THIỀN - NHƯ NĂNG LỰC NGUYÊN TỬ - Diệu Huyền phóng dịch

26 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 67049)


Shojo Harada Roshi là một vị thiền sư Nhật Bản chuyên dạy cho các đệ tử người phương Tây. Ngài là một thiền sư thuộc dòng Lâm Tế, trụ trì chùa Sogenji ở Okayama, Nhật Bản, và thiền viện Tahoma tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Các thiền sinh tu học với ngài đều nói rằng khi tham thiền với ngài, họ cảm thấy như đang “ngồi trước một lò nguyên tử”. Đó cũng là kinh nghiệm và cảm tưởng của người viết bài này, cho thấy năng lực của vị thiền sư này mãnh liệt như thế nào. Sau đây là trích đoạn một số câu vấn đáp giữa ngài và Hozan Alan Senauke, được đăng trên báo Budhhadharma số mùa đông năm 2006.


Hỏi: Bạch Lão sư, xin ngài cho biết nhân duyên nào đưa ngài đến với Thiền tông?


Harada Roshi: Tôi được sinh ra từ một ngôi chùa Thiền tông ở Nara. Nhưng thực sự tôi chỉ bắt đầu tu học khi có cơ duyên gặp được thầy tôi là Lão sư Hamada Mumon. Lúc ấy tôi còn học trung học, có một hôm cha tôi sai tôi đến chùa Myoshin-ji (chùa Diệu Tâm) làm một số công việc. Đáp một chuyến xe bus trong giờ cao điểm, tôi thấy một vị sư đang ngồi đọc sách ở phía cuối xe. Trong khi đứng ở lối đi, tôi, một thanh niên trẻ lúc ấy, sống ở trong chùa từ trước tới giờ chỉ vì hoàn cảnh đặt để, bỗng cảm thấy xúc động sâu xa trước hình ảnh của vị sư ấy, trông thật yên tĩnh, lắng sâu, mà lại tỏa chiếu một năng lực tâm linh sáng ngời. Nếu so với những người chung quanh trong xe, thì họ có một vẻ gì buồn nản, như bị chĩu xuống với gánh nặng của ưu tư và phiền muộn trong cuộc đời.


Tôi quyết định chờ xem vị sư ấy sẽ xuống xe ở đâu. Ông xuống ở ngay chùa Myoshin-ji, là nơi tôi cũng đi tới. Thế là tôi đi theo ông vào chùa Reiun-in (Linh Vân Viện), một chi nhánh phụ của Myoshin-ji. Sau này tôi được biết rằng ông chính là Mumon Roshi, vị trụ trì chùa Reiun, cũng là phương trượng của tu viện Shojuku-ji ở Kobe và là viện trưởng trường đại học Hanazono, tức là trường đại học của tông Lâm Tế tại Kyoto.


Cuộc gặp gỡ này khiến tôi nhận ra sự hiểu biết của tôi về đạo Phật từ đó tới giờ là hạn hẹp như thế nào. Chưa chắc tôi đã trở thành một vị sư nếu tôi không gặp được Lão sư Yamada Mumon. Chính ông đã làm cho tôi nhận ra được phẩm chất nội tại của một người có thể tỏa chiếu ra toàn thân của họ thật rõ ràng như thế nàọ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã gia nhập vào chùa Shofuku-ji để tu học dưới trướng của lão sư Mumon. Cuộc đời của tôi ngày nay hoàn toàn là do cơ duyên được gặp gỡ với ngài đem đến.


Hỏi: Kiến tánh quan trọng như thế nào? Ngài có khuyến khích đệ tử của ngài theo chiều hướng đó không?


Harada Roshi: Dĩ nhiên. Nếu tôi không làm như vậy, thì không phải là tuân theo giáo lý của Đức Phật. Người ta thường lập nên một khái niệm về kiến tánh, tưởng tượng đó như là một hiện tượng siêu nhiên, như là có một thứ ánh sáng huyền diệu hay có một linh ảnh Phật hiện ra. Kiến tánh không phải là một khái niệm trừu tượng gì ở ngoài chúng ta. Bản chất hay nền tảng của tâm không thể nào tìm thấy ở ngoài chúng ta được. Bản chất đó, mà tất cả mọi người chúng ta đều có, là chân lý mà ai cũng có thể giác ngộ và kiểm nhận được ngay trong tâm mình; đó là một cái gì nội tại, sẽ hiển hiện khi tất cả những tích lũy trong tâm đã được quét sạch đi.


Hỏi: Có sự phân biệt nào giữa kiến tánh –trong ý nghĩa giác ngộ- và sự triển khai tính khí của cá nhân không?


Harada Roshi: Nói đến kiến tánh, không cần thiết phải đi vào những vấn đề về tính khí của cá nhân. Điều quan yếu nhất là, khi thấy thì thấy như thế nào? Khi nghe thì nghe như thế nào? Khi ngửi mùi thì ngửi như thế nào? Khi nếm vị thì nếm như thế nào? Khi xúc chạm thì xúc chạm như thế nào? Và khi suy nghĩ thì suy nghĩ như thế nào? Đó là những cái dụng của các căn thức mà tất cả chúng ta đều có.


Hỏi: Có tương quan gì không giữa tính khí lập nên do điều kiện hoàn cảnh và chân tính của con người?


Harada Roshi: Tính khí lập nên do điều kiện hoàn cảnh là tánh Phật. Nhưng có xử dụng tính khí ấy được hay không lại là cái dụng của tánh Phật.


Chúng ta phải biết rằng tánh Phật không phải là của riêng cho chúng ta; mà có liên hệ đến tất cả mọi thứ. Bởi vì ta cứ nghĩ tánh Phật đó là thuộc về ta, nên chúng ta xử dụng nó sai lầm. Vấn đề là tưởng rằng mình hiểu, nhưng lại chấp thủ vào đó và biến nó thành sở hữu của riêng mình.


Hỏi: Trong pháp ngữ của Bồ Đề Đạt Ma, một trong những lối vào đạo là qua giới luật. Kiến tánh có cần phải bao hàm chánh nghiệp để khế hợp với giới luật không?


Harada Roshi: Chúng ta phải nhớ rằng giới luật trên cơ bản là có tính cách xã hội. Giới luật không cần thiết trong ý nghĩa sơ khai. Một đứa bé sơ sinh không cần phải giới luật. Một biểu hiện của giới luật trong tầm mức cá nhân là sống một cuộc đời trong sáng, mực thước. Nhưng khi bắt đầu có tương giao với người khác, giới luật trở thành cần thiết.


Trong quyển “Nhất Tâm Giới Môn” (Isshinkaimon), được coi là những lời pháp của Bồ Đề Đạt Ma, giới luật được nói đến trong cái nhìn của một “ tự tánh linh diệu”
(jishou reimyou). Đó tức là cái bản chất tinh minh, là tâm kiến tánh. Trong bản chất tinh minh đó, không có một khởi niệm nào muốn sát sanh, trộm cắp, nói dối, hay xâm hại, và như vậy cũng không cần thiết phải có giới luật, và những hành vi tự chúng đã là khế hợp với giới luật rồi.


Trong phương diện những tương giao bình thường của con người, mười giới căn bản giúp chúng ta có được một tâm chân chánh. Khi chúng ta sống trong một lề lối si mê và tác hại, giới luật cảnh giác cho biết là qua lối sống buông lung đó ta đã lầm lạc đi theo tà kiến và tạo ác nghiệp, chưa thể thức tỉnh thấy chân tánh của mình được. Giới luật không phải là một hệ thống của “phải” và “trái”, mà là những hướng dẫn soi sáng cho thấy chúng ta phải thực sự đứng ở đâu.


Hỏi: Nếu có thể chúng ta có được một cái nhìn nào đó gần như là giác ngộ, thì chắc là vẫn còn cần đến sự cảnh giác của giới luật.


Harada Roshi: Phải. Đó là lý do tại sao ta phải nhìn giới luật theo chiều ngược lại. Để tôi giảng nghĩa như thế này. Khi hoàn toàn giác ngộ rồi, đời sống của chúng ta tự nhiên là khế hợp với chân lý. Tuy nhiên, chúng ta còn phải có những tương quan với người khác, mỗi người lại có những khuynh hướng, sở thích, cảm quan khác nhau. Những khác biệt cá nhân đó đương nhiên là đem đến những xung đột. Đây không phải là vấn đề phải và trái giữa người này và người khác. Điều quan trọng nhất là phải giữ cho có sự hòa hợp trong những quan hệ giữa người và người, giữa người và xã hội. Xã hội càng rộng lớn, càng phải có hòa hợp trong những hành động của chúng ta đối với người khác. Nếu không làm vậy, đời sống cộng đồng sẽ bị đổ vỡ.


Trên phương diện xã hội này, tâm giác ngộ giống như một tấm gương phản chiếu hoàn cảnh xung quanh và soi sáng bản chất của những hành vi qua lại giữa mình và người khác. Nhưng giác ngộ được chân tánh của mình không có nghĩa là đột nhiên chúng ta có thể gây ảnh hưởng trực tiếp được thế giới chung quanh. Điểm này chính là gốc đem đến nhiều ngộ nhận. Thức tỉnh thấy được con người thực của mình không làm cho ta có thêm năng lực đặc biệt nào. Một người giác ngộ không tự nhiên biến thành một nhạc sĩ chơi piano tài ba hay một danh họa như Picasso hoặc Mattisse. Vẽ một bức tranh, sáng tác một bản nhạc, hay viết một bài thơ làm xúc động lòng người cần phải có tài năng phối hợp với kỹ thuật, và phải được nuôi dưỡng, dùi mài qua nhiều nỗ lực rèn luyện.


Cũng vậy trong đời sống tâm linh, giác ngộ phải được triển khai qua một quá trình tu luyện, y như là những nghệ sĩ tài ba vậy. Sự tu luyện đó, ngược lại, cũng làm phong phú và sâu sắc thêm tư chất của con người. Giác ngộ tự nó không làm cho con người trở nên hoàn toàn, đúng ra là cho ta thấy chính xác hơn mình phải sống như thế nào. Khi chúng ta xử sự hàng ngày trong một tâm trong sáng, tỉnh giác, ta sẽ có ảnh hưởng, dù là rất tế nhị, đối với những người có liên hệ với chúng ta.


Liên hệ giữa giác ngộ và cách xử sự hàng ngày cũng hoạt động trong các chiều hướng khác. Khi sống khế hợp với giới luật, ta cũng sống tương cận nhiều hơn với chân tánh của mình. Như vậy, người nào giữ giới nghiêm chỉnh sẽ dần dần khai mở được tâm giác ngộ thể hiện qua giáo lý của Phật. Đó là điều tôi muốn nói đến ở trên, khi tôi bảo rằng chúng ta phải nhìn giới luật theo chiều ngược lại.


Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận để không hiểu lầm điều này. Một lối sống hoàn toàn theo giới luật tự nó không đủ để làm cho giác ngộ. Tuân theo các luật lệ một cách máy móc chỉ là một hình thức vướng mắc, nếu nó không được kèm theo những nỗ lực khai triển tâm giác ngộ. Giới luật có thể là một phương tiện hổ trợ đắc lực cho việc tu hành, nhưng bám víu vào đó lại là một chướng ngại.


Điều gọi là kiến tánh chỉ là một sự thức tỉnh thấy được tình trạng nguyên thủy trong tâm chúng ta, một sự giải thoát tuyệt đối mà chúng ta thường không biết tới, vì bị vây hãm trong những vọng niệm kiên cố của cái Ngã lập nên từ những định kiến, những chấp trước ràng buộc, và những dục vọng. Như vậy, kiến tánh không phải là điều gì ở ngoài chúng ta, đó chỉ là sự rời bỏ được những tích lũy kiên cố lâu nay và trở về với trạng thái nguyên thủy của chúng ta. Giới luật phải được dùng cho cứu cánh giác ngộ này.


Hỏi: Trong các khóa tu Tiếp Tâm ngài thường nói đến sự nhận thức và điều hòa Khí, hay nguồn năng lực, trong tất cả các phương diện của đời sống. Điều này đã thực sự giúp tôi rất nhiều. Ngài có đề ra sự phối hợp Khí và Tọa thiền như thế nào không?


Harada Roshi: Có rất nhiều cách để hàm dưỡng Khí, như trong yoga, khí công, và thái cực (tai chi). Tuy nhiên, cách lý tưởng nhất để hàm dưỡng Khí qua toàn thể thân tâm của chúng ta là Tọa Thiền. Tọa Thiền là thể nghiệm trực tiếp sự đồng nhất thể của chúng ta với vũ trụ, và qua sự thể nghiệm này mà Khí được khai triển. Điều quan trọng nhất là xem Khí như một biểu hiện chung của vũ trụ.


Chúng ta có thể nuôi dưỡng Khí trong sáng tạo, như khi chúng ta làm những công việc hàng ngày. Sự hàm dưỡng trong hành động ấy được gọi là “công phu trong Động” (dochu no kufu). Tuy nhiên, thực hành tu tập trong cuộc sống phải hoàn toàn dựa trên căn bản của một “công phu trong Tịnh” (jochu no kufu), tức là sự hàm dưỡng trong tĩnh lặng của tọa thiền. Dĩ nhiên, không có sự phân biệt căn bản nào giữa “tịnh” và “động”, nhưng nếu không thấy được cái bản chất tinh minh chung nhất của vũ trụ thì sẽ không thể ứng dụng nó trong hành động được. Điểm cơ bản trong tọa thiền là thể nghiệm con người mình không như một bản thể riêng biệt, giới hạn, mà như một bản thể của toàn vũ trụ.


Thân con người chính là trung tâm điểm của tọa thiền. Khi thiền chúng ta điều hợp thân, điều hợp hơi thở, và điều hợp tâm. Khí tràn đầy trong tấm thân vật chất của chúng ta và tăng lên trong hơi thở, tỏa rộng trong môi trường chung quanh, cho tới thấm thấu vào trong chính vũ trụ. Sự khai triển tâm đồng nhất thể này là ý nghĩa thực sự của sự “điều tâm” trong tọa thiền.


Hỏi: Chữ “Khí”, theo như ngài nói đến như vậy, có đồng nghĩa với Phật tánh chăng?


Harado Roshi: Biết được Phật tánh có nghĩa là kinh nghiệm được sự đồng nhất của trí tuệ, ý thức, và cảm giác của chúng ta với tất cả những gì hiện hữu. “Phật tánh” chỉ là một ngôn từ được dùng để diễn tả cái dụng chung của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và nhất là ý, khi thấy biết vạn pháp trong toàn thể chứ không phải là từng phần. Phật tánh là nhận ra được đời sống Phật trong mọi sinh mạng, mọi cây cỏ của thế giới vũ trụ.


Khí chính là bản chất của đời sống chúng ta. Thiếu khí, mắt ta chỉ nhìn mà không thấy được. Thiếu khí, ta chỉ nghĩ mà không hiểu được. Khí là bản chất bao trùm khiến cho mọi vật trên thế giới này có thể hiện hữu được. Và cũng từ đó mà trí tuệ được biểu hiện trong ta để giác ngộ được Phật tánh.


Hỏi: Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy bất an và nguy hiểm. Ngài thấy thế nào về những hoạt động tâm linh trong thế giới này?


Harada Roshi: Trong những khóa tu thiền tiếp tâm tại Tahoma và ở Âu Châu, tôi thấy con người trong thế giới hiện nay thật là bất an. Người ta không biết đến sự bất an ấy. Họ không nhận biết được những gì ở trong tâm của chính họ. Điều này, tôi nghĩ là một biểu hiện của sự si mê trong thế giới hiện đại ngày nay. Những người thời xưa còn giữ được một tâm biết thành kính. Bây giờ thì điều đó đã mất, và theo đó niềm tin vào tương lai cũng mất theo. Người ta không biết được xác thực những gì chính phủ của họ đang làm, và thế giới này rồi sẽ dẫn họ đi về đâu. Tình hình kinh tế cũng thật là bất trắc. Vì vậy, sự bất an và hoang mang tăng lên rất nhiều, từ tất cả mọi phương diện.


Để vượt qua sự bất an này, điều quan trọng là phải hiểu biết mọi sự một cách đúng đắn, tức là với chánh kiến. Nội tại, dĩ nhiên chúng ta không nên chấp thủ vào những định kiến; ngoại tại, cần nhất phải có được những thông tin xác thực. Một phát triển đáng khích lệ –cũng phân biệt thời đại hiện nay với những thời đại xưa- là sự phổ cập rộng rãi của các nguồn thông tin. Chính phủ chỉ là một cơ quan do con người điều khiển, nên tất yếu là phải có những lỗi lầm. Nhưng khi cố gắng hạn chế sự thông tin về những lỗi lầm đó, họ đã cố kiểm soát trên lãnh vực tinh thần. Trong những trường hợp như vậy, sự hiểu lầm và xung đột sẽ không thể tránh khỏi.


Trong thời xa xưa, thế giới này hoạt động theo từng vùng riêng biệt. Tôn giáo cũng như vậy. Những đạo lớn như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, và Ấn độ giáo đã khởi lên vì những khác biệt của từng vùng. Trong những vùng tôn giáo nào thịnh hành thì tôn giáo ấy được coi là tuyệt đối, và dân chúng được nuôi dạy theo những giáo điều tuyệt đối của tôn giáo này. Tuy rằng Phật giáo được coi như là một tôn giáo khá phóng khoáng, nhưng cũng bị giới hạn nhiều mặt qua những nền văn hóa mà trong đó đạo Phật được khai triển.
Tuy nhiên, những giới hạn đặt để lên tôn giáo từ sự phân biệt vùng trước kia đã có thể được cởi mở hơn, do sự phổ cập của nhiều nguồn thông tin và kiến thức trên thế giới hiện nay.


Hỏi: Làm sao tọa thiền có thể khiến cho người ta phân biệt được thế nào là thông tin đúng?


Harada Roshi: Tọa thiền giúp chúng ta lìa được những ý niệm về được và mất. Nếu thông tin ấy là chính xác, ta có thể dùng chúng một cách khách quan, và không có ý đồ gì cho lợi ích của riêng mình. Đó chính là giá trị của tọa thiền.


Hỏi: Như vậy tọa thiền chính là một cách để thanh lọc và kiểm soát.


Harada Roshi: Phải. Như tôi đã nói ở trên, ý niệm về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả không phải là những gì đã sinh ra với chúng ta. Chúng chỉ phát triển sau này như là hậu quả của những ảnh hưởng bên ngoài. Đức Phật không bảo chúng ta thụ đắc lấy điều gì ta chưa bao giờ có. Ngài chỉ nói với ta rằng, hãy trở về với những gì vốn đã có sẵn, từ trước khi bản chất nguyên thủy của chúng ta bị che lấp đi. Càng phát triển những thanh lọc về xã hội bên ngoài, chúng ta càng có những khí cụ hỗ trợ cho chúng ta sống và hoạt động trong khung cảnh bình thường của nền văn hóa đã nuôi dưỡng chúng ta.


Hỏi: Có một yếu tố khác của tọa thiền, là yếu tố tương hợp của mọi sự đặt trong đúng vị trí của nó. Khi ngài nói về sự tương hợp trong tọa thiền, có lẽ là ngài muốn nói đến sự tương hợp trong những vật khác ở ngoài chăng, như là cánh cửa hay là ly tách, cũng như những người khác – làm sao có được sự tương hợp ấy.


Harada Roshi: Đúng thế. Ý nghĩa của sự tương hợp này được thấm sâu qua thực tập Tọa Thiền, khiến chúng ta phát triển thêm năng lực tập trung. Cùng với sự tập trung tư tưởng là sự nhận biết vị trí xứng hợp của những gì trong môi trường chung quanh, và những gì không cân xứng. Thông thường, tâm con người ta có đầy những ý tưởng và hình ảnh phân tán. Qua tọa thiền, những tiếng lao xao nội tại này dần dần tan biến đi, nhường chỗ cho một trạng thái sáng suốt giúp chúng ta nhận diện ngay được đâu là “trung tâm điểm” của điều chúng ta đang muốn thấy. Thí dụ như, khi nhìn vào một cái phòng, ta thường để ý đến điểm quân bình trong phòng, cùng sựï liên hệ giữa những đồ đạc đối với nó như thế nào.


Hỏi: Làm sao chúng ta tìm được ý nghĩa của sự tương hợp này khi có xung đột xẩy ra?


Harada Roshi: Muốn phát triển khả năng ấy cần phải có thì giờ. Không như những vật vô tri bất động, con người ta có những thói quen và ý thích riêng biệt. Đức Thích Ca cũng có một vài sự khó khăn trong vấn đề này và đã áp dụng nhiều phương tiện khác nhau. Tỷ dụ như, trong phẩm “Hóa thành dụ” của kinh Liên Hoa, Đức Phật đã kể lại câu chuyện trong đó một biện pháp cấp thời được đưa ra, bề ngoài xem như có vẻ như giả dối, nhưng với tầm nhìn rộng lớn hơn, đã giúp đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát.




Ngữ lục của lão sư Harada:


Tọa thiền thấy Người Chủ Thực Sự


Hiện nay có nhiều người cảm thấy quốc gia họ đang bị xoay trở trong một chiều hướng mà họ bất lực không ảnh hưởng tới được. Trong tâm mỗi người đầy những nỗi bất an và bất ổn, cảm thấy càng ngày càng u ám nặng nề hơn. Người ta không thấy có một lãnh tụ nào đáng tin để có thể đem lại an bình được.


Những người thực tập tọa thiền và có học Phật pháp không nên rơi vào sự bất an này. Như lời của Thiền sư Lâm Tế, “Trong khối thịt cao hơn thước rưỡi này có một Vô Vị Chân Nhân đi ra đi vào; nếu bạn chưa thấy người ấy, phải thấy ngay bây giờ!”


Tất cả mọi người chúng ta đều có một thân xác với dòng máu đỏ luân lưu, trong đó chúng ta sống từ sáng đến tối mỗi ngày. Vô Vị Chân Nhân ở ngay tâm điểm của thân xác đó, nhưng không phải là nó, và cũng không bám víu vào nó. Có những người không màng đến danh lợi hay những kiến thức thường tình thế gian, họ vượt lên trên những ý niệm của sắc thân vật chất này về vấn đề khỏe hay không khỏe, giầu hay nghèo. Sắc thân vật chất này có được sự sống là do ở gốc rễ của tánh giác trong chúng ta, và gốc rễ đó không lệ thuộc vào sắc thân vật chất này. Tánh giác đó đi ra đi vào, xử dụng sắc thân thật phong phú, đó chính là người chủ thực sự của chúng ta.


Mọi người chúng ta thường bị chao đảo với những điều xẩy ra trên thế gian, nên đã quên lãng người chủ thực sự này. Có những người chưa gặp được người chủ đó, nhưng tất cả chúng ta ai cũng có thể biết và nhận ra được. Người chủ đó luôn luôn đi ra đi vào sắc thân của chúng ta. Khi người chủ đó hiện ra, nếu ta thấy đóa hoa, ta trở thành đóa hoa; nếu ta nghe tiếng chim hót thật tuyệt vời, ta trở thành con chim hót. Khi chúng ta quay vào bên trong, ta thấy đói, buồn ngủ, nóng, lạnh. Trong mỗi người chúng ta đều có một người chủ thực sự như thế.


Khi ta thấy dòng sông, ta chẩy không ngừng theo dòng sông. Khi ta thấy bầu trời đầy sao, ta trở thành vũ trụ. Ta trầm mình vào trong sự đau khổ của tất cả chúng sinh, vào những khốn khó của xã hội. Đó chính là Vô Vị Chân Nhân trong ta.


Để biết điều đó, chúng ta phải chứng nghiệm trực tiếp chính mình. Ta tọa thiền và tìm đủ mọi cách để đạt được điều này – đó chẳng phải là chân lý đó sao? Tâm này không có gì khác với tâm của Phật, Tổ. Lâm Tế quả đã thúc đẩy và cho chúng ta thêm nguồn năng lực.


Trong thời nhà Đường, Trung Quốc ở trong tình trạng thật điêu linh, với bao nhiêu cuộc nội chiến tương tàn. Lúc đó, Thiền sư Thụy Nham (Zuigan) đang thực tập tọa thiền. Ông tự nói với mình: “Ông chủ thực ơi!” “Có tôi đây!” “Ông có tỉnh không ?” “Có!” “Đừng bị người ta mê hoặc nhé” “Vâng, vâng!” Ông tự cho mình công án này, lặp đi lặp lại lớn tiếng thật nhiều lần. Bên ngoài nhìn vào, sẽ thấy như ông có vẻ khùng điên, nhưng bên trong, nếu chúng ta không bị mê hoặc bởi chính mình, ta sẽ có thể học được nhiều từ đại sư Thụy Nham. “Ông chủ thực sự!” khi chúng ta còn chưa biết ông chủ thực sự của mình ở đâu, ta vẫn còn là nô lệ. Câu hỏi “Ông có tỉnh không ?”“Ông có tỉnh không?” “Đừng bị người ta mê hoặc nhé!”


Tôi kêu gọi các hành giả đang tọa thiền hiện nay, hãy đừng bị lôi cuốn bởi những biến cố xẩy ra trên thế giới. Chúng ta không nên chao đảo, mà phải làm sao thấy, nghe, và sờ trực tiếp được sự thực. Hãy tích cực hoạt động, thấy rõ điều gì cần phải làm, và với dũng khí và lòng can đảm, tinh tấn chuyên cần tiếp tục tiến lên. Mỗi người chúng ta đều có sẵn chân lý này từ khi mới sinh ra. Ta phải nhận ra được chân lý đó và sống thực với nó mỗi ngày trong tọa thiền, và trong những hoạt động tinh chuyên. Hãy nuôi dưỡng niềm tin này với một năng lực rộng lớn và đem sự bình an lại cho tất cả mọi người chung quanh ta. Hãy tọa thiền như vậy.



Diệu Huyền
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc