CÁI MẠNG CHE MẶT - Lê Trần dịch

16 Tháng Giêng 201712:00 SA(Xem: 21780)



veiled_indian_girl-content

Cái mạng che mặt

 

( Trích dịch từ tập đoản văn By the Sabarmati của Esther David)

 

 

Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã phải đi lấy chồng.


Đám cưới được cử hành vào ngày rằm, một đêm trăng sáng. Mặc dầu tôi buồn ngủ , gục lên gục xuống, nhưng cha tôi vẫn kéo tôi đi vòng vòng quanh đống lửa. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê , tôi nghe như có tiếng đàn bà ca hát.


Đến khi từ biệt cha mẹ về nhà chồng, thì mẹ tôi bật khóc tức tưởi và cay đắng, trong khi đó tôi vẫn cứ buồn ngủ ! Tôi cố lật cái mạng che mặt lên cho tỉnh, thì mấy người đàn bà lại bắt tôi bỏ xuống. Họ dặn tôi không bao giờ được vén mạng lên, trừ khi tôi ở một mình trong phòng. Cái mạng bằng tơ dầy này làm tôi nghẹt thở.

 

Tôi tới nhà mẹ chồng ngay đêm đó, trên một chiếc xe bò. Nhịp xe rung rung, hợp với tiếng chuông leng keng buộc trên cổ bò làm tôi thiếp đi. Tôi chẳng biết ai đã bế tôi vào trong nhà , và dựng tôi đứng lên để chào bà mẹ chồng đang chờ bên cửa để đón tôi. Nhưng tôi nhớ rất rõ là sari của tôi bị buộc vào khăn của chồng tôi, làm chúng tôi đi đứng rất khó khăn. 


Họ đưa tôi vào một phòng trong đó có một cái chõng trang hoàng đầy hoa. Tôi mệt đến nỗi thấy cái chõng là nằm xuống ngủ luôn. Cứ tưởng như thế là nghi lễ đa xong xuôi. Nhưng nào đã hết ! Đang ngủ, tôi giật mình tỉnh dậy, thấy chồng tôi đang lần mò cởi quần áo của tôi. Sợ quá, tôi giữ chặt không cho. Có lẽ lúc đó thấy mắt tôi đầy hãi hùng, nên chồng tôi không làm tới nửa. Thật ra, hắn cũng chỉ là một cậu bé lớn hơn tôi có một tuổi.

 


Tôi thù cái mạng che mặt. Chả bao giờ tôi được vén nó lên để nhìn sự vật bên ngoài với mầu sắt thật. Thành ra lúc nào tôi cũng bị chùm trong một vùng hư ảo. Không có cách nào khác, tôi đành chơi trò dùng mầu sắc cái sari để làm gương rọi thế giới bên ngoài. Trò này tôi chơi một mình. Thế giới của tôi, qua cái mạng che mặt, có đủ mầu đủ vẻ. Có khi ruộng xanh nhuộm thành mầu cam, mặt trăng tím ngắt, và mặt trời lúc đen lúc nâu đục. Mặt mũi mọi người cũng thay đổi nhiều mầu như cầu vồng. Chỉ có mặt mẹ tôi là vẫn thế, đầm đìa nước mắt trắng như thủy tinh.


Chồng tôi không có mầu gì cả . Mỗi lần nghe thấy bước chân anh ta đến gần, thì tôi lại nhắm mắt. Nhưng rồi một hôm, tôi bưng bữa ăn tối đến cho hắn. Hôm đó tôi mặc một cái sari mầu xanh biếc như đuôi con công. Qua mạng che, tôi thấy hắn cao lớn và đẹp như thần Krishna. Và lần đầu tiên, tôi cảm thấy rung động trước cậu bé đêm đêm chung giường với tôi. Rồi chúng tôi mỗi ngày mỗi lớn và bắt đầu yêu nhau. Tôi mong đêm tới, những đêm tuyệt diệu chỉ co hai đứa chúng tôi, để tôi có thể bỏ cái mạng che mà chiêm ngưỡng chồng tôi.

 

Sau ba năm, chúng tôi có được hai con. Chúng tôi sống hạnh phúc và sung túc đầy đủ, trong không khí lành mạnh của đồng quê. Nhưng những ngày tươi đẹp đó không bền. Chả bao lâu, tai ách tới, làm gia đình tôi như bị chìm vào biển máu.


Trưa hôm đó, tôi đang ngồi ở hàng hiên cho con gái bú. Bỗng nhiên, sữa tôi trở nên chua, rồi tôi nghe thấy chồng tôi kêu thét lên đau đớn.


Người ta khiêng chồng tôi về nhà, thân thể quấn trong một tấm vải đầy máu. Tôi muốn vén mạng lên nhìn chàng, nhưng lại không dám, vì các lão bộc trong làng đang đứng vây quanh chàng. Nước mắt đầm đìa, tôi nhìn chàng qua ánh hồng của áo sari, chỉ thấy một vệt đỏ dài vô tận từ từ biến thành một đám mây đen trải rộng…. Cái máy ép dầu đã làm chàng mất một cánh tay, và bây giờ chàng đang trôi bập bềnh trong biển máu. Rồi xe cứu thương đến, và bố chồng tôi hối hả đưa chàng vào nhà thuơng cấp cứu.


Trong ba tháng trời chồng tôi nằm nhà thương, tôi chỉ được gặp chàng có một lần ! Đó là lần bà mẹ chồng tôi dẫn tôi vào thăm chàng, cùng với mấy người đàn bà trong gia đình. Qua mạng che, tôi thấy chàng gầy và xanh xao, sa sút thầy rõ. Trông chàng buồn rầu và hụt hẫng. Cánh tay mặt bị mất làm chàng cảm thấy không còn nguyên vẹn ! Tôi muốn ôm chàng quá, mà không dám, vì còn mấy người đàn bà ở đó.


Khi về nhà, người chàng đổi thàng mầu xám. Chàng cảm thấy cánh tay bị mất làm chàng hết nam tính, và cố gắng che đậy sự thiếu vắng này bằng cái tay áo rỗng. Ngày này qua ngày khác, chàng cứ ngồi ngoài hàng hiên đờ đẫn nhìn cánh đồng trước nhà, với con mắt vô hồn của một kẻ bại trận. Cái mạng che mặt không cho tôi thấy mầu sắc tươi đẹp của cầu vồng nữa, mà chỉ còn hai mầu che phủ đời tôi : một giải đỏ viền đen…


 

Từ khi chồng tôi không làm được công việc đồng áng nữa, và không ai trong gia đình làm hộ được phần việc của chàng nữa, chúng tôi hết được chia phần lợi tức chung của gia đình. Vừa lúc đó, ông cậu của tôi từ Ahmedabad tới chơi. Khi nghe chúng tôi kể tình cảnh khó khăn, ông khuyên chúng tôi di chuyển lên thành phố lớn này, thử thời vận xem sao. Thế là chúng tôi thu xếp hành trang, cho tất cả vào một cái rương bằng thiếc nhỏ, rồi lên đường. Không biết tương lai sẽ ra sao … chỉ thấy một nỗi sợ u ám đen ngòm bao phủ ! 

 

Ở Ahmedabad, chúng tôi sống trong một cái lều nhỏ bên bờ sông Sabarmati. Tôi dậy sớm mỗi sáng ngồi gói kẹo bạc hà trong giấy bóng kính để chồng tôi đem đi bán ở trạm xe buýt. Chúng tôi chỉ mua được thức ăn khi nào chồng tôi bàn được kẹo, mà cũng chỉ dám ăn dè sẻn, còn để dành cho hôm sau có chút đỉnh lót dạ. Những cánh đồng xanh mát ngày xưa thật xa vời so với hiện tại là túp lều bẩn thỉu này. Hết rồi những mầu sắc đẹp tươi tôi vẫn hằng thấy qua làn mạng. Tuy vậy, thỉnh thoảng, qua cái mạng của tấm sari rách nát, mỗi lần tôi thèm được cho con uống tí sữa, tôi lại mơ hồ như thấy một hồ nước trắng đục, tựa như sữa con bò gia đình chúng tôi bỏ lại quê xưa.


Chiều chiều, tôi ngồi bên giòng sông, nhìn đáy sông khô cạn, chờ chồng về. Mỗi lần chàng kiếm được chút đỉnh tiền để mua thức ăn , thì những mầu sắc tươi đẹp cũ, cả ngày không thấy , lại trở về hòa lẫn với nước mắt. Lúc đó, tôi tưởng như lòng sông lại đầy ắp nước như cái hồ trong làng xưa. Và đôi khi, ngồi giặt quần áo trong cái vũng nhiều cát hơn nước này, tôi mơ hồ thấy những cái saris nhuộm bằng tay và nệm trải giuờng đang phơi … biến cái vũng cát này thành một giòng sông rực rỡ muôn mầu. Và lúc đó tôi quên hết ! Quên cuộc đời nhọc nhằn đang sống, để bay vút lên cao như con chim bói cá, vượt trên giòng sông Arbamati. 

 


Thế rồi tôi bắt đầu theo một khóa học dậy những người mù chữ, mong tìm được chút thoải mái trong cuộc đời tăm tối lê thê. Trước khi đi học, tôi chưa hề biết viết tên tôi ra làm sao. Bây giờ tôi hì hục hàng giờ học những chữ cái mà từ trườc đến giờ không có ý nghĩa gì đối với tôi cả. Lúc đó cũng là lúc tôi phải vén cái mạng che mặt lên để nhìn cho rõ, vào bảng đen. Tôi phải thú nhận là nhìn được sự vật một cách rõ rang vẫn hơn. Sau nhiều tháng chăm chỉ học hành, tôi thấy như có một tia sáng mầu vàng tỏa ra từ bảng đen.


Trước đây, tôi cứ nghĩ mầu đen là mầu máu !


Trong lớp, tôi làm quen được mấy người đàn bà cùng số phận như tôi. Nhưng họ kiếm thêm được chút đỉnh tiền phụ trội, bằng cách nấu ăn hay rửa bát cho một tòa nhà chuyên làm đám cưới gần đó. Đôi khi họ mang về đồ ăn thừa rồi bán lại với giá rẻ cho chúng tôi. Tôi rất ít nói, nhưng lại thích nghe chuyện mấy người đàn bà đó, mặt dấu kín sau mạng che. Từ từ các mầu sắc trở lại với tôi, xanh lá cây, cam. tím cà, xanh dương và vàng chanh, tựa như mầu của các thứ rau , trái cây, và quần áo mà chúng tôi chẳng bao giờ mua nổi. Những thèm muốn không thực hiện được đó, tuy nhỏ mọn, nhưng mãnh liệt đến nỗi đôi khi làm tôi mờ cả mắt !



Một hôm, trong lớp học, tôi nghe thấy mấy người đàn bà nói về một đám cưới. Cô dâu cần một người vẽ những tranh con công và vẹt trên tường. Tôi muốn cho họ biết là khi còn ở quê nhà, tôi có tiếng là vẽ tranh tường giỏi, Vào những dịp hội hè lễ lạt như Diwali, Ganesh Chaturhi, Bhai-Bji và Karva Chauth. Vẽ là môn tôi học được của mẹ tôi, khi tôi phụ mẹ pha mầu để vẽ tường nhà.


Tôi tính nói với họ là tôi vẽ được, rồi lại sợ …Tôi sợ phản ứng của chồng tôi khi biết tôi đi ra ngoài làm mà không có phép của chồng ! Nhưng trong khi tôi còn phân vân …thì một hình bóng nổi lên trong bóng tối của mạng che mặt. Đó là hình ảnh con trai lớn của tôi, trần truồng đứng nhìn đống trái cây rữa thối, mắt đầy thèm khát…


Đêm hôm đó, tôi về nhà muộn hơn chồng tôi. Vừa nhìn thấy mặt đỏ gay vì tức giận của chàng là tôi đã run bắn sau mạng che. Khi thấy tay tôi có bao bột và rau tươi, chàng chồm lên đánh tôi bằng cánh tay còn lại cho tới khi tôi ngất xỉu . Chàng gọi tôi là con đĩ, cho rằng tôi đã làm điều xằng bậy để có tiền. Bao nhiêu mầu sắc mới tìm lại được như quay cuồng trong bão tố. Mấy giờ trước đây, tôi pha mầu vẽ thần Radha-Krishna ngồi giữa chim muông và xúc vật, bây giờ những mầu sắc này cứa thân tôi như dao cứa.


Chàng chỉ ngừng đánh khi mấy bà hàng xóm chạy đến cứu tôi và cho chồng tôi biết số tiền kiếm được là do tôi vẽ. Lúc bấy giờ chàng mới nguôi.


Đêm ấy, chàng làm lành với tôi, ăn chung một đĩa với tôi. Ánh sáng vàng lẫn với nước xanh lập lờ của giòng sông làm tôi thấy đời lại đẹp. Kể cũng khó cho chồng tôi chấp nhận là tôi có thể kiếm tiền bằng sở đoản của tôi, tự ái đàn ông mà ! Nhưng đêm hôm đó chàng hiểu rằng chúng tôi không thể sống còn, nếu chàng không cho tôi giúp một tay.

 

Dần dần, mầu sắc của hạnh phúc trở về như những đợt sóng hồng và trắng bạc, xanh lơ và vàng óng, xanh lục và nâu.


Bây giờ mầu đỏ hết là mầu máu, mà là gạch nung cho căn nhà trong mộng.


Mới đầu tôi chỉ vẽ tranh tường cho đám cưới và những dịp hội hè. Sau dó tôi bắt đầu say mê vẽ những hoạt cảnh của làng tôi, cây cổ thụ bên bờ hồ, đàn bò trong ruộng lúa, cái giếng trong làng, sân nhà , đền thờ, các con công con vẹt, và lẽ dĩ nhiên thần Krishna tươi đẹp trong lớp áo xanh.


Tôi hết còn nghẹt thở sau lớp mạng che mặt.


Tôi đã thành một họa sĩ. Và có thể vén mạng để nhìn vào mầu sắc thật của cuộc đời…

 

Lê Trần

Georgetown tháng 7, 2001 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc