- Đoạn chín - Đoạn mười

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5521)



ĐOẠN CHÍN


 

1- Duyên Môn hỏi: "Tại sao người học đạo chân chính không được người ta biết đến, không được người ta nhận ra?"

 

Nhập Lý: "Đồ trân quý kẻ bần cùng không thể nhận biết được, bậc chân nhân kẻ tà ngụy không thể nhận ra được."


 

 Phàm phu không thấy được tánh như như trong mọi sự, vì có những phán đoán thiên vị chủ quan. Với chấp kiến như vậy phàm phu cố tìm cách phân biệt và chọn lựa mọi thứ để có thể nắm bắt được chúng - và vì vậy họ không thấy được chân lý.

 


2- Duyên Môn: "Thế gian có những kẻ không theo chính lý, bên ngoài thì ra vẻ uy nghi, mà chỉ chuyên lo toan tính sự nghiệp, nhưng lại được nhiều người thân cận cả nam lẫn nữ, là tại sao?"

 

Nhập Lý: "Thì cũng như dâm nữ thì dụ được nhiều người nam, thịt thối thì ruồi bu lại. Thế nên, mới nói là "danh như thế nào thì chiêu được sự như thế ấy" vậy. 

 

 

 

 

ĐOẠN MƯỜI


 

1- Duyên Môn hỏi: "Thế nào là Bồ tát hành đạo-không- phải -đạo (hành phi đạo) mà lại thông đạt được Phật đạo?

 

Nhập Lý: "Không phân biệt thiện ác!"


 

 Câu hỏi của Duyên Môn có liên quan đến kinh Duy Ma Cật, trong đó hành phi đạo, tức là làm điều khác thường, không giống với truyền thống, là một lối đi đường vòng của bồ tát để có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả chúng sinh. 


 Duyên Môn tin rằng có con đường chánh và tà. Nhưng con đường mà ông nghĩ là chánh đó thực ra là phiến diện, có giới hạn, và như thế là vẫn ở trong cõi mê. Chỉ khi ở trong cõi mê ta mới có những quan điểm về con đường tà. Sự thực là không có một giây phút nào chúng ta xa lìa khỏi Phật Đạo cả.


 

2- Duyên Môn: "Thế nào gọi là không phân biệt?"

 

Nhập Lý: "Đối với mọi pháp đều không sinh tâm."

 

3- Duyên Môn: "Vậy không có người hành động hay sao?"

Nhập Lý: "Chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không có người hành động."

 

 Không có một sắc tướng nào là bất biến, thường hằng cả. Nhưng cũng có cái không có tướng nhất định và vẫn thường xuyên biến đổi. Nói rõ hơn, có sự thay đổi, nhưng không có gì là hằng thường cả.

 


4- Duyên Môn: "Vậy không có tri giác hay sao?"

 

Nhập Lý: "Có tri giác, nhưng không có cái ngã."


5- Duyên Môn: "Không có ngã, làm sao biết được?"

 

Nhập Lý: "Cái biết bản chất đã là vô tánh rồi."

 

6- Duyên Môn: "Cái ngã có làm chướng ngại gì cho Đạo?"

 

Nhập Lý: "Nếu chỉ biết đến tên thôi thì không có gì trở ngại, chỉ sợ trong tâm sinh ra chuyện thôi."

 

7- Duyên Môn: "Sinh chuyện thì có trở ngại gì?"

 

Nhập Lý: "Không có trở ngại là không có chuyện (vô sự). Đã vô sự rồi, còn hỏi trở ngại gì nữa?"


 

 Tâm không bị vướng mắc vào bất cứ cái gì là tâm không. Tâm đã không thì không khởi lên những câu hỏi như của Duyên Môn.


 

8- Duyên Môn: "Nếu giảm thiểu mọi sự để trở thành người vô sự, thế nào gọi là hành đạo- không- phải-đạo (hành phi đạo)?"

 

Nhập Lý: "Kỳ thực đã vô sự, đâu cần phải cố khiến cho sự sinh ra làm gì?"


 

 Một bồ tát không bác bỏ điều gì cũng không ưu tiên cho điều gì cả. Không suy tính hay phán đoán thế nào là đúng Đạo hay không đúng Đạo, vị ấy hành động tuỳ duyên theo yêu cầu của hoàn cảnh, vì biết rằng con đường hành Đạo hay hành phi Đạo cũng là một. 


 

9- Duyên Môn: "Nhưng nếu vậy, trong trường hợp có sát sanh thì chẳng phải là phạm giới hay sao?"

 

Nhập Lý: "Lửa rừng đốt núi, cuồng phong làm đổ cây, sườn núi sập đè thú, nước ngập cuốn trôi côn trùng, nếu tâm đồng như vậy, nếu người hợp được như vậy thì có sát cũng không sao. Còn nếu tâm do dự, thấy có sống có sát hại, trong tâm cứ như vậy bất tận, dù cho có giết con kiến cũng buộc người ta vào một cái mạng vậy."

 

 Khi tâm do dự, bị dính mắc trong sự cân nhắc chọn lựa, thì có sự phân biệt giữa sống và chết, xem cái này là tốt, cái kia là xấu, không biết được rằng vô sinh mới là sự sống thực sự. Trong trạng thái vô minh đó, dù sát hại một con kiến cũng có thể tạo nên nghiệp xấu.


 

10- Duyên Môn: "Trong trường hợp nào thì trộm đạo được?"

 

Nhập Lý: "Ong chích mật hoa bên hồ, chim sẻ ngậm hạt ngoài sân, bò gặm nhấm hạt đậu bên lạch, ngựa nhai lúa ngoài đồng, hết thẩy đều không thấy có phạm đến vật của người, nếu hợp được như vậy có bứng cả ngọn núi cao đi cũng không sao, còn nếu không thế dù có lấy một lá nhỏ như kim châm cũng buộc người ta vào nô lệ vậy."

 

 Trộm đạo không bắt đầu từ lúc người ta lấy đi một vật gì, mà ngay từ lúc khởi lên tâm phân biệt giữa cái của mình và của người.


 

11- Duyên Môn: "Trong trường hợp nào thì hành dâm được?"

 

Nhập Lý: "Trời phủ lấy Đất, Dương hợp với Âm, nước tràn lên từ khe thuyền, suối tuôn chẩy theo lạch nước; tâm được như vậy, có làm gì cũng không chướng ngại. Còn nếu nẩy tình phân biệt, dù cho đối với vợ ở nhà cũng bị ô nhiễm vậy."

 

12- Duyên Môn: "Trong trường hợp nào thì vọng ngữ được?"

 

Nhập Lý: "Lời mà không có chủ ý, nói mà không có dụng tâm, tiếng như tiếng vang của chuông, hơi như âm gió (lời nói phát xuất tự nhiên, vô tâm, vô tình, do cần thiết mà nói); nếu tâm được như vậy, có nói gì đến Phật cũng không sao, còn nếu không thế, dù có xưng tán Phật cũng chỉ là vọng ngữ."

 


  Tâm mê chia làm hai bên đối đãi: chủ thể và đối tượng, ta và người, trong và ngoài. Nhận thức được sự mê lầm này và biết được sự đồng nhất của vạn pháp - thấy Phật tánh trong tất cả - gọi là có tâm từ bi. Những lời nói nào phát xuất từ trí tuệ như vậy đều là chánh ngữ - trong khi những lời nói không phát xuất từ đó đều là vọng ngữ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng