CUỘC PHIÊU LƯU CỦA SÁCH/ TABI SURU HON - Quỳnh Chi dịch

31 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 45056)


old_book-content



Cuộc phiêu lưu của sách


Tabi suru hon của Kakuta Mitsuyo


Quỳnh Chi dịch


 

Tôi đã bán cuốn sách ấy vào năm 18 tuổi.


Khi ấy tôi đã rời nhà cha mẹ lên Tokyo sống một mình. Căn phòng nhỏ chỉ có một phòng rộng 6 chiếu với nhà vệ sinh. Những thứ khuân từ nhà cha mẹ tới làm cho căn phòng càng thêm chật chội, tiền cha mẹ chu cấp cho cũng cạn ngay vì các buổi đi uống rượu hay đi xem xi nê, tôi bèn tống khứ đi tất cả sách và đĩa hát.

 

Tôi bê hai túi giấy đựng đầy sách vào một hiệu sách cũ nằm thu mình trong khu phố học. Chẳng có một cuốn sách nào quý, đắt giá cả. Toàn là truyện tranh và tiểu thuyết


 Chủ hiệu ngồi trên bệ cao giống như chỗ thu tiền trong nhà tắm công cộng, vừa luôn tay đẩy gọng mục kỉnh cứ bị trễ xuống, vừa gẩy bàn tính, bỗng dừng tay lại khi cầm lên một trong những cuốn sách ấy, đoạn đăm đăm nhìn tôi hỏi:


-Cô bán quyển này sao?


Tôi không hiểu là ông ta muốn hỏi gì. Chẳng phải là ấn bản đầu tiên của một nhà văn đã quá cố. Cũng chẳng phải là một cuốn sách đã tuyệt bản. Đó là một cuốn truyện dịch, cứ đến hiệu sách lớn là mua được thôi.


-Vâng…Cuốn ấy có giá lắm sao ạ?


 Tôi hỏi lại. Người chủ hiệu có vẻ phật ý về câu hỏi ấy, lắc đầu rõ mạnh mà nhìn tôi, bảo:


-Này cô, có giá hay không có giá không phải là chuyện đi hỏi người khác, mà tự mình phải định lấy chứ.


-Vâng, đúng là thế, nhưng mà..


Tôi giận dỗi nói. Người ta đến bán sách thì can cớ gì lại bị ông cụ già chủ hiệu sách cũ lên lớp thế nhỉ.


-Mà thôi, sao cũng được


Ông cụ lại gẩy bàn tính trở lại. 3470 yên. Coi bộ là học trò nghèo, thôi thì tính thành 3500 yên. Nãy giờ cúi xuống nhìn bàn tính, chủ nhân mới vừa ngửng mặt lên, cất giọng nói chắc nịch. 

 

Dường như đọc được tôi đang nghĩ gì, ông cụ hỏi:


-Tính thế nào này? Thôi không bán nữa hả?


-Dạ không, bán ạ.


Tôi đáp. 3500 yên thì có lẽ vừa đủ tiền dự tiệc họp mặt tối nay. Tôi trịnh trọng đỡ lấy những tờ tiền giấy và tiền xu mà ông cụ chìa ra.

 

-Này cô, quyển này mà đem bán, có thật là không sao không?


Tôi đã đặt tay lên cửa ra vào lát kính của hiệu, ông cụ chủ hiệu còn cất tiếng hỏi thêm một lần nữa. Tôi ngoảnh lại, thấy ông cụ cầm quyển truyện dịch ban nãy chìa ra về phía tôi.


-Tại sao ạ?


Tôi lo lắng hỏi.


-Không sao, được thôi. Nếu cô muốn bán thì cứ bán.


Ông cụ nói rồi xếp lại những cuốn sách tôi đem đến, đoạn lui vào nhà sau. Trong vài giây, tôi bâng khuâng nhìn vào khoảng trống chỗ ông cụ đã ngồi nãy giờ.


 

 Sau đó ít lâu, tôi đã thắc thỏm không biết sẽ có chuyện gì xảy ra vì mình đã bán quyển sách ấy đi. Tôi lẩn thẩn nghĩ ngợi, giả sử ông cụ chủ hiệu sách cũ là nhà tiên tri hay là gì đấy chẳng hạn, chẳng phải là ông đã cảnh báo cho biết rằng tôi sẽ gặp chuyện chẳng lành vì đã rời quyển sách này hay sao.


 Thế nhưng, đã chẳng có điều gì gọi là chẳng lành xảy ra cả.


Ngày tháng vẫn trôi đi như mọi khi, chẳng có gì lạ cả.


Tôi đến lớp, đi ăn uống với chúng bạn, rồi quay về ngủ nơi căn phòng chật hẹp. Chẳng có mảy may nào thay đổi so với khi vẫn còn sách.


Chẳng bao lâu đã đến lúc tốt nghiệp, nói gì đến chuyện bị hỏi đi hỏi lại là có nên bán quyển sách ấy không, mà ngay cả đến chuyện đem sách đi bán cho hiệu sách cũ, tôi cũng đã quên bẵng.


 

Tôi đã đến Nepal khi đi du lịch kỷ niệm tốt nghiệp. Lẽ ra là tôi đi du lịch châu Âu với chúng bạn, nhưng số tiền có được trong tay không đủ để làm thế, rốt cuộc tôi đành đi Nepal một mình

cho rẻ hơn là chu du châu Âu.


Đấy là lần đầu tiên tôi đi du lịch một mình, nhưng mọi việc đều xuôn sẻ hơn tôi tưởng. Thăm chùa chiền nổi tiếng nhất ở Kadmandu, xem ngôi chùa nơi hỏa thiêu các thi hài, đi vòng quanh các đường phố bụi bặm của Kadmandu. Rồi từ đó đáp xe buýt đến Pokhara. Tại Pokhara tôi thuê chỗ ở lại Damside, ngày ngày đi thuyền, đạp xe đạp. Nói chung là thong dong nhàn nhã.


 Vào cái hôm trời bất chợt đổ mưa ấy, lại thêm cũng nhàn rỗi chẳng biết làm gì, tôi bèn vào hiệu sách cũ ở gần chỗ trọ. 


 Sách của du khách từ cả thế giới đã đem bán phứt đi chất đầy trong cửa hiệu chật hẹp, không xếp theo ngôn ngữ hay theo loại sách gì cả. Bên cạnh cuốn “80 ngày vòng quanh thế giới” bằng tiếng Đức là cuốn sách dầy kịch bằng tiếng Ý, cạnh cuốn đó là một cuốn sách nấu ăn món Thái, rồi tiếp tới là sách hướng dẫn du lịch Tây Tạng. Hiệu sách cũ tối âm u, lạnh lẽo. Trên chiếc bàn kê trong góc, có một cụ già đeo mục kỉnh dầy cộm ngồi một mình lặng lẽ. Cụ liếm ngón tay lần giở từng trang của cuốn sách to hơn cả khuôn mặt cụ. 


Tôi thấy hiệu sách cũ ở bất cứ nước nào cũng vậy, sao mà giống nhau đến thế. Những cuốn sách lặng lờ thu hết mọi âm thanh. Mùi giấy cũ xì. Hơi thở bị nén lại của vô số người mà sách đã qua tay.


Thỉnh thoảng cũng có sách tiếng Nhật xếp xen kẽ vào dẫy sách. Cạnh sách tiếng Anh của Steven King là cuốn sách bìa đã rách bươm của Abe kobo, cạnh cuốn sách chữ Hán không biết đọc là gì là một cuốn sách còn mới tinh của Endo Shusaku.


 Mới đầu những cuốn sách dựng lộn xộn không được sắp xếp theo thứ tự làm tôi cáu kỉnh khó chịu, nhưng dần dần tôi chỉ còn đưa mắt lướt nhanh trên những chữ Nhật trên gáy sách.


Tôi vừa lắng tai nghe tiếng mưa rào rạt vọng vào qua cánh cửa hiệu mở toang bỏ ngỏ, vừa đưa mắt dạo quanh từ kệ này sang kệ khác tìm sách tiếng Nhật. 


Bất chợt những con chữ thật quen thuộc lọt vào mắt, tôi đứng dừng lại. Tôi đưa mắt dò chầm chậm hòng chộp lấy nó. Giữa những tựa đề sách viết bằng mẫu tự các thứ tiếng của các nước, tôi đang tìm một cái gì đó đã lọt vào tầm nhìn của mình.


Và tôi đã tìm thấy ngay.


Quyển sách ấy nằm chen giữa cuốn hướng dẫn du lịch Mê hi cô của Lonely Planette và cuốn bài hát Mother Goose bằng tiếng Pháp. Đấy là cuốn truyện dịch giống như cuốn sách mà tôi đã đem bán năm mới vào đại học. Tôi đã bị người chủ hiệu sách cũ hỏi cô bán cuốn này thật ư, có sao không. Chính cuốn sách ấy. Chỉ trong nháy mắt tôi liền nhớ lại chuyện hiệu sách trong khu phố học ấy của tôi, với chiếc bàn tính mà người chủ hiệu đang gẩy, với giọng nói khàn khàn của ông cụ hỏi tôi rằng đem bán có được không.

 

Có gì đâu mà lại hỏi đem bán có được không. Ngay cả ở hiệu sách cũ ở Pokhara của Nepal này mà còn có nữa đấy là gì. Tôi cười khẩy trong mũi, đưa tay rút lấy cuốn sách, lật lật vài trang, thế nhưng chẳng mấy chốc nụ cười đã biến mất. 


Trên trang cuối của cuốn sách, câu chuyện chấm dứt có lời bạt, giở tiếp thì thấy có những dòng quảng những sách khác, và trên trang này có một khoảng trống. Trên khoảng trống ấy có ghi chữ K và hình một bông hoa nhỏ, vẽ nghệch ngoạc bằng bút chì bấm.


Quyển sách này không phải là của ai khác mà là của chính tôi đã đem đi bán. Tôi đã nhận ngay ra nó chỉ trong vài giây. 


Mẫu tự này và hình vẽ hoa này do chính tôi vẽ khi đang học cấp 3. Khi còn học cấp 3, tôi đã nhịn ăn quà bánh sau giờ học để mua cuốn sách này. Có lần bạn hỏi mượn, tôi vừa nói đùa bảo sách quý đấy nhất định là nhớ trả lại cho tớ nhé, vừa viết mẫu tự đầu của tên mình và vẽ hình bông hoa lên trang sách. Lúc đem bán ở hiệu sách cũ trong khu phố học tôi đã quên khuấy, nhưng trong hiệu sách cũ ở Pokhara, tôi nhớ lại rõ mồn một ký ức thời học sinh ấy.


Như thế này là thế nào nhỉ? Có ai đó đã tới hiệu sách cũ ấy mua cuốn này, rồi đem theo cả trong chuyển du lịch sang Nepal hay sao nhỉ? Đây là một thành phố có nhiều du khách Nhật Bản, nên cũng không phải là không thể có chuyện như thế.


Tôi lật qua vài trang của cuốn sách vừa lấy ra khỏi kệ ấy.


Mình có nên mua lại không? Hay là nên để lại lên kệ sách?


Phân vân nhưng rồi rốt cuộc tôi cũng mua. Tôi nghĩ âu là cũng có duyên gì đây, và sau khi lật qua vào trang tôi mới biết mình đã quên quá nửa câu chuyện trong sách. Vì thế tôi cũng muốn đọc để đốt thời gian.


 

 Trong quán trà chỉ có mấy bức tường và mái nhà, gần giống như là xe nước bán dạo ngoài đường, tôi vừa uống trà sữa thật ngọt vừa đọc cuốn sách mình đã mua. Thực sự là tôi đã quên hầu hết câu chuyện. Hay nói đúng hơn là tôi mới nhận ra rằng trước đây tôi đã hiểu sai hoàn toàn nội dung câu chuyện.


Cô gái mà tôi tưởng là em gái người bạn của nhân vật chính, hóa ra là người yêu của anh ta. Không hiểu sao tôi cứ tưởng là họ đã lang thang ở trọ lại nhiều khách sạn, nhưng thực ra là họ đã sống trong một căn phòng thuê rẻ tiền.


Hơn nữa, trước đây tôi có ấn tượng rằng đây là một cuốn truyện viết về tuổi trẻ, kể lại cuộc sống bình dị hàng ngày, nhưng hóa ra không phải vậy, từ doạn giữa trở đi, câu chuyện bỗng bắt đầu trở nên li kỳ, có nhiều đoạn liên tục có những tình tiết thật gay cấn.


 Tôi cắm cúi đọc, mê mải tìm những chi tiết trong câu chuyện còn nhớ được mà tôi đã hiểu nhầm nội dung.

Mưa dai dẳng mãi không ngớt. Cậu bé giúp việc trong hiệu dòm vào bìa quyển sách tôi đang mở ra, và nhún vai. Tiếng mưa rền khắp quán trà. Không biết từ bao giờ, hình bóng tôi thời còn học cấp 3 ẩn hiện thấp thoáng giữa những hàng chữ in. Tôi một thuở chưa biết Nepal ở đâu, chưa biết yêu là gì. 

 

 Tôi lại bán quyển sách ấy một lần nữa ở Kadmandu.


Thật ra thì tôi nghĩ chắc là có duyên gì đấy nên đã định đem về. Nhưng hành lý nặng quá đi mất, tôi đành phải bán lại cuốn sách mua ở Pokhara cùng với chiếc áo khoác cũ mèm và sách hướng dẫn du lịch Nepal, cho một người đi du lịch ba lô bày hàng bán dạo ngoài phố. Anh chàng có vẻ như đã đi vòng quanh khắp thế giới, cái gì của du khách anh ta cũng mua lại rồi đem bán. Tôi còn bán cả đôi bít tất đã thủng, và chiếc quần đùi đã bạc phếch. Tôi đem những thứ ấy tới, thế là anh ta dễ dãi mua hết cho tôi. Tiền bán những thứ ấy, tôi đã đem đi uống bia và ăn thịt trâu xiên que nướng ngay trong đêm hôm ấy. Đó là bữa tiệc mừng có mỗi mình tôi, mừng đêm cuối của chuyến đi Nepal. Trên đường về, tôi đã đi ngang qua chỗ người du khách ba lô bày hàng trên mặt đường dưới ánh sáng của đèn đường. Trong những thứ bày bán, có cả cuốn sách tôi đã bán. Cuốn sách lặng lẽ ở bên cạnh chiếc đồng hồ đeo tay có hình Đô Rê Môn, đang đợi có ai đó cầm lên.


 Hiệu sách cũ thì ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có cả. Ở Tiệp cũng có, ở Ý cũng có. Hiệu sách cũ ở Mông Cổ bán hàng ngoài đường, hiệu sách cũ ở Lào mở quầy bán hàng trong dịp lễ hội.



Thế rồi lần thứ ba mà tôi gặp lại cuốn sách ấy là ở hiệu sách cũ trong một khu phố học ở Ireland. 


 Tôi đã ghé lại khu phố học ấy trong khi đi công tác. Hàng năm vào tháng 10, khu phố này có tổ chức lễ hội âm nhạc rất lớn. Khắp khu phố mỗi ngày đều có trình diễn nhạc jazz, nhạc rock hay nhạc cổ điển tây phương. Tôi đã ở lại khu phố này để làm phóng sự về lễ hội ấy.


 Khi làm phóng sự hầu như sắp xong, ngày về nước đã gần kề, thì vào buổi chiều hôm ấy tôi ra khỏi khách sạn, định tới quán rượu, xong quán mà tôi muốn tới còn đóng cửa. Phải chờ một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ quán rượu ấy mở cửa. Lang thang trong phố giết thì giờ, tôi đã đẩy cánh cửa của một hiệu sách.


 Tôi cứ tưởng đó là một hiệu sách thông thường, nhưng cửa vừa mở ra, liền có cái mùi cố hữu của hiệu sách cũ ấy. Một mùi rất quen thuộc, như của cơn mưa từ mấy ngày trước để lại, hay đã lặng lẽ thấm vào những dòng chữ trong sách. Phải rồi. Hiệu sách cũ thì ở đâu trên khắp thế giới đều có một mùi như nhau. Cho dù đó là hiệu sách cũ bầy bán trên mặt đường cũng thế.


 Vì chỉ là để giết thời gian, nên đối với tôi, đó là hiệu sách thông thường hay hiệu sách cũ đều không sao cả. Tôi lanh lẹ lách mình vào phía trong cửa, vừa ngửi cái mùi cố hữu đầy ắp trong hiệu sách cũ, vừa đưa mắt nhìn gáy những cuốn sách xếp thành từng hàng dài.


Tôi đã quên khuấy cuốn sách mà mình đã đem bán thời còn là sinh viên, và tìm thấy ở Pokhara, rồi lại bán đi một lần nữa ở Kadmadu. Vì vậy, khi nhìn thấy gáy cuốn sách trông quen quen tôi vẫn chưa hiểu gì cả. Sau vài giây ngây người ra nhìn, tôi chợt nhận ra là tôi biết rất rõ về cuốn sách này.


 Thế nhưng tôi đã nghĩ không thể nào lại có thể cùng là một cuốn sách. Làm gì có chuyện tình cờ liên tiếp như thế chứ. Để xác nhận rằng đó không phải cùng là cuốn sách mà tôi đã bán, tôi bèn rút cuốn sách đó ra khỏi kệ sách. Sách của tôi thì thế nào cũng có hình vẽ nguệch ngoạc ở trang cuối. Đó là mẫu tự đầu tiên của tên tôi, và hình vẽ hoa thì phải.


 Tôi từ từ giở tới cuối sách, lật trang quảng cáo, và thế rồi tôi đã tìm thấy ở đó. Mẫu tự đầu của tên tôi với hình vẽ hoa đã nhạt mầu.


Đó chính là cuốn sách tôi đã đem bán năm 18 tuổi, rồi lại bán lần nữa trong chuyến du lịch khi tốt nghiệp.Tôi chìa cuốn sách ấy ra ở chỗ tính tiền. Rồi cắp nó đi về phía quán rượu định tới. Quán rượu đã mở cửa, nhưng vẫn còn vắng hoe, tôi bèn ngồi xuống chỗ quầy rượu gọi bia, lấy cuốn sách mở ra đọc.


 Tôi tưởng chừng như đang lạc vào trong mơ, hầu như đây không phải là sự thực. Từ xứ sở Ireland cho đến lễ hội âm nhạc, cho đến chuyện làm phóng sự, hay hiệu sách cũ, tất cả phải chăng đều chỉ là trong một giấc mơ dài. 


Thế nhưng, tôi đã cảm thấy rõ mùi vị sủi bọt của thức uống được bưng ra, cảm thấy tro ở đầu điếu thuốc rơi xuống mu bàn tay nóng thật. Tôi đã uống thức uống ấy, vừa nghe nhạc Ireland mở trong hiệu, vừa đọc lướt qua cuốn sách.


 Tôi có cảm tưởng như ý nghĩa của cuốn sách đã đổi khác. Tôi nhớ dường như đó là truyện trinh thám, thì hóa ra không phải vậy, mà chỉ là một cốt chuyện bình dị từ tốn kể lại những mẩu chuyện hàng ngày. Trong trí nhớ của tôi, đó là câu chuyện kể lại bằng giọng văn hơi ngổ ngáo của một tác giả còn trẻ, nhưng hóa ra từng lời từng chữ trong truyện được chọn lựa thận trọng, được đẽo gọt đến mức tối đa để câu văn có được vẻ đẹp giản dị súc tích, dù không theo dõi câu chuyện, chỉ lướt mắt qua câu chữ cũng có một cảm giác khoan khoái dễ chịu.


Và trong góc của quán rượu mờ tối, tôi đã chợt hiểu. 


 Tôi đã hiểu ra, không phải là về cuốn sách, mà là về chính tôi. Cô gái đã dành dụm từng đồng quà bánh, đã rời nhà cha mẹ, đã biết yêu, và còn biết cả rằng tiếp diễn sau đó cuối cùng không nhất định là sẽ đẹp, đã mất bạn rồi lại được bạn, đã rơi vào nỗi tuyệt vọng sâu thẳm hơn cả những lần đã từng trải trước đó, hơn nữa lại biết thế nào là niềm hy vọng vô bờ bến, biết cách chắp vá lại sau mỗi lần dở dang thất bại, thế nhưng vẫn từng ngày hiểu ra rằng có những cái không thể nào khắc phục được, và cứ thế, cứ mỗi lần trong tôi đầy lên hay vơi bớt đi chút nào, hay bên ngoài thay hình đổi dạng, thì nội dung của cuốn sách tôi đọc lại khác hẳn đi. 

 

Khi ấy, ông chủ hiệu sách cũ đã hỏi tôi “Đem bán có sao không”. Nếu không bị hỏi thế, chắc hẳn là tôi đã không tìm thấy lại cuốn sách ấy trong hiệu sách cũ, ở cả Nepal lẫn Ireland.


Có lẽ đây đúng là cuốn sách mà lẽ ra tôi không nên đem bán. Là vì, chả là nó đã theo tôi đến tận bây giờ đó sao.


Không rõ vì sao, nhưng có vẻ như là cuốn sách này đã cùng tôi phiêu lưu đó đây. Vài năm sau, có lẽ rồi tôi lại gặp lại cuốn sách này ở hiệu sách cũ của một thành phố nào đó, và rồi tôi lại vẫn chưa chán mà còn mua lại nữa. Có lẽ tôi sẽ lại tìm xem thử có dấu vết ở trang cuối hay không, rồi trong quán trà hay quán rượu, trong căn phòng của khách sạn hay ngoài công viên, lại lần giở từng trang sách mà đuổi theo từng câu chữ, và gặp chính mình- có khi đã đổi thay, có khi vẫn không thay đổi gì cả. 


 Trên đường từ Ireland về nước, tôi sẽ phải ghé lại Luân Đôn. Ở đó tôi định sẽ bán cuốn sách mà lẽ ra tôi không nên bán. Cái ý nghĩ ấy không ngờ đã khiến tôi cảm thấy vô cùng háo hức. Lần tới, không biết cuốn sách còn theo tôi đến đâu. Khi đó tôi sẽ tìm thấy mình ra sao qua cuốn sách này.


Tôi uống cạn món đồ uống, vừa ngắm bọt mầu nâu như cái bóng còn sót lại trong lòng cốc, vừa gấp sách lại. Bấy giờ tôi mới nhận ra là quán rượu đã bắt đầu đông dần lên, đây đó tràn ngập tiếng cười nói vui vẻ của những người lạ, tôi bèn cao giọng nói với người chủ hiệu đứng trong góc sau quầy rượu, đặt thêm một ly nữa.


 

Nguyên tác: Tabi suru hon của Kakuta Mitsuyo


Người dịch: Quỳnh Chi (28/10/2015)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc