TỔNG TRÌ - Ngọc Bảo

30 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 87165)


ancient_chinese_girl-content

Tổng Trì


(Phần Thịt)

 


 Thế kỷ thứ sáu ở Trung Hoa là một thời kỳ nhiễu nhương với nội chiến, không có một đế chế nào tồn tại lâu dài. Tổng Trì là một công chúa, con của một vương phi với một vị hoàng đế chỉ trị vì trong một thời gian ngắn.

 


Từ nhỏ Tổng Trì đã được dạy dỗ theo nề nếp gia phong của đạo Khổng, biết hiếu đễ với cha mẹ, biết tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới. Mẹ Tổng Trì xuất thân từ miền Bắc, có tâm hồn yêu thiên nhiên theo ảnh hưởng của đạo Lão. Từ khung cửa sổ cung điện họ thường nhìn ra phía xa, nơi rừng thông ẩn hiện trong làn sương mờ ảo, và đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng lấp lánh trong những ngày mùa đông. Ở phía dưới thấp các cây cối như những cây thông, cây bách, cây mận v.v.. đã bị chặt để lấy củi đốt. Khi mùa xuân đến những cơn bão bất ngờ ập tới khiến sườn đồi trần trụi bị sập lở, tràn xuống phía dưới như thác lũ.


Những ngày mùa hè khu đồi phía xa mờ đục trong ánh nắng, Tổng Trì ngắm nhìn lũ con trai ở ngoài chơi trò thả diều. Trông chúng hoàn toàn khác biệt với cô. Một bên là quần là áo lụa, mũ gấm, hài thêu, một bên là quần áo bằng vải thô, đi giầy rơm. Hai thế giới khác biệt, cách nhau bởi một lằn ranh giới nghiêm ngặt và kiên cố như bức tường của hoàng cung.


 Đôi khi nhịp điệu đều đều trong cung điện bị phá vỡ bởi tiếng vó ngựa, tiếng người kêu từ một đội quân từ đâu phóng về. Họ mang gươm giáo, cung tên, mặc áo giáp trận, đội mũ sắt có giải da dài xuống, trông như những con người vô hình, không diện mạo dưới lớp trang bị đó. Ngay cả những con ngựa cũng mặc áo giáp. Sự xuất hiện của họ khiến dân chúng đều dạt sang một bên, cúi đầu mắt nhìn xuống đất. Họ cũng lại là một thế giới khác - một thế giới có định vị rõ ràng, bất khả xâm phạm.


Thân phụ của Tổng Trì tên là Vũ; ông là hoàng đế của Lương triều trong một thời kỳ xáo động và binh biến. Không xa lắm trên phía bắc là một triều vua khác, một hoàng đế khác. Một đất nước chia đôi với hai vương quốc riêng biệt, nhưng không khác biệt nhau trong những mưu đồ chính trị liên miên tiếp diễn cho những tham vọng vô cùng tận của con người.


Năm mươi năm trước, có một vị vua cũng tên là Vũ đế đã tìm mọi cách để triệt hạ đạo Phật lúc đó đang nhanh chóng lan tràn, đầu tiên bằng những luật lệ giới hạn khắt khe, sau cùng bằng những vụ bắt bớ giam cầm, xử tử. Nhưng rồi vị vua Vũ này qua đời, và đạo Phật từ từ lan dần ra đến tận các vùng nông thôn. Kinh sách được dịch ra và chép lại. Nhiều kinh sách khác được thỉnh về từ Ấn độ, nhiều vị thầy xuất hiện, cho đến khi giới tăng lữ lên đến cả vạn người, sinh hoạt âm thầm dưới bóng đen đe dọa của chiến tranh.


 

Khi phụ thân của Tổng Trì lên ngôi vua, ông đổi đạo từ đạo Lão sang đạo Phật, cấm rượu thịt trong cung điện, bắt tất cả đều ăn chay, và ra lệnh phá hủy những đền thờ của đạo Lão. Mỗi năm, Lương Vũ Đế đều nhiều lần thỉnh mời các tăng ni và giới cư sĩ đến dự những buổi pháp hội, trong đó ông ân xá cho tù nhân và làm những đàn tràng thuyết pháp, giảng nói về kinh Phật. Triều đình còn đặc cách miễn thuế và tài trợ cho những tăng sĩ và chùa chiền mới lập. Đó là một thời kỳ Phật giáo được ban nhiều đặc quyền nhất. Cùng với sự phát triển của đạo Phật, đạo tâm của Tổng Trì cũng phát triển theo thời gian, qua những cơ hội được tiếp cận với Phật pháp trong triều đình. 


 Tổng Trì rất siêng năng đi nghe giảng Pháp. Cô thường lẻn vào phía sau, núp bóng dưới tà áo dài của những mệnh phụ trong triều, chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối. Cô bị thu hút bởi những lời kinh tiếng kệ, những khuôn mặt từ hòa, không khí trang nghiêm ở nơi đó.


Cô được nghe giảng về Giới Luật, cảm thấy hoàn toàn hợp lý như những nguyên tắc đạo đức mà cô từng được dạy dỗ; cô đã gặp hai vị ni sư từng đốt ngón tay phải để cúng dường; cô nghe kể về tượng Phật lớn được tạc từ núi đá bên dòng sông Dương Tử. Cô được nghe kinh Bát Nhã Ba La Mật do ba vị tăng đứng tụng liên tiếp, không có một chút ngưng nghỉ nào.


Mùa xuân nọ, một pháp hội được tổ chức trên công viên gần hoàng cung. Lúc đó, cô đã trở thành một thiếu nữ đến tuổi cập kê, nhưng vẫn tìm mọi cách để tránh né việc lập gia đình, cố thu nhỏ mình lại để không ai để ý đến mình. Chuyện này cũng không có gì khó khăn trong khung cảnh đông đúc đầy cạnh tranh của một nội cung toàn là phụ nữ.


Trong ba ngày liền công viên đầy ắp những người, tăng ni và cư sĩ lẫn lộn với nhau không có chút phân biệt. Tổng Trì ngắm nhìn những nhóm nhỏ ni cô đi với nhau, di chuyển âm thầm như những con mèo giữa đám đông. Trên những cành cây đầy hoa nở rộ, những con chim hoàng yến cất tiếng hót líu lo, phướn cờ bay phất phới bên những hàng đèn lồng mầu bạc – tạo nên một phong cảnh tuyệt vời, với hình ảnh cung điện từ xa lấp lánh những ánh sáng từ bậc thang bằng cẩm thạch. Những tay áo rộng phất phới phản chiếu trên mặt hồ gợn sóng lăn tăn theo cơn gió, tiếng ồn ào của những lời giảng, tiếng bàn cãi và âm thanh của những nghi lễ tôn giáo lấp đầy không gian. Buổi tối, đám ngự lâm quân thắp sáng những ngọn đèn lồng mầu bạc, chiếu những mảng ánh sáng mầu vàng lên khung trời sẫm tối. Trong một vài thoáng chốc, sự phân biệt giai cấp kiên cố mà cô đã quen sống xưa nay bỗng nhiên tan biến đi như sương sớm ban mai. Tất cả đều là một với nhau, và một cũng là tất cả.

 

 

Trong âm thầm, chí nguyện của cô tăng trưởng dần, cho đến khi nó trở thành một ước muốn duy nhất. Khi cô được 19 tuổi, sớm hơn tuổi thông thường một năm, Tổng Trì xin mẹ cho phép xuất gia. Mẹ cô lại phải xin với hoàng đế, và được ông hoan hỉ đồng ý. Ngay lập tức, cô được gởi đến một tu viện dành cho những phụ nữ quý tộc.

 

Trong lễ thế phát, ni thệ nguyện gìn giữ và hành trì giới luật suốt đời, trong đó có những giới luật nghiêm ngặt dành cho ni giới. Nhưng điều ấy không khó khăn gì đối với ni; có những giới luật không bắt buộc, và cũng có những giới luật dễ dàng tuân theo, bởi vì không có cơ hội nào để vi phạm cả. Các ni cô học và chép lại những bản kinh trên những cuộn giấy dài, làm việc lau chùi quét dọn những bức tượng nhiều vô số ở trong chùa. Đời sống nhàn nhã không có mấy kỷ luật khắt khe, với nhiều tiện nghi thoải mái, sự tu tập thiên về nghi lễ hình thức hơn là tìm hiểu nghĩa lý cốt yếu của đạo Phật. Sau một ít năm ni đã nhận ra được sự khiếm khuyết của phụ vương trong sự truyền bá đạo Phật –hậu quả là đối với cả triệu người nông dân của Trung Quốc, tôn giáo mới mẻ này chỉ đem lại những khốn khó, nghèo khổ và mất mát.

 

 

Hầu hết những vị sư Phật giáo thời bấy giờ không chịu làm việc; lấy cớ rằng luật lệ không cho phép họ làm như vậy. Nhiều người xuất gia vào chùa thật ra chỉ là để trốn thuế.

 


Những công trình xây dựng chùa chiền mà vua Lương Vũ Đế đề xướng và nhiều người nhiệt tình ủng hộ đã đòi hỏi nhiều nhân lực đến nỗi người dân bị xung công cưỡng bách lao động. Mỗi một ngôi đại tự cần đến cả một khu rừng để lấy gỗ. Ruộng đất bị các chùa chiền chiếm hữu, và những đồng ruộng còn lại thiếu người cầy cấy vì các nông dân làm việc đồng áng đã bị bắt đi xây dựng chùa chiền. Đôi khi có những chùa còn bắt những tử tội về làm nô lệ cho chùa, và còn bị trao lại trong di chúc như những đồ vật sở hữu. Các tự viện rộng lớn đến nỗi trở thành những thành phố nhỏ, cai quản cả những làng mạc xung quanh để canh tác những vườn cây ăn trái và canh nông gia súc trong các đồng cỏ. Trẻ con trong làng bị bắt vào chùa từ lúc còn ấu thơ và trở thành những chú tiểu nhỏ làm việc tạp dịch trong tự viện. 

 


Tất cả những chi phí lớn lao này đều được tài trợ bằng sự chiếm hữu tài sản, bằng sự cho vay nặng lãi và bắt lấy công trả nợ, bằng sưu cao thuế nặng. Những cơ sở Phật giáo đã biến thành một sản phẩm cung đình - một tổ chức lớn lao nặng nề và vô dụng, đầy uế trược như đất bùn.

 


Trước tình trạng đó, Tổng Trì đã tỉnh mộng, không còn tin vào những ảo tưởng xưa nay. Ni rời ngôi tự viện lộng lẫy với những bức tượng cẩn ngọc trai, những chuông bằng bạc, và ra đi bước trên đường phố, theo dõi, lắng nghe… chờ đợi.

 


Nhiều năm trước khi Tổng Trì ra đời, một vị hoàng tử xứ Ấn đã xuất gia tu tập với một vị Tổ chân truyền tiếp nối từ thời Đức Phật. Vâng lệnh thầy, ngài đã lặn lội đường xa đến tận Trung Hoa để hoằng dương chánh pháp. Đầu tiên ngài đến miền Nam, vương quốc của Lương Vũ Đế, rồi sau đó vượt sông Dương Tử, bỏ đi lên miền Bắc, vào ngôi chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn thuộc Bắc Ngụy. Ngài đã ở đó một thời gian lâu dài, quay mặt vào vách đá thiền định. Phong cách của bậc thánh nhân kẻ phàm phu không thể nào hiểu được. Người ta xì xào đồn đại về sự hiện diện của ngài, về thái độ im lặng trước những câu hỏi và lời thỉnh triệu của hoàng đế.

 


Những câu chuyện đồn đại đầu tiên phát ra từ giới tăng lữ triều đình, rồi được những người đi hành hương lan truyền khắp nơi từ tỉnh nọ đến tỉnh kia. Ai cũng nghe nói đến Bồ Đề Đạt Ma – với diện mạo độc đáo, thân hình cao lớn, những lời nói nhát gừng không kiêng nể đối với những vị quý tộc, những người nắm trong tay tính mạng của người khác. Khi ni còn bé, sư đã được thỉnh đến triều đình của phụ vương, và câu trả lời của ngài đối với những câu hỏi đưa ra làm cho hoàng đế hoang mang, bối rối vì không hiểu được ý nghĩa trong đó. Sư được coi như một hiện tượng, nhưng ít ai có thể tiếp cận được với ngài. Những thơ mời thỉnh giảng pháp, hay tham dự những buổi hội luận gởi đến đều bị ngài từ chối không trả lời.

 


Tổng Trì đã vượt dòng sông dọc biên giới hai nước để đi đến Loyang, một thị trấn Phật giáo với khoảng nửa triệu người dân đang sinh sống. Ni đến vừa đúng lúc đang có lễ hội Phật đản, thường được cử hành mỗi năm vào ngày mùng 8 tháng tư. Một đám đông đang reo hò khi những vị sư dùng nước tưới lên người tượng Phật Thích Ca nhỏ bé. Dân chúng chiêm ngưỡng những bức tường hoa, những chiếc lọng, phướn cờ bay phất phới trong ánh nắng êm dịu của mùa xuân. Những đám mây hương tỏa ra khắp nơi trong không khí rộn ràng. Mọi người vui vẻ cười nói với những bó hoa ôm đầy trên tay, đường phố đông đúc đến nỗi đi bộ trong đó chỉ có thể di chuyển theo làn sóng người.

 


Với tư cách một công chúa, Tổng Trì đến ngụ tại một tự viện ni là Ngọc Quang ở phía bắc đại lộ Hoàng Gia, không xa cung điện. Ni chúng ở đấy có nhiều người thuộc gốc quý tộc, hay là những quý phi trước đây. Đó là một ngôi chùa đẹp có tháp 5 tầng, với 500 phòng được trang trí sang trọng với những cánh cửa sơn son và những khuôn cửa sổ chạm trổ thật tỉ mỉ. Khuôn viên chùa trồng toàn những loại cây và hoa hiếm quý. Những lối đi và tường đá dùng nhiều gạch đến nỗi người ta phải đào cả một vùng đất đá để cho vào lò nung. Ngay cả những đinh đóng trên tường cũng làm bằng vàng, và tượng Phật bằng đồng quý cân nặng đến cả ngàn cân Anh.

 


Cơ may run rủi, hay vì một nhân duyên tiền định nào đó, Tổng Trì đã gặp được Bồ Đề Đạt Ma. Lúc ấy ngài đang ngồi với vài người đệ tử, dưới gốc cây trong một khu vườn ở Loyang. Nét mặt đăm chiêu, nghiêm khắc, ngài đang nói chuyện nhỏ giọng, và khi thấy một ni cô lặng lẽ đến ngồi nghe, ngài cũng chỉ liếc nhìn rồi tiếp tục câu chuyện. Một trong những đệ tử của ngài chỉ có một cánh tay.

 

Khi họ đứng lên và từ từ bước về một tự viện ở gần đó, ni cũng đi theo.

 


Bồ Đề Đạt Ma là người có uy dũng, không biết sợ một thế lực nào, cũng không màng đến những chuyện thị phi và địa vị thế gian. Ngài hoàn toàn phóng khoáng không cần để ý gì đến lễ nghĩa. Có thể ngài không biết Tổng Trì là con Lương Vũ Đế, và dù cho ngài có biết, điều đó cũng chẳng quan trọng đối với ngài. Tổng Trì không bao giờ dám ngỏ lời xin ở lại với ngài, biết rằng giới luật không cho phép một vị tăng được gần cận với phụ nữ - và cũng biết rằng, phép tắc của Khổng giáo cũng không bao giờ cho phép một phụ nữ được hành xử ngang hàng với nam giới. Phật giáo tuy nói rằng nam hay nữ đều có Phật tính, đều có thể giác ngộ như nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bình đẳng trong thực tế cuộc đời. Nam và nữ không thể tuỳ tiện sống lẫn lộn với nhau, có khi còn bị xử phạt nếu làm điều đó nữa. Nếu Bồ Đề Đạt Ma bảo ni rời khỏi nơi đó, ni chắc chắn phải làm theo – nhưng ngài đã chẳng nói gì, và như thế ni cứ ở lại. Ba vị tăng đi cùng với ngài cũng chỉ yên lặng nhường thêm một chỗ cho ni trong vòng đệ tử nhỏ bé đó. Nếu có đến ngôi chùa nào trên bước đường du hành và ở lại đó một vài đêm, ni cũng chẳng bao giờ nghe có lời than phiền gì đến Tổ về việc đem một ni cô theo cùng. Có lẽ không ai dám tỏ lời than phiền với một đại tăng siêu phàm đã dám từ chối một vị hoàng đế mà vẫn được tự do tự tại.

 


Ni nhập vào chúng đệ tử của thánh tăng, sống cuộc đời đạm bạc bần hàn, mặc quần áo vải thô, ăn đồ chay tịnh, theo thời biểu nghiêm ngặt mỗi ngày. Họ không bao giờ dừng chân lâu ở một chỗ, mà thường đi chu du qua những đường phố, đôi khi ra vùng ngoại thành sống giữa những người nghèo khổ nhất, những nông dân từ quê lên tỉnh hi vọng kiếm được một việc làm. Họ ngồi thiền trước những bức tường trong thành phố, hay trước những vách đá trong hang, trên đỉnh núi cheo leo. Có một năm, họ đi về phía bắc và ngắm nhìn bức Vạn Lý Trường Thành đang trong công trình xây cất từng phần, bức tường đá kéo dài cả vạn dặm như kéo dài đến vô tận. Họ nhìn những người lao công cưỡng bách đầm đìa mồ hôi và nước mắt, nai lưng ra làm những việc nặng nhọc xây dựng bức tường qua những ngọn đồi sương phủ, và im lặng ngồi thiền bên cạnh đó một lúc lâu.

 


Tổ nói, “Chân tính thường không hiển lộ vì bị cảm xúc và si mê che khuất. Phải quay mặt vào vách bích quán, soi chiếu tâm thấy sự vô ngã của ta và người, sự đồng nhất của Phật và chúng sanh – khi tâm đạt đến sự bất động, không còn vướng mắc trong vọng tưởng, sẽ có thể ngộ được lý đạo.” Họ không nói chuyện với nhau nhiều, nhưng sống nương dựa vào nhau. Huệ Khả, người cụt mất một tay, đã là đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma từ khi ngài còn ở chùa Thiếu Lâm; ông có vẻ vui tính, trái ngược với sự nghiêm khắc của Tổ. Đạo Phó là người hay nói; còn Đạo Dụ thâm trầm triết lý. Họ là bạn đồng tu, đồng hành với nhau.

 


Tổng Trì từ nhỏ đến lớn sống khép kín trong bốn bức tường – trong nội cung, trong hoàng cung, trong một thế giới riêng biệt và một vai trò riêng biệt. Giờ đây ni đang ở ngoài vòng cương tỏa - vượt ra ngoài địa vị, vị trí và đôi khi, cả thân phận nữ nhi của mình. Không còn những căn phòng nhỏ bé với trướng rèm bao phủ, giờ đây thế giới của ni là khoảng trống mông mênh với đồng ruộng chung quanh, những đám mây đen vần vũ trên trời và những lối mòn dốc leo lên núi. Trước kia ni đã được giáo dục cẩn thận về vai trò và mục đích cho cuộc sống thế gian của mình, giờ đây ni không thấy có mục tiêu nào hơn là sự giải thoát cho chính mình.

 


“Muốn tìm Phật, chỉ cần thấy Tánh của mình. Tánh tức là Phật. Phật là người tự tại, vô sự, vô tác. Nếu không thấy Tánh của mình mà cứ mải mông lung tìm kiếm ở ngoài, sẽ chẳng bao giờ thấy được Phật,” Tổ Đạt Ma đã dạy như thế. Đó mới thực là gốc của Đạo. Những việc làm như xây chùa dựng tháp, in kinh, niệm Phật, cúng dường v.v.. đều chỉ là tạo phước, như thuốc thoa bên ngoài, không chữa được căn nguyên của vô minh phiền não, không thoát được luân hồi sinh tử. Phụ vương của Tổng Trì đã sai lầm khi tưởng đó là công đức, chạy theo hình tướng hữu vi, lâm vào mê hồn trận của những nghi thức và chữ nghĩa kinh điển mà không biết soi sáng chính mình, lại còn gây thêm nghiệp khi xử dụng mọi tài nguyên và nhân lực của đất nước vào việc tạo quả phước.

 


Biết được tự tánh của chính mình là biết được nền tảng không sinh không diệt, không thêm không bớt, không được không mất ngay nơi tự thân và không còn bị chao đảo với những biến thiên đến trong cuộc đời. Không những thế tánh ấy còn sinh động và uyển chuyển hiển lộ trong khắp pháp giới. Tổng Trì đã trở thành con người tự do tự tại, không còn so đo phân biệt những gì cao hay thấp, trong hay ngoài, không còn thấy ranh giới giữa cái “ta” và cái “ngoài ta”.

 


Một ngày nọ, bất ngờ không báo trước gì cả, Tổ triệu tập các đệ tử lại và muốn họ trình kiến giải. Ngài nói:


“Nay ta đến lúc sắp phải ra đi trở về Tây phương (xứ Thiên Trúc Ấn độ), vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình xem thế nào?”

 

Đạo Phó bước ra nói ngay: “Theo chỗ thấy của con, muốn đạt Đạo chẳng nên chấp vào văn tự chữ nghĩa, nhưng cũng không lìa chữ nghĩa văn tự.”


Tổ nói: “Con đã được lớp da của ta.”


Đến phiên Tổng Trì đến trước mặt Tổ, cung kính nói: Cái thấy của con là niềm hỷ lạc tuyệt vời khi ngộ nhập cảnh giới Phật A Súc Bệ, chỉ một lần là đủ, không có lần thứ hai”.


Tổ nói: “Con được phần thịt của ta”.


Đạo Dụ bước ra bạch: “Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng có, cái thấy của con là không thấy có pháp nào để mà đắc”.


Tổ nói: “Con đã được phần xương của ta.”


Cuối cùng đến phiên Huệ Khả, sư chỉ bước đến cúi lạy Tổ thật sâu và chậm rãi, rồi đứng qua một bên, không nói một lời.


Tổ nói: “Con đã được cốt tủy của ta rồi”.



Sau đó, Tổ trao lại y áo, truyền cho Huệ Khả làm người tiếp nối chánh pháp:


“Xưa Như Lai trao Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục trao truyền đến ta. Nay ta trao lại cho con, phải giữ gìn cẩn thận, luôn với áo cà sa để làm tin vật. Áo cà sa này và bài kệ sau đây sẽ là bằng chứng cho sự truyền thừa của ta:


 Ngô bổn lai tự thổ

 Truyền pháp cứu mê tình

 Nhất hoa khai ngũ diệp

 Kết quả tự nhiên thành


Dịch:

 Ta đến đây với nguyện

 Truyền pháp cứu người mê

 Một hoa nở năm cánh

 Kết trái tự nhiên thành”

 


Từ Tây Thiên bậc thánh tăng Bồ Đề Đạt Ma đã lặn lội muôn ngàn dặm sang Trung Quốc để hoằng dương Chánh Pháp, sau nhiều năm bôn ba xuôi ngược, chín năm diện bích đợi người xứng đáng nối đuốc truyền đăng, đệ tử của ngài chỉ vỏn vẹn có 4 người, nhưng hạt giống Thiền đã được gieo trồng và sau năm đời truyền thừa đến đời Lục Tổ Huệ Năng sẽ đơm hoa nở rộ, kết trái sung mãn.

 


Như Long Thọ nói : « Giới hạnh là Da, Thiền Định là thịt, Trí tuệ là xương, Diệu Tâm là tủy » , đó là cách định giá sở đắc của đệ tử về Thiền mà tổ Đạt Ma đã dùng. Đạo không ở ngoài con người, vì tất cả đều do tâm tạo ra. Cốt tủy của Đạo là không thể nghĩ bàn, chỉ có thể cảm nhận được bằng trực giác. Tổng Trì và ba đệ tử hiếm hoi của Tổ cùng nhau tu tập dưới trướng ngài, mỗi người có một nét độc đáo riêng, lãnh hội những sở đắc riêng thật quý báu không ai khác có thể biết được.

 


Tình hình lúc ấy đang trong thời kỳ hỗn loạn, binh biến nổi lên ở biên giới, nông dân bị bắt lính khiến đồng ruộng bỏ hoang. Trong khi đó xã hội càng ngày càng phân hóa, giới quý tộc xa hoa giầu có giam mình trong những cung điện nguy nga, tách rời khỏi đại đa số dân chúng sống trong cùng khổ và áp bức. Nền kinh tế càng ngày càng lụn bại khiến vị tổng trấn Loyang phải đem những tượng Phật bằng đồng ra nấu để đúc thêm tiền. Rồi giặc Erzhu đến tấn công tàn sát giới quý tộc, tràn vào chùa Ngọc Quang cướp bóc hãm hiếp, vơ vét những đồng tiền bằng đồng, bằng bạc. Không bao lâu sau, lợi dụng tình thế lộn xộn, giới quân sự nổi lên cướp chính quyền, triều đình tan rã, thành phố cũng hoang tàn theo.

 


Một ngày nọ Tổ gọi các đệ tử lại dặn dò, cảnh báo những biến đổi vô thường sắp đến. Tất cả là những thử thách phải vượt qua, như bức tường trước mặt phải đối diện. Tổ đến Trung Quốc có nhiều kẻ ganh ghét đã tìm đủ cách để hãm hại ngài – nay nhiệm vụ đã hoàn tất, đã đến lúc ngài phải ra đi. Tổ nói:


“Hãy nhẫn nại chịu đựng những nghịch cảnh xẩy đến với mình. Phải tự nhủ rằng: qua vô lượng số kiếp ta đã bỏ gốc theo ngọn, sống si mê qua biết bao cõi luân hồi sinh tử và gây biết bao điều tội lỗi. Nay tuy không làm điều gì xấu, nhưng ta cũng bị báo ứng bởi những điều ác trong quá khứ. Ta chấp nhận chúng bằng tâm rộng mở không có chút oán than, bởi vì tất cả là theo đúng luật nhân quả. Hãy biết rằng mọi sự trên đời này đều do nhân duyên kết thành, nên sống Tùy Duyên, thuận theo những gì đến và đi, giữ cho tâm bất động trước những ngọn gió chao đảo, như bức tường kiên cố trước mặt.”

 


Ngài nhìn quanh các đệ tử lần chót, khẽ gật đầu rồi bình thản nhập định. Sau khi ngài viên tịch, bốn đệ tử an táng ngài trên núi Hùng Nhĩ. Từ đây mỗi người một phương trời, Huệ Khả đi về thành phố Ye, Đạo Phó và Đạo Dụ ra đi phiêu bạt về một nơi chốn nào đó, và Tổng Trì đi về phía tây.

 


Thênh thang một cõi vô định, bốn bể là nhà, Ni đi qua những cảnh đời dâu biển như ngao du trong cõi mộng. Những đám mây đen nghịt đưa cơn bão tới rồi bay đi, bầu trời trong sáng một thời gian rồi bão lại kéo đến, cứ thế cuộc đời thăng trầm qua những biến đổi. Có một lần, Ni gặp lại Huệ Khả. Ông đã xuống núi, cởi bỏ lớp áo cà sa hòa lẫn vào đám người thường dân nơi phố thị. Ông là người vui vẻ, được nhiều người yêu mến – họ gặp nhau và chia tay như những người bạn cũ. Có nhiều tin đồn đại về việc có người đã trông thấy Tổ Đạt Ma trên con đường núi đi về hướng Tây Thiên v.v.. nhưng Ni đã không bao giờ gặp lại ngài.

 


Thời gian trôi qua để lại nét phong trần trên da mặt rám nắng của Tổng Trì. Ni đi chu du khắp nơi, hòa mình với trời đất, nắng gió thiên nhiên. Một ngày nọ ni đến viếng thăm những hang động nằm trong một núi đá vôi dọc bờ sông Yi. Hang động này trước đây phụ vương ni đã bảo trợ để làm thành một bảo tàng Phật giáo. Cả ngàn tượng Phật được khắc thật mỹ thuật trên những vách đá. Không biết bao nhiêu người đã bỏ ra cả mấy chục năm lom khom trên những vách đá cheo leo để đẽo tạc những ngón chân của một tượng Phật khổng lồ. Có một hang động với cả ngàn những hình tượng tí hon, tạo thành một thế giới đặc biệt nhỏ bé đầy sinh động – và có những tượng Phật khổng lồ cao hàng mấy chục bộ, sừng sững trên hàng mấy trăm bậc thang đá đi xuống tới tận bờ sông. Ni thích giòng sông mênh mông tĩnh lặng, nhưng không thích những tượng đá này. Phụ vương đã mất. Tổ sư đã mất. Những người thợ khắc tạc những tượng đá này cũng đã mất. Vách đá tự nó cũng đã đẹp sẵn, như Phật đã sẵn hoàn hảo. Tại sao phải khắc tạc một điều gì trên một vách đá đã toàn bích? Tại sao phải phung phí sức lực và sinh mạng của bao nhiêu ngàn người?

 


Thời gian sau đó, ni đến một ngọn núi đá hoa cương, có thung lũng xanh rì bên vách đá cheo leo, có dòng suối nước nóng phả khói mờ lên những cây phủ đầy tuyết trên cành. Về phía đông bên kia là những đỉnh núi cao trùng điệp như chọc thủng trời cao. Phong cảnh nước biếc non xanh hữu tình và thanh thoát như cảnh thần tiên.  Ni quyết định ở lại với ngọn núi, với vách đá ở đây, như đã có Phật ở đó. Rồi dần dần có những người đến xin làm đệ tử, tập ngồi thiền diện bích hàng giờ quay mặt vào vách đá, vào cụm cây, vào bức tường đá hay đất. Ni không chú trọng đến những nghi thức giáo điển, chỉ bảo họ chuyên chú vào một điều – “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.”

 


Triều vua tiếp theo, cũng lại là một triều vua Vũ, ra lệnh triệt tiêu Phật giáo, phá hủy tất cả những đền thờ, chùa chiền, tượng Phật, kinh sách lưu hành trong nước, bắt tăng ni phải hoàn tục. Thời hưng thịnh đã qua, nhường chỗ cho thời kỳ tận mạt của Phật giáo. Nghe những câu chuyện kể, ni chỉ nói: “Da thịt, xương tủy của chúng ta là một phần của pháp giới bao la này, và sẽ vận hành như sự vận hành của trời đất.”

 


(Trích Danh Ni Truyện)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
hoa_cuc