TÀU BAY, TÀU HỎA, TÀU BÒ - TẢN MẠN - Phùng Quân

22 Tháng Bảy 201612:00 SA(Xem: 28076)

 

 

 pho_tau_bay-content

 

 

 

TÀU BAY, TÀU HỎA, TÀU BÒ - TẢN MẠN

 

 

Nhắc đến ba chữ “Phở Tàu Bay” ai cũng biết đó là một tiệm phở Bắc nổi tiếng lâu đời và độc nhất chỉ có tại Saigon, nhưng hiện nay thì tại hải ngoại này, ngay sát cạnh Little Saigon thuộc hạt Orange County của tiểu bang Cali, cũng thấy xuất hiện một tiệm Phở Tàu Bay. Nếu từ trung tâm Little Saigon đi xa thêm một quãng nữavề phía Đông, trên con đường huyết mạch Bolsa, sau khi ngang qua đường Harbor, địa phận thành phố Santa Ana, tiệm Phở Tàu Bay nằm phía bên tay phải. Sở dĩ có dịp nhắc đến tiệm phở này, không phải vì hương vị phở ở đây thơm ngon hơn những nơi khác mà vì đặc biệt ngay trong tiệm, một bản thị thực chứng nhận của chủ nhân từ quê nhà, trông giống như tờ môn bài, được đóng khung treo ở một vị trí để mọi người dễ dàng thấy nhất, rằng đây là Phở TÀU BAY chính truyền. Xin được miễn bình phẩm ở đây về hương vị của các món Phở, mà chỉ muốn kể thêm ngoài món Phở chính truyền, nhà hàng còn trang bị trong thực đơn món Bánh Cuốn Tráng Tay. Kể cũng lạ, có lẽ chính vì có thêm món Bánh Cuốn Tráng Tay độc đáo kia mà thực khách vùng Orange County thường chiếu cố đến tiệm Phở Tàu Bay này nhiều hơn. Mà quả đúng như thế, nhiều lần ngồi trong tiệm quan sát, tôi thấy số thực khách gọi món Bánh Cuốn có phần đông hơn là gọi Phở. Hơn nữa điều lý thú tôi sắp kể rađây, hoàn toàn không dính líu chút nào đến các món Phở hay Bánh Cuốn, mà chỉ là dịp để được nhắc đến cái tên gọi rất gợi hình, đã tạo nên sự tích của cái tên hiệu Phở Tàu Bay thôi.

Hôm ấy sau khi ăn xong, bước lại quầy trả tiền, tôi giả vờ thắc mắc, hỏi người thâu tiền rằng ngày trước tại Việt Nam, vì nguyên do nào mà tiệm nhà lại đặt tên là Phở Tàu Bay? Người nhân viên ít tuổi, nhìn tôi lúng túng, không biết trả lời ra sao và chắc nghĩ thầm, giữa thời buổi này, sao lại có người hay rắc rối, thắc mắc những điều lẩm cẩm như vậy! Tôi ôn tồn giải thích: Nghe nói thời xa xưa ở ngoài Bắc, Cụ nhà ta khi đi bán phở thường có cái mũ tàu bay... đội trên đầu, không biết có đúng như thế không ?!

Thật ra không dễ mấy ai trong chúng ta được sinh ra vào thời điểm ấy, để có hân hạnh chiêm ngưỡng cái hình ảnh thân thương mộc mạc đó. Chẳng qua vì tôi vẫn thường say mê tùy bút của Nguyễn Tuân ⃰, mà kiến thức về nghệ thuật ẩm thực của Ông phải được xếp vào bậc thày. Thế nên cái tên Tàu Bay kia, xem ra chỉ là hình ảnh của một cái mũ, mà bình sinh thử hỏi, đâu phải ai cũng biết sự tích ngộ nghĩnh ấy. Nhiều khi có người còn mơ hồ, mỗi khi nghĩ đến phở Tàu Bay là chỉ hình dung đến những tô phở to như tàu bay... đầy ắp bánh và thịt. Chẳng thế mà sau này ở Saigon, hay ngay tại hải ngoại đây, trong mọi tờ thực đơn của các tiệm phở, xếp hàng đầu bao giờ cũng vẫn là những tô Xe Lửa.Các người bạn Mỹ bản xứ vẫn thường gọi đùa đó là những tô “Chou-Chou Train”, để ám chỉ một tô phở cỡ to nhất, nhiều bánh thịt nhất và đương nhiên có đủ các thứ đặc biệt trong đó.Điều này cơ hồ dễ hiểu, có lẽ chỉ để cố cân xứng với hình ảnh quá gợi hình, gợi cảm và nổi tiếng của tô phở Tàu Bay ngày trước kia chăng?


Chưa hết,lại thêm một lần khác, cũng tại hải ngoại này, nhân có lần ghé thăm một khu phố Việt tại thành phố Chicago, tôi đã nhìn thấy tận mắt tấm bảng hiệu Phở Xe Tăng (Tank Noodle) và đã vào thưởng thức một tô xe lửa tại tiệm phở này. Lần đó vì vội vã nên tôi đã quên không kịp hỏi thăm ý nghĩa của cái tên gọi ấy, nhưng đoán chừng ai cũng thích thú với cái tên quá ngộ nghĩnh, giàu trí tưởng tượng và đầy dụng ý của chủ nhân tiệm phở Xe Tăng này!

 

Lại nữa, đã hơn bốn mươi năm xa xứ rồi,không biếtcó mấy ai còn nhớ được trong tiếng Việt mình ngày trước, có một từ ngữ khác là tàu bò,thường được dùng thay cho hai chữ xe tăng, phiên âm từ ngoại ngữ “tank” này không nhỉ?


PHÙNG QUÂN

 


* Trích đoạn:

 

Tùy bút về Phở của Nhà văn Nguyễn Tuân:

“Phở cũng có những quy luật của nó. Như tên các hàng phở, hiệu phở. Tên người bán phở thường chỉ dùng một tiếng, lấy ngay cái tên cúng cơm người chủ hoặc tên con mà đặt làm tên gánh, tên hiệu, ví dụ phở Phúc, phở Lộc, phở Thọ, phở Trưởng ca, phở Tư ... Có khi một cái tên tật nguyền trên thân thể người bán phở được cảm tình quần chúng thân mật nhắc lại thành một cái tên hiệu: phở Gù, phở Lắp, phở Sứt... Cái khuyết điểm trên hình thù ấy đã chuyển thành một cái uy tín trong nghề bán miếng chín mà lưu danh một thời trên cửa miệng những người sành…

 

Anh hàng phở ấy hãy đứng ở đâu bán hàng, họ lấy luôn cái địa điểm ấy mà gọi thành tên người. Bác phở Nhà thương, ông phở Đầu ghi, anh phở Bến tầu điện, anh phở Gầm cầu... Có khi lấy một vài nét đặc thù trong cách phục sức mà gọi. Cái mũ tàu bay trên đầu ông bán phở thời Tây xưa, đã thành cái tên một người bán phở trứ danh của thủ đô sau này.”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc