CƠM TRƯA TRONG THƯ VIỆN - Lê Trần

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 141023)



Mến tặng mấy người bạn cùng sở 

Lê Trần  

 

 

Ngày làm việc cuối cùng của năm 2000 …

Bốn người Việt Nam trong thư viện Lauinger vẫn cùng nhau ăn trưa như thường lệ. Lại một năm đi qua cho mỗi đời người ! Bao nhiêu hồi hộp lo lắng trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21 “Y2K” cũng bay đi như gió thoảng.

Thời gian đi nhanh đến nỗi tâm hồn chưa kịp già ….mà tuổi đã chồng chất lên đầu.

Chợt nhớ tới câu thơ của một thi sĩ xứ Liban :

 

J’écoute ce matin un vent prémonitoire

Annoncer des cheveux sur le point de blanchir,

Des voeux en agonie et des peurs en éveil,

Le jaune qui commence et le vert qui finit !

 Fouad Gabriel Naffah

 

 Tạm dịch :

Sáng nay nghe gió báo rằng :

Tóc đen tới lúc điểm sương trắng rồi !

Ước mơ trăn trở ngậm ngùi

Sợ ngày xanh mất, sợ trôi lá vàng!

 

Điểm sương thì tóc bà Lê đã trắng từ lâu. Ước mơ gì thì cũng tàn theo thời gian và vận nước. Ngày xanh đã hết. Những ngày vàng còn lại cũng mong manh như lá mùa thu.


Trong bốn người , bà lớn tuổi nhất. Hơn cô Lệ mười tuổi, ông Tô tám tuổi. Còn ông Phạm hình như cũng xấp xỉ tuổi bà hay kém một hai tuổi. Gần hai mươi năm làm việc cùng nhau trong khuôn viên đại học Georgetown, họ đã chia sẻ với nhau bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, trong sở cũng như trong gia đình của mỗi người. Có đôi lúc vô tình làm phiền lòng nhau, nhưng rồi cũng bỏ qua, chấp nhất làm chi những chuyện thường tình.


Năm tháng qua đi, nhưng ngày nào họ cũng ngồi ăn bữa trưa với nhau ở căn phòng kính nhìn xuống sông Potomac, có con cầu Key vắt ngang, nối liền Georgetown cổ kính với khu kinh doanh Rosslyn đầy nhà trọc trời bên kia sông. Họ chia với nhau những món ăn đầy mùi vị quê hương, kể cho nhau nghe những chuyện xẩy ra trong cộng đồng người Việt ở Virginia, khắp năm châu, trên trời dưới biển….Giản dị chỉ có thế, nhưng niềm vui không cần phải cầu kỳ vàng son mới là niềm vui.


Con cái mỗi người mỗi năm mỗi lớn, học hành đỗ ra trường, đi làm, lấy vợ lấy chồng. Thoáng cái ông Phạm và bà Lê đã thành ông nội bà ngoại ! Cô Lệ có ba cậu con trai, thì hai cậu đã hiển đạt, chỉ còn chờ ngày lấy vợ cho cô lên chức.

 

Hôm nay ông Tô mang ra mời các bà món khô cá sặc. Ông Tô là người Bạc Liêu, gốc Triều Châu. Ông có hai cậu con trai đẹp như tài tử Tầu trong phim chưởng . Ra đời ở Việt Nam nên ông thương Bạc Liêu vô cùng. Món ăn quê mùa thế mà gợi nhớ …Nhớ sông Cửu Long mênh mông chẩy tới Biển Hồ . Nhớ miền Nam phì nhiêu hiền hòa, ngọt mát nước dừa xiêm. Nhớ ruộng đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, dọc ngang sông lạch xum xuê dừa nước, nhóc nhách ôi chao những cá cùng tôm !


Cá sặc là một loại cá nhỏ, mỏng mình nhưng chắc thịt và ít xương. Ngâm nước cho bớt mặn rồi chiên dòn, ăn với cơm trắng nóng hổi thì thật ngon hết cỡ ! Khô cá miền Nam thì nhiều thứ nhiều loại lắm, nhưng ngon nhất vẫn là cá thiều và cá sặc, nướng lên nhậu với rượu đế , có thể nói là tuyệt vời ! Ăn cá nói truyện ẩm thực đặc biệt Bạc Liêu. Ông Tô mơ màng nhớ lại món bún mắm rao trong đêm khuya thanh vắng, khi ông còn là cậu học trò thức trắng đêm dùi mài kinh sử. Nồi mắm thơm lừng trên lò than đỏ hồng ấm áp. Những tô bún lọn nhỏ, dẻo và mềm, ngập trong nước lèo trong vắt, điểm mấy miếng cá béo ngậy, ăn kèm với hoa chuối sắt mỏng, nêm thêm chút dấm và vài lát ớt đỏ. Ăn xong tô bún nóng hổi, đủ vị cay chua mặn chát, cậu học trò như thấy được hồi sinh ! Rồi ông chê bánh cống bây giờ. Gì mà những bột là bột ! Ngày xưa, ở Bạc Liêu, bánh cống chỉ có một lớp bột mỏng chiên dòn, trên đắp hai con tôm đỏ au, bao quanh lớp đậu xanh và lớp thịt ở giữa, vừa béo vừa bùi.

 

Chuyện miền Nam làm bà Lê nhớ lại những món quà Hà Nội ngày xưa, vào những năm trước khi di cư. Bánh đúc sốt trắng tươi rưới mỡ hành xanh, điểm thêm vài lát bánh dầy đậu mầu vàng. Bánh khoai đạm bạc không nhân, chỉ lèo tèo vài miếng mỡ ròn, ấy thế mà càng nhai lâu càng thấy ngọt bùi. Cốm tươi ủ trong lá sen được gánh lên từ làng Vòng trong những cái thúng xinh xinh, mới vén cánh lá lên đã ngào ngạt hương lúa non và hoa đồng nội . Bánh dầy, bánh giò , chả cốm, giò lưỡi mèo mỏng như tờ giấy…ăn hoài không chán. Lại còn ốc nhồi nữa chứ ! Những con ốc vàng óng béo ngậy, thả trong nước cay chua trong veo, ăn vào miệng cứ ròn sần sật , vui như tiếng pháo.


Có những buổi thức khuya học thi, nghe tiếng hàng rọng vọng trong đêm , tự nhiên thấy ấm lòng vô tả. Trời lạnh miền Bắc mà gọi hàng phở gánh đến trước nhà, xì xụp ăn tô phở nóng thơm mùi húng lìu, thấy tỉnh cả người. Hoặc gọi bà hàng bún chả vào nhà, ngồi xệp bên cạnh lò than ngắm bà quạt than nướng thịt, chỉ ngửi đã thấy ngon ! Rồi gánh chè đậu xanh của chú khách với tiếng rao lục tào xá, chí mào phù … Rồi lạc rang nóng ủ trong bao của ông già Tầu, giọng khàn khàn trong gió lạnh : hàn sôi phá sa. à a phá sa….

 

Hết kể chuyện ăn của một thời đã qua, lại lan man nghe chuyện văn nghệ của ông Phạm. Từ khi đi Việt Nam về, lúc nào ông cũng thẫn thờ ngẩn ngơ nhớ tiếng hát quan họ Bắc Ninh . Chả biết nhớ tiếng hát điệu hò hay nhớ người xưa cảnh cũ, mà lúc nào cũng nửa tỉnh nửa mê, người thì ở Mỹ, và hồn cứ phiêu diêu về tận nơi nào! Có hôm ông buồn rầu đưa cho bà Lê xem tấm hình ông chụp lúc hai mươi tuổi, để rồi lại thở than than thở, thương tiếc tuổi thanh xuân oanh oanh liệt liệt . Ông đàn ông hát, ông làm thơ tình. Ông muốn say sưa như Lý Bạch, ngâm bài Tương Tiến Tửu, rồi nổi hứng uống cạn cả một chai cognac ! Ai cũng lác mắt phục tài ! Cũng may, tuy mơ mơ màng màng như vậy, nhưng ngày nào ông cũng nhớ hâm đồ ăn hộ hai bà. Cứ đúng mười hai giờ , ra phòng ăn là cơm canh đã nóng hổi chờ sẵn. Chu đáo quá là chu đáo.

 

Những bữa cơm trưa mà thiếu cô Lệ thì bao giờ cũng sẽ kém phần hào hứng. Cô đến như trận gió, mang lại tin tức bốn phương, từ internet, từ đài phát thanh Ca Li, từ những bàn mạt chược gia đình, từ network bạn bè đông đảo của vợ chồng cô. Chị ơi, tin động trời ….hôm nay ở internet em thấy ..Chị ơi, tội quá, con của bạn em mới 30 tuổi tự nhiên chết…Chị ơi, mừng cho mấy người bần hàn trúng số độc đắc, đúng là trời cho, ở hiền gặp lành…Cứ thế, tin buồn cũng như vui được ào ạt kể như những trận bão nhỏ, làm cho cuộc sống sáng vác ô đi tối vác về thêm sống động và bớt tẻ nhạt.

 

Buổi chiều, lúc ba giờ, hai chị em lại ngồi với nhau trong giờ nghỉ 15 phút. Chuyện đàn bà. Chỉ những chợ búa , giá cả, món ăn. Tết năm nay đến sớm . Rồng đi thì rắn đến . Mới vừa lo xong lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, chưa kịp trở mình, đã phải sửa soạn bánh chưng, giò thủ , dưa hành..! Cô bảo : khi nào chị về hưu , chắc em sẽ buồn lắm. Ngày nào chị em mình cũng gặp nhau, ríu rít như chim, thân như đôi tình nhân !


Nhưng biết làm sao ?! Chiếc xe chạy mãi cũng phải có ngày bị phế thải . Dong ruổi mãi cũng phải có lúc dừng chân . Cuộc đời là một chuỗi những hợp tan tan hợp, có đó rồi lại không, chả có gì vĩnh viễn . Cha mẹ anh em thân yêu là thế, mà còn không giữ nổi, huống chi là những người bạn gặp gỡ trong từng giai đoạn của cuộc đời. Còn gặp nhau thì cứ vui . Vui cho trọn vẹn phút giây hiện có, bây giờ, ngày hôm nay. Ngày mai biết đâu mà tính, tính cũng chẳng được ! Que sera sera ..

 

Đầu năm Tân Tị, sẽ có bữa tân niên đầy đủ bốn người. Sau tháng tư sẽ thiếu ông Phạm, rửa gươm gác kiếm ngay khi trăng tròn vừa độ …65. Bà Lê cũng tuyên bố làm hết năm 2001 là tuyệt tích giang hồ.


Có thể cô Lệ và ông Tô sẽ buồn một thời gian, hụt hẫng thiếu vắng, nhưng dần dà rồi sẽ quên.

 

Một ngày nào đó, năm năm, mười năm sau …. nếu có ai hỏi cô Lệ hay ông Tô : có nhớ bà Lê không ? bà ấy trước làm ở ….Rất có thể hai người bạn cùng sở ngày xưa sẽ vò đầu, gãi tai, tự hỏi : bà Lê ? bà Lê nào nhỉ ?

 

 Lê Trần

 Georgetown tháng 1 năm 2001

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc