- Đoạn một - Đoạn hai

27 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 5986)




ĐOẠN MỘT


 

1a- Đại đạo vốn không lặng, bao la mà thâm diệu, không thể lấy tâm mà hỏi, không thể lấy lời mà giải được. Nay cho là có hai người đang cùng nhau luận bàn những điều chân thực. Sư chủ tên Nhập Lý, đệ tử hiệu là Duyên Môn.


 

 Ngay từ khởi đầu đã có hai câu nói khẳng định rằng Đạo có thể là khó hiểu, và Đạo là "bao la mà thâm diệu". Điều đó có nghĩa gì? Để làm sáng tỏ điều này, ta phải hiểu thế nào là Nhân Duyên. Nhân có nghĩa là cái nguyên nhân nội tại, cái lý do đưa đến; còn Duyên là những điều kiện để làm cho Nhân hoạt động.


 Nếu điều này hơi khó hiểu, ta hãy mường tượng đến hình ảnh của một cái chuông. Khả năng có thể phát tiếng trong chuông là Nhân, còn cái gì làm cho chuông phát tiếng, như dùi trong chuông chẳng hạn, là Duyên. Chỉ khi nào chuông và dùi cùng phối hợp với nhau thì chuông mới cho ra tiếng được; có nghĩa là, làm cho một hiện tượng được hình thành, thể hiện, hay biểu lộ. Bằng cách đó tất cả những hiện tượng, không có ngoại lệ, đều được hình thành và chấm dứt. Tất cả đều tuỳ thuộc vào Nhân và Duyên để tạo thành, do đó không có gì là có một thực thể riêng biệt nào cả.


 Phải biết rằng, tất cả Nhân và Duyên đều hiện hữu trong Đại Đạo, không phải như những thực thể hiển lộ, độc lập và tiếp nối vô tận, mà không thể đo lường và vi diệu, thường xuyên biến đổi luôn luôn.


 Hai người đang nói chuyện về Đạo với nhau là sư chủ Nhập Lý và đệ tử Duyên Môn. Tên Nhập Lý gồm có hai chữ Hán, Nhập có nghĩa là đi vào, và Lý là chân lý, nguyên lý, lý lẽ, hay là sự tương hợp của mọi sự. Như thế sư chủ Nhập Lý là người đã thấy được chân lý, đã giác ngộ.


 Tên đệ tử, Duyên Môn, cũng kết hợp bởi hai chữ, trong đó Duyên có nghĩa là kết nối hay liên hệ, và Môn có nghĩa là cánh cổng. Như vậy Duyên Môn là người đang đi tìm sự giác ngộ và đã tới được cổng nhưng chưa vào được.


 

1b- Lúc bấy giờ tiên sinh Nhập Lý lặng yên không nói, bỗng Duyên Môn đứng dậy hỏi rằng:


- Cái gì gọi là tâm? Thế nào là an tâm?


Sư trả lời:


- Không cần phải lập ra tâm để cố an cho được, thế gọi là an vậy.

 


 Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ chân truyền thứ 28 ở Ấn Độ kể từ đời Đức Phật Thích Ca , và cũng là sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Trong sự truyền thừa của Thiền Tông, chánh pháp được trao truyền từ thầy qua người đệ tử nào có sự chứng ngộ sâu xa ngang bằng với vị thầy. Mục đích đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma hẳn là muốn đi tìm một người đệ tử nào có thể đem chánh pháp trao truyền được, hơn là tìm cách truyền bá và phổ biến đạo Phật.


 Khi Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ bước chân đến Trung Hoa, ngài thấy đạo Phật ở đó nặng về phần ngữ nghĩa kinh điển và không những thế lại còn cực kỳ kiểu cách và thiên về hình tướng lễ nghi. Đối lại, cách dạy đạo của ngài thật là sinh động và vượt ra ngoài lý lẽ thông thường. Pháp môn tu tập này, do Bồ Đề Đạt Ma khởi xướng, được gọi là Pháp Tông, Phật Tâm Tông, hay Thiền Tông. Pháp tu của ngài có thể được minh họa rõ nét nhất qua cuộc gặp gỡ giữa ngài và sư Đại Tổ Huệ Khả (487-593).


 Huệ Khả là học giả uyên bác, lầu thông cả kinh điển Nho giáo lẫn Phật giáo, tuy nhiên, ông vẫn không thực sự được an bình, thường hay xao động, lo lắng nơi tâm. Nghe tiếng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, ông bèn lặn lội đường xa đến gặp ngài để cầu đạo. Nhưng Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền quay mặt vào vách đá không thèm quay đầu lại. Huệ Khả không dám lên tiếng, cứ đứng im lặng đợi hết giờ này qua giờ khác. Đến ngày 8 tháng 12 tuyết bắt đầu rơi, Huệ Khả vẫn đứng yên không lay động. Sáng hôm sau tuyết đã phủ ngập đến đầu gối ông. Lúc ấy Bồ Đề Đạt Ma mới quay lại hỏi ông muốn cầu việc gì. Huệ Khả nước mắt tuôn rơi thưa rằng: "Cúi mong hòa thượng từ bi dạy cho con pháp vô thượng để được giải thoát". Bồ Đề Đạt Ma trả lời: "Đạo nhiệm mầu vô thượng của chư Phật, dù trải qua bao nhiêu kiếp tinh tấn làm những việc khó làm nổi, nhẫn những việc khó nhẫn nổi cũng còn chưa đạt được, huống chi một người kiến thức nông cạn, ý chí mông lung như ngươi lại muốn cầu được hay sao? Trong tâm còn đầy kiến chấp giải đãi thì chỉ phí công vô ích mà thôi".


 Huệ Khả, để chứng minh cho quyết tâm của mình, bèn chặt đứt một cánh tay và dâng lên Bồ Đề Đạt Ma. (Xin đừng hiểu lầm hành động của Huệ Khả như một cách tự tra tấn ghê rợn!) Chặt đứt cánh tay là biểu trưng cho sự cắt đứt tất cả những kinh nghiệm và kiến giải thiếu sót trước đây, để buông xả bản thân cho sự tiếp nhận giáo pháp của Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó Huệ Khả hỏi Bồ Đề Đạt Ma: "Bạch thầy, tâm con không an, xin chỉ cho con cách an tâm." Bồ Đề Đạt Ma đối đáp: "Đưa tâm đây ta an cho". Huệ Khả cố gắng tìm tâm, chẳng thấy tâm đâu cả, bèn thú nhận, "Tâm con không ngừng lại phút nào, nó biến chuyển không ngừng, con không thể nào nắm lấy nó được."


 Bồ Đề Đạt Ma gật đầu trả lời, "Ta đã an tâm cho ngươi rồi." Huệ Khả ngay đó ngộ được chân lý, sau được Bồ Đề Đạt Ma truyền thừa làm vị tổ thứ hai của Thiền Tông.



 Cách duy nhất để an tâm là thấy được bản chất, hay bản tánh của tâm mình. Đó là sự thấy tánh (kiến tánh theo chữ Hán, kensho theo chữ Nhật), mục đích duy nhất của sự tu tập Thiền. Trong Tuyệt Quán Luận, câu hỏi đầu tiên cũng là về vấn đề an tâm. Bồ Đề Đạt Ma chỉ nói cho Huệ Khả biết phải tìm kiếm cái gì, và Huệ Khả đã vâng lời. Ông đã không phí thì giờ hỏi những câu tầm phào về tâm, nhưng đã thấy được ngay tức khắc. Tu Thiền là trực chỉ như thế, và những thế hệ hậu duệ ở Trung Hoa gọi đó là "Trực chỉ nhân tâm, kiến thánh thành Phật". Trực chỉ là do người thầy, nhưng kiến tánh hoàn toàn là do người đệ tử. Tuy nhiên, Duyên Môn đã phải mất một lúc lâu mới nắm bắt được tâm qua những lời diễn giảng của Nhập Lý, mà không cố tự mình ngộ được. Cho nên ông hỏi hết câu này sang câu khác. Và tuy vậy ngay từ câu đầu ta đã thấy ông dường như đang cố gán tâm vào với thế giới hiện tượng của đối đãi phân biệt ; nhưng chân lý tuyệt đối không thể được sắp xếp vào bất cứ một hệ thống nào cả. Duyên Môn muốn định nghĩa và chế ngự tâm, do đó chữ "an tâm" được dùng đến thực ra là nhắm đến sự ngừng lại, và chận tâm lại nhiều hơn. Nhập Lý đã trả lời một cách nhẹ nhàng nhẫn nại. Sự vận hành tự do của tâm chính là an tâm.


 

2- Duyên Môn hỏi: "Nếu không có tâm, lấy gì học Đạo?"

 

Nhập Lý: "Đạo vượt ra ngoài suy luận của tâm, cần gì phải lấy tâm để học Đạo?"


 

 Để có thể hiểu được bản văn này, nhất là những câu trả lời của Nhập Lý, điều quan trọng là phải nhận ra được những kiến giải sai lầm trong các câu hỏi của Duyên Môn. Những câu trả lời của Nhập Lý thường có vẻ như là không trả lời trực tiếp câu hỏi của Duyên Môn. Nhưng sư Nhập Lý nắm bắt những mê vọng của Duyên Môn ngay từ tận gốc. Những câu trả lời của ông là phát xuất từ đó. Câu hỏi thứ hai của Duyên Môn cho ta thấy ông đã có sự phân biệt giữa tâm và Đạo. Câu trả lời của sư Nhập Lý cho Duyên Môn thấy rằng Đạo và tâm không phải là riêng biệt với nhau.


 

3- Duyên Môn: "Nếu không lấy tâm suy luận, vậy lấy gì để suy luận hay suy nghĩ"

 

 Nhập Lý: "Có suy nghĩ tức là có tâm, có tâm tức không phải Đạo. Không suy nghĩ là không tâm, không tâm mới thực là Đạo (Chân Đạo)."

 

 Có suy nghĩ luận bàn tức là tâm đang bị chướng ngại và ràng buộc. Không có suy nghĩ luận bàn là tâm không hay vô tâm: đó là sự vận hành tự do, không ngăn ngại của tâm. Vô tâm, hay sự vận hành tự do của tâm, bản chất đã là Đạo rồi, và Đạo tức là chân lý.


 

4- Duyên Môn:" Mọi chúng sanh thực đều có tâm chăng?"

 

Nhập Lý: "Nếu chúng sanh đều có tâm thực, tất sẽ điên đảo. Bởi từ chỗ không tâm mà lập ra tâm nên mới sinh vọng tưởng."

 


 Rõ ràng là một trong những vọng kiến thâm căn của Duyên Môn là ý niệm về một tâm thường hằng, bất biến. Đó là một trong bốn thiên kiến về hiện tượng, tiếng Nhật gọi là shitendo:


- Thiên kiến cho những gì vô thường biến đổi là thường. Đó tức là không nhận ra được mọi hiện tượng trên thế giới này đều sinh diệt biến đổi không ngừng, mà xem chúng như lâu dài và thường tồn mãi mãi.


- Thiên kiến cho đau khổ là hạnh phúc. Đó tức là bám víu vào những vọng tưởng của mình và xem hạnh phúc như sự hoàn thành những vọng tưởng đó. Tuy nhiên, như thế là không nhận ra sự thực là trong cảnh giới của sinh lão bệnh tử, cuộc đời chúng ta không tuân theo những gì ta ước muốn và không chịu sự điều khiển của ta, mà nhiều hơn là do một lực không thể nghĩ bàn nào đó chi phối.


- Thiên kiến chấp vào " ta" hay " cái ngã" trong khi sự thực các pháp đều là vô ngã, không có cái ta trong đó. Như thế là không thấy được mọi tướng đều không có cái ngã nào thường hằng, bất biến, mà cho là có một cái ngã cố hữu và thường tồn nơi tất cả các tướng.


- Thiên kiến xem tịnh như bất tịnh, và sinh tâm chấp trước, như phân biệt đẹp và xấu, không nhận ra rằng điều gì gọi là đẹp bây giờ (ví dụ một người đàn bà đẹp) qua thời gian sẽ biến đổi thành điều gì gọi là xấu. Như thế là đã mắc phải hai sai lầm: thứ nhất là phân biệt đẹp và xấu; thứ hai, hệ quả là trở thành dính mắc nơi cái đẹp và không biết rằng cái xấu chính là mặt khác của cái đẹp. Điều này đưa đến thái độ bám víu vào cái đẹp và không muốn nhìn nhận hay chối từ cái xấu.


 

5- Duyên Môn: "Vô tâm có gì trong đó chăng?"

 

Nhập Lý: "Vô tâm là không rỗng, không rỗng là thiên chân (chân lý sẵn có), thiên chân tức là đại đạo. "

 

6- Duyên Môn: "Vọng tưởng chúng sinh có gì diệt được chăng?"

 

Nhập Lý: "Nếu thấy vọng tưởng lại muốn diệt vọng tưởng thì không xa vọng tưởng được."


 

 Tâm bản lai vốn không vọng tưởng, nhưng nếu chúng ta dựng chúng lên rồi cho chúng là thật, lại muốn diệt chúng đi, thì đó chính là mê vọng.


 

7- Duyên Môn: "Nếu không diệt vọng tưởng thì có hợp đạo lý không?"

 

Nhập Lý: "Nói hợp với không hợp là đã không xa lìa vọng tưởng được rồi."

 

 Duyên Môn hỏi có thể nào hợp với Đạo không khi vẫn còn vọng tưởng - điều đó cho thấy ông vẫn còn xem vọng tưởng như là có thật.


 

8- Duyên Môn: "Vậy phải làm gì?"

 

Nhập Lý: "Chẳng làm gì cả."


 

 Chẳng làm gì cả, hay vô tác, không có nghĩa là không làm gì hết, mà là làm mọi việc với tâm không đối đãi phân biệt năng và sở - tức là làm mà không có cái ngã trong đó. Làm mà không có ý đồ, chỉ là ứng biến tự nhiên cho thích hợp với hoàn cảnh.

 



  ĐOẠN HAI


 

1- Duyên Môn lại hỏi: "Thánh nhân bỏ pháp gì, hay được pháp gì mà thành bậc thánh?"

 

Nhập Lý đáp: "Không bỏ pháp nào, không được pháp nào tức là thánh vậy."

 

 Duyên Môn có nhiều sự so đo lượng định để phân loại và phán đoán, ví dụ như sâu và cạn, phải và trái, tốt và xấu v.v.. Bây giờ ông lại muốn biết những điều đó có đúng không.


 Sư trưởng Nhập Lý trả lời rằng trong thế giới tuyệt đối cũng như hiện tượng không có gì có thể bỏ đi được, cũng không có gì có thể đắc được. Nhưng Duyên Môn, bị vướng mắc trong chấp kiến, không hiểu được. Ông vẫn còn tin tưởng rằng phàm nhân không giác ngộ được vì họ không biết thế nào là tiêu chuẩn đúng để đạt được, còn một vị thánh (hay phật), là đã đạt được tiêu chuẩn đúng đắn và cao siêu. Sư chủ Nhập Lý bác bỏ điều đó nên ông đã hỏi câu tiếp theo như sau.


 

2- Duyên Môn: "Nếu không bỏ cũng không được, vậy có gì khác với phàm phu?"

 

Nhập Lý: "Không giống, là tại sao? Vì phàm phu thẩy đều còn mong bỏ (sở đoạn), còn mong được (sở đắc)"


 

 Đặt tiêu chuẩn trên mọi sự sẽ khiến chia thành hai thành phần đối đãi: những gì muốn được và những gì muốn bỏ. Chỉ vì đánh giá theo sự so đo tính toán nên có sự phán đoán tốt và xấu. Điều khác biệt giữa phàm phu và phật không phải là có tiêu chuẩn đúng hay không mà là phật không có tiêu chuẩn.


 

3- Duyên Môn: "Nếu nói rằng phàm có sở đắc, thánh không có sở đắc, vậy được và không được (đắc và bất đắc) có gì khác nhau?"

 

Nhập Lý: "Phàm nhân còn có sở đắc, tức là còn hư vọng, còn hư vọng nên mới luận bàn giống hay không giống. Không còn hư vọng, tức không có gì khác hay không khác nữa. "

 


 Đối với Duyên Môn, được hay không được là cả một vấn đề, bởi vì ông vẫn còn chấp vào ngã tướng. Điều đó làm cho có cái nhìn đối đãi trong ngoài, thấy có ta và cái ngoài ta. Vì vọng kiến như vậy, nên thấy có người muốn được và có cái để được. Ông không nhận ra rằng tất cả mọi tướng đều chỉ là biểu hiện của một chân lý chung.


 

4- Duyên Môn: "Nếu không có gì khác, vậy cái gì lập thành thánh nhân?"

 

Nhập Lý: "Phàm phu và thánh nhân đều chỉ là tên gọi. Tên gọi vốn không có phân biệt trong đó. Cũng như thuyết lông rùa, sừng thỏ vậy (những chuyện không tưởng)."

 

 Tục ngữ Trung Hoa có câu "lông rùa, sừng thỏ" là để nói đến cái gì người ta tin là có nhưng thực ra là không có.


 

5- Duyên Môn: " Nếu nói thánh nhân cũng giống như lông rùa sừng thỏ, tức mọi sự chỉ là không huyễn, vậy người ta phải học cái gì đây?"

 

Nhập Lý: "Ta nói lông rùa là không, chứ không nói rùa là không. Ngươi thấy thí dụ đó khó hiểu ư?"


 

 Hãy cẩn thận! Bạn có thể nghĩ rằng vì không có gì để đắc được ở ngoài, vậy phải có gì đắc được ở bên trong. Nếu bạn còn nuôi dưỡng những ý tưởng như vậy, tức là đã cho con rùa có lông vậy. Tại sao? Đó là bởi vì chúng ta tu không phải để đắc được một điều gì cả, mà để nhận ra điều đã hằng có sẵn.

 


6- Duyên Môn: "Không lông ví cho cái gì? Rùa ví cho cái gì?"

 

Nhập Lý: "Rùa ví cho Đạo, lông ví cho cái ngã. Bởi thánh nhân không có ngã nên có Đạo, ngược lại phàm phu có ngã, có danh nên cũng như là chấp có lông rùa, sừng thỏ vậy."

 

 Bị vướng mắc vào danh và định kiến - có nghĩa là, bám víu vào khái niệm về một cái ngã thường hằng và bất biến - tức là không thấy được chân lý và thay vào đó là bị chế ngự bởi những kiến chấp.


 

7- Duyên Môn: "Nếu như vậy, Đạo là có, mà Ngã là không. Nếu nói Có với Không như vậy, sợ lại rơi vào kiến chấp về Có với Không chăng?"

 

Nhập Lý: "Đạo không phải là có, Ngã không phải là không. Bởi vì sao? Là vì rùa không phải là trước không có mà nay có, nên không nói là có, lông không phải là trước có mà nay không có, nên không nói là không. Đạo với Ngã cũng được hiểu như vậy thôi."


 

 Duyên Môn vẫn còn lấn cấn nơi câu trả lời trước. Cách mở đầu bằng chữ "Nếu như vậy" chứng tỏ ông không nhận ra được chân lý khi nghe tới. Tất cả những câu hỏi của ông đều xuất phát từ những quan điểm về lý đạo mà ông đã sắp xếp phân loại. Vậy nên ông cho là sư chủ Nhập Lý cũng chỉ bầy tỏ quan điểm riêng của mình về lý đạo mà thôi. Sai lầm của Duyên Môn là ông dùng lý luận để tranh cãi, coi đó như là đúng. Lấy lý luận làm tiêu chuẩn để đánh giá những câu trả lời của sư chủ Nhập Lý là ông đã bẻ cong chúng. Nhưng những câu trả lời của Nhập Lý không dựa trên lý luận, mà nói ra sự thực - bắt nguồn từ chính kinh nghiệm thực chứng của ông.


 Từ sự chấp trước trong ý niệm một cái ngã riêng tư và hằng thường mà khởi lên cái kiến chấp có và không, sinh và tử. Tuy nhiên, sự sống nguyên lai hay lý đạo là vượt ngoài có và không, theo như thế đạo và ngã không phải là điều gì trước không có mà nay có, hay trước có mà nay không. Đó là sự xa lìa có không, sanh tử vậy.


 

8- Duyên Môn: "Nói về người cầu đạo, chẳng hay chỉ có một người được đắc đạo thôi, hay mọi người đều được đắc, hay mỗi người mỗi đắc riêng biệt, hay nhiều người hợp nhau lại cùng đắc? Chẳng hay vì bản lai vốn có hay vì tu tập mà có được?"

 

Nhập Lý: "Đều không phải như vậy. Đó là bởi vì, nếu chỉ một người đắc đạo, tất đạo không phổ biến; nếu mọi người đều đắc, tất đạo không thâm sâu (hữu cùng); nếu mỗi người mỗi đắc riêng biệt, tất đạo không chung nhất (có nhiều loại); nếu hợp nhau mà đắc, tất mọi phương tiện thành không. Nếu bản lai vốn có, đâu cần tu vạn hạnh? Nếu nhờ tu tập mà thành, đó chỉ là giả tạo không thực."


 

 Nếu đạo không chung nhất, đó sẽ không phải là chân lý. Nếu mỗi người mỗi đắc riêng biệt, sẽ có nhiều loại đạo khác nhau! Và nếu đạo là thường tình khiến tất cả mọi người - có nghĩa là, bất cứ người nào, dù si mê đến đâu, cũng có thể đạt được - thì mọi phương tiện tu tập đều không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu tất cả mọi người ngay từ đầu đã có Đạo rồi, theo định nghĩa của Duyên Môn là một loại Đạo có thể định nghĩa với những giá trị có sẵn, thì dù cho có tinh tấn nỗ lực tu tập tới đâu cũng không cần thiết. Và nếu người ta có thể đắc đạo được nhờ tu tập, theo như Duyên Môn hiểu - tức là tu tập với một tâm đối đãi có chủ thể và đối tượng, có năng và sở - thì sẽ tạo ra một loại Đạo giả tạo, do sự dàn dựng, đưa đến sự cách biệt giữa con người và thiên nhiên vũ trụ, và trở thành đề tài cho sự đánh giá và phán xét.


 

9- Duyên Môn: "Như vậy, nói cho cùng (cứu cánh) là gì?"

 

Nhập Lý: "Lìa bỏ mọi tính toán, chặt đứt mọi tham dục."

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng