- Đoạn mười ba - Đoạn mười bốn

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5756)




ĐOẠN MƯỜI BA


 

1- Duyên Môn hỏi: "Con thấy có người học đạo mà không chịu tinh chuyên giới hạnh, không lo giữ gìn uy nghi, chẳng hóa độ chúng sinh, cứ tà tà buông trôi theo vận mệnh, vậy là thế nào?"

 

Nhập Lý: "Chỉ cầu sao bỏ hết mọi tâm phân biệt, giảm hết mọi kiến chấp. Tuy bề ngoài trông có vẻ buông trôi như vậy, nhưng thật ra bên trong vẫn luôn luôn chuyên cần đó vậy."

 

 Duyên Môn có trong tâm trí những phương thức tu tập trong đó việc giữ gìn giới hạnh là điều trọng yếu nhất. Đó là cách tu tập theo nghi thức, có sự phân biệt rõ ràng giữa tu sĩ và cư sĩ, tốt và xấu, Đạo và trái Đạo. Tuy nhiên, một hành giả tinh chuyên thực sự không chỉ chăm chú vào việc giữ gìn giới hạnh, mà nhiều hơn là sống tự nhiên theo công dụng của Vô Ngã. Bề ngoài có vẻ buông trôi ấy, thực ra là sự lưu chuyển từng giây từng phút để ứng phó lại hoàn cảnh và tình thế đang xẩy ra lúc ấy.


 

2- Duyên Môn: "Nếu như vị hành giả đó lại sinh kiến chấp như con trẻ, làm sao nói là đã giảm mọi kiến chấp được?"

 

Nhập Lý: "Chỉ cầu tự mình bỏ được kiến chấp, cần gì phải lo đến người khác có sinh kiến chấp hay không. Cũng như con cá ra khỏi vực sâu, nào có nghĩ gì đến người bắt có ghét nó hay không."

 

3- Duyên Môn: "Nếu vậy chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà có hại cho người, làm sao gọi là đại sĩ được?"

 

Nhập Lý: "Nếu chính mình không sinh kiến chấp, sẽ không thấy người sinh. Còn nếu cứ lo thắc mắc chuyện người sinh kiến chấp, thì đó là chính mình đã tự sinh ra rồi, chứ chẳng phải người."


 Trong câu hỏi này, Duyên Môn có sự phân biệt giữa tự lợi và lợi tha. Ông không biết rằng hai điều đó không có gì khác nhau. Để có thể làm lợi ích cho người khác, điều tiên quyết là phải tự mình chứng ngộ, có trí tuệ căn bản thấy được tánh của mình, và điều ấy đồng thời cũng có thể làm cho người khác đạt ngộ được.


 Một vọng kiến khác của Duyên Môn là ông tin rằng người ta có thể được cứu độ. Nhưng theo Thánh đế, tất cả mọi chúng sanh đã sẵn có Phật tánh và do đó không cần được cứu độ, chỉ cần được thức tỉnh ra khỏi cơn mê và ảo tưởng sai lầm. Do đó một vị thầy không thực sự dẫn dắt đệ tử đến giác ngộ nhưng nhiều hơn là nhấn mạnh đến những đau khổ bắt nguồn từ mê vọng, khiến người ấy phải thức tỉnh ra khỏi mê vọng ấy. Với quan điểm cứu độ của mình, Duyên Môn chỉ chồng chất thêm mê vọng trên mê vọng có sẵn.


 

4- Duyên Môn: "Trong thông đạo lý Đại thừa, nhưng ngoài lại hành xử như Tiểu thừa, điều đó có hại gì không?

 

Nhập Lý: "Nay ngươi lại muốn bắt người già chơi trò con trẻ sao? Có ích lợi gì cho nghĩa lý không?"

 

5- Duyên Môn: "Nếu như bậc đại sĩ đã giảm bỏ được kiến chấp, thì ai là người nhận biết được điều đó?"

 

Nhập Lý: "Người chứng ngộ sẽ nhận ra được, người hành trì sẽ hiểu ra được."

 

6- Duyên Môn: "Bậc đại sĩ như vậy có hóa độ chúng sinh được không?"

 

Nhập Lý: "Có trăng sao nào mà lại không tỏa chiếu, có ngọn đèn nào mà không có ánh sáng?"

 

7- Duyên Môn: "Vậy dùng phương tiện gì?"

 

Nhập Lý: "Đi thẳng không cần phương tiện gì cả."

 


 Duyên Môn cố tìm kiếm một kỹ thuật nào để có thể bám víu vào đó. Ông vẫn chưa hiểu rằng thay vào đó, ông nên xả bỏ hết mọi kỹ thuật và buông hết tất cả cho sự hành hoạt tự nhiên theo tinh thần Vô Ngã.


 

8- Duyên Môn: "Nếu không dùng phương tiện, làm sao có lợi ích cho chúng sinh?"

 

Nhập Lý: "Vật đến thì lấy tên gọi, sự việc qua thì phản ứng lại. Tất cả chỉ tùy duyên, không dự định, tính toán gì cả."

 

9- Duyên Môn: "Con nghe nói Như Lai tư duy bẩy ngày mới tìm được phương tiện, nay sao lại nói là không có tâm suy nghĩ tính toán gì cả?"

 

Nhập Lý: "Cảnh giới của chư Phật đâu thể nào lấy tư duy lý luận hay quán sát mà biết được."

 


 Duyên Môn vẫn còn có ý niệm về một cái ngã. Theo đó những suy tưởng của ông đã pha trộn với những niềm tin, quan điểm và kỳ vọng, tất cả tạo thành một bức màn che lấp không cho thấy được sự thực. Nhưng tư duy của một vị Phật là công dụng của Vô Ngã: thuần khiết và trong sáng, như một tấm gương phản chiếu trực tiếp mọi sự trong thực tướng như như của chúng.


 Cảnh giới Vô Ngã hay Tâm Không không có nghĩa là tư tưởng bị kiềm chế lại, cũng không có nghĩa là không biết gì hay không cảm nhận những gì chung quanh. Ngược lại, đó là sự phản ứng tự nhiên đối trước tất cả những hiện tướng, mà không có sự phán đoán theo tiêu chuẩn đặc biệt nào. Nhưng điều đó là vượt ngoài sự lý giải của Duyên Môn, nên ông không thể nhận ra được rằng, một cái Ngã không thể nào hiểu được sự Vô Ngã. 


 

10- Duyên Môn: "Vậy Phật có nói dối không?"

 

Nhập Lý: "Chỉ nói chân thật, không có dối."

 

 Mặc dù Phật nói ngài không có sự suy tính gì trong tâm, nhưng kinh nói rằng Phật đã nghĩ ra những phương tiện khéo để độ chúng sanh, vì vậy Duyên Môn cho đó là nói dối.


 

11- Duyên Môn: "Vậy sao kinh nói (Phật có) tư duy, bây giờ lại bảo là có tư duy?"

 

Nhập Lý: "Đó là vì phương tiện để hóa độ thôi."

 

 Sư chủ Nhập Lý không quan tâm đến câu hỏi vớ vẩn của Duyên Môn và khẳng định rõ ràng một lần nữa là tư duy của Phật chỉ nhắm vào việc dùng phương tiện khéo để hóa độ thôi.


 

12- Duyên Môn: "Phương tiện của chư Phật theo gì mà sinh ra?"

 

Nhập Lý: "Chư Phật không sinh ra (phương tiện), chỉ tuỳ nơi tâm (chúng sanh) mà hóa. Theo nhân duyên mà biến hóa phương tiện, nhưng pháp bản lai vốn không có tên."

 

 Sư chủ Nhập Lý không quan tâm đến tướng, chỉ nhắm đến Đời Sống Rộng Lớn mà thôi. Đời Sống Rộng Lớn không sinh cũng không diệt, vượt ngoài suy nghĩ luận bàn, không thể lấy lời để diễn tả. Nó hiển thị tuỳ thuộc và đáp ứng với nhân duyên, nhưng tự nó không có tên, không có tướng - thực sự ra, không có gì có thể nói đến được.


 

 

ĐOẠN MƯỜI BỐN


 

1- Duyên Môn hỏi: "Con không biết, thế nào gọi là Phật, thế nào gọi là Đạo, thế nào gọi là biến hóa, thế nào gọi là thường trú?"

 

Nhập Lý: "Giác ngộ hoàn toàn được lý không của vạn vật thì bảo là Phật, thông suốt mọi sự thì gọi là Đạo, từ pháp giới xuất sinh gọi là biến hóa, đến chỗ tột cùng tịch diệt thì gọi là thường trú".

 

2- Duyên Môn: "Thế nào gọi là tất cả pháp đều là Phật pháp?"

 

Nhập Lý: "Cái không phải pháp cũng không phải không pháp, tất cả đều là Phật pháp vậy."

 

3- Duyên Môn: "Cái gì là pháp, cái gì là không pháp, cái gì là "không phải pháp cũng không phải không pháp"?"

 

Nhập Lý: "Cái gì pháp thì gọi là pháp, không pháp thì gọi là không pháp, còn cái gì không thể định lượng được thì gọi là "không phải pháp cũng không phải không pháp."

 


 Duyên Môn muốn tìm chân lý qua lời nói của Sư chủ Nhập Lý. Mặc dù ông nói rằng tất cả các pháp đều là Phật pháp, nhưng ông không tự mình thấy được như vậy. Ông chỉ muốn hiểu qua ngôn từ, hơn là qua sự trực nhận chân lý.


 Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê, hay Shu Toni trong tiếng Nhật) là một danh sĩ Nho giáo đời nhà Tống, muốn mở mang trí tuệ nên đến gặp Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (tiếng Nhật gọi là Oryo Enan, 1002-1069) cầu đạo. Thiền sư Huệ Nam bảo: "Ông là một học giả Nho giáo. Trong sách của Khổng Tử có câu: "Nếu có ai buổi sáng ngộ được chân lý, thì người ấy buổi trưa có chết cũng vui lòng". Ông có biết được chân lý quý giá đó là gì không?" Mặc dù là một học giả uyên bác, Chu Đôn Di cũng không trả lời được. Thế là ông lại đi tìm một thiền sư khác, Thiền sư Phật Ấn ở núi Kim Sơn (trong tiếng Nhật gọi là Kinsan Butsuin, 1032-1098), và hỏi chân lý tối thượng này là gì. Phật Ấn trả lời, "Ông có thấy rặng núi xanh ở ngoài kia không; không có gì cản trở cho ông không thấy được núi đó." Chu Đôn Di vẫn lưỡng lự vì chưa hoàn toàn hiểu được. Phật Ấn bèn phá lên cười. Ngay lúc đó Chu Đôn Di hốt nhiên đạt ngộ. 


 

4- Duyên Môn: "Ai chứng thuyết đó vậy?"

 

Nhập Lý: "Đã không có ai trong thuyết đó, làm sao nói chứng được?"

 

 Chân lý luôn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, rõ ràng sáng tỏ. Không cần phải có ai chứng thực. Cũng không do Đức Phật hay những vị bồ tát nào tạo nên - chân lý lúc nào cũng là như thế.


 

5- Duyên Môn: "Không có ai làm sao có thuyết được?"

 

Nhập Lý: "Không có ai cũng không có thuyết, thế mới gọi là chính thuyết."

 

6- Duyên Môn: "Thế nào là tà thuyết?"

 

Nhập Lý: "Đó là thuyết mà có sự suy tính trong đó."

 

 Duyên Môn nghĩ là có thể nắm bắt và sở hữu được những lời nói vĩnh cửu, bất di bất dịch của chân lý. Ông tin rằng kinh nghiệm chứng ngộ, ngay từ lúc đạt được, sẽ trở thành một điều sở hữu bất phân ly với người đạt ngộ ấy. Nhưng sự suy nghĩ ấy chỉ chứng tỏ rằng ông bị vướng mắc trong ngôn từ và kinh nghiệm. Điều có thể gọi là sự chứng ngộ thực sự, tuy vậy, không phải là bị vướng mắc trong bất cứ chân lý, lời nói, hay kinh nghiệm nào. Do đó, những bản văn Thiền thường liên tục nhấn mạnh đến việc cần phải rửa sạch ngay cả cái hương vị chứng ngộ cùng với những đất bẩn của tiến trình tu tập.


 

7- Duyên Môn: "Như vậy, thế nào là không có suy tính?"

 

Nhập Lý: "Suy tính là ở lời nói, nếu trong lời nói không chứa đựng gì cả, thì suy tính không có".

 

 Cũng đồng với những biểu hiện khác, lời nói hiện hữu tuỳ thuộc vào nhân duyên. Và bởi vì nhân duyên biến đổi không ngừng, nên lời nói cũng biến đổi không ngừng. Như thế chúng không có một thực thể tiếp nối nào - những gì còn lại của lời nói cũng chỉ như ánh sáng của một vì sao đã chết từ lâu.


 

8- Duyên Môn: "Nếu nói như vậy theo đúng pháp, thì mọi chúng sanh bản lai vốn là giải thoát chăng?"

 

Nhập Lý: "Vốn đã không có ràng buộc, làm gì còn có người được giải thoát?"

 

 Đạo Tín (Daoxin theo tiếng Hán, Doshin theo tiếng Nhật, 580-651) là vị tổ thứ tư của Thiền Tông, đến gặp tổ thứ ba là Tăng Sán (Sosan theo tiếng Nhật, Sengcan theo tiếng Hán, tịch năm 606) để cầu được giải thoát. Tăng Sán trả lời, "Ai trói buộc ông?" Đạo Tín nói, "Không có ai cả". Tăng Sán bảo: "Thế tại sao ông còn đi cầu giải thoát?" Đạo Tín nghe vậy liền được đại ngộ. Theo như thế, chẳng có sợi dây nào trói buộc ta để phải thoát ra cả, tự thân ta không có gì thiếu sót, cũng không có gì để đắc được qua sự tu tập. Như câu đầu tiên của bản văn này đã nói: "Đại Đạo vốn không lặng, bao la và thâm diệu."


 

9- Duyên Môn: "Pháp đó gọi là gì?"

 

Nhập Lý: "Đã không có pháp nào, làm sao có tên gọi được?"

 

10- Duyên Môn: "Nếu nói như vậy, con càng khó hiểu."

Nhập Lý: "Thực ra không có pháp nào để giải, ngươi chẳng cần cầu giải làm gì."


 

 Duyên Môn muốn biến sự hiểu biết thành một điều gì nắm trong tay, một điều gì ông có thể giữ lấy và sẽ không thay đổi. Sự nắm giữ một điều gì đó và bị ràng buộc vào đó là một thói quen cố hữu của mỗi người chúng ta.


 

11- Duyên Môn: "Vậy cứu cánh là gì?"

 

Nhập Lý: "Không có bắt đầu, không có chấm dứt."

 

12- Duyên Môn: "Có thể nào không có nhân quả chăng?"

 

Nhập Lý: "Không có gốc tức không có ngọn".


 

 Tuy Duyên Môn thường xuyên tìm kiếm điều gì hằng thường, nhưng tất cả những câu hỏi của ông lại nói đến những điều vô thường. Như vậy ông diễn giải những câu trả lời của sư chủ Nhập Lý bằng cách liên hệ đến những gì có tướng duyên hợp, và tự sắp xếp phân loại chúng, trong khi những câu trả lời này được nói ra trong ý nghĩa tuyệt đối. Sự trả lời của Nhập Lý không phải để làm cho Duyên Môn thành ra ngớ ngẩn, nhưng để diễn giải chân lý một cách nào đó khiến người ta có thể cảm nhận được, và để chứng tỏ rằng những gì chúng ta phân biệt qua chữ nghĩa thật ra chỉ là một.


 

13- Duyên Môn: "Lấy gì chứng cho thuyết đó?"

 

Nhập Lý: "Chân thực thì không thuyết nào phải chứng cả."

 

 Không có cách gì khác hơn là tự mình chứng nghiệm. Chân lý không thể được dạy lại hay chia xẻ qua sự chứng thực với người khác.


 

14- Duyên Môn: "Vậy thấy biết cái gì?"

 

Nhập Lý: "Biết tất cả pháp đều là như thế, thấy tất cả pháp đều bình đẳng".

 

15- Duyên Môn: "Tâm nào biết được, mắt nào thấy được như thế?"

 

Nhập Lý: "Biết trong cái không biết, thấy trong cái không thấy."

 

16- Duyên Môn: "Ai nói lời ấy?"

 

Nhập Lý: "Thì cũng như ta- tự- hỏi đó."

 

17- Duyên Môn: "Thế nào là như "ta-tự-hỏi" "?

 

Nhập Lý: "Ngươi tự đoán lấy câu hỏi, sẽ biết được câu trả lời."

 

 Lúc nào cũng vậy, câu trả lời bao giờ cũng đã hàm sẵn trong câu hỏi.


 

18- Lúc ấy Duyên Môn suy đi nghĩ lại, lặng yên không nói một lời nào. Nhập Lý tiên sinh bèn hỏi: "Sao ngươi không nói lời vậy?"

 

Duyên Môn đáp: "Con không thấy một pháp nào, dù nhỏ như hạt bụi, có thể nói tới được."

 

Ngay lúc đó, Nhập Lý tiên sinh bèn nói với Duyên Môn rằng: "Nay ngươi dường như đã thấy được cái lý chân thật rồi vậy."

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng