TIẾNG VỌNG TỪ KHÔNG - Diệu Huyền

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 69117)



Mister Jisai !

What ever you may say,

If you don't hear the sound of one hand

All is the skin of koto.

 

“The sound of one hand” is a koan created by Hakuin. He said in his humorous essay, “Awakening from dream” (Neboke no mezamashi): “Kannon” means to observe a sound. It is the sound of one hand. If you understand this point you will be awaked. When your eyes can see, the whole world is Kannon.


 

Tạm dịch:


Ông Tự Tại!

Ông có nói gì đi nữa

Nếu không nghe tiếng vỗ của một bàn tay 

Tất cả cũng chỉ viển vông như da của cây đàn koto!


 

“Tiếng vỗ của một bàn tay” là một công án của thiền sư Bạch Ẩn. Trong một tiểu luận trào phúng có tựa đề “Tỉnh Mộng”, ngài viết như sau: “Quán Âm (Kannon) là nhận thấy tiếng. Đó là tiếng vỗ của một bàn tay. Nếu hiểu được điều này thì sẽ giác ngộ. Khi mắt đã thấy rồi (khi đã tỉnh giác rồi), toàn thể pháp giới này đều là Quán Âm.”

 

Dùng Quán Âm để nghe tiếng vỗ một bàn tay, hiểu được rồi thì đâu đậu cũng là Diệu Âm, còn không hiểu, có nói pháp đến đâu cũng chỉ là hí luận. Chỉ trong vài dòng ngắn gọn, Bạch Ẩn đã thâu tóm tất cả những ý chính mà ngài muốn nói với chúng ta về công án “Tiếng vỗ của một bàn tay”.

 

Tự Tại (Jisai) cũng là một tên khác của Bồ-tát Quán Âm (như Bồ-tát Quán Tự Tại trong kinh Bát Nhã). Nói đến quán âm là nói đến âm thanh. Thường người ta hay liên tưởng âm thanh như một tiếng động vật chất do một đối tượng nào đó gây ra, hoặc do sự xúc chạm của hai vật thể mà phát tiếng. Nhưng thế nào là âm thanh tiếng vỗ của một bàn tay? Một bàn tay có làm nên tiếng vỗ không? Đi tìm hiện tượng vật chất của tiếng vỗ một bàn tay cũng tựa như đi tìm một cây đàn koto có bọc da, tức là điều không có. Người xưa thường gọi những điều viển vông, không có thật là “lông rùa, sừng thỏ”. Nhạc cụ của Nhật Bản có đàn shamisen và đàn koto. Đàn shamisen dùng da mèo để bọc lại, còn đàn koto (giống như đàn tranh) thì để nguyên phiến gỗ với những dây đàn căng trên phím. Vì vậy, da đàn koto cũng được coi như là môt điều viển vông, là chuyện hí luận, không có thực.

 

Như vậy, làm sao dựa vào một điều không có thực để đi tìm sự thực, hay chân lý? Thực sự ra, công án chỉ là một phương tiện để dẫn đến chân lý, chứ tự nó không phải là chân lý. Công án thường gợi lên những đề tài thật phi lý và phi hiện thực để giúp hành giả phá vỡ những lề lối suy luận hạn hẹp có tính cách đối đãi do thói quen tạo nên. Chính khi khán đến tận cùng sự phi lý của công án đó hành giả mới nhận ra chân lý tuyệt đối tiềm ẩn trong đó không thể nói ra bằng lời.

 

Tham khán công án là trở về với Tâm. Vì Tâm là chủ của vạn pháp, nên trước hết phải hiểu tâm, rồi sẽø hiểu được vạn pháp. Quán Âm không phải chỉ là lắng nghe những âm thanh vật chất ở ngoài, mà còn là nghe âm thanh của chính mình ở trong tâm. Tư tưởng tuy không có tiếng nhưng ta vẫn có thể nghe được vì vẫn còn có tướng. Con người chúng ta thường hay vướng mắc nơi tướng vì tự đồng hóa mình với tướng, và ít khi nhận ra rằng tất cả mọi tướng chỉ là hư vọng. Dù là tướng của hình sắc, hay tướng của âm thanh tư tưởng, nếu bị lôi cuốn theo sẽ dễ đi vào mê lộ. Nhưng nếu trở về với gốc rễ của mọi hiện tượng, thì theo như kinh nói: “Thực tướng của mọi tướng chính là vô tướng”. “Lìa mọi tướng ấy là thấy Phật”, như thế nếu lìa tướng của âm thanh để trở về với gốc rễ bản thể của âm thanh, thì âm thanh vốn không phải là âm thanh, có nghĩa âm thanh thực chính là vô thanh. Nghe tiếng vỗ của một bàn tay tức là trở về với bản thể của âm thanh, không có tướng, cũng chẳng có tiếng. Nhưng dù có tiếng hay không có tiếng, nếu ta còn vướng mắc nơi thanh, nơi sắc thì sẽ không nhận ra được cái rốt ráo của chân lý.

 

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật quở tôn giả A Nan lẫn lộn tánh nghe với âm thanh khi cho rằng tiếng chuông đánh lên thì có nghe, mà khi không có tiếng chuông thì không nghe. Thực sự ra tánh nghe bao giờ cũng có ở đó và mọi nơi, không phải chỉ do tiếng mà khởi lên, cũng không do tiếng mà mất đi. Tánh nghe vốn thường hằng, nên không sanh không diệt, còn âm thanh là có sanh có diệt, có khởi lên rồi có chấm dứt. Hiểu rộng hơn một chút, tánh giác bao giờ cũng tiềm tàng nơi chúng ta qua sáu căn, chẳng phải chỉ khi gặp trần cảnh mới khởi lên, và khi không có trần cảnh thì mất đi. Đức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta chớ nên chạy theo các trần, mà phải trở về bản thể tánh giác diệu minh của mình; không nên trụ theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà trụ nơi tánh thấy biết thuần túy, luôn luôn hằng hữu, không sanh không diệt. 

 

Nhưng khi đã nghe, đã thấy rồi thì buông bỏ thanh, sắc, và luôn cả cái biết buông, bởi vì khi còn ở trong “cái biết và cái bị biết” thì vẫn còn ở trong đối đãi của năng và sở, của chủ thể và đối tượng. Quán âm pháp, theo như lời của Bồ Tát Quan Thế Âm trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, là dùng cái nghe bình thường và nhận thấy trong tánh nghe huyễn hóa của vật chất đó đã có sẵn tánh nghe tuyệt đối từ cội nguồn Tánh Giác bao la, trong đó không còn đối đãi năng sở, không còn thấy có tiếng, có người nghe, tức là không còn chủ thể và đối tượng, tất cả chỉ là một thể Không Giác mênh mang tròn đầy chiếu sáng. Cái Không đó không chứa chấp gì cả, nhưng cũng hàm chứa tất cả. Đó cũng là cái Không vô tướng, vô niệm của trí Bát Nhã, siêu vượt mọi ranh giới của đối đãi, và khi ngộ nhập được tánh Không ấy rồi thì không còn sợ hãi, không còn bị điên đảo với vọng tưởng, và được giải thoát, Tự Tại.

 

Khán công án đến tận cùng rồi thì người khán và công án trở thành một tức là không còn chủ thể và đối tượng, lúc đó không còn thấy công án và đến chỗ buông bỏ công án, cũng như khi hiểu và thâm nhập kinh rồi thì đến chỗ lìa kinh, như bỏ ngón tay để thấy mặt trăng, như thế mới ngộ nhập được chân lý. Và tuy buông Pháp, nhưng lúc đó thấy Pháp ở khắp mọi nơi, như ngài Bạch Ẩn nói: “Khi mắt đã sáng rồi, tất cả đều là Quán Âm”.

 

Buông bỏ tiếng vỗ, buông bỏ bàn tay, chắc lúc ấy tiếng vỗ của một bàn tay sẽ hiển hiện khắp trong pháp giới.



Diệu Huyền


Tháng tám, mùa hè 2006

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chim Hạc