NHỮNG CÀNH ĐÀO TRONG KÝ ỨC… - Phùng Quân

10 Tháng Tư 201612:00 SA(Xem: 34223)



hoa_anh_dao-content



NHỮNG CÀNH ĐÀO TRONG KÝ ỨC…

 

 

So sánh với bạn bè cùng lứa, tôi đã có may mắn được sống trọn vẹn thời thơ ấu tại Dalat. Vùng đất cao nguyên ấy, một thời đã được tôn xưng là chốn Hoàng triều Cương thổ, của cuối triều đại nhà Nguyễn, nơi mà người dân dã, từ các bà quảy gánh hàng rong, đến buôn thúng bán bưng ngoài chợ, lúc nào cũng tươm tất trong chiếc áo dài, cho dù chiếc áo dài kia có cũ nát, bạc gấu sờn vai, không che dấu hết được vẻ nghèo khó với những mụn vá thời gian. Đất Hoàng triều thuở đó còn hoang sơ lắm, thỉnh thoảng vẫn thường có từng đoàn người Thượng, từ miền rừng núi về qua phố chợ, họ hãy còn đóng khố, đeo gùi và mang rựa trên vai, nối đuôi nhau đi thành một hàng dài, tựa hồ như đã quen với lối đi độc đạo đường rừng. Dalat xứ của sương mù thơ mộng, với đồi thông vi vút. Có người còn thi vị hóa và gọi thị xã cao nguyên này là xứ Anh Đào, vì hàng năm cứ vào đầu Xuân trong không khí lạnh mát, thành phố này lại bừng lên một màu tím hồng của những cội mai anh đào khoe sắc thắm.


 

Dạo ấy tôi còn bé lắm, ký ức còn sót lại của một cậu bé học trò tiểu học, chỉ là những quang cảnh đùa nghịch với chúng bạn nơi sân trường, hoặc những buổi sáng đứng nghiêm chỉnh chào quốc kỳ trong sương sớm. Ấy vậy mà mỗi khi có ai nhắc đến Dalat, tôi lại hồi tưởng ngay đến một thành phố nhiều núi đồi, với bao nhiêu con dốc cao ngất và không thể thiếu những hàng mai anh đào trên con dốc dẫn xuống bờ hồ, dọc ngang dưới phố. Tôi vẫn không thể nào quên được ngôi trường tiểu học, mái ngói năm gian, hàng ngày vang lên từng hồi trống trường hai buổi. Chạy dọc theo đấy là con đường Hai Bà Trưng, nơi ven lộ có trồng khá nhiều những hàng cây mai anh đào. Mỗi năm cứ vào mùa hoa nở, lại bừng lên một màu tím hồng, rực cả một bên đường. Sau mỗi kỳ hoa nở lại đến mùa mai anh đào kết trái, những trái mai nhỏ chỉ bằng nửa đốt ngón tay, chi chít trên cành. Thuở ấy những cô học trò bé nhỏ trường tôi, thường hay nhặt những trái mai chín rụng bên lề đường, tô lên mười đầu móng tay làm dáng. Những trái mai anh đào Dalat khi chín, sắc tím đỏ thẫm, mọng nước cắn vào sẽ thấy một vị hơi đắng, thường khi rụng nhiều, bước chân qua đó dẫm lên, còn làm loang tím cả vỉa hè.

 


Mùa thu năm ấy, khi tôi chuyển trường về Saigon là thời gian đầu tiên của thời trung học. Sân trường nơi đây nóng bức, thiếu hẳn những bóng cây và dạo đó trong sân trường không mấy ngày là thiếu vắng mùi lựu đạn cay bay vào lớp học. Đó là mùa của những thay đổi chính biến, mùa của lớp lớp sinh viên, học sinh thi nhau xuống đường bãi khóa… Sống trong vận hội mới, và có lẽ nếp sống nơi đô hội cũng dần dần làm tôi bắt đầu quên đi màu hoa xứ Anh Đào từ dạo đó. Cho đến mãi ít năm sau, vào một hôm mùng một Tết, tôi đến chúc Tết một gia đình người bạn, thì chao ôi đó lần đầu tiên tôi được mục kích ngay giữa phòng khách bày biện thật trang trọng một cành bích đào thật tươi thắm, đặt trong một chiếc bình sứ cổ, an vị giữa phòng. Bạn tôi cho biết: “Đây là bích đào Nhật Tân, do người quen trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến mới từ ngoài Hà Nội mang vào tặng.” Dạo ấy tôi chưa biết thưởng thức thế nào là vẻ đẹp của cành đào. Tôi nào đâu đã biết phân biệt thế nào là đào kép, đào ta, đào phai ăn quả, đào ghép! Nào đâu đã biết cái đẹp của bích đào là phải từ thân gốc xù xì, chồi ra những cành nhánh gầy guộc, hay những cành đào thế, có dáng hiên ngang như thế người quân tử hoặc những cành đào già, da mốc như rêu cau. Nghe nói cành đào gọi là đẹp, trước hết phải còn tùy ở cái dáng, cái thế của nó. Phần gốc xù xì cho ta cảm giác về sự vững bền của nền tảng, cái cốt cách sương kính của người quân tử, chẳng thế mà người xưa đã nói: mai cốt cách, tuyết tinh thần. Những cành, nhánh không nên xum xê quá nhiều, để tạo ra cảm xúc thanh thoát, khoáng đạt. Lúc ấy tôi chỉ thấy cành bích đào kia sao mà rực rỡ thế, một món quà quá hiếm lạ, đến từ nửa bên kia phần đất nước, đang tưng bừng khoe sắc trong những hôm Tết nóng bức của miền Nam.


 

Phải đợi cho mãi đến khi sang Nhật du học, mùa xuân đầu tiên năm đó, tôi mới thật sự được chiêm ngưỡng và biết thế nào là hoa Anh Đào xứ Phù Tang. Hoa Anh Đào Nhật Bản đẹp thật! Chúng tôi là những kẻ du sinh, lần đầu tiên lạc giữa rừng hoa. Anh Đào nở rộ khắp mọi nơi, từ những chốn đền đài cung điện, cho đến những công viên rộng bao la, những cánh rừng Anh Đào bạt ngàn toàn sắc một màu trắng chỉ hơi phơn phớt một chút sắc hồng, trông xa như những đám mây trắng nõn ửng hồng, bồng bềnh nhẹ trôi theo từng làn gió xuân lướt trên những thảm cỏ xanh. “Sakura, sakura...” Cô giáo Nhật Ngữ đã dạy và tập cho chúng tôi cùng hát bài dân ca này. Thử hỏi những ai đã từng một thời là sinh viên du học Nhật Bản mà không nhớ mãi bài hát ấy. Âm điệu bài hát êm ả như sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, một xứ sở thật thái bình, đệm vào đấy tiếng đàn Samisen trầm bổng như quyện vào những động tác uyển chuyển của vũ điệu đón mừng Anh Đào nở mỗi độ đầu tháng Tư. Phải đi thưởng lãm hoa Anh Đào nở trong những dịp lễ hội Hanami như thế, mới thấy được dân tộc Nhật Bản yêu thích và sùng kính biểu tượng Sakura của xứ sở họ như thế nào. Và đấy cũng dịp thiên hạ được ngắm nhìn những thiếu nữ Nhật Bản xúng xính trong những bộ Kimono cổ truyền lộng lẫy. Mầu sắc rực rỡ từ những chiếc áo Kimono sặc sỡ, nổi bật bên cạnh từng cánh rừng Anh Đào bát ngát, phơn phớt hồng như một giải lụa bềnh bồng, nhẹ trôi trên bầu trời xanh biếc. Bức tranh thiên nhiên sinh động ấy với những nét chấm phá thật hài hòa tuyệt mỹ, thỉnh thoảng đây đó vài cơn gió nhẹ đưa về, làm hàng vạn cánh hoa Anh Đào lăn tăn nhẹ nhàng bay trong gió, như những hạt tuyết mong manh tựa tơ trời, đậu hờ trên vai áo giai nhân... 


 

“Tam thập niên tiền, nhị thập tam”. Thuở ấy chúng tôi và những buổi bình minh của tuổi trẻ đã cùng nhau hăng say, ngạo nghễ lên đường. Bao nhiêu điều hay, nét đẹp nơi xứ người, đã tràn đến làm chúng tôi choáng ngợp và lưu lại trong tâm hồn tôi, kẻ du sinh, bao ấn tượng. Nhưng trong ký ức tôi, không phải mùa Anh Đào nào nơi xứ Phù Tang lúc nào cũng đơn thuần tươi sáng như mùa Xuân tràn đầy hạnh phúc, không phải lúc nào cũng êm ả bên cạnh những thảm cỏ non còn in nhẹ dấu hài. Có một dạo tôi cũng đã trải qua những ngày nghỉ đông cơ cực,buốt giánơi những công viên cần được trùng tu, khi ấy từng thảm cỏ đã thôi xanh, chung quanh chỉ còn lại toàn một màu vàng rạ héo úa. Tôi đã làm bạn với bao gốc cội Anh Đào. Hai bàn tay thư sinh của chàng du sinh xứ Việt lần hồi cũng biết chăm sóc những cây anh đào, cũng biết khéo léo quấn từng lớp rơm bao phủ quanh thân cây, từng cành đào, dùng sợi dây thừng cuốn chặt lại, rồi âm thầm nhắn nhủ: “Cuốn rơm cho khéo nhé, Giữ ấm buổi đông thì, Xuân về hoa hé nhụy…!”


 

Qua một mùa đông ấy, hai bàn tay chàng du sinh đã thấy hằn lên những vết sâu nứt nẻ như thân cây đào sương gió. Một buổi chiều cuối đông lang thang một mình trên phố, tình cờ gặp lại người yêu cũ, mời nhau tách cà phê trong kitsaten quán nhỏ. Ôn chuyện đời sương gió, chàng ngọt ngào thả nhẹ từng viên đường vào tách cà phê của nàng như thói quen chưa bỏ. Chợt nhìn xuống bàn tay chàng, nàng sững sờ: “Không lẽ!” Bỡ ngỡ chớp vội làn mi, nàng khẽ ngoảnh mặt cúi đầu. Nghẹn lời hồi lâu không nói: “Cố hương ơi…”, chợt thấy lòng quặn đau một nỗi ngậm ngùi.

 


Dạo ấy đã xa lắm rồi, mỗi năm trên xứ Phù Tang hoa Anh Đào vẫn nở. Không biết có bao giờ, ai đó lạc bước du xuân đến chốn công viên ngày nọ, nhìn lên những cành hoa Anh Đào đang rung rinh trong gió, vào mỗi dịp lễ hội Hanami, hay đang thưởng lãm những cánh anh đào, đua nở giữa không gian trong xanh gió mát, hoặc ngồi nghỉ chân bên những luống cỏ hoa thơm biếc. Thử hỏi có ai thấy ẩn hiện đâu đó chút vết tích của chàng du sinh xứ Việt, mùa đông năm nào đã cắm cúi, nâng niu giữ ấm từng gốc cội, cành đào? Hẳn chàng du sinh ấy cho dù có lưu lạc tận phương nào, chắc suốt đời sẽ không bao giờ quên được những tháng năm đầu đời hạnh phúc, sẽ nhớ mãi những ngày đông giá buốt, lam lũ làm bạn với những cội Anh Đào già. Chàng giờ đây đang lần hồi gợi lại trong ký ức từng cánh hoa anh đào, từng bó rơm thơm màu vàng rạ, từng lời hát cũ trong bài: “Sakura, sakura ...”.

 

 

PHÙNG QUÂN

 

Hàng Gió, 2003.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc