US PROPERTIES - Lê Thiệp

04 Tháng Năm 201612:00 SA(Xem: 32558)



Chúng ta đã được nghe cả hàng chục nghìn câu chuyện nói về những bi tráng kiêu hùng của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa cũng như những oan khiên mà người dân Việt phải gánh chịu sau ngày giặc đỏ lấn chiếm miền Nam, nhưng quả tình lại có rất ít câu chuyện kể về tâm sự ngỡ ngàng, cay đắng trước những đối xử lạnh lùng của người bạn đồng minh vào những giây phút tan hàng cuối tháng 4/75. Xin giới thiệu với quí vị câu chuyện cay đắng dưới đây mà người kể là một thiếu tá không quân và người ghi lại câu chuyện là cố nhà báo Lê Thiệp.


Vũ Đăng Khuê


 

c-130

 


US Properties


Lê Thiệp


 

Thiếu tá Trần Quang Trọng ngước nhìn lên.


Ba chiếc A37 sơn màu rằn ri nhào xuống. Ông điếng người. Rõ ràng là phi cơ của mình nhưng thế lao xuống là để tấn công, là đề đánh bom.


Phản ứng dù của một phi công vẫn không nhanh hơn sự việc xảy ra. Một loạt bom nổ khiến trời đất rung rinh và ông thấy mình như một phản xạ lăn vào hố cá nhân nằm xoãi dưới đất.


Ông biết rõ lắm, A37 có sáu rack mang theo mỗi bên ba trái bom MK81 nặng 250 cân Anh. Từ trước tới nay ông là người ở phía trên – từ trực thăng, khu trục cho tới nay là vận tải – và đã bao lần ông nhào xuống, nhưng chưa thật sự nhận thức được sự tàn phá của bom dù chỉ 250 cân.


Hàng loạt bom nổ khiến đầu óc ông lùng bùng.


Ông nằm sát mặt đất chờ loạt bom tiếp.


Bình thường với một phi đội ba chiếc thì chiếc đầu đánh “One rolling in” xong, vòng lại sau nhường mục tiêu cho chiếc kế tiếp. Nhưng kỳ này “salvo” cả ba trút một lần tất cả bom xuống mục tiêu và sau đó là im ắng hoàn toàn.


Ba chiếc A37 mất hút.


Định thần lại, ông leo lên một chỗ cao nhìn.


Ông nghe thấy tiếng còi hú ầm ĩ của xe chữa lửa, xe cứu thương từ nhiều ngả chạy tới.


Những cụm khói đen từ phía xa bốc lên cao.


Ông biết chỗ bị đánh là chỗ đậu của phi cơ F5 và khu trục A37. Sự thiệt hại chắc chắn là rất lớn vì phi trường Tân Sơn Nhất vừa tiếp nhận cả trăm máy bay trực thăng, khu trục, vận tải, trinh sát…. từ các căn cứ vừa bị thất thủ kéo dài từ Đà Nẵng đến Phan Rang và ông chỉ biết cầu trời.


Lúc đó là khoảng 4 giờ chiều ngày 28/4/75.


Ông lắc đầu như cố xua đuổi những ám ảnh đen tối. Chắc chắn là A37 của ta bị địch chiếm - có lẽ ở Đà Nẵng hay Nha Trang - và ông nhớ ngay đến Nguyễn Thành Trung, gã phi công nằm vùng đã ném bom Dinh Độc Lập.


Thế còn hai chiếc kia thì ai lái?


A37 có hai chỗ ngồi và như vậy phải có sáu người ngồi trên đó. Cộng Sản chắc chắn không có phi công nào biết bay loại phi cơ này. Vậy thì….?


Lòng ông quặn đau.


Nếu ông bị bắt ở Đà Nẵng và bị địch ép phải lái một trong ba phi cơ đó đánh bom Tân Sơn Nhất, phản ứng của ông sẽ ra sao?


Ông biết rõ mình lắm.


Ông là lính tình nguyện chọn binh nghiệp như lẽ sống, không phải người dân thường bị động viên khi quốc gia hữu sự. Nhưng chắc chắn ông không bao giờ là anh hùng và trong hoàn cảnh bị địch dùng sinh mạng của chính gia đình mình để làm áp lực thì sao?


Nhiều năm sau ông vẫn suy nghĩ về vụ ném bom này. Nếu Cộng Sản muốn tê liệt hóa Tân Sơn Nhất thì mục tiêu hợp lý nhất là đài kiểm soát không lưu và hai phi đạo vì những mục tiêu đó quá dễ. Nhưng có thể bọn chúng chưa ý thức được và cũng không có ý niệm gì về Không Quân hoặc chỉ muốn một tác động lớn đối với dư luận mà không cần đến kết quả của phi vụ. Nếu quả như vậy thì chúng đã đạt mục tiêu.


Ông không rõ phía ngoài Saigon dân chúng và chính phủ hoặc những người có trách nhiệm trong quân đội ở cấp cao hơn nghĩ gì, nhưng ngay trong Tân Sơn Nhất thì mọi người xao động thấy rõ.


Chợt đâu một ước muốn rất tầm thường trước đây nghe như huyền thoại. Bây giờ được ra phố ăn một tô phở gà Nam Xuyên rồi ra Pagode uống một ly cà phê trộn kem thì nhất. Ông tự cười trước cái ước mơ viển vông này.


Ông nhẩm trong đầu. Phi vụ cuối cùng của ông từ Tân Sơn Nhất xuống Bình Thủy cách đây cả hơn mười ngày và từ đó là cắm trại ứng trực cho đến nay. Trước kia ông bay liên miên có khi không đủ giờ ngủ nhưng tình hình lúc này khác. Vả lại Huế, Đà Nẵng đã mất. Mọi sự rối tinh và tin tức chỉ thấy BBC loan hết chỗ này rút lui đến chỗ kia di tản.


Ông quay vào trong, điện thoại về nhà.


Bà chị cho hay cả nhà vẫn bình yên, nhỏ em gái vốn là tiếp viên Air Việt Nam vẫn đi làm như thường lệ.


Vẫn bình yên nhưng bình yên đến bao giờ?


Thoáng trong đầu ông là ý nghĩ trốn trại về nhà.


Nhưng để làm gì? Giải quyết được gì?


Vả lại, ông đang là sĩ quan Không Lực Việt Nam, lương tâm và trách nhiệm không cho phép ông. Biết mình không bao giờ muốn làm anh hùng nhưng ông không muốn làm thằng lính đào ngũ.


Ông lững thững trở lại cư xá độc thân thì bỗng nghe tiếng gọi:


- Ê Toe!


Ông có biệt danh Trọng Toe từ khi học trung học ở Nguyễn Trãi, có lẽ vì tính cười hay nói, và tên Toe này theo ông vào quân ngũ. Ông vui vẻ nhận cái tên Toe vì nó gợi nhớ đến tuổi học trò.


Quay sang thì thấy Hoàng Nam nón bay cắp kè bên hông và bên cạnh là một phi công khác trông lạ hoắc – nhất là ông này xem ra quần áo có vẻ hơi chật so với khổ người và tóc dài phủ gáy trông có vẻ gượng gạo thấy rõ. Nheo mắt nhìn kỹ thì ra là luật sư Hoàng Chí tự Chí Bờm, một ông bạn từng giải tỏa cho ông trong một vụ ái tình lăng nhăng.


Ông vội chạy lại lôi Hoàng Nam ra một góc:


- Ê, bộ mày điên sao. Giấu thằng Chí Bờm ngay đi. Quân cảnh đi nhan nhản sao mày liều vậy.


Quả là mấy hôm nay không hiểu sao quân cảnh nhan nhản và ai nấy đều gườm gườm. Thật sự ông không hiểu Hoàng Nam âm mưu gì nhưng cả đám phi công dạo này khác hẳn.


Chiến tranh khiến mạng sống trở thành trò đùa.


Sống nay chết mai là chuyện cơm bữa. Có những lần ngồi ăn với nhau xong, đi bay và người ngồi cùng bàn không bao giờ trở về nữa. Có lẽ vì vậy đa số phi công đều coi mọi sự như giễu, lúc nào cũng cười đùa và sống chỉ biết hôm nay.


Nhưng sao hôm nay mặt mày ai nấy đăm chiêu, không nhậu nhẹt, xập xám hay phé còm như xưa.


Khó mà có thể cười trong hoàn cảnh này.


Ngồi nói toàn là những chuyện đi hay ở? Đi thì đi đâu? Có thể lại như Tết Mậu Thân, Mỹ dụ cho Cộng Sản tung toàn lực và sau đó phản công một trận cuối? Liệu quân ta có thể rút hết vầ vùng Bốn và tái phối trí chăng?


Toàn những chuyện mãi sau này mới biết là ngớ ngẩn. Phía ngoài Saigon thì Tổng Thống Thiệu coi như đã mất chức, còn quốc hội loay hoay họp tới họp lui chẳng giải quyết được gì.


Có tin đồn thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền sẽ đảm đương chức Tổng Thống và tin khác thì nói tướng Dương Văn Minh sẽ thay thế ông Thiệu.


Lại còn tin cựu phó tổng thống Kỳ sẽ đảo chánh. Mấy hôm rồi, ông Kỳ đi hết chỗ này đến chỗ khác ăn to nói lớn và ngay tại nhà thờ Tân Sa Châu trước cả chục ngàn người, ông Kỳ bảo chỉ quen ăn cà pháo mắm tôm không chịu được bơ sữa.


Đêm rồi cũng xuống.


Ông lần mò về cư xá và để cả giày lẫn áo bay lăn ra giường. Cơ thể ông rã rời, đầu óc trống rỗng.


Tất cả là ngõ bí xem ra không phải cho cá nhân ông mà cho cả một dân tộc. Dễ có lẽ đã quá nửa đêm. Ông chìm vào giấc ngủ nhưng tai vẫn thỉnh thoảng nghe vọng từ đâu đó tiếng pháo kích.


Bỗng thấy nhói ở cổ và ông tỉnh hẳn.


Ông đưa tay sờ nơi còn hai ba mảnh đạn nhỏ nằm trong đó. Vết thương nay đã đóng sẹo nhưng đôi khi nhói lên đau buốt.


Ông ngồi hẳn dậy và từ đâu không biết cái quá khứ không xa lắm hiện ra rõ mồn một.


Phi vụ trực thăng hôm đó có vẻ bình thường như mọi ngày. Ông được lệnh thả nhóm biệt kích tại một địa điểm nào đó gần đường mòn Hồ Chí Minh hay bên kia biên giới Lào. Ông đã bay cả ngàn phi vụ như vậy, có khi một ngày bay hai hay ba phi vụ.


Hồi đó ông tình nguyện bay cho một phi đoàn đặc biệt ở Đà Nẵng chuyên thả và bốc biệt kích trong các công tác xâm nhập đường mòn và hậu cứ địch. Công việc khá vất vả nhưng bù lại lương bổng do Hoa Kỳ đài thọ nên khá hẳn so với anh em phi công khác - chỉ có điều nguy hiểm hơn hẳn.


Hôm đó vừa xà xuống thì phi cơ ông trúng đạn.


Ông không nhớ gì ngoài cảm giác thấy đầu mình như lìa khỏi cổ và sau đó được một người biệt kích lôi ra. Ông bị trúng nhiều miểng đạn ở cổ, máu ra xối xả. Nhưng không hiểu do đâu, có thể vì còn trẻ, có thể vì lòng ham sống, ông đã cùng bảy người biệt kích băng trên ba cây số đường rừng để tới bãi đáp phụ - LZ.


Tình cảnh lúc đó thật hỗn loạn


Vị sĩ quan Mỹ thuộc Phòng Ba (S3) bay trên chiếc máy bay trinh sát OV2 làm C&C (Command & Control) điều động hai phi tuần khu trục A1-H đánh chận đường tiến của quân chính qui Bắc Việt đang cố gắng bắt sống phi hành đoàn và đám biệt kích, đồng thời ông ta liên lạc với toán trưởng biệt kích Zero (danh hiệu US Special Force Leader) để biết rõ vị trí trước khi ra lệnh cho khu trục thả bom phá hủy chiếc trực thăng lâm nạn.


Trên đường di chuyển tới bãi đáp, toán biệt kích đặt rất nhiều mìn bẫy - claymore - ở phía sau. Tới bãi đáp, xen lẫn tiếng động cơ của trực thăng cấp cứu trên đường hạ cánh (final approach) là những tiếng nổ xé tai của mìn bẫy. Địch quân bất chấp bom đạn của khu trục cơ tiến tới quá nhanh và quá gần.


Đột nhiên chiếc máy bay trinh sát OV2 từ trên cao lao thẳng xuống tấn công bằng tất cả hỏa tiễn khói và hỏa tiễn còn lại của phi cơ rồi bay như một mũi tên lửa và gọi tên tần số “This is Covey rolling out to the South East. Tiger lead cover for me”.


Mọi người chạy thục mạng lên máy bay dưới lằn đạn đại liên M30 bắn trực xạ của xạ thủ trên chiếc trực thăng cấp cứu, cùng lúc hai phi tuần khu trục A1-H của không quân Việt Nam nhào xuống oanh tạc bằng bom nổ, hỏa tiễn cùng với bốn khẩu đại bác 20 ly bắn phá xung quanh bãi đáp.


Đúng là ổ kiến lửa - Đây là danh từ riêng của phi đoàn khi phải làm hậu báo cáo những cuộc đụng độ thập tử nhất sinh.


Cuối cùng ông thoát được mặc dù mất máu rất nhiều. Khi lên được trực thăng, ông mê man không biết gì.


Đó là chuyện quá khứ với một vết sẹo 15 phân chạy dài trên cổ.


Ông ngó đồng hồ. Năm giờ sáng.


Tháng Tư trời sáng sớm, đâu đó như có tia nắng. Ông chợt thấy đói và nhớ không ăn bữa tối hôm qua. Lần mò ông sang câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Phòng ăn khá đông và đủ các cấp úy, tá lao nhao. Ông đang nhâm nhi ly cà phê thì trung úy Nghĩa xà xuống bên cạnh.


Trung úy Nghĩa nhìn ông đăm đăm hỏi:


- Thiếu Tá tính sao?


Thật ngạc nhiên vì giữa ông và Nghĩa trừ trường hợp trước công chúng, không có chuyện gọi nhau bằng cấp bậc. Ông nhớ ngay ngày đầu Nghĩa trình diện đề làm hoa tiêu phụ (co-pilot) cho ông, nhìn khuôn mặt trẻ măng đẹp trai của Nghĩa ông đã có cảm tình và bảo:


- Thôi, đừng thiếu tá thiếu tiếc gì. Anh em là đủ và cho nó thân vì mình sẽ sống chết có nhau một thời gian.


Nhưng sáng tinh mơ như sáng nay trong cảnh này bỗng Nghĩa gọi ông là thiếu tá. Ông chợt nhớ ra thân phận mình. Chẳng phải là ông cũng đang ngong ngóng chờ quyết định của thượng cấp sao?


Ông nhìn đăm đăm người đàn em và thở dài:


- Trung úy biết…mình là lính, là quân nhân đâu có thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, kể từ giờ phút này tôi đi đâu, trung úy đi đó. Sống cùng sống, chết cùng chết.


Trung úy Nghĩa im lặng một lúc lâu rồi bỗng đưa tay ra nói:


- Được, như vậy anh đâu em đó.


Ông xiết chặt bàn tay người đàn em, lòng bồng hồi. Lúc đó chừng hơn bảy giờ sáng 29 tháng tư 1975.


Hai người đang lớ ngớ thì một trung tá từ phòng hành quân ra nói khẽ cho hay Liên Đoàn Biệt Cách Dù 81 đang giao tranh dữ dội ở Bà Điểm và họ được lệnh bảo vệ Tân Sơn Nhất bằng mọi giá. Ông nghe để mà nghe vì tin tức cứ lung tung đủ thứ trong khi phi trường vẫn bị pháo lai rai và thỉnh thoảng có phi cơ trực thăng - gunship helicoter – bay lên. Tiếng súng từ miệt Hóc Môn vọng về nghe rõ mồn một.


Bỗng có tiếng ai đó la lên:


- Thằng Thành Đen nó điên rồi.


Thành Đen bay AC119K, loại máy bay có hai đuôi được canh tân cho thích hợp với chiến trường Việt Nam trong thân tàu được trang bị hai đại bác 20 ly và ba súng minigun 7,62 ly tám nòng, chuyên đánh đêm.


Sở dĩ chuyên đánh đêm vì phải bay ở cao độ rất thấp, ban ngày rất dễ là mục tiêu của phòng không. Loại phi cơ này khi xả đại liên thì như một vòi lửa từ trên trời phun xuống nên được mệnh danh là Rồng Phun Lửa.


Mọi người nhìn lên.


Trên trời đâu đó ở phía Quang Trung Bà Điểm, một phi cơ AC119K đang quần quần đánh bằng đại bác và đại liên. Thành Đen nhất định không nghe lệnh, tiếp tục đánh dù mặt trời đã lên cao.


Không hiểu từ trên cao anh nhìn thấy gì và suy nghĩ thế nào, nhưng chỉ mươi lăm phút sau phi cơ anh trúng một lúc ba hỏa tiễn Sam 7 bốc cháy. Mọi người đều nhìn thấy và hình như không ai lên tiếng.


Nói năng gì bây giờ?


Hình như mọi sự thêm phần rối mù.


Ông quay sang hỏi Nghĩa:


- Ông cơ khí phi hành đâu rồi?


Nghĩa cho hay ông ta và ba áp tải viên vẫn túc trực ở cạnh phi cơ ngoài bãi đậu có quân cảnh gác. Phi cơ đã được chuẩn bị ở tư thế sẵn sàng cất cánh khi có lệnh và có phi công.


Bỗng đâu một loạt phi cơ F5E ào ào cất cánh.


Mọi người quay lại chờ xem F5E có quay lại đánh để yểm trợ cho 81 Dù không, nhưng tất cả mất hút.


Một tin loan ra rất nhanh: Trung tướng tư lệnh Không Quân Trần Văn Minh đã sang DAO rồi.


Mọi người ngơ ngác.


Trung úy Nghĩa huých vào người ông:


- Đi ra phi cơ đi chứ còn chờ gì nữa.


Ông như người mất hồn líu ríu chạy theo Nghĩa.


Phi cơ C130 đậu gần khu Air Việt Nam nên cách khá xa và khi đến nơi, ông thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc của áp tải viên. Họ mừng ra mặt khi nhìn thấy ông “thiếu tá, thiếu tá” vang lên. Ông chụp nón bay xách chiếc cặp phi hành leo lên phòng lái. Ông không còn con đường khác.


Xung quanh phi cơ lố nhố một đám đông, có lẽ là thân nhân của mấy người quân cảnh hoặc áp tải viên hoặc dân thường. Không hiểu bằng cách nào họ lọt vào đây tự bao giờ. Mọi sự diễn ra nhanh quá, ông không có thì giờ suy tính và rất nhanh ông taxi ra phi đạo.


Phi trường bị pháo nhiều ngày qua nhưng phi đạo không hư hại nặng, ngoại trừ phần cuối nên thay vì dài 10.000 bộ Anh nay chỉ có thể sử dụng được cỡ 8000 bộ, nhưng thế cũng thừa đủ để C130 cất cánh.


Ông kéo cần lái và phi cơ từ từ bay lên.


Tất cả là phản xạ của phi công. Ông thật sự không nghĩ ngợi gì ngoài cố gắng bay lên và khi đủ độ cao thì câu hỏi lập tức hiện ra. Bay đi đâu?


Ông vòng trở lại hướng về phía Nhà Bè như muốn quan sát Saigon phía dưới. Từ trên cao ông thấy dân chúng đông đảo, ngoài đường vẫn có nhiều xe cộ tới lui. Ông vặn hết tần số này tới tần số khác, nhất là tìm xem có thể đáp được ở Cần Thơ chăng?


Vài chiếc trực thăng có khu trục hộ tống đang hướng về phía Saigon có lẽ là phi cơ Hoa Kỳ. Đúng lúc đó ông bắt được tần số cho hay tất cả phi cơ Việt Nam liên lạc với tần số XYZ để được hướng dẫn.


Ông mở và đó là tần số của Đệ Thất Hạm Đội.


Operator cho hay điểm hẹn là Utapao.


Không còn giải pháp nào khác, ông quay mũi hướng về phía Tây. Được một lúc, ông liên lạc với các áp tải viên và được cho hay trên phi cơ có khoảng hơn hai trăm người. Ông nhẩm tính C130 có thể chở 82 binh sĩ với đầy đủ quân trang quân dụng thì với số hành khách này không sợ quá tải.


Phi cơ vào không phận Utapao thì Đệ Thất Hạm Đội chuyển ông qua tần số kiểm soát không lưu của phi trường Utapao và ông được hướng dẫn để đáp. Người hướng dẫn viên giọng rõ ràng và rất lịch sự, khi ông đáp xuống phi đạo an toàn, trước khi chuyển giao cho đài kiểm soát không lưu dưới đất – ground control - đã chúc ông “Have a nice day, Sir”.


Đài hướng dẫn không lưu dưới đất hướng dẫn ông taxi và ra lệnh theo chiếc xe pick-up có hàng chữ Follow Me vào bãi đậu. Tắt máy, ông thở phào nhẹ nhõm nghĩ ít nhất cũng giữ được một chiếc C130 không lọt vào tay địch. Thế thôi.


Sau này nhớ lại, không hiểu tại sao lúc đó ông không nghĩ đến chuyện như số phận của ông, của phi hành đoàn và những hành khách trên phi cơ. Dẫu thế nào đi nữa ông cũng là người có trách nhiệm với họ chứ.


Quả tình ông rất ngây ngô khi nghĩ ít lâu nữa ông sẽ lái chiếc C130 về lại Việt Nam.


Khi ôm chiếc nón bay và chiếc cặp da đựng đồ phi hành bước ra thang xuống thì ông thấy hai người quân cảnh và một sĩ quan Mỹ đứng chờ sẵn.


Người sĩ quan mặc đồ kaki vàng nhạt đeo lon trung úy, tiến đến gần ông mặt lạnh như tiền, lên tiếng hỏi ai là người nói được tiếng Anh.


Ông không thể trả lời ngay vì ngạc nhiên trước thái độ có thể là xấc xược. Dẫu sao ông là thiếu tá và ít nhất viên trung úy này cũng phải hiểu ông là sĩ quan của đồng minh với cấp bậc cao hơn lon trung úy. Gì thì gì cũng phải lễ độ với nhau và ông chợt nhớ đến câu chào lịch sự “have a nice day, sir” cách đây mấy phút. Viên trung úy lập lại câu hỏi.


Ông tiến lên bảo ông nói được tiếng Anh.


Viên trung úy vẫn đứng giữa hai người quân cảnh to lớn nói chậm, rõ từng tiếng:


You must return all the US Propeties to the USA - Các ông phải hoàn trả lại những gì là tài sản Hoa Kỳ.


Thiếu Tá Trần Quang Trọng ngạc nhiên trước ngôn ngữ đầy xách mé:


- Tài sản của Hoa Kỳ?


Viên trung úy mặt vẫn lạnh như tiền nói:


- Đúng. Những gì các ông mang theo trên người có đề rõ Chế Tạo Tại Hoa Kỳ hay Tài Sản của chính phủ Hoa Kỳ như súng đạn, mũ bay….yêu cầu các ông lấy ra đặt xuống đất.


Một người lính áp tải có vẻ sốt ruột vì không khí căng thẳng hỏi:


- Nó nói gì vậy, thiếu tá?


- Nó bảo mình bỏ súng xuống đất.


Ông thật sự không muốn giải thích rõ cho những người lính Việt Nam cái cảnh trớ trêu bi hài này. Như để làm gương, ông lẳng lặng đặt chiếc nón bay cạnh chiếc cặp da phi hành, tháo dây búp nịt còng lẵng khầu súng Colt 45 cùng băng đạn xuống đất. Mọi người làm theo ông, không ai nói gì thêm.


Ông nhìn người sĩ quan Hoa Kỳ và nói:


- Bộ đồ bay và đôi giày trận hình như cũng là tài sản Hoa Kỳ, để tôi cởi ra trả.


Viên trung úy vẫn nói giọng đang làm việc:


- Các ông có hành lý gì không? Các ông có đem theo đồ dân sự không?


Ông thấy nhói trong tim. Ông sờ túi quần.


Gia sản của ông là mớ giấy tờ tùy thân trong đó quan trọng nhất là thẻ căn cước quân nhân và khoảng hơn một ngàn tiền Việt Nam. Ông lên thiếu tá đã mấy tháng nhưng phòng tài chánh chưa điều chỉnh lương bổng kịp nên vẫn lãnh lương đại úy.


Khi ông trả lời không có hành lý gì thì viên trung úy Mỹ ngẫm nghĩ một chút rồi nói:


You may keep it - Ông được phép giữ những thứ đó.


Từng ở Hoa Kỳ nhiều năm, ông hiểu rõ động từ “may” là cho phép một hình thức đầy trịch thượng trong đó. Ông toan lên tiếng từ chối ơn huệ này nhưng khi nhìn thấy những người lính và phi hành đoàn, ông cố nén cơn giận.


- Các ông đi theo hai người quân cảnh. Họ sẽ hướng dẫn các ông đến chỗ nghỉ.


Ông lẳng lặng không nói gì, ra hiệu cho mọi người đi theo. Đúng lúc đó hạ sĩ Út níu vai ông nói:


- Đây là đâu vậy, thiếu tá?


- Đây là Utapao, Thái Lan.


- Chết cha rồi. Vậy còn vợ con em thì sao? Em đâu có muốn đi Thái Lan làm chi.


- Tôi cũng đâu muốn, nhưng cái thế nó thế. Út đừng lo, để từ từ coi sao.


Đúng lúc đó ông ngoái lại nhìn chiếc C130.


Một chiếc xe cần cẩu có thang lớn đang áp sát vào thân phi cơ. Huy hiệu Không Lực Việt Nam đã bị xóa đi và một người lính Mỹ đang sơn huy hiệu Không Quân Hoa Kỳ đè lên trên.


Ông quay mặt đi, thấy nước mắt mình ứa ra.


Lúc đó vào khoảng hai giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975. Thiếu Tá Trần Quang Trọng tự Trọng Toe số quân 63/600946 trưởng phi cơ lái C130 của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa bước thấp bước cao lê sau hai người quân cảnh Mỹ để đi về đâu không rõ.


Ông chỉ thấy trên người dù vẫn còn bộ đồ bay nhưng có cảm tưởng mình đang trần truồng.


Ông nghĩ hay mình đổi tên cho hợp cảnh: Trần Như Nhộng.


Lê Thiệp


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc