CHỮ VÔ TRONG VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG - Vô Ngại

05 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33385)


mu_hakuin-content

 

 

Chữ Vô trong văn hóa Đông Phương

 

 

 Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, trụ cột văn hóa Đông Phương, dành cho chữ Vô địa vị đặc biệt quan trọng khi trình bày quan điểm về vũ trụ nhân sinh.


 

Nho giáo

 


Tổng hợp học thuyết bên trời Tây đồng thời với Khổng Tử như Heraclitus chủ trương vạn hữu không có tĩnh, Parmenides cho rằng chỉ có lý độc nhất thôi còn ngoài ra là ảo ảnh, Pythogoras tin lý độc nhất này đồng một thể với vạn số, Socrates đặt nặng vấn đề tự tri, Nho Giáo nhìn nhận có lý độc nhất, lý Thái cực là gốc của vũ trụ. Gốc này vô thanh, vô khứu, vô phương sở, vô hình trạng, vô thủy, vô chung, bất sinh, bất diệt, không phát ra là vô cực, phát ra là Thái cực. Vô cực mà Thái cực. ( Vô cực nhi Thái cực: Chu Liêm Khê). Thái cực vốn là Vô cực ( Thái cực bản vô cực) nhưng chỉ có thể nghiên cứu động thể của lý ấy, dùng Dịch học, lấy vạch đứt - - chỉ âm, thể tĩnh và vạch liền __ chỉ dương, thể động để biểu thị sự biến hóa của lý độc nhất, dùng đạo tu thân làm gốc cho việc sinh hoạt ở đời. Nho Giáo đã đề cập đến những điều nêu ra trong các học thuyết Tây phương về thế kỷ 17 và 18 do Spinoza người Hòa lan, Fitchte và Hegel người Đức chủ xướng thiên địa vạn vật nhất thể, về thế kỷ 19 và 20 do Auguste Comte người Pháp hô hào cái học thực nghiệm, Henri Bergson cũng người Pháp đề cao vai trò trực giác.

 


Bởi con người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỉ thần, kết tinh cái khí tinh tú của ngũ hành. ( Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã: Lễ Ký), nên có sẵn cái sáng suốt tự nhiên là minh đức, hay lương tri, hay trực giác, nhưng cần giữ cho cái tâm hư tĩnh tức là không nghĩ, không làm, im lặng bất động, đến lúc cảm ứng thì thông suốt được mọi việc trong trời đất ( Vô tư giã, vô vi giã, tịch nhiên bất động, cảm nhi thông thiên địa chi cố: Dịch. Hệ Từ Thượng)




Vô ngã

 


Nhà Nho có thái độ ung dung, khí lượng rộng rãi (khoan hoằng), vui vẻ hòa hợp với mọi người, dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh cũng như chữ vô: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã ( Luận ngữ), không có ý riêng tư, không ắt hẳn phải như thế, không cố chấp, không vì mình; vô khả vô bất khả (Luận ngữ), không nhất định là nên, không nhất định là không nên. Do đó nhà Nho không vào cảnh ngộ nào mà không được an vui (Vô nhập nhi bất tự đắc). Thái độ ấy giúp nhà nho dễ dàng quyết định, như thầy Mạnh Tử, nên tham chính thì tham chính, nên thôi thì thôi, nên lâu thì lâu, nên mau thì mau (khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu; khả dĩ tốc tắc tốc) hoặc có khi nên lấy, có khi không nên lấy, khi không nên lấy mà lấy là hại đức liêm khiết; có khi nên cho, có khi không nên cho, khi không nên cho mà cho là hại cái huệ; có khi nên chết, có khi không nên chết, khi không nên chết mà chết là hại cái đức dũng (khả dĩ thủ khả dĩ vô thủ, thủ thương liêm; khả dĩ dữ khả dĩ vô dữ, dữ thương huệ; khả dĩ tử, khả dĩ vô tử, tử thương dũng: Mạnh Tử, Ly Lâu hạ). Nhờ thái độ vô nhập nhi bất tự đắc mà nhà nho lúc chưa đạt được cái chí thì vui ở cái ý muốn của mình, lúc đã đạt được rồi thì vui ở chỗ được nên cả đời lúc nào cũng vui, không có một ngày nào buồn (kỳ vị đắc chi giã tắc lạc kỳ ý; kỳ đắc chi hựu lạc kỳ trị, hữu chung thân chi lạc, vô nhất nhật chi ưu: Khổng Tử gia ngữ).

 

 

Vô ngã giúp cho Nho gia có cái nhìn khách quan, rộng rãi, là yếu tố căn bản trong phép tu thân. Có vô ngã thì mới biết được hết phép sửa mình cho chính đính. ( Vô ngã nhiên hậu đắc chính kỷ chi tận: Trương Hoành Cừ)

 

 


Vô vi


 

Đạo hiếu được đặt ngang hàng như một tôn giáo trong Nho giáo, có hai điều quan trọng: vô vi và vô cải. Vô vi đây là không trái lễ, sống lấy lễ mà thờ, chết lấy lễ mà tang, lấy lễ mà tế (Sinh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ: Luận ngữ). Còn vô cải là không vội đổi cái đạo của cha mẹ, cha còn quan sát cái chí của cha, khi cha mất quan sát việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha (phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hành, tam niên vô cải ư phụ chi đạo: Luận ngữ). Thờ cha mẹ phải tựa như nghe thấy ở chỗ không có tiếng, trông thấy ở chỗ không có hình, (thính ư vô thanh, thị ư hư vô hình: Lễ ký). Có hiếu mới có nhân. Người lãnh đạo cộng đồng dân tộc và nhân loại phải là người con có hiếu mới khiến cho mọi người hung khởi làm điều nhân nghĩa.


Vô vi có nghĩa hoàn toàn thành thực, tịch nhiên bất động.




Vô Lễ


 

Đạo trung đề câu chữ lễ để gây thành những tình cảm trọng hậu, không thái quá, không bất cập nên cấm kỵ sự vô lễ bởi vì cung kính mà không có lễ thì phiền toái, cực nhọc, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không có lễ thành ra loạn, thẳng mà không có lễ thành ra gấp gáp (Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo: Luận ngữ). Người trên có lễ, kẻ dưới có học, cộng đồng mới an cư lạc nghiệp, đất nước mới vững bền; nếu như người trên không giữ lễ, kẻ dưới không có học, giặc giã sẽ nổi lên, chẳng bao lâu mà mất vậy( thượng vô lễ, hạ vô học, tặc dân hung, táng vô nhật hỹ: Ly Lâu, thượng).

 


Lễ ảnh hưởng sâu xa đến sinh hoạt xã hội, sự trị loạn của quốc gia. Người không có lễ thì không sống được, việc mà không có lễ thì không thành, quốc gia mà không có lễ thì không yên (nhân vô lễ bất sinh, sự vô lễ bất thành, quốc gia vô lễ bất minh: Tuân tử).



 

Vô bất kính


 

Vô bất kính, không có điều gì là không kính, một nguyên tắc chủ yếu người học lễ phải hiểu và thực hành. Muốn tránh khỏi trở thành hư văn vô ích, lễ phải lấy kính làm đầu. Người biết giữ lễ là người biết kính mình và kính người trong mọi hoàn cảnh.

 


 

Vô bần

 


Vô bần, vô quả và vô khuynh là ba điều mà người tề gia, trị quốc cần ghi nhớ. Muốn vậy, người lãnh đạo quốc gia không lo ít người mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không an, bởi vì hễ đã đều là không có cảnh nghèo, đã hòa thuận là không ít người, đã yên ổn là không có sự khuynh nguy ( Hữu quốc hữu gia giả bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an…Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh: Luận ngữ)

 



Vô dục


 

Trong cái đạo học làm thánh nhân thì cái một làm cốt yếu, mà cái một là vô dục. Vô dục thì lúc tĩnh tâm như hư không, lúc động tâm được ngay thẳng. Lúc tĩnh mà hư không thì trí sáng, sáng thì thông suốt. Lúc động mà ngay thẳng thì công chính, công chính thì bao quát khắp tất cả. Sáng, suốt, công chính và bao quát khắp cả, ấy là gần bậc thánh. (Nhất vi yếu. Nhất giả vô dục giã. Vô dục tắc tĩnh hư, động trực. Tĩnh hư tắc minh, minh tắc thông. Động trực tắc công, công tắc phổ. Minh, thông, công, phổ, thứ hỹ hồ: Chu Liêm Khê). 



 

Quan niệm hữu/ vô của nho giáo

 


Trước hết bàn về quan niệm hữu/ vô của thiện và ác, sự khác biệt chỉ là nhìn đến cái thể của tâm hay theo cái động của ý. Vô thiện vô ác là cái thể của tâm, có thiện có ác là sự động của ý, biết thiện biết ác là lương tri, làm lành tránh ác là cách vật: Vương Dương Minh)

 

“ Có mà chưa từng có, ấy là thật có; không mà chưa từng không, ấy là thật không, …Ai đắm đuối ở nơi vô, thì không có nơi dùng cái tâm, lêu lổng không có nơi về; ai bế tắc ở chỗ hữu, thì dùng cái tâm ở nơi vô dụng, thành ra nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì, Bởi vì cái khoảng có và không có, cái huyền diệu của sự thấy và không thấy, không phải là có thể lấy lời nói mà giải được.” (Vương Dương Minh).



 

Lão Giáo


 

Lý độc nhất, gốc của vũ trụ, Nho Giáo gọi là Thái Cực, Lão Giáo gọi là Đạo, có hai phương diện: Vô và Hữu. Vô giúp ta tìm hiểu cái thể của Đạo, đối tượng của siêu hình học. Hữu cần thiết để tìm hiểu cái dụng của Đạo, của thế giới hiện tượng, đối tượng của khoa học thực nghiệm. Vô và Hữu, Thể và Dụng, cùng do một nguồn gốc phát sinh ra, ấy là Đạo.Vô danh là đầu mối của Trời Đất; hữu danh là Mẹ sinh ra vạn vật( vô danh thiên địa chi thủy; hữu danh vạn vật chi mẫu.) Trở về là động của Đạo. Mềm yếu là dụng của Đạo. Vạn vật dưới trời sinh ra từ cái Có, cái có sinh ra từ cái Không. (Phản giả Đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng. Thiên hạ vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư vô: Đạo Đức Kinh, chương 40)



 

  Hữu Vô tương sinh




Thiên hạ biết được đẹp là đẹp bởi vì có cái xấu, biết được tốt là tốt bởi vì có cái không tốt. Cho nên Có Không cùng sinh ra nhau. Khó Dễ bổ túc cho nhau. Dài Ngắn tương phản nhau, Cao Thấp nương tựa nhau. Âm Thanh hòa hợp nhau. Trước Sau theo nhau. Do đó thánh nhân làm cái việc vô vi, dạy cái điều không nói. Vạn vật lên xuống không thôi, sáng tạo mà không giữ lấy, làm mà không cậy công. Nên việc rồi mà không ở lại. Ôi ! do không ở lại nên còn mãi. (Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ, giai tri vi thiện, tư bất thiện dĩ; cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư, phù duy phất cư thị dĩ bất khứ: Đạo Đức Kinh, Chương 2).

 



 Vô vi chi ích

 


Cái rất mềm mại trong thiên hạ có thế vượt thắng cái rất kiên cố; cái vô hữu ( không có) có thể lọt vào chỗ không có khe hở; cho nên ta mới biết vô vi là có ích. Cách dạy không lời, sự ích lợi của vô vi, thiên hạ ít ai hiểu kịp. (Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi chí kiên. Vô hữu nhập vô gián. Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích. Bất ngôn chi giáo, vô vi chi ích, thiên hạ hy cập chi: Đạo Đức Kinh. Chương 43)

 

Vô vi không có nghĩa là không làm gì cả mà là làm một cách tự nhiên, không bày đặt vẽ vời. Theo đạo vô vi thì không có gì là không tốt đẹp. Vi vô vi tắc vô bất trị.



Vô vi, làm thuận theo tự nhiên, cũng tỷ như người đi giỏi không để lại dấu chân, người nói giỏi không có lỗi, người tính giỏi không dùng thẻ, đóng cửa giỏi, không cần then chốt mà vẫn không mở được, thắt buộc giỏi không có dây mà không thể cởi ra. Do đó Thánh nhân thường khéo cứu người mà không bỏ một ai, thường khéo giúp vật mà không bỏ vật nào, thế gọi là cùng sáng chung. Cho nên người tốt là thầy của kẻ không tốt, kẻ không tốt là của cải của người tốt; thầy không quý trọng, của dùng không mến chuộng thì tuy là trí thức vẫn bị mê lầm lớn. Đó là yếu quyết nhiệm mầu. (Thiện hành vô triệt tích; thiện ngôn vô hà trích; thiện số bất dụng trù sách; thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai; thiện kết vô thăng ước nhi bất khả giải. Thị dĩ Thánh nhân thường thiện cứu nhân, cố vô khí nhân; thường thiện cứu vật cố vô khí vật; thị vị tập minh; cố thiện nhân giả bất thiện nhân chi sư, bất thiện nhân giả, thiện nhân chi tư; bất quý kỳ sư, bất ái kỳ tư, tuy trí đại mê; thị vi yếu diệu: Đạo Đức Kinh, Chương 27)

 

 

Đạo thường vô vi mà không có gì mà không làm xong. Nếu bậc vua chúa giữ được Đạo thì vạn vật sẽ tự biến đổi. Biến đổi mà còn ham muốn thì nên lấy cái không tên mộc mạc tức là Đạo mà nén xuống. Không tên sẽ không ham muốn. Không ham muốn, lòng sẽ được yên và thiên hạ sẽ tự an định. (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa; hóa nhi dục tác. Ngô tương trấn chi, dĩ vô danh chi phác; vô danh chi phác, phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định: Đạo Đức Kinh, Chương 37)

 

 

Lão Tử minh họa công dụng của cái Vô, chỗ trống, trong mọi sự vật. Ba chục căm hợp lại một bầu nhờ chỗ trống xe mới dừng được; nặn đất làm chén bát nhờ chỗ trống chén bát mới dùng được, khoét cửa nẻo làm phòng ốc, do chỗ trống mới dùng được phòng ốc. (Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng; duyên thực dĩ vi khí, đương kỳ vô hữu khí chi dụng: tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kỳ vô hữu thất chi dụng. Đạo Đức Kinh, chương 11)

 

Vô vi là điều chủ yếu của Lão Giáo. Theo đạo thì mỗi ngày một bớt đi; bớt rồi lại bớt nữa cho tới mức vô vi (Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi).



 

Vô sự

 


Tới mức vô vi tức là vô sự, không có việc gì phải làm thì có thể lấy được thiên hạ, còn như hữu sự thì không đủ lấy thiên hạ. ( Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự; cập kỳ hữu sự, bất túc dĩ thủ thiên hạ: Đạo Đức Kinh, chương 48)


 

Theo Nho Giáo, chính trị là ngay thẳng, ông lấy ngay thẳng mà đối xử với người thì ai còn dám không ngay thẳng (Chính giả chính giã, tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính: Luận ngữ), quan niệm này không khác với Lão giáo: Lấy ngay thẳng mà trị nước, lấy mưu lạ mà dùng binh (dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh). Tuy nhiên, từ hữu vi trị còn phải tiến lên vô vi trị mới có thể lấy được thiên hạ (dĩ vô sự thủ thiên hạ). “Ta lấy gì biết được như vậy. Thiên hạ nhiều sự kiêng kỵ thì dân càng nghèo. Dân nhiều lợi khí thì quốc gia càng thêm loạn lạc. Con người nhiều tài khéo càng sinh ra nhiều vật lạ. Pháp luật càng phiền hà, trộm cướp càng lắm. Do đó thánh nhân nói: Ta vô vi mà dân tự thay đổi, ta thích yên tĩnh mà dân tự ngay thẳng, ta vô sự mà dân tự giàu có, ta không ham muốn mà dân tự chất phác. (Ngô hà dĩ tri kỳ nhiên tai? Dĩ thử. Thiên hạ da kỵ húy, nhi dân di bần. Dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn. Nhân đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi. Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu. Cố Thánh nhân vân: Ngã vô vi nhi dân tự hóa, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nhi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác. Đạo Đức Kinh, chương 57)

 

“ Làm cái vô vi, lo toan cái vô sự, nếm cái vô vị. Lớn nhỏ nhiều ít đều coi như nhau, không phân biệt nên có thể lấy đức trả oán, khác với nhà Nho lấy thẳng trả oán (dĩ trực báo oán). Mưu toan việc khó từ chỗ dễ. Làm việc lớn từ việc nhỏ. Việc khó trong thiên hạ khởi đầu từ lúc dễ. Việc lớn trong thiên hạ khởi đầu từ lúc nhỏ. Do đó Thánh nhân suốt đời không làm việc lớn nên hoàn tất được việc lớn. Ôi! Coi thường lời hứa thì ít khi giữ được, coi dễ nhiều tất gặp khó nhiều. Cho nên Thánh nhân trực diện cái khó mà chung cuộc không gặp việc nào khó. (Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị: đại tiểu, đa thiểu; báo oán dĩ đức. Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế. Thị dĩ Thánh nhân chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại. Phù khinh nặc tất quả tín, đa dị tất đa nan. Thị dĩ Thánh nhân do nan chi, cố chung vô nan hỹ. Đạo Đức Kinh, Chương 63)

 



Vô dục


 

Tới mức vô vi tức là vô dục thì không còn ham muốn đèo bòng chi cả, con người sống giản dị tự nhiên, không còn bị danh lợi trói buộc.


Vô dục mới thấy được cái huyền bí, kỳ diệu của vũ trụ (Vô dục dĩ quan kỳ diệu), trong khi đó Hữu dục thì chỉ thấy thế giới hiện tượng (hữu dục dĩ quan kỳ kiếu)


Tương tự với thuyết Đại bùng nổ theo đó vũ trụ bắt đầu bằng một sự bùng nổ, Lão Tử có thể nhân quẻ Địa Lôi Phục ở Kinh Dịch, trên là Khôn, Đất, dưới là Chấn, sấm, sức sống khởi đầu trong lòng đất, mà lập học thuyết của Ông.

 



Vô thường tâm

 


Thường tâm đây là lòng nhất định như thế, tức là thành kiến. Người ta không thể sống hòa hợp được với nhau là vì thành kiến. Thánh Nhân không có thành kiến, lấy lòng của trăm họ làm lòng mình. Với người lành ta xử tốt; với kẻ không tốt, ta cũng xử tốt, vì đức tốt. Với người tin thực ta tin thực; với kẻ bất tín, ta cũng giữ chữ tín, vì đức tin thực. Thánh nhân có thái độ khiêm cung, hòa lòng mình với lòng mọi người; trăm họ chăm chú tai nghe mà nhìn, thấy Thánh nhân hồn nhiên như trẻ thơ ( Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm; thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả, ngô diệc thiện chi, đức thiện; tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, Thánh nhân tại thiện hạ hấp hấp, vị thiên hạ hồn kỳ tâm; bách tính giai chú kỳ nhĩ mục, thánh nhân giai hài chi: Đạo Đức Kinh, chương 49)

 


 

Vô bất khác


 

Lão Tử chủ trương tích đức thì không gì là không khắc phục, vượt thắng được. Thế nhân thường nghĩ tích cốc phòng cơ, để dành lúa phòng khi đói, hay tích y phòng hàn, chứa áo phòng khi rét, chứ ít ai nghĩ đến việc tích đức phòng thân.” Trị người, thờ trời, không gì bằng dè dặt. Ôi! Duy biết dè dặt là biết sớm theo Đạo. Sớm theo đạo là tích đức. Tích đức thì không có gì là không thắng được. Không gì không thắng được ắt không biết được cái dụng của Đạo đến đâu là cùng. Không biết được cái dụng của Đạo đến đâu là cùng là có thể có được nước. Đạo giữ nước có thể được lâu dài. Thế gọi là dễ sâu gốc vững, là đạo sống lâu, không già.” ( Trị nhân sự thiên mạc nhược sắc, Phù duy sắc thị vị tảo phục. Tảo phục vị chi trọng tích đức. Trọng tích đức tắc vô bất khắc. Vô bất khắc tắc mạc tri kỳ cực. Mạc tri kỳ cực khả dĩ hữu quốc. Hữu quốc chi mẫu khả dĩ trường cửu. Thị vị thâm căn cố đế, trường sinh cửu thị chi đạo. Đạo Đức Kinh, chương 59).



 

Vô thân

 


“Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân, kịp khi không có thân thì còn lo gì nữa” (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân: cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn. Đạo Đức Kinh, chương 13)


“Đạo Trời không thân riêng ai mà thường giúp người tốt”. (Thiên hạ vô thân thường dữ thiện nhân: Đạo Đức Kinh, chương 79)



 

Vô danh

 


Theo Trang Tử, thuở chưa khai thiên lập địa thì đã có cái Vô. Cái Vô ấy không có tên, và là nơi sinh ra cái Một, nhưng cái Một ấy cũng chưa có hình. Khi mà vạn vật được cái Một ấy, cái đó gọi là đức, tức là con người nhờ có Đức mới sống nổi. ( Thái sơ hữu Vô. Vô hữu vô danh. Nhất chi sơ khởi, hữu Nhất nhi vị hình, Vật đắc dĩ sinh, vị chi Đức.)


 

Học thuyết Lão Tử bao gồm trong một chữ Vô, theo vũ trụ quan thì gọi là vô danh, theo nhân sinh quan gọi là vô vi. Vô vi có nghĩa là vô sự, vô dục, vô thường tâm, vô bất khắc, vô thân. Người đạt đạo vô vi không khác bậc chí nhân không thấy có mình, bậc thần nhân không nhớ đến công mình, bậc thánh nhân không nghĩ đến tên mình (Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh: Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tiêu Diêu Du). Người đạt đạo Vô vi có ba món báu: một là lòng lành, hai là tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ. Có lòng lành nên dũng cảm, tiết kiệm nên rộng rãi, không dám đứng trước người nên có thể ở ngôi tôn. (Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi: nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng, kiệm cố năng quảng, bất cảm vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng, Đạo Đức Kinh, chương 67). Giữ và sử dụng được ba món báu trên là nhờ không tự coi mình là sáng, không tự cho mình là phải, không tự xem mình là có công, không khoe khoang (bất tự kiến, bất tự thị, bất tự phạt, bất tự căng).

 


Quẻ Địa Sơn Khiêm trong Kinh Dịch với nội quái là Cấn, (sơn, núi) và ngoại quái là Khôn (địa, đất), núi cao mà ở trong lòng đất thấp biểu tượng thái độ khiêm cung lễ nhượng, là tinh thần chủ yếu của người theo Đạo Vô Vi.


 

Chữ Vô quan trọng đến mức có thể khẳng định không có chữ Vô không có Lão giáo. Tất cả học thuyết của Lão Tử nhất thiết đặt nền tảng trên một chữ Vô; tất cả không ra ngoài chữ Vô.

 



Phật Giáo


 

Chữ Vô, theo Phật Giáo có ý nghĩa rất đặc biệt, đôi khi khó hiểu đối với người không học Phật. Ngoài cái nghĩa là không có, thật không có, Vô còn có hai nghĩa:


  1. Không cần có nữa như Vô học không có nghĩa là không có học mà là đã tu đến bậc không còn phải tu học nữa, đó là quả vị A la Hán đã giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, trong khi Hữu học lại có nghĩa là còn phải học tập nữa, đó là những bậc Tu Đà Hườn., Tư Đà Hàm, A Na Hàm.


  2. Có mà chẳng phải có, không mà chẳng phải không như: hành vô hành hành , làm cái việc không làm mới thật là làm, ngôn vô ngôn ngôn, nói cái điều không nói mới thật là nói.

 

 

Từ thủa xa xưa, chữ Vô có một địa vị rất quan trọng trong Thiền môn và là công án đầu tiên của nhiều thiền gia, ngày đêm dồn hết tâm lực tham cứu, ngay cả lúc ăn uống hay là làm công kia việc nọ, không lúc nào rời công án này.


 

Niết Bàn, cảnh giới hay tâm trạng an lạc, giải thoát, dứt sạch phiền não, tâm cảnh rộng rãi thênh thang như hư không, được diễn tả bằng nhiều tiếng bắt đầu bằng chữ Vô: vô ám (không tối), vô bệnh (không bệnh), vô ngại (không ngăn trở, thông đạt mọi lẽ), vô nhị (không hai lẽ), vô niệm (không vọng niệm), vô sanh (không sanh ra), vô tác (không tạo tác), vô tướng (lìa tướng), vô thoái (không lui), vô trụ (không lưu lại), vô trước ( không dính mắc), vô trược (không dơ), vô úy (không sợ), vô vi (không cố ý làm), vô xuất (Không xuất hiện).

 


Vô Minh


 

Phật giáo là đạo diệt khổ. Khổ vì mình, mê mờ, không tỉnh thức, không thấy đạo (vô kiến đạo), nên lao tâm khổ tứ, nghĩ trăm phương nghìn kế cố bám vào những cái giả hữu, tạm bợ, danh lợi, tài sắc nhất thời, của cải phù vân.


 

 Vì vô minh kiến, cái nhìn mê tối, một trong thập kiến (thân kiến, biên kiến, tà kiến, giới cấm thủ kiến, kiến thủ kiến, tham kiến, nhuế kiến, mạn kiến, vô minh kiến, nghi kiến), mà mắc vào vòng lầm lạc của cái tâm ngu tối (vô minh hoặc), rồi đeo bệnh ngu si (vô minh bệnh), rơi xuống ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới (vô minh lậu), để bị trói buộc trong vòng luân hồi khổ não (vô minh kết). Bị vô minh kết là do vô minh quá khứ (căn bản vô minh), sinh ra nghiệp quá khứ là hành: theo lý duyên sinh, mỗi hiện tượng đồng thời là nhân và quả, do nghiệp nhân quá khứ này (vô minh hành) mà thụ quả hiện tại: thức (A Lại Gia Thức), danh sắc, lục nhập, xúc, tức thân hiện tại và tạo nghiệp nhân hiện tại hay vô minh hiện tại (chi mạt vô minh), là thụ, ái, thủ hữu và nghiệp quả tương lai: sinh, lão, bệnh, tử tức thân vị lai.


 

Vô minh nên bị tám ngọn gió: lợi, ai (thương tiếc, thương thảm), hủy (nói xấu), dự (khen ngợi), xưng (khen tặng), cơ (chỉ trích, trách móc, công kích), khổ (hoạn nạn), lạc (vui sướng) làm tâm động và tạo nghiệp.


 

Vô minh, không hiểu thực tướng của cuộc đời là khổ, không, vô thường, vô ngã, không thấy nỗi khổ của chính mình và của tha nhân, không biết rằng cái thân ngũ uẩn không có thật, mà chỉ tạm thời hòa hiệp không trường tồn, mạng người vô thường qua mau hơn nước chảy trên núi, hôm nay tuy còn, ngày mai khó giữ. (Nhân mệnh vô thường, quá ư sơn thủy: kim nhật tuy tồn, minh nhật nan bảo: Nghi Thức Bồ Tát Giới Kinh).

 

 

vo_thuong_0  Những ai còn chưa hiểu nghĩa vô thường, xin hãy lắng lòng nghe lời tâm sự vô cùng thống thiết của Vua Trần Thái Tông giải bày trong Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm: “Công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài, phú quý kinh người, khó tránh vô thường hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không; khoe giỏi, khoe hay, rốt cùng chẳng thực, Tứ đại rã rời thôi già trẻ, núi khe mòn mỏi hết anh hùng. Tóc xanh chưa mấy mà mầu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi thì người điếu đã tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình, bẩy thước xương khô, mặc sức tham tiền của. Thở ra không hẹn thở vào, ngày nay không tin ngày kế, trôi nổi sống yêu giờ nào nghỉ, nấu nung nhà cháy biết bao thôi!”


Không hiểu lý vô thường, Karl Marx tưởng vật chất là thường trụ, mù quáng tin rằng vật chất chi phối tinh thần, đã cùng đám môn sinh làm hạ phẩm giá con người, gây ra biết bao tang tóc đau thương cho nhân loại.


 

Hiểu lý vô thường và đồng thời cũng cần hiểu sinh tử tương tục, chết đi là tạm bỏ thân này để lấy thân khác, không phải mất hẳn. Từ thân bổn hữu (thân hiện sống) đến thân tử hữu (thân đang chết), từ thân tử hữu đến thân trung hữu (thân sau khi chết, chưa đầu thai), từ thân trung hữu đến thân hậu hữu (thân đời sau), tương tự không gián đoạn là nhờ có Thức Thứ Tám giữ việc kết nối đời sau (kết sinh tương tục). Tất cả thân, khẩu, ý nghiệp đều giữ lại trong Thức Thứ Tám. Thức này có nhiều tên gọi như: Tâm, Căn bản Thức, A Đà Na giữ gìn chủng tử và thân thể, Sở Tri Y chỗ y chỉ của các pháp bị biết, Sơ Năng Biến Thức biến hiện ra tướng phần là căn thân và thế giới, Chủng Tử Thức giữ chủng tử của các pháp. A Lại Da chỉ có ở hàng phàm phu, Thánh hữu học, chứa các pháp. Dị Thục Thức chỉ có ở hàng phàm phu, Nhị Thừa và Bồ Tát, dẫn dắt đi lãnh thọ quả Dị Thục báo thân, Vô Cấu Thức hay Yêm Ma La Thức duy Phật mới có, vì chỉ giữ các pháp hoàn toàn vô lậu thanh tịnh.


Có hiểu lý sinh tử tương tục mới tinh tiến tu học diệt trừ vô minh, thoát khổ.


 

Vô minh nên sinh ra tâm phân biệt thân thù, thiện ác, chủ tớ, ân oán mà không biết rằng vì tâm đại bi Phật và Bồ Tát hoặc hiện làm người thân thuộc, như cha mẹ để dạy bảo, hoặc hiện làm thiện hữu tri thức để nhắc nhở, hoặc hiện làm tôi tớ hầu hạ để khuyên can, hoặc hiện làm kẻ oan gia như Đề Bà Đạt Đa để xúc khích. (Luận Đại Thừa Khởi Tín).


 

Vô minh nên có nhãn kiến nhị nguyên phân chia người vật, hữu vô, nội ngoại, nhân ngã, bỉ thử mà không biết rằng sự sự vật vật trong vũ trụ đều tương quan, vô tận duyên khởi, trùng trùng duyên khởi nương nhau mà có, nên một là hết thẩy, hết thẩy là một. Hiểu lý này rất rõ là trăm ngàn tỷ tế bào trong cơ thể của chúng ta. Tế bào hoạt động vì sự vẹn toàn của các mô, và các mô vì sự toàn vẹn của các cơ quan, các cơ quan vì sự vẹn toàn của cả cơ thể. Đi xa hơn nữa, khoa Sinh Học Phân tử (Molecular Biology) chứng minh hệ thống hai chuỗi dây quấn quít lấy nhau của di truyền tử DNA nói lên tính tương duyên, tương trợ của sự sống và là yếu tố căn bản để sự tái sinh di truyền có thể thực hiện.


 

Phật giáo, theo Duy Thức học không phải chỉ đề cập đến các pháp hữu vi có nhân duyên tạo tác mà còn nói đến các pháp vô vi không có nhân duyên tạo tác. Sự sự vật vật trong vũ trụ chia làm 100 thành phần thì có tới 94 pháp hữu vi (8 tâm vương tức là tướng của thức, 51 tâm sở tức là dụng của thức, 11 sắc pháp tức là ảnh tượng của thức, 24 bất tương ứng hành tức là phận vị sai khác của thức) mà chỉ có 6 pháp vô vi (hư không, trạch diệt, phi trạch diệt, bất động , tưởng thọ diệt, và chân như vô vi) hiện bầy khi 94 pháp hữu vi đã diệt.


 

Vô minh sinh ra tính biến kế chấp, cái nhìn thiên lệch, cục bộ, giới hạn như Darwin không nhìn thấy sự tương sinh, tương trợ của toàn bộ loài động vật, mà mới nhìn thấy sự cạnh tranh sinh tồn của một bộ phận loài động vật, đã vội đưa ra thuyết “cạnh tranh thiên diễn” giản đơn, một chiều, ngây thơ. Thuyết này đương nhiên bị vật lý thiên thể học Jantsch với thuyết Đồng Tiến Hóa, đào thải.

 


Vô minh nên không biết rằng tam thân tứ trí có đủ nơi mình không phải tìm cầu bên ngoài. Thấy được tính thanh tịnh của mình tức là thấy được thanh tịnh pháp thân và Đại viên cảnh trí hay Thành sở tác trí, Chân Như, Pháp Tánh, Bồ Đề, Niết Bàn hiển lộ. Thấy không còn chấp ngã mà chỉ thấy mình và người, cho đến cả loài vật đều bình đẳng như nhau là thấy Viên mãn báo thân và Bình đẳng tánh trí hiển lộ. Thấy mọi tâm niệm, làm muôn hạnh lành cứu giúp chúng sinh là thấy Thiên bá ức hóa thân và Diệu quan sát trí hiển lộ.


 

Hiểu lý Vô minh là nguyên nhân sinh ra phiền não, con người mới nghĩ cách diệt trừ vô minh và đồng thời mới phát tâm hỷ xả.


 

Biết dân phạm tội vì vô minh, Vua Lý Thánh Tông truyền đối xử tử tế với phạm nhân và tội gì cũng giảm nhẹ đi. Đây là quan điểm rất tân tiến về phạm tội học, coi phạm tội vì vô minh, chứng minh nước ta tôn trọng dân quyền, nhân quyền hàng ngàn năm trước khi Liên Hiệp Quốc có Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.


 

Mười thế kỷ sau, biết cộng sản phạm tội vì vô minh, vì tâm mê muội, ám độn, Hòa Thượng Quảng Độ mặc dầu bị “cộng sản Việt Nam giam cầm đày đọa suốt mười mấy năm rồi, chỉ vì cái tội “tôi” trung thành với lý tưởng đạo Phật, muốn bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc, di sản tinh thần và kiến trúc vật chất của Tổ Tiên, thế thôi chứ có tranh giành quyền lợi gì với ai đâu…Tóm lại, như tôi đã nói ở trên, mẹ tôi, sư phụ tôi, sư bá tôi, sư Tổ tôi đều đã chết thảm, “Ngài đã không căm hờn mà còn” xin góp thêm một giọt máu nữa vào trang sử đau thương của dân tộc.” Viết tại Xã Vũ Đoài, Thái Bình tháng 01 năm 1992. Cộng sản giam được thân Ngài nhưng không nhốt được tâm Ngài, và cái tâm đại hùng vẫn bay bổng giữa vũ trụ bao la và vẫn cương quyết vẫy vùng cứu vớt giang sơn trong đó có cả cộng sản vô minh. Đại nguyện này Ngài đã tâm sự:

 

“Giữa vũ trụ bao la

Hồn thơ ta bay bổng

Dạo khắp sơn hà

Ba nghìn thế giới trần sa

Thoát trong một niệm hồn ta trở về

Lại ôm niềm tâm sự

Với đêm dài lê thê

 

Với đêm dài lê thê

Hồn còn mang lời thề

Quyết trong bể khổ sông mê vẫy vùng

Dòng thuyền Bát Nhã đại hùng

Độ loài Nhất Xiển thoát vòng vô minh

 


Vô minh làm cho con người đau khổ nhưng hiểu lý vô minh cũng đồng thời giúp cho con người biết sống tha thứ cũng như hiểu lý Vô thường khiến con người mở rộng lòng từ bi, và hiểu lý Vô ngã giúp con người biết sống nhẫn nhục. Ba nguyên lý Vô minh, Vô thường và Vô ngã đã giải thích tại sao không hề xẩy ra chiến tranh nhân danh Phật giáo suốt dòng dài lịch sử trên hai mươi nhăm thế kỷ.


 

Con đường diệt vô minh: Tứ Giải Thoát Môn: Vô Thụ, Vô Niệm, Vô Úy, Vô Duyên Từ

 


Vô thụ


 

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Khi đối trần cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt thì tham sân si không khởi. Ba duyên không khởi thì ba nhân sát, đạo, dâm chẳng sinh, cái mê tự hết và chân tâm thanh tịnh tự hiện bầy.” Nên để cắt cái nhân hiện tại là ái, thủ, hữu thì tuy có xúc mà không phân biệt, không phản ứng tức là không thọ thì không tạo nhân tức không tạo quả.

 

 

Đối cảnh nào ta cũng không thụ, dù thụ khổ, thụ vui, thụ buồn, thụ mừng, kể cả thụ không vui không buồn. Đã không thụ thì không còn tưởng nhớ. Không tưởng nhớ thì đâu còn ái, thủ, hữu. Không thụ, tưởng thì không có hành, không hành thì làm gì có nghiệp.


 

 Vô niệm

 


Không nghĩ nhớ vì thấy muôn pháp đều không, nên vô niệm, không vọng niệm cũng là vô tướng lìa tướng, không phân biệt, so sánh. Vô trụ không lưu lại. Vô trước không dính mắc tất cả các pháp bên trong là thân ngũ ấm (sắc và tâm) và bên ngoài là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì xa lìa mọi phiền não. Vô niệm tức là chánh niệm.


Kinh Lăng Già dạy: Nếu chúng sinh nào quán vô niệm, chúng sinh ấy hướng về trí Phật. Hai chữ vô niệm trong Kinh Lăng Già đồng nghĩa với bốn chữ Bất tùy phân biệt trong Kinh Lăng Nghiêm.


Vô niệm, thấy tất cả các pháp mà tâm không nhiễm trước thì tâm được định, nhờ tâm định mà trí tuệ phát sinh.

 

Sinh tử luân hồi là do sáu căn, mà chứng đạo quả Bồ Đề an vui thoát cũng do sáu căn, Kinh Lăng Nghiêm dạy: Khi thấy, nghe, hay, biết, mà khởi vọng niêm phân biệt đó là gốc vô minh. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết Bàn. Trong chân tâm thanh tịnh không dung chứa vật gì cả.


 

Tổ Huệ Năng dạy: người ngộ được pháp vô niệm thì muôn pháp đều không, người ngộ được pháp vô niệm thì thấy cảnh giới chư Phật: người ngộ được pháp vô niệm thì đến địa vị Phật. Ngài nhờ hai chữ vô niệm hay vô trụ mà ngộ đạo sau khi nghe câu “Ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, không khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào trong Kinh Kim Cương. Ngài cũng nhờ chữ Vô thể hiện tinh thần tuyệt đối phá chấp mà được truyền y bát để làm Tổ Thứ Sáu với bài kệ:

 

 Bồ đề bổn vô thọ,

 Minh Kính diệc phi đài.

 Bản lai vô nhất vật,

 Hà xứ nhạ trần ai.

 

 

Vô Úy

 


Khoa học ngày nay khám phá ra rằng hầu hết nếu không phải là tất cả các chứng bệnh, các phiền não của con người đều do bệnh sợ mà phát sinh. Hệ thống miễn dịch chịu sự chi phối của tâm hoặc gián tiếp qua kích thích tố trong máu hoặc trực tiếp qua thần kinh và hóa chất thần kinh. Tâm mà vững mạnh, vô úy thì không can chi, như tế bào ung thư luôn luôn phát triển trong cơ thể nhưng thường bị bạch huyết cầu tiêu diệt trước khi trở nên nguy hiểm. Tôn giáo nào cũng khuyên bố thí. Riêng Phật giáo ngoài tài thí, pháp thí còn có vô úy thí, bố thí cái đức không sợ hãi. Giải thoát con người khỏi địa ngục của tâm hồn là bệnh sợ tức giải thoát khỏi mọi bệnh về cả thân lẫn tâm. Chủ trương Pháp giới duyên khởi, sự sự vô ngại pháp giới, Phật giáo không chỉ nghĩ đến giải thoát loài người mà còn nghĩ đến toàn thể chúng sinh, không chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sinh mà còn nghĩ đến cả các vật vô tri vô giác, đến cỏ cây, rạch nguồn, sông núi, bướm lượn, tuyết bay, mọi sự vật trong vũ trụ có thể là hóa thân của Bồ Tát mà nhất tâm bảo vệ và kính trọng. Các vị Đại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sinh (như loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh chỗ ẩm thấp, loài hóa sinh, loài có sắc, loài không sắc, loài cso tưởng, loài không tưởng, loài chẳng phải có tưởng, vv.) đều được nhập Niết Bàn. (Kinh Kim Cương).


 

Phật giáo không coi các loài động vật là do Tạo Hóa sinh ra để phục vụ đời sống loài người để loài người có quyền tự do sinh sát. Trái lại, loài người phải biết ơn cả các loại thảo mộc và các chất vô cơ đã giúp cho sư sống còn của mình trên trái đất này. Ngoài việc cung cấp nguyên liệu để chế thuốc men, thảo mộc còn tiêu hóa chất vô cơ biến thành thức ăn hữu cơ để nuôi sống sinh vật, trong số đó có loài người. Nhờ diệp lục tố, cơ thể mới tạo ra được máu. Biết được như vậy, thế giới đâu còn nạn chiến tranh cũng như nạn môi sinh đang đe dọa sự sống còn của nhân loại.


Vô úy nhờ vô trụ: vô trụ nhờ chứng ngộ tánh Không, tâm không bị giác quan ràng buộc, không buồn lo sống chết, sạch hết phiền não phân biệt, được tịch tĩnh giải thoát.


 

kinh_bat_nha-content Bát Nhã Tâm Kinh gồm 262 chữ mà chữ Vô được nhắc lại nhiều lần nhất, giữ một địa vị hết sức quan trọng trong giáo pháp Thiền Tông. Có thể nói thiếu chữ Vô, không thành Kinh Bát Nhã, vì không làm sao diễn đạt hết ý nghĩa của Kinh. Kinh dạy ta muốn đạt đến Niết Bàn thì phải vượt ngoài những tà kiến điên đảo: muốn vượt ngoài tà kiến thì phải có tinh thần vô úy, vô hữu khủng bố tức là trong tâm không có chướng ngại do y cứ vào Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật (Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn.) Nhờ Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật chứ không phải dùng Lý Trí (Tâm Sai Biệt) mà Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn tức là tất cả các pháp đều không có tự tánh, rốt cuộc là không, nên không còn khổ đau (Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách).


Tánh Không của các pháp nêu ra trong Kinh Bát Nhã đã được Khoa học vật lý ngày nay xác nhận. Nền tảng của vật chất là nguyên tử, mà nguyên tử chỉ là âm điện tử xoay chung quanh cái nhân gồm dương điện tử và trung hòa tử, trong khi luồn âm điện cách xa luồng dương điện như một hành tinh cách xa một Thái Dương, khiến một nguyên tử trên 99 phần 100 là trống không.


 

Vô úy vì soi thấy tất cả các pháp hữu vi là không, và thường xuyên quán các pháp như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như điển chớp, theo bài kệ Phật kết thúc thời kinh Bát Nhã:


 Nhất thế hữu vi pháp,

Như mộng, huyền, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điển,

Ưng tác như thị quán.


 

Vô duyên từ

 


Vô thụ, vô niệm, vô úy vừa là nhân duyên vừa là kết quả của lòng từ bi, không chỉ giới hạn trong sự quan sát chúng sinh đau khổ, chúng sinh duyên từ, hay thất chúng sinh với mình cùng một pháp giới tánh, pháp duyên từ, mà là tự nhiên phát khởi tự thể tánh chân tâm bao trùm toàn thể vũ trụ, vô phân biệt. Đây là vô duyên từ, hay Đệ Nhất Nghĩa Từ, là lòng Đại từ của Phật và Bồ Tát cao hơn cả lòng từ của hai bậc Thanh Văn và Duyên giác. Với vô duyên từ, bất cứ tại không gian hoặc thời gian nào, con người cũng sống trong cảnh Niết Bàn.


 

Siêu việt hữu vô


Tuy vô minh là nguồn gốc của khổ đau nhưng chớ có bị kẹt về khái niệm của vô minh. Tâm kinh Bát Nhã xác nhận không có vô minh và cũng không có sự tận cùng của vô minh, phủ định thập nhị nhân duyên, cho đến không có tuổi già và sự chết, không có sự diệt hết tuổi già và sự chết; không có khổ, tập, diệt đạo, phủ định Tứ Đế; không có trí tu chứng và đạo quả để chứng, phủ định Lục Độ, phá chung cả ngã chấp và pháp chấp. Tóm lại, trong Bát Nhã chân không chẳng có gì để được cả. (vô Vô minh, diệc vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô Trí diệc vô Đắc). Nhưng cũng chính nhờ vậy Tâm không bị chướng ngại, không bị sợ hãi mà có thể nghe được thần chú để dấn bước lên đường sang bờ giác ngộ “ đi qua, đi vượt qua, đi qua bên bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia, giác ngộ thay, hạnh phúc biết bao”. (gate, gate, paragate, parasamgate bodhi svaha, Yết đế, yết đế, Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha), chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, giác ngộ viên mãn tối thượng.

 


 Hiểu hết nghĩa chữ Vô, tánh Không trong Phật giáo, tâm mới không trụ chấp một nơi nào, mới hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm, mới biết siêu việt hữu vô, mới giải thoát khỏi mọi triền phược của kiếp người, mới thấy được tất cả mầu nhiệm, giải thoát của một con thuyền trống không im trôi trên biển cả dưới ánh trăng Lăng Già lặng chiếu, và thực chứng được rằng không cũng không như có, trí tuệ mới thông suốt, như được diễn tả trong bài kệ Thiền Sư Huệ Sinh (mất năm 1063) trình Vua Lý Thái Tông:

 

Tịch tịch Lăng Già nguyệt,

Không không độ hải chu,

Tri không không, giác hữu,

Tam muội nhiệm thông châu.

 

 

 Thiền sư Đạo Hạnh (mất năm 1112) làm nổi bật tính siêu việt hữu vô trong bài kệ thâm thúy dưới đây:

 

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt,

Vắt trước hữu không không.

 

 

Phỏng dịch:

 

Có thì từ hạt bụi bay,

Không thì thế giới hiện bầy cũng không.

Có, không: trăng giải dòng sông,

Bận lòng chi mấy có không kiếp người.



Siêu việt hữu vô, các thiền sư Việt Nam sống đời vô cùng giải thoát ngay tại thế gian, như Thiền Sư Hiện Quang, vị Tổ khai sơn phái Yên tử (mất năm 1220) đã ung dung trả lời một vi tăng hỏi: Hòa Thượng lâu nay làm gì trên núi? Bằng bài kệ:

 

Ná dĩ Hứa Do đức,

Hà tri thế kỷ xuân?

Vô vi cư khoáng dã,

Tiêu diêu tự tại nhân.

 


Phỏng dịch:


Gương Hứa Do ngời sáng

Ai hay ngày tháng trôi,

An vui nơi khoáng dã,

Sống thật tự do thôi!


 

Thấu triệt chữ Vô và đồng thời siêu việt hữu vô mới có thể thấy cái giả tạm của cuộc đời, các pháp hữu vi đều hư giả mà coi thường công danh phú quý trần gian, sống đời tự tại, an vui, giải thoát ngay tại thế gian.



 Vô Ngại

 

Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Năm 20157:00 SA
Khách
Trong đời hiện tại này ai sống vô ngã, vô ưu, tự do, tự tại? Cảm ơn những thông tin hữu ích trên trang web. Mời các bạn vào trang chuabenhdongian.com để biết cách điều trị đơn giản và hiệu quả những bệnh hay gặp ở mọi người
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật