TẢN MẠN NGÀY XUÂN - Phạm Vi Dân

19 Tháng Mười 201612:00 SA(Xem: 24634)



tinh_dong_doi



Tản mạn ngày xuân.



Tùy Bút - Tặng hai con: Diễm Dung và Hiển Minh.




N
hớ năm tôi được thuyên chuyển từ Bạc Liêu về tiểu đoàn 20 CTCT ở Pleiku, vợ tôi vừa sinh được đứa bé gái đầu lòng gần một năm, lòng tôi cứ miên man suy nghĩ về nó. Tôi ước ao về đến nhà bồng cái thân hình bé bỏng của nó vào lòng mình, nhìn vào đôi mắt trong, đen thăm thẳm của nó mà mơ ước một tương lai tươi đẹp cho nó.


N
ăm trước, khi vợ tôi nhờ cậu Tư Bình điện thoại vào Bạc Liêu báo tin là vợ tôi sắp sinh; vợ tôi và cả nhà quyết định là từ nay trở đi tôi phải dẹp bỏ cái thói "giang hồ vặt" của tôi ở một xó nào đó và bắt đầu gần gũi với gia đình lo lắng cho vợ con. Cậu Tư Bình hỏi là dượng đã tính đặt tên cho cháu là gì chưa?Những ngày Bé sắp ra đời, Nha Trang cực kỳ sôi bỏng với phong trào chống tham nhũng của Bác sĩ Hà Thúc Nhơn. Bác sĩ Nhơn là một thiên tài về phẫu thuật, và là một xạ thủ súng colt 45 rất cừ. Lòng Bác sĩ với lời thề Hippocrates (1) khi ra trường, đau đớn với cái nạn bất công và tham nhũng triền miên của Quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang nói riêng và toàn quốc nói chung, ông chiếm QYV Nguyễn Huệ và tuyên chiếm với bất công và tham nhũng. Lòng người dân Nha trang vui mừng sung sướng vì thấy những kẻ sĩ đã thức tỉnh, đớn đau với đạo đức xuống dốc và tiền đồ đen tối của dân tộc đã đứng lên.


Những sĩ quan trẻ chúng tôi, có ít vốn chữ nghĩa trường ốc và hấp thụ được một ít đạo đức chính dòng trong sáng, rất phấn khởi và lòng khát khao bao hy vọng. Anh em chúng tôi, dù phần đông không chọn binh nghiệp như lẽ sống của mình, nhưng sau Tết Mậu Thân, cùng với vận nước điêu linh,chúng tôi đã vào quân trường. Chúng tôi đã bước những bước đi hùng dũng, cất cao giọng hát ngạo nghễ ngang trời, lòng ngực căng đầy khí thế, con tim đầu ấp nhiệt huyết đã:

Một cánh tay đưa lên,

Hàng ngàn cánh tay đưa lên,

Hàng vạn cánh tay đưa lên
Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình chân chính.

Đập nát tan mưu toan, đầu hàng với quân xâm lăng.

Hòa bình phải trong vinh quang.

Đền công lao bao máu xương anh hùng........

Ta thề chết chứ không hề lui......



Tôi vốn là một nhà giáo tầm thường và một sinh viên lỡ vận, một ly hào kiệt cũng không dám nghĩ đến, chứ đừng nói một gánh giang sơn của những anh hùng xẻ núi lắp sông, thế mà quân trường đã biến tôi thành một chiến sĩ "thứ thiệt". Tôi hát quốc ca với một lòng kiêu hãnh sùng kính. Tôi nhìn quốc kỳ như một" tabou", khi quốc kỳ được kéo lên tôi thấy hồn thiêng của sông núi cuồn cuộn và anh linh của tiền nhân hiển lộ giữa mây trời. Tôi nhập cuộc chiến chinh với tuổi trẻ trong sáng và đầy ấp lý tưởng sáng ngời...khóc cười cùng với vân mệnh thăng trầm của tổ quốc mến yêu.


C
uộc chiến đấu đơn độc chống tham nhũng đó xảy ra lúc tôi đang dưỡng quân ở hậu cứ Bạc Liêu sau những ngày tháng xuôi ngược khi thì Châu Đốc, Long Xuyên, khi thì Kiên Giang, Hà Tiên... ngày nào tôi cũng ra chực chờ ở sạp báo để đọc tin sốt dẻo. Tôi được biết Bác sĩ Nhơn có cô người yêu tên là Xuân Dung và cô ta cũng một lòng cùng với Bác sĩ chống bọn sâu dân mọt nước. Tôi rất thán phục hành động can trường của họ và ước ao sau này con cháu mình cũng sống cương trực và hiên ngang như thế. Tôi chộp lấy cơ hội, đặt tên con gái mình là Dung, nhưng để tránh cho thiên hạ nghĩ là mình ước ao quá xa vời và để tránh trùng tên với mẹ nó, nên tôi thay chữ Xuân bằng chữ Diễm: Đứa con gái đầu lòng của chúng tôi được đặt tên mang một ước vọng tốt đẹp, đánh dấu một biến cố đau thương của Nha thành: Bác sĩ Nhơn đã ngã gục trước họng súng tham tàn!!!

Khi nghe tin Bác sĩ Nhơn tuẫn tiết, tôi đau đớn và làm một bài thơ rất cảm động đăng trên tờ Sóng Cửu Long của Quân đoàn 4 và tờ Sét Miền Tây của Sư đoàn 21 ở Bạc Liêu.


H
oán chuyển với một người bạn cùng khóa: Bạn tôi được về Mỹ Tho, được sum họp với gia đình. Tôi không được may mắn: tôi được thuyên chuyển về Buôn Mê Thuột; và sau đó vài ngày tức tốc được tăng phái cho Tiểu khu Phú Yên, trực chỉ Tuy An thi hành nhiệm vụ tâm lý chiến dân sự vụ (vì tôi là lính CTCT mà). Nam, Ngải, Bình, Phú nằm trong liên khu 5 của Cộng sản, nên tình hình ít khi được sáng sủa. Năm 1954 khi chia hai đất nước, quân Cộng sản gài người ở lại liên khu 5 rất nhiều. Những năm sau này, khi tình hình chính trị bất ổn và an ninh càng tồi tệ (nhất là sau khi dẹp bỏ ấp chiến lược) thì quân Cộng sản nằm vùng bắt đầu nổi lên quấy phá: Công tác của chúng tôi đòi hỏi phải đi sát với dân, giúp đỡ khi dân cần những chuyện như sửa đường lộ, đào giếng, lợp nhà,.... phát thuốc Tây khi có người bệnh hoặc ngừa bệnh, hớt tóc....kêu gọi dân hợp tác với chính quyền, tố cáo những cán bộ Cộng sản nằm vùng...., những công tác như thế, mặc dù không trực tiếp chiến đấu nhưng cũng mang ít nhiều nguy hiểm.


G
ia đình nhỏ bé của tôi đã thuê một túp nhà tranh (đúng ra là nhà lợp lá mía) nhỏ xíu ở Xóm Đường thuộc thị xã Tuy Hòa, vừa đủ đặt một cái giường và một cái bàn nhỏ (trên cái bàn này tôi tổ chức sinh nhật đầu tiên cho bé Diễm Dung, và cũng lần đầu tiên tôi tổ chức sinh nhật, với hoa đèn và cả chụp hình lưu niệm nữa). Những ngày được dưỡng quân ở doanh trại, những buổi chiều tôi thường dẫn bé Dung đi dạo phố: một con đường Nguyễn Huệ im lắng với nhiều bóng cây mát mẻ, hoặc một con phố Trần Hưng Đạo với vài cửa tiệm khiêm nhường cũng làm cho Bé trố đôi mắt đen lánh ngạc nhiên thích thú. Thỉnh thoảng, cha con tôi cũng đưa nhau ra biển, nhìn những con sóng lăn tăn và một vài xóm lưới nghèo nàn mà nhớ về tuổi trẻ đầy dấu tích phiêu lưu xa khuất còn lại trong hồn mình. Thường thì khi cha con tôi về tới nhà thì trời cũng đã chiều muộn và cơm nước mẹ nó đã lo xong: một bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng của một gia đình sĩ quan cấp nhỏ làm cho lòng mình ấm lại với một hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh trong thời chinh chiến.


M
ặc dầu đó là những năm tháng sôi động với tình hình chiến sự mỗi lúc mỗi gia tăng, nhưng phải thú thật là gia đình tôi có được những ngày tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời binh nghiệp hơn 7 năm của mình, tôi được sống gần gũi, tương đối an bình với gia đình, những buổi tối khi Bé Dung đã ngủ, vợ chồng tôi thường mua bánh tráng nướng chun vào mùng cùng ăn cùng hủ hỉ với nhau, những miếng bánh nướng nổ dòn trong miệng như mừng vui cho hạnh phúc đơn sơ thanh bạch của chúng tôi. Những ngày dưỡng quân đó, đại đội chúng tôi thường chơi volley với nhau mỗi buổi chiều. Buổi sáng và buổi tối, thường rủ nhau đi ăn chung với nhau, hầu hết là ở tiệm Mỵ Châu Thành; đêm khuya, các sĩ quan trẻ chúng tôi rủ nhau đi uống cafê vừa tán gẫu với nhau ở quán Tuyết Sơn. Chúng tôi còn bày ra chơi domino ăn thua vơi nhau từng chai bia, từng gói mì rất là thân mật gần gũi. Cứ ba tháng một lần chúng tôi còn chụm đầu vào nhau bàn bạc, chia phần nhau để lo cho tờ Đặc san Nhạn Đà in rodeo bằng giấy stencil mỏng dính.


T
ết năm đó tình hình quá sôi động nên toàn tỉnh cấm quân. Sau nhiều đêm trực chiến, tôi về nhà tắm rửa, thay quần áo si-vin (civil) đến quân tiếp vụ để chúc Tết một người bạn thân. Ở đây tôi gặp" tai nạn": số là có một ông Tá chức vụ to ở Tiểu khu và cũng dòng dõi thân thiết với quân khu đến đây "làm ăn". Ông bắt gặp tôi "tại trận" đang mặc si-vin trong lúc đang cấm quân. Tôi nhận lỗi và trình bày cùng ông là ông đại đội trưởng của tôi du di cho tôi được tắm rửa sau một đêm trực chiến và tôi đã nhân cơ hội đến chúc Tết người bạn. Nhưng ông ta áp dụng đúng quân lệnh và theo đúng quân luật giao tôi cho quân cảnh nhốt 3 ngày. Tôi đành cãi liều: Thế thì Trung Tá cũng mặc si-vin thì sao? Ông ta bỏ ra về không biện bạch gì với tôi nữa và tôi được xe quân cảnh xúc đi. Trong ba ngày Tết, Đại Úy đại đội trưởng cho người đến thăm tôi, mang thức ăn cho tôi và ông gợi ý cho tôi xin lỗi vị Trung Tá đó. Tôi trình bày với Đại Úy rằng "nếu ông ta mặc quân phục mà phạt tôi thì tôi nhận và năn nỉ ông đừng ký "củ", đằng này ông cũng "phạm" quân kỷ như tôi mà lại phạt tôi nên tôi "ức" lắm. Giấy phạt sau đó được gởi về Tiểu đoàn và sau này (nghĩa là sau 30 - 4), tôi được biết là Tiểu đoàn đã tha cho tôi. Phước bất trùng lai phải không các bạn?


K
hoảng tháng 4,1972 ; đại đội tôi được lệnh rút khỏi Tiểu khu Phú Yên, tăng phái lại cho Sư Đoàn 23 đang hành quân ở chiến trường Kontum. Xin giã từ Tuy Hòa mến yêu. Xin từ giã Tháp Nhạn sông Đà. Xin từ giã đầm Ô Loan nơi sản sinh sò huyết trứ danh mà cụ Tản Đà đã có lần nhắc đến. Xin giã từ xóm Đường với rọc rau muống xanh tươi (Xóm Đường mà tôi chỉ thấy rau muống; hay là lúc đó chiến sự quá ác liệt nên người ta đã tạm ngưng làm đường?) mà ở đó gia đình của cô Liên đã cho những sĩ quan trẻ xa nhà như chúng tôi có được một không khí gia đình ấm cúng và đặc biệt chúng tôi được thưởng thức món cá lóc nướng trui tuyệt vời do Mẹ con cô Liên khoản đãi. Có một điều thật oái oăm là sau 1975, gặp lại một số bạn bè sĩ quan cùng đơn vị, lúc đó đang sống vất vưởng tại Sài Gòn, họ cho biết là cô Liên bây giờ mang cấp bậc Thiếu Úy và Ba cô ta là Thượng Tá, gia đình hiện đang sống tại Biên Hòa??? Thật thế sao hỡi trời? Những sĩ quan Quân lực VNCH đang được "vỗ béo" bởi vợ một Thượng Tá Cộng Sản nằm vùng????


Chúng tôi đi thẳng từ Tuy Hòa lên Kontum xuyên qua Ninh Hòa, Khánh Dương trực chỉ Pleiku, Kontum. Gia đình nhỏ bé của tôi được tạm chia đôi: Vợ tôi và Bé Dung được đưa về Bình Tân sống tạm với ông bà Ngoại, còn tôi hôm đó phải lái chiếc GMC to kềnh vì Đại Đội thiếu tài xế. Chúng tôi nghỉ ăn trưa tại Khánh Dương, nghỉ đêm tại Buôn Mê Thuột, rồi nghỉ đêm một lần nữa ở Pleiku mới đến được Kontum.


N
hững ngày ở Kontum thật là cam go. Quốc lộ nối liền Pleiku Kontum bị cắt đứt ở Chư Pao, sự liên lạc bằng đường bộ không còn chỉ còn nhờ vào không vận, mà còn tệ hơn nữa là lúc đó Mỹ đã cắt viện trợ đi nhiều nên tàu bay cũng không còn đủ xăng để bay. Cộng quân pháo kích liên miên, ngày nào chúng tôi cũng lặn lên hụp xuống trong hố cá nhân đến sướt cả đầu gối. Tôi nhớ khá rõ là những ngày đó chúng tôi chỉ ăn cơm sấy và mắm nêm xay, ngày nào cũng mắm nêm xay đến phát ngán, khiến cho cái lưỡi dộp phồng đau điếng. Những ngày chiến chinh đó, sinh biệt tử ly thật mau chóng dễ dàng như những giấc ngủ ngắn; vừa gặp được Hoàng, một người bạn cùng quê hương bên vợ, đêm hôm qua cùng ngồi uống cafê nói chuyện về quê hương Bình Tân với nhau, thì ngày hôm sau nghe đã hy sinh tại đèo Chư Pao. Những đêm đi ứng chiến nằm giữa nghĩa trang, xẩm tối lén bắt cái loa lên ngọn cây kêu gọi các cán binh Cộng sản ra hàng, vừa cất tiếng thì pháo nổ liên hồi nên lệnh trên bảo phải im lặng. Mỗi sáng ngủ dậy chia nhau một lon nước rửa mặt, nước luộc rau lang thì dành lại để pha cafê, uống vào cảm thấy vị đắng của lang và cafê hòa với nhau rất "đặc biệt". Thế mà chúng tôi quấn quít bên nhau, lo cho nhau từng miếng ăn giấc ngủ. Có cơ hội thì bộ chỉ huy gởi cho tờ báo, quyển sách ra cho anh em cùng chia nhau đọc, thật vô cùng cảm động.


T
ết năm đó, chúng tôi đón tất niên khá đặc biệt, chúng tôi cho người liên lạc được với Quân y Sư Đoàn xin được "an côn" (alcol) chúng tôi pha "an côn" với nước lạnh làm thành rượu, mà không phải chỉ có chúng tôi, hầu hết các buổi tiệc đón Xuân dã chiến năm đó đều như vậy. Đêm giao thừa sáng rực với hỏa châu. Chúng tôi gồm Viện, Tâm, Minh, Mậu, Khánh, Hinh.... các sĩ quan trẻ ngồi ngoài trời, dưới ánh sáng hỏa châu, nhấp từng chén rượu "cồn" và kể cho nhau về những ước vọng tương lai của mình: hầu hết đều là sĩ quan trừ bị, ai cũng ước ao được sum họp cùng gia đình vợ con. Ai cũng ước ao khi hòa bình thì tôi sẽ........thế này tôi sẽ thế kia. Tất cả đều đơn sơ giản dị như những bữa cơm chiều nghèo nàn, nhưng đầy ấp tình thương và lo lắng cho gia đình vợ con.


C
ó một điều đáng nhớ là chính tại nơi tuyến lửa này, tôi được gắn lon Trung Úy: Đại Úy Đại đội trưởng thay mặt Trung Tướng Tổng cục trưởng Tổng cục CTCT và đại diện Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 CTCT đã gắn lon Trung Úy cho tôi. Có sự hiện diện của cả vợ tôi và Bé Dung của tôi. Điều đó với tôi là một chuyện hy hữu và còn hy hữu hơn là đêm hôm đó ông bạn Trung Úy quân tiếp vụ của tôi đang tạm đóng quân trong nhà thờ không biết bằng cách nào mà ông có được một chai rượu nho cở lớn loại 4 hay 5 lít, đựng trong cái giỏ bằng mây hoăc tre gì đó, loại rượu đặc biệt cha dùng để làm lễ và nghe đâu phải nhập từ tòa thánh vatican. Ông Trung Úy bạn tôi rửa lon cho tôi bằng chai rượu cực kỳ quí hiếm đó mà tôi nghĩ phải là một ân sũng vô cùng huyền diệu mà tôi được hưởng trong lúc tất cả mọi người từ Úy đến Tá (dĩ nhiên là tôi không biết mấy ông Tướng như thế nào) đều phải uống rượu "cồn" và đang ước ao một chai bia lạnh để hâm nóng sự cô đơn, lạnh lẽo và đầy tử khí nơi chiến trường Tây nguyên trong mùa hè đỏ lửa khi mùa Xuân đang mang đến cho mọi người bao hy vọng tươi mát.


Thế rồi Hiệp định Paris được ký kết, tưởng đâu những ước mộng đơn sơ đó của các bạn sĩ quan trẻ của chúng tôi sắp thành và những kế hoạch hậu chiến chúng tôi được học tập rất kỹ, để trong tương lai gần sẽ đi truyền lại cho các chiến sĩ, sửa soạn tinh thần cho họ bước vào một kỷ nguyên mới hòa bình, thịnh vượng đang hiện dần trước mặt.


Thế nhưng, cuộc sống đâu có đơn giản như những tâm hồn non trẻ, trong sáng hằng mơ ước. Ngày 8 tháng 3 1975, Cộng quân bắt đầu tấn công Đức Lập: Đức Lập thất thủ. Ngày 10 tháng 3, Cộng quân bắt đầu tấn công Buôn mê thuột và Buôn mê thuột bị bao vây. Trước đó 2 tháng, tôi được đưa về chỉ huy hậu cứ cho đại đội (dĩ nhiên là cả với vợ con tôi), đợi sẽ đi học khóa CTCT trung cấp để được lên Đại Úy (vì theo qui chế mới cho quân đội trong thời hậu chiến, sĩ quan từ cấp Trung Úy trở lên muốn lên một cấp phải đi học một khóa tương ứng, còn muốn lên cấp Tá thì hình như phải có Cử nhân 2 năm. Thú thật tôi không nhớ rõ, nhưng nghe đâu làm như vậy để tăng thêm kiến thức và chuyên môn cho anh em sĩ quan và làm cho giá trị của mỗi cấp bậc của sĩ quan thêm trân trọng và đáng quí hơn.


Đ
ại đội của chúng tôi đóng sát bên hông của Đại đội 23 trinh sát, nằm trong khuôn viên của Sư Đoàn 23. Buổi sáng ngày 12 tháng 3 năm đó, tôi thức dậy từ giao thông hào: hầm chỉ huy đại đội vắng tanh: một số đã lén lút ra đi trước. Xác của Trung sĩ nhất Phạm Văn Tuyến, văn phòng trưởng của đại đội, bị tử thương trong đợt pháo kích chiều hôm trước vẫn còn nằm đó, ngay trên bàn văn phòng đại đội, chờ ngày tạm yên để được mai táng. Ngày hôm đó, Cộng quân tiếp tục pháo kích kinh khủng hơn, hầu hết là trực xạ bằng đại bác 122 ly. Văn phòng Đại đội chúng tôi lại ăn pháo một lần nữa, sụp hoàn toàn và xác của Tuyến không biết ra sao? (người chết hai lần, thịt xương nát tan- Trịnh công Sơn). Chúng tôi tiếp tục ở giao thông hào thêm một đêm nữa.


S
áng hôm sau, Trung Úy H. liên lạc với Bộ chỉ huy Sư Đoàn: không còn ai trả lời vô tuyến nữa. Bộ chỉ huy hành quân hình như bị máy bay của ta bắn lầm và các sĩ quan chỉ huy đã rút lui. Các đại đội yểm trợ gồm quân cụ, quân y...và cả đại đội anh dũng 23 trinh sát cũng đã bắt đầu rút chạy xuyên qua Chợ Nhỏ ngay bên hông đại đội của chúng tôi. Tình hình trở nên vô cùng tuyệt vọng, các anh em sĩ quan còn lại chúng tôi bàn với anh em hạ sĩ quan và binh sĩ thay si-vin, rút qua Chợ Nhỏ tìm đường về Trung đoàn 45 mà chúng tôi được biết lúc đó còn chiến đấu, hay là nếu có cơ hội thì theo đường rừng về Nha trang lúc đó còn yên lành. Chúng tôi ra đến con suối (tôi quên tên) tính vượt qua thì thấy bên bờ kia xe tăng của Cộng quân đã giương súng chờ sẵn. Chúng tôi thối lại, ngồi họp dưới cái nhà sàn và cùng nhau đem chôn tất cả giấy tờ tùy thân ở đây hẹn ngày trở lại sẽ lấy. Các anh em tản nhau vào nhà dân, lúc đó đã bỏ trống, để tìm dụng cụ chứa nước mang theo. Người thì được bình nhựa, người thì được trái bầu khô mà anh em người Thượng thường dùng để chứa nước..... Chúng tôi đã vượt được qua nhiều trạm kiểm soát an lành, cho đến một trạm khi viên Trung Úy Cộng quân giọng chính gốc người Bắc, phất tay cho qua thì tự nhiên kêu giật lại. Tôi, Trọng và Phùng đi trước, bàn với nhau hãy từ từ xem sao, thì ngay khi rất nhiều anh em binh sĩ, hạ sĩ quan và gia đình vợ con và một số sĩ quan tụ tập lại thì một quả cối không biết từ đâu phát nổ giữa đám đông. Ba anh em tôi cấm đầu chạy, cố hướng vào rừng để thoát thân.


T
rong cuộc tháo chạy này tôi mất thêm hai Trung sĩ thân thiết của tôi nữa là Huỳnh Văn Trọng và Nguyễn Thanh Phùng: Phùng trong lúc cùng tôi và Trọng tìm đường vào rừng thì gặp địch quân bắn xối xả ra. Phùng bị đạn nằm lại hay đã chạy lạc hướng nào tôi không biết. Còn Trọng và tôi bò theo một ruộng lang (Trọng bò trước-nhìn Trọng bò kéo cái bình nước 2 lít phía sau nhìn như cái đuôi làm tôi bật cười), tạt vào môt cái rừng chồi kế đó tạm nghỉ và quan sát thì một xe thiết giáp từ trong phố Buôn Mê Thuột chạy ra tính vào núi thì bị bắn nên bỏ xe chạy thoát thân. Trời xui làm sao lại chạy ngang chỗ tôi và Trọng (và môt người lính của sư đoàn 23 nữa) đang nằm sấp sau bụi tre quan sát địch tình. Bọn lính Cộng sản truy kích theo, thấy 3 chúng tôi nằm đó thì xả súng. Trọng bị đạn xuyên từ họng ra lưng bật ngửa người ra chết tất tưởi, tôi thì bị thương ở chân phải, và sau đó thì bị bắt. Anh lính Sư đoàn 23 cõng tôi vào rừng giao cho viên sĩ quan chính trị của Cộng quân.( tôi còn nhớ rất rõ là lúc Trọng bật ngữa ra chết, tên chiến binh VC giựt cái đồng hồ từ tay Trọng và sau đó giựt ngay chiếc nhẩn cưới của tôi mà không kịp chờ tôi cởi ra “dâng”.


Ngày trở về sum họp khi hòa bình lập lại không còn, và hầu hết sĩ quan đại đội chúng tôi đều kẻ trước người sau cùng gặp nhau ở trại Drei-ling và sau đó trại Ea- súp (kể cả một số nguời đã đi trước). Chúng tôi đã qua ít nhất là 6 trại trong rừng thiêng nước độc Trường sơn trước khi về trại A 30 khi quân đội Cộng sản giao chúng tôi cho công an năm 1979 để đi chiến đấu bên Căm-Pu-chia. Trong tất cả hơn 7 trại chúng tôi đã qua, cuối cùng chỉ còn 65 anh em chúng tôi mà theo chúng tôi phỏng đoán họ cho là thuộc diện ác ôn sổ đỏ (hầu hết trong đó là CTCT, An ninh, Tình báo, Cảnh sát đặc biệt, Nhảy dù....) khi về đến sở trà Kateca Pleiku, rồi trại An Trường Bình định; từ đó về Tổng trại 5 và cuối cùng là trại A- 30. Trong 65 anh em chúng tôi đó, đâu hẳn đã còn nguyện vẹn: Trung Úy cảnh sát Trần Ích trên đường di chuyển từ Ea- súp lên Pleiku đã vượt tuyến chạy trốn không biết đã đi về đâu và những ngày tháng ở Tổng trại 5 Ngân sơn (hay A- 30?) Trung Úy Võ Tấn Tâm thuộc Đại đội chúng tôi cũng đã bỏ mình khi trên đường đi làm về, chìm ghe bị nước lũ cuốn đi. Mấy ngày sau, khi nước đã tạm rút cạn, chúng tôi đi tìm, xác của Tâm nằm vắt giữa bụi tre bên giòng suối. Nhìn thân xác không nguyên vẹn của Tâm lòng anh em còn lại thêm não nề.


T
ết năm 1993, trong lúc ở vùng kinh tế mới Đồng Bò, đang cúng giỗ ông bà và sửa soạn từ giã đi ra nước ngoài, tôi ngồi nhìn những cuộn khói nhang đang tỏa vào hư không trầm mặc, chợt nhớ những người bạn đã nằm xuống trong cuộc chiến và trong trại giam, nhớ đến Tuyến đã chết hai lần, nhớ đến Trọng bật ngửa chết tất tưởi trước mặt tôi, nhớ đến Phùng đã tạt vào rừng bị thương, đã mất hay còn trôi dat về đâu, tôi bật khóc và làm được bài thơ, tuy không hay lắm nhưng đầy những tiếng nấc nghẹn ngào:


Nhớ 1975.  


 Nén hương thắp cho Tuyến , Phùng.


 Tuyến ơi! Tuyến đã đi rồi.

 Trọng ơi! rừng xác xơ chồi còn không?

 Về đâu hỡi Nguyễn Thanh Phùng?

 Cõi người còn lại, ta cùng đắng cay

 Thắp lên ngọn nến hôm nay,

 Khói bay, hương tỏa ta say với đời

 Một mình ta, một mình trời!!!!



X
in tạ lỗi cùng các bạn đồng hương và độc giả, ngày Xuân mà tôi đã làm cho quí vị không vui. Nhưng phải thú thật rằng nhân ngày Xuân, trong những giây phút trang trọng nhất của một năm, tôi muốn dành những giây phút quí báu nguyên trinh này để tưởng nhớ các bạn của tôi mà trong cuộc sống binh nghiệp và trong gian khổ của tù đày, các bạn đó đã chia xẻ với tôi bao giây phút tuyệt vời đầy ấp tình người, tình đồng đội thân thương và cả những giây phút bi thảm nhất trong cuộc đời mình. Các bạn cũng đã biểu lộ một khí phách ngang tàng, một cuộc sống đầy lý tưởng trong sáng, và nhân đây tôi cũng xin cầu chúc cho bà quả phụ Võ Tấn Tâm, nhủ danh Lương Thị Quít, nghe đâu cũng đã đến được Hoa Kỳ cùng mấy đứa con, được một cuộc sống hạnh phúc an lành và các cháu được thành đạt, sung sướng và hãnh diện về người cha khí phách, tận tâm với gia đình và đất nước, có một cuộc sống mẫu mực xứng đáng như Trung Úy Võ Tấn Tâm.


S
au hết ước mong những anh em nào trong số 65 "anh hùng Trường sơn bi thảm", nếu có cơ duyên nào đọc được bài này thì xin liên lạc với mình ở email address: phamvdan05@yahoo.com để chúng ta có dịp hàn huyên những chuyện cũ.
 


Phạm Vi Dân-CA  


Chú thích:

(1)Các Bác sỉ trước khi ra trường đều đọc lời thề này để nguyện sống trong sạch, cứu nhân độ thế…..




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc