- Những phút cuối đời

12 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 6390)




NHỮNG PHÚT CUỐI ĐỜI


 LỜI GIỚI THIỆU


 

Sau chuyến du hành dài từ miền Bắc trở về , tuy đã mang những chứng bệnh làm ông đau đớn khổ sở nhưng như ông đã nói tâm hồn ông “ nặng mây và gió “nên ông vẫn tiếp tục lang thang trên đường vô định như không cần màng đến nơi nào là nơi dừng chân vĩnh viễn . Vì ông biết trên chốn nhân thế này không nơi nào là nơi vĩnh viễn.

 

 ”Không có nơi nào là của tôi cả “ 

 

 

 Basho trở về đến quê hương ở Ueno vào tháng mười một năm 1689 sau hành trình lên miền Bắc hiểm trở, Ông hoàn toàn kiệt sức và yếu đuối vì sức khỏe đang suy sụp . Nhưng vài tháng sau vào đầu tháng giêng 1690 , ông lại lên đường cùng người bạn Rotsũ ; lần đi này để dự lễ Thần Đạo nổi tiếng của đền Kasuga ở Nara. Đến đầu tháng hai ông đã ở Kyoto thăm người bạn Kyorai và từ đó ông đến làng Zere trên bờ hồ Biwa vào ngày đầu năm ( ngày 9 tháng hai âm lịch) , ông được nhiều môn sinh đón tiếp trọng thể .Vài ngày sau để Rotsũ ở lại , ông quay về Ueno một mình , trong suốt ba tháng sau đó ông tham dự tiệc mừng và các cuộc hội họp đàm luận hài cú .


Cũng trong thời gian này ở Ueno ông bắt đầu khởi xướng nguyên tắc thơ karumi (nhẹ nhàng) , hối thúc những người đi theo ông “tìm cái đẹp trong ngôn ngữ bình dị, đơn giản , không cầu kỳ”, bằng cách quan sát thật kỹ những sự vật bình thường trong cô đơn hiện sinh đầy Thiền vị (sabi) và vẻ đẹp tự nhiên thanh cao, không cầu kỳ (shibumi) , đó là những đặc điểm của các tác phẩm cuối đời của ôn.


 Cuộc đời của ông đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Wabi , một nguyên tắc vừa luân lý vừa đẹp đẽ lại gợi lên sự phong phú thanh cao của tâm linh ngay trong đời sống nghèo nàn vật chất , cùng một lúc với sự cảm nhận sâu xa tất cả những cái gì cũ xưa , khiêm tốn , giản dị . Những năm sau cùng đó, hài cú của ông đến tột đỉnh khả năng của thi tài , cả một đời học hỏi tận tụy đã đưa ông đi một vòng trọn vẹn để trở về với một nghệ thuật thơ đơn giản ý nghĩa nhất trong sự tự nhiên toàn hảo không thể bàn nghĩ được.


Vào khoảng đầu tháng Năm , ông quay về Zere , nơi mà các môn sinh của ông đã sửa sang một căn chòi nhỏ vinh danh ông đặt tên là Genjũ-an ( cái chòi ma) . Khi dọn vào chòi ông viết :


Tiếng vang trong chòi ,

 thì cũng như tôi ,

là cây sồi già . 


  

Cái chòi trên lưng đồi sau chùa Ishiyama, từ đó ông thưởng thức phong cảnh bao quát cả mặt hồ Biwa và con sông Seta . Trừ mười ngày đi với Kyorai đến Kyoto , trong bốn tháng liền ông ít khi rời nơi ẩn dật . Khi sắp lìa đời , ông viết một đoản văn về cái chòi ma có phần kết luận


” Cuối cùng , dù là không có tài cán gì cả , tôi đã dâng hiến hoàn toàn cho thơ . Lý Bạch đã cố công đến kiệt lực vì sáng tác, Đỗ Phủ thà chịu đói hơn là xao lãng nguồn thơ . Cả về văn và trí thông minh của tôi không thể nào so sánh được với hai vị đó . Tuy nhiên cuối đời chúng ta đều cùng sống trong cái chòi ma .”


Gần cuối tháng Tám năm 1690 , ông dời đến một cái chòi rơm khác cạnh bờ hồ , trên khuôn viên của một ngôi chùa Phật Giáo . Có lẽ vì thấy sức khỏe đã suy nhược , lần này ông ở gần với các môn sinh để họ chăm sóc . Ở đó cho gần hết tháng Mười ông quay về Ueno một lần nữa.


Khi sức khỏe khá hơn ông đến Kyoto vài lần nữa và cùng một số bạn đàm đạo hài cú . Cuối mùa xuân 1691, ông dọn đến căn chòi ở Kyoto mà Kyorai đã sửa sang cho ông . Bao quanh chòi có trồng những cây hồng quả nặng chĩu và cả những lùm tre đã cho ông nhiều cảm hứng như bài thơ :

 

Con chim cu

hót trong lùm tre

ánh trăng sáng ngời


 Ở đó suốt hơn một năm là thời gian ông sáng tác những đoản văn cuối cùng  Saga nikki (Nhật Ký Saga ) . Tuy vậy ít khi ông ở một mình mà luôn luôn có người bên cạnh như Kyorai và người bạn Bonchõ . Đôi khi ông cũng ở nhà Bonchõ hàng tháng vì Bonchõ lo chuẩn duyệt thi tập hài cú Sarumino ( Áo mưa của con khỉ ) và luôn luôn cần sự chỉ dạy của ông . Ngày 20 tháng Bẩy năm 1691, ông dọn đến một cái chòi mới khác trên phần đất của chùa Gichũ , gần chòi Genjũ mà ông đã ở trước đó. Cái chòi mới tên Mumyõ-an ( Am Vô Danh ) là nơi ông thích nhất . Đặc biệt ông ưa thích cảnh núi non đồng ruộng của đồng bằng Iga.


Lưng đồi cuồn cuộn mù sương,

dưới vầng trăng khuyết ,

ruộng vườn sương mây .


Theo thơ cổ Trung Hoa và cả trong thơ Nhật ẩn ngữ gối chăn bằng hình dung từ “mây và mưa” để nói bóng gió về sự ân ái, ông cũng hay dùng nhưng để tả ảo tưởng mập mờ về luyến ái giữa đồng ruộng và thức ăn mà nông dân tạo ra . Đặc biệt vào phút cuối của Bashõ là từ khởi đầu đến kết luận ông tả sự vật đơn giản mà ẩn trong đó là những gợi cảm vô cùng phong phú .


Ve sầu kia khóc với than

qua lùm tre rậm bóng trăng xế buồn

 

Mùa hè một buổi rạng đông

bàn tay ta vỗ tiếng vang khắp miền


Ba năm sau khi trên giường bệnh tưởng chết , ông dặn dò chôn ông ở Am Vô Danh . Ông ở lại đó đến cuối tháng Một ; khi đã cảm thấy khỏe ông quay về Edo nơi mà ông đã xa suốt hai năm rưỡi.


Một tháng sau khi đến Edo với người bạn đồng hành , ông dọn vào nhà trong quận Nihinbashi mà không ngụ nơi chòi ở Fukawaga có từ khi mới bắt đầu du hành . Trong những đoạn văn mở đầu cho những bài hài cú khi trở về , ông viết :


“Không có nơi nào là của tôi cả. Tôi đã du hành sáu bẩy năm chịu bao nhiêu thống khổ và bệnh hoạn Những kỷ niệm của bạn cũ và các môn sinh cùng những tiếp đãi nồng hậu lôi tôi trở về Edo .”


 Nhưng mọi sự không được êm ả. Bashõ tuyệt giao với một vài môn sinh cũ vì họ đã không chống nổi với tham vọng. Ông bất mãn với họ trong phần mở đầu của một bài hài cú có câu liên kết:


Đáng ra là phải màu xanh

Ớt nay sao đổi ra thành đỏ tươi.


Ông viết cho người bạn ở Zere vào mùa xuân 1692 than thở rằng :


” Tôi thấy khắp nơi trong thành phố này người ta làm thơ để đoạt giải hoặc để được chú ý, anh thử tưởng tượng xem họ viết cái gì ! Tất cả những gì tôi nói với họ rồi cũng trở thành chua chát , vì vậy tôi phải làm như không nghe gì cả ” .


Thế là ông bỏ không dự tục lệ ngắm anh đào nở và buông lời đắng cay :


” Tất cả những nơi danh tiếng của mùa anh đào nở thì quá ồn ào toàn những kẻ tham lam đuổi theo danh vọng ” .


 Lại một lần nữa ông nghĩ đến rời bỏ thế giới thi phú , ông viết :


” Tôi cố gắng theo “Đuờng lối Phong Nhã” ( fũga-no-michi) và ngưng không làm thơ nữa , nhưng điều gì đó vẫn khuấy động trong tâm trí tôi như một trò ảo thuật vậy”.


Tháng Năm năm 1692 , bạn hữu và các môn sinh dưới sự điều khiển của Sora và người chủ cũ là Sampũ xây xong cái nhà thứ ba cho Bashõ tại cửa sông Sumida , và mời thi sĩ dọn vào . Những tháng sau đó ông sắp xếp chọn lọc những hài cú đã viết trên chuyến du hành và tiếp đón một vài người bạn từ xa đến hoặc những người bạn mà ông đã gặp trên đường du hành . Cuối năm đó lại một lần nữa ông bận bịu với trách nhiệm giao tế và tiếp đón các môn sinh , Ông than phiền là không tìm được sự bình an.


 Mặt con khỉ ngày qua ngày ,

 Mang mặt nạ khỉ từng ngày vẫn mang


Trong thời gian này, người cháu của thi sĩ là Tõin đang sắp chết vì bệnh lao, Bashõ chu cấp nơi ăn chốn ở và vay mượn tiền để thuốc thang cho cháu . Cùng lúc đó ông cũng cưu mang người đàn bà tên Jutei với ba đứa con của nàng , mặc dầu sự liên hệ của họ không rõ ràng . Jutei có thể là người tình xưa của Bashõ, trước khi trở thành một ni cô. Nhưng rõ ràng là Bashõ không phải là cha những đứa trẻ , khiến cho một vài vị học giả đã cho rằng Jutei là vợ của Tõin . Dẫu trong trường hợp nào , thi sĩ cũng đã vay mượn để lo cho Jutei và ba đứa con của nàng . Mùa xuân năm 1693, Toĩn chết trong am Bashõ , một thời gian ngắn sau thi sĩ quay về Ueno .


Bashõ rơi vào tình trạng vô cùng buồn nản sau cái chết của Tõin . Có lẽ ông đã cảm thấy cái thế giới vô thường sau cái chết của người cháu trẻ . Nên ông than vãn


 “ quá phí phạm những thì giờ chuyện trò phù phiếm với những người lui tới thăm viếng


Nhưng ông vẫn bắt buộc phải dự và đóng góp trong những buổi hội họp hài cú để có tiền trả nơ ïï. Những cơn sốt lại đến làm ông vô cùng đau khổ vì chứng đau đầu kinh niên , cơn sốt rét kéo dài hết cả mùa hè cho đến tháng Tám thì ông đóng cửa không tiếp khách. Ông ẩn dật như vậy suốt hai tháng sau đó lại dần dần xuất hiện trong những buổi hội họp văn chương khi sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần của ông đã bắt đầu hồi phục.


Đầu năm 1694 , ước vọng lãng du lại nổi lên với Bashõ lần nữa . Một đàng thì từ lâu ông muốn làm một chuyến hành trình lớn đi thăm Shikoku và Kyushu như cuộc du hành lên miền Bắc trước kia, một đàng ( theo một lá thơ ông đã viết ) nhận biết ngày cuối gần kề. Ông định lên đường vào tháng Tư , nhưng chương trình cứ trì hoãn hết tuần nay qua tuần khác vì ông lại bị bệnh với những cơn sốt rét và chứng đau đầu thống kinh niên .


Cuối cùng vào ngày 3 tháng Sáu , con trai của Jutei là Jirõbei cùng Sora đặt nhà thi sĩ yếu đuối lên kiệu và cùng nhau lên đường , để lại am Bashõ cho Jutei và hai con gái cư ngụ .


 Gần hai tuần sau đó Jirõbei và Bashõ đến Nagoya . Cuộc hành trình trong mùa mưa lại càng thêm khó khăn . Sau một đêm tiệc mừng do bạn địa phương đón tiếp và nghỉ ngơi hai ngày lấy lại sức , họ tiếp tục đi đến Ueno. Nơi đây Bashõ rất hài lòng được đón mừng nơi quê quán , nhưng quá yếu để dự những buổi hội hè vui chơi . Những cơn sốt rét và đau đầu kinh niên vẫn không thuyên giảm.


Ở trên giường bệnh mà ăn

bánh dầy khó nuốt , đào đang nở kìa


Sau vài tuần thi sĩ cảm thấy khỏe hơn , họ liền đi thăm miền Õtsu lần nữa , và tiếp tục đi đến Kyoto . Suốt một tháng ở lại đây Bashõ đi thăm các môn sinh và viết những vần thơ liên hoàn, luôn luôn cổ động cho thể Karumi. Ông cho rằng thơ phải khởi lên tự nhiên bằng cách quán xét kỹ càng mọi sự , rồi chúng sẽ tự bộc lộ trong ngôn ngữ thông thường theo lối dùng thật cẩn thận . Tuy hãy còn yếu nhưng tinh thần ông vẫn phấn chấn , mặc dù bị bắt buộc làm tròn bổn phận giao tế của xã hội.


 Giữa mùa hè năm đó Jutei qua đời ; được tin dữ Jirõbei quay trở về Edo . Bashõ trở lại Am Vô Danh ở bãi phía Nam hồ Biwa là nơi ông thích nhất . Rất có thể là tại Am Vô Danh này mà ông đã hoàn chỉnh lại lần chót tập “Con Đường hẹp đi sâu vào miền Bắc”, tập bản thảo đã theo ông đi khắp nơi trong những chuyến du hành cuối , vừa đi vừa duyệt lại và sửa chữa trau chuốt thêm theo mỗi bước chân . Gần cuối tháng Tám ông đi thăm Kyoto lần nữa trước khi dọn đến căn thất do các môn sinh dựng lên sau nhà người anh ở Ueno. Ông dọn vào đúng lúc có bữa tiệc tiếp tân thưởng ngoạn tháng Chín trăng thu.


Gió thu lạnh tái tê ơi

Đào đà cằn cỗi , xin người đừng lay


Vài tuần sau đó Jirõbei trở lại từ Edo , Bashõ cùng bạn , người cháu và vài môn sinh đi Osaka để gặp thêm một vài người ái mộ nơi đó. Trên đường đi họ dừng lại thưởng thức hội hoa cúc . Ngay buổi chiều ngày mới đến Osaka , những cơn sốt nóng lạnh và nhức đầu kinh niên lại tấn công một lần nữa , thi sĩ cảm thấy bị bắt buộc dự những buổi lễ vinh danh ông .


Bụi cây kia cứ lầm bầm

hát đời già đến trong lùm măng non


Ông đã bị kiệt lực và có lẽ Bashõ biết cái chết gần kề ông viết :


 Tuổi già sao đến thu này,

 chim kia bay tận trên mây cao vời .


Joko tức Ranran ba năm trước khi chết gác kiếm hiệp sĩ để theo con đường văn chương và là một trong những môn sinh đầu tiên của Bashõ ở Edo . Khi Ranran chết ông viết :


Trong cơn gió lạnh mùa thu

Gậy dâu tôi chống , thẫn thờ gẫy đôi (59)


Khi trông thấy tượng Bố Đại ông vịnh


 Lòng đây thật những ước ao,

 Bị kia cùng nhốt trăng vào với hoa.


Bị suy yếu với những cơn sốt kinh niên, ông cố phấn đấu duy trì sức lực , tình trạng của ông có phần cải thiện hơn trong tuần lễ thứ hai của tháng mười một . Nhưng đến giữa tháng , thân thể kiệt lực của ông lại bị bệnh tiêu chẩy hoành hành . Ông bị mất nước trầm trọng, gầy hốc hác hẳn đi. Ông hoàn toàn không ăn nữa và đọc chúc thư .


 Thu hết sức tàn ông viết vài lời cho người anh :


 “Rất tiếc tôi sắp bỏ anh , mong anh sẽ sống bình an dưới sự bảo bọc của Phật cho đến già. Không còn gì cho tôi nói thêm ”.


 Rồi ông dặn dò môn sinh về những taap hài cú của ông rằng họ không nên nghe và chờ đợi một lời chỉ bảo nào “ dù chỉ là một chữ thôi “. Rồi Ông bảo họ thắp nhang và viết hộ ông vần thơ cuối cùng : “Thầy các anh sắp ra đi.”


 Chuông chùa đã lắng dần xa

 hương hoa chiều đến tan hòa tiếng chuông


Cho đến cuối đời Bashõ tự cho là mình bị “ vướng mắc trong cái tội “ của nghiệp thi phú .


Bạn lâu năm Bashõ là Kyorai xin sư phụ cho một bài thơ thị tịch (jisei) , ông đáp:


 “ Nếu có người nào hỏi thì xin trả lời là tất cả những bài thơ mỗi ngày của ta là những bài thơ thị tịch “


 Ốm đau trong cuộc hành trình

chỉ là cơn mộng của mình lang thang

 tiêu điều trên cánh đồng hoang


” Viết trong khi tôi bệnh hoạn , đó không phải là bài thơ thị tịch . Nhưng cũng không thể xem đó không phải là bài thơ thị tịch của tôi “. 


Chỉ trước khi chết vài ngày , quá nửa đêm ông cho gọi một môn sinh đến và đọc một bài thơ cuối cùng : “Đây là ám ảnh cuối cùng của tôi” . Nhưng một lần nữa ông lại bị cuốn hút vào sự kỳ ảo của Đường lối Phong Nhã (fugã-no-michi) , và viết bài thơ cuối cùng.


 kìa hoa cúc trắng ngần

 không mảy may hạt bụi

 nở ngay trước mắt trần


 Shiragiku no

 Me ni tatete miru

 Chiri mo nashi


 Nguyên văn dịch:


 ( Hoa cúc trắng ngần

 Nở ngay trước mắt tôi

 Không mảy may một hạt bụi ) 


 

Câu thứ hai lấy toàn bộ từ một bài thơ nổi tiếng của Saigyõ. Ông đã từng làm vài bài thơ trong đó có câu “chiri mo nashi” (không mảy may một hạt bụi) , cho đến bây giờ không rõ đây có phải là bài cuối cùng chăng . Hạt bụi có hay không , ý nghĩa đó vượt xa khỏi Saigyõ trở ngược về những lời dạy pháp của các vị Tổ sư Thiền từ thời xa xưa . “Hạt bụi trên tấm gương” là nền tảng của một công án nổi tiếng của thiền Nhật Bản . Cuối cùng Bashõ trở lại y như lúc khởi đầu : ông là người đi theo, chứ không phải ngụy tạo những dòng thơ Thiền vĩ đại truyền thống của Nhật Bản và Trung Hoa.


Ven theo cạnh cửa tử thần

làm sao cúc lại bất thần nở hoa


Kikaku là bạn cũ và cũng là người nối tiếp chí nguyện của ông đến thăm ông , nhưng vì quá yếu ông không nói được gì nhiều . Ông ngủ hàng giờ . Ngày hôm sau tiếng ruồi vo vo trên khung cửa đánh thức ông dậy , ông cười :” những con ruồi này thích ở cạnh người bệnh ”. Dường như đó là lời cuối cùng , trưa hôm đó ông lại ngủ và thở hơi cuối cùng vào 4 giờ chiều.



Hôm sau , các môn sinh đưa thi hài của ông về mai táng ở Am Vô Danh Gichũji như ý nguyện của ông .



Những lời dạy căn bản mà ông đã truyền lại cho thấy quan điểm của ông trong sáng tác thơ là


 “ Có hai cách : một là hoàn toàn để tự nhiên, trong đó thơ sẽ tự nẩy sinh ra trong chính nó mà hình thành ; cách khác là thông qua sự quán triệt kỹ thuật làm thơ mà sáng tác .”


 Quan niệm về một bài thơ “tự nẩy sinh ra trong chính nó mà thành” đừng bao giờ lầm lẫn cho đó đồng nghĩa với “tự nó khởi sinh ra”. Vì như vậy là trái với giáo pháp Phật : không có gì tự nó khởi sinh ra được.


 Thật ra thơ Bashõ là một sản phẩm tự nhiên của sự quán sát những liên hệ tự nhiên giữa thiên nhiên và nhân sinh , cảm súc của người nghệ sĩ là nắm bắt ngay tức khắc ý tưởng phát hiện (Ưng tác như thị quán ) . Ông quý trọng sự chân thành và mạch lạc , và dạy như sau


 “Hãy đi theo thiên nhiên , trở về với thiên nhiên , hòa cùng thiên nhiên và nhìn đời với con mắt mới mẻ đừng sưởi ấm mùa hạ và quạt mát mùa đông “.


 “Tôi đã chán chường cái tôi của ngày hôm qua!”


Một bài thơ cuối khác có thể là bài thị tịch (jisei) của ông và đời sau xem như một công án .


 Trên suốt con đường này

 Người đi không thấy bóng 

 mùa thu về tối nay


 Kono michi ya

 Yuku hito nashi ni

 Aki no kure


Dịch nguyên văn:


 ( Trên con đường này

 Người đi không thấy bóng

 Mùa thu tối về )


Nghệ thuật của ông đã đi theo con đường “Thơ Đạo” (Kado)  .


Thơ Đạo của Bashõ nói về “Mùa thu” là mùa của thời tiết vạn vật bắt đầu thay đổi còn hàm chứa ý nghĩa “Mùa thu” của đời người là lúc đổi thay cái thân đã vô thường ngay từ khi mới sinh ra .


Thơ của ông biểu lộ chứng nghiệm và giác ngộ của người đã sống đơn giản và thực hành Thiền . Tri kiến của ông đã thành tựu .



CHÚ THÍCH:


(59) Ranran chết ( 1647-1693) vào tuổi “trái dâu” tức vào khoảng 46 hay 48


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Hoa Súng