THẦY TÔI - Lê Trần

23 Tháng Năm 201612:00 SA(Xem: 32383)



 

buddhist-prayer-content



Thầy tôi

 

 

Không hiểu tại sao, từ khi thầy tôi qua đời, mỗi lần đặt bút viết về người cha yêu dấu, thì tôi lại không cầm được nước mắt. Mười mấy năm đã qua, bao nhiêu nước đã chẩy qua cầu, nhưng mỗi lần nhớ lại cha già, tim vẫn thắt lại, niềm đau hãy còn đó. Vẫn biết cuộc đời là vô thường, sinh ra đấy, rồi lại thoắt biến, hiện hữu đấy, rồi lại tan như mây khói hư vô. Nhưng con người khi còn sống thì hãy còn trái tim để biết đau, biết vui, biết buồn, biết giận …để có nhiều lúc tiếc nhớ ngẩn ngơ những giây phút được sống bên cạnh người thân bây giờ đã nằm yên trong đất lạnh…để mà hối hận đã không đủ bổn phận làm con, không đủ tâm thành săn sóc cha già trong những ngày cuối cuộc đời. 


 

Thầy tôi khi sinh thời là một người hiếu động và lạc quan. Ông yêu đời và hưởng thụ nhiệt thành cuộc sống trời cho. Ông có tinh thần thượng võ, lúc trẻ có học quyền cước Thiếu Lâm Tự. Sau này ưa những hoạt động thể thao như bơi lội và quần vợt mà có lần đã chiếm giải vô địch Nha Trang.


Khi còn trẻ, tính tình cương trực và nóng nẩy, không thích luồn cúi nịnh bợ, nên sau khi tốt nghiệp trường thuốc Hà Nội, ông không bao giờ được làm việc một chỗ. Bởi vậy, mà từ lúc tôi sinh ra đời, cho đến khi tôi lên bẩy, gia đình tôi cứ lang thang di chuyển từ Hà Nội đi Nam Định, từ Nam Định lên Sơn La rừng thiêng nước độc, rồi từ Sơn La xuống Đáp Cầu. 


Tiếp tới chiến tranh thế giới 1939-45, ông mới được về Hà Nội , nhưng lại phải động viên làm cho quân đội Pháp. Tuy đưọc về Hà Nôi, nhưng gia đình tôi không về Thinh Hào , phố hàng Bột, cư ngụ trong căn nhà tổ tiên ông bà nội để lại cho con cháu . Thầy tôi được cấp nhà, loại nhà tây hai từng kiểu mới có phòng tắm và cầu tiêu máy cạnh phòng ngủ trên lầu. Căn nhà thứ nhất ở phố Charron, đằng sau nhà Diêm, song song với phố Huế, thuê lại của bác Lê Đình Nho. Sau vụ tránh bom Mỹ phải di tản gia đình về Ninh Bình năm 1944, gia đình tôi trở lại Hà Nội dọn vào căn nhà thứ hai ở Giám, tức là khu phố đằng sau Quốc Tử Giám mà cổng chính nhìn ra đường Sinh Từ. Cả hai căn đếu có hàng xóm là Tây. Thời gian này, mẹ tôi có lính phụ giúp việc nhà và được mua khẩu phần nhà binh đặc biệt, nên đời sống thoải mái hơn trước.



Dường như những ngày làm cho quân đội viễn chinh Pháp đã khiến cho thầy tôi biết thưởng thức và yêu thích rượu nho, các món thịt ướp lá thơm nướng với bơ hay phó mát, hoặc hầm với rượu chát. Tôm hùm bỏ lò (langouste Thermidor) mà thầy tôi làm thì thật tuyệt hảo. Thì ra mấy năm sống với Tây, ông cụ đã học thêm được nghề làm bếp !


Rồi nghề thuốc của ông cũng vững vàng tiến triển thêm. Vào những năm 1945 trở đi, ông đã nghiễm nhiên thành một bác sĩ giải phẫu rất giỏi.


Vốn sẵn tính phóng khoáng, ông cụ rất hợp với lối sống tây phương cởi mở, thấm nhuần tinh thần dân chủ và tôn trọng con người trong kỷ luật và trật tự. Sau này, trong dịp thăm viếng Bruges thuộc nước Bỉ, đi cùng một chuyến xe với những người Pháp từ Normandie, với anh Thức và chị Dung, nhìn cảnh tượng mấy ông già chậm rãi nói truyện, khề khà bên ly rượu chát, nhâm nhi bánh mì phó mát …tim tôi lặng đi, tưởng như thấy lại cha già ngày xưa !


 

Ông cụ thích ăn ngon, nên mẹ tôi lúc nào cũng ráng lo cho được những mâm cơm tươm tất. Vì thế, tuy gia đình đông con, nhưng bẩy đứa chúng tôi chưa bao giờ phải ăn khổ ăn thiếu. Tôi còn nhớ, trong thời kỳ tản cư ở làng Hệ và Phú Lăng miệt Ninh Bình ngoài Bắc, sau mỗi lần đi công tác y tế , cụ trèo thuyền trở về nhà lúc nào cũng mang cho vợ con cả thúng vải thiều, cam quit đường thật ngon. Lúc nghèo túng cũng như lúc có tiền, thầy tôi bao giờ cũng cư xử thật hào phóng. Cuộc tản cư năm 1946 là thử thách đầu tiên cho gia đình tôi, cũng như cho bao nhiêu người Việt khác trong thời kỳ này. Bỏ cửa bỏ nhà ra đi lang thang vô định, vô kế mưu sinh, trẻ con chẳng được học hành. Trong những khó khăn đó, đôi khi nguy hiểm thập tử nhất sinh, thầy tôi rất điềm tĩnh, không bồn chồn lo lắng thở than. Bởi vậy mà qua bao nhiêu gian nan vì vận nước, hết tản cư lại di cư, rồi bỏ quê hương mà đi, làm lại cuộc đời không biết bao nhiêu lần, thầy tôi vẫn vững vàng như một cây trụ , để mẹ con tôi trông cậy.

 

 

Tính nóng như Trương Phi, lại thêm quan niệm anh hùng thấy sự bất bằng chẳng tha, nên đã có lần thầy tôi đặt mình và gia đình vào một vài trường hợp rất nguy hiểm. Khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt năm 1945, quân Lư Hán từ Trung Hoa sang tước khí giới quân đội Nhật. Lúc đó đất Bắc mới trải qua nạn đói khủng khiếp chết cả triệu người, dân tình hoang mang nghèo túng, tình thế nhiễu nhương rối loạn. Tây Nhật chưa bước ra khỏi nước thì quân Tầu đã kéo bầu đoàn thê tử rách nát đến , lăn xả vào ăn uống bốc hốt, làm cho dân Việt Nam chán ngán vừa khinh vừa ghét. Ỷ thế là một trong những cường quốc chiến thắng Nhật Đức, đàn quân ô hợp này hống hách bóc lột hà hiếp dân lành. Một hôm, ông cụ đi đường, tình cờ chứng kiến cảnh một sĩ quan Tầu nắm tóc đánh đập một thiếu nữ Việt để cướp xe đạp. Cụ nổi nóng trổ võ Thiếu Lâm đánh anh chàng này một trận bò lê , cứu được cô gái thoàt thân . Nhưng hôm sau quân Tầu mang cả một tiểu đội đến vây nhà Thịnh Hào, đập phá cổng, hò hét vang trời. Ông cụ giận dữ định ra đối phó. Cả nhà phải van xin mãi cụ mới chịu lánh mặt ra vườn sau, vì một mình cụ làm sao đối phó nổi với số quân đông như thế. Sau đó mở cổng cho lũ giặc vào nhà. Tìm không thấy ông cụ đâu, chỉ thấy đàn bà trẻ con trong phòng thờ Phật. Trời tối, thằng Tầu nào cũng chết nhát không dám ra vườn sau lùng xét. Thế là chúng quay ra hôi của. Bao nhiêu đồ đồng và xe đạp khuân đi hết. Đi qua giá binh khí, mỗi thằng lấy một cái, múa may dọa nạt lũ đàn bà ! Tội nghiệp chị Ngâm lớ quớ gần đó, bị đập một giáo vào đầu.


Mấy hôm sau, khi biết được ông cụ là bác sĩ, thằng sĩ quan đến làm lành, trả lại mấy cái xe đạp, rồi xin ông cụ chữa cho cái chân sâu quảng !



 Ngưòi xưa có câu : giầu không bỏ bạn, sang không bỏ vợ. Cụ ghét thực dân, nhưng đối với những người lính tây bầu bạn với cụ trong quân ngũ, cụ rất trung thủy, không chối bỏ khi họ trở thành kẻ chiến bại. Bởi vậy , khi Nhật đảo chính Pháp, giải tù binh qua nhà Thịnh Hào, ông cụ tỉnh bơ đúng trước cửa nhà vẫy gọi mấy anh lính Pháp quen, làm mọi người sợ xanh mặt. 


Thời buổi nhiễu nhương, một câu nhịn là chín câu lành. Trong thời buổi tiểu nhân đón gió theo thời đầy rẫy, ông cụ lại quá ngay thẳng và nóng tính, cho nên mẹ tôi cứ phải khuyên ông cụ tập nhẫn nhục, nhắm mắt làm ngơ trước những chuyện bất bình. Cũng vì thế mà trong lúc hồi cư , cụ đã bình tĩnh lặng lẽ đưa được cả nhà về thành an toàn đầu năm 1948. 



 Thầy tôi thích đánh bạc .


Đánh bạc để giải sầu , vui anh vui em, thì là một thú tiêu khiển, nhất là vào tuổi già. Nhưng khi thầy tôi còn trẻ, đó là một đam mê. Đam mê này đã làm cho mẹ tôi khổ nhiều. Cứ mỗi lần chắt chiu để dành được chút tiền, thì chẳng bao lâu lại không cánh mà bay ! Không một cuộc chơi nào mà ông cụ không thử nhúng tay : tổ tôm, tài bàn, phé, mạt chược, tài sỉu. Khi ở Sơn La, ông cụ mê tài sỉu đến nỗi dấu tiền ở đâu cụ cũng tìm ra, rồi nướng sạch. Lúc đó tôi mới lên ba, nhưng hình ảnh mẹ tôi ngồi khóc trước cái ống tre rỗng, tôi không bao giờ quên.


Sau này, khi bồng bột của tuổi trẻ đã dịu, thêm trách nhiệm với đàn con ngày một đông, thầy tôi chỉ còn xoa mạt chược vào những ngày cuối tuần. Tiếng loảng xoảng ròn rã của những quân bài, những khối chữ nhật mầu ngà, trên khắc chữ nho và hoa lá đủ mầu, theo năm tháng đã trở thành một phần trong cuộc sống của gia đình tôi. Cũng như nhạc đệm của phim ảnh, âm thanh những quân bài bị xóa đổ, nhào trộn, rồi lại được sắp xếp thành hàng, đã là nền và nhạc đệm của đời mấy chị em tôi, từ nhỏ cho đến khi khôn lớn.



Không phải chỉ một mình thầy tôi , mà cả nhà bên nội ai cũng thích đỏ đen, thua được, y như thể có một cái gì kích thích làm cho trí óc sống động, cho đời lên hương. Trừ bác ba Triền, mấy anh chị em thầy tôi đều thích đánh bài. Ông bà nội đánh tổ tôm. Bác trưởng Vịnh, bác hai Phụng, bác Đạo và thầy tôi thích xoa mạt chược. Nếu đánh bài mua vui thì cũng là một giải trí thường tình. Nhưng ham mê quá độ như vợ chồng bác hai Phụng, miệt mài đêm ngày với quân bài, đến nỗi hết cả tiền bạc, còn mắc bệnh lao cả hai, rồi lần lượt qua đời, để lại một đàn tám đứa con, thì thật là bi thảm .Bác trai chết ở Kiến An trong khi khi còn đi làm và chưa có chiến tranh, nên được chôn cất tử tế. Nhưng khi xẩy ra chiến tranh Việt Pháp, phải tản cư về làng Chương Mỹ, thì bác gái hoàn toàn kiệt quệ cả tiền lẫn sức khỏe. Bác cố lết thân tàn lên Thái Nguyên để nương nhờ bác ba Triền mà không được . Cả gia đình đói khổ. Lúc chết không có quan tài mà chôn. Mất mẹ rồi, các anh chị phải tản mác mỗi người một nơi tìm đường sống. Anh Tụng, anh Nam , anh Vị đi bộ đội. Chị Loan chị Vân làm lao công nhà thương để lo cho anh Ninh và chị Yến lúc đó mới sáu tuổi. Còn chị Thúy mới có mười tuổi đã bị bỏ lại Chương Mỹ để hầu hạ cụ Lang khi cả nhà đi Thái Nguyên. Cụ Lang là mẹ kế của bà nội chúng tôi, sinh ra bà Bình là mẹ cô Long, và bà cả Thi là mẹ cô Thừa. Năm sau, trên đường hồi cư, thầy tôi tìm thấy đứa cháu mồ côi, ôm lấy cháu khóc ròng rồi mang theo về Hà Nội. Chị Thúy ở với gia đình chúng tôi từ dạo đó, cho đến 1954. Còn anh Ninh, sau này nghe anh Tụng kể, thì được học bổng sang Tầu, nhưng phải đi bộ một mình tới biên giới. Mới có mười tuổi, không tiền, chỉ có một mớ vải mang theo để bán lấy tiền độ nhật, tiêu hết phải đào củ đào măng mà ăn Gió mưa rét mướt, bé bỏng côi cút dậm trường, cực khổ kể sao cho xiết! Thật là :


Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc măng mai..


 

Chúng tôi có diễm phúc được người cha có trách nhiệm và người mẹ đảm đang, được lo lắng săn sóc từ nhỏ cho đến khi khôn lớn, mà đôi khi cứ cho là việc dĩ nhiên ! Có biết đâu đó là kết quả của bao nhiêu hy sinh và yêu thương.


Sau này, khi gặp lại nhau năm 1975, kẻ chiến thắng tả tơi rách nát, kẻ chiến bại cửa rộng nhà cao, nhìn nhau nửa khóc nửa cười. Họ vào thì hàng đi, thương xót mấy đứa cháu sớm côi cút lận đận, thầy me tôi hết lòng giúp đỡ các anh chị. Nhìn chị Thúy sau bao năm không gặp trong cái quần đen cũn cỡn và chiếc áo sơ mi trắng đã ngả mầu nước dưa, thấy buồn vô hạn. Anh Tụng, lúc bấy giờ làm tuyên huấn, đã thật thà kể là anh đi giữa đường Catinat hào hoa tráng lệ, chân lê đôi dép dâu, với bộ đồ bộ đội bạc mầu, mà không cảm thấy cái kiêu hãnh của kẻ chiến thắng.


Tụ họp với nhau chẳng được bao lâu rồi cũng tan. Hố sâu giữa các ý thức hệ quá sâu, hận thù quốc cộng bao nhiêu năm khó giải, dù là có thiện chí của kẻ bại muốn sống an phận để cùng xây dựng đất nước. Đột nhiên những người đang sống ở miền Nam thấy mình lạc loài như kẻ lạ, ngay trong lòng đất mẹ….Gặp nhau chưa được bao lâu đã phải xa nhau !


Âu cũng là số trời, bắt con cháu họ Lê phải chia năm sẻ bẩy, tứ tán mười phương. Có thể sau này, chi bác Phụng sẽ là chi độc nhất còn lại trong nước để nối tiếp dòng họ Lê, trong khi con cháu lưu vong ở nước ngoài mỗi ngày một quên nguồn gốc của mình.


 

Ngày xưa, người cha có một địa vị độc tôn trong nhà, con cháu sợ một phép. Vì thế thường thường là con cái thương kính cha, nhưng không gần gũi. Sự sợ hãi người cha đôi khi còn bị tăng thêm bời các bà mẹ, khi răn dậy con không được, lại dọa mách bố cho ăn đòn. Nhiếu đấng phụ thân đã trở thành những ông ngoáo ộp bất đắc dĩ.



Thầy tôi đã xóa bỏ huyền thoại đó. Ông tỏ tình thương con bằng những cử chỉ âu yếm như xoa đầu, vỗ vai, bằng sự yên lặng theo dõi cuộc sống hàng ngày của đàn con bẩy đứa. Nhiều lần đã làm chúng tôi ngạc nhiên và cảm động. Ông gần như không bao giờ dùng roi vọt để trị con. Tôi là đứa bé bướng bỉnh và phá phách nhất nhà, mà cũng chỉ bị đòn một lần. Lúc đó tôi mười tuổi. Nhà Thịnh Hào có một cái bàn bỏ quên trong vườn sau, cạnh miếu Thần Hổ. Tôi với lũ lâu la nhóc tì đem nước ra kỳ cọ để lấy chỗ chơi làm nhà, không biết sao phá nát cả khu vườn. Đúa nào cũng đứt chân đứt tay chẩy máu tùm lum. Thế là bị phạt cả lũ. Tôi bị nằm sấp xuống giường, bị đét đít năm roi bằng chổi lông gà. Đánh xong, trong khi tôi khóc nức nở, thầy tôi đắp chăn cho tôi, và tôi ngủ lúc nào không biết. Ông biết tôi thích Esther Williams, một tài tử chiếu bóng đóng toàn phim bơi lôi, nên thỉnh thoảng lại cho tôi tiền đi xem phim bà này. Ông biết tôi thích đi tắm biển Đồ Sơn, nên khi tôi đỗ tú tài phần một , ông bảo mẹ tôi thưởng cho một áo tắm mầu xanh nước biển.


Chị Dung và mấy em tôi cũng ít khi bị phạt. Trừ cậu Hùng nghịch phá môt cây, có bốn cái chân tay thì lần lượt gẫy mất ba, là hay bị phạt quì. Và cô Châu gan lì, một thời có tên là nữ Tarzan vì trèo cây nhanh như vượn. Một hôm, lúc đó gia đình tôi ở Nha Trang, Châu bị phạt nhốt vào phòng kín. Hai thằng anh lực lưỡng phải vất vả lắm mới lôi được con bé vào nhà để thụ án. Thầy tôi làm mặt nghiêm, nhưng trong bụng chắc cười thầm con bé thế mà đáo để. Ở nhà em Châu giống thầy tôi là rất yêu chó, nên hai bố con tương đắc lắm. Chó nào thầy tôi cũng đặt tên là Mirza, để nhớ đến con chó săn ngày xưa. Khi con chó Mirza cuối cùng bị xe cán chết ở Saigon, thì ông cụ thôi không nuôi chó nữa. Sau này, trong những ngày bị kẹt lại với Cộng sản ở Saigon, những ngày sau tháng tư đen năm 1975, tự nhiên chó mèo hoang cứ đến nhà sinh đẻ, đuổi không đi. Thầy tôi mới nuôi thêm một con chó nữa, đặt tên là Toto. Khi thầy me tôi sang Mỹ năm 1983, vợ chồng cậu Hùng mang nó về nuôi ở nhà Kỳ Đồng. Đến khi ông cụ qua đời năm 1986, thì tự nhiên con Toto cũng chết ! Người ta bảo chó cũng có tình như người. Không biết con Toto được thầy tôi yêu mến đến thế nào, để nó nhớ tiếc đến nỗi không còn muốn sống nữa khi chủ cũ ra đi. 


 

Những ngày nội trú ở trường Notre Dame du LangBiang , tôi đã tìm thấy đức tin, tình thương bao la nơi Thiên Chúa. Tôi đã tìm thấy giảì đáp cho những băn khoăn của tôi về nguồn gốc và ý nghĩa của sự sống và sự chết. Tôi đã học được đức khiêm nhường và khó nghèo, để nhận ra sự phù du và hữu hạn của con người trong vũ trụ. Tôi đã thấy được sự nhiệm mầu của uy quyền Thượng Đế tạo dựng đất trời và muôn vật.


Nhưng niềm tin của tôi đã làm mẹ tôi lo sợ. Mẹ tôi sợ sẽ mất một đứa con và nền tảng nho giáo thờ cha kính mẹ, phụng thờ tổ tiên sẽ bị xóa bỏ.


Chỉ có thầy tôi là hiểu niềm khát vọng của tôi. Một hôm, nhân tiện vào Saigon có việc, ông bảo tôi : Con muốn theo đạo thì cứ theo, nhưng yên lặng mà làm, đừng để cho mẹ biết, mẹ buồn.


Sau này mẹ tôi cũng hiểu. Và đã dự lễ cưới của tôi ở nhà thờ Regina Mundi.


 

Hai mươi năm sống ở miền Nam, từ 1954 đến 1975, là những năm tươi đẹp nhất của gia đình tôi. Lẽ dĩ nhiên, thầy tôi rất hạnh phúc. Sự nghiệp của ông thành công mỹ mãn. Tiền bạc vào như nước. Cả tỉnh Nha Trang , ai cũng biết và yêu mến cụ Trí. Những ông bà nào sinh vào những năm 60 ở Nha Trang phần lớn là do tay ông cụ giúp cho chào đời. Tuy bận rộn với nhà hộ sinh và phòng mạch, nhưng thầy tôi vẫn dành thì giờ để chơi tennis , tắm biển và xoa mạt chược.



Thời kỳ đó cũng là lúc chúng tôi được viếng suốt miền Trung, từ Nha Trang cho đến bến Hải. Ông cụ thích lái xe đi chơi xa, nên chúng tôi đã có dịp dừng chân ở Hội An, Đà Nẵng. Tới đèo Hải Vân nhìn mây nước, ngắm Lăng Cô đẹp tuyệt vời dưới chân đèo, trước khi đến Huế thăm đền đài lăng tẩm. Rồi từ Huế đến bến Hải, nhìn con sông chia đôi đất nước, để ngậm ngùi hướng về Hà Nội xa xôi. Lâu lâu, trên đường đi Saigon, chúng tôi lại được đi qua Ban mê Thuột, Phan Rang, Phan Rí. Tới Phan Thiết ăn cơm cháy. Vòng lên Đà lạt hưởng thú co ro trong áo lạnh, ngắm hoa anh đào, thăm trại mận, ngắm thông xanh thác đổ.


Tuy hạnh phúc với vợ con và thành công trong sự nghiệp, nhưng thầy tôi lúc nào cũng ấp ủ trong lòng bao niềm thương nỗi nhớ. Nhớ nhà Thịnh Hào, nơi thầy tôi sinh ra và lớn lên. Nhớ Hà Nội gạo trắng nườc trong, ngàn năm văn vật. Nhớ những ngày ngoài Bắc xa xưa, bố mẹ anh em con cháu tết nhất tụ họp đông vui…Cho nên năm 1961, khi vợ con vào hết cả Saigon, ông cụ một mình đơn chiếc ở Nha Trang, nỗi buồn hoài hương lại càng tha thiết, trạnh lòng làm bài thơ này :


Di cư đã quá bẩy năm rồi,

Cái mộng hồi hương vỡ mất thôi !

Tóc bạc hai bên đà lốm đốm,

Răng long mấy chiếc nhức liên hồi

Đàn con phân tán đôi ba chỗ,

Gánh nặng đôi vai vẫn một nơi.

Dựng lại cơ đồ nơi đất lạ

Nên chăng cũng tự ở ông Trời !


 

Sau cùng, thầy tôi quyết định bán nhà hộ sinh ở Nha Trang để gia đình được xum họp ở Saigon. Bắt đầu từ năm 1966, ông cụ hết phải kéo cầy nuôi vợ con, hết phải cô đơn sống một mình . Giã từ Nha Trang, miền cát trắng đã đùm bọc gia đình chúng tôi bao nhiêu năm, những năm tháng nhọc nhằn lập lại cuộc đời nơi đất lạ.



Thời gian 1966-1975 là thời gian êm đềm hạnh phúc nhất của gia đình tôi, và nhất là của thầy tôi. Ông cụ bắt đầu được hưởng thú thanh nhàn. Không còn những đêm đang ngủ phải thức dậy tất tả chạy vào nhà thương để mổ hay đỡ đẻ. Chỉ tà tà khám bệnh mỗi sáng mấy tiếng cho nhân viên một hãng thuốc lá, thì giờ còn lại vui với con cháu, nghỉ ngơi, đánh tennis hay đi bơi ở Cercle Sportif. 


Ngày tháng qua đi, chúng tôi bẩy đứa lần lượt trưởng thành. Đứa nào cũng học hành đỗ đạt nên người. Không ai làm cho bố mẹ buồn lòng.



Nếu không có biến cố 1975, thì cuộc đời của cha mẹ tôi sẽ tiếp tục thong dong như vậy.


Than ôi ! Cuộc đổi đời đến như một trận cuồng phong, đem lại bao nhiêu đau thương , mất mát, sinh ly …Tuổi già giọt lệ như sương, mà cứ phải khóc thương hai thằng con trai đi học tập ! Ngày đêm sống trong lo sợ phập phồng, sợ tiếng đập cửa nửa đêm xét nhà, sợ đấu tố tư sản, sợ bất trắc cho những đứa con liều mạng vượt biên.


Hùng Tuấn đi học tập cải tạo, tưởng một tháng thì về, ai ngờ vợ con bố mẹ chờ cả năm năm cũng chẳng thấy vân mòng :

 

Nó bảo rằng đi nửa tháng thôi,

Năm năm chờ đợi đã qua rồi !

Đau lòng bố mẹ thân mòn héo,

Sót cảnh thê nhi, lệ ứa rơi.

Tháng tháng lo mua đồ tiếp tế

Ngày ngày mong đợi chuyến thăm nuôi.

Ta bà biển khổ , đâu là bến ?

Gắng giữ lòng tin để tới nơi.

 


Sức khỏe của thầy tôi bắt đầu sa sút, với tất cả những suy sụp của tuổi già : răng đau, mắt bị glaucoma, tiểu đường bột phát.


Tội nghiệp ông cụ thích ăn ngon mà răng không nhai được. Thêm bệnh tiểu đường làm ông cụ yếu sức đến nỗi đi bộ ra chợ Tân Định mà nhiều khi cũng không nổi ! Những cái Tết xum họp đại gia đình càng ngày càng thưa thớt. Con cái tứ tán mỗi đứa một phương, đứa học tập cải tạo, đứa đi tù vượt biên, đứa thì ở xa bao nhiêu đại dương…


Khi có tin gia đình chị Dung đã định cư ở Pháp, cả nhà đều mừng rỡ, nhất là thầy tôi. Từ khi gia đình chi Dung hớt hải bỏ đi, biền biệt bóng chim tăm cá, ông cụ lo con nhớ cháu, ngơ ngẩn cả người. Có lần đến căn nhà bỏ hoang ở đường Hiền Vương, thu dọn đồ đạc con để lại, ngồi múc gạo mang đi mà nước mắt cứ rơi.

 


Chi Dung ở xa, vừa phải phấn đấu với cuộc sống nơi xứ lạ, vừa lo cho số phận bố mẹ anh em ở nhà, cũng lo buồn không kém. Đành cứ chắt chiu dành dụm, dư được chút nào thì gửi quà về đỡ đần bố mẹ.


Được quà thì mừng, nhưng đi lãnh quà thì dở khóc dở cười, vì xếp hàng đã lâu, mà chen lấn chụp dựt thì thật là cả môt cơn ác mộng. Đến nỗi ông cụ phải tả oán :

 

Cũng vì bưu phẩm gửi từ Tây

Mới biết lầm than đế nỗi này !

Mỏi gối chồn chân, già vịn trẻ,

Chen vai thích cánh, béo xô gầy.

Còn lo tên gọi nghe không rõ,

Lại số tiền mang thiếu, khó vay !

Lỉnh kỉnh mang đồ, xe bắt bí,

Đường về, ngại nhất cướp bao vây.


 

Tết năm 1980 là cái Tết buồn nhất của thầy me tôi. Nhà HTC liu hiu lạnh ngắt, vắng tiếng nói cười. Hùng Tuấn vẫn còn học tập chưa về. Gia đình cô Châu và gia đình tôi lúc đó đã vượt biển vào những tháng ba tháng tư năm 1979, đang chờ định cư trong các đảo Nam Dương và Mã Lai. Ở nhà chỉ còn cô Hoàn, vợ chồng cô Bảo, Lâm Hương vợ Hùng, và Miên vợ Tuấn với con gái đầu lòng là Minh Tú, ăn với bố mẹ một cái Tết đầy ắp nhớ thương.


Đêm Giao Thừa, ông cụ làm bài thơ :

 

Tiếng pháo Giao Thừa nổ khắp nơi,

Người ta nhộn nhịp đón xuân tươi.

Riêng mình mang mối sầu rười rượi,

Chẳng thiết mừng xuân, chẳng muốn cười !

 

Chẳng thiết mừng xuân, chẳng muốn cười,

Thương con tù tội mấy năm rồi !

Quyền cao, chức trọng, nào đâu phải ?

Chả biết cầu ai, chỉ khấn trời. 


 

Năm đó thầy tôi 74 tuổi. Cả một cuộc đời phấn đấu không ngừng, mà tuổi già sao vẫn không được yên, vẫn phải chịu bao chuyện đau lòng lận đận.

 

Năm nay tuổi đã bẩy mươi tư,

Con đứa đi xa, đứa ở tù !

Áo mặc sơ sài lo tốn vải,

Tiêu tiền dè sẻn sợ hao xu !

Tự do hạnh phúc nào đâu thấy ?

Cướp của giam người mãi thế ru ?

Trí thức khoanh tay ngồi chịu trận,

Chỉ còn than thở với thầy tu.


 

Niềm vui duy nhất là gặp lại được bà chị, bác Đạo, vào những năm 1976, 77. Bác Đạo ở lại Hà Nội từ 1954 . Sau 20 năm xa cách, không ai ngờ bác Đạo lại đẹp lão đến thế ! Tóc trắng như cườc, da dẻ hồng hào, thần sắc ung dung nhàn nhã. Bác vấn khăn nhiễu mầu mận già, áo dài nhiễu nâu đậm, phong độ chả khác gì những ngày hoa gấm cũ. Nếu không tình cờ thấy cái áo len của bác. Đó là một cái áo mà mỗi hàng sợi là một mầu khác nhau, do sự chắp nối của bao nhiêu len vụn tháo ra từ những áo cũ rách. Nhìn cái áo, mới thấy rõ cuộc sống của người dân trong bao nhiêu năm qua ở ngoài Bắc . Ăn không đủ no, quần áo không đủ ấm. Khi chị Thúy vào Nam lần đầu, thấy chị mặc một quần đen ngắn, tôi cứ tưởng là kiểu ngoài Bắc. Sau này mới biết là mỗi năm mỗi hộ chỉ được mua vải một lần, vừa đủ để may một bộ quần áo vừa ngắn vừa chật.


Bác Đạo sống cực khổ ra sao trong những năm qua, nào ai có biết ?! Nhưng bác không hề kể lể than van. Bác vẫn tụng kinh niệm Phật mỗi ngày, và vẫn làm thơ. Gặp lại nhau, hai chị em lại cùng nhau xướng họa.



Tết cuối cùng ở Việt Nam, năm 1983, bác Đạo gửi từ Hà Nội cho ông em một bài thơ xuân :


Tám mươi năm ở cõi trần ai,

Dở sổ thiên tào, số sống dai

Để ngắm người đời đen đổi trắng

Mà xem cuộc thế thắm hay phai.

Người tiên cõi tục đâu còn vướng

Phật thánh tuần hoàn cũng một mai

Chẳng phải nợ duyên, ai nỡ buộc,

Thiên cung liệt nữ xuống so tài.


 

Thầy tôi họa lại như sau :

 

Thế sự thăng trầm có nể ai,

Còn trong tục lụy, khổ còn dai !

Thương nhà ly tán, chưa xum họp,

Ngán nước đen ngòm, khó nhạt phai.

Tưởng nhớ quê hương đang rét mướt,

Vọng trông con cháu buổi sương mai.

Chỉ xin Thượng Đế thương người Việt

Phái xuống trời Nam kẻ đức tài.


 Đó là lần cuối cùng hai chị em xướng họa cùng nhau, trước khi thầy tôi biệt xứ.


 

 

Những ngày tháng lưu vong


 

Tháng hai năm 1983, thầy me tôi nhận được giấy tờ đi Mỹ.


Lúc bấy giờ, ở Việt Nam, Hùng Tuấn vừa được học tập trở về.


Ở nước ngoài thì gia đình chị Dung ở Pháp đã được 8 năm, từ 1975. Gia đình cô Châu và gia đình tôi mới tơí Mỹ định cư được hơn hai năm, từ những năm 1980, 81. Trong nỗi vui mừng sắp được tái ngộ với lũ con xa xứ, vẫn còn nhiều niềm đau khi phải bỏ lại những đứa con mới học tập trở về, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Tuổi già muốn an mà không được an !Vẫn còn quá nặng ưu phiền !


Lại một lần nữa, thầy me tôi phải bán bỏ hết tài sản cơ nghiệp tạo dựng suốt hai mươi năm ở miền Nam, chia một phần cho các con còn ở lại, để ra đi với gần như hai bàn tay trắng. Với tuổi đời đã cổ lai hy !



Khi tới Hoa Kỳ , thầy me tôi và cô Hoàn định cư ở San Diego, thuộc tiểu bang California, miền Tây Nam Hoa kỳ, do cô Châu cậu Bảo bảo lãnh. San Diego là một thành phố hiền hòa trên bớ biển Thái Bình Dương. Nước biển quanh năm trong xanh như ngọc, khí hậu mát mẻ, gần như không có ô nhiễm, rất tốt cho người già. Những ngày đầu gặp lại nhau, cha mẹ con cái mừng mừng tủi tủi, hàn huyên kể lể chuyện nhà chuyện nước, chuyện vượt biên…Rồi sau đó là những ngày cuối tuần bận rộn lo giấy tờ định cư, thăm bà con họ hàng, làm quen với cảnh thành phố, viếng Orange County là nơi tụ hội nhiều người Việt nhất thế giới.



Những ngày đầu, đi đâu cũng có con cháu đi cùng, nên chỉ thấy vui trong cảnh lạ người lạ, chưa thấy thấm thía niềm xa xứ. Khi bắt đầu phải làm quen với cuộc sống hàng ngày trên đất Mỹ, trong khi con cháu đi làm đi học, thì mới thật là khó.


Khác với lúc di cư vào Nam, dù sao cũng là đất nước của mình, chỉ khác nơì chôn nhau cắt rốn. Lần này các cụ đến một nơi mà nếp sống và tập quán hoàn toàn khác hẳn lối sống của mình từ trước đến nay. Từ Saigon phố phường nhộn nhịp, ồn ào sáng chiều tiếng rao hàng, tiếng gọi nhau, kèn xe kính coong, tiếng Việt thân thương dóng dả vang vang …thầy me tôi tới một nơi mà mỗi căn nhà là một thế giới riêng, một Việt Nam im ắng thu nhỏ. Thế giới bên ngoài là đường phố mênh mang xa ngút ngàn, những bóng người vội vã đi, những chiếc xe vun vút chạy. Và tiếng người, một đôi khi nghe thấy, nghe líu lo như những tiếng chim lạ, khó hiểu làm sao !



Nhà cô Châu lúc bấy giờ ở đường Brillo. Đó là một căn nhà rất xinh xắn, vườn đằng trước là thảm cỏ xanh điểm mấy cây dừa, vườn sau đầy cây ăn trái như cam quit và chanh. Đi bộ chừng mười phút là tới một thương xá nhỏ có vài cửa hàng lẻ tẻ cung cấp ít dịch vụ, rau trái và đồ lặt vặt. Ngoài ra còn có một cửa hàng bách hóa hạng trung bán đủ thứ quần áo, giầy dép, tranh ảnh, bát đĩa soong nồi, đồ kỷ niệm…Nhìn quanh địa thế, các cụ thấy có thể tổ chức môt cuộc sống tạm gọi là không nhàm chán, không bị tù hãm trong nhà cả ngày. Tuy tiếng Anh của ông cụ chỉ quanh quẩn mấy chữ chào hỏi thường dùng và giá cả, nhưng cũng tạm đủ cho hai cụ có thể tản bộ ra đó mua bán, hay ngắm hàng ngắm người. Mọi việc coi như ổn định.


Nước Mỹ rộng lớn đi đâu cũng cần có xe. Thầy tôi tính tự lập, lại năng hoạt động. Khi cụ tính đi thi lấy bằng lái rồi mua xe, để có thể tự túc đi lại, thì lại kẹt vốn Anh ngữ không đủ để thi. Thêm vào đó, ai cũng ngăn cản cụ vào tuổi này không nên lái. Thành ra ông cụ kẹt như chim bị nhốt vào lồng, nhìn trời xanh cao lồng lộng mà không có cánh để bay ! Khi thầy tôi tìm được mấy cụ bạn già, thì lại càng thấm thía cái bất lực muốn gặp nhau không phải dễ, cứ phải lụy con, hay bất cứ ai cho quá giang . Đi không đi được, nói không nói được, nghe cũng chẳng ra, ông cụ chỉ gửi tâm sự vào mấy vần thơ :

 

Bỏ nước ra đi với hận sầu

Lưu vong đất khách thích gì đâu !

Rau sam vị mới chưa quen lắm,

Lá muống năm xưa vẫn nhớ lâu.

Vốn liếng Ăng Lê còn mấy chữ,

Gia tài trung học được vài câu !

Chót vì biếng học khi còn trẻ,

Con cháu giờ đây phải cậy cầu !

 


Cũng may cụ Thu ở gần nhà, nên khi buồn các cụ có thể đi bộ đến thăm nhau. Cụ Khải ở tận Los Angeles, chỉ có cách liên lạc bằnh thư hay điện thoại.


Rồi dần dà cũng bắt đầu có những bàn mạt chược giải sầu. Từ bàn mạt chược này sang bàn khác, lại làm quen thêm một số bạn già nữa. Căn nhà mọi khi vắng lặng, bắt đầu sống động, vang tiếng nói cười lẫn tiếng bài xoa loảng xoảng. Mẹ tôi cũng có việc thêm để bận: nấu nướng cho khách đánh bài.



Lúc bấy giờ thầy tôi đã 77 tuổi, mẹ tôi 72. Tương đối sức khỏe cả hai cụ đều tốt, nhất là mẹ tôi còn nhanh nhẹn lắm. Đất nhà cậu Bảo cô Châu lại rất mầu mỡ, nên hai cụ có thêm được thú làm vườn, vừa có rau Việt Nam ăn, vừa mạnh chân khỏe tay. Chả mấy chốc khu vườn sau nhà đã xum xuê cải xanh, bí bầu, thơm ngò hành xả…Mấy cây cam, quit, chanh được vun sới, tưới hàng ngày, ra đầy trái , nhuộm đỏ nhuộm vàng cả một vùng.


Thầy me tôi đến San Diego được vài tháng thì tôi thu xếp đến thăm ngay. Các cụ cố ý chờ tôi đến để cùng đi xem Sea World, sở thú, Wild Animals Park và Disneyland ở Orange County. Đó là lần đầu tôi tới Cali. Kể từ năm đó, dù bận rộn đến đâu, tôi cũng cố đi thăm bố mẹ ít nhầt mỗi năm một lần.



Hè 1983, thầy me đi Virginia thăm gia đình tôi, đúng lúc Quỳnh Trâm tốt nghiệp trung học. Lúc đó chúng tôi còn ở Gilson St, Falls Church, một căn nhà có vườn rộng bao quanh, thuê của ông Khiết là bạn làm sở Mỹ với chị Dung ngày xưa. Tội nghiệp cho thầy me tôi, con cái đứa nào cũng chân ướt chân ráo mới định cư, hãy còn nghèo rớt mùng tơi, chả có nhiều tiền và thời giờ đưa các cụ đi ăn uống hay đi chơi xa. Thành ra ở Cali hay Virginia, hai người già vẫn ra ngẩn vào ngơ trong căn nhà vắng, mong con cháu chiều về mới được xum vầy. Gần nhà Gilson có một thương xá nhỏ, gồm chợ Safeway và một drugstore. Từ nhà có thể đi bộ tới, nên thầy me tôi cũng có chỗ giải sầu, qua đó ngắm hàng ngắm họ. Tuy không đưa được các cụ đi chơi xa, nhưng chúng tôi cũng cố gắng dành thì giờ đưa các cụ thăm mấy tỉnh gần như Philadelphia và Atlantic City, các đài kỷ niệm và bảo tàng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Chỉ tiếc là mùa hè không có gì đặc biệt ở Virginia, chỉ có cái nóng nung người, trong khi mùa xuân hay mùa thu ở đây mới là tuyệt vời. Lúc bấy giờ Virginia hãy còn ít người Việt. Phố buôn bán Việt Nam chỉ tụ tập ít cửa hàng ở đường Wilson, ngay trạm xe điện ngầm Clarendon. Có lần thầy tôi ngỏ ý muốn ăn tiết canh vịt, mà tìm mãi không có tiệm nào làm. Trong suốt một tháng ở với chúng tôi, cụ chỉ yêu cầu cho cụ ăn xôi đậu xanh với món đậu rán mỡ hành, và cà phê pha trong cái nồi ngồi trên cái cốc.



Thời gian bốn năm sống trên đất Mỹ, thầy tôi chỉ đi chơi xa có hai lần. Lần đầu đi Virginia thăm gia đình tôi, và lần thứ hai đi Pháp thăm gia đình chị Dung năm 1984. Lúc đi Pháp, sức khỏe thầy tôi đã bắt đầu suy yếu. Răng cứ đau hoài, ăn không được cũng mất sức. Mắt bắt đầu mờ, bệnh tiểu đường nặng thêm. Chuyến bay đi Pháp khá dài nên đến nơi là ông cụ mệt lả. Một tháng ở Paris, những tưởng ông cụ sẽ hưởng thú ăn cơm tây hằng ưa thích, nói thứ tiếng cụ hằng thông thạo, đi dạo đường phố tấp nập như ở Việt Nam, nhưng cụ yếu quá, chẳng có sức đi đâu. Lần sang Tây này là lần đầu và lần cuối thầy tôi gặp gia đình chị Dung.



Trong những năm cuối cuộc đời , từ 1985 tới đầu 1986, có môt thời gian ông cụ tham gia ban yểm trợ phong trào kháng chiến của Hoàng Cơ Minh. Được đưa đón đi họp, gặp người này người kia, ông cụ vui, khỏe hẳn ra. Đáng tiếc là sau này, thấy phong trào này chẳng đi đến đâu, nên ông cụ rút lui, mất luôn niềm tin và niềm vui. Từ đó chỉ còn bầu bạn với phim chưởng và mạt chược.


Bao nỗi chán chường chỉ còn tâm sự với bạn thơ :

 

Hai ta tuổi đã quá già rồi

Lặn lội phong trần đến tám mươi.

Đã tưởng đoàn viên vui tuổi lão,

Nào ngờ lưu lạc kiếp chim trời !

Anh khôn sớm mượn vui thi phú

Tôi dại còn mong chuyện đổi đời !

Còn bạn cố tri còn thích sống

Sỹ Tâm có dịp sẽ đầy vơi. 


 

Cuộc đời tù túng trong nhà làm tinh thần ông cụ càng ngày càng suy sụp. Cuộc sống hiện tại chẳng thấy vui, lâu lâu nhìn lại ảnh cũ trong album, lại càng nhớ thương con cái ở xa, và những ngày hạnh phúc xưa :

 

Hình ảnh năm xưa đã ám mờ

Gợi bao tình cảm tựa nằm mơ.

Còn đâu vui nhộn ngày sinh nhật

Với buổi huy hoàng lễ nguyệt tơ .

Kẻ mất người còn tình thắm thiết

Thân già sức yếu sống trơ vơ

Tám mươi tuổi lận, ham chi nữa,

Nghĩ đến đàn con vẫn ngẩn ngơ

 


Năm 1985, khi tôi báo tin là vợ chồng tôi cùng Tú Anh và Việt, lúc bấy giờ đã đính hôn, sẽ đi Cali ăn tết với hai cụ. Thầy tôi vui thật vui.



Từ trước đến nay, thầy tôi vẫn trọng ngày Tết, coi như là một ngày thiêng liêng nhất trong năm. Ngày đó là gia đình xum họp, con cháu ở xa đến đâu cũng cố về. Bây giờ con cái tứ tán mỗi đứa một phương, người ở châu Âu, người ở Việt Nam, người ở Mỹ, về nhà ăn Tết đâu có phải dễ ! Bỏ nước ra đi, tưởng được xum vầy với con cháu như những năm xưa, nào ngờ Tết tha hương thật buồn :

 

Tìm đâu đại đóa với mai hoa

Vui nhộn năm xưa dĩ vãng mà !

Muốn chúc tân niên dùng điện thoại,

Còn xin lộc Phật, đợi xe ca !

Nhang thơm nến đỏ cho ra vẻ,

Mứt ngọt chưng xanh để gọi là.

Tiếng pháo mừng xuân nghe lạt lẽo,

Buồn thay cái Tết nước người ta !


 Lần này thêm con cháu từ xa lại, cái Tết ở nước người cũng ấm áp hơn. Ánh mắt ông cụ nhìn con cháu tràn đầy yêu thương. Tết năm đó, ông cụ chỉ có một niềm mong : làm sao cho các con biết thương quí nhau, đùm bọc nhau hơn, để cho cha mẹ khỏi chứng kiến những xung đột làm tan nát trái tim già.


 

Ngày vui chóng qua. Hôm trở về Virginia, tôi hứa năm nào cũng sẽ về ăn Tết với cha mẹ.


Và năm sau, Tết Bính Dần, 1986, tôi lại trở về Cali, với chồng tôi.


Ai ngờ đó là lần cuối gặp cha già.


Tôi còn nhớ, năm đó, thầy tôi theo vợ chồng cô Châu ra sân bay đón vợ chồng tôi. Ông cụ mặc một bộ sweat suit mầu xám nhạt, chân đi đôi giầy tennis đã cũ. Trông ông gầy và xanh xao, nhưng vẫn dáng trầm ngâm và ăn nói chậm rãi. Vẫn cái ống điếu trên môi thơm thuốc lá trộn rhum và mật ong. Trong cái vui gặp con, lâu lâu bất chợt lại có một cái nhìn xa vắng, y như tim và hồn phiêu diêu về chốn nào khác, không phải ở trần gian này. Năm nay trông ông tiều tụy hơn năm ngoái, lúc nào cũng húng hắng ho và khạc đờm. Răng vẫn triền miên đau, và mắt tuy đã mổ cataract, nhưng vẫn mờ.


Buổi tối ăn cơm xong, cụ thay áo, khoác một cái robe de chamber mầu xanh lá cây đã sờn, rồi cho tôi xem phim chưởng. Có vài cuốn phim, mà cứ xem đi xem lại hoài, đến nỗi cụ thuộc lầu. Bao nhiêu tình tiết éo le, được cụ phụ đề kể đi kể lại.



Thời gian sau này, thầy tôi ít ra ngoài, chỉ ở nhà quanh quẩn phụ mẹ tôi làm vườn, làm thơ tâm sự với cụ Lê văn Khải . Đặc biệt là những ngày cuối đời, thầy tôi săn sóc mẹ tôi từng tí một. Có những buổi sáng, cụ lui cui trong bếp chiên trứng, nướng bánh mì, rồi gọi mẹ tôi : Này bà, vào ăn sáng đi, tôi chiên trứng rồi. Ăn đi không nguội mất. Khi mẹ tôi làm vườn thì cụ hì hục cuốc đất để mẹ tôi trồng cây, rồi xách nước cho bà tưới…Hai cái bóng già cứ lẩn quẩn bên nhau, bám víu lấy nhau mà sống .


Năm đó, cũng như những năm qua, ông cụ nhất định giữ việc nấu bánh chưng ngoài trời. Bánh của mẹ tôi gói. Tết năm nay có thêm gia đình cô Bảo mới sang, chỉ còn thiếu hai cậu con trai. Cho nên vui là vui gượng kẻo là … Thầy tôi vẫn buồn... Hình như ông thấy thời gian không còn đủ để cho ông có thể lo cho vợ con được như xưa. Sức đã tàn, lực đã kiệt rồi ! Cơ thể ông yếu đến thế nào, mỏi mệt đau đớn ra sao, tình trạng sức khoẻ nguy hiểm tới mức nào, không ai biết, ngay cả mẹ tôi, vì ông chả bao giờ than thở.


Trước khi tôi trở về Virginia, tôi nhắc lại lời hứa sẽ tớí ăn Tết mỗi năm. Thầy tôi vui lắm, và yêu cầu tôi làm cho cụ một cái bánh quiche. Tôi làm hai cái cho cụ ăn dần. Trước khi chia tay, cụ còn cố dặn dò lần cuối : con giúp me lo cho em Hoàn.


Trên chuyến bay về Virginia, tôi bảo chồng tôi : sao năm nay thầy xấu sắc quá. Rồi lòng cứ bồn chồn không yên. Ngày 26 tháng 2, tôi nhận được bức thư cuối cùng của thầy tôi.


Ngày 9 tháng 3, chủ nhật thứ tư mùa chay, đi lễ đọc Phúc Âm về ngươì con hoang đàng.Tới đoạn: thưa cha, con đã phạm lỗi với Trời và vớí cha. Tôi buồn vô hạn. Người con trai bỏ nhà đi hoang, phá hết của cải cha cho, tớí khi thân tàn ma dại trở về vẫn được cha mở rộng hai tay chờ đón. Ngườì con hoang đàng còn được về lo cho cha trong những ngày tàn, còn tôi, tôi đã làm gì cho bố mẹ ? Ngày nào còn là đại bàng vươn cánh che trở và dẫn dắt đàn con, đến khi gẫy cánh thì tổ ấm khi xưa tro tàn lửa tắt, cô đơn trong tấm thân đầy bệnh tật ở xứ lạ quê người.


 

Đêm ngày mùng 10 tháng 3, năm 1986, cô Châu gọi điện thoại từ Cali : Thầy mất rồi chi ạ ! Trời ơi, sao thầy đi nhanh thế hả thầy ? Mới đây mà, thầy còn ăn Tết với con ! Bức thư thầy viết cho con, còn nóng hổi đây này, con đã trả lời đâu !


Gọi điện thoại báo tin cho chị Dung bên Pháp, cô Thừa ở Maryland, chị Nga, cô Thụy cô Mười ở Chicago … qua tiếng khóc. Những tiếng khóc cha, khóc anh, khóc chú, rung chuyển luồng sóng điện truyền qua bao đại dương !


Chắc ông cụ lúc đó ở dưới suối vàng tủm tỉm nghĩ thầm : chúng nó khóc mình mà cũng qua điện thoại !


 

Mười lăm năm qua, viết về người cha thâu yêu mà vẫn còn nhỏ lệ nhớ thương. Không biết mẹ tôi, trong những năm thiếu vắng người bạn đời, còn buồn đến thế nào ?


Bây giờ cả thầy lẫn me đều an nghỉ cả rồi. Hai cụ đều bỏ đi sau khi ăn Tết với con cháu. Thầy tôi ngày 29 tháng giêng năm Bính Dần, me tôi ngày 26 tháng giêng năm Tân Tị .

 

Từ 1983 đến 2001, tôi đều đặn mỗi năm đi Cali, hết thăm cha đến mẹ.


Bây giờ …hết còn nơi chốn để về !


 

 Lê Trần


 Hoa Thịnh Đốn 26/9/2001


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc