TÙ VƯỢT BIÊN - Lê Trần

07 Tháng Mười Hai 201712:00 SA(Xem: 7584)



prison



Tù vượt biên



Mùa thu năm 1978, gia đình tôi âm mưu vượt biên lần thứ ba.


Trước đó, chúng tôi đã hùn tiền mua chung một tầu đò ở Rạch Giá, nhưng hai lần ra đi đều thất bại, mất luôn tầu và suýt mất luôn cả nhà.


Lần này, trước khi đi, ông chồng tôi đi xem tử vi.


Ngày xưa, tử vi của ông ấy tốt lắm. Cung cư thê, lấy vợ là công danh lên như diều. Thêm cung nô bộc, lúc nào cũng tả phù hữu bật. Vì vậy chàng cứ đinh ninh là chỉ ngồi rung đùi, thì chuyện gì cũng xong ngon lành !


Ai ngờ, từ 1975, đổi đời thì vận cũng mạt....Chuyến này coi như đánh một ván bài chót, vì tiền đã cạn. Đành hy vọng vào tử vi, xem toan tính lần này có được may mắn hơn không…. thì ông thầy diễn giải như sau : cung mệnh vững, nhưng phải tán gia bại sản mới thoát. Tính ra đi chuyến này phải chi sáu mươi lạng vàng cho sáu người, mà cả nhà vét voi chỉ có bốn mươi lạng, phải đi vay hai mươi lạng. Rồi đi thì lẽ dĩ nhiên phải mất nhà.


Như vậy chẳng tán gia bại sản thì còn là cái gì ?!


Lần này thành công một trăm phần trăm, ông chồng tôi hồ hởi tuyên bồ, công an tổ chức thì chắc như bắp …



Lúc bấy giờ mới khai trường được mấy tháng, trẻ con đang đi học. Nếu tự nhiên biến mất là thế nào trường cũng phải khai báo với công an phường khóm . Còn đi vào dịp hè thì không phải lo phía trường, mà chỉ lo đối phó với công an. Dân vượt biên phải đề phòng mọi mặt. Đi xa phải có giấy tờ hợp lệ của nhà nước. Tiền chỉ mang đủ sài lúc đi đường. Nếu thất bại trở về, còn có mái nhà che mưa nắng, có trường cho trẻ con đi học, và có chút đỉnh tiền sống lây lất.


Nhưng lần này, không biết ma đưa lối quỉ đưa đường làm sao mà chúng tôi đánh một ván bài cạn láng ! Có bao nhiêu nữ trang mang đi hết, phòng lúc tới Mã Lai, Thái Lan hay Nam Dương còn mua đồ ăn thức uống cho con. Nhà cửa bỏ lại những thứ đáng giá, nhưng khó tẩu tán như tranh sơn mài, đàn dương cầm, tủ lạnh, máy giặt,v.v..


Thêm một lần nữa, mẹ con tôi đến nhà Huỳnh Tịnh Của để từ giã bố mẹ ông bà !



Chuyến đi được tổ chức tại Mỹ Tho, vào tháng mười, do một người trong nhóm có bà con là thủ trưởng Công Ty Hải Sản tỉnh. Công ty này có một tầu đánh cá lớn. Mỗi tháng tầu ra biển một lần. Lúc đi chở lậu người vượt biên ra hải phận, lúc về mới lưới cá để hoàn tất công tác. Mấy chuyến trườc đưa người qua Thái Lan đều chót lọt, tên thủ trưởng thu được vô số vàng, cứ mỗi người mười cây. Lần này hắn muốn làm một vố chót, trườc khi bị bại lộ ... vì đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma.


Mọi việc được xếp đặt như sau : chúng tôi sẽ đi từng nhóm nhỏ vài ba người, kín đáo tới chỗ hẹn là một căn nhà bên bờ sông. Tầu sẽ tới vào chập tối. Xuống tầu, đàn ông phải trốn trong hầm chứa cá, đàn bà trẻ con được ngồi trên boong, nhưng phải yên lặng cho tơí khi đến chỗ an toàn mới được thong thả đi lại.


Để tránh sự dòm ngó của phường khóm, đến ngày X, gia đình tôi chia làm hai nhóm lần lượt ra đi. Chồng tôi đi từ sáng sớm, đến thẳng chỗ hẹn, rồi ẩn luôn trong nhà. Năm mẹ con tôi đến xế trưa mới đi, nhờ xe cậu em rể là Lê Tín, đưa xuống bến xe đò Mỹ Tho. Tới Mỹ Tho, chúng tôi thuê xe xích lô tới gần chỗ hẹn thì xuống đi bộ. Từ đường cái vào , phải qua một đường đất nhỏ chênh vênh, nhìn xuống hai bên toàn là mương nước và nhà cửa vườn tược xanh um của dân xóm. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, nhưng trong cái im lặng hiền hòa đó, như có tiềm ẩn một đe dọa ghê gớm. Chúng tôi nín thở đi, có cảm tưởng như hàng trăm ngàn con mắt đang theo dõi mỗi bước chân. Một bà đi sau thầm thì : họ đang rình tụi mình đấy chị ạ. Tôi toát mồ hôi, người bỗng nổi gai…Lết được tới nơi chỉ định, thấy chồng đã ngồi đó, mới thở phào nhẹ được một phần. . Sau đó là màn chờ đợi, trong căn nhà lạ bên sông đầy những bộ mặt ưu tư trước cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Chờ đợi trong lo lắng cồn ruột gan, như con thú sợ người đi săn, bất cứ lúc nào cũng có thể sa vào bẫy !


Đến tối mịt thì có tiếng gọi : tầu đến rồi, sửa soạn xuống tầu. Lúc đó ai cũng mệt và đói lả. Lối ra bến sông cũng là một đường nhỏ giữa hai mương nước. Đèn đóm không có, người nào người nấy bước thấp bước cao nắm tay nhau dò dẫm đi. Tội nghiệp con gái lớn của tôi trượt chân ngã xuống mương, quần áo lấm lem ướt bùn mà vẫn không dám mở miệng kêu.


Vừa lên tầu, tôi đã thấy có cái gì không ổn !Tầu sáu blocs không thể nhỏ như thế này được ! Linh tính cho tôi cảm thấy tai họa không xa . Quả nhiên, vừa ngồi yên chỗ thí có tiếng súng nổ thị oai, công an rầm rập lên tầu quát tháo : lôi chúng nó ra, trói chúng nó lại ! Vứa lúc đó trời đổ mưa. Tiếng trẻ con khóc , tiếng người lớn thở dài tuyệt vọng, tiếng công an nạt nộ hòa với tiếng mưa rơi …tạo nên một hòa tấu thê lương, buồn não ruột …



Chúng tôi bị chuyển sang mấy ca nô nhỏ, đi đường sông tới khám lớn Mỹ Tho. Nhà tù này làm từ thời Pháp, rất kiên cố, trên bờ một nhánh sông Cửu Long, có hai lớp tường dầy và cao bao bọc chung quanh. Khi chúng tôi tới nơi , qua cửa thứ nhất, thì bọn công an ra lệnh tất cả ngồi xuống hành lang, rồi lần lượt gọi từng người để khai báo tên tuổi và lục soát người cùng hành lý. Trong khi chờ đợi tới phiên mình , người nào cũng cuống quit lo tẩu tán chứng cớ vượt biên. Cái cống đằng sau chỗ chúng tôi ngồi chả mấy chốc đã lềnh bềnh vô số vàng , nữ trang và đô la… ! Công an quát hỏi của ai ..chẳng ai dám nhận !


 Chúng lột hết những gì đáng giá trên người chúng tôi. Hành lý cũng bị lục tung và những thứ cần dùng mang theo như thức ăn khô, thuốc men, giấy vệ sinh, băng vệ sinh v.v. đều bị tịch thu. Tôi chỉ kịp dặn chồng tôi khai riêng tên tuổi và địa chỉ giả trước khi chúng bắt đàn bà trẻ con phải ngồi riêng một chỗ.


Sau màn khám xét và tịch thu đồ đạc, chúng tôi phải đi qua cửa thứ nhì để vào sân trong nghe giáo huấn. Lúc bấy giờ đã khuya lắm. Trẻ con vừa đói vừa mệt, nằm la liệt trên mấy cái túi đựng quần áo. Người lớn phải cố nghiêm chỉnh ngồi nghe những lời giả tạo nhân đức của tên cán bộ, nhưng lòng dạ để đâu đâu, ngổn ngang trong lòng trăm mối buồn lo, vừa giận vừa ngao ngán . Lúc đó ai cũng mệt tới cái mức tê liệt rã rời, chỉ mong được ngả lưng mà ngủ quên trời quên đất, rồi ngày mai ra sao thì ra !


Đến gần sáng chúng tôi mới được đưa tới chỗ giam, sau khi đi qua nhiều sân rộng, quây xung quanh là các phòng lớn nhỏ đầy tù nhân đang cố nhìn qua mấy cửa sổ có chấn song sắt , xem đám người mới tới là ai, có người nào quen không…



Phòng giam mẹ con tôi không lớn lắm, chừng mười thước dài và sáu thước rộng. Một tấm phản lớn chiếm hết chiều dài căn phòng, chỉ chừa lối đi khoảng một thườc, và cuối phòng để trống một khúc cho mấy cái bô chứa tiêu tiểu về đêm. Khi bọn đàn bà trẻ con chúng tôi tới, thì căn phòng đã lúc nhúc những người là người , nằm chen chúc trên phản, dưới gầm giường, trên lối đi, đến nỗi chẳng biết đặt chân vào đâu, nói gì đến ngả lưng ! Tên cán bộ quát : trưởng phòng đâu ? Lo chỗ nằm cho mấy người mới tới. Lúc đó mới có sự xê dịch, mỗi người xích ra một chút. Cuối cùng, mẹ con tôi năm người, và hai gia đình cùng chuyến vượt biên gồm bẩy tám người nữa, cũng được nằm xuống ngủ qua đêm.


Sáng hôm sau tỉnh dậy , cứ tưởng mình nằm mơ ! Cứ tưởng mình đang ở một đệ tam quốc gia nào đó, trù phú và tự do ! Cứ tưởng tới được miền đất hứa, nơi nhân quyền và nhân phẩm con người được tôn trọng, trẻ con được học hành phát triển, ý kiến được phát biểu không sợ bị ai rình rập phê bình báo cáo…


Hóa ra mình đang ở trong tù !


Mấy bà bạn tù mới, cùng có giấc mộng không thành như mẹ con tôi, trào lộng đọc cho nhau nghe mấy câu thơ tếu :


Giấc mộng bôm nho khó quá đi !

Tỉnh dậy.. ôi thôi, chả thấy gì !

Chỉ thấy bo bo và bột luộc,

Rệp muỗi đêm ngày bạn cố tri !



Thế là chúng tôi bắt đầu cuộc sống trong tù.


Tù đàn ông bị giam riêng, không được thoải mái như tù đàn bà trẻ con. Suốt ngày đêm họ phải ở trong những phòng tối, cửa đóng im ỉm không được ra ngoài, trừ những ai xin đi lao động. Phòng giam chứa quá nhiều người, ban ngày còn đủ chỗ ngồi bó gối, nhưng ban đêm không đủ chỗ ngả lưng, người nọ nằm sát người kia, hít thở không khí tù hãm, cạnh những bô vệ sinh hôi thối. Mỗi ngày chỉ được một gáo nước , nên không tắm rửa được, thành ra đa số bị ghẻ lở và bệnh tật rất nhiều. Những người bị ghép tội nặng còn khổ hơn nữa. Họ bị biệt giam trong xà lim, chân tay bị cùm đến tê liệt. 


Đàn bà trẻ con tương đối được nhiều tiện nghi hơn. Cửa phòng giam, sau tiếng kẻng thứ nhất đánh thức mọi người dậy buổi sáng, là được mở cho đến chiều . Trẻ con tha hồ được chạy ra chạy vào. Trươc cửa phòng là một sân nhỏ lát xi măng, xa nữa là một bể nước có vòi nước máy. Mỗi ngày bọn tù đàn bà chúng tôi được ra đó lấy nước hai lần. Sáng để rửa mặt đánh răng. Chiều để tắm giặt.


Sáng nào cũng phải ra sân ngồi chờ điểm danh. Thời gian từ lúc điểm danh cho tới giờ ăn trưa, ai muốn tình nguyện làm công tác nhặt thóc hay quét dọn thì được ra ngoài cho đến giờ cơm chiều mới về. Những người không làm gì thì phải vào lại trong phòng giam, nhưng cửa vẫn để mở, nên vẫn có thể ngó ra ngoài ngắm trời ngắm đất. Thời gian này cũng là lúc những người mới bị bắt bị gọi đi làm việc, tức là bị hỏi cung. Người nào bị gọi nhiều lần, coi là có tội nặng. Riêng tôi và bà Th., người tổ chức vượt biên, phải làm việc tới hai lần trong một ngày. Con trẻ quá mười lăm tuổi cũng bị gọi. Ngày đầu tiên, sau khi bị đi làm việc lần thứ hai về, tôi giật mình thấy con lớn tôi là Tú Anh bảo : con cũng phải gọi đi làm việc. Chết, thế con khai bố tên gì ? Con khai bố là Trần văn Kiện ! Vạ to rồi con ơi , mẹ khai bố tên khác…! Cũng may, lúc đó tôi không hiểu sao lại nhanh trí, ngồi lê la nhỏ to tâm sự với mấy bà bạn cùng đi, cốt ý cho mấy mụ gián điệp nằm vùng nghe thấy, là tôi đào hoa có những hai đời chồng, vì thế mà con khai tên bố nó là ông chồng thứ nhất, còn tôi khai tên ông chồng thứ hai. Hồi họp chờ mấy hôm không thấy bị gọi làm việc thêm, coi như vụ này đưọc chìm xuồng.



Từ khi Cộng Sản từ Bắc vào chiếm miền Nam tháng tư năm 1975 và bắt đầu chế độ hộ khẩu, dân chúng phải mang sổ hộ đi xếp hàng mua lương thực của nhà nước, họa hoằn lắm mới mua đuợc gạo, mà là gạo xấu trộn thóc , còn thường chỉ có bột mì và khoai sắn v.v.. Lâu lâu được một nửa cân thịt mỡ là hên lắm. Khoai sắn ăn không nổi thì bán rẻ bán đắt cho người ta nuôi heo, nhưng bột mì thì người miền Nam biết biến chế ra đủ thứ : làm bánh mì, bánh canh, bánh bao, mì sợi,v.v. nên cũng tạm tiêu thụ được qua ngày. Một hôm có bà chị họ từ Bắc vào thăm. Tôi hòi khi lãnh được bột mì thì chị làm gì ? Bà trả lời : thì luộc thôi ! Cái gì là bột mì luộc nhỉ, tôi cứ thắc mắc mãi. Bây giờ vào tù thì mới biết cái món bất hủ đó !


Bột mì luộc được làm như sau : bột nhào với nước, nặn thành những cái bánh mỏng cỡ lớn bằng cái đĩa nhỏ, thả vào nước sôi luộc chin. Trong tù, mỗi người được phát một tô kẽm gồm hai ba cái bánh như vậy, trôi lềnh bềnh trong một thứ nước xám đục, ăn với muối. Hôm nào không có bột mì luộc thì được phát bo bo nấu thay gạo. Bo bo là loại ngũ cốc mà trườc 1975, tôi chưa hề nghe tới. Ở các nước Âu Châu, loại thực phẩm này chỉ dành cho ngựa ăn.Bây giờ người thành súc vật! Cơm bo bo rất khó tiêu. Cháo bo bo còn tạm nuốt được, nhưng phải ốm mới được ăn. Thành thử trẻ con cứ thay phiên giả ốm, để cứu cái dạ dầy !



Mỗi ngày chúng tôi được nuôi hai bữa, bữa sáng lúc 10 hay 11 giờ, bữa chiều lúc 4 hay 5 giờ. Trong cả tháng trời bị giam, chỉ được ăn cơm có đúng một lần. Khi nghe nói là hôm nay có cơm có thịt, con tôi mừng rỡ chờ đợi xôn xao, y như được yến vua ban. Cơm hôm đó nấu bằng gạo đỏ lẫn sạn và thóc , thịt là một miếng mỡ nhỏ bằng ngón tay nổi lềnh bềnh trong một thứ nước đỏ nhờ nhờ ! 


Tuy gọi là thoải mái hơn tù đàn ông, nhưng chỗ giam đàn bà không có phòng tắm hay phòng vệ sinh cũng kẹt ! May mà cạnh phòng giam có một cái hẻm, phải che lối vào bằng một mảnh vải cũ, cũng tạm kín đáo nếu đầu hẻm kia không để trống. Đứng trên chòi canh, lính gác cố ý vẫn nhìn thấy được. Bởi vậy, mỗi khi bưng nước vào tắm, cứ phải vội vã nhìn trước nhìn sau, tắm vội tắm vàng. Hẻm không có ống cống, nên vô phúc người nào có kinh, giặt giũ tắm rửa làm nước dơ tràn ra là bị cán bộ mắng xối xả ! Tiêu tiểu thì phải dùng bô, rồi đổ vào hố xí ngay trươc cửa phòng giam. Hố xí này được đậy bằng một tấm xi măng dầy, khá nặng, nhưng vẫn không bít được mùi hôi thối. Lâu lâu, hố đầy, chúng tôi phải hì hục mãi mới nhấc được cái nắp, rồi múc phân xách đi đổ xuống sông.


Cũng vì hố xí gần phòng giam quá, mà xẩy ra một chuyện cười ra nước mắt. Một đêm, trời mưa tầm tã. Mọi người đang yên giấc thì có tiếng la : Ròi, trời ơi, ròi vào nhiều quá ! Tỉnh dậy thì ôi thôi …ròi trắng hếu lúc nhúc bò từ cửa leo lên mùng, chui vào chiếu, lềnh bềnh trong lu nước uống. Những người nằm ở lối đi gần cửa là khổ nhất, phải thu chăn chiếu, lấy chổi quét ra, nhưng cửa bị khóa ! Gọi cán bộ, chờ cả tiếng đồng hồ, sau khi đã nạt nộ chán chê, mấy ông cán mới đủng đỉnh mở cửa cho bà con. Còn phát ngôn một câu xanh rờn : ròi mà cũng kêu ! Thì ra mưa to quá, làm ngập hố xí. Phân và ròi bị nước dâng lên tràn ra ngoài, qua kẽ cửa vào nhà giam.


Hôm sau chúng tôi lại phải làm công tác múc phân đi đổ !


Vì sống thiếu vệ sinh như thế, nên trẻ con người lớn lần lượt ngã bệnh. Thông thường là ghẻ lở và tiêu chẩy. Thuốc thang không có, phải dùng muối bôi ghẻ, dùng chanh đánh gió nếu không có dầu nóng.



Ngày nào cũng như ngày nào. Sáng xếp hàng hứng nước rửa mặt đánh răng , trưa xếp hàng hứng nước tắm giặt cho con, lo cho con khỏi bệnh khỏi đói. Sáng nào cũng ngồi bó gối trước cửa phòng giam chờ điểm danh, cạnh hố xí ! Đôi khi nhìn lên khung trời xanh thu hẹp, đằng xa thấp thoáng mấy cái cây gầy guộc sau chòi canh, buồn cảnh chim lồng cá chậu lại nhớ đến thơ Verlaine : 


Le ciel est par dessus le toit

Si bleu, si calme

L’arbre, par dessus le toit

Berce sa palme

Mon Dieu, mon Dieu

La vie est là ….!



Bên kia bức tường giam là đời sống, là tự do. …Những tiếng động của cuộc đời bên ngoài nghe gần mà xa lắc xa lơ …. như ở một thế giới nào khác !


Qu’as-tu fait ?

Toi que voilà ?


Tôi đã làm gì cho đời tôi ? Cho con tôi ? Vận người vận nước đẩy đưa , đôi khi tỉnh giấc thấy mẹ con đang nằm dưới gậm giường, chuột bò bên cạnh rình mò thức ăn tiếp tế, rệp muỗi trong mùng thi nhau hút máu, chỉ biết thở dài ngao ngán…. Làm sao ra đến nỗi này ?! Bạn tù, ngoài những người phạm tôi vượt biên, còn có cả tù trộm cắp giết người. Chẳng biết ai rình mò ai, chẳng biết tin ai. Tối tối, khi cán bộ đến khóa cửa phòng giam, thì lại có màn kiểm thảo từ lời ăn tiếng nói cho đến tác phong. Sau kiễm thảo thì có khi đọc truyện, cho những cái tai ngán ngẩm ngồi nghe ! Khôi hài nhất là tù xã hội chủ nghĩa lại được nghe đọc truyện dịch Le père Goriot của Balzac !



Ngày tiếp tế là ngày độc nhất đem lại niềm vui. Vui vì có dịp gặp lại người thân, dù ngắn ngủi trong giây phút. Vui vì có thêm thuốc phòng bệnh và chữa bệnh , có thêm thức ăn bồi dưỡng . Nhưng cũng có kẻ buồn…. Đó là những người tù mới, thân nhân chưa biết ở đâu để đến thăm, bị bỏ đói cả ngày vì ban quản lý nhà tù keo bẩn cắt cả hai bữa ăn hôm đó. Chúng tôi cũng ở vào trường hợp này, khi mới vào tù. Nhìn đàn con đỏ mắt chờ cơm, mãi chả có cơm, chung quanh ai cũng ê hề bánh trái , nhậu nhẹt tưng bừng, tôi chịu không nổi khi thấy con mình đói khát thèm thuồng nhìn người ta ăn uống, nên gọi tất cả vào ngồi quay đầu dưới gầm giường đọc kinh. Trong những lúc cơ cực như thế, đôi khi lại bừng lên ánh sáng một tấm lòng vàng. Hàn Tín được bát cơm Phiếu Mẫu, suốt đời ghi ơn nhớ nghĩa. Mẹ con tôi trong lúc bụng đói lòng lo, tự nhiên có một bàn tay đưa tới một quả chuối và một khúc bánh mì. Người hảo tâm ấy là chị của ca sĩ Khánh Ly.



Chúng tôi bị giam ở khám lớn Mỹ Tho đúng một tháng thì được tha.


Chủ mưu là bà Th. không được phóng thích, vì tội nặng. Chúng tôi, gia đình bà T. một mẹ ba con, gia đình tôi năm mẹ con, phải dắt theo ba đứa con bà Th., đứa nhỏ nhất mới có lên ba , lếch thếch bồng bế nhau ra khỏi tù, không một xu dính túi. May bà Th. có người bà con ở tỉnh, nên chúng tôi cứ liều thuê xích lô, đổ bộ đến nhà đó, rồi vay tiền trả xích lô và tiền mua vé đi xe đò về Saigon . Trên xe đò, còn ít tiền, mua mấy cái bánh tét nhân chuối cho con. Thấy chúng nó sung sướng ăn uống ngon lành mà lòng buồn rười rượi ! Rồi tương lai chúng nó ra sao ? Trước mắt chỉ thấy một đường hầm tối đen, chả thấy le lói tí ánh sáng nào ở phía bên kia …


Tới Saigon, khi gọi xích lô máy để về nhà cô em chồng ở Võ Tánh, không biết tôi tang thương đến thế nào, mà ông xích lô hỏi : thưa cụ nuốn đi đâu ạ ?


Giật mình … mà xót xa lòng !


Phong trần biến tóc điểm sương lúc nào ?



Bây giờ mới thực sự là tán gia bại sản . Chồng còn trong tù, không biết ngày nào mới được ra. Căn nhà nhỏ bé che mưa nắng cho gia đình tôi ở đường Hiền Vương đã được mấy anh cán phường khóm hồ hởi quản lý. Nợ đầy đầu đầy cổ. Trẻ con không được đi học vì có tội vượt biên ! Bố mẹ đã già mà còn phải gánh một đàn con cháu vô dụng !


Khi kể chuyện này cho một bà bạn già bên Pháp nghe, bà ngậm ngùi ngâm mấy câu Kiều :


Khi xưa phong gấm rủ là

Bây giờ tan tác như hoa giữa đường !


Thật ra tử vi của ông Kiện không sai, chính kẻ dẫn giải mới bé cái lầm !



  Lê Trần

 Fairfax, VA, tháng 9, 1999



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc