PULAU BIDONG - Lê Trần

13 Tháng Mười Hai 201712:00 SA(Xem: 7671)



pulau_bidong


Pulau Bidong


 

Đêm đêm, cứ vào khoảng 12 giờ, lúc mọi người trên đảo đã tắt những ngọn nến cuối cùng, những tấm thân mệt mỏi bắt đầu ngả xuống những cái giường ọp ẹp ghép bằng cành cây, thì tiếng hát lại vẳng lên buồn bã.


Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình ?



Biển chập trùng dồn sóng vào bờ . Đảo hoang như chiếc thuyền lênh đênh trên đại dương bao la vô tận. Tiêng hát như từ rừng khuya xót xa vọng lại, reo vào lòng những kẻ tha hương nhớ quê day dứt ... Đêm nào cũng vậy, tiếng sóng và tiếng hát như ru hai con tôi vào giấc ngủ, nhưng tôi vẫn trằn trọc chẳng yên.


Hết chiến tranh rồi mà sao chẳng thấy thanh bình ? Chỉ thấy hận thù ngùn ngụt ... để bao nhiêu người phải bỏ nước mà đi ...



 Mẹ con tôi bỏ nước mà đi vào tháng ba năm 1979. Sau 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển, và sau hai tuần tạm trú trong trại lính Mã Lai , chúng tôi được đưa bằng ca nô đến Pulau Bidong.


 Pulau Bidong là một trong những đảo hoang của Mã Lai. Đảo này có cây rừng rậm rạp, và những ngọn đồi thoai thoải không cao lắm. Vì không có nước ngọt nên trước đây không có sự sống, ngay cả chim muông cũng vắng bóng . Từ khi người vượt biên dồn dập tới xứ này, càng ngày càng đông, thì bị đổ tới tạm trú ở đây. 



 Khi chúng tôi đặt chân lên đảo , thì trời đã xế trưa. Bước lên cầu tầu thấy cái đảo hoang chẳng hoang vắng tí nào ....toàn những người đàn ông mình trần đen bóng tất bật đi lại, đông như kiến. Nóng hầm hập cái nóng của miền nhiệt đới, ngột ngạt làm như muốn say. Nhìn lên phía trước đảo, chỉ thấy san sát những căn nhà kết bằng cây chắp nối dựng lên để tránh mưa nắng. Rải rác khắp nơi, bất cứ đâu có đất bằng phẳng đủ làm nền là có nhà. 


Mẹ con tôi dắt díu nhau lên bờ. Nhìn quanh, chẳng thấy ai đón chẳng thấy ai chỉ dẫn ! Tự hỏi sẽ làm sao mà sống, chỗ nào mà trú mưa nắng với hai đứa con thơ ? ! Đang hoang mang thì thấy một người đàn ông đứng trên bờ chăm chú tìm người quen trong những thuyền mới tới . Nhìn kỹ hóa ra anh Ngọc, kỹ sư làm cho chồng tôi ở công ty thủy tinh ngày xưa. Tôi mừng quá gọi : anh Ngọc anh Ngọc. Anh ngẩn người nhìn người đàn bà gầy gò, đen đủi, quần áo xốc xếch ...là tôi, một hồi lâu mới nhận ra, rồi mừng rỡ kêu lên : chị Kiện ! 


Đang bơ vơ lại gặp quí nhân ! Chúng tôi được anh đưa về nhà, nhường cho mẹ con tôi chỗ ngủ của bố con anh. Đó là một nửa cái hành lang ngắn và hẹp , chiều ngang chừng một thước, trong 1 căn nhà nhỏ bằng cây, chỉ đủ chỗ ngả lưng nhưng phải nằm bó gối. Ở đó vài hôm được anh săn sóc cho ăn cho uống ....cho đến một hôm, tôi bắt được cái nhìn bực bội của bà em anh. Anh quả đã quá tốt với chúng tôi, nhường thức ăn chỗ ngủ cho mẹ con tôi, tôi không thể lạm dụng lòng tốt đó thêm được nữa. Vấn đề là làm sao tìm được chỗ trú ngụ đây ? Những gia đình đi đông đủ, có chồng có con trai mạnh khoẻ, còn có thể đốn cây chặt lá dựng tạm cái lều che thân. Mẹ con tôi chân yếu tay mềm, hoàn toàn bất lực ! Hóa ra , ngoài việc tiếp tế thức ăn ( gần như toàn đồ hộp) và nước ngọt, dân tị nạn bị đổ xuống đảo, mạnh ai tự tìm chỗ ở lấy, sống chết mặc bay...


Chắc những người đầu tiên đặt chân lên đây đã phải rất vất vả khai phá đảo hoang này, lấy sức lao động chặt cây đốn cành, dựng tạm một nơi để ở qua ngày. Họ phải đào giếng để lấy nước tắm giặt, kiếm củi để đun nấu, phá rừng làm đường. Trong căn lều thô sơ, giường nằm có khi chỉ là đất đắp, nhưng phần nhiều làm bằng những cành cây nhỏ đan lại với nhau .



Mẹ con tôi cám ơn anh Ngọc, ra đi, nhưng chẳng biết đi đâu ! Đang lang thang thì bỗng nhiên con gái lớn tôi kêu : mẹ ơi, ai như chú Đúng ! Quay lại nhìn, thấy ven đường có một cái lều lụp xụp dựng bằng một miếng ni lông mầu xanh. Một cặp vợ chồng đang núp nắng, vợ bụng to vượt mặt, chồng ôm con bé lên ba đang khóc đòi ăn....Tôi mừng quá chạy lại . Hai mảnh tang thương cảm động nhìn nhau.


Tôi gặp chú Đúng ở trại tạm trú quân đội. Gia đình chú ở căn lều bên phải, cạnh tôi. Lúc mới tới, thức ăn tiếp tế phải ba ngày mới đến tay người tị nạn. Mẹ con tôi chẳng có gì ăn. Trong túi vải mang theo chỉ còn ít đường phèn và ruốc. Lều bên trái toàn các ông bà VN thương tín, thổi cơm thơm phức. Là chỗ quen biết, nhưng đã không cho con tôi đến một thìa cơm nhỏ, mà một cô còn mở miệng xin tôi ruốc để ăn cho ngon ! Đang ngồi quây lại ôm nhau nhịn đói, thì có tiếng nói từ lều bên phải : chị cho em mượn cái ca. Tôi lục túi lấy cái ca nhựa đưa cho chú, tưởng chú không có đồ đựng thức ăn. Ai ngờ chú đưa lại cho 1 ca cháo nóng hổi : chị và các cháu ăn lấy thảo. Cả nhà chú chỉ có một ít gạo đủ để nấu cháo trong 1 cái lon trái cây hộp cao chừng 1 tấc rưỡi , vậy mà chú đã nhín bớt ăn để chia với mẹ con tôi. Thế mới biết ở đời , tuy hiếm hoi, nhưng vẫn còn những tấm lòng vàng. 


Cho nên, khi rời trại lính để đi Pulau Bidong, tôi dặn chú là ở đâu thì cho mẹ con tôi ở chung. Gặp chú lúc này, tôi hỏi ngay : chú đã tìm được chỗ ở chưa ? Chú nói đã hẹn mua một căn của 1 gia đình được đi định cư , giá 300 đô la, trong đó có 1 giường gỗ và 1 giường bằng đất đắp. Chú sẽ chia đôi chiếc giường gỗ cho tôi 1 nửa, và chỉ lấy 100 đô la. Có hai chỉ vàng mẹ cho, tôi đưa cả cho chú.



Thế là chúng tôi bắt đầu cuộc sống trên đảo. Sau khi làm giấy tờ khai báo với Ủy Ban điều hành trại tị nạn, chúng tôi được phát 2 cái soong nhỏ và thức ăn tiếp tế gồm gạo, cá hộp, đậu hộp, đậu xanh, hành tỏi khô, trứng tươi và đường. Mỗi tuần họ phát nước ngọt một lần, nên tôi nhận việc xách nước giếng về cho mọi người tắm rửa, còn chú Đ. đi lãnh nước ngọt cho nước uống và nấu ăn. Nấu ăn thì phải kê 3 hòn đá lại làm bếp, và phải lên núi nhặt cành cây khô về nhóm lửa. Vệ sinh thì mỗi lần muốn gặp bác Hồ phải lên núi tìm bụi rậm chui vào. Cũng may chú Đúng rất khéo tay, nên chúng tôi được chú làm cho 1 nhà tắm bằng cành cây ghép , bao quanh bằng những túi gạo, ngay chỗ đất trống cạnh nhà. Cái giường cũng được chú ngăn đôi bằng cây ghép và chân giường lắp thêm một khúc cây ghép nữa cho có chỗ duỗi chân.


Khi tới ban điều hành làm giấy tờ, tôi tình cờ gặp được mấy người cháu họ Trần , con anh chị Hoàn. Nhờ đó mà cháu Nga trước khi đi định cư ở Mỹ, có cho mẹ con tôi 1 cái chăn dạ và một ít thuốc cảm, vì cháu là dược sĩ. Còn ít tiền mang theo, tôi mua được một cái màn nên cũng đỡ muỗi, nhưng cái giường lại bắt đầu có rệp ! 



Đảo càng ngày càng đông. Người đi thì ít, người đến thì nhiều. Vấn đề vệ sinh càng ngày càng khó khăn. Ngọn đồi ngập ngụa mùi xú uế, chẳng còn bụi rậm nào để chui vào. Cành khô cũng khan hiếm mà không có tiền mua củi. Cũng may , trước khi chúng tôi rời đảo, thì một dẫy nhà vệ sinh bắt đầu được dựng lên, ở ven núi, gần sát bãi biển chỗ tầu cập bến.


Băng đảng cũng bắt đầu hoành hành , dọa nạt những người thế cô để làm tiền và phục vụ bọn chúng ăn nhậu . Em trai của chú Đúng cũng a dua với bọn này, lắm khi dắt chúng về nhà ăn nói ba hoa ồn ào. Tôi tỏ vẻ khó chịu ra mặt, nhưng chúng lại nể tôi, vì thằng chúa đảng muốn tôi dậy cho mấy câu Anh văn còn le với gái. Cũng vì băng đảng mà suýt nữa thằng em của chú Đúng không được theo anh đi Úc, nếu tôi không viết cho một bức thư gửi phái đoàn Úc, biện họ cho tình cảnh của họ.


Ba tháng qua, sức khoẻ mẹ con tôi mỗi ngày một kém, nhất là Như An, con bé lên mười, vì không đủ dinh dưỡng . Ăn toàn đồ hộp làm ở Mã Lai, tuy có thêm trứng nhưng vẫn thiếu rau trái tươi. Lâu lâu bán bớt gạo mua cho con được vài quả táo , thì lại phải ăn rất dè sẻn, không kể phải chia cho con bé lên ba của chú Đúng . Mỗi lần cắt táo thơm phức, nó lại lân la đến gần, nhìn thèm thuồng đến tội nghiệp. Cho nên , khi sinh nhật Nhi 14 tuổi vào tháng năm, quà của nó là nguyên một quả táo, không chia cho ai ! Tháng năm cũng là tháng tôi phải đưa cô Đúng đi đẻ. Cô sinh con trai, đặt tên là Bi Đông.



Về vấn đề đi định cư, chị tôi có bảo lãnh cho tôi sang Pháp, và một bà bạn ở Canada lãnh tôi đi Canada. Nhưng vì hai con lớn của tôi đã được đi Mỹ, nên khi phái đoàn Canada và Pháp phỏng vấn, chấp nhận cho nhập cảnh thì tôi đều từ chối. Biết là đi Mỹ phải chờ lâu lắm, thường là 1 năm, nhưng biết làm sao! Có người chờ mòn mỏi cả mấy năm mà vẫn dậm chân tại chỗ. Vì vậy, khi nhận được thư bà chị báo là chồng tôi đã tới Nam Dương, tôi quyết định nhận lời đi Pháp, trước khi sức khoẻ của mẹ con tôi suy sụp. .


Chúng tôi tới Pháp tháng bẩy năm 1979, sau 4 tháng ở đảo. 



Mấy năm sau này, hình như đảo Bidong đã được sửa sang xây cất khang trang hơn trước. Những người tới sau chắc được hưởng nhiều tiện nghi hơn chúng tôi. Dù sao, tôi không bao giờ quên nơi đây đã cưu mang mẹ con tôi và bao nhiêu người khác trong bước đầu của hành trình tìm tự do. 


Tháng tư năm 2015, kỷ niệm 40 năm sau khi miền Nam bị mất, con bé lên 10 ngày xưa viết :


"Forty years ago, on April 1975, Saigon fell. No matter which "side" you were on and what ideology you follow, it was a historic day. Everyone's life dramatically changed after that day. Every Vietnamese born before 1970 will have a story about that moment in history. My family didn't leave until 1979, with only the clothes on our back. We lost everything but we were among the lucky ones. We were caught and sent to prison but we kept trying. When we did escape, our boat was not attacked by pirates, and we did not perish at sea. From my parents, I learned the true meaning of sacrifice, perseverance , and faith. I learned to find glìmmers of hope and humor even in grim and dark moments. It is not events that define us, it's how we respond to those events that define who we are ...."


 “Bốn mươi năm về trước, vào tháng tư năm 1975, Saigon bị thất thủ. Không cần biết bạn ở “phe” nào và theo chủ thuyết nào, đó là một ngày lịch sử. Đời sống của mọi người đã thay đổi thật chấn động sau ngày đó. Tất cả những người Việt Nam sanh trước năm 1970 đều có chuyện kể lại về những giờ phút ấy của lịch sử. Gia đình tôi còn ở lại, chưa đi được cho đến năm 1979, và lúc ra đi chỉ có bộ quần áo trên người, không còn gì khác. Chúng tôi đã mất tất cả nhưng vẫn còn may mắn. Chúng tôi đã bị bắt, đã ở tù nhưng vẫn tiếp tục cố gắng tìm cách thực hiện mục tiêu của mình. Khi chúng tôi đã đào thoát được, tầu chúng tôi không bị hải tặc, chúng tôi đã không chết trên biển. Tôi đã học được từ cha mẹ ý nghĩa thực sự của lòng hi sinh, sự kiên trì và niềm tin. Tôi đã học sự tìm thấy những tia lóe hi vọng và tính hài hước ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc đời. Những biến cố hay sự việc xẩy ra không định rõ con người chúng ta, mà chính sự ứng phó của chúng ta đối với những biến cố ấy mới định rõ con người như thế nào.” (NB dịch) 



 Lê Trần.


 Mclean 12/2017



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc