- Đoạn bẩy - Đoạn tám

28 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5621)




ĐOẠN BẨY


 

1- Duyên Môn hỏi: "Như vậy nếu đến rốt ráo tất cả đều theo lý Không, lấy gì để chứng đạo?"

 

Nhập Lý: "Cầu trong tất cả mọi sắc tướng, chứng trong lời nói của chính mình."

 

 

 Duyên Môn muốn có một sự chứng thực về tánh không. Nhưng cũng như sự nóng lạnh chỉ có thể được cảm biết qua tự thân, tánh không cũng chỉ có thể được nhận biết qua kinh nghiệm chứng ngộ. Đó chính là sự chứng thực đúng đắn nhất.


 

2- Duyên Môn: "Thế nào là cầu trong tất cả mọi sắc tướng? Thế nào là chứng trong lời nói của chính mình?"

 

Nhập Lý: "Không và sắc đều là một với nhau, lời nói và chứng đạo cũng chẳng phải là hai."


 Trong thiền môn, bản chất không đối đãi của chân tánh được diễn tả qua chữ "bất nhị" (funi trong tiếng Nhật), hay "nhất như" (ichinyo trong tiếng Nhật).


 

3- Duyên Môn: "Nếu tất cả pháp là không, tại sao thánh thì thông suốt, phàm lại u mê chướng ngại?"

 

Nhập Lý: "Vì vọng động nên u mê, còn thực tĩnh lặng thì thông suốt."

 

 Sự so đo phán xét làm khởi lên những ý niệm chủ quan độc đoán, và như vậy là đi ngược lại với sự hài hòa tự nhiên.

 


4- Duyên Môn: "Nếu thật mọi pháp là không, vậy cái gì là vô minh? Và nếu đã vô minh, cớ sao lại thành không được?"

 

Nhập Lý: "Nói đến vọng là chợt khởi, chợt động bất cứ lúc nào. Còn như trong thể không thì không có một pháp nào, cũng không có vô minh.


 

 Những hiện tướng sinh diệt khởi lên từng giây phút từ tự tánh rồi lại chìm xuống trong hư không Vô Ngã, là không có một thực thể cá biệt nào. Những cố gắng nắm bắt tự tánh qua hình tướng khiến người ta dễ có giả định về một cái ngã thường hằng và bất biến. Tỷ dụ như, nếu một người nào đó hỏi tướng của nước là gì, câu trả lời thông thường là nước không có tướng. Tuy nhiên, từ giây phút này qua giây phút khác, nước thể hiện trong một hình dạng nào đó. Nếu thấy nước ở trong một cái tô và tin rằng nước có hình tròn thì đó là điều sai lầm, cũng giống như sự kiến giải của người không biết tự tánh vậy. Những gì khởi lên từ kiến giải sai lầm trở thành si mê; từ đó sinh ra giả tưởng cho rằng tướng dường như là có thực. Tuy nhiên, tướng dường như đang có thực đó có thể tiếp nhận các mùi vị, có thể bị đau, bị lấm bẩn, trong khi tự tánh Không là không có những điều đó.


 

5- Duyên Môn: "Nếu thực pháp giới là không, mọi chúng sanh đâu cần phải tu Đạo? Là bởi tánh tự nhiên đã như vậy còn gì?"

 

Nhập Lý: "Mọi chúng sinh nếu thực hiểu được lý Không thì đúng là chẳng cần tu đạo. Nhưng bởi vì trong cái không mà làm ra cái có, nên mới sinh mê hoặc."


 

 Khi còn là một vị tăng trẻ, thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền mang một thắc mắc day dứt trong tâm về câu hỏi tại sao người ta vốn đã có sẵn tự tánh hoàn hảo và viên mãn như vậy mà vẫn cần phải tu tập. Vì lúc ấy ở Nhật không ai trả lời câu hỏi đó được, nên ông đã lặn lội vượt trùng dương đi qua Trung Hoa tìm sự giải đáp. Sau khi đã đạt ngộ rồi, ông mới hiểu rằng "Mặc dù từ nguyên thủy chúng ta có sẵn Phật tánh, nhưng nếu không tu tập ta sẽ không thể nhận biết được, bởi vì nếu không chứng ngộ thì tánh Phật sẽ không hiển lộ. " "Để cho Phật tự hiển lộ" chính là sự giác ngộ tánh Không hoàn toàn vậy.



6- Duyên Môn: "Nếu như vậy, ra khỏi mê hoặc là Đạo chăng? Vậy tại sao nói tất cả không có gì là Đạo?"


Nhập Lý: "Không phải thế. Không phải mê hoặc là Đạo, mà cũng không phải rời mê hoặc là Đạo. Tại sao vậy? Vì cũng như người say thì không tỉnh, lúc tỉnh thì không say. Tuy nhiên không phải không say mới là tỉnh, cũng như không phải say tức là tỉnh."


 Có những người đang ngủ và có những người khác đang thức giấc, có những người say và có những người tỉnh. Nhưng tất cả các trạng thái này đều là ở trong Đạo. Vẫn còn vướng mắc nơi hình tướng giả tạm, Duyên Môn không thấy được chân tánh, không nhận biết được gốc rễ; do đó, ông phân biệt đối đãi hai trạng thái "cách biệt" và "hợp nhất" với Đạo.



7- Duyên Môn: "Nếu khi người ta tỉnh, thì cái say ấy ở đâu?"


Nhập Lý: "Thì cũng như bàn tay lật lại vậy. Lúc lật bàn tay rồi, cần gì phải hỏi bàn tay ở đâu nữa"

 

 

 

 

ĐOẠN TÁM


 

1- Duyên Môn hỏi: "Nếu người chưa đạt được lý đạo như vậy, có thể nào thuyết pháp giáo hóa chúng sanh được chăng?"

 

Nhập Lý: "Không được. Cớ sao? Là bởi vì mắt mình còn chưa tỏ, làm sao đòi chữa mắt cho người được."


 

 Trước khi Lục Tổ Huệ Năng đưa ra Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài đã chuyên tâm nhập định và giữ yên lặng trong một thời gian dài. Bát Nhã Tâm Kinh diễn tả tinh yếu của toàn bộ giáo lý Bát Nhã Ba La Mật Đa chỉ trong 272 chữ tiếng Hán, nhưng dù cô đọng như vậy bài kinh vẫn mở đầu với câu Bồ Tát Quán Tự Tại (hay Avalokitesvara trong tiếng Phạn) nhập định quán chiếu sâu xa ngũ uẩn. Tuy đây có thể là sự ngẫu nhiên, nhưng việc đầu tiên quan trọng nhất là phải tự độ trước rồi mới độ tha, tự giác trước rồi mới giác tha được. 


 

2- Duyên Môn: "Nhưng nếu tuỳ theo trí lực của mình, dùng phương tiện mà hóa độ cũng không được sao?"

 

Nhập Lý: "Nếu là người đạt được đạo lý mới gọi là trí lực. Còn không đạt được đạo lý thì đó là vô minh lực. Vì sao vậy? Vì cái khí lực đó chỉ làm tự mình tăng phiền não thôi.

 

3- Duyên Môn: "Tuy không thể đem chân lý hóa độ cho người, nhưng cũng dạy chúng sinh hành thập thiện, trì ngũ giới, được sự an lành nơi cõi trời người, há chẳng ích lợi sao?"

Nhập Lý: "Lý lẽ như vậy là vô ích, lại còn chiêu thêm tổn hại gấp đôi. Vì sao? Là bởi vì tự mình đã hãm rồi lại còn làm người khác hãm theo. Tự mình hãm, tức là tự mình chướng ngại đối với Đạo, hãm người tức là khiến người ta không thể thoát được luân hồi lục đạo vậy."

 


 Luân hồi lục đạo là sáu cõi trời, A Tu La, người, súc sinh, ngạ quỷ, và địa ngục. Duyên Môn lý luận rằng sáu cõi luân hồi này có tồn tại và được tái sinh nơi cõi trời người cũng là tốt lắm rồi. Nhưng khi còn vô minh thì vẫn còn sáu đường luân hồi, cho nên vẫn có thể rơi lại vào cõi địa ngục dù đã lên được tới cõi giới trời. Do đó, cõi trời không phải là một cõi thiên đường vĩnh cửu, cũng không có sự an lạc mãi mãi ở đó được.


 

4- Duyên Môn: "Thánh nhân (Phật) há chẳng nói rằng có năm thừa sai biệt với nhau đó sao?

 

Nhập Lý: "Thánh nhân khi nói pháp sai biệt không có tâm ý gì, chỉ vì tự tâm chúng sinh có hy vọng (nơi sự sai biệt ấy) mà thôi. Cho nên kinh nói: "Nếu như tâm không còn, thì không còn có xe (thừa) cũng không có người đi xe (thừa giả), không có lập nên thừa nào nữa, cho nên ta (Như Lai) mới nói là nhất thừa vậy."


 

  Năm thừa có thể được coi như là những pháp khác tu khác nhau để dẫn dắt chúng sinh vào một cõi giới lý tưởng. Như vậy nhân thừa là để cho chúng sanh được sinh vào cõi người; thiên thừa là để có thể thăng tiến sinh được vào cõi trời. Rồi lại có những thừa khác của hàng Thanh Văn, Độc Giác Phật, và Bồ Tát. Trong năm thừa này hai thừa đầu tiên là cho hàng thế gian, và ba thừa kia là để dẫn dắt từ cõi giới vô minh sang cõi giới giác ngộ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng