TÌNH VÀ LÝ - Nguyễn Trần Ai

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 140263)
balance_libra-content

Khi mới học Phật, đọc những mẩu chuyện về ngài A Nan tôi rất xúc động, thán phục chân tình tận tụy suốt một đời của ngài đối với Đức Phật. Thế rồi có lẽ trong thâm tâm cứ mong mỏi mãi, tình cờ tôi gặp được môt pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng cao 20 phân tây, đứng trên tòa sen, tay phải nắm lại (kim cang quyền ấn?), tay trái ôm lấy nắm tay phải để trước ngực hơi lệch sang một bên. Tôi hỏi người bán đó là tượng vị nào, người bán cũng không biết. Nhưng đối với tôi đó là “ngài A Nan của tôi”. Tôi cố nài mua (có lẽ phải nói là “thỉnh” mới đúng nhưng con buôn chỉ bán chứ không cho thỉnh) bằng được và đặt tượng cạnh tượng Đức Phật Thích Ca từ dạo ấy đến nay, hàng ngày đảnh lễ.


Đọc sách chỗ nào nói đến ngài A Nan là tôi đọc kỹ.


Giai thoại dưới đây làm tôi suy nghĩ mãi.


Ngay đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm có ghi cuộc đối thoại giữa hai thầy trò.


 Thế Tôn sắp vào Niết bàn, ngài A Nan hỏi Phật: “Khi kiết tập kinh điển mở đầu các kinh, nên để câu gì?” Phật dạy nên để câu: “Tôi nghe như vầy: Một hôm...”, vì thế nên lấy câu ấy làm thông lệ cho các kinh.


 Ngài A Nan lo xa đến thế mà vẫn bị ngài Ca Diếp hạch hỏi đến nơi


 Tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả A Nan kết tập kinh tạng và được đại chúng nhất trí. Tôn giả A Nan lần lượt kết tập các kinh sau đây: Tăng nhất, Tăng thập, Đại nhân duyên, Tăng Kỳ Đà, Sa môn quả, Phạm Động và những kinh Phật thuyết giảng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chư Thiên và nhân loại. Những kinh dài kiết tập thành một bộ gọi là Trường A Hàm, những kinh trung bình kết tập lại thành một bộ gọi là Trung A Hàm. Những kinh nói cho nhiều đối tượng như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và chư Thiên kết tập thành một bộ gọi là Tạp A Hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười một pháp kết tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A Hàm. Ngoài ra tập họp các kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạp Tạng.


Thế rồi, tôn giả Ca Diếp tuyên bố: “Từ nay chúng ta đã kết tập giáo pháp hoàn tất. Từ nay trở đi, những gì Phật không chế định thì không được tùy tiện chế định, những gì Phật đã chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì Phật đã chế định”.


Tôn giả A Nan bấy giờ thưa với tôn giả Ca Diếp: “Chính bản thân tôi từng nghe Phật dạy rằng: Sau khi ta Niết bàn, nếu thấy những giới nào có tính cách nhỏ nhặt, các ngươi có thể loại bỏ”.


Ca Diếp liền hỏi: “Thầy cho những giới nào là nhỏ nhặt?”


A Nan đáp: “Không biết”.


- Vì sao không biết?


- Vì tôi không hỏi Thế Tôn.


- Vì sao không hỏi?


- Vì bấy giờ thân Phật đang bất an, sợ làm náo loạn Ngài.


- Vì thầy không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy, nên phạm tội Đột cát la, phải tự mình nhận tội và sám hối.


- Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính giới mà không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy nhưng vì sợ làm phiền Đức Thế Tôn, nên không hỏi. Trong vấn đề này, tôi không thấy mình phạm tội, nhưng vì kính trọng và tin tưởng Đại đức, nên tôi xin sám hối.


- Khi thầy vá y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng chân đạp lên y, do đó, phạm tội Đột cát la...(nt).


- Thưa Đại đức, không phải là tôi không kính trọng Phật, nhưng vì lúc đó không có ai cầm y nên tôi phải dùng chân đạp lên y để vá...(nt).


- Thầy đã ba lần cầu xin Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia trong chánh pháp, nên phạm tội Đột cát la...(nt).


- Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính pháp, nhưng vì bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di từng nuôi dưỡng Thế Tôn đến trưởng thành, rồi Ngài đi xuất gia mà thành Chánh giác. Công ơn ấy cần phải báo đáp, nên tôi mới ba lần cầu thỉnh Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia...(nt).


- Khi Phật sắp nhập Niết bàn đã hiện tướng nói với Thầy rằng: Nếu người nào đạt được bốn thần túc, muốn giữ thọ mạng một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể làm được, Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng thiền định, và đã ba lần hiện tướng nói với thầy như thế mà thầy không cung thỉnh Phật trụ thế một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nên phạm tội Đột cát la...(nt).


- Thưa Đại đức, không phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ thế lâu dài, nhưng vì ác ma Ba Tuần che mờ tâm trí của tôi, nên tôi không thưa thỉnh... (nt).


- Ngày xưa, Phật đã ba lần nhờ thầy đi lấy nước cho Phật uống, mà rốt cuộc thầy không dâng nước cho Phật, nên phạm tội Đột cát la...(nt).


- Thưa Đại đức, không phải là tôi không dâng nước cho Phật, nhưng vì bấy giờ có 500 chiếc xe vừa đi qua phía trên dòng sông khiến cho nước đục sợ uống vào sinh bệnh, nên tôi không lấy nước cho Thế Tôn...(nt).


- Thầy đã cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước mọi người, nên phạm tội Đột cát la...(nt).


-Thưa Đại đức, không phải tôi muốn cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước nhưng vì trời sắp tối, họ vào thành không kịp, nên tôi mới cho phép...(nt).


Từ giai thoại trên đây, có thể rút được nhiều bài học.


Thứ nhất, tinh thần bình đẳng dân chủ trong Phật giáo được thể hiện ngay từ khởi thủy. Tuy tôn giả Ma Ha Ca Diếp là người đứng đầu Tăng Già sau khi Đức Phật nhập diệt, ngài A Nan vẫn được phép cãi lại từng điểm một. Tôn giả Ca Diếp cũng chấp nhận cái quyền này của ngài A Nan. Như thế lại còn cho thấy không có cuồng tín trong Phật giáo. Không phải tôn giả Ca Diếp là cấp trên mà tôn giả A Nan phải nhắm mắt tuân theo.


Một bài học nữa là hai vị, mỗi vị đều giữ đúng vai trò của mình. Tôn giả Ca Diếp trong cương vị lãnh đạo cộng đồng đã chứng tỏ tinh thần trọng pháp. Ngài thuộc luật và hành sử như một quan tòa nghiêm khằc, không bỏ qua một tội nào. Nhưng ngài là quan tòa không cay nghiệt, biết phục thiện, biết xử đoán không chỉ hợp lý mà còn hợp tình.


Điều đáng ghi nhớ là trong khi tôn giả Ca Diếp dùng lý thì tôn giả A Nan dùng tình. Tất cả các điều tôn giả Ca Diếp quy trách tôn giả A Nan phạm phải đều là vì tình cảm. Đối với ngài, con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được, như Pascal đã nói (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point). Cuối cùng thì tình đã thắng lý và tôn giả Ca Diếp cũng đành miễn tố hay miễn nghị, ngôn từ pháp lý của Pháp gọi là “non-lieu”. 


Tôn giả A Nan còn một “tội” nữa cũng bị tôn giả Ca Diếp khiển trách. Tôi đã thuật lại vụ này trên Trúc Lâm số 35, trang 20:


Có thuyết nêu lên tranh chấp giữa A Nan Đà và Ma Ha Ca Diếp. A Nan Đà như là trưởng ban nghi lễ thấy dân Malla đến chiêm bái thi hài Đức Phật rất đông, các phụ nữ ở xa không chen vào được, ông ra lệnh mở đường cho họ đến gần. Ai đến được cũng cúng dường, duy có một bà già nghèo quá không có gì để cúng dường, bà khóc lóc thảm thương, nước mắt bà làm hoen chân Đức Phật. Vì vậy ông Ma Ha Ca Diếp nhận thấy ngay và trách ông A Nan Đà.


Ở đây, tôi muốn biện hộ cho ngài A Nan. Đã là Phật thì còn có gì có thể làm ô uế được nữa. Hơn nữa, nước mắt chân tình của một bà già nghèo thì rửa chân ai cũng phải sạch chứ sao lại làm hoen được? Dù có hoen thì Đức Phật đâu có chấp.


Nhưng cũng có khi vì bảo vệ Đức Phật, ngài A Nan lại tỏ ra cương quyết. Xin xem lại Trúc Lâm số 34, trang 9:


Lúc ấy có đạo sĩ Bà la môn Tu Bạt Đà La (Subhadra/Subhadda) gần 100 tuổi, là người đang nhiệt thành tầm sư học đạo, trong lòng còn điều nghi ngờ, nghĩ rằng sau khi Đức Phật bát niết bàn rồi thì không còn ai có khả năng giải quyết mối ngờ cho ông, bèn lách vào xin A Nan Đà cho vào tham vấn Đức Phật. A Nan Đà không cho, nói rằng Đức Phật đang mệt lắm, không phải là lúc giải đáp cho ông. Đức Phật nghe tiếng, bảo cứ cho vào vì biết ông là người thành tâm thiện chí.


 May cho ông Tu Bạt Đà La là lúc đó Đức Phật nằm ngoài trời trong rừng cây tha la. Phải như Đức Phật nằm trong phòng gắn máy điều hòa không khí kín bưng thì làm sao nghe được lời yêu cầu của ông.


Một chi tiết nữa là bản chất hiền hòa, khiêm nhường, không chấp ngã của tôn giả A Nan. Trong sáu tội đột cát la mà tôn giả Ca Diếp buộc cho ngài, ngài chỉ không nhận có một tội nhưng vẫn chịu sám hối “chỉ vì kính trọng và tin tưởng Đại đức”, vì tôn trọng tôn ty trật tự mà xã hội nào cũng cần để có thể sinh hoạt trong lục hòa. Năm tội còn lại, ngài không chối là vô tội, chỉ biện bạch lý do “phạm tội” của ngài.


Lý thú là về sau tôn giả Ca Diếp được coi là sơ tổ Thiền tông vì tích niêm hoa vi tiếu, tôn giả A Nan lại là nhị tổ.

 


Nguyễn Trần Ai




Vài lời mạn đàm về Tình và Lý



Đọc bài Tình và Lý ở trên, ta thấy ngài Ca Diếp tượng trưng cho Lý và ngài A Nan tượng trưng cho Tình. Ca Diếp và A Nan đều vĩ đại như nhau, nhưng A Nan rất gần gũi với chúng ta qua những tình cảm rất “người” đầy cảm thông và lòng từ ái. Mỗi người đều có một ưu điểm riêng, như những đại đệ tử của Phật đều có những đặc điểm riêng, “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”, nhưng tất cả đều có một đức tính chung là mọi nói năng, hành động đều trong tinh thần Vô Ngã hoàn toàn.


Nói đến Lý và Tình, Lý là nguyên tắc, nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn thì cần phải biết uyển chuyển tùy duyên theo những tình huống phức tạp do tình cảm của con người tạo ra. “Con tim có những lý lẽ riêng của nó”, mà trong những hoàn cảnh nào đó cách giải quyết theo Tình lại trở thành đúng hơn là áp dụng theo lý lẽ cứng ngắt. Nói cho cùng, những luật lệ hay khái niệm về trái và phải do con người đặt ra, thì cũng có thể do con người mà biến đổi.


Ngài A Nan là một người có nhiều tình cảm, có trái tim nhân hậu, có thể nói giữa ngài và Đức Phật có một tình thương rất gắn bó như giữa cha và con vậy. Có thể chính mối tình cảm quyến luyến này lại là một chướng ngại cho sự chứng ngộ, nên tuy ngài ở gần bên Đức Phật biết bao nhiêu năm, mà vẫn không đắc được quả A La Hán. Chúng ta hãy tưởng tượng tâm trạng của ngài lúc Đức Phật nhập Niết Bàn, chắc hẳn là rất bơ vơ và tràn đầy đau thương. Quả nhiên, khi Đức Phật không còn đó nữa, ngài chẳng còn ai chỉ bảo bằng những lời lẽ dịu dàng để nương tựa, mà chỉ nhận lãnh những sự khiển trách nghiêm khắc của huynh trưởng Ca Diếp.


Thế nhưng ngài Ca Diếp có thực là con người chỉ biết đến Lý, và không biết đến Tình không? Có phải chỉ những lời ái ngữ dịu ngọt mới biểu lộ được thế nào là Tình chăng? Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Chính sự thúc ép của ngài Ca Diếp đã là một động lực khiến A Nan chỉ trong một đêm đã chứng được quả A La Hán. Đó chẳng phải là một loại tình thương biểu hiện dưới một dạng cao cả nhất đó sao? Loại tình thương như thế sau này cũng đã được thể hiện lại qua những phương cách khai thị độc đáo của các vị thiền sư đối với truyền nhân của mình, như Đạt Ma đối với Huệ Khả, như Hoàng Bá đối với Lâm Tế v.v… bằng những thái độ lạnh lùng, những lời nói phũ phàng, hay bằng những cây gậy giáng xuống như trời đánh, mà sau này chính các vị truyền nhân có ơn phước nhận lãnh những cú roi vọt ấy mới cảm nhận được tình thương sâu xa trong đó mà ghi khắc trong tim cho đến suốt đời.


Tình và Lý bao giờ cũng phải cân bằng với nhau, dù trong cuộc sống thế gian hay xuất thế gian cũng vậy. Nếu Lý là điểm tựa để cho có được cái nhìn sáng suốt và khách quan với mọi sự, thì Tình là chất liệu để làm cho cuộc đời thăng hoa đến chỗ hoàn mỹ. Lý tưởng nhất, Tình và Lý phải là một với nhau, trong Lý đã bao hàm lẫn Tình, và trong Tình đã bao hàm lẫn Lý.


 Trên phương diện thế gian, một vấn đề nan giải giữa Tình và Lý phải nên được suy xét và giải quyết theo lý Nhân Quả. Nếu làm theo Lý mà có thể gây ra những hệ quả không tốt thì cái Lý ấy không còn giá trị của nó nữa. Người Mỹ có câu nói rất hay: "You have the right to do it, but it is not right to do it." (Bạn có quyền làm điều đó, nhưng làm điều đó là không phải).


 Trên phương diện Đạo, Lý làm cho Đạo siêu việt, nhưng Đạo không thể được phổ biến nếu không đặt nền tảng trên Tình có sẵn tiềm tàng nơi con người . Tu không phải là dứt hết các tình, bởi vì con người không có tình chẳng khác nào gỗ đá cỏ cây, nhưng sự khác biệt giữa một đạo nhân và một kẻ phàm phu là người đã hiểu đạo có thể chuyển được tình, thay vì bị tình chuyển. Giữa biển ái mênh mông dậy sóng, người hành giả cô đơn vẫn ung dung trong chiếc thuyền nan nhỏ bé, thay vì ngụp lặn giữa dòng …


Nói cho cùng, tất cả đều khởi đi từ một bến Không như nhau.


Ngọc Bảo


(Mùa hè, tháng 6-2009)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc