HAIKU VIỆT NGỮ - TẢN MẠN ĐÔI DÒNG - Phùng Quân

05 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 51210)


morning-content



HAIKU VIỆT NGỮ


TẢN MẠN ĐÔI DÒNG

 

 

Ai đã từng sống tại Nhật Bản một thời gian, hoặc đã ít nhiều có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của xứ này, chắc hẳn cũng đã từng được nghe nói đến thể thơ Hài Cú (Haiku). Sự xuất hiện khiêm tốn của những bài thơ Haiku, dưới dạng Việt ngữ, với khuôn mẫu 5-7-5 cổ điển, là những bài thơ chỉ gồm ba dòng: dòng đầu 5 chữ, dòng thứ nhì 7 chữ và dòng cuối 5 chữ, trên các thi đàn Việt Nam khoảng thời gian gần đây, tuy không hẳn là một điều hoàn toàn mới lạ lắm nhưng cũng khá thú vị và đáng ngạc nhiên. Hơn nữa đi trước chúng ta, nhiều Thi sĩ Trung Hoa ngày trước, cũng đã từng dịch những bài Haiku Nhật Bản sang Hán tự, hoặc tự sáng tác những bài thơ Haiku bằng Hán văn, nhưng hình thức Hán tự Hài Cú thì lại theo một khuôn mẫu phóng khoáng hơn, với cấu trúc có thể biến đổi như: 5-7-5, 5-5-7 hoặc 7-5-5.



Trở lại với khuôn mẫu căn bản của một bài Haiku Nhật Bản với cấu trúc 5-7-5 âm, thì vì tiếng Nhật đa âm, nên một bài Haiku Nhật Bản có thể chỉ vỏn vẹn có được ba từ, nhưng chứa đựng sự im lặng của cả vũ trụ, hay nói một cách khác hơn, theo Thiền sư Matsuo Basho, đó chính là cái bất lập văn tự của Thiền. Dưới đây là một bài Haiku tiêu biểu của Basho, một bực Thày trong nền thi ca cổ điển của Nhật Bản:

 

草の戸も

kusa no tomo


住替る代ぞ 

sumi kawaru yo zo


ひなの家

hina no ie



Bài thơ Haiku này đã được dịch sang Hán văn, dưới hình thức 5-7-5:


村深野草菴

Thôn thâm dã thảo am


一時居住別時替

Nhất thời cư trú biệt thời thế


風運芻人影

Phong vận sô nhân ảnh



và rồi cũng chính từ bản Hán văn này, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hiển nhiên còn là một nhà thơ, một lần nữa đã chuyển sang thơ thất ngôn tứ tuyệt. Thật là một giai thoại hiếm quí trong văn chương:


Ở cuối thôn đoài túp lều cỏ
Tạm ở rồi đi ai đến đây
Hóa ra tất cả trong trần thế
Là bóng hình rơm ở cõi này.


Trịnh Công Sơn

 

 

Tác giả Ngô Văn Tao, trong cuốn Hán Tự Hài Cú, cũng đã giải thích thêm về quan điểm cực kỳ giản dị của trường phái này, bằng cách đơn cử một câu thơ, hai chữ của Lưu Trọng Lư:


Mùa thu
Một người
Lá bay.


và kết luận rằng đây là một bài Haiku Nhật Bản hợp cách vì vỏn vẹn gồm đủ ba câu, bao gồm đủ ba ý:


Mùa thu nói đến tiết mùa
Lá bay tả về thiên nhiên
Một người nêu lên thân phận cô đơn của con người.



Chẳng thế mà cách đây không lâu, trong năm 2013 tại quê nhà, để hưởng ứng “Năm hữu nghị Nhật - Việt, Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam”, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Saigon, Báo Tuổi Trẻ, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở Saigon tổ chức cuộc thi sáng tác thơ HaiKu Nhật - Việt lần thứ 4 năm 2013.


Kết quả đã có nhiều thí sinh đoạt giải làm thơ HaiKu bằng tiếng Việt.


Giải nhất Haiku bằng tiếng Việt, thuộc về bài thơ của anh Trần Đức Việt, (giảng viên Đại học Công nghiệp tại Saigon).


Trên lá môn non
Giọt sương đọng
Vầng trăng tí hon.



Tác giả bài thơ cho biết ý tưởng để sáng tác bài thơ này, là từ một đêm khuya đi dạo tại quê Quảng Ngãi. “Trong lúc dạo, một giọt sáng long lanh bên bờ rào đập vào mắt tôi, tôi đến gần và thấy ánh sáng đó được phát ra từ một giọt sương đọng trên lá môn. Tôi nhìn lên bầu trời thật trong, trăng sáng vằng vặc, rồi tôi cứ nhìn giọt sương long lanh rực rỡ và lớn dần, đầy bí ẩn. Giọt sương đó như thâu góp cả mặt trăng và sự tinh khiết của bầu trời và vũ trụ trong nó.” (Trung Yến - báo Tuổi Trẻ ngày 23-9-2013).


