PHÁP PHẬT Ở ĐÂU- Ngọc Bảo

17 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 93188)


Cách đây không lâu , tôi tình cờ được xem một cuốn phim tài liệu trên đài địa phương ở Orange County. Người làm cuốn phim này là Suzuki, một khoa học gia người Mỹ gốc Nhật. Cuốn phim nói về đời sống của các sinh vật, kể cả con người, trong trái đất của chúng ta. Mở đầu là cảnh một thương xá lớn (shopping mall) ở Mỹ, với những cửa hàng lộng lẫy bầy biện đẹp mắt và người đi lại tấp nập. Nhưng ngay giữa khung cảnh náo nhiệt và bận rộn đó, nổi bật lên một hình ảnh lạ thường, đó là những vị lạt ma Tây Tạng đang quây thành một vòng ngồi thiền và thổi những hạt cát nhiều mầu sặc sỡ làm một tấm thảm mạn đà la. Các vị lạt ma nét mặt bình thản, cử chỉ chậm rãi và chăm chú, như không dính mắc gì đến quang cảnh chung quanh, với hàng người hiếu kỳ chen chúc đứng bao quanh theo rõi.


Cuốn phim sau đó chuyển sang cảnh của một đầm lầy, với ống kính phóng to những sinh vật đủ giống loại sống trong nước, một thế giới khác hẳn với thế giới chúng ta đang sống, nhưng không kém phần náo nhiệt và sống động. Ông Suzuki sau đó đi sâu vào đời sống của các loại sinh vật, và tìm hiểu tiến trình tiến hóa của các giống loài. Từ những công trình nghiên cứu về genes cho thấy các loài sinh vật có khả năng tự đào thải và biến giống tùy theo điều kiện môi trường sống, cuốn phim đi vào đời sống của con người như một chúng sinh cộng tồn nơi trái đất này. Người xem đã được đưa đi khắp năm châu bốn bể, từ những đô thị hiện đại trên thế giới với tất cả khía cạnh của đời sống con người, cho đến các vùng thôn quê, những bộ lạc hẻo lánh nơi núi rừng, và rồi lại đưa chúng ta lên không gian qua phi thuyền con thoi, với cuộc phỏng vấn một nữ phi hành gia về những cảm nghĩ của cô ở ngoài quỹ đạo nhìn xuống địa cầu bé nhỏ ở dưới, cho thấy một cái nhìn bao quát về con người như một phần tử trong vũ trụ.


Thế giới này tuy thật bao la nhưng cũng thật chặt chẽ, tất cả mọi vật đều liên hệ với nhau, tác động qua lại làm thành một bức tranh sống động muôn mầu muôn vẻï. Làm sao một cánh rừng già ở phía Tây Canada lại tươi tốt nhờ những con cá hồi (salmon)? Thế nhưng, mực nước dâng cao đã đưa những con cá hồi vào đầy trong lạch suối của cánh rừng già, khiến những con gấu xuống bắt cá đem lên rừng ăn rồi vứt đầy dưới đất. Những con cá hồi nằm la liệt, phơi thây bên những gốc cây đã đem lại một nguồn dinh dưỡng lớn lao cho các cây cỏ và sinh vật của cánh rừng già ấy. Như thế, cái nọ đã sinh ra cái kia, kết hợp hài hòa cho sự sinh tồn của muôn loài, như trong câu nói: “Trời sinh voi sinh cỏ” của Việt Nam.. Trong vũ trụ bao la với bao nhiêu thiên thể này, làm sao trái đất của chúng ta có làn khí quyển nuôi dưỡng, khiến cho có những cảnh sắc xinh tươi, những sinh vật sống động, trong khi các nơi khác chỉ là những hành tinh chết? Câu hỏi này đã đưa đến một câu hỏi khác sâu xa hơn là, cái gì đã xếp đặt thế giới vũ trụ này như vậy? Các tôn giáo thường đưa ra câu trả lời về một đấng Thượng Đế toàn năng nào đó, nhưng cho tới nay đó vẫn chưa phải là một câu trả lời thỏa đáng.


Xét theo khoa học, mọi sự kết thành do những yếu tố và điều kiện thích hợp phối kết với nhau. Điều này cũng giống như theo đạo Phật, chủ trương mọi sự do nhân duyên mà thành, và luôn luôn biến hóa, thay đổi theo những điều kiện mới. Con người từ khởi thủy cũng đã trải qua bao nhiêu sự tiến hóa, thay đổi từ hình dáng cho đến nội dung theo sự thay đổi của môi trường sống, nên không hiện hữu như một thực thể riêng biệt, mà hiện hữu trong tương quan mật thiết với vũ trụ, từ vũ trụ sinh ra và rồi lại trở về với vũ trụ. Những yếu tố có trong vũ trụ cũng có trong con người, những quy luật chi phối vũ trụ cũng chi phối con người. Có thể nói, con người đồng với vũ trụ và vũ trụ đồng với con người.


Sau đó, ông Suzuki đưa ra những nghiên cứu về các tập thể , tập hợp tự nhiên, không có những quy ước áp đặt của hầu hết các cộng đồng xã hội con người, như tập thể của một vài bộ lạc hoang dã, hay những cộng đồng của các sinh vật khác như con kiến, cho đến các tập hợp của những tinh tú, thiên thể, và đưa ra kết luận là trong cái dường như vô trật tự ban đầu của tập thể ấy đã nẩy sinh ra một trật tự nào đó. Trật tự ấy chẳng phải là do một lực nào bên ngoài hay do ai xếp đặt nên, mà do những yếu tố nội tại lập thành, tùy theo môi trường chung quanh. Nói cách khác, nếu để tự nhiên thì mọi sự sẽ tự đi theo một quy trình nào đó thích hợp cho sự sinh hoạt và tồn tại của chính mình.


Cuốn phim kết thúc với cảnh thương xá lúc đầu, như một vòng tròn quay trở về khởi điểm, với những vị lạt ma đang làm lễ phá mạn đà la; các ngài đi vòng qua lần cuối tấm thảm cát vẽ cảnh Tịnh Độ huy hoàng của Đức Phật A Di Đà, những hình ảnh đầy mầu sắc nghệ thuật được tạo nên bằng bao nhiêu công phu trong phút chốc bỗng bị xóa sạch, những hạt cát đủ mầu quyện lẫn vào nhau, làm thành một mầu hỗn hợp không tên. Đó chính là hình ảnh của sự vô thường, vô ngã trong thế giới chúng ta đang sống.


Cuốn phim này không nói gì về Pháp Phật, nhưng từ đầu đến cuối vẫn mênh mang, bàng bạc hương vị của Pháp Phật trong đó. Tất cả những gì cuốn phim nói lên đều đã được Đức Phật nói tới. Điều đó có nghĩa Pháp Phật không phải là cái gì cao siêu vời vợi do Đức Phật đặt ra, mà chính là những sự thực hiển nhiên vốn có sẵn trong đời sống chúng ta.


Trong đạo Phật, chữ “Dharma” (Pháp) có nghĩa rộng lớn, bao gồm tất cả những hiện tượng, từ nhỏ cho đến lớn, đều được gọi là pháp (vạn pháp), và Pháp cũng chính là giáo lý Đức Phật giảng nói để hướng dẫn chúng ta đến chân lý. Như vậy, có thể nói, Pháp Phật chính là nói về vạn pháp, và Pháp Phật cũng là vạn pháp. Chân lý vốn không có tên, và cũng không thuộc về ai cả, nhưng vì chúng ta sống trong vô minh, có mắt như mù, nên những lời chỉ giáo của Đức Phật cho chúng ta biết đến chân lý được gọi là Pháp Phật.


Nếu so sánh với khoa học, Pháp Phật có nhiều điểm tương đồng, nhưng bao la hơn khoa học, vì khoa học chỉ nghiên cứu về các hiện tượng, nhưng Pháp Phật đi sâu vào chân lý nơi các hiện tượng. Và hiện tượng trên hết và trước nhất mà đạo Phật nói đến là hiện tượng con người, trong sự kết hợp của thân và tâm. Con người là một vũ trụ thu nhỏ, có cùng một bản chất với vạn pháp, nên chỉ cần biết rõ sự thực của chính mình, cũng có thể hiểu được chân lý của vạn pháp.


Tất cả các pháp (kể cả con người) thường được thể hiện và nhận biết đến qua Hình Tướng hay hiện tượng. Với sáu căn của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng ta thường bị lôi cuốn bởi những hiện tượng hay hình tướng bên ngoài, vì đó là những gì có trước mắt chúng ta. Nhưng Kinh Kim Cang nói: “Mọi hình tướng đều là hư vọng.”


Sở dĩ như vậy vì mọi hình tướng là do nhân duyên mà thành, nên cũng theo nhân duyên mà hoại theo tiến trình “Thành, Trụ, Hoại, Không”, hay “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, sự tồn tại không cố định nên có tính cách giả tạm, huyễn ảo. Cuôc đời con người có khác gì giấc mộng, thân và tâm chúng ta mỗi ngày qua đi mỗi đổi khác, chẳng có gì là thường tồn. Như vậy, có nên phủ nhận tất cả các hiện tượng là không có chăng?


Xét tiến trình của một hiện tượng, tất cả những gì khởi lên đều bắt đầu từ một nền tảng “Không” bao la, và khi hiện tượng chấm dứt thì lại trở về với Không. Nhưng trong lúc hiện tượng đang có thì phải chăng hiện tượng đã thay thế cho cái Không ấy? Thực ra, “Không” là gốc của hiện tượng, nên vẫn thường trú từ trước, sau và đang khi có hiện tượng. Không là bản chất thường hằng, là tánh của mọi pháp. Tánh Không là bản chất nền tảng của hình tướng, và hình tướng thể hiện cho tánh Không, cho nên Tánh và Tướng là hai thực thể của một hiện tượng, không lìa nhau, không loại bỏ lẫn nhau.


Tuy nhiên, từ chỗ hiểu được lý Không đến chỗ ứng dụng vào thực tế trăm sự đa đoan trước mắt không phải là dễ. Chúng ta sống trong thân ngũ uẩn, bị chi phối bởi sáu căn và sáu trần, thật khó mà nhận ra được tánh Không nơi mình. Từ khi mới sanh, qua những tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chúng ta đã sớm lập nên một Bản Ngã, thấy mình là một thực thể riêng biệt, độc lập và đặc thù đối với thế giới bên ngoài. Muốn nhìn xuyên qua được Bản Ngã sâu dầy đó, cần phải công phu thiền định, xoay trở về Tâm, soi chiếu vọng niệm để thấy tính ảo của tâm, soi chiếu căn trần để thấy tánh vô thường của căn trần, từ đó phát sinh cái thấy biết đúng thực không phân biệt đối đãi, nhận ra được cái Không trong cái Có, cái thường trong cái vô thường.


Khi đã ngộ nhập bản chất tính Không thì không còn bị vướng mắc nơi hình tướng, nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận hình tướng, cho nên mới có câu: “Tướng (Phật) chẳng phải Tướng (Phật), ấy gọi là Tướng (Phật).” Đó chính là cái nhìn toàn diện thấy biết sự hiện hữu đồng thời của Tánh và Tướng, thấy rõ thực tướng của hiện tượng là vô tướng, nhưng cái vô tướng ấy lại được biểu lộ qua cái hình tướng bên ngoài. Điều đó không thể dùng lý luận đối đãi ra biện giải, mà chỉ được hiểu là Như Như.


Khi đã thể nghiệm được tánh Không ngay nơi chính mình, mọi ảo tưởng về một cái Ngã đều tan biến, cái thấy biết lúc ấy không còn có sự phân biệt ta với người, trong và ngoài, kẻ cho và người nhận v.v... Đó là cái thấy biết bình đẳng, xem tất cả mọi pháp đều cùng một thể tánh Không như nhau, và nhận biết rõ ràng đâu là những gì hư hay thực. Cái thấy biết quang minh đó là cái thấy biết bao la của trí tuệ Bát Nhã, không phải là ý thức phàm phu của sáu căn chạy theo sáu trần. Cho nên bậc giác ngộ “thấy mà không thấy, nghe mà không nghe, nói mà không nói, làm mà không làm”, tâm không trụ nên không dính mắc , không chấp trước, ngoài thì sống tùy duyên như nước chẩy mây trôi, trong thì như như bất động, an cái thường ngay nơi cái vô thường, cái không sanh diệt ngay nơi cái sanh diệt, đó là sống trong cảnh mà vẫn lìa được cảnh, ở trong nghiệp mà vẫn lìa được nghiệp vậy.


Khi đã thấy Ngã là không, và bản chất của vạn pháp cũng là không, thì không thấy có ai đã giác ngộ, cũng không thấy có gì để được, và không có gì để mất. Vì không thấy có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, nên không thấy có người đắc Pháp, cũng không thấy Pháp nào để được, đó gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.


Pháp Phật tuy bao la, nhưng thực ra không có gì vốn được định sẵn là Pháp Phật. Cũng tựa như cái bè, tự nó không phải là pháp, nhưng nếu nó đưa người qua sông được thì đó gọi là pháp; hoặc như một loại thảo mộc, tự nó không phải là thuốc, nhưng khi dùng để chữa bệnh thì đó trở thành thuốc. Cho nên Pháp tự nó không phải là Pháp, chỉ trở thành Pháp khi nào được Tâm nhận biết đến và nương tựa vào đó. Tính của Pháp vốn Không, nếu chấp Pháp có thật thì sẽ bị trói buộc trong cái kiến chấp đó. Đạo Như Thị vốn không có tên, không thể dùng lời nói mà diễn giải được, nếu đem ra đặt tên, lập ranh giới thì Đạo vốn giải thoát biến thành Đạo ràng buộc. Cho nên, để phá bỏ kiến chấp, Đức Phật đã nói rằng: “Như Lai chẳng có pháp chi mà được Chánh Đẳng Chánh Giác.”


Tổ Hoàng Bá đã nói như sau:


“Trực ngộ ngay cái tâm bổn nhiên là Phật, không có một pháp nào có thể chứng đắc được, không có một hạnh nào có thể tu tập được, đó mới là Đạo Vô Thượng, đó mới là Phật Vô Thượng.


Người học Đạo hễ có một niệm vọng tâm là xa cách với Đạo, đấy là điều tối kỵ. Hết thẩy mọi niệm đều vô tướng, mọi niệm đều vô vi, tức là Phật. Nếu muốn thành Phật thì hết thẩy Phật pháp đâu không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt. Không sinh không diệt là Phật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não, đấy chỉ là pháp môn giáo hóa tiếp dẫn. Vốn không có pháp nào, sự lìa bỏ chính là pháp, người biết lìa bỏ chính là Phật. chỉ cần lìa bỏ mọi phiền não thì không còn pháp gì để chứng đắc cả.”


Những lúc đối diện Phật, đảnh lễ trước bàn thờ, ta thường quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Quy y Pháp được niệm như sau:


Tự quy y Pháp
Xin nguyện chúng sanh
Thâm nhập kinh tạng
Trí tuệ như biển


Đó có phải là một điều khó khăn vượt ngoài sức của một con người bình thường không? Kinh tạng của đạo Phật hàng ngàn, hàng vạn quyển, học cả đời không hết, khi nào mới thâm nhập được mà phát sinh trí huệ?


Nói về nghĩa chữ “Kinh”, theo Bạch Ẩn đại sư, Kinh tức là Thường, chỉ cho tánh Phật thường trú, thường hằng, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không được không mất. Bao nhiêu kinh điển với muôn vàn chữ nghĩa tất cả cũng chỉ nói đến một điều duy nhất: đó là Tâm, và trong tâm chúng sanh bình thường của chúng ta đã có sẵn Tâm Phật tròn đầy, viên mãn như trăng rằm, thanh tịnh kỳ diệu như hoa sen, kiên cố bất động như kim cương bất hoại. Các vị Tổ đều nói: “Tâm chính là Pháp, và Pháp là Tâm, lìa Tâm không có Pháp.” Cho nên người học đạo cần nhất phải biết tâm mình thì sẽ hiểu được Pháp.


Các vị thiền sư thường khuyến cáo đệ tử phải buông bỏ hết sách vở, chỉ cần chuyên chú vào một việc quán Tâm, vì dù có thuộc lòng bao nhiêu kinh điển, mà không biết đến tâm mình, thì cái học đó cũng chỉ là cái học chữ nghĩa, không giúp gì cho sự giác ngộ chân lý mà còn làm chướng ngại với sự thu thập quá nhiều kiến thức. Hiểu tâm rồi thì đọc kinh cũng như đọc tâm mình vậy, và hiểu tâm rồi thì buông tâm, cũng như hiểu kinh rồi thì buông kinh. Khi buông tâm chúng sanh thì tâm phật hiển lộ, và buông kinh chữ nghĩa thì chân kinh hiển lộ. Chân kinh là kinh vô tự, là kinh không lời, hiển lộ khắp trong pháp giới chung quanh ta. Chân kinh hiển hiện trước mắt trong sự vô thường huyễn mộng của các pháp hữu vi, từ tiếng cười trẻ thơ cho đến những bước chân run rẩy cụ già, từ những khu phố nghèo nàn đầy tội ác cho đến những cảnh giới trưởng giả kiêu sa, trong những cảnh sắc đẹp đẽ xinh tươi hay những trận cuồng phong bão lửa gây đau thương mất mát cho con người. Nhưng trong cái mong manh đó của thân phận, con người có quyền chủ động lập nên thế giới mình sống. “Nhất thiết do tâm tạo”, tâm thức làm nên cảnh giới sống của con ngươì; tâm thức tham sân si mạn nghi ác kiến làm nên cảnh giới bất an, tâm thức hướng thiện buông xả làm nên cảnh giới bình an.


Pháp hiển hiện khắp nơi, nhưng không có pháp nhất định, vì bản chất của Pháp vốn là Không. Cho nên thâm nhập Pháp, theo như các vị Tổ, là không thấy có Pháp để hiểu. Chỉ cần biết tâm không trụ vào đâu là tâm giải thoát:


“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”


Ngọc Bảo

Tháng mười, mùa thu năm 2003

(Vài cảm nghĩ nhân những buổi thuyết giảng
v
ề Kinh Kim C
ang tại chùa Liên Hoa)
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật