- Đoạn ba- Đoạn bốn

27 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5538)




ĐOẠN BA


 

1- Duyên Môn hỏi: "Phàm phu có thân, nên thấy, nghe, cảm biết mọi việc; thánh nhân cũng có thân, nên cũng thấy, nghe, cảm biết. Như vậy có khác gì nhau chăng?"

 

Nhập Lý: "Phàm phu thấy bằng mắt, nghe bằng tai, cảm bằng thân, biết bằng ý; thánh nhân không nghe bằng cái nghe của tai, không thấy bằng cái thấy của mắt, cho đến cái biết cũng không bằng cái biết của ý. Tại sao vậy? là vì đã không còn sự tính toán lượng định nào vậy."


 

 Khả năng của giác quan là thấy, nghe, cảm biết, xuất phát từ bản tính tự nhiên. Nhưng phàm nhân sống trong ảo tưởng cho rằng họ thấy bằng mắt, nghe bằng tai. Họ không nhận ra đó chỉ là biểu hiện vô thường của bản tính tự nhiên, mà tin rằng cái thân vật chất giới hạn này là bản tính tự nhiên và thấy, nghe, cảm biết là những chức năng tự do của bản tính này.

 


2- Duyên Môn: "Tại sao trong kinh nói thánh nhân không có thấy nghe cảm biết?"

 

Nhập Lý: "Thánh nhân không có cái thấy nghe cảm biết của phàm phu, nhưng không phải là thánh nhân ở trong cảnh giới không thấy nghe cảm biết - bởi vì không chấp trước nơi cái có cái không, nên không có sự phân biệt so sánh. "

 

 Thánh nhân (người giác ngộ) không vướng mắc trong sự chấp ngã, cũng không chấp không; không bị ràng buộc cũng không si mê. Thánh nhân thường thể hiện bản tính tự nhiên, tuy chuyển biến từ phút này qua phút khác, nhưng bao giờ cũng hiện hữu tràn đầy trong từng giây phút.


 

3- Duyên Môn: "Phàm phu có cảnh giới của phàm chăng?"

 

Nhập Lý: "Nếu thực sự không có vọng tưởng mê lầm (hư vọng) thì bản lai là tịch diệt, còn nếu bị vọng tưởng chi phối, tất sinh điên đảo. "


 Phàm nhân hiện hữu như người ở trong mộng (mà không biết đó là mộng). Những gì thấy trong mộng sẽ tan biến ngay khi vừa thức giấc, bởi vì trạng thái trong mộng đó không phải là thật. Tỷ như trong giấc mộng, người ta có thể rơi xuống vực sâu thẳm hun hút trong khi đang nằm yên ổn ở trong giường, và chỉ khi nào thức dậy mới nhận ra rằng họ vẫn được an toàn và không có ở đâu xa. Như vậy, những gì có vẻ như rất thực và kiên cố ở trong mộng đều chỉ là hư ảo, không hiện hữu trong thực tế.


 

4- Duyên Môn: "Con không hiểu, thế nào là thánh nhân không thấy bằng cái thấy của mắt, không biết bằng cái biết của ý?"

 

Nhập Lý: "Pháp thể (pháp tánh, tự tánh) rất khó thấy biết được. Ví như lấy ánh huyền quang mà soi chiếu vật, thấy như cái chiếu cũng là cái bị chiếu; như mắt nhìn ra ngoài nhưng không thể tự thấy nó được; cũng như âm dương trong vạn vật, như cái biết cũng là cái bị biết, nhưng không Ý nào có thể tự biết lấy mình được."

 


 Danh từ "huyền quang" chỉ ánh sáng của chân lý, là trí tuệ của Phật. Đó là ánh sáng phản chiếu mọi vật trong thực tướng như như của chúng. Không có sự kỳ thị phân biệt, cũng không phán đoán, tất cả đều được thấy biết trong sự bình đẳng như nhau - như thế, đó là trí tuệ của sự thấy biết kỳ diệu, ra khỏi những mê vọng của sự chấp trước vào một cái ngã riêng tư, thường hằng.


 Nói về sự nhất như trong cái biết và cái bị biết, trong kinh Pháp Bảo Đàn của tổ Huệ Năng (638-713) có nói rằng thiền định và trí tuệ là "như ngọn đèn và ánh sáng. Nếu có ngọn đèn, tất có ánh sáng. Nếu ngọn đèn là thể của ánh sáng, thì ánh sáng là dụng của ngọn đèn. Tuy hai tên gọi khác nhau, nhưng trên thực tế, chúng là một với nhau."


 

 

ĐOẠN BỐN

 


1- Duyên Môn đứng lên hỏi: "Đạo cứu cánh có thuộc về ai không?"

 

Nhập Lý trả lời: "Cứu cánh không thuộc về ai cả, cũng như không trung không nương tựa vào đâu; đạo mà có lệ thuộc tức là có đóng có mở, có chủ có khách vậy. "

 


 Câu hỏi của Duyên Môn khởi lên từ niềm tin về người tạo ra và vật được tạo như hai thực thể riêng biệt. Ông vẫn còn có quan niệm đối đãi về chủ thể và đối tượng. Thói quen huân tập thâm căn của chúng ta là vẽ lên những bức tranh, khắc tạc những hình ảnh để làm cho có thể gợi hình gợi cảm điều không thể nghĩ bàn được. Để xóa tận gốc thói quen thâm căn này, thiền môn nói đến tánh Không, tiếng Phạn gọi là sunyata. Không là chữ gọi cho điều gì không thể chỉ ra được vì nó không có hiện hữu liên hệ đến những thứ khác. Không có nghĩa là không có hình tướng nhất định, nhưng chính vì vậy mà có thể hiện ra trong bất cứ hình tướng nào. Như vậy có thể nói một vật là không, nhưng vẫn có hình tướng. Đó là cốt yếu của Kinh Bát Nhã: " Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc".

 


2- Duyên Môn: "Như vậy gốc của Đạo là gì? Dụng của Pháp là gì?"

 

Nhập Lý: "Gốc của Đạo là chân không, Dụng của Pháp là sum la vạn tượng (mọi hiện tượng trên thế gian)."

 

3- Duyên Môn: "Ai là người tạo tác trong đó?"

 

Nhập Lý: "Thực không ai tạo ra cả, mà là tính pháp giới tự nhiên thôi. "

 

 Duyên Môn vẫn cho rằng có một năng lực tạo hóa, một người tạo tác.


 

4- Duyên Môn: "Pháp giới không phải do nghiệp lực chúng sanh mà ra sao?"

 

Nhập Lý: "Phàm đã tạo nghiệp thì bị nghiệp ràng buộc, tự nơi mình mà ra chứ chẳng do đâu khác. Làm sao có thể thong thả mà kết thành biển, chất thành núi, an thiên lập địa được. "


 Bây giờ Duyên Môn lại nghĩ đến nghiệp lực như một định mệnh an bài áp đặt lên chúng sanh. Nhưng quan niệm về chúng sanh là chủ động hay thụ động đều không đúng. Không có một ai bị áp đặt với nghiệp lực tiền định an bài, cũng không có một ai tạo ra những động thái - cả hai quan niệm này đều lầm lẫn khi cho là có một số mệnh hay định mệnh cố định và tiền định.


 Nghiệp lực là điều không ai nghi ngờ. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể không bị nghiệp lực trói buộc nếu nhận thức được rằng nhân và quả chính là đồng nhất với nhau. Người hành động trong sự Vô Ngã đáp ứng được êm thắm trước hoàn cảnh, không nghĩ ngợi gì đến chuyện được hay mất, xấu hay tốt, không có một mưu đồ nào cả - đó cũng gọi là "định tâm trong nhân quả".


 

5- Duyên Môn: "Con nghe nói Bồ Tát do ý mà sinh thân, không phải là do lực thần thông sao?"

 

Nhập Lý: "Phàm phu có nghiệp chướng hữu lậu, thánh nhân không có nghiệp chướng (vô lậu). Điều đó tuy có hơn có khác, nhưng chưa phải là đạo tự nhiên. Cho nên kinh nói: "từ biết bao nhiêu ý sinh thân, chung quy cũng chỉ là ở nơi tâm mà ra".


 

 Nghiệp chướng (asrava trong tiếng Phạn) là do những hành động của phàm phu biểu hiện sự đam mê, ham muốn, đau khổ và buồn phiền. Chúng khởi lên bởi vì chân tánh tự nhiên đã bị khuất lấp. Tuy nhiên, dù có xa lìa được những nghiệp chướng này đến đâu, nếu còn ôm chặt lấy sự hiểu biết của mình, thì cũng chỉ là lấy vọng giác ngộ thay thế cho vọng si mê - và đó cũng chưa phải là Đạo. Người đạt đạo chân chính lìa cả si mê lẫn giác ngộ.


 

6- Duyên Môn: "Như đã nói Không là gốc của Đạo, vậy Không có phải là Phật chăng?"

 

Nhập Lý: "Như thị "(chính là như vậy).


 

 Duyên Môn lại đem một thước đo ra để định lượng về tánh không. Ông không thể nghĩ đến những gì không có giới hạn.


 Tôi hỏi bạn, Phật là gì? Giây phút si mê bị đột phá gọi là giác ngộ, nhưng bám víu vào giây phút giác ngộ ấy lại là trở về với si mê. Và tìm cách định nghĩa giác ngộ như thế này hay thế khác là vọng kiến.


 

7- Duyên Môn: "Nhưng nếu Không là Phật, sao thánh nhân không khiến mọi chúng sinh niệm Không, mà lại bảo chúng sinh niệm Phật?"

 

Nhập Lý: "Vì chúng sinh ngu si, nên mới bảo niệm Phật. Nhưng nếu đối với người có đạo tâm, tất bảo quán thực tướng của thân, cũng là quán Phật vậy. Nói thực tướng có nghĩa là nói Không, là vô tướng vậy."


 

 Niệm danh Phật có thể giúp giải trừ ý niệm về một cái ngã riêng biệt tách rời với thế giới bên ngoài. Nhưng Đức Phật được niệm danh thờ kính ấy chỉ là Đức Phật trong khái niệm và cần phải được buông bỏ để ta có thể thức tỉnh thấy được Đức Phật thực sự của mình. Một giai thoại Thiền liên quan đến vấn đề này là cuộc đối thoại giữa Thiền sư Trung Hoa Vân Môn Văn Yển (864-949) và một vị tăng. Tăng hỏi: "Giết cha giết mẹ rồi người ta còn có thể đến sám hối nơi Phật" - có nghĩa là bám víu vào thân như vật sở hữu của mình và như vậy là chấp trước nơi một cái ngã thường hằng, người ta còn có thể nương tựa nơi Phật và từ đó lập được một quyền năng mới - "nhưng giết Phật giết Tổ rồi thì sám hối nơi đâu?" Vân Môn trả lời: "Điều đó sẽ tự hiển lộ."


  Và thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (tịch năm 866) vị tổ của Tông Lâm Tế trong thiền môn, đã nói như sau: "Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ."


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng