TƯỞNG NHƯ MÒ KIM ĐÁY BIỂN - Phạm Vi Dân

01 Tháng Mười Một 201612:00 SA(Xem: 23950)



TƯỞNG NHƯ MÒ KIM ĐÁY BIỂN


Trích từ "Nhật Ký Chuyến Bắc Du"


Để có chút quà mọn nhân ngày lễ Tạ Ơn.



pvdan

 


Từ giã Union city, CA; chúng tôi hướng về phía Bắc mà mục tiêu là Ashland, Oregon. Trong trí nhớ còn sót lại của M., Ashland là gió lạnh và mưa như không bao giờ dứt hạt.


Ba mươi năm truớc đây, gia đình M. chân ướt chân ráo bước xuống phi trường Medford và được người bảo trợ dẫn về đây: Ashland. Gia đình M. được cho ở trong một apartment, ngày đi làm, đêm cắp sách đến trường học ESL. Được một nhà thờ Do Thái Giáo bảo trợ, hằng ngày có người đưa đón đi chợ và đi học. Ba mươi năm với bao vật lộn cam go trong cuộc sống xa lạ, mọi thứ: từ ngôn ngữ cho đến phong tục tập quán đều khác hẳn với những gì đã từng quen thuộc ở quê hương…Những khắc nghiệt, những cam khổ. những niềm vui lớn nhỏ, những vật đổi sao dời…tất cả rồi cũng phai mờ đi, hình ảnh những người bảo trợ tốt bụng tận tụy, đầy lòng nhân ái thời gian cũng đã khá phôi pha... chỉ còn lại một cô giáo ESL: thuở ấy khoảng hơn 40 tuổi là không bao giờ quên được. M. chỉ còn nhớ cái tên hình như là Andria hay Andira gì đó: một cô giáo tận tụy và hy sinh vô bờ bến. Mặc dầu M. chỉ ở Ashland vỏn vẹn hai tháng, rồi sau đó đi tiên phuông xuống Los Angeles, CA để dọn đường tìm cách đưa gia đình xuôi Nam, nơi có nhiều người cùng chủng tộc cùng ngôn ngữ sinh sống. Chỉ hai tháng tạm trú ở Ashland và vài mươi buổi đến trường mà hình bóng cô giáo Andrea (tên cô giáo) như không bao giờ phai nhạt. Trong hai tháng ngắn ngủi đó, cô giáo đã không biết bao nhiêu lần đưa về nhà, hoặc cùng đi chơi với nhau (để thực tập tiếng Anh), thậm chí còn đưa M. và người chị tên B. đi thăm San Francisco (hôm gặp nhau còn nhắc lại là hồi đó chỉ mua $8.00 xăng cũng đủ đi từ Ashland đến San Francisco) bằng chiếc xe con cóc (beetle) màu vàng của bà ta.


Nhân chuyến đi thăm xui gia ở Union city, CA, M. đề nghị cố đi tìm, xin nhắc lại cố đi tìm cho ra bà Andrea. Chuyện đâu phải dễ dàng; đã gần 30 năm rồi còn gì. Với chỉ một first name trơ trụi, và khoảng chừng 40 tuổi mà đã 30 mươi năm rồi không liên lạc nhau. Biết bà ta có còn sống không?.Biết bà ta có còn ở đó không hay là đã dọn đến một thành phố, một tiểu bang khác… Bao nhiêu câu hỏi và bao nhiêu những rối rắm để tìm cho ra một người với những chi tiết ít oi, mơ hồ như vậy.


Tôi cảm kích về lòng biết ơn sâu đậm và lâu dài đó của M. (và của cả gia đình M.) và tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng tìm cho ra bà Andrea.


Thẳng tiến trên I- 5 về hướng bắc, chúng tôi trọ lại một đêm ở Redding, CA;và sáng sớn hôm sau lại lên đường hướng về Ashland… Chúng tôi nghỉ ở Weed Rest Area…, rồi Clamath river rest area… Tại đây trong lúc M. đi restroom, tôi tò mò vào phòng information hỏi một bà cụ khoảng 80 tuổi:


“ - Thưa cụ, vợ tôi 30 năm trước có ở Ashland hai tháng, và học ESL với một cô giáo tên Andrea, cô ta không nhớ last name, cô giáo lúc đó khoảng 40 tuổi. Sau ba mươi năm hôm nay, vợ tôi muốn đi tìm cô giáo, bà có cách nào giúp chúng tôi tìm được không?”


Bạ cụ mỉm cười bao dung và nhìn tôi ái ngại:


“ - Ba mươi năm. Nhiều thay đổi quá. Hy vọng sẽ rất nhỏ nhoi cho dù may mắn bà ta còn sống và còn ở đó; còn nếu bà ta đã di chuyển đi đâu rồi thì hy vọng lại còn nhỏ hơn nữa. Theo tôi nghĩ, cậu nên đến nơi mà cô ấy học, gặp người làm ở văn phòng và nói hoàn cảnh của ông bà, nói cho người ấy first name của cô giáo, 30 năm trước khoảng 40 tuổi… xem họ có tìm được không? Dù sao tôi cũng chúc ông bà nhiều may mắn.”


Với một ít lời khuyên đó, liệu chúng tôi có mảy may hy vọng nào không?


Khi M. đi restroom ra tôi tường trình việc “điều tra” của tôi cho M. nghe.


M. nói:


- Em nhớ là lúc đó học trong cái trailer, không biết bây giờ cái trailer còn ở đó không, và thậm chí em không nhớ chỗ đó là chỗ nào, vì đã 30 năm rồi, mà em chỉ ở đó có hai tháng mà thôi, đi học chắc khoảng hơn 20 lần…


Thế là niềm hy vọng trở nên mỏng manh thêm!



Chúng tôi vào địa phận Ashland, check in khách sạn, tắm rữa, thay quần áo sạch sẽ, rồi đi ăn trưa. Chúng tôi vào Panda express, một tiệm ăn tàu. Chúng tôi gọi món salad và một phần mì xào hải sản, trà đá…


Ăn xong, trên đường vào restroom rửa tay, tôi đi ngang qua một ông Mỹ lớn tuổi, ông đã order món ăn và đang chờ dọn ra. Tôi ngồi xề xuống và hỏi ông:


“Thưa ông, tôi có thể hỏi ông một câu không?

- Vâng, ông cứ tự nhiên.

- Thưa ông, ông đã ở đây lâu chưa?

- Khoảng 30 năm.

- Vậy thì may quá! Vợ tôi - cô ngồi đằng kia, 30 năm trước ở đây hai tháng và có học ESL với cô giáo tên là Andrea, lúc đó cô giáo khoảng 40 tuổi. Bây giờ chúng tôi muốn tìm lại cô giáo đó, ông có cách nào giúp chúng tôi được không?”


Ông ta suy nghĩ lung lắm và lắc đầu:


“Tôi thấy khó quá. Không biết cô giáo ấy có còn sống và còn ở đây không. Nếu vợ ông nhớ được cái last name thì may ra, còn first name thì tôi e là có đến hàng vạn người mang first name như thế. Theo tôi, ”the best bet” (chữ ông dùng) là ông bà nên đến thư viện công cộng và nói hoàn cảnh của ông bà..Tôi hy vọng là họ sẽ cảm kích vì lòng biết ơn của ông bà đối với cô giáo, dù đã 30 năm rồi mà còn nhớ lại đi tìm như vậy.. Hy vọng họ sẽ cố giúp cho.

- Cảm ơn lời khuyên và sự giúp đỡ tận tình của ông.

- Chúc ông bà may mắn.


Sau khi ăn xong, chúng tôi đến ngay thư viện, tìm chỗ đậu xe rồi tìm lối vào trong. M. cứ trầm trồ khen ngợi thư viện sao mà đồ sộ quá! Một thành phố nhỏ mà thư viện vĩ đại như vầy! (nên nhớ thành phố Ashland có nhà hát Shakespeare nổi tiếng thế giới)


Chúng tôi vào, gặp một nhân viên thư viện, tự giới thiệu và trình bày mục đich của mình.Bà ta vui vẻ:


- “Hy vọng được thôi, nhưng tôi đang bận quá, để tôi giới thiệu ông bà với Amy, cô ấy sẽ giúp đỡ quí vị.”


Bà đưa chúng tôi lên lầu, giới thiệu với Amy, rồi bắt tay từ giã sau khi đã chúc chúng tôi may mắn.


Amy tiếp chúng tôi ở phòng làm việc với nhiều giấy tờ và điện thoại.


Chúng tôi trình bày mục đích của chúng tôi. Amy vui vẻ nói:


- Tôi biết một người, ông ta trước đây làm ở international languages. Tôi hy vọng ông ta sẽ rất thông thạo về các giáo viên dạy ESL. Cô ta lên lầu mang xuống một ông Mỹ trắng cao lêu nghêu và giới thiệu với chúng tôi:


- Đây là Bill, tôi hy vọng Bill sẽ giúp được ông bà toại nguyện.


Chúng tôi trình bày hoàn cảnh và mục đích của chúng tôi với Bill.


Ông ta như có vẻ cảm kích, và lẩm bẩm như tự nói với mình:

- Ba mươi năm còn nhớ một cô giáo, dù chỉ học hai tháng, thật là một cử chỉ tuyệt vời!


Xong ông nhìn chúng tôi:

- Hy vọng và cầu mong cho ông bà tìm được người năm xưa ấy.


Ông nói thêm.


- Tôi làm ở văn phòng chuyên trách về phần vụ tổng quát. Đế tôi cho số phone của một người cũng tên Amy. Cô này phụ trách về các giáo viên dạy ESL. Ông ta viết số phone và đưa cho Amy 1, rồi ông bắt tay từ giả chúng tôi và không quên chúc chúng tôi may mắn. Ông còn nói thêm:


- Tôi cầu nguyện Thượng đế trên cao giúp những người ơn lành được toại nguyện.”


Amy 1 xin phép chúng tôi qua phòng bên cạnh gọi cho Amy 2.


Chúng tôi nghe bà nói rất lớn qua phone cho Amy 2, rồi bà quay lại nói với chúng tôi:


- Tiếc quá Amy không có ở nhà, nhưng tôi có để lại message cho cô ấy. Hy vọng cô ấy sẽ nhận được và giúp đở ông bà. Xin ông bà cho tôi số cell phone, tôi sẽ gọi lại ông bà để báo tin.”


Tôi đưa số phone và từ giả Amy với lòng cảm kích vô cùng về sự giúp đỡ nhiệt tình và vui vẻ của tất cả nhân viên trong thư viện.


Thế là chúng tôi ra về, phó thác niềm hy vọng nhỏ nhoi của mình cho số phận.


Chiều đến,,chúng tôi lái xe lang thang khắp mọi nẻo đường của cái thành phố nhỏ bé mà thơ mộng này. Chúng tôi tạc vào Shakespeare festival, vào công viên, ra bờ sông, thậm chí chúng tôi còn mò gần đến Medford, vừa lái xe ngoạn cảnh vừa cố ý chờ một cú phone may mắn. Thế rồi chiều cũng qua đi và đêm cũng êm đềm phủ lên thành phố rực rỡ sắc màu hoa cỏ tươi vui đang vào hạ.


Sáng hôm sau, chúng tôi thu dọn và lên đường, từ giả Ashland vừa thân yêu vừa xa lạ.


M. cứ lẩm bẩm luôn miệng như tự nói với mình:


- Thành phố hôm mới đến cách đây 30 năm sao lạnh lẽo, hoang tàn, cây cối trơ trụi những cành khô lạnh giá (vì gia đình đến vào tháng 2) sao giờ này tươi đẹp như cảnh thần tiên. Thành phố nằm trên sườn đồi đẹp không tả vào đâu được: cây cối xanh tươi, hoa nở rực rỡ trong cái nắng vàng tươi mát của tháng bảy!”



Trên đường đến Grants Pass city, chúng tôi phải ngừng lại nhiều lần để ghi lại hình ảnh Ashland vừa thân quen vừa xa lạ một cách ngỡ ngàng này. Mọi hy vọng tìm ra người năm trước xem như là mây khói. Dẫu sao thì chúng tôi cũng đã cố hết sức mình. Bốn ngày Ashland bắc tiến, rồi bốn ngày Los Angeles Nam xuôi, vượt hàng ngàn dặm đường đễ tìm một người quen lảng đảng với những nét mơ hồ sau gần 30 năm: Tên Andrea, khoảng 40 tuổi, như vừa xa lạ vừa thân thương với những nét đậm nhạt trong ký ức của M.


Từ Ashland đến Grants pass, chúng tôi lái xe rất thư thả,. Chúng tôi tạt ngang qua Medford, nơi đây B., chị của M. cũng đến đây năm ngoái, cũng để đi tìm Andrea, nhưng bị tuyết ngập đường khi xuống xe bus Grayhound và phải ngủ lại Medford một đêm để sáng hôm sau quay về Los Angeles: trắng tay.


Khi chúng tôi tình cờ lái xe qua Grayhound station, thì M. la lớn:


- Đây! Chị. B. xuống xe ở đây. Coi thử khách sạn chị ngủ chỗ nào chụp một tấm hình kỷ niệm.


Chúng tôi chụp hình Grayhound station mà không tìm được khánh sạn nơi chị B. ngủ.


Chúng tôi tiếp tục hướng về phía bắc. Trên đường thấy bản chỉ dẫn xa lộ Rogue River highway, tôi đoán là xa lộ chạy ven sông nên chúng tôi tạt xe vào và nhàn du lái xe theo bờ sông tiếp tục hướng về phía bắc.


Thành phố City of Rogue River êm đềm và thanh bình quá! Chúng tôi đi qua những vườn cây ăn trái, những trại chăn nuôi, những cây cầu nho nhỏ bắc ngang qua dòng sông, những nhánh sông thơ mộng khi thì trườn mình giữa cây xanh bóng mát, khi thì cuồn cuộn vượt qua những ghềnh thác từ cao đổ xuống. Cuối cùng, máy GPS của tôi lên tiếng:


- Điểm đến của quí vị ở bên trái!


Ủa. đến rồi à. Cái B&B (Bed and breakfast) của chúng tôi ngủ đêm nay ngay bên tay trái của chúng tôi nhìn ra bờ sông thơ mộng kia kìa. Thực tình, tôi không dự định như vậy. Tôi cứ nghĩ là lái xe dọc theo bờ sông một đoạn, rồi tìm đường trở ra I- 5 để lái đến chỗ trọ. Thế mà chúng tôi cứ mải vui chơi, ngắm cảnh chụp hình… mà quên mất, đến nơi một cách không ngờ!!


Chúng tôi check in B&B. Tắm rửa thay quần áo và sửa soạn đi chơi rồi đi ăn chiều. Sau đó quay về, sửa sọan cho chuyến hồi hương vào sáng sớm hôm sau. Chúng tôi dự định hướng về phía tây theo xa lộ 199 (Redwood highway) ra biển, rồi từ đó nối với 101 Hwy mà xuôi Nam.


Còn sớm quá. Chúng tôi nán ở lại phòng khách. Tôi đọc sách và tìm hiểu thêm những phong cảnh và điểm du lịch hấp dẫn của địa phương này. Từ đây đến Crater Lake không xa. Đây là một điểm du lịch thu hút khách du lịch của cả thế giới. nhưng thì giờ có còn đâu, mà cũng đâu còn lòng dạ nào! Mai chúng tôi đã phải quay về … với hai bàn tay trắng như chị B. năm ngoái. Thật là công dã tràng! Thôi cũng không sao. Mình đi du lich mà. Dẫu không tìm được Andrea thì mình cũng đã đi khá nhiều ngày đường và học biết bao nhiêu là sàng khôn! Đi một ngày đường học một sàng khôn mà!!


Tôi đang đọc sách; M. đang xem Tivi thì cái cell phone trong phong ngủ của chúng tôi reo lên. M. chạy vào lấy và đưa cho tôi:


Hi. Đây là D. đang lắng nghe.

- Hello D. Đây là Andrea. Bây giờ ông ở đâu?

- Tôi đang ở Grants Pass city, cách đó khoảng 1 giờ lái xe.

- Thế thì làm sao gặp mặt?

- Không sao. Tôi và M. sẽ quay lại ngay. Gặp ở đâu?

- Có biết Shakespeare festival không?

- Có. Chúng tôi có đến đó chiều hôm qua.

- May quá. Tôi chờ ông bà ở đó.


Chúng tôi vội vã ra xe, và Ashland trực chỉ. Mừng và vội quá đến nổi chúng tôi quên cả cái cell phone mà trong đó có số phone của Andrea. Không sao. Chúng ta sẽ tìm ra bà ta ngay, tôi nói an ủi với M. như vậy.


Từ Grants Pass trở lại Ashland chỉ khoảng một giờ, thế mà chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện để hỏi.


Liệu có tìm ra bà không? Bà có thay đổi nhiều không? Thay đổi quá làm sao nhận ra? Liệu có còn nhớ đường trở lại Shakespeare festival không? Nếu thấy lâu bà ta có gọi lại không? Và bà có gọi lại thì phone ở đâu mà nghe??...


Khi xe quẹo vào Shakespeare festival, tôi nhìn thấy một người đàn bà cứ chầm chầm nhìn vào xe mình (chắc thấy bản số CA), tôi nói với M.:


- Chắc là Andrea kia kìa.


Vừa nói tôi vừa giơ tay lên ra hiệu. Bà ta vẩy tay lại và nhào đến xe chúng tôi.


Tôi vừa mở cửa xe, M. cũng phóng ra, hai người ôm nhau. Hai người cùng rơm rớm nước mắt.


Ba mươi năm không còn liên lạc nhau. Vượt hơn ngàn dặm tìm nhau với với cái first name Andrea và khoảng 40 tuổi. Thế mà chúng tôi đã tìm ra nhau.


Thật là như chuyện mò kim đáy biển!




Hôm chia tay ra về, chúng tôi có mời Andrea và con gái bà là Sivan (Khi gia đình M. dọn hết về Los Angeles thì bà sinh được cô con gái, nay gần 28 tuổi - chúng tôi chưa gặp mặt cô gái) nếu có dịp mong bà về Cali chơi. Bà thật lòng nói là muốn lắm nhưng không có tiền. Vợ chồng tôi có nói là sẽ về nói lại với chị em trên đó xem sao.


Khi về đến nơi, chúng tôi nói là chúng tôi đã tìm ra bà Andrea, ai nấy cũng vui mừng không xiết và thực sự “giựt mình” là chúng tôi đã tìm được bà. Chị B. đã cho tiền và tôi đã mua cho mẹ con bà hai vé máy bay. Mùa Giáng sinh này, mẹ con bà sẽ xuống chơi với chúng tôi từ 23 đến 27 tháng 12. Nhà tôi sẽ là B&B cho mẹ con bà, và chị em con cháu đã đăng ký chia nhau mời mẹ con bà đi chơi và đi ăn chung với từng gia đình. T., em trai của M. giành ra đón mẹ con bà ở phi trường.



Nhân ngày lể Tạ ơn, Tôi xin trân trọng cảm ơn những người đã chỉ dẫn giúp chúng tôi tìm ra Andrea, đặc biệt cảm ơn Amy 1, Amy 2, Bill, cụ bà ở Clamath River rest area, và vị thực khách tốt bụng tại Panda express ở Ashland, Oregon.


Tôi cứ tự hỏi với mình: Sao người Mỹ lại tốt bụng và tận tụy với những chuyện ”trời ơi” như thế? Tôi cứ tưởng là khi nhờ họ như vậy, họ hứa cho qua chuyện rồi quên đi như ở nhiều nơi khác trên thế giới hỗn tạp này thì cũng có sao đâu. Thế mà họ đã tận tụy giúp đỡ đến nơi đến chốn như vậy. Rõ ràng là nền giáo dục và nếp sống tâm linh đã ảnh hưởng sâu đậm vào lời nói và hành động hằng ngày của họ. Ôi! Một đất nước và con người tuyệt diệu làm sao!!!



Phạm Vi Dân


Mùa Tạ ơn 2010 - L.A.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc