BÊN KIA BỜ SINH TỬ - Diệu Huyền

18 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 16166)



midnight_sun_0



BÊN KIA BỜ SINH TỬ


 

 Cái chết bao giờ cũng là một bí mật ngàn đời không có lời giải đáp. Chết rồi đi về đâu? Có người cho chết là hết, không còn gì để nói. Đó là quan niệm duy vật. Nhiều tôn giáo nói về thiên đàng và địa ngục. Nhưng đó cũng chỉ là những lý thuyết huyền hoặc và xem sự chết hoàn toàn tách biệt với sự sống. Riêng Phật giáo xem chết và sống là một, vì tất cả đều chỉ là kinh nghiệm trong tâm thức, dù khi còn thân hay đã mất thân, ở trong mọi cõi giới của sinh và tử.


 Không ai có thể kể lại kinh nghiệm cái chết của mình cho người khác nghe được. Tuy nhiên có những vị cao tăng của Mật giáo Tây Tạng đã chứng đắc tới trình độ thông suốt cả hai bên bờ sinh tử, và đã viết ra quyển Tử Thư Tây Tạng (The Tibetan Book of Death) kể lại chi tiết tiến trình của cái chết qua từng giai đoạn, từ khi bắt đầu xuôi tay nhắm mắt cho tới khi đầu thai vào kiếp khác. Quyển sách này cũng là nền tảng cho một tác phẩm thích hợp với thời đại hơn của đại sư Sogyal Rinpoche, quyển "Sinh và Tử Thư Tây Tạng" (The Tibetan Book of Living and Dying) nói về cả sinh lẫn tử.


 Bài viết này tóm lược tiến trình cái chết chiếu theo lời của đại sư Sogyal Rinpoche trong quyển "Sinh và Tử Thư Tây Tạng".


 

I- Tiến trình tan rã (Dissolution process):


 Theo Phật giáo, con người chúng ta được hình thành qua sự kết hợp của tứ đại, tức là 4 yếu tố đất, nước, gió, lửa. Phật giáo Tây Tạng thêm vào đó một yếu tố nữa là hư không, làm thành năm yếu tố nền tảng cấu tạo nên thân và tâm. 


 Trong thân, yếu tố Đất hình thành xương, thịt, cơ quan khứu giác và các mùi; yếu tố Nước hình thành máu, cơ quan vị giác, những vị và dung dịch trong cơ thể; yếu tố Lửa hình thành thân nhiệt, mầu trắng, cơ quan thị giác và các hình thể; yếu tố Gió hình thành hơi thở, cơ quan xúc giác và những cảm giác vật lý; yếu tố Hư Không hình thành những khoảng trống trong cơ thể, cơ quan thính giác và những âm thanh.


 Trong tâm, yếu tố Đất là nền tảng của sự nhận biết tất cả các kinh nghiệm đi qua; yếu tố Nước là sự vận hành liên tục và khả năng dung hợp; yếu tố Lửa là sự rõ ràng và khả năng nhận biết; yếu tố Gió là sự chuyển động liên tục; và yếu tố Hư Không là sự không rỗng vô biên vô tận.


 Sự bắt đầu của tiến trình chết được đánh dấu qua sự ngừng hoạt động của các căn thức, khi không còn thấy, nghe, ngửi mùi vị, nếm và xúc chạm được nữa. Sau đó là bốn giai đoạn tan rã của năm đại.

 


a) Sự tan rã của năm đại trong thân:


 1- Sự tan rã của Đất: cơ thể mất hết sức lực, cảm giác như đang rơi xuống, bị một sức nặng kinh khủng đè lên, da tái nhợt và những đốm đen hiện lên trên răng. Tâm trí xung động nhưng hôn trầm. Sắc uẩn của Đất tan rã chìm vào yếu tố Nước.


 2- Sự tan rã của Nước: Những dung dịch trong người không còn tiết chế được nữa, chảy ra từ mắt, mũi và các bộ phận khác. Lưỡi cứng lại, miệng và cổ họng bị tắc nghẽn. Thọ uẩn tan rã khiến cho có cảm giác như chìm xuống nước và bị cuốn đi. Tâm thức trở nên mờ nhạt và bứt rứt khó chịu. Yếu tố Nước tan rã chìm vào yếu tố Lửa.


 3- Sự tan rã của Lửa: miệng và mũi hoàn toàn khô lại, thân nhiệt bắt đầu mất dần, thường từ chân tay đi tới tim. Cảm thấy nóng ran từ đỉnh đầu, trong khi hơi thở qua mũi và miệng thì lạnh ngắt. Tưởng uẩn tan rã khiến tâm trí nửa tỉnh nửa mê, không còn nhận thức được cái gì bên ngoài nữa. Yếu tố Lửa chìm dần vào yếu tố Gió.


 4- Sự tan rã của Gió: Hơi thở càng lúc càng khó. Hơi thở vào ngắn và nặng nhọc, hơi thở ra trở nên dài hơn. Hành uẩn tan rã khiến tâm trở nên hoang mang, tất cả đều trở nên mơ hồ, cảm giác liên hệ với môi trường vật chất mất dần. Tâm trí bắt đầu mê sảng và thấy lại những hình ảnh trong cuộc đời, nếu đã làm nhiều việc lành sẽ cảm thấy hoan hỉ tươi vui, nếu đã làm nhiều việc xấu sẽ thấy hãi hùng kinh sợ. Yếu tố Gió tan rã chìm dần vào Hư Không của Thức.


 Lúc đó, hơi thở bắt đầu hắt ra, máu tụ lại và đi vào "mệnh huyệt" ở trung tâm của tim. Ba giọt máu nối tiếp nhau khiến tạo nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi, bỗng hơi thở tắt đi. Chỉ còn một chút hơi ấm nơi tim. Nhưng mọi dấu hiệu sống (vital signs) đều đã chấm dứt, và đây là điểm có thể được chứng nhận như là đã "chết". 


 

b) Sự tan rã của năm đại trong tâm:


 Theo Phật giáo Tây Tạng, sự sống của con người được điều hành bởi một hệ thống tâm-sinh lý, bao gồm những "đường dẫn khí" mà đông y thường gọi là kinh mạch, như những đường lưu thông chằng chịt dẫn nguồn sinh khí đến toàn bộ thân xác. Có ba đường kinh chính là: đường kinh trung tâm nằm song song với xương sống, và hai đường kinh ở bên trái và phải của đường kinh trung tâm. Đường kinh bên phải và trái gặp nhau và cuộn lại ở một số điểm nơi đường kinh trung tâm, làm thành những nút thắt. Dọc theo đường kinh trung tâm có 7 tụ điểm chính được gọi là chakra hay "luân xa", là những trung tâm năng lực, có sự nối kết với các tuyến hormones trong thân thể.

 

 Con người chúng ta được hình thành bởi "tinh cha huyết mẹ". Từ khi phát triển bào thai, nhân của tinh cha, được mô tả như là có "mầu trắng và cảm giác hỷ lạc" trụ nơi luân xa trên đỉnh đầu, đỉnh của đường kinh trung tâm. Nhân của huyết mẹ, được mô tả là có "mầu đỏ và nóng", trụ nơi luân xa ở phía dưới rốn. Sự tan rã năm đại của tâm khởi từ hai nhân này.


 Nhân của tinh cha từ đỉnh đầu sẽ đi xuống qua đường kinh trung tâm trở về tim. Biểu hiện bên ngoài là một mầu trắng, như "mặt trăng chiếu ánh bạc trên bầu trời trong ". Biểu hiện bên trong là sự tỉnh giác cực kỳ thông suốt, và tất cả 33 trạng thái tâm sở khởi từ sự giận dữ đều dứt bặt.


 Nhân của huyết mẹ từ phía dưới rốn đi lên qua đường kinh trung tâm đến tim. Biểu hiện bên ngoài là một mầu đỏ, như mặt trời chiếu sáng bầu trời trong. Biểu hiện bên trong là một cảm giác hỷ lạc tuyệt vời, khi những dạng tư tưởng khởi đầu từ lòng ham muốn, tất cả có 40 loại, đều ngừng hoạt động.


 Các tinh chất đỏ và trắng này gặp nhau ở trái tim lôi cuốn thức vào trong đó. Kinh nghiệm này được mô tả như khi "trời và đất gặp nhau". Biểu hiện bên ngoài là một mầu đen như bầu trời tối dầy đặc. Biểu hiện bên trong là một tâm không rỗng hoàn toàn thanh tịnh, không một vết nhơ. Đây cũng là trạng thái của "Giác Ngộ viên mãn."


 

II- Nền ánh sáng căn bản (Ground luminosity):


 Thế rồi, khi thức dần dần trở lại, cả một nền ánh sáng căn bản hiển lộ như bầu trời trong suốt, không một gợn mây. Đây chính là nền tảng vi tế nhất của tâm, đạo Phật gọi là Phật tánh, là cỗi rễ của tất cả những trạng thái tâm thức.

 

 Như vậy, khi ta chết, thân và tâm đều tan rã, tất cả những cảm xúc tư tưởng ô nhiễm như tham sân si làm nhân cho luân hồi sẽ tạm thời dứt bặt, và có một khoảng trống trong đó ta trở về với trạng thái nguyên thủy, tức nền tảng của Phật tánh. Không còn bị che lấp bởi những chướng ngại, nền ánh sáng căn bản của tâm nguyên thủy sẽ xuất hiện, tỏa chiếu rạng ngời. Nếu hành giả có công phu tu tập, đã từng có kinh nghiệm tiếp xúc với nền tảng Phật tánh này khi còn sống, người ấy sẽ có thể trở về hòa nhập trong nguồn ánh sáng đó và được giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Nói là "hòa nhập" nhưng không phải là nhập vào cái gì bên ngoài, mà chính là trở về với nền tảng sẵn có nơi tự thân, không trong không ngoài. Nền ánh sáng căn bản này kéo dài bao lâu tuỳ thuộc trình độ căn cơ của mỗi người. Tuy nhiên, đại đa số con người chúng ta không thể nào nhận ra được nền ánh sáng căn bản này, mà lại rơi vào một trạng thái mê man có thể kéo dài đến ba ngày. Lúc đó thức mới thực sự rời khỏi thân xác. Vì thế, ở Tây Tạng có tục lệ không đụng vào người chết trong vòng ba ngày, sợ rằng sự đụng chạm đó có thể làm quấy nhiễu tiến trình thoát ly của thức từ thân xác. Nói ví dụ, nếu thân xác bị mổ xẻ ở một điểm nào đó, có thể làm cho thức bị kéo vào nơi đó và biến thành chỗ mở để thoát ra, thay vì đi ra qua lối thoát trên đỉnh đầu, và có thể bị tái sinh về cõi xấu.


 

III- Trạng thái trung gian của pháp thân (Bardo of dharmata).


 Nền ánh sáng căn bản hiện ra như bầu trời bình minh sau màn đêm. Sau đó là sự xuất hiện của pháp thân như mặt trời chiếu ánh sáng huy hoàng rực rỡ, tràn đầy không gian của nền ánh sáng căn bản. Pháp thân hiển lộ như sự kết hợp của ánh sáng và năng lượng qua bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn là một cơ hội cho người chết được giải thoát.


 - Giai đoạn 1: Quang cảnh ánh sáng.


 Trong trạng thái trung gian của pháp thân, thần thức chìm vào trong ánh sáng, biểu lộ như một thân ánh sáng. Lúc đó cả một thế giới chung quanh tràn đầy những âm thanh, ánh sáng, và mầu sắc. Tất cả môi trường thân quen bình thường của chúng ta tan hòa vào một quang cảnh tràn đầy ánh sáng vô biên vô lượng, luôn luôn chuyển động với đủ thứ mầu sắc. Những mầu sắc đó biểu hiện cho những yếu tố căn bản của tâm: hư không là ánh sáng xanh, nước là mầu trắng, đất là mầu vàng, lửa là mầu đỏ, và gió là mầu xanh lá cây. Một hành giả chứng đắc nhận diện được những biểu hiện này phát xuất từ nền tảng của tự tánh có thể trụ trong vùng ánh sáng chói lòa ấy và được giải thoát. Nhưng đối với phàm nhân, trạng thái trung gian của pháp thân sẽ chỉ hiện ra như một tia sét, và không được nhận biết đến.


 - Giai đoạn 2: Hiện tướng Phật, thần nhân.


 Nếu không nhận diện được những biểu hiện của ánh sáng pháp thân, những tia sáng và mầu sắc bắt đầu hoà nhập vào với nhau, biến thành những tụ điểm ánh sáng đủ cỡ, trong đó có những mạn đà la hiện ra những tướng Phật, thần nhân với đủ sắc thái từ hiền hòa tới giận dữ, tỏa chiếu ánh sáng chói lòa với đủ thứ âm thanh vang dội. Một hành giả chứng đắc có thể nhận diện được đó là những hiện tướng phát xuất từ nền tảng tự tánh và trụ vào trong đó, còn những phàm nhân sẽ rất hãi sợ và có thể ngất đi.


 - Giai đoạn 3: Trí tuệ.


 Nếu không trụ vào được các giai đoạn trên, giai đoạn thứ ba là "sự hội tụ hòa tan vào trí tuệ". Lúc đó, một tia sáng phát xuất từ tim bắn ra và biểu lộ một cảnh tượng choáng ngợp, với những chi tiết thật rõ ràng. Đó là sự hiển thị những phương diện khác nhau của trí tuệ trong những thảm ánh sáng với những tụ điểm rực rỡ chói lòa. Trên những thảm ánh sáng mầu xanh là những tập hợp 5 tụ điểm mầu xanh thẫm của bích ngọc (sapphire). Ở trên đó là thảm ánh sáng mầu trắng với những tụ điểm lóng lánh như pha lê. Trên nữa là thảm ánh sáng mầu vàng, với những tụ điểm óng ánh vàng, và trên nữa là thảm ánh sáng mầu đỏ với những tụ điểm mầu đỏ. Trên tất cả là một quả cầu chói sáng như cái vòm rộng lớn làm bằng những lông công.


 Tất cả những ánh sáng và mầu sắc này là sự hiển thị của năm trí tuệ: pháp giới tánh trí, đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, và thành sở tác trí. Nhưng thành sở tác trí chỉ được hoàn thành khi đã giác ngộ viên mãn nên tấm thảm mầu xanh lá cây với những tụ điểm không xuất hiện, mà chỉ hiển thị khi người ấy thành Phật.


 Nếu không trụ được vào nền tảng tự tánh trong những thảm ánh sáng và mầu sắc này, tất cả sẽ hòa tan vào quả cầu ánh sáng như cái vòm rộng lớn làm bằng lông công.


 - Giai đoạn 4: Sự hiện diện tự nhiên.


 Giai đoạn cuối của trạng thái trung gian của pháp thân là sự "hòa tan của trí tuệ vào sự hiện diện tự nhiên." Toàn thể thực tại đời sống hiện ra, phơi bầy trong một quang cảnh đầy ấn tượng đến mức đáng sợ. Đầu tiên là trạng thái thuần khiết nguyên thủy tỏa chiếu như bầu trời bình minh trong sáng không một gợn mây. Rồi những hiện tướng thần nhân hiền hòa và giận dữ hiện ra, theo sau là các cõi giới thanh tịnh của Phật, và ở dưới đó là sáu cõi giới luân hồi.


 Sự vô biên vô hạn của cảnh giới này thật hoàn toàn vượt ngoài ngôn ngữ luận bàn. Tất cả tiềm năng đều hiện diện: từ trí tuệ và giải thoát, cho đến vô minh và tái sinh. Ở điểm này thần thức sẽ có được năng lực thần thông, như túc mạng thông biết được quá khứ và tương lai, tha tâm thông đọc được tâm của người khác, và biết về sáu đường luân hồi. Trong nháy mắt thần thức nhớ lại tất cả những giáo lý đã học được, ngay cả những giáo lý chưa hề nghe đến cũng bỗng được nhận ra.


 Thế rồi toàn bộ cảnh giới ấy bỗng hòa tan vào trong tánh nguyên thủy của chúng, như căn lều bỗng sụp đổ khi các dây chằng bị cắt đi.


 Trạng thái trung gian của pháp thân kéo dài bao lâu không thể tính được, vì đó là cảnh giới vượt ngoài không gian và thời gian. Khoảng thời gian kéo dài sẽ tùy thuộc vào công phu thiền định, và chỉ thoáng qua rất nhanh đối với kẻ phàm nhân, đến nỗi họ không thể nhận ra được.


 

IV- Thân Trung Ấm (Bardo of becoming)


 Nếu không trụ vào được nền ánh sáng căn bản và trạng thái trung gian của pháp thân, người chết sẽ không được giải thoát và bước vào giai đoạn thân trung ấm dẫn đến luân hồi sinh tử. Trong giai đoạn này những chủng tử của thói quen và trữ nghiệp được khơi động lại, cho nên còn gọi là thân trung ấm của nghiệp thức. Tiến trình đảo ngược của sự tan rã bắt đầu: yếu tố đất, nước, lửa và gió trở lại, theo đó là những trạng thái tâm thức nối kết với tham, sân, si. Và bởi vì ký ức về nghiệp thân trong kiếp trước vẫn còn in đậm, nên một "linh thể" (mental body) được cấu tạo tương tự như thân của kiếp trước, nhưng ở trong một trạng thái toàn hảo hơn. Linh thể này có đủ sáu căn thức, rất linh hoạt và chuyển động không ngừng, có thể tới bất cứ nơi nào bằng tư tưởng, xuyên qua được những chướng ngại kiên cố như tường và núi đá. Linh thể này còn có được khả năng tiên tri tự nhiên, có thể đọc được tâm của người khác. Vì đã có sự hiện diện của ngũ đại trong linh thể này, nên có cảm tưởng kiên cố như thân vật chất, và vẫn còn thấy đói.

 

 Trong những ngày đầu của thân trung ấm, người chết vẫn không nhận ra là mình đã chết, và trở lại thăm các người thân, tìm về những vật sở hữu của mình, nhưng rất bực bội vì không thể truyền đạt hay làm gì được. Những kinh nghiệm quá khứ hiện rõ và được sống lại, các chốn xưa được tìm về. Mỗi 7 ngày tiến trình chết lại được lập lại với thân trung ấm, nếu là cái chết an bình thì sẽ thấy an bình, nếu cái chết đau khổ thì sẽ bị đau khổ trở lại. Đại sư Dudjom Rinpoche thường nói rằng, trong 21 ngày đầu sau khi chết, những ấn tượng của kiếp vừa qua còn rất in đậm, nhưng sau đó, những mầm móng cho kiếp sau bắt đầu xuất hiện và dần dần chiếm ảnh hưởng ưu thế.

 

 Cuộc hành trình bất an và cô đơn trong thân trung ấm giống như một giấc mộng dữ, trong đó ta tin rằng ta có một thân vật chất và thực sự hiện hữu. Nhưng tất cả những kinh nghiệm của thân trung ấm đều từ tâm, do nghiệp và tập khí tạo ra. Không còn thân vật chất làm trung gian chống đỡ, tư tưởng trở thành thực tại mà ta kinh nghiệm, có mãnh lực rất nhiều lần hơn lúc còn sống. Những thói quen và khuynh hướng huân tập từ lâu đời trở thành nghiệp lực lôi cuốn chúng ta về những cõi giới khôn lường. Chúng ta bị gió nghiệp thổi bay đi như những chiếc lá, tơi tả và bất lực, tâm trí tán loạn nhưng không thể làm gì để thoát ra được. Nếu có trữ nghiệp tốt, ta sẽ kinh nghiệm sự hỷ lạc; nếu trong quá khứ thường làm những việc xấu ác, ta sẽ kinh nghiệm sự đau khổ sợ hãi tràn đầy.

 

 Trong tình trạng thô tháo, mỏng manh và hỗn độn của tâm thức thân trung ấm, rất khó có được sự tỉnh giác và ý thức để chế ngự tâm, nhất là nếu không có thói quen thiền định và quán tâm khi còn sống. Một tư tưởng khởi lên có thể có ảnh hưởng quyết định. Nếu khởi niệm lành, ta có thể được giải thoát ngay tức khắc; ngược lại nếu phản ứng với niệm tiêu cực, ta có thể bị chìm ngay vào chốn đau khổ. Vì thế, ngay bây giờ trong hiện kiếp, ta phải tạo thói quen tu tập và niệm Phật tới mức nhất tâm, để có nơi an trú và được cứu độ, dù khi sống cũng như lúc chết.

 

 Thời gian kéo dài của thân trung ấm trung bình là 49 ngày, tối thiểu là 7 ngày, nhưng không nhất thiết là như vậy. Tuỳ theo phước đức và nghiệp lực, có người có thể được tái sinh ngay vào cõi lành, có người bị đọa ngay vào cõi dữ. Có người quá vướng mắc vào kiếp sống trước, không thể buông bỏ nên bị kẹt trong trạng thái thân trung ấm vô hạn định. Nói chung, thân trung ấm có thể được coi là thời gian chuyển tiếp trong khi chờ đợi nhân duyên nối kết được với cha mẹ tương lai.

 


V- Tái sinh (Rebirth).


 Khi thời gian tái sinh đến gần hơn, ước muốn có được thân vật chất càng ngày càng mạnh hơn, và ta tìm kiếm bất cứ nơi nào để có thể đầu thai vào được. Những dấu hiệu khác nhau về cõi giới tái sinh sẽ hiện ra. Những ánh sáng đủ mầu chiếu từ sáu cõi luân hồi như mời gọi ta vào một trong những cõi đó. Những mầu xám, vàng, xanh lá cây, xanh dương, đỏ và trắng, chính là hiển thị của các khuynh hướng tâm thức như sân hận, tham lam, si mê, dục vọng, ganh ghét và kiêu mạn. Đó là những tâm thức tạo nên sáu đường luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, và trời. Trong sự nôn nóng muốn thoát khỏi thân trung ấm và đi đầu thai, ta có thể khởi lên những niệm tiêu cực như tham sân si và bị cuốn vào vùng ánh sáng của một cõi xấu. Một khi đã vào trong vùng ánh sáng ấy rồi, sẽ rất khó mà quay trở lại được.


 Tùy theo cõi giới sinh vào, những hình ảnh và quang cảnh khác nhau sẽ hiện lên. Nếu sanh vào cõi trời, có thể thấy cảnh tượng đang đi vào một tòa lâu đài thật nguy nga đẹp đẽ như thần tiên. Nếu sinh vào cõi a tu la, sẽ cảm thấy đang bị quay trong vòng lửa đạn, hay đi đến một chiến trường nào đó. Nếu sinh vào cõi thú, sẽ thấy đang ở trong hang, trong lỗ dưới đất, hay một cái tổ bằng rơm nào đó. Nếu thấy một gốc cây, một khu rừng rậm, hay một tấm vải dệt, có thể tái sinh vào cõi ngạ quỷ. Nếu sinh vào cõi địa ngục, sẽ thấy bị kéo vào một hố đen sâu thẳm, một con đường đen, hay một thành phố bằng sắt.


 Cũng có một số chỉ dấu cho thấy cõi giới sẽ tái sinh qua hướng tầm nhìn của chúng ta. Nếu sinh vào cõi trời hay cõi người, tầm nhìn sẽ hướng lên; sinh vào cõi thú, tầm nhìn hướng ngang như con chim; sinh về cõi ngạ quỷ hay địa ngục, tầm nhìn sẽ hướng xuống. Nếu có những chỉ dấu như vậy, hãy cẩn thận để khỏi rơi vào những cõi xấu.


 Đồng thời, bạn có thể bị hấp dẫn bởi một nơi chốn nào đó, và muốn nhanh chóng được an trú ở nơi đó để ra khỏi tình trạng thân trung ấm. Trong tâm trạng hoang mang bạn có thể lầm lạc tưởng một nơi chốn tốt là xấu, và một nơi chốn xấu là tốt. Hoặc nghe những âm thanh quyến rũ, hoặc nghe tiếng người thân kêu gọi, chỉ để thấy mình bị rơi vào cõi giới xấu. Bạn phải rất cẩn thận để đừng mù quáng đi vào những nơi chốn bất minh. Điều kỳ diệu là ngay lúc có được chút tỉnh táo nhận định tình thế trước mắt, bạn sẽ có thể xoay chuyển được số phận của mình.


 

 Làm thế nào để không phải tái sinh vào luân hồi sinh tử, hay ít nhất, có thể chọn cõi giới để tái sinh? Sau đây là những lời dạy về những cách để dứt đoạn đường tái sinh:


 Phương cách tốt nhất là buông xả mọi ý niệm ràng buộc như ham muốn, sân si, ganh ghét, và nhận ra rằng tất cả những kinh nghiệm thân trung ấm này là đều chỉ là huyễn ảo, do vọng tưởng mà thành, không có thực chất. Nếu bạn có thể nhận ra được điều đó và an trú trong nền tảng tánh Không của tâm, bạn sẽ không còn phải tái sinh. Sách "Tử Thư Tây Tạng" viết rằng:


 "Than ôi! nào cha nào mẹ, nào những cơn bão tố, cuồng phong sấm sét, những hình ảnh hãi hùng và những cảnh tượng diễn ra, thực ra chỉ là huyễn ảo. Dù hiện ra như thế nào, chúng cũng đều không có thực. Tất cả mọi hình tướng đều là hư vọng. Như những ảo ảnh, chúng vô thường, thay đổi không ngừng. Ham muốn là gì? Sợ hãi là gì? Là xem cái không thực như có thực...."

 


 Một cách thù thắng khác để thoát ly sinh tử là xem cha mẹ sắp tới của mình là Phật, là thầy mình, hay là một biểu tượng tín ngưỡng đang tôn thờ. Ít nhất, bạn phải gợi lên trong tâm một cảm giác từ bỏ, không muốn rơi vào những dục vọng ham muốn, và chỉ nghĩ về thế giới thanh tịnh của Phật thôi. Điều đó sẽ ngăn cản sự tái sinh trong luân hồi và khiến bạn có thể được sinh vào một trong những cõi Phật.

 

 Nếu không có được sự vững mạnh trong tâm để ngăn chận con đường tái sinh, hãy tìm phương cách để được tái sinh trong cõi người. Chỉ có sinh nơi cõi người mới có những nhân duyên hoàn hảo cho sự thăng tiến tâm linh, cho bạn tiếp tục con đường tu tập, làm những việc lợi lạc, tự độ độ tha, tự giác giác tha. Nếu bạn được sinh trong cõi người với những điều kiện thuận lợi may mắn, bạn sẽ cảm thấy như đang đi đến một ngôi nhà đẹp đẽ tráng lệ, hay một thành phố nào đó, hay đang ở giữa một đám đông, hoặc thấy hình ảnh một đôi nam nữ đang yêu nhau.

 

 Nếu không được như thế, đối với hầu hết chúng sinh, thông thường thì chẳng lựa chọn được gì cả. Nghiệp lực sẽ kéo chúng ta thẳng về nơi tái sinh, không cách gì chống đỡ được. Tuy nhiên, dù có phải như vậy, giáo lý Phật đã dạy chúng ta rằng bao giờ hi vọng cũng vẫn còn đó. Chỉ cần phát tâm chân thành muốn sanh về thế giới Phật, hoặc có nguyện ước sâu xa muốn được tái sinh vào một gia đình theo Phật, thì dù nghiệp lực có đưa đi đến đâu, lời nguyện kia cũng sẽ giúp cho ta chuyển hóa được số mệnh, có những nhân duyên kết hợp cho ta đi đến được con đường giải thoát.


 

Diệu Huyền


Đầu hè, tháng 6, 2015


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật