BỒ TÁT - MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG - Tùng Sơn

17 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 93847)



Mỗi con người chúng ta sinh ra trên hành tinh trái đất đều mang theo mục đích hoặc lớn hay nhỏ, nếu nói một cách văn chương bóng bẩy là lý tưởng trong cuộc đời. Vậy thì mục đích gì lý tưởng nào có thể xem như cao đẹp nhất đối với xã hội cũng như con người. Đương nhiên câu trả lời sẽ tùy theo đức tin, tùy theo bối cảnh thời đại xã hội sẽ có câu trả lòi khác nhau.


Ý Nghĩa Bồ Tát


Nhưng đối với Phật giáo từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay mẫu người lý tưởng nhất được tôn kính nhất trong mọi thời đại có tên gọi là Bồ Tát. Hai từ then chốt dường như xuất hiện hầu hết trên mỗi trang giấy của kinh điển đại thừa là Bồ Tát (Bodhisattva) và tính Không (emptiness). Vậy thì trước hết Bồ Tát là gì? Đức Phật là người đã giác ngộ. Bồ Tát, nói một cách chính xác là người đi tìm hiểu(sattva) bồ đề (Bodhi) có nghĩa là Trí Tuệ. Bồ Tát là Phật sẽ thành, là người mong muốn trở thành Phật, có nghĩa là đấng giác ngộ.

Bồ Tát thừa là đặc tính biểu hiện lòng từ bi, nhân ái, sức mạnh này là nguồn năng lực nội tại sâu sắc phát khởi ra bên ngoài. Giống như ngọn hỏa diêm sơn phun lên từ lòng đại dương, là nguồn năng lực tinh thần bao gồm những đức tính như trí tuệ, từ bi, hỷ xả, chân, thiện, mỹ thôi thúc hành giả dũng mãnh tin tưởng bước vào thế gian trong đại nguyện cứu giúp và mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Người trong cảnh giới Bồ Tát sống hòa với người dân sống trong lục đạo, khiêm tốn, nhã nhặn bao dung với tha nhân, can đảm trực diện với kẻ ác, với những mâu thuẫn trong đại nguyện giải thoát họ thoát khỏi sự u-mê đang bị màng vô minh bao bọc.

Những vị Bồ-Tát đầu tiên viết về kinh điển Phật giáo gồm có: Văn Thù, Quan Âm, Phổ Hiển, Di Lặc, Dược Vương, Diệu Âm. Mỗi Bồ Tát biểu tượng cho một đặc tính, Văn Thù (Manjushiri) biểu tượng cho trí tuệ, Quan Âm (Avalokitesvara) biểu tượng cho lòng từ bi, Dược Vương(Bhaisajya-raja) biểu tượng cho y học, Phổ Hiển (Samantabhadra) biểu tượng cho giáo lý, thiền định, Di lặc (Maitreya) biểu tượng cho đức tính hỷ xả, Diệu Âm biểu tượng cho âm nhạc và nghệ thuật.

Trong kinh Pháp Hoa có nói về Địa dũng Bồ Tát là hiện thân của Phật xuất hiện trên thế gian trong sứ mạng truyền bá Diệu pháp, tiêu diệt tà ác, với lòng từ bi đưa con người đến thế giới an vui, tịnh độ. Người với hạnh nguyện bồ tát đang phát huy phật tính ở mức độ cao nhất
Thật là sai lầm khi bảo rằng khái niệm Bồ Tát là sản phẩm sáng tạo của Đại thừa. Đối với tất cả tín đồ Phật giáo, mỗi vị Phật đã là Bồ Tát trong thời gian rất dài trước khi thành đạo. Tư tưởng này có thể tìm thấy rõ ràng trong “Cụ Xá Luận” mô tả tinh thần Bồ Tát qua đoạn văn tuyệt tác như sau:


“Tại sao những Bồ Tát một khi thề nguyện để đạt đến Vô Thượng Chính Giác, phải trải qua thời gian dài như vậy?


Bời vì muốn đạt đến Vô Thượng Chính Giác không phải dễ, cần phải tích lũy thật nhiều tri thức và đức hạnh, cùng với vô số thiện nghiệp trong ba kiếp.


Chúng ta có thể hiểu rằng Bồ Tát nỗ lực tiến đến Chánh giác, cho dù đạt đến quả vị này không phải dễ dàng, và vì đây là con đường duy nhất để đạt sự giải thoát đi nữa. Nhưng sự thật không hẳn phải như vậy. Tại sao Bồ Tát phải gánh vác sự lao lực lớn lao vô hạn như thế?


Vì lợi ích cho tha nhân, vì đại nguyện cứu vớt chúng sinh ra khỏi dòng thác khổ đau. Tuy nhiên những Bồ Tát tìm thấy ích lợi gì trong công việc lợi tha này? Lợi người tức là lợi mình, đó là ước vọng của những Bồ Tát.


Vậy ai là người có thể tin được điều này?


Đúng như thế, với những người không có lòng thương xót, chỉ nghĩ cho chính họ, rất khó để hiểu tin vào tinh thần lợi tha của những Bồ Tát. Nhưng với những người có lòng từ bi thì sẽ cảm nhận dễ dàng. Bạn không nhìn thấy chăng có những người vô tình, tìm thú vui trên những đau khổ của người khác, cho dù những đau khổ này không mang lại lợi ích gì cho họ? Trong khi đó Bồ Tát với tấm lòng thương cảm, tìm niềm vui trong công việc mang lợi ích đến tha nhân không có một chút ý đồ riêng tư.


Bạn có thấy có những người ngu dốt không biết bản tính chân thực của pháp hữu vi tạo thành nên “bản ngã”, rồi theo thói quen chấp trước vào pháp hữu vi, do đó họ chịu vô vàn đau khổ. Trong khi đó những Bồ Tát do thói quen tập quán đã xa lìa những chấp trước vào pháp hữu vi tạo thành “Bản Ngã”, không còn nghĩ đến “tôi” hay “của tôi”thuộc phạm trù pháp hữu vi nữa, chỉ một lòng lo lắng đến tha nhân, cũng vì tình thương đến tha nhân mà sẵn sàn chịu nỗi đau gấp ngàn lần hơn sự đau đớn vì lo lắng đến tha nhân. (1)
 


Tư tưởng này tuy gọi là tư tưởng Phật giáo Đại thừa, nhưng thực ra lối nghĩ này đã thành hình từ lâu ở các trường phái Tiểu thừa từ thủa xa xưa. Công cuộc vận động cải cách Phật giáo Đại thừa là biến tư tưởng này thành lý tưởng có giá trị phổ cập phù hợp với tất cả mọi người. Do đó Phật giáo Đại thừa xem trọng Bồ Tát, và chủ trương mọi người theo gương Bồ Tát sống và hành động theo tinh thần Bồ Tát cũng từ quan điểm này.


Tư tưởng trên phản ảnh phần nào tư tưởng Thiền, những ai tu tập Thiền nhiều năm qua đều có thể cảm nhận được rằng những điều thuyết giảng trong Cụ Xá Luận cũng chính là lý tưởng, con đường và mục tiêu mà Thiền hướng đến. Cũng có nghĩa tu tập Thiền để làm sao dứt bỏ hoàn toàn ngã chấp về “cái tôi” và “của tôi” nỗ lực hướng đến cảnh giới chan hòa niềm vui với tâm từ bi hỷ xả, giúp những người chưa hiểu rõ Thiền có thể hiểu rõ hơn, chia sẻ những khó khăn cùng với tất cả mọi người trong tinh thần vô ngã, tự lợi lợi tha.

Con đường Bồ Tát


Trong Phật giáo một Bồ Tát phải tu tập như thế nào, chắc hẳn Bồ Tát sẽ phải tu tập để tạo thiện căn với tinh thần như sau:


“ Tự chính tôi sẽ đạt đến cảnh giới chân như (=Niết Bàn), và để cứu vớt thế gian này, tôi phải sẽ phải làm sao tất cả chúng sinh vào chân như, tôi sẽ hướng dẫn tất cả vô số chúng sinh ở cảnh giới khác nhau vào Niết Bàn.”(2)


Nếu hiểu rộng ra đây cũng chính là phương pháp tu tập Thiền, vì Niết Bàn là cảnh giới an lạc, thanh tịnh, không còn lo âu phiền não, khi các Thiền Sinh đạt đến tuyệt đỉnh chân như tức cũng là đạt đến cảnh giới Niết Bàn khi đó.


Bồ Tát còn được hiểu như đấng anh hùng. Đặc tính anh hùng của vị Bồ Tát đã được mô tả ở phần khác trong kinh Bát Nhã bằng mẫu truyện đạo như sau:


“Giả như có một vị anh hùng bẩm sinh với tài năng vĩ đại, cùng cha mẹ, anh chị em, thân thuộc xuất phát rời nhà ra đi. Do hoàn cảnh nào đó tất cả phải đi vào cánh rừng già hoang vu to lớn. Trong số đó có người thấp kém rất lấy làm lo ngại. Tuy nhiên người anh hùng không sợ hãi nói với họ rằng:” Đừng lo sợ tôi sẽ đưa tất cả ra khỏi cánh rừng hoang vu đáng sợ này nhanh chóng, đến chốn bình yên.” Vị anh hùng này đầy nghị lực, không sợ hãi, hết sức dịu dàng, từ bi, can đảm và mưu trí, không chỉ tìm cách đưa chính anh ta ra khỏi cánh rừng và để lại tất cả người thân thuộc lại đàng sau. Đối nghịch với A La Hán, Bồ Tát chủ trương rằng chúng ta có sứ mạng dẫn dắt mọi sự sống đến giác ngộ cùng với chúng ta, chúng ta không thể bỏ mặc họ cho số mạng của họ, vì mọi sự sống ở xung quanh chúng ta cũng là thân thuộc của chúng ta.”

Chúng ta có thể thấy tư tưởng này trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử:


”Vì Thánh nhân để thân ra sau, mà thân ở đằng trước”(3)



Đây chính là mẫu người lý tưởng, cũng là mục tiêu tu tập của các Thiền giả hướng đến, Thiền giả không mang tâm hồn vị kỷ, lạnh lùng, hẹp hòi, không tạo phân biệt với tha nhân, nhưng là Bồ Tát tràn đầy lòng từ bi, vào thế gian cùng sinh hoạt với tất cả mọi người để tạo dựng cộng đồng an vui hòa hợp.


Do đó Bồ Tát là người có sứ mạng không chỉ tìm tự do tự tại cho chính bản thân, mà còn là người khéo léo tìm ra những phương cách để khai mở và thể hiện hết tiềm năng những chủng tử giác ngộ ở tất cả mọi con người.


Về tư tưởng này kinh Bát Nhã thuyết giảng như sau:


“Bồ Tát là bậc vĩ nhân, làm việc khó khăn, đặt mục tiêu đạt đến Vô Thượng Chánh Giác. Các Bồ Tát không muốn đạt đến Niết Bàn cho chính riêng mình. Trái lại các Bồ Tát nhìn thấy thế giới hữu tình đầy rẫy đau khổ, và vì thế ước mong đạt đến Vô Thượng Chánh Giác, không còn lo sợ sự sống lẫn sự chết. Các Bồ Tát vào thế gian chuyên lo làm lợi ích cho thế gian, vì lòng từ bi đến thế gian mong muốn tạo hòa bình cho thế giới. Các Bồ Tát quyết tâm:’ Chúng ta dẽ phải là nơi trú ngụ cho thế gian, nơi che chở cho thế gian, nơi tạm nghỉ của thế gian, nơi an nghỉ cuối cùng của thế gian, là những hòn đảo cho thế gian, ánh sáng cho thế gian, người lãnh đạo thế gian, phương tiện giải thoát cho thế gian,’”(4)



Ngày xưa lý tưởng Bồ Tát xuất hiện ra đời một phần là do áp lực xã hội thời đó đối với tăng đoàn, nhưng phần lớn là do phương pháp tu tập tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả), huấn luyện chư tăng không được phân biệt chính họ với tha nhân. Như qua đoạn văn trên cho thấy Phật giáo đưa ra hai phương pháp tu tập tư duy theo đó sẽ cảm thấy giảm bớt từ từ đi những ý nghĩ riêng tư về cái gọi là bản ngã. Một phương pháp là nuôi dưỡng tình cảm xã hội, hay thông cảm về sự vật chẳng hạn như tình thân ái và từ bi tâm. Còn phương pháp khác đặt nặng vào tu tập tinh thần, trui luyện ý chí để có thói quen xem những việc làm, suy nghĩ, cảm xúc của người khác do tác động hỗ tương giữa những lực phi nhân cách với môi trường xung quanh – theo đó giảm bớt dần đi những lối nghĩ như là “tôi”, hay “của tôi” và “chính tôi”.


Trong khi đó tu tập Thiền sẽ không còn phân biệt ta và người, thu nhỏ dần dần tiểu ngã lại vì mọi vật đều không, nhưng đồng thời phát huy không giới hạn tinh thần đại ngã, là cảnh giới của Bồ Tát.


Sau đây trích dẫn một đoạn rất nổi tiếng trong kinh Kim Cương để giải thích sáng tỏ thêm cho quan điểm Bồ Tát Đạo:


“Này ông Tu Bồ Đề (Subbuti) Bồ Tát nên nghĩ như sau: “Có vô số sự sống trong thế giới hữu tình này – chúng có thể là noãn sinh, hay thai sinh, hay ẩm ướt sinh, hay hóa sinh; có hình dạng hay không có hình dạng; có suy tưởng hay không có suy tưởng, hay không có suy tưởng lẫn cả suy tưởng – ngay cho đến mọi tưởng tượng về thế giới hữu tình đã được biết đến. Ta sẽ phải dẫn dắt tất cả vào Niết Bàn, vào cảnh giới vô dư y niết bàn. Tuy nhiên, mặc dù vô số vật hữu được dẫn vào niết bàn, thực ra không phải mọi vật hữu tình đã vào niết bàn. Tại sao vậy? Bởi vì Bồ Tát còn có ý nghĩ suy tưởng về “vật hữu tình” thì người đó chưa được gọi là “bậc chánh giác” (=Bồ Tát) (5)



Mẫu người lý tưởng Bồ Tát là hiện hữu kết hợp bởi hai lực mâu thuẫn lẫn nhau đó là Trí Tuệ và Từ Bi. Với trí tuệ Bồ Tát nhìn vượt lên trên sự hiện hữu con người với xác thân phàm tục, nhưng với lòng từ bi Bồ Tát quyết tâm cứu con người. Khả năng Bồ Tát là kết hợp những hình thái mâu thuẫn này lại với nhau, đó là nguyên động lực vĩ đại thúc đẩy Bồ Tát phát huy năng lực cứu chính mình và tha nhân.


Vứt bỏ lòng tham cho chính mình hoặc cho bè phái để chuyển hoán thành đại nguyện bồ tát mưu cầu sự an vui cho mọi người không phải là điều dễ. Phật giáo tin rằng mỗi người đều có tiềm lực lớn lao” ngã tức vũ trụ”, là những Bồ Tát hay vị Phật sẽ thành, có khả năng tự chuyển hoán cái gọi là “Nghiệp” (tiếng Sankrist gọi là Karma) xấu thành tốt, đang ngụp lặn trong biển mê trong thế giới ngã quỷ, súc sinh, Atula thăng hoa vào thế giới của Bồ Tát hay Phật. Đó chính là tâm Đại Hùng, Đại Từ Bi tự cứu mình và giúp người đang “Phong trần thất thểu làm thân khách, muôn dặm xa quê cuộc viễn trinh” vứt bỏ màn vô minh đến bờ giác ngộ, để trở về căn nhà thực sự của chính mình.


Do đó người hiểu tin Phật giáo tích cực tu tập Thiền can đảm nhìn thẳng vào chính mình sửa sai những khuyết điểm, dùng tâm trí tuệ soi sáng tâm thức để bông hoa “Chân Tâm” nở tung trở thành Địa Dũng Bồ Tát xuất hiện trên thế gian trong sứ mạng giúp đời cứu người. Cải tiến bản thân tức là đang làm cách mạng nhân bản và lành mạnh hóa xã hội. Vì con người và hoàn cảnh xã hội là một. Có quan điểm cho rằng con người là sản phẩm của xã hội hoặc nghịch lại. Theo Phật giáo con người và môi trường sống tương sinh lẫn nhau, bổ túc lẫn cho nhau. Nếu con người sống trong cảnh giới của Duyên giác, Bồ tát luôn luôn lạc quan, yêu đời, vị tha, hòa bình thì tất nhiên môi trường sống của người này sẽ hoàn toàn khác hẳn với người đang sống trong lục đạo luôn luôn bi quan, tuyệt vọng, hận thù, chiến tranh. Trong thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21, mỗi con người không chỉ là công dân một quốc gia mà còn là công dân địa cầu có nghĩa vụ bảo tồn tài nguyên, duy trì đời sống sinh vật trên mặt đất, đóng góp sáng tạo phát huy tư tưởng cho kho tàng trí tuệ của loài người.


Cho nên mỗi cá nhân dũng mãnh tự thay đổi nếp tư duy, cách hành động, cư xử đương nhiên chúng ta đang đốt sáng ngọn đuốc trí đức từ ngàn xưa, gián tiếp chuyển hoán, dẹp tan và đẩy lui những thế lực hận thù, độc tài, bạo lực và vô minh còn đang ngự trị và thay vào đó nền văn minh mới, một xã hội đầy tình người, có tuệ trí, tự do và dân chủ.

Chú thích:

(1) Trích từ “A Tì Đạt Ma Cụ Xá Luận” quyển thứ 12, Đại Tạng Kinh quyển thứ 29, trang 63.

(2) Đoạn này trích từ “Đại Niết Bàn Kinh” quyển 546, Đại Tạng Kinh quyển 7, trang 810.

(3) Đạo Đức Kinh Chương thứ 7, “Thị dĩ thánh nhân, hậu kỳ thân nhi thân tiên”

(4) Trích từ kinh “Đại Bát Nhã” quyển 548, Đại Tạng kinh quyển 7, trang 821.

(5) Kinh Kim Cương nguyên tựa là “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh” do ngài Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, và Edward Conze dịch sang Anh văn.


Tùng Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Học Phật