Bài thơ đó xứng đáng là một bài Haiku đúng nghĩa. Ý thơ cô đọng, như thể không còn thể nào cô đọng được hơn, mà vẫn chứa đựng cả một vũ trụ bao la, cùng sự cảm nhận tinh tế và lãng mạn của thi nhân. Với một bài thơ Haiku tuyệt tác như thế, thì dù chỉ với một cấu trúc hoàn toàn không theo khuôn mẫu 5-7-5, vẫn đủ sức lay động, thấm nhập tâm hồn người đọc, thì thử hỏi còn ai dám đòi hỏi thêm một điều gì khác hơn, khắt khe hơn thế chăng?



Thành ra vấn đề còn lại và câu hỏi được nêu lên ở đây là:

 
"Cấu trúc cơ bản, hay khuôn mẫu 5-7-5 của Haiku Nhật Bản, có thực sự cần thiết với thứ ngôn ngữ đơn âm tiếng Việt, trong việc kiến tạo một bài thơ Haiku Việt ngữ, phản ảnh linh hồn Haiku đúng nghĩa hay không?"



Nếu chỉ vì tính cách ước lệ cứng nhắc, và vì chỉ muốn được gọi là một bài Haiku Việt ngữ, mà chúng ta phải tiếp tục theo khuôn mẫu đó, thì e rằng đến một lúc, sẽ khó tránh khỏi ý thơ bị rườm rà, nếu không muốn nói là dư thừa, đôi khi không cần thiết, vô hình chung lại đi ngược với nguyên tắc: cực kỳ giản dị của Haiku, và đối lập với tinh thần bất lập văn tự của Basho từ thuở sơ khai?


Có thể nào trong tương lai, chúng ta sẽ có những bài thơ Haiku thuần Việt, tức là không nhất thiết phải tuân theo một cấu trúc 5-7-5, mà hồn thơ Haiku vẫn lãng đãng khôn cùng, tức là biết biến cái tinh hoa độc đáo của người thành của mình, mà vẫn hòa nhập một cách tự tại và hồn nhiên. Biết đâu khi ấy chúng ta sẽ không còn cần phải gọi rõ, nêu tên rằng đây là một bài Haiku Việt ngữ, mà người thưởng ngoạn vẫn cảm nhận được cái hồn Haiku kia, lãng đãng mà khôn cùng?


Chạm đến Thơ, bản thân cũng đã biết, là nói đến một đề tài mà giới hạn sẽ là vô hạn, biên giới sẽ là vô cùng, và đôi khi còn là một điều tối cấm kỵ nữa không chừng! Riêng về thơ Hài Cú, thì đây lại càng là một đề tài thâm sâu uyên bác, không dễ dàng chút nào, và nhất là đối với một người, mà kiến thức còn rất sở đoản về thể loại thơ ấy như PQ.



Dù sao thì con đường thử nghiệm trào lưu thơ Hài Cú vào văn hóa Việt Nam cũng chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Tất cả còn cần rất nhiều thời gian để thẩm thấu và gạn lọc. Sự trải nghiệm về một thành quả của thể thơ ấy bằng Việt ngữ, đường đi chắc chắn sẽ còn rất dài và rất xa. Những ai đã và đang tiên phong trong lãnh vực này là những kẻ mạo hiểm gan dạ, dám thách đố chữ nghĩa để cùng khai phá và sáng tạo một dòng thơ mới, một luồng tư tưởng mới, đều thật đáng được trân trọng. Điều đó đòi hỏi người làm thơ phải có cái nhìn nhậy bén và sâu xa về thiên nhiên, vũ trụ và con người, đó cũng còn là sự biểu hiện của Đạo trong Thơ và Thơ cũng chính là Đạo. Những nét đẹp đơn sơ, dân dã và văn hóa của dân tộc cũng là những yếu tố cần thiết phải quan tâm để hồn Việt Nam sẽ cùng Haiku lên đường hòa nhập. Đến khi nào thì những bài thơ Haiku thuần Việt mới thật sự trở nên quen thuộc trong dân gian, đủ sức thấm nhập vào tâm hồn người đọc đây? Khi ấy có lẽ những vần thơ Haiku sâu lắng kia, sẽ giúp chúng ta có cơ hội khai mở những cảm thọ sâu xa về thiên nhiên, vũ trụ và con người. Đời sống vốn dĩ không thường hằng, nhưng vạn pháp luôn ẩn chứa những chân lý cao quí và giá trị trong từng mỗi phút giây. Phải chăng Haiku còn là một con đường khai ngộ ngắn nhất, một phương thức khai tâm nhanh nhất, như một tiếng thét giữa thinh không đại ngộ, đầy nhân bản và lãng mạn tính cho những gì còn đang bất khả trên cõi đời này.


Cám ơn anh Nguyễn Anh Tuấn, một cựu sinh viên du học tại Nhật Bản, đã chia sẻ “Mười Bài Hài Cú Chiều Cuối Năm” của nhà thơ Trịnh Y Thư như một món quà đầu năm trên diễn đàn Exryu-ww. Cơ duyên ấy đã gợi ý và hứng cảm rất nhiều cho bài viết này.

 

Một lần nữa xin thành thật cám ơn.

 

 

PHÙNG QUÂN

 

Hàng Gió

Ngày mưa đầu năm

5/1/2016.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc