AN LẠC TRONG THIỀN ĐỊNH - GS Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh

05 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 16008)

 

an_lac-content

 

Thiền định

 

 

Con đường để được thường, lạc, ngã, tịnh tức là miên viễn được sức khỏe, hạnh phúc và trí tuệ là thiền định.


Tham thiền, một lòng suy nghĩ chân lý và nhập định, hoàn toàn tập trung tâm trí vào chân lý ấy, con người có khả năng sống tỉnh thức và hoán cải đời mình.


Có tham thiền mới định được tâm. Tâm có định mới tĩnh được tâm. Tĩnh tâm đưa đến tịnh tâm và trí huệ phát sinh để có sáng suốt nhận định và hành động sáng suốt nhờ chánh kiến, chánh tư duy và chánh niệm.


Muốn tu thiền trước hết phải giữ cho tâm thanh tịnh tức là giữ giới. Giới, định, huệ là thế chân vạc, thiếu một, việc tu tập không đạt được kết quả.


Giờ phút tập thiền là giờ phút thoát khỏi phiền não, là giờ phút sống an lạc, hạnh phúc,


Là phương pháp luyện cả thân và tâm, thiền đem lại sự hòa hợp giữa tinh thần và vật chất, giữa tiểu vũ trụ là con người với đại vũ trụ là thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa văn hóa này với văn hóa khác. Hòa hợp là lẽ sống, là nguồn vui. Giữa hòa hợp và tiến bộ, người có trí tuệ chọn hòa hợp vì hễ có hòa hợp là có tiến bộ. Tiến bộ mà không có hòa hợp chỉ dẫn đến chiến tranh đổ vỡ.


Nhờ công phu tu thiền, nhà khoa học thật sự vĩ đại đem khoa học trở về với đạo học.


Einstein chịu ảnh hưởng của Schopenhauer mà Schopenhauer chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Einstein trong tác phẩm “Comment Je vois Le Monde” khẳng định “Tôi khó lòng thắng được khuynh hướng tĩnh lự quán niệm tự nhiên của tôi.”


Tại Dưỡng Đường Tâm Thần (Mind/Body Clinic), Bác sĩ Herbert Benson cho bệnh nhân ngồi yên lặng, nhắm mắt lại và tập trung vào một chữ hay từ ngữ ngắn trong vòng 10 hoặc 20 phút. Chỉ tập thiền đơn giản này đều đặn cũng đủ để làm cho họ bớt nóng nảy, phiền muộn, thù hận, lo âu. 80 phần trăm bệnh nhâm giảm được huyết áp nhờ thiền định.


Một phương pháp tu thiền là tập trung tâm thần bằng hơi thở có ý thức để vận dụng A-lại-da thức, huân sinh và huân trưởng những tâm sở thiện (tín, tâm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại) vào A-lại-da thức, thanh tịnh hóa và chuyển đổi Mạt-na thức thành bình đẳng tánh trí và A-lại-da thức thành Đại Viên cảnh trí, thoát khỏi luân hồi.



 

 Sống với sáu đức giải thoát

 

 

Người tu thiền thường xuyên trau dồi sáu đức tính giúp hành giả giải thoát khỏi hệ lụy trần ai sau đây: tự tri, tự trọng, tự chế, tự tin, tự độ, và tự thể hiện.



Tự Tri:



Muốn tịnh tâm, bước đầu tiên và cũng là mục đích tiến trên con đường giải thoát là tĩnh tâm, sống tỉnh thức, tự tri, biết cái ta hiện thời chớ không phải cái ta quá khứ hay vị lai như thế nào, biết đúng như vậy mà không dính mắc, biết như vậy sẽ không còn tiếc nuối cái ta quá khứ hoặc lo sợ cho cái ta vị lai.


Có biết mình mới biết người, biết rằng ta cùng tha nhân đều chung cảnh khổ gắn liền với thân phận con người mà khởi tâm từ bi, thực hiện hạnh bố thí, trừ được lòng tham.


Cơ thể dạy ta bài học về tự tri, về nhận thức đứng đắn, về trí nhớ siêu việt, về tinh thần hợp tác chặt chẽ, về lòng từ bi.


Hệ thống miễn dịch ngoài khả năng nhận diện chính xác tế bào nào thuộc về cơ thể và tế bào nào là ngoại lai cần phải tiêu diệt còn có đặc điểm là trí nhớ siêu việt, không bao giờ quên một loại kháng sinh nào dù chỉ gặp một lần cũng đủ sẵn sàng phòng bị suốt đời.


Tế bào hoạt động vì sự toàn vẹn của các mô, và các mô vì sự toàn vẹn của các cơ quan, các cơ quan vì sự toàn vẹn của cả cơ thể. Đây là bài học về tự tri, tinh thần hợp tác và lòng từ bi.


Tự tri là biết ta là ai, tìm hiểu rõ mối tương quan giữa ta và xã hội.


Sâu xa hơn nữa, tự tri còn là biết bản thể của ta và vạn pháp là gì cùng mối tương quan của ta và vũ trụ.


Lão Tử đã nói: “Biết người là trí, biết mình mới là sáng; có sức thắng được người nhưng thắng mình mới là mạnh” (tri nhân giả trí, tự tri giả minh, thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường).



Tự Trọng:



Tự tri đưa đến tự trọng, khích lệ việc trì giới để trừ tà ác.


Để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc, con người cần có nghị lực để tuân theo một số giới cấm.


Thật ra các đạo lớn đều có những điểm tương đồng. Nhà Phật thì có Ngũ giới, đạo Nho thì có Ngũ thường. Không sát sinh là lòng nhân, không trộm đạo là nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí và không vọng ngữ là tín.


Các bậc thánh nhân đặt ra điều răn không phải giới hạn tự do hoặc trói buộc con người trong khuôn khổ mà chính là vì muốn cho con người giải thoát mọi phiền não.


Lòng tự trọng khích lệ ta giữ được năm điều răn để không những được khỏe mạnh, hạnh phúc, một phước báu cho chính bản thân và cho tha nhân.


Nếu thân cần thức ăn để bồi dưỡng thì tâm cũng cần tư tưởng tốt đẹp để khỏi bị khô khan cằn cỗi. Nếu thân cần tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và bài tiết những thức ăn thừa thãi độc hại thì tâm cũng cần thấm nhuần tư tưởng hay và loại trừ những tư tưởng hắc ám, những nghiệp ác để cuộc sống được thanh tịnh.


Do đó giá trị của người giữ ngũ giới còn quý hơn giá trị ngàn người hiền, một điều mà Kinh Tứ Thập Nhị Chương đã dạy: “Đem đồ ăn dâng cho một ngàn người hiền, cái phước ấy không bằng đem đồ ăn cho một người giữ được năm điều răn.”



Tự Chế:



Tự trọng dẫn đến tự chế trong mọi trường hợp tức là thực hiện đức nhẫn nhục và trừ được lòng sân.


Thành tựu đại sự là nhờ đức nhẫn nhục chịu đựng. Nhẫn nhục được là nhờ thấu triệt lý vô ngã, vô thường.



Tự Tín:


Tự chế phát sinh lòng tự tín để thường xuyên tinh tiến nỗ lực tiến lên, không ngại khó, ngại khổ.


Phật dạy về lòng tự tín: “Ngươi là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa.”



Tự Độ



Tự tín mới tự độ bằng pháp môn thiền đình, hiện tại an trụ, thân tâm an lạc, nghỉ ngơi thư giãn, tiêu trừ tán loạn, đoạn diệt phiền não.


Khi thân tâm nghỉ ngơi an lạc thì không còn lo âu, sợ hãi, phiền muộn nữa.


Thái độ tự tín tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm mức nhũ toan trong máu, thay đổi trạng thái cơ thể.


Pháp môn thiền định, tập trung tinh thần vào một cảnh là hình thức nghỉ ngơi trọn vẹn nhất. Thương tâm trí ta mệt mỏi vô cùng bận rộn vì trăm mối lo toan ngay cả lúc ngủ, nghỉ nên khi ta thiền định, tĩnh tâm suy tư đạo lý, tĩnh niệm vào một cảnh thì ta thật sự nghỉ ngơi.



Tự Thể Hiện



Đời sống nhân loại do tư tưởng chi phối. Tư tưởng lớn của nhân loại phát sinh khi lòng lắng xuống nhờ thiền định; tâm thanh tịnh trở nên thánh thiện nhờ thiền định.


Thiền là phương pháp hữu hiệu chống cô đơn, chán nản, giúp con người sống lạc quan, yêu đời.


Tự độ để tự thể hiện bằng trí tuệ, trừ được si mê, trí tuệ do thiền định. Thiền định phát sinh trí tuệ. Có trí tuệ là giải thoát, là có sức khỏe và hạnh phúc.


  Vô thiền bất trí

 Vô trí bất thiền

 Đạo lòng thiền trí

 Đắc chí nê hoàn

 

 

Hiếu Nguyên Nguyễn Cao Thanh


(Trích từ quyển "Bí quyết sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có trí tuệ)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc