RONG CHƠI GIỮA TRỜI HAIKU - Trần Thụ Ân

09 Tháng Giêng 201712:00 SA(Xem: 22441)



haiku-content



Rong chơi giữa trời haiku (俳句, bài cú)


 

Tình cờ biết được thể thơ haiku trên một Yahoo Group, tập tành làm loại thơ này và rồi ăn ở với haiku từ đó. Thể thơ ba câu, 5-7-5 chữ, ngắn gọn này vừa đủ để diễn tả một ý nghĩ, một cảm nhận. Phần còn lại, nếu có, dành cho người đọc tự suy diễn, tìm tòi.

 

 Ôm haiku ngủ say

 Một hôm chợt giật mình thức dậy

 Năm-bảy-năm (5-7-5) vụt bay

 


Chung Quanh Ta



Nếu ta để ý một chút, chung quanh ta có rất nhiều điều thú vị. Bằng một cách nhìn nào đó ta sẽ thấy được ít nhiều sự ngộ nghĩnh.

 

Đồng hồ treo trên tường
Đếm thời gian theo một vòng tròn
Nhưng chưa từng tính lộn

Búa vỗ vào mặt đinh
Đinh chui tuốt vô cây nằm trốn
Không nhúc nhích lặng thinh

Khúc hát từ Ti Vi
Vô trong đầu rồi đi loanh quanh
Tìm kiếm chỗ ghi âm


Hãng tôi ở cạnh phi trường John Wayne, Orange County, thỉnh thoảng lái xe chạy trên đường lúc trời nắng thường thấy những cái bóng máy bay chạy qua mặt mình vù vù như chàng cowboy John Wayne phi ngựa:

 

Ở chung quanh phi trường
Những bóng máy bay lăn trên đường
Gặp đèn đỏ chạy luôn

 

Nhưng vào mùa Đông, khi bầu trời giăng đầy sương nếu không khéo thì lái xe có thể lạc đường dễ dàng:

 

Mùa Đông sương dầy đặc
Chạy theo hai chấm đỏ trước mặt
Căn nhà mình lạc mất



Năm tháng


Giao Thừa là giao điểm của năm mới và năm cũ, là thời điểm tháng Chạp bắt tay tháng Giêng để trao cho một chuỗi ngày mới:

 

Đợi tới đúng Giao Thừa
Chạp trao Giêng một chuỗi ngày nữa
Cứ chuyền đi như xưa

 

Nhưng với tôi, khoảng thời gian ngắn ngủi của bình minh lại được đo một cách khác:

 

 Dậy sớm em tụng kinh
Anh chưa tỉnh ngủ nằm lặng thinh
Ta: hai đầu bình minh

 

Tuy sinh nhật là dấu mốc để đánh dấu thời gian nhưng có khi lại quên mất:

 

Nhìn lịch bỗng giật mình

Hôm nay sinh nhật đến thình lình

Cũng là thiệp báo tin

 

Đôi khi người ta cố gom quá khứ và tương lai vào trong bàn tay:

 

Bấm mấy đốt ngón tay

Tính năm, tính tháng, tính luôn ngày

Quá khứ tìm tương lai



Cõi ngoài



Rừng là nơi rộng lớn mà ngàn thú hoang tung hoành chạy nhảy không giới hạn, nhưng lại trở thành một chấm nhỏ trên trái đất:

 

Muôn cây mọc nên rừng
Vẽ một chấm nhỏ trên trái đất
Ngàn thú hoang biến mất


Còn biển tưởng chừng chẳng bao giờ thay đổi nhưng thật ra mỗi lần sóng biển đánh vào bãi cát có thể đã để lại một chút gì đó, có khi cả một ruộng muối:

 

Biển vào bờ mắc cạn
Bỏ lại một phần thân xác mặn
Trắng xóa một màu tang


Và những đóa hoa đẹp đẽ đang khoe sắc trên cành kia cũng biến thể thật dễ dàng:

 

Trên cành hoa khoe sắc
Gặp cơn gió mạnh rơi lác đác
Chợt đổi tên thành rác


Cũng giống như hoa có lúc tóc cũng rơi rụng xuống đất. Nhưng chẳng phải đó là cơ hội để một phần ta rong chơi sao?

 

Sợi tóc rơi xuống đất
Gió cuốn bay đi bốn phương trời
Một phần ta rong chơi


Đối với những mái tóc dài thì gió vẫn thích hơn, nhưng chỉ có thể mân mê thôi:

 

Gió mân mê tóc dài
Cột hoài không được tóc cứ bay
Gió cần thêm bàn tay



Cõi trong


Ở cõi trong, nơi mà những giấc mơ tung hoành nhưng đôi khi chẳng để lại một dấu vết gì cả:

 

Giấc mơ chừng hơi lạ
Quanh co trong đầu không lối ra
Nên không nhớ gì cả


Có lúc vài ý tưởng lạ lại làm nên những chiếc cầu, nối giữa cõi trong và cõi ngoài:

 

Hai ba ý tưởng lạ
Không ưa nằm trong đầu chung chạ
Mượn bài thơ chui ra

Nếu ý tưởng lạ không chui ra được thì cũng phiền:

 

Một ý tưởng lạ kỳ
Chui vào đầu rồi cứ ở lì
Giấc ngủ thêm mộng mị

 

Nhưng chữ nghĩa phải ở đúng chỗ trên mặt giấy thì bài thơ mới chịu nằm yên:

 

Chữ chạy trên mặt giấy
Tìm đúng chỗ ở đâu vào đấy
Bài thơ thôi động đậy




Ngụ ngôn


Đây là những mẫu chuyện nho nhỏ của những thú vật nên tôi gọi là ngụ ngôn.


Mỗi năm đúng vào ngày 19 tháng 3, hằng ngàn con én từ Goya, Argentina bay về lại thành phố ven biển San Juan Capistrano, California, một khoảng cách 12000km, mang đến mùa Xuân và lễ hội tưng bừng bắt đầu bằng tiếng chuông tại ngôi giáo đường được lập ra từ năm 1776:

 

Ngày mười chín tháng Ba
Đàn én bay mấy ngàn dặm xa
Về rung chuông quê nhà

Ở xứ ta Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau vào tháng Bảy nhờ bầy quạ:

 

Mỗi năm vào tháng Bảy
Bầy quạ bắt cầu đưa cánh vẫy
Mời đôi lứa sum vầy


Và những câu hát về con cò chắc ai cũng nhớ:

 

Con cò đi ăn đêm
Không thấy đường, đậu phải cành mềm
Lộn cổ chết bên thềm

Trong thiên nhiên ta vẫn thường thấy cái chết của loài này mang tới sự sống cho loài khác:

 

Sư tử đói lã người
Núp trong bụi rình rập con mồi
Sống và chết một nơi

Sợi tơ rớt từ trời
Chằng chịt giăng khắp cửa luân hồi
Nhện chờ ruồi muỗi tới

 

Nhưng nếu vì cái ăn mà gấp gáp quá thì có thể bị rắc rối:

 

Con cò mổ con cá
Nuốt trộng vào bụng nghe lạ quá
Hồ nhỏ nổi phong ba

 

Một số thú vật có những khả năng đặc biệt để có thể sống còn trong thế giới này:

 

Bầy dơi không thấy đường

Bay trong đêm nhờ mũi dị thường

Xin cảm ơn mùi hương

 

Lạc đà gặp bão cát

Lạc đường tìm không ra bóng mát

Bướu nào làm đỡ khát?

 

Tục ngữ thường dùng vài hình ảnh đặc thù của thú vật để dạy đời, nhưng thật cô đọng. Thử giải thích thêm những tục ngữ này bằng haiku xem sao:

 

Ếch ngồi đáy giếng sâu

Nhìn lên cao có thấy gì đâu

Tưởng trời là cái đấu

 

Hổ phụ sinh hổ tử

Con học giỏi nhờ cha hay chữ

Giống dòng đều một thứ

 

Như cá nằm trên thớt

Chờ một lưỡi dao oan nghiệt rớt

Cái chết đến dễ ợt

 


Thiền


“Niêm hoa vi tiếu” là câu chuyện mang nhiều thiền ý đặc biệt:

 

Phật đưa lên cành hoa
Nụ cười Ca Diếp bay thật xa
Đáp xuống lòng ta bà

 

“Tiếng vỗ một bàn tay” có ai nghe được không?

 

 Tiếng vỗ một bàn tay

 Dễ gì nghe được bằng hai tai

 Nhắm mắt đi sẽ thấy

 

Còn thiền tích sau thì thế nào?

 

 Gió và cờ trên cây
Gió đang rung, hay cờ đang bay ?
Chỉ cái tâm động đậy



 Trần Thụ Ân

 (01/2017)




Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Ba 20178:00 SA
Khách
Thơ Haiku hay quá là hay... Ba câu tuy ngắn mà ý nghiã đủ đầy, thi sĩ gieo vần rất khéo.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc