MỘT HUYỀN THOẠI MỚI CỦA THỜI ĐẠI - Ngọc Bảo

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 137106)



 steve_jobs Trong những gương mặt thành công của Hoa Kỳ hiện nay, Steve Paul Jobs, người sáng lập nên công ty máy tính điện toán Apple, đã trở thành một nhân vật huyền thoại, không chỉ vì ông đã đem những khám phá mới lạ vào làm thay đổi cả một nền kỹ nghệ điện toán Hoa Kỳ, không chỉ vì cá tính độc đáo và cuộc đời khác thường của ông, mà còn do những lời nói sâu sắc đượm nhiều nét triết lý đạo giáo Đông Phương. Phải chăng trí tuệ hàm chứa trong triết lý nhân sinh quan ấy đã là nền tảng đưa ông đến được địa vị cao xa ngày nay?


 Steven Paul sinh năm 1955 tại California, là một đứa trẻ mồ côi, mẹ ruột là một nữ sinh viên chưa chồng mới tốt nghiệp đại học, đã sắp đặt trước cho đứa trẻ được đem làm con nuôi ngay sau khi chào đời. Steven được ông bà Paul Jobs nhận nuôi. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1972, Steven được gởi đi học tại đại học Reed, nhưng chỉ sau một năm, anh bỏ học lang thang đây đó, chỉ học những môn nào thích mà không có mấy lợi ích thực tiễn.


 Bản tính từ nhỏ thích nổi loạn, muốn thoát ra những khuôn khổ thông thường của xã hội, Steve luôn luôn hướng đến những chân trời mới lạ, thích phiêu lưu mạo hiểm vào trong mọi lãnh vực, dù là trong kiến thức, kinh doanh hay tâm linh. Năm 1974, sau khi để dành được một số tiền qua mấy tháng làm việc với hãng thiết kế video game Atari, chuyên sản xuất những máy chơi game cho các tiệm, Steve đã cùng một người bạn du hành sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Khi trở về, trong căn phòng garage chật hẹp của nhà cha mẹ nuôi, ông cùng một người bạn là Wozniak cộng tác sáng chế ra máy điện toán cá nhân đầu tiên tiện dụng và rẻ tiền, lấy tên là Apple, mở đầu cho một thời đại mới đầy khởi sắc của ngành kỹ nghệ điện toán, mang máy điện toán nhỏ gọn về tận nhà cho người tiêu dùng, thay vì những loại máy computer cồng kềnh mà chỉ có các hãng lớn mới xử dụng được trước đây.


Công ty Apple sau một thời gian phát triển huy hoàng bắt đầu xuống dốc dần do sự cạnh tranh mãnh liệt của các công ty khác, nhất là công ty IBM với máy điện toán cá nhân IBM compatible tiện lợi. Trong ban quản trị của Apple bắt đầu có những bất đồng trong phương hướng kinh doanh, và chẳng mấy chốc, Steve từ địa vị chủ nhân sáng lập ra hãng đã bị đẩy ra khỏi chính hãng của mình, và phải bắt đầu làm lại từ đầu. Ôâng chuyển qua nghiên cứu nhu liệu, thành lập một công ty mới là NEXT chuyên sản xuất những nhu liệu có năng suất cao, và công ty Pixar đi vào ngành điện ảnh với sự áp dụng kỹ thuật điện toán vào phim hoạt họa, cho ra đời phim Toy Story thành công rực rỡ. Vật đổi sao dời, một thời gian sau hãng Apple mua lại NEXT, Steve trở về chốn cũ và xử dụng những kỹ thuật tân kỳ của các công ty mới lập sau này để phục hưng lại công ty đầu tay của mình.


 Mùa hè năm 2005, ông được mời phát biểu cho lễ tốt nghiệp tại trường đại học danh tiếng Stanford. Bài diễn văn của ông đã gây chấn động lớn trong giới đại học, được đăng tải lại trên các báo giáo dục và kinh doanh trên thế giới, cũng như phổ biến trên hệ thống internet. Nội dung bài chỉ nói về những kinh nghiệm cuộc đời của ông, nhưng điều đặc biệt nhất là ông không chúc các tân cử nhân mới ra trường một tương lai giầu sang phú quý như bình thường, mà khuyến khích họ hãy có tinh thần mạo hiểm, dấn thân thực hiện những điều thực sự mong ước dù có phải chịu cực khổ, đói khát hay sai lầm. Lồng trong những lời nói chân tình ấy là sự nhận thức sâu sắc về chân lý của đời sống, như lý nhân duyên, lẽ vô thường trong kiếp sống con người.


 Đời sống của chúng ta được dệt nên bởi những nhân duyên chằng chịt, không có điều gì chúng ta làm mà không để lại những kết quả, hay tác động của nó. Có những điều tưởng như không quan trọng nhưng sau này lại tỏ ra có nhiều ảnh hưởng. Có những lúc tưởng như thất bại, như đã quyết định sai lầm, nhưng rồi lại đem đến những diễn biến tốt đẹp. Như thế mới thấy, họa và phúc đều chỉ là vô thường, tương đối, trong cái phúc đôi khi đã ẩn sẵn mầm họa, và trong cái họa lại đưa đến một chuyển biến tốt đẹp hơn. Steve Jobs đã nói đến điều này trong bài diễn văn của ông như sau:


 “Khi tôi vào đại học năm 17 tuổi, tôi khờ khạo chọn một trường tốn kém ngang với trường đại học danh tiếng Stanford, và cha mẹ nuôi tôi, những người lao động cực khổ, đã phải hi sinh bỏ số tiền lớn cho tôi theo học. Sau sáu tháng, tôi thấy điều đó chẳng đem lại ích lợi gì cả. Tôi không hề biết phải làm gì với cuộc đời của mình, và cũng chẳng hề biết là trường đại học có giúp gì tôi việc ấy hay không. Thế mà tôi nỡ nào tiêu hết số tiền dành dụm cả đời của cha mẹ ở đây. Tôi quyết định bỏ học, tin tưởng rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Lúc đó cũng đáng sợ lắm, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy đó là một quyết định đúng đắn nhất từ xưa đến nay. Sau khi bỏ học rồi, tôi không cần phải lấy những môn học bắt buộc đáng chán nữa, mà có thể theo học những gì tôi thích.


 Đời sống lúc đó chẳng có gì là thơ mộng cả. Tôi không có phòng trong ký túc xá, phải ngủ nhờ dưới đất trong phòng bạn, đi lượm lon bán lấy 5c một lon để trả tiền thức ăn, và mỗi tối chủ nhật phải đi bộ 7 miles đến ngôi đền Hare Krishna để được một bữa ăn ngon. Và phần lớn những gì tôi tình cờ bước vào, do sự tò mò, do trực giác, đã tỏ ra vô giá đối với tôi sau này. Nói thí dụ, trường đại học Reed có dạy môn vẽ mẫu chữ (calligraphy) có lẽ giỏi nhất trong nước. Trong khắp sân trường, những bảng hiệu, những bảng tên trên các ngăn kéo đều được vẽ chữ rất đẹp. Bởi vì tôi đã bỏ học và không phải dự những lớp thông thường, tôi quyết định lấy một lớp học vẽ chữ. Tôi học các loại chữ sérif và sans sérif, học cách thay đổi những khoảng cách giữa các kiểu chữ khác nhau, và học làm sao để vẽ mẫu chữ in thật hoàn hảo. Môn học này thật đẹp đẽ, có tính lịch sử, và mang nét nghệ sĩ thanh cao mà khoa học không thể nào làm được, nó thật là hấp dẫn đối với tôi.


 Tất cả những điều đó tưởng như chẳng thể nào có một lợi ích thực tiễn gì cho cuộc đời tôi, nhưng mười năm sau, khi bắt đầu thiết kế các kiểu chữ cho máy điện toán Apple đầu tiên, tất cả đã quay trở về lại với tôi. Và chúng tôi đã dùng đến tất cả những mẫu chữ đó trong máy. Đó là máy điện toán đầu tiên có các mẫu chữ in thật đẹp. Nếu tôi không bỏ học, tôi đã chẳng bao giờ ghi tên học lớp vẽ chữ, và máy điện toán cá nhân có thể sẽ không có được những mẫu chữ tuyệt vời như vậy. Dĩ nhiên, những sự kiện này không thể nào liên kết được với nhau khi tôi còn ở trong đại học. Nhưng mười năm sau, sự nối kết của những nhân duyên đó thật rõ ràng.


 Chúng ta không thể nào biết được những sự kiện trong đời sẽ nối kết với nhau như thế nào, chúng ta chỉ liên hệ chúng với nhau khi sau này nhìn lại thôi. Vì vậy, hãy tin tưởng rằng những điều mình làm rồi sẽ có liên quan với nhau trong tương lai về sau. Chúng ta phải tin tưởng vào một điều gì đó – vào ý chí của mình, số phận, cuộc đời, hay nghiệp quả ... bất cứ cái gì. Lối suy nghĩ đó bao giờ cũng nâng đỡ cho tôi, làm cho cuộc đời tôi thêm nhiều phong phú.”

 

 Trong tục ngữ Việt Nam thường có câu “Thất bại là mẹ thành công”, trong kinh Phật nói: “Phiền não là hột giống Bồ Đề”, chỉ khi nào thất bại, hay gặp những trắc trở, thất vọng trong cuộc đời, người ta mới tỉnh ngộ và có động cơ để chuyển hóa bản thân, hướng đến một cái gì tốt đẹp hơn. Steve đã kinh nghiệm điều đó và kể lại như sau:


 “Tôi may mắn đã tìm được điều mình muốn làm khi còn rất trẻ. Khi tôi mới 20 tuổi đã thành lập hãng Apple, trong mười năm công ty này đã thành công rực rỡ, và khi tôi 30 tuổi sản phẩm mới nhất là McIntosh đã được hoàn thành. Rồi tôi bị đuổi ra khỏi chính công ty của tôi. Người tôi tưởng là tài giỏi và mướn vào làm tổng giám đốc sau này vì bất đồng ý kiến đã tìm cách kéo ban quản trị chống lại tôi. Thế là năm 30 tuổi, tôi đã công khai bị loại trừ ra ngoài. Bao nhiêu tâm huyết bỏ vào công việc này từ đó tới nay bỗng tan thành mây khói, thật quả là một biến cố ghê gớm vô cùng.


 Ai cũng biết đến sự thất bại của tôi, đến nỗi có lúc tôi có ý tưởng muốn bỏ xứ mà đi thật xa. Nhưng rồi từ từ tôi nhận ra rằng – tôi vẫn yêu những gì tôi đã làm. Những biến cố ở hãng Apple không làm thay đổi được điều đó. Tôi đã bị chối bỏ, nhưng tôi vẫn còn yêu công việc làm này. Và tôi quyết định làm lại từ đầu.


 Lúc đó tôi không nhìn ra điều đó, nhưng sau này chính việc bị đuổi ra khỏi hãng Apple lại là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi. Sự thành công là một gánh nặng trên vai, và khi chẳng còn gì tôi cảm thấy nhẹ nhõm và bắt đầu xây dựng lại. Chính điều đó đã cho tôi sự tự do để đi vào những thời kỳ sáng tạo nhất trong cuộc đời. “

 

 Con người khi sinh ra đời thường quyến luyến thân xác mình, quyến luyến những gì có trong tay, dù đó là ít hay là nhiều, dù có giầu sang hay nghèo hèn, và không bao giờ muốn nghĩ đến cái chết, vì điều đó sẽ chấm dứt tất cả. Nhưng vô thường là một định luật của đời sống, và người ta chỉ thực sự nhận ra ý nghĩa của đời sống khi ý thức được sự hiển nhiên của cái chết. Đức Phật nói: “Trong mọi quán tưởng, quán tưởng về cái chết là tối thượng”. Steve Jobs đã sớm ý thức được điều này từ khi còn rất trẻ. Ông nói trong bài diễn văn:


 “ Khi tôi mười bẩy, tôi đọc được một câu châm ngôn đại khái như sau: “Nếu bạn sống mỗi ngày như đó là ngày chót của cuộc đời, có một ngày điều đó sẽ trở thành sự thật.” Câu nói đó đã tạo ấn tượng cho tôi, và từ đó, trong suốt 33 năm, sáng nào tôi cũng nhìn vào gương và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày chót của cuộc đời, liệu tôi có muốn làm những gì tôi sắp làm bây giờ không?” Và khi nào câu trả lời là “Không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết là tôi cần phải thay đổi điều gì đó.


 Ghi nhớ trong tâm rằng cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào là khí cụ hữu hiệu nhất giúp tôi có những quyết định lớn lao trong đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ – tất cả những kỳ vọng bên ngoài, những điều hãnh diện, những nỗi sợ hãi thất bại hay hổ thẹn – tất cả đều tan rã khi đối mặt trước cái chết, và chỉ cái gì quan trọng nhất mới còn lại mà thôi. Ghi nhớ trong tâm là cái chết có thể sắp đến với mình là phương cách tốt nhất mà tôi biết được để khỏi tự lường gạt mình là mình có cái gì để mất. Thực ra là chúng ta đã trống trơn từ nguyên thủy, chẳng có gì để mất cả. Không có lý do gì để ta không đi theo tiếng gọi của con tim mình.


 Khoảng chừng một năm trước đây, tôi được chẩn đoán là bị ung thư ở tụy tạng. Bác sĩ cho biết đây là loại ung thư không thể chữa được, và tôi có lẽ không sống quá ba hay sáu tháng. Bác sĩ khuyên tôi trở về nhà thu xếp công việc, ám chỉ là tôi hãy sửa soạn để chết. Đó có nghĩa là tìm cách nói cho con mình những điều định nói trong mười năm tới, mà chỉ còn có vài tháng để nói. Đó có nghĩa là lo liệu sao cho mọi việc dễ dàng xuôi xẻ cho gia đình mình sau này. Đó có nghĩa là nói lời giã từ.


 Suốt ngày hôm đó, tôi không ngừng nghĩ đến lời chẩn bệnh ấy . Tối hôm đó, người ta luồn một ống qua cổ họng tôi, xuyên qua dạ dầy vào trong ruột, thọc mũi kim vào tụy tạng lấy ra một ít tế bào của khối u ra thử. Tôi mê man không biết gì, nhưng vợ tôi có mặt ở đó, kể lại rằng các vị bác sĩ đã bật khóc khi thấy đây là một loại ung thư tụy tạng hiếm hoi có thể chữa khỏi bằng giải phẫu. Tôi đã được giải phẫu và khỏi bệnh.


 Với kinh nghiệm kề cận cái chết đó, có lẽ rằng tôi cũng có một chút cơ sở để nói về cái chết đối với các bạn, hơn là chỉ dựa trên một ý niệm mơ hồ của trí thức.


 Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để lên đó. Tuy vậy chết lại là điểm mà tất cả chúng ta đều phải đến. Không ai có thể tránh được nó. Và có lẽ nó phải là như vậy, vì chết có lẽ là sự sáng tạo lớn nhất của đời sống. Nó là yếu tố cho đời sống thay đổi. Nó gạt bỏ cái cũ để mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ bạn là cái gì mới mẻ, nhưng không bao lâu sau, bạn sẽ dần dần trở thành cũ đi, và sẽ phải bị xóa bỏ. Tôi xin lỗi đã nói phũ phàng như vậy, nhưng chính đó hoàn toàn là sự thực.


 Thời gian của các bạn rất hạn hẹp, vậy đừng phí phạm sống cuộc đời của người khác. Đừng rơi vào bẫy của những chủ thuyết giáo điều – có nghĩa là sống với kết quả những suy nghĩ của người khác . Đừng để những tiếng nói xôn xao của ý kiến người khác làm chìm đi tiếng nói bên trong của mình. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo con tim và trực giác của mình. Một cách nào đó, chúng đã biết được bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác đều chỉ là phụ thuộc. “

 

 Đó là những lời nhắn nhủ của Steve Jobs với các sinh viên tốt nghiệp trường đại học danh giá Stanford; hơn bất cứ cái gì, có lẽ đó là một món quà quý báu nhất làm hành trang cho cuộc đời, không chỉ cho những tâm hồn tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, mà còn cho tất cả mọi lứa tuổi. Hãy ý thức đến những hệ quả trong việc làm của mình, ý thức đến sự mong manh của cuộc đời, để sống chân thực, không trói buộc mình trong những thành kiến, những phù phiếm giả tạo thế gian, và nhất là có một niềm tin, một điểm tựa tâm linh làm con thuyền đưa chúng ta vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.



Ngc Bo


(viết năm 2006)



Tháng 10 năm 2011, Steve Jobs, một thiên tài hiếm có, một hành giả của đạo Phật, đã qua đời vì căn bệnh ung thư tái phát, để lại cho nhân loại những sáng chế tân kỳ làm thay đổi cả bộ mặt kỹ nghệ thông tin điện toán như Iphone, Ipad.., trở thành một ngọn sóng thủy triều dâng tràn trên khắp thế giới . Steve Jobs được liệt kê vào hạng những nhà phát minh tài ba nhất trong lịch sử, sáng tạo những sản phẩm có tính cách cách mạng, như Edison cho ngành điện lực, Einstein cho ngành nguyên tử v.v.. Một ngôi sao sáng đã vụt tắt trên vòm trời đen tối của thế giới đang đầy những bất trắc, nhưng cuộc đời, nhân cách và trí tuệ ông để lại đã là một niềm hứng khởi. là tấm gương sáng cho lớp trẻ hậu học noi theo. Steve Jobs đã xả bỏ báo thân để trở về chốn không cùng, nhưng một ngày nào đó, một Steve Jobs khác sẽ trở lại trên thế gian này, để tiếp tục những công trình cải tiến cho nếp sống nhân loại.


(Đầu thu, tháng 10/ 2011)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc