CHUYỆN PHÙ TANG/ RỦ NHAU ĐI BẦU - Vũ Đăng Khuê

23 Tháng Mười 201712:00 SA(Xem: 9031)



sakura



Tản mạn xứ Phù Tang/Rủ nhau đi bầu


7 giờ 55 phút tối ngày 22 tháng 10, mọi phương tiện truyền thông lớn của Nhật Bản với những bình luận gia, MC ăn khách nhất đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố kết quả cuộc bầu cử được coi là vội vã, gay cấn nhất trong lịch sử bầu cử tại Nhật. 5 phút sau khi “đóng” thùng phiếu rồi... lại “mở”, thì tin tức do các phóng viên thượng thặng từ các “chiến trường” trên “khắp 4 vùng chiến thuật” dồn dập tới tấp gửi về, màn hình hiện ngay ra những con số, lúc thì ngang, lúc thì dọc, kết quả hầu như đã có ngay cùng lúc bằng phương pháp thống kê ngay trước phòng phiếu (出口調査), hoặc “đọc được phiếu” từ cử tri tại từng khu vực, cách này chắc là không đơn giản, nhưng đó là “nghề của chàng” mà, chả cần phải bàn làm gì cho mệt óc. Đảng trưởng các đảng hân hoan như “hoa mới nở”, hoặc âu sầu như “bánh bao chiều” cứ phấn khởi nhanh chân hay từng bước nặng nề cầm từng bông hoa đỏ cắm lên một cái khung lớn trước mặt in đầy danh sách “phe ta”, chỉ thiếu mặt đảng trưởng đảng Hy Vọng cũng là bà đô trưởng Koike, vì lúc đó bà đang có mặt ở Paris để tham dự một hội nghị về biến đổi khí hậu, nhưng “Tuy ở Tây nhưng lòng ở Nhật”, lòng của bà còn nóng gấp vạn... lần hơn độ nóng của quả địa cầu.


Kết quả chính thức sau khi khai phiếu 100% được ghi nhận như..... trong phần cuối bài. Xin mời quí vị tiếp tục.


-----------------


Ngày 25 tháng 9, Thủ Tướng Shinzo Abe quyết định: giải tán Hạ Viện để hỏi lại ý dân, cuộc giải tán được ông đặt tên: “Khắc phục quốc nạn”.


Có thể gọi là quá vội vã, chỉ sau vài tuần chuẩn bị, vài tuần “xuống đường” vận động, sau nhiều cuộc tranh luận gay go giữa lãnh tụ các đảng, các ứng cử viên, toàn dân Nhật *“rủ nhau đi bầu, rủ nhau đi bầu, tay cầm lá phiếu tự do”.


Cuộc bầu cử hạ viện (衆議院-Chúng Nghị Viện) đã bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 22 tháng 10 dưới những cơn mưa như trút vì ảnh hưởng cơn bão số 21 (còn gọi là LAN) để chọn 465 ghế trong số 1180 ứng cử viên của 8 đảng và vô đảng phái.


-----------


* Lời một bài hát được các xe phóng thanh phát đi khắp xóm làng vào thời đệ nhất cộng hòa khoảng giữa thập niên 50 để kêu gọi người dân đi bầu quốc hội lập hiến đầu tiên.




Vận động bầu cử (選挙運動)



xe_phong_thanh-content

Bằng xe phóng thanh


xe_dap-content

Bằng .... xe đạp



Chính thức chỉ mới bắt đầu từ ngày 10/10, nhưng công tác vận động diễn ra rất “dồn dập”, “tới tấp và tới tấp” với nhiều hình thức, gián tiếp thì bằng internet và Facebook, Twitter, HomePage, tin nhắn… của đảng, của ứng cử viên ngập tràn máy tính, nhắm tới số người chỉ suốt ngày lấy Tablet, PC, Smartphone làm bạn…, trực tiếp thì staff vận động điện thoại đến tận nhà hoặc chính đương sự sẽ “thân hành” đến từng nhà, từng hộp thơ, của cử tri để “trao gửi” những lời hứa của mình. Đảng lớn có nhiều tiền thì rợp trời với những xe phóng thanh có âm lượng cực mạnh ra rả suốt ngày trên đường phố, đảng nghèo” thì xe đạp làm chuẩn tà tà rong ruổi khắp nơi, còn các thành phần vô đảng phái nếu “hữu danh” như cựu thủ tướng, cựu chủ tịch các đảng cũ thì cứ ra trước chỗ nào mà người qua lại nhiều nhất, để nhắc nhở: “hãy nhớ đến tôi”..., còn “vô danh” thì cũng tìm chỗ “bên phố đông người qua”, hoặc một góc phố nào đó suốt ngày rỉ rả “xin cho tôi sống”. Cử tri qua lại có thể “đứng lại lắng nghe” hoặc “vô tình lọt tai” tùy theo đối tượng. Tất cả đều có một mục đích là trình bày sao cho cử tri hiểu là mình sẽ làm gì khi được tin tưởng “trao thân gửi phận”.




Tam Cực Bát Đảng(三極八党)


nihon_parties-content

Từ trái sang phải: đảng trưởng các đảng Xã Dân, Duy Tân, Công Minh, Tự Dân, Hy Vọng, Cộng Sản, Dân Chủ Hiến Pháp, Tấm lòng Nhật Bản



Hầu hết dư luận quần hùng chỉ để ý đến 8 đảng nổi bật chia thành 3 cực


- Cực thứ nhất có 3 đảng: Tự Dân (自民), Công Minh (公明), và Tấm Lòng Nhật Bản (日本の心).

- Cực thứ hai thì có 2 đảng: Hy Vọng (希望の党-Kibo no To), Duy Tân (維新党-Ishin to).

- Cực thứ ba thì có: Cộng Sản(共産), Xã Hội Dân Chủ (社会民主), Dân Chủ Hiến Pháp (憲法民主党).



Ngoại trừ những đảng có lịch sử thành lập lâu đời như Tự Dân, Công Minh, Cộng Sản, Xã Dân, các đảng còn lại đều là những đảng còn hơi mới, hoặc được kết hợp khá vội vã vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là bất mãn với đảng mình hoặc cảm thấy bất an rút ra rồi gia nhập rồi liên danh với đảng khác thành một…. đảng khác



Thiên hạ chú ý nhất 2 đảng: Đầu tiên là


“Một mất”


Là Đảng Dân Tiến (tiền thân là Dân Chủ).


Đảng này đã “biến mất trên diễn đàn” dù có số ghế đứng thứ 2 trong cả 2 viện. Lược sơ qua một chút cho bà con nắm vững:


Ngày 2 tháng 9, sau khi đắc cử chức Chủ Tịch, ông Maehara và toàn đảng ai cũng thấy bất an, khó mà trụ ghế, nên ông này đã đưa ra ý kiến rất táo bạo: “mục đích cuối cùng là “lật đổ” liên đảng cầm quyền, vì thế chúng ta nên “hợp lưu” và “đặt toàn bộ lực lượng của mình dưới sự “điều động” của đảng Hy Vọng (Kibo no To)”. Cả đảng Dân Tiến nhất trí, không ai phản đối, vì nghĩ rằng: “Còn ghế thì còn tất cả, nhưng mất ghế thì mất tất cả chả còn gì”.


Tuy nhiên khi đi vào chi tiết thì..... bất ngờ, đảng trưởng cũng là đô trưởng Tokyo Koike nói thẳng: phải loại trừ (排除-haijo),phải sàng lọc chứ không chấp nhận toàn bộ: “phải làm đơn xin rời đảng Dân Tiến và nộp đơn xin được công nhận”, và phải ký vào một tờ “cam kết”: “tôi nguyện theo đúng những chủ trương“và phải đóng một số tiền trang trải cho cuộc vận động. Thế là phản ứng, bất mãn bùng lên, một số dân biểu trong Đảng Dân Tiến cảm thấy mình có thể nằm trong “bảng phong thần không được chọn ” đã rút ra thành lập đảng mới có tên: “Dân Chủ Hiến Pháp” mà đảng trưởng là ông Edano, một nhân vật thứ 2 hay thứ ba trong Dân Tiến. Hôm ra mắt đảng, ông này cũng tâm sự: việc thành lập đảng là điều ông mà 1 tuần trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ tới. Ngoài ra, còn có những ông thuộc thành phần “máu mặt” cũ như các cựu thủ tướng Kan, Noda và ngay chính ông đảng trưởng Maehara cũng phải ê chề ra tranh cử trong tư thế độc lập không đảng phái.


Kế đến

“Một còn”

Là “Đảng Hy Vọng (Kibo no To) của bà đô trưởng Koike.


Từ đây xin thay đổi cụm từ “Đảng Hy Vọng (Kibo no To)” thành “Đảng của bà” cho dễ hiểu.


Thực ra, thì đảng của bà có tính toán từ lâu nhưng được hình thành khá vội vã, vì cái cú giải tán bất ngờ của thủ tướng Abe. Cũng nên nhắc lại rằng, lúc đầu bà vẫn nói: “Chuyện của tôi là chuyện Tokyo, còn chuyện nước thì để anh em khác”, nhưng cuối cùng bà phải ra mặt cũng vì điều kiện của ông Maehara (đảng trưởng Dân Tiến): “nếu bà đứng đầu tôi sẽ nguyện đặt toàn bộ đảng tôi dưới đảng của bà”, vì thế mới có chuyện bà trưng cờ Đảng vào ngày 25 tháng 9, chính thức đối đầu với “tập đoàn Abe (Tự Dân) Yamaguchi (Công Minh)”. Điều này chứng tỏ uy thế và uy tín của bà quá mạnh và quá cao vào thời điểm đó.


Đầu tiên đảng của bà chỉ có hơn 10 dân biểu từ đảng khác “chạy qua” như Tự Dân, Dân Tiến, và một số được tuyển chọn từ các thành viên của “Hội Dân Tokyo trên hết”, nhưng sau đó “dân số” đã tăng vọt khi có đảng tự nguyện đặt mình như đã nói ở trên.


Đi đâu cũng vậy, gặp ai cũng thế, khi có người hỏi: “kỳ này bà có ra không?”, lúc nào bà cũng nói: “100% tôi sẽ không ra mà, tui nói bằng tiếng Nhật mà”. Đúng là như vậy, tuy nhiên mãi cho đến ngày 10/10, khi danh sách các ứng cử viên không có tên bà mới tin là bà này ..... nói thiệt. Chứ trước đó vài ngày, những bình luận gia “thượng thặng” đoán đâu trúng đó vẫn ngờ ngợ không dám tin, ai cũng “go bu-go bu / 5 phần-5 phần”.


Trong một lần tranh luận giữa các đảng trưởng, một đài TV chơi độc: “Xin viết tên người sẽ là thủ tướng nếu đảng được người dân bầu chọn”. Ai nấy đều viết tên, riêng bà thì “sẽ quyết định sau khi có kết quả bầu cử” lẽ dĩ nhiên là không có tên bà trong thời điểm hiện tại, nhưng tương lai thì “chắc sẽ đề tên”..


---------------


Để giải thích cho những “kết hợp” rất vội vã, ai nầy đều có chung câu trả lời:


"Chúng tôi bắt tay với nhau vì “đồng sàng.... nhưng không dị mộng" . Tuy thế, dù “loạn đảng” nhưng ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống người dân được coi là không đáng kể, nhất là về chuyện thằng “Ủn”, Ông Abe dứt khoát: “Tụi tôi làm việc 100% không sơ hở để giữ gìn sinh mạng của người dân”, dù ông xuôi Nam ngược Bắc vận động cho đảng cùa mình.


Được như vậy là cũng nhờ ý thức cao độ của người dân vì Nhật Bản vốn là một quốc gia có một nền dân chủ rất vững vàng, cho nên dù bên trên có “lộn xộn”, có “bận bịu” thế nào đi chăng nữa, thì bên dưới cũng trơn tru, không lo lắng.



Lời hứa công khai (公約-Công Ước)


Lần này, tuy gấp gáp, nhưng dân Nhật rất cẩn trọng trong việc “chọn mặt gửi vàng”, xin đưa tất cả những chủ trương chính một cách ngắn gọn của các đảng vì dài lắm, đọc không xuể:


- Nhật Bản sẽ đối phó thế nào đối với “Chú Ủn”?

- Cách giải quyết năng lượng hạch nhân: “0” hay cứ vừa xài vừa tìm năng lượng mới.

- Coi lại vấn đề hiến pháp, sửa đổi hay giữ nguyên.

- Thuế tiêu thụ (từ 8% đến 10% từ năm 2019) sẽ tiếp tục, tạm ngưng hay hủy bỏ.

- Đặt nặng vấn đề “phúc lợi” vì Nhật Bản đang lão hóa.

- Tìm hiểu, thêm bớt những chương trình cho các em bé mới sinh, hay giải quyết vấn nạn “nhất định không chịu đẻ” của một số giới trẻ ngày nay.

- Thực hiện việc miễn học phí cho học sinh các cấp

- v.v....


Chủ trương của 3 cực 8 đảng, cá nhân độc lập cũng có một vài chồng chéo, hay đối nghịch hoặc gần giống nhau như cực 1 và cực 2 về việc sửa đổi hiến pháp, ngược nhau một chút về việc thực thi thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% từ năm 2019, hoặc cùng chủ trương nhưng lại có cách giải thích khác nhau. Còn cái cực thứ ba thì: “cái gì cũng chống”.


Cuối cùng người dân đã lựa chọn theo tinh thần “Đảng cử dân bầu theo ý dân” khác hẳn với xứ ta: “Đảng cử dân bầu theo ý đảng” cho “tiện bề sổ sách”. Và



Kết quả bầu cử (選挙結果)


Tự Do Dân Chủ: 284 ghế
Dân Chủ Hiến pháp: 55 ghế
Đảng của bà (Kibo no To): 50 ghế
Công Minh: 29 ghế
Cộng Sản: 12 ghế
Đảng của tấm lòng: 0 ghế
Đảng Duy Tân: 11 ghế
Xã Dân: 2 ghế
Thành phần độc lập: 22 ghế


Thế là tập đoàn “Abe-Yamaguchi” được 313 ghế, đại thắng vượt quá bán (233) quá xa.


Dân Chủ Hiến Pháp cũng thắng lớn được 55 ghế trở thành đảng đối lập lớn nhất.


Đảng của bà coi như thất bại vì không đạt được như dự tính lại mất thêm một số ghế trở thành đảng thứ ba. Tại Paris bà tuyên bố: “tôi thua, xin nhận hoàn toàn trách nhiệm, tôi đã hơi tự mãn”. Tâm sự với cựu đại sứ Mỹ Kennedy tại Nhật, bà nói: “Năm ngoái, cuộc bầu cử đô trưởng, đầu tôi đã đụng trần bằng kính và làm nó vỡ tung, nhưng trong cuộc bầu cử lần này tôi mới biết đầu tôi đã đụng trần làm bằng... sắt, ê thiệt”. Thật ra, thì đúng như tiên đoán, vì nhiều yếu tố khiến đảng bà phải như vậy. Thua cái đảng thứ 2 là vì câu nói của bà: “排除” ( loại trừ), khiến một số bất bình lập ra đảng “Dân Chủ Hiến Pháp” hay bà “thiếu màu áo xanh” khi vận động, nhưng nếu nhìn xa hơn một chút thì quả là bà đã tính trước, khi dùng chữ “loại trừ”, nghĩa là phải rõ ràng chứ không nhập nhằng, trộn dầu và nước. Sau thất bại này, trong đảng của bà cũng có người đề nghị: “Thôi tụi tôi lo chuyện nước còn bà lo chuyện Tokyo đi”.


Còn những đảng lẻ tẻ khác thì ta tạm gác sang một bên không cần bàn tới.


Phe chiến thắng mạnh miệng: chúng tôi đã đi đúng hướng.


Còn phe đại bại thì: Phải coi lại, vì chúng tôi đã không đủ sức. Hẹn kỳ sau”.


Và rồi thế nào cũng có màn ra đi của chủ tịch , tổng thư ký đảng của các đảng phe đại bại trong đó có thể có ông Maehara (chủ tịch đảng Dân Tiến), vì “tôi đã tính lầm khi đặt niềm tin vào đảng của bà” theo đúng văn hóa từ chức của người Nhật hoặc vì “chúng tôi đã không đủ sức làm tròn nhiệm vụ”.
Rõ ràng do chính mình chọn lựa, qua kết quả này cho thấy người dân Nhật chỉ muốn an bình, an định chưa cần “bước đột phá nhảy vọt vĩ đại”. Liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh những gì họ đang chủ trương:


1/ Dứt khoát với chú Ủn.

2/ Mạnh dạn tăng thuế để đẩy mạnh việc phúc lợi cho người già em bé.

3/ Tính chuyện sửa đổi hiến pháp để Nhật có thể mạnh dạn “rút gươm ra khỏi vỏ” khi các chú Ủn, chú Hung dở thói lưu manh chứ không phải ngó trước dòm sau vì đụng vào điều 9*.



Tương lai, nếu không như ý thì ta sẽ tính lại. Xứ dân chủ mà!

Và lời cuối cho nhau trước khi chấm dứt, “em của ngày hôm qua” trong *“Nhớ gì ghi đó” thế nào?


mayuko-content

- Người đẹp “Đồ Thằng Hói” Toyota Mayuko: “be toàn diện”



saori-content

- Người đẹp xứ Tiên Đài Yamao Saori: “đậu xít xoát”


--------------


* Điều 9: Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.

Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.

*Xin tham khảo bài “Nhớ gì ghi đó” cũng trên trang này.


Báo cáo cũng đã tạm đủ, nếu rảnh mời quí vị đọc tiếp, kẹt thì để khi khác những dòng chữ dưới để biết thêm về “Nước Tôi Dân Tôi”.


Sayonara


Vũ Đăng Khuê


----------------------------------------------


Hiến pháp qui định

Điều 96: (sửa đổi hiến pháp)
1/ phải có 2/3 số phiếu của cả 2 viện đồng ý
2/ phải được trên quá bán trên tổng số người đi bầu đồng ý.


 -------------------------------


Quốc hội Nhật Bản và cách vận hành

 

Quốc hội Nhật Bản (国会) là cơ quan lập pháp gồm có 2 viện: hạ viện (衆議院、

Chúng Nghị Viện – Shugi-in) và thượng viện (参議院tham nghị viện Sangi-in)


Hạ viện: có 465 ghế (tiểu khu tuyển cử 289, khu tỉ lệ 176) được bầu từ 130 đơn vị, trên nguyên tắc có nhiệm kỳ là 4 năm, nhưng vì một lý do nào đó, giữa chừng Thủ Tướng (chủ tịch đảng cầm quyền) có quyền giải tán (解散選挙) để bầu ra một hạ viện mới. Tính cho đến nay, trong tất cả 46 nhiệm kỳ tính từ (1892-2017) chỉ có 4 nhiệm kỳ là 7, 10, 11, 21 là được duy trì đúng 4 năm, còn hầu hết là giải tán giữa nhiệm kỳ, tính trung bình là 1 nhiệm kỳ là 2 năm rưỡi. Bất cứ công dân nào trên 25 tuổi đều có thể ứng cử.


Thượng viện: có 242 (tiểu khu tuyển cử là 146, khu tỉ lệ là 48) ghế được chọn từ 47 đơn vị bầu cử, có nhiệm kỳ cố định là 6 năm và cứ 3 năm một lần sẽ được bầu lại để chọn một nửa là 121 ghế gọi là bầu cử bán phần. Khác với hạ viện không có việc giải tán nửa chừng. Số tuổi tối thiểu để có tư cách nộp đơn ứng cử là 30.



 Vai trò của 2 viện


Nói chung thì vai trò của 2 viện là làm chung một công việc: thảo luận những dự án dưới nhiều góc độ rồi thông qua hoặc phủ quyết. Nói rõ hơn thì Hạ Viện thảo luận và biểu quyết, còn Thượng Viện thì có nhiệm vụ xem xét lại những dự án đã được thông qua. Trên nguyên tắc, các dân biểu hạ viện là những chính trị gia thuần túy, còn nghị sĩ thượng viện bao gồm nhiều thành phần nổi tiếng được nhiều người biết đến như học giả, nhà kinh doanh, nghệ sĩ, nhà thể thao…. Sở dĩ có sự phân chia như thế là vì nghị sĩ thượng viện là đại diện nhiều tầng lớp nhân dân không có chân trong đảng phái nào nên việc xem xét, check lại những phán quyết của hạ viện bằng cách nhìn của người dân sẽ chính xác và công bình hơn. Nhưng đó chỉ là hình thức và là chuyện xa xưa, trên thực tế thì đảng nào cũng cố đưa người của mình vào cả 2 viện sao cho quá bán để tránh trường hợp một bên thì thông qua, còn một bên thì phủ quyết. Tiếng Nhật gọi tình trạng này là “quốc hội nejiri”ねじり国会. Hơn nữa sự có mặt của những người nổi tiếng như ca sĩ, tài tử sẽ thu được nhiều phiếu hơn từ những fan của những nghệ sĩ này.


 Sự khác biệt giữa Hạ Viện và Thượng Viện về mặt phán quyết:


- Đối với các dự luật về pháp luật, nếu phán quyết của 2 viện không giống nhau thì dự luật sẽ chuyển lại Hạ Viện để xem xét lại một lần nữa và sẽ được thông qua khi có 2/3 dân biểu hiện diện chấp thuận...


- Đối với 3 dự luật đặc biệt: ngân sách, điều ước, chỉ định Thủ Tướng. Nếu phán quyết của 2 viện không giống nhau, thì phán quyết của hạ viện sẽ coi là ưu tiên và tự động thông qua sau khi qua một vài thủ tục đơn giản..


- Đối với việc sửa đổi hiến pháp (憲法改正)hoặc việc bổ nhiệm các nhân sự quan trọng của ngân hàng quốc gia, viện kiểm soát tài chánh, viện nhân sự, phái cử lực lượng tự vệ đội ra nước ngoài v.v... thì phải được sự đồng ý của 2 viện


- Chỉ hạ viện là có thể ra quyết nghị để phủ quyết việc bất tín nhiệm (不信任) hay thông qua nghị quyết bất tín nhiệm nội các chính phủ, trường hợp này thì nội các phải từ chức. Còn thượng viện thì chỉ có thể ra nghị quyết “khiển trách nhân sự của nội các” (官僚など問責決議)hoặc “khiển trách thủ tướng (首相問責決議), các nghị quyết này chỉ là một hình thức cảnh cáo chứ không có bắt buộc phải thi hành..



Nhìn qua những sự khác biệt trên, ta thấy rằng hạ viện có ưu tiên hơn thượng viện. Điều này đã được giải thích:


1/ nhiệm kỳ của hạ viện (tuy là 4 năm) nhưng trên thực tế thì ngắn hơn nhiều, nên sẽ có những dự luật đi sát với người dân hơn vì tình hình đôi khi xảy ra rất nhanh chóng.


2/ thượng viện chỉ giữ vai trò check lại và khuyến cáo, nên nếu có quyền như hạ viện thì những dự án cần thiết như ngân sách, chỉ định thủ tướng v.v… sẽ không bao giờ thực hiện được nếu thượng viện nhất định phủ quyết.



Tuy nhiên, xét về mặt tích cực thì dù cả 2 không có cùng phán quyết và cuối cùng Hạ Viện sẽ cũng thông qua, nhưng những chỉ trích của Thượng Viện sẽ làm cho dự luật hoàn hảo hơn, vì khi được biểu quyết lại tại Hạ Viện thì dự luật được biểu quyết này sẽ có thêm hoặc bớt những điều mà thượng viện chỉ trích. Hơn nữa nhiệm kỳ của Thượng Viện thì cố định nên không có việc các dự luật cần thiết phải xếp xó vì Hạ Viện bị giải tán giữa chừng.


Đã có nhiều ý kiến của nhiều giới cho rằng: vai trò của thượng viện thực ra không cần thiết. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì ý kiến này vẫn chưa được đồng tình vì những lý do nêu trên



Cách bầu cử 2 viện


Cả 2 viện được bầu theo thể thức: tiểu khu tuyển cử (小選挙区), nghĩa là bầu trực tiếp cho ứng cử viên tại khu tuyển cử, ai cao phiếu nhất thì người đó đắc cử, và theo khu tỉ lệ (比例区), nghĩa là bầu bằng tên của đảng mình chọn hoặc tên ứng cử viên của đảng mình chọn, theo phương thức Victor D’Hondt. Số phiếu đạt được là tổng số phíếu bầu tên đảng và bầu tên ứng cứ viên, được chia cho 1, 2, 3, 4, 5 hoặc hơn nữa theo số ghế đắc cử đã qui định tại từng khu tuyển cử. Kết quả đắc cử sẽ được tính theo tỷ lệ ứng cử viên có số phiều nhiều hay ít.


Lấy thí dụ trong 1 khu tuyển cử có 4 đảng A, B, C, D tranh 10 ghế: đảng A được 1500 phiếu, B là 700, C là 300 và D là 200. Nhìn theo bảng dưới thì 10 ứng cử viên có số phiếu cao nhất là 1500, 750, 500, 375, 300, 250 (đảng A), 700, 350, 233 (đang B), 300 (đảng C) sẽ đắc cử. Cách bầu cử này có điều lợi là những đảng nhỏ (C) có số phiếu thấp nhất cũng có thể có chân trong quốc hội.



 

Đảng A

Đảng B

Đảng C

Đảng D

Chia cho 1

1500 (1)

700 (3)

300 (7)

200

÷ 2

750 (2)

350 (6)

150

 

÷3

500 (4)

233 (10)

450

 

÷ 4

375 (5)

175

225

 

÷ 5

300 (7)

 

 

 

÷ 6

250 (9)

 

 

 

÷ 7

214

 

 

 



Kỳ họp của quốc hội: Mỗi năm có từ 2 đến 3 kỳ họp được chia thành:


Họp thông thường (通常国): thời gian họp là 150 ngày bắt đầu từ trong tháng giêng đến cuối tháng 6, có thể kéo dài nhưng chỉ 1 lần

Họp lâm thời: 臨時会: được triệu tập khi được 1/4 dân biểu, nghị sĩ của 1 trong 2 viện hoặc nội các chính phủ yêu cầu để đáp ứng với tình hình, thời gian sẽ được quyết định bởi dân biểu, nghị sĩ của 2 viện, có thể kéo dài tối đa là 3 lần.


Họp đặc biệt (特別会): được triệu tập trong vòng 30 ngày kể từ khi bầu cử hạ viện, có mục đích chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và Thủ Tướng….



Vũ Đăng Khuê



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc