KHÚC HOÀI NIỆM - Ngọc Bảo

07 Tháng Mười Một 201612:00 SA(Xem: 23383)



wind-content



Khúc hoài niệm

 


Buổi sáng chủ nhật, tôi đang theo dõi trên truyền hình những hoạt náo của một cuộc bầu cử tổng thống điên đảo có một không hai trong lịch sử, cảm thấy chán nên đổi đài. Chợt nghe tiếng Thái Thanh vang lên trong một bài hát xưa cũ:


 Đi đi anh đưa em đến công viên

 Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối

 Ôi môi em, môi em như mật đắng

 Như móng sắc thương đau

 Như móng sắc thương đau…

 


Bài hát của Phạm Đình Chương, “Dạ tâm khúc”, phổ nhạc từ bài thơ “Dạ khúc” của Thanh Tâm Tuyền. Tiếng hát Thái Thanh nỉ non như xoáy vào hồn người những cung điệu của một cuộc tình giông bão, một cuộc tình có vị của mật đắng, của hạnh phúc trong thương đau, của sự gần nhau mà đã thấy xa nhau:


 Đi đi anh đưa em vào quán rượu

 Có một chút Paris

 Để anh được làm thi sĩ

 Đi đi anh đưa em vào quán rượu

 Hay nửa đêm Hà Nội

 Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…


 

Bài hát như khúc hoài niệm đưa tôi trở về những vùng trời xưa cũ, ngay trong vòng xoáy không ngừng của những biến thiên trong hiện tại. Tôi tự hỏi, không biết còn được nghe những khúc hát như thế này cho tới bao giờ? Bởi vì những tâm tình diễn tả trong đó dường như đã trở thành xa lạ, lạc loài đối với những thế hệ mới của ngày nay. 


 

Mới đây tôi nghe tin một trung tâm văn nghệ nổi tiếng ở hải ngoại chuyên sản xuất những video giá trị với những giòng nhạc xưa cũ nay đã phải chuyển hướng, vì những giòng nhạc ấy đã trở thành “lỗi thời”, không còn được ủng hộ nhiều như xưa. Thay vào đó, có lẽ là những loại nhạc mới rỗng tuếch mà tôi nghe được qua một số chương trình, loại nhạc vô hồn, vô vị, không để lại chút dư âm gì, nghe một lần rồi không còn nhớ tới nữa, và kể cả những giọng hát cũng không còn cá tính, như một sản phẩm được hun đúc hàng loạt, cùng một lò với nhau.

 


Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ những ngày xưa thân ái của một thời văn hóa nghệ thuật nở rộ trong nền dân chủ tự do của miền Nam Việt Nam trước 1975. Nhiều thế hệ đã trôi qua, vật đổi sao dời, làm sao tránh được những đổi thay trong khuynh hướng thưởng ngoạn của con người. Chỉ tiếc rằng, những giòng nhạc đầy tính chất nghệ thuật như ngày ấy giờ không còn nữa. Giòng âm nhạc trong đó thơ và nhạc quyện lấy nhau, trong lời hát đã có chất thơ, và trong lời thơ cũng đã có sẵn cung điệu của lời hát. Những nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Nhật Trường, Lam Phương v.v.. mỗi người là một ngọn núi cao vời, nổi trội với tài năng độc đáo của riêng mình. Mỗi bài hát là một tuyệt tác không chỉ về âm điệu, mà còn trong từng lời trau chuốt đầy ý nghĩa. Những bài hát như thế đòi hỏi một giọng ca đặc biệt có thể diễn tả được trọn vẹn những uẩn khúc và tâm tình của tác giả. Làm sao ta quên được giọng hát nức nở của Thái Thanh trong “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương:


 “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau

 Ôi sao ngàn trùng cách xa nhau

 Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào…”

 

 Hay của Lệ Thu nồng nàn trong “Ngậm ngùi”, nhạc Phạm Duy phổ thơ Huy Cận:


 “Nắng chia nửa bãi chiều rồi

 Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu

 Sợi buồn con nhện giăng mau

 Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây..”

 


Cũng như những nhạc sĩ, mỗi ca sĩ cũng đều có những tài năng và cá tính nổi bật, làm chủ một lãnh vực riêng biệt cho mình, không ai có thể thay thế được. Sự diễn tả trung thực một bài hát đòi hỏi người hát phải cảm nhận được cái hồn trong bài hát ấy, hiểu đời sống của tác giả như chính đời sống của mình. Những người cùng thế hệ, cùng thời đại sẽ dễ thể hiện được điều đó hơn là những ca sĩ không cùng thế hệ, không từng sống trong môi trường sống của nhạc sĩ sáng tác. Vì vậy, biết bao người đã hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng không giọng hát nào có được sức truyền cảm, thu hút được người nghe như giọng hát Khánh Ly. Một vài lần, tôi đã đi dự những buổi nhạc thính phòng với bài hát và ca sĩ chọn lọc, trong đó có những ca sĩ thuộc thế hệ sau đến từ Việt Nam. Những bài hát tuyển lựa đều thuộc vào loại nhạc xưa trước 1975, những bài hát được ưa thích gợi lại nhiều kỷ niệm. Nhưng các ca sĩ thời nay, mặc dù hát rất hay và điêu luyện, vẫn không truyền đạt được cái hồn của bài hát, mà có vẻ như phô trương giọng hát của mình nhiều hơn, với những chỗ ngân dài quá mức, khiến người nghe chỉ cảm thấy mệt mỏi. 


 

Âm nhạc là một phần của văn hóa. Một giọng hát phô trương có lẽ cũng biểu hiện phần nào một nền văn hóa phô trương. Sự phô trương thường xuất phát từ một tâm trạng tự mãn hoang tưởng để che lấp một mặc cảm tự ty nào đó. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người có thực tài hay thực lực không cần phải biểu diễn hay nói ra người khác cũng nhận biết được. Một đất nước văn minh không ở nơi những nét hào nhoáng bên ngoài phô trương sự giầu có hay tiện nghi, mà ở trình độ văn hóa , sự giáo dục, nhân cách, và thái độ ứng xử của dân tộc đó. Văn hóa của các nước cộng sản thường là văn hóa phô trương, chủ yếu là khoe khang thành tích, nhưng thực chất nghèo nàn và què quặt, vì đó là một nền văn hóa bị kiềm chế, con người không có quyền tự do diễn đạt những cảm xúc trung thực của mình. Tôi còn nhớ những năm đầu tiên sau ngày 30-4-1975, âm nhạc của miền Nam Việt Nam bị gán cho nhãn hiệu “nhạc vàng” và bị cấm đoán nghiêm ngặt, thay vào đó là một loại nhạc quái đản mà tôi gọi là “chim kêu vượn hú”, một pha trộn của những âm thanh hỗn độn với những lời vô nghĩa xách động lòng thù hận. Sống trong môi trường của sự chỉ đạo gắt gao một chiều đó tâm hồn con người sẽ héo hắt dần và không còn chút hứng khởi, hay năng lực sáng tạo gì nữa.


 

Giữa thập niên 1980, khi đặt chân lên đất nước Thái Lan, lần đầu tiên được thấy lại những cuốn băng cassette “nhạc vàng” của Việt Nam trong trại tỵ nạn chuyển tiếp, nghe lại những giọng ca quen thuộc, nỗi xúc cảm dâng trào trong tôi thật không thể nào tả xiết; nhất là khi cùng mọi người hát bài “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy bên lá cờ vàng năm xưa, tôi cảm thấy như đã tìm lại được chính mình.


 Việt Nam nghe từ vào đời

 Việt Nam hai câu nói trên vành nôi,

 Việt Nam nước tôi!

 Việt Nam tên gọi là người

 Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời

 …………..

 Việt Nam đây miền xinh tươi

 Việt Nam đem vào sông núi

 Tự do công bình bác ái muôn đời

 Việt Nam không đòi xương máu

 Việt Nam kêu gọi thương nhau

 Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…


 

Nền âm nhạc tự do ở hải ngoại còn phát triển một thời gian, nói lên nỗi niềm của người Việt lưu vong trong những ngày đầu bôn ba nơi xứ người khi lòng nhớ quê hương vẫn còn nặng trĩu, như những bài nói lên tâm trạng người di tản buồn của Nam Lộc, của Việt Dũng, Nguyệt Ánh, Phạm Duy v.v.. và sau đó là những bài hát trữ tình đầy tính Việt Nam của Ngô Thuỵ Miên, Nhật Ngân, Lam Phương, Tuấn Khanh, Trầm Tử Thiêng v.v.. Trải qua bao năm, những nhạc sĩ sáng tác cũng mai một dần với tuổi đời chồng chất, tâm hồn mòn mỏi, người ra đi cũng đã nhiều, người ở lại chẳng còn bao nhiêu.


 

Vẫn biết tất cả mọi pháp đều là Không, cuộc sống là vô thường, mọi sự đều là huyễn hóa, đến rồi đi như cơn mộng, nhưng âm nhạc như một món ăn tinh thần thiết yếu cho sự thăng hoa tâm hồn của con người vẫn có giá trị vượt thời gian và không gian. Tôi tin rằng, dù bề ngoài con người có thay đổi qua bao thế hệ, nhưng bản chất tình cảm vẫn là như thế, người xưa cũng như người nay. Dù thị hiếu con người có thay đổi, nhưng những giòng âm nhạc có giá trị thực sự đi vào lòng người cũng sẽ vẫn còn tồn tại ở đó, và dù cho có đi vào quên lãng, một ngày nào đó người ta cũng sẽ tìm lại chúng, và có thể trong một cách nào đó chuyển biến cho thích hợp hơn với thời đại.

 


Ngọc Bảo


Tháng 11, mùa thu 2016


(Vài cảm nghĩ của một người không biết nhạc nhưng yêu nhạc)




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc