MA VÀ PHẬT - Ngọc Bảo

02 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 34203)


marabuddha-content



Ma và Phật

 


 Các tôn giáo thường nói đến sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác . Hai bên là hai thực thể riêng biệt đối lập và luôn tìm cách diệt trừ nhau. Trong đạo Phật có một câu nói bất hủ như sau:


 Đạo cao nhất xích

 Ma cao nhất trượng

 Đạo cao nhất trượng

 Ma tại đầu trượng

 Đạo quá đầu trượng

 Ma nhượng đầu sư

 

 Có nghĩa là:


 Đạo cao một thước

 Ma cao một trượng

 Đạo cao một trượng

 Ma cao hơn trượng

 Đạo cao hơn trượng

 Ma đành chịu thua

 


 Bài kệ này gợi lên một hình ảnh khá ngồ ngộ, tựa như một trò chơi điện tử trong đó có hai bên đang đánh nhau bất phân thắng bại - nhưng rốt cuộc phần thắng vẫn là Đạo, hay cũng gọi là Phật, tượng trưng cho cái Thiện.

 

 Thiện ác của một số tôn giáo thường được định nghĩa theo quan điểm giáo điều, đưa đến sự xung đột không ngừng không những giữa con người, mà còn giữa các tập thể tôn giáo, quốc gia khác nhau. Nhưng trong đạo Phật, Thiện và Ác, qua biểu tượng của Phật và Ma, tuy đối chọi với nhau nhưng không phải là hai thực thể khác nhau, mà chính là một - vì tất cả đều phát xuất từ tâm mà ra. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa Phật với ma chủ yếu là sự hàng phục ma vương, chứ không phải là tiêu diệt.


 

 Mỗi năm vào cuối tháng 10, ở Mỹ có ngày lễ Halloween (lễ Ma Quỷ) trong đó trẻ con (và cả người lớn) hóa trang đủ sắc thái, trong đó có rất nhiều hình dạng ma quỷ trông thật rùng rợn đi đầy đường, gõ cửa từng nhà xin kẹo, hô to "Treat or trick!" (cho kẹo không thì bị phá!). Đó là ý niệm về ma quỷ như những quái vật dị dạng không có nhân tính. Nhưng đối với người theo đạo Phật, đó cũng chỉ là những chúng sinh đau khổ trong vòng lục đạo luân hồi. Tuy rằng Ma đối chọi với Phật, nhưng cũng có thể nói Ma là những gì làm loạn tâm, gây chướng ngại phiền não, đưa người vào chỗ u mê, đối lại với Phật là sự hoan hỷ thanh tịnh, thấy biết quang minh, tự tại giải thoát. 


 

 Nếu cứ là một người bình phàm trôi nổi theo dòng nước thế gian của tử sinh, buồn vui khóc cười theo những cơn gió của được mất hơn thua, sướng khổ vinh nhục, những ảo ảnh lôi cuốn trong những lạc thú tạm thời để rồi đưa đến đau khổ về sau, thì ít khi thấy ma xuất hiện, vì chính mình đã đang đi về nơi chốn của ma. Nhưng nếu muốn thoát ly, tìm cách tu sửa tự thân để đi theo con đường của Phật, con đường chân lý đưa đến tự tại giải thoát, thì bỗng thấy bao nhiêu là chướng ngại, đôi khi làm nản lòng thoái chí. Điều đó không có gì là nghịch lý, vì từ bao lâu nay chúng ta sống trong những thói quen, bị ảnh hưởng bởi những tập khí sâu dầy, giờ đây muốn chuyển hóa qua một nếp sống mới, tất nhiên sẽ có những xung đột nội tâm và những cản lực chống lại. Một cách giải thích khác là khi chúng ta bắt đầu thanh tịnh hóa thân tâm, thì những ác nghiệp tồn đọng sẽ xuất hiện như một cơn sóng lớn để cuốn đi những nợ nần cũ.

 

 Thật ra, khi bắt đầu nhận ra những chướng ngại nơi mình đã là một bước tiến không nhỏ, bởi vì chúng ta thường sống trong tháp ngà của lòng ái ngã, luôn tự hào về con người của mình, ít khi nhận thấy những khuyết điểm hay chướng ngại của chính mình. Nhiều khi, chính những chướng ngại gặp phải lại là một cơ duyên cho chúng ta thức tỉnh để rèn luyện bản thân cho mạnh mẽ hơn. còn nếu lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió thì sẽ dễ dàng ngủ quên trong sự coi thường và tự mãn. Cuộc hành trình giác ngộ là một tiến trình quay về phản chiếu chính bản thân mình, khai phát tính giác ở dưới đáy những thấy biết cảm quan để nhận diện thực tướng của mọi sự. "Soi chiếu ngũ uẩn thấy thực tánh đều không", đó chính là trí Bát Nhã đưa người từ bờ mê sang bến giác. Trong quyển tự truyện, vị thiền sư nổi tiếng của Nhật Bản Soko Morinaga đã nói rằng: "Cuộc đời tu của tôi chỉ là một chuỗi nhận thức những tư tưởng sai lầm trước đây và là một tiến trình thấy biết cái ngu của mình".

 


 Cái gì làm nhiễu loạn con người? Tùy theo tập khí, nghiệp lực, mỗi người đều phải đối phó những chướng ngại riêng, không kể xiết được, nhưng theo trong kinh, căn bản là có ba loại chướng ngại và bốn loại ma làm tổn hại công đức người tu nhiều nhất. Đó là ba chướng (phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng) và bốn ma (ngũ ấm ma, phiền não ma, tử ma, thiên tử ma hay quỷ thần).


 

 Nói về ba chướng, đó cũng là một tiến trình của nghiệp và nhân quả:

1- Phiền não chướng: là phiền não bắt nguồn từ căn bản tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tham sân si còn được gọi là "tam độc" gây ra những hậu quả khôn lường nơi tâm và thân. Từ cội gốc ấy nẩy sinh ra vô số những trạng thái tâm lý khác gây phiền não với nhiều mức độ khác nhau (tùy phiền não) như bất tín, phóng dật, tán loạn, giải đãi, xung động (trạo cử), hôn trầm, bất chánh tri (không biết phân biệt phải trái), vô tàm vô quý (không biết xấu hổ và sám hối), phẫn hận, sầu não, xiểm hại, kiêu v.v...


2- Nghiệp chướng: từ ý nghiệp phát sinh thân nghiệp và khẩu nghiệp và cứ thế luân chuyển trong nghiệp. Nghiệp lực cuốn hút con người vào những tạo tác nhân quả, suy nghĩ, nói năng, hành động như trong cơn mê, làm những điều gây tổn hại cho chính mình và tha nhân mà không biết hay không cưỡng lại được. Công đức tu hành hay đạo hạnh của một người tu chỉ trong phút chốc có thể tan thành mây khói, cũng chỉ vì nghiệp chướng gây ra.


3- Báo chướng: Nghiệp đời này đem quả báo đến trong đời sau hay trong chính hiện kiếp, khiến con người phải chịu nhiều điều bất hạnh hay nghịch cảnh, những trở ngại trong cuộc đời, tất cả đều do báo chướng mà ra.


 

 Nói về ma, âm tiếng Phạn gọi là Ma La, nước Tần dịch là Sát Giả, vì nó đoạt công đức và giết huệ mạng của người tu. Đối với phàm phu chúng ta thì lấy sắc và tâm làm mạng căn, còn chư Phật thì lấy trí tuệ Phật làm mạng căn. Việc của ác ma và việc của Phật là đối chọi nhau. Việc của Phật là lục độ vạn hạnh, rộng độ chúng sanh, chuyển mê thành ngộ, giải thoát phiền não. Còn Ma vương thì ngược lại, lấy việc phá hoại căn lành khiến chúng sanh phải mãi luân chuyển trong sinh tử làm sự nghiệp. Bởi vậy vô lượng chúng sanh còn chìm đắm trong bể khổ đều là dân của Ma vương. Nếu có ai muốn thoát ly sinh tử, tu hành thanh tịnh thì quyền lực của ma bị đe doạ, nên ma đến nhiễu loạn. Đức Phật xưa kia ngồi thiền 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, đến khi giác ngộ viên mãn, nhập Đại quang minh tạng thấu đạt tất cả các pháp thì Ma vương liền tìm đủ mọi cách để phá hoại, nhưng sau đó cũng bị ngài hàng phục. Vì vậy trong con đường tu đến giác ngộ, hàng ma cũng là một chặng phải vượt qua mới thành tựu đạo quả.


 

 Ma có bốn loại:


1- Phiền não ma: là nội ma hay ma trong tâm. Phiền não ma cũng như phiền não chướng, khởi từ gốc rễ là tham sân si mạn nghi ác kiến, làm cho tâm chúng ta bị xung động bất an, việc tu hành gặp nhiều cản trở khó thành tựu.


2- Ấm ma: tức năm uẩn hay năm ấm. Ấm là che lấp, uẩn là tích tụ. Ngũ ấm với sắc, thọ, tưởng, hành thức là năm tập hợp tích tụ, che lấp tuệ mạng của chúng ta. Vì sự chấp thân, chấp ngũ uẩn là thật, nên ta thường bị lôi cuốn theo ngũ dục, tìm cách thỏa mãn dục vọng, gây tạo đủ mọi nghiệp để rồi chịu khổ, không ra khỏi được vòng luân hồi sinh tử. Có thân là có khổ, từ đó sinh ra những chướng ngại cản trở đường tu, nên ngũ uẩn cũng được gọi là ma.


3- Tử ma: Có sinh là có tử - mạng sống con người chỉ trong hơi thở, có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Cái chết đến khiến mọi sự đều chấm dứt - tứ đại tan rã, thân mất, tuệ mạng cũng không còn, tất cả đều gián đoạn để chuyển qua những nhân duyên mới không biết đi về đâu. Chướng ngại đó gọi là tử ma.


4- Quỷ thần ma (hay thiên ma): Thiên ma chỉ cho ma vương Ba Tuần ở trên đỉnh tầng trời thứ 6 là Tha Hóa Tự Tại Thiên, tức cõi trời Dục giới. Thiên ma cai quản các cõi dục nên khi có ai tu hành thanh tịnh tới chỗ có định lực thì quyền lực của thiên ma bị rung động. Vì vậy, thiên ma thường đến quấy nhiễu những vị tu hành chân chính, tìm cách làm cho họ bị loạn tâm, thối chí, xa rời chánh đạo để rồi làm những điều không tốt, nhận lãnh hậu quả xấu về sau. 

 


 Trong bốn loại ma, ba loại ma trên là việc thường và do tâm con người sinh ra, chỉ cần nhất tâm tọa thiền dùng sự tỉnh giác và chánh niệm soi chiếu, thấy mọi sự là hư huyễn, sinh tử là giấc mộng, thì có thể hàng phục được ma. Riêng loại ma quỷ thần có năng lực siêu nhiên rất khó chế phục, có thể biến ra đủ mọi loại hình tướng, hiện những cảnh sắc đắm nhiễm, khiến con người dễ bị khuynh đảo. Muốn đối trị ma này cần phải dùng cả tự lực của thiền định lẫn tha lực của chú và niệm Phật. Đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai bị ma vương quấy phá biến thành cha mẹ quyến thuộc đến khuyến dụ, nhưng sư biết là ma, thấy rõ tướng huyễn hóa, giữ tâm rỗng lặng, ma liền biến mất. 


 

 Chỉ Quán Tọa Thiền của đại sư Trí Giả nói về ma như sau:


 Hoặc phát ra các âm thanh tốt xấu, các loại mùi thơm thúi, các vị ngon dở, các cảnh giới khổ vui đến tác động vào thân người đều là ma sự, hình tướng của chúng rất nhiều nay không nói hết, tóm lại, nếu tạo các loại ngũ trần làm não loạn người, làm mất pháp lành, sinh các phiền não thì đều là ma quân; vì phá hoại pháp bình đẳng của Phật, khiến sinh các sự chướng ngại về đạo pháp, như tham dục, ưu sầu, sân nhuế, ngủ nghỉ... như kệ trong kinh nói:

 

 "Dục, ma quân thứ nhất

 Ưu sầu là thứ hai

 Đói khát quân thứ ba

 Khát ái là thứ tư

 Ngủ nghỉ quân thứ năm

 Sợ hãi là thứ sáu

 Nghi hối quân thứ bẩy

 Sân nhuế là thứ tám

 Lợi dưỡng hư là chín

 Tự cao khinh người mười

 Chúng quân như thế đó

 Nhận chìm người xuất gia

 Ta dùng trí lực thiền

 Phá quân này của ngươi

 Được thành Phật đạo rồi

 Độ thoát cho mọi người."

 


 Xem như thế, ta thấy phần lớn chúng ta đều sống trong cảnh giới của ma, cảnh giới của sinh tử, ngũ dục, phiền não, tàn hoại. Nhưng cảnh giới của Phật cũng có sẵn nơi chúng ta. Khi tâm ở trạng thái rỗng lặng thanh tịnh, không vướng mắc nơi niệm khởi là ta đang ở trong cảnh giới của Phật. Muốn xa lìa cảnh giới của ma, phải nhất tâm tu tập tọa thiền, thấy rõ thực tướng Không trong mọi tướng, biết tất cả do vọng tưởng dựng lên đều là hư ảo, huyễn hóa không thật, nên lúc ấy tâm như như bất động, thấy Phật không theo, thấy ma cũng chẳng sợ, vì vậy trong nhà Thiền thường nói "gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma".


 

 Chúng ta thường nghe nói đến "kính chiếu yêu" để trừ tà. Thuật phong thủy dùng gương treo nơi cửa hay ở một vài nơi trong nhà, tin rằng sẽ đuổi được tà ma, bởi vì ma quỷ rất sợ gương chiếu vào thấy hình tướng thật của chúng. Chúng ta những người theo Phật có thể dùng kính chiếu yêu là Trí Tuệ để soi chiếu nội và ngoại ma. Nội ma tiêu trừ, thì ngoại ma cũng bị hàng phục. Một thành trì vững chắc đến đâu, mà có nội ứng ở trong thì kẻ địch ở ngoài sẽ xâm nhập vào được. Như chuyện ngài Ngộ Đạt là một bậc đại sư đạo cao đức trọng, tu hành đến mười đời, mà chỉ trong một phút khởi tâm ngã mạn khi thấy được vua tôn kính, hồn ma của Triệu Thố liền xâm nhập vào để báo ứng phục thù cho mối hận năm xưa. 


 

 Đức Phật nói: "Chiến thắng trăm trận với kẻ địch không bằng chiến thắng chính mình." Khi gặp những điều trái ý nghịch lòng, hãy tự xét lại những ý nghĩ, nói năng và hành động đã làm, trước khi trách trời trách đất hay trách người. Tất cả những gì đến và đi đều do nhân duyên, nhân quả, không phải tự nhiên hay ngẫu nhiên được. Có tạo tác mới có nhân quả, còn không tạo tác thì nhân quả không kết thành được. Nếu không tìm thấy lỗi mình, thì cũng theo "Báo oán hạnh" như Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói mà chấp nhận nghịch cảnh, bởi vì "Tuy không làm điều gì xấu, nhưng cũng bị báo ứng bởi những điều ác trong quá khứ. Không trời người nào thấy trước được khi nào đến lúc phải trả quả cho một nghiệp ác." Cũng có câu rằng: "Kẻ thù lớn nhất của ta chính là ta". Nội ma của sân si ngã mạn đã che mắt không cho ta thấy những khuyết điểm của mình, mà chỉ thấy khuyết điểm của người khác. Nếu không dùng kính chiếu yêu soi sáng chính mình, làm sao thấy kẻ thù lớn nhất chính là mình được?

 


 Tuy nhiên, mặc dù ta chính là kẻ thù của mình, nhưng cũng chỉ có ta mới cứu được mình. "Nhất thiết do tâm tạo", Ma và Phật đều có sẵn nơi ta, nếu tâm ta hướng về đâu thì sẽ ở trong cảnh giới của nơi ấy. Sống trên đời không phải là dễ, có rất nhiều lúc ta cảm thấy chán nản, lo lắng, buồn phiền với những gì đang xẩy ra. Lúc ấy hãy nhớ rằng Phật bao giờ cũng là nơi an trú vững chắc nhất cho chúng ta, ở bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào. Tâm nguyện hướng về Phật sẽ đưa chúng ta vượt qua mọi quãng đường chông gai tưởng chừng như không qua khỏi. Quy y là trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng, cũng là trở về nương tự nơi chính mình. Đã biết nơi chốn để trở về, sao ta còn mải tiếp tục lang thang như đám lục bình trôi nổi dật dờ từ kiếp này sang kiếp khác, theo sự điều khiển đầy tinh xảo của ma vương?

 


Ngọc Bảo


Tháng 7, mùa hè 2014

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật