràng vui tươi.

-Ta hãy quên đi những chuyện bất như ý, mà hãy thật vui lên nào. À mà này, tình hình quốc gia bên ấy gần đây thế nào hả?

- Dạ dạ.. hình như cũng tàm tạm được..

Đột nhiên lại lôi những từ ngữ như “tình hình quốc gia” ra thế, ai mà trả lời cho được chứ.

-Cậu nghĩ thế nào về chính phủ của nước mình hả?

-Thế nào à? Tôi không nghĩ ngợi gì nhiều lắm ạ.

-Chính phủ có ít nhiều làm được điều gì tốt không?

-Ơ.. hình như có bảo đảm đời sống cho người có thu nhập thấp, hay chi tiền cho bảo hiểm y tế thì phải. Ngoài ra cũng có quỹ hưu trí, hay trợ cấp hoạn nạn gì ấy.. 


Thường thì cứ đến lúc cần, thì mãi không nghĩ ra. Nhưng người đàn ông đã nói ngay- dường như ông ta đặt câu hỏi kỳ quặc vừa rồi chỉ là để có cớ mà nói -.

-Chính là ở chỗ ấy đấy, không được chút nào cả. Thật là nhảm không chịu được. Chính phủ chỉ là diện mạo mỹ miều của một bọn cướp giả dạng nghĩa hiệp, mà lại kém năng suất đến mức khủng khiếp. Thu rõ nhiều vào đồng tiền của dân, rồi trước hết là những tên đầu đàn hốt một mớ thật bộn, phần còn lại trao cho đàn em, ra lệnh chia lại cho những người số phận hẩm hiu. Qua tay lũ đàn em từ trên xuống dưới, món tiền ngoảnh đi ngoảnh lại cứ vơi dần. Cuối cùng khi đến nơi thì chỉ còn bằng giọt nước mắt chim sẻ. Cái trò của họ là đem chỗ ấy bố thí cho bần dân, người bệnh và bọn người khốn khổ để người ta phải mang ơn.

-Nếu nói thế, thì như thế thật.

-Xưa kia, bọn cướp của đem đi bố thí thì vừa đi ăn cướp vừa phập phồng lo sợ. Còn công chức ngày nay thì hiu hiu tự đắc rằng bọn họ giầu có nên thu tiền chỉ để giúp kẻ nghèo hèn. Hơn nữa, họ còn ở nhà cao cửa rộng, vênh váo tự cho mình là oai hơn kẻ khác. Lão Tử, người ở vào thời cổ đại bên Tàu, có nói rằng, dân đói khát là vì có nhiều kẻ ở trên ăn thuế của dân. Chính bọn này tạo ra bần dân, rồi chỉ cứu tế nhỏ giọt thôi. Cái trò thật là …!

Người thanh niên không biết phải phụ họa thế nào, mới vừa uống bia vừa nói:

-Ông có phải là người theo chủ nghĩa gì gì ấy,.. như là vô chính phủ, phải không ạ?

-Không phải như vậy đâu. Ta không định đem chủ nghĩa ra xách động kẻ khác. Thứ nhất là, hễ nói như thế thì sẽ bị chính phủ đàn áp là cái chắc. Chuyện đương nhiên thôi. Cũng giống như đến trước công ty bào chế dược phẩm mà rêu rao thuyết vitamin vô dụng, như vậy là cản trở, gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của người ta. Ở bất cứ thời đại nào hay quốc gia nào, cũng có những người bị quy là phần tử nguy hiểm và bị bắt. Nói cho ngay thì ta cũng đã định lập đảng chủ nghĩa vô chính phủ, sẽ nắm chính quyền bằng con đường hợp pháp. Thế nhưng kế hoạch này có chỗ nào đó không ổn.

-Đúng là như ông nói ạ.

-Những chuyện vớ vẩn của chính phủ thì còn nhiều lắm. Điều khó chịu nhất là cái cảm giác bị áp đảo. Sự áp đảo từ một thứ uy lực mà mắt thường không trông thấy. Chiếc mạng luật pháp giăng mắc khắp nơi, hạn chế hành động. Điều này không tốt về mặt tâm thần.

-Ra thế..Không tốt ở chỗ nào ạ?

Người thanh niên vừa gật đầu vừa nói. Dần dần anh ta đã hiểu được tình hình. Người này nói có vẻ cũng đâu ra đấy hẳn hoi. Không biết đây là cái gì của ông ta. Chủ nghĩa ư? Triết học ư? Hay là nhân sinh quan? Hoặc là sở thích? Hay chỉ là mắc bệnh thời thượng của giới trẻ? Hoang tưởng vì nghiện rượu chăng? Do cuồng điên mà ra ? Chịu, không biết đường nào mà lần. Vả lại, dù cho là cái gì thì cũng không khác nhau là bao.

-Là vì những điều kiện bên ngoài gây ra ức chế bên trong. Người ta vô cớ cảm thấy bất an. Thành ra khúm núm quỵ lụy. Lấm la lấm lét. Hoặc có thái độ phản kháng lạ lùng. Rơi vào tâm trạng chán nản bỏ cuộc.

-Tôi cũng đang ở trong tâm trạng như thế ạ..

-Tất cả đều đi theo một hướng không ra trò trống gì cả. Thế nhưng, ta thì khác. Từ khi độc lập, lòng như bầu trời xanh trong vắt. Ồ không, phải nói như thể đang bềnh bồng trong không gian vô trọng lực của bầu trời xanh vô tận. Ta hiểu rõ tâm trạng của một nước nhỏ khi được độc lập, muốn nhảy múa ăn mừng giải phóng. Nước ta hiện nay thì còn gấp mấy lần như thế. Hoàn toàn tự do mà.

-Có lẽ là như thế thật.

-Nước ta có tự do, bình đẳng, bác ái, đủ cả. Và lúc nào cũng giữ hòa khí. Không có vấn đề chủng tộc rắc rối, chỉ một dân tộc, một lãnh đạo, một quốc gia. Hơn nữa còn là một đất nước lý tưởng do dân, của dân, vì dân. ..


Bài diễn thuyết của người đàn ông đã bắt đầu. Có thể nói là rất thú vị. Tuy là cũng có sự mô phỏng đấy, thì đã đành là thế, nhưng bài diễn văn ấy không chỉ là những lời hoa mỹ suông, mà có căn cứ hẳn hoi. Về điểm này, người đầu tiên nói ra những câu ấy có lẽ cũng phải ganh tị với ông ta.

-….dù có dùng sức mạnh nào đi nữa, thì cũng không thể chia cắt nước ta làm đôi được. Trong nước không có chia rẽ, nên lòng dân cũng là lòng chính phủ, chính phủ hành động là do yêu cầu của dân. Ở đây không hề có ai phàn nàn về chính phủ cả.

- Có lẽ là như vậy. Tôi đã hiểu rõ lý thuyết của ông. Lần đầu tiên được tiếp cận một cách suy nghĩ mới mẻ, tôi rất lấy làm khâm phục. Tôi đã từng nghe nói tới lý luận về việc lập liên bang thế giới. Toàn thể nhân loại ai cũng trở thành một quốc gia độc lập thì quả là có khác.

Cứ phụ họa đừng chống đối thì chắc hẳn là không làm sao cả. Không biết là người kia đã tươi cười cho chưa.

-Ta không biết thực tâm của cậu thế nào, nhưng cậu khen nước ta thì ta rất vui. Nào, hãy uống thêm nữa nào. Không phải lo lắng gì cả.

-Thưa ông, thôi đủ rồi ạ. Xin ông cho tôi về nước. Tôi xin hoan hô Mai quốc. Hoan hô!

Người thanh niên định phụ họa theo để đánh lừa đối phương. Nhưng sự thể đã không như thế. Người kia bỗng đổi giọng, ra lệnh.

-Không được! Phải uống nữa, vui lên!

-Xin ông cho tôi về. Tôi đã hết bị ngờ vực rồi phải không ạ? Ông đã bảo là đừng lo mà.

- Đừng lo là đừng lo về chuyện rượu để uống. Rượu hãy còn nhiều. Thực ra là vừa rồi phương châm của chính phủ đã được quyết định. Chính phủ đã ra quyết định xử tử nhà ngươi vì hành động xâm phạm lãnh thổ và do thám. Nhưng thông lệ của nước ta là ban cho tội nhân một thời gian được vui vẻ trước khi đem xử tử. Việc thết đãi này chính là như vậy. Nãy giờ ta đã phải kiên nhẫn thù tiếp nhà ngươi.

-Thật sao! Vô lý quá! Như thế này là hành hình rồi còn gì!

Người thanh niên thống thiết kêu lên, nhưng chỉ vô ích.

- Hành hình là sao hả? Đây là kết quả xét xử chính thức đấy chứ. Hơn nữa đã xét đến lần thứ ba, được cả quốc hội thông qua, trưng cầu dân ý cũng xong xuôi. Có cả nguyên thủ quốc gia đưa ra quyết định khả thi. Đã thận trọng tiến hành các thủ tục hẳn hoi. Nếu như thế mà gọi là hành hình thì cách xét xử của các nước khác mới là hành hình. Án lệnh đã được đưa ra. Nếu mà đổi khác đi thì trật tự của nước ta sẽ bị loạn ngay từ gốc.

-Vô lý quá!

Dù cho có kêu gào, đối phương cũng chẳng nao núng.

-Nhà ngươi không được nói như vậy. Hễ phát ngôn vô lễ với nước ta thì sẽ bị hành quyết sớm hơn. Nước ta mà hành động vô lý, thì nước của nhà ngươi còn vô lý hơn nước ta nữa. Nước nào cũng càn dở vô phương cứu chữa.

-Làm ơn cứu tôi với…


Cuối cùng, người thanh niên khóc òa lên. Thế nhưng đối phương vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, cửa sổ thì đóng chặt nên tiếng kêu không lọt ra tới bên ngoài. Đang đi du lịch nước ngoài bị mật vụ bắt và vô cớ tống giam, chắc hẳn là mất hết nhuệ khi cũng như thế này đây. Trường hợp của người thanh niên lúc này thực sự cũng giống như thế.

Sau đó, người đàn ông đem một con dao không biết từ đâu tới. Lưỡi dao sáng loáng, mũi dao nhọn hoắt. Nẫy giờ người thanh niên vẫn ngờ ngợ không thể tin rằng đây là sự thực, thế nhưng niềm tin ấy đã bị thổi bạt đi. Đối phương có vẻ định làm thật. Người thanh niên cố lên tiếng phản đối:

-Ông làm ơn cất đi. Mấy thứ vũ khí giết người hắc ám ấy..

-Vũ khí giết người là thế nào hả? Phải nói là vũ trang phòng vệ chứ. Quyền tự vệ là quyền cố hữu của quốc gia, vì vậy quốc gia được quyền sở hữu các thứ cần thiết để vũ trang và sử dụng chúng. Nước nào cũng thế. Nước ta yêu chuộng hòa bình, nhưng không theo chủ nghĩa chịu thua. Hễ có kẻ địch xâm nhập bất hợp pháp, thì quyết chiến cho đến khi địch bị tiêu diệt.

-Nếu tôi bị sát hại thì cảnh sát không để yên đâu.

-Ta không cần biết đến những chuyện như cảnh sát của nước ngoài. Thế còn nhà ngươi bảo đây là sát nhân, nghĩa là thế nào. Đây là hành động chính đáng để bảo vệ tự do và độc lập. Chẳng phải là việc phòng vệ tổ quốc, biểu lộ của lòng ái quốc đấy sao. Nhân chuyện này, nếu nước của nhà ngươi đưa quân sang xâm lược, thì dù có thế nào nước ta cũng sẽ chiến đấu đến cùng. Lãnh thổ của nước ta có thể thành bình địa hoang tàn không chừng, nhưng rồi ta sẽ phản công.


Thật là cái đồ Don Quixote khùng điên! Ngữ này mà bốc đồng, không khéo là ném thuốc nổ sang nhà hàng xóm chứ chẳng chơi! Và dù trước sau gì rồi thì cũng bị bắt, nhưng rồi lại được coi là vô tội, vì được hám nghiệm chứng nhận là đầu óc bất bình thường. Không biết có cách nào để thoát không. Tuy không chắc là có hiệu quả gì , nhưng người thanh niên vẫn thử nói:

-…Nếu phải nộp tiền thì tôi xin nộp. Xin ông tha mạng sống cho tôi.

-Tiền là thế nào? Bộ nhà ngươi tưởng là vì cần tiền viện trợ mà nước ta bịa đặt ra vụ này để kiếm chuyện hay sao? Đâu có thể vì đồng tiền mà làm nhơ bẩn phẩm giá và danh dự quốc gia. Làm chuyện lươn lẹo để lại vết nhơ lịch sử là có lỗi với quốc dân đời đời kiếp kiếp về sau. Nhà người thấy thế nào? Có quốc gia nào đường đường danh chính ngôn thuận như nước ta không?

-Hà…

Người thanh niên bật khóc. Đã có lúc yên tâm vì được bảo là đừng lo, nên giờ đây nỗi tuyệt vọng lại càng to lớn. Cho dù không đọ lại được, anh ta toan kháng cự, xong cánh tay không có sức để nhấc lên.

Lưỡi dao sáng lóe lên ngay trước mắt. Thế là chẳng còn bao lâu nữa mình sẽ bị hành quyết.

Sẽ bị đâm vào đâu nhỉ. Chết thì đau đớn, khổ sở chừng nào? Cho đến khi bước vào căn nhà này, mình có ngờ đâu sẽ phải kết liễu cuộc đời như thế này…

Người thanh niên nhắm mắt lại, thì bỗng nhiên đối phương bảo anh ta:

-Để ta báo cho nhà ngươi biết một tin vui.

-Tin gì..

Người thanh niên khẽ hỏi lại. Chắc lại là một chuyện vớ vẩn chẳng ra đâu vào đâu. Đừng có mà hy vọng trông mong.

-Ta định đặc biệt ân xá cứu nhà ngươi. Xem kỹ lại thì hôm nay là ngay kỷ niệm độc lập. Tuy nhà ngươi là tội nhân khó lòng tha thứ, nhưng không thể xử tử trong một ngày lành như thế này, nên đã có quyết định theo phương châm chấp thuận cho phóng thích.

-Có thật không ạ? Ông không gạt tôi chứ? Tôi xin cảm ơn ông.

Người thanh niên khẽ hé mắt, hồi hộp đáp. Xong hình như là đối phương định làm thế thật.

-Thật mà. Nào, đã thế rồi thì sao ta không uống nào. Làm tiệc mừng nào.

-Tôi không uống được nữa ạ. Xin ông hãy làm theo quyết định mà trục xuất tôi ra bên ngoài đường biên giới trở lại.

-Đâu có được! Nhà ngươi không dự lễ mừng độc lập của nước ta hay sao? Nhà ngươi định chà đạp lên tinh thần hữu nghị hả? Nhà ngươi vốn là sắp bị xử tử đến nơi đấy nhé! Vậy mà không hề tỏ ra biết ơn thì sẽ gây phản cảm trong dư luận nước ta. Cho dù có đưa đến hậu quả là tình huống nghiêm trọng nào, tất cả trách nhiệm là ở phía nhà người đấy, nghe chưa.

-Thưa không… không ạ, tôi có định như thế đâu ạ...


Thế là lại phải nhấp rượu. Bất giác người thanh niên nhận ra là mồ hôi lạnh đã toát ra nhớp nháp cả người. Thế nhưng bây giờ là tình huống phải làm ra vẻ tươi tỉnh. Có lẽ cũng nên có chúc từ.

-….Xin chúc mừng sự thịnh vượng của quý quốc. Xin chúc mừng tương lai xán lạn của nguyên thủ quốc gia và quốc dân của quý quốc.

-Đa tạ.

Người đàn ông từ tốn đáp lại. Thoắt một cái đã đổi thái độ, không biết nghĩa là thế nào? Hễ bị con yêu tinh “Mai quốc” gì đó nhập vào người thì như thế này sao?

-Thưa ông, xin ông cho phép hỏi một điều ạ. Nhà ông, ồ không, nước ông có thuế má không ạ?

-Cái thứ đó thì không. Thế nhưng có lúc nào đấy nhỉ, người của sở thuế nước các ngươi đã nhầm lẫn mà đến đây, bảo phải đóng thuế tài sản cố định. Ta cho hắn được hội kiến ở khu vực trung gian để điều đình. Ta bảo hắn rằng đây là một quốc gia độc lập, không nhận chỉ thị của nước khác ..

-Như vậy rồi cũng êm chuyện à?

- Bấy giờ hắn mới nói rằng đó là phần tiền đóng góp vào cộng đồng quốc tế. Nếu là tiền dùng vào việc như vậy thì nước ta đóng góp cũng được. Thế là khẩn cấp đưa ra nghị quyết, và đóng tiền cho hắn rồi.


Nghe nói vậy, người thanh niên nghiến răng rủa thầm. Xem ra viên chức nhà nước cũng có kẻ ranh mãnh nhỉ. Có vẻ như là người đó đã khéo phụ họa miễn sao thu được số tiền đã định. Tại sao lúc đó anh ta không làm cho rõ chuyện này ra. Cũng tại vì thế mà bây giờ mình mới bị lọt vào mê hồn trận ở đây. Bất giác người thanh niên hỏi bâng quơ:

- Thế ở đây sinh sống bằng gì ạ?

- Không việc gì đến nhà ngươi! Tại sao lại hỏi thế chứ?

Bầu không khí bỗng đổi hẳn, người kia nổi giận nói:

-Bí mật vận hành quốc gia đã được qui định là không công bố cho nước ngoài biết. Hóa ra nhà người đột nhập vào đây là với mục đích dọ thám điều này. Nhà ngươi đúng là quân do thám. Nãy giờ ta cảm thấy như có điều gì không ổn, mới nghĩ mãi thì nhớ ra là ngày mai mới là ngày kỷ niệm độc lập. Như vậy có nghĩa là trường hợp của nhà ngươi không áp dụng điều kiện ân xá được. Ta không thể vì thương tình mà làm sai lệch luật pháp quốc gia. Không may cho nhà ngươi là quyết định lúc nãy đã bị bãi bỏ. Nhà ngươi hãy chuẩn bị tinh thần đi.


Lưỡi dao lại được đem ra khua. Tới nước này người thanh niên hầu như không còn sức lực để nghĩ ra cách nào nữa, tuy vậy anh ta vẫn cố vận dụng trí óc. Tên này nổi giận là vì sao thế nhỉ?

Bắt gián điệp đem xử tử, tịch thu các thứ tùy thân của người ta mà vận hành tài chính quốc gia ư?

Hình như có những nước nhỏ sống nhờ vào ngành du lịch, phát hành tem sinh lợi. Nhưng những nước quá nhỏ, ngay cả làm thế cũng không được, thì không phải là họ không nghĩ ra những cách làm liều lấy được đâu.

Người đàn ông chằng dây buộc qua miệng người thanh niên, lại lấy khăn bịt cả mắt anh ta lại, có vẻ như sắp sửa hành quyết.


Thế nhưng người thanh niên không còn khóc nữa. Nãy giờ anh ta đã trút hết nước mắt của cả một đời người. Anh cũng không còn nghĩ được điều gì nữa vì đã vận dụng trí óc của cả một đời người để nghĩ.

Vì thế, bây giờ chỉ còn có cười thôi. Mọi thứ cái nào cái nấy đều linh tinh bát nháo. Tiếng cười không ngưng lại được. Đã bị chằng buộc ngang miệng mà còn cười, nên tiếng cười nghe thật quái gở. Từ nẫy đến giờ sự thể cứ liên tục biến chuyển không ngờ. Người thanh niên đã đi đi lại lại giữa sự sống và cái chết không biết bao lần, nên không còn đủ sức kiềm chế được cảm xúc của mình.


Đây quả là một cơn ác mộng. Một cơn ác mộng nhảm nhí. Khóc mà vẫn không thoát ra khỏi cơn ác mộng được, thì cười vậy, biết đâu mà lại tỉnh mộng không chừng. Dù thế nào chăng nữa, trần đời chưa thấy có chuyện nào nhảm đến thế này. Tiếng cười nửa mê nửa tỉnh cứ tuôn ra mãi.

Người đàn ông ra chiều nghi hoặc rồi nói có vẻ rất hợp lý:

-Tên này phát điên rồi. Như thế này thì làm sao mà đem đi hành quyết được. Phải trục xuất ra nước ngoài thôi.

Thế rồi ông ta vực người thanh niên đứng dậy để vác anh ta ra cửa, đoạn xô ra ngoài đường. Không biết có phải vì thuốc tê đã tan, người thanh niên ôm cập vừa lảo đảo bước đi, vừa cất tiếng cười sặc sụa.

Những người đi qua nhìn anh ta bằng ánh mắt lạ lùng. Lát sau trong số đó có người tiến lại gần bắt chuyện.

Người thanh niên kể lại chuyện bị Mai quốc bắt giữ. Vừa kể vừa cười vang. Nhưng không một ai có thể thù tiếp nghe tiếp câu chuyện của anh ta.

Họ không thể nào nghĩ rằng đầu óc anh ta bình thường. Nhưng rõ ràng là chuyện không đáng để đi báo cảnh sát. Cho dù có vài chi tiết rời rạc có thể tin được, thì cũng chỉ là bị chuốc rượu, chứ có bị cướp bóc gì đâu.


Những người liên hệ ở ngân hàng nơi người thanh niên làm việc đã bàn bạc rồi đưa anh ta vào nhà thương.

Qua một thời gian chữa trị, người thanh niên đã hết cười. Thế nhưng các bác sĩ không tẩy rửa được những điều hoang tưởng trong đầu anh ta.

Anh ta đã hết cười vang, nhưng thay vào đó thì hay đăm chiêu nghĩ ngợi. Đó là nghĩ về quốc gia. Anh miên man suy nghĩ về việc đặt tên cho một quốc gia mà anh sẽ độc lập đứng ra thành lập, rồi nào kiểu mẫu lá quốc kỳ, nào hiến pháp, nào thần thoại dựng nước v.v. . Nụ cười vui vẻ mãn nguyện nở trên môi anh. Không biết anh ta đã nghĩ ra được phương án nào hay ho. Anh lại ngân nga một điệu hát là lạ. Một điệu nhạc trang trọng. Anh đang soạn bài quốc ca chăng.


Đây có phải là một điều dị thường không? Nếu cho rằng đây là một điều bất thường về tâm thần, thì hóa ra quyết định của chính phủ Mai quốc đã cho rằng anh bị điên nên đình chỉ cuộc hành quyết mà phóng thích anh, là đúng đắn.

Còn nếu cho rằng đầu óc người thanh niên này không bất bình thường chút nào cả, thì sao nhỉ? Nếu như thế, thì sự tồn tại của Mai quốc là điều chính đáng.



(17/2/2018)

Quỳnh Chi dịch “Mai Kokka” của Hoshi Shin ichi.


(*) “Mai Kunizo” là tên, có thể viết bằng chữ Hán là Chân Tĩnh Quốc Tam, nhưng cũng có thể viết thành câu “My Kuni zo “ có nghĩa là “Nước tôi đấy”.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